Thursday, April 26, 2018

10 PHIM GANGSTER XUẤT SẮC MỌI THỜI ĐẠI !

Trong thế giới điện ảnh Hollywood, thể loại phim chuyên khai thác đề tài tội phạm và các băng nhóm xã hội đen luôn là mảnh đất hấp dẫn cho các đạo diễn “tung hoành”.

Dòng phim này được gọi là phim gangster, vốn lôi cuốn công chúng vì sự dính líu tới tội ác của những ông trùm khét tiếng.

Những bộ phim gangster giai đoạn thập niên 30 trở về sau hầu hết đều lấy chất liệu từ các hoạt động phạm pháp trong giai đoạn Prohibition, là khoảng thời gian cấm việc sản xuất và buôn bán các đồ uống có liên quan tới rượu ở Mỹ từ 1920 đến 1933.

Đề tài về tội phạm đã cho ra đời những kiệt tác xuất sắc mọi thời đại, đó là những bộ phim không đơn thuần nói về những vụ chết chóc, giết người, mà còn phản ánh nhiều tầng lớp cảm xúc đa dạng và cuộc sống của các nhân vật.

1. Little Caesar (1931)
Đây được xem là bộ phim gangster đầu tiên đánh dấu giai đoạn hoàng kim của điện ảnh Hollywood. 

Phim kể về tên tội phạm đường phố Enrico Bandello và hành trình “thăng tiến” trong thế giới ngầm để trở thành một trong những tay tội phạm khét tiếng nhất.
“Little Caesar” đã đưa diễn viên Edward G. Robinson trở thành ngôi sao khi thủ vai trùm Rico Bandello đầy xuất sắc.

Nhân vật Enrico này cũng nằm trong nhóm 100 nhân vật phản diện ấn tượng nhất của điện ảnh và “Little Caesar” cũng nằm trong top 10 phim gangster hay nhất do Viện Phim Mỹ bình chọn.

2. White Heat (1949)
Bộ phim được sản xuất năm 1949 của đạo diễn Raoul Walsh. “White Heat” xoay quanh nhân vật Cody Jarrrett, một trùm tội phạm bị loạn trí, khi ở bên mẹ của mình, hắn cư xử như một đứa trẻ, nhưng khi thực hiện những hành vi tội phạm, hắn trở thành kẻ điên cuồng nhất.

Dù nhân vật Cody Jarrett trong bộ phim là hư cấu nhưng ít người biết được rằng của bộ phim dựa trên một sự cố có thực. 

Nhân vật này cũng là một trong 100 nhân vật phản diện kinh điển của điện ảnh.

 Đồng thời, “White Heat” được xếp vào danh sách 10 phim gangster hay nhất do Viện Phim Mỹ bình chọn.

3. Bonnie and Clyde (1967)
Năm 1967, bộ phim Bonnie & Clyde ra đời đã tạo một bước ngoặt lớn cho lịch sử phim gangster của Mỹ. 

Những tội ác kinh thiên động địa và cái chết nhuốm màu sắc bi tráng của Bonnie và Clyde, 2 nhân vật có thật ngoài đời, đã tạo cảm hứng cho nhà biên kịch Davis Newman và Robert Benton đưa câu chuyện lên phim.

Bộ phim đã vượt qua nhiều giới hạn trong điện ảnh trước đây của Hollywood.
Nó phá vỡ nhiều điều cấm kỵ và được thế hệ trẻ lúc ấy ưa chuộng. Bộ phim thẳng thắn trong việc xử lý dục tính, khắc họa tội phạm một cách gợi dục và đan xen với tình dục.

Thành công của bộ phim thúc đẩy các nhà làm phim Mỹ mạnh dạn đưa sex và bạo lực vào trong các bộ phim sau này.

Phim đã được đề cử ở hạng mục Phim hay nhất tại giải Oscar. Bộ phim đã được đề cử tổng cộng 10 giải Oscar và có doanh thu “khủng” ở thời điểm bấy giờ: 70 triệu USD trên toàn thế giới.

4. The French Connection (1971)
Khi nhắc đến The French Connection của đạo diễn William Friedkin thì không thể bàn cãi về mức độ hùng tráng của bộ phim, những cuộc rượt đuổi được diễn ra liên tục đến kinh ngạc, và hầu hết mọi diễn viên đều thể hiện rất xuất sắc.

Bộ phim kể về hai cảnh sát Hoa Kỳ phải đi truy đuổi một gã thương gia thực chất trùm ma túy khổng lồ từ Pháp sang New York. 

Giữa những trận quyết đấu một sống một còn của cảnh sát với bọn xấu, phim còn có cảnh truy đuổi bằng xe hơi không thể nghẹt thở hơn và được xếp vào hàng kinh điển.

Cảnh phim này kéo dài năm phút được dựng song song, một tuyến truyện nhân vật cảnh sát Popeye phải dùng ô tô tìm mọi cách đuổi theo con tàu cao tốc đang phóng băng băng ở làn đường trên.

Đây là bộ phim đầu tiên xếp loại R (cấm trẻ em dưới 17 tuổi) nhận được giải Oscar cho Phim hay nhất.

5. The Godfather (1972)
Không chỉ được tôn vinh là bộ phim xã hội đen xuất sắc nhất, bộ phim chuyển thể thành công nhất, mà trên hết, The Godfather còn là một bộ phim vĩ đại nhất mọi thời đại.

Lấy bối cảnh từ năm 1945-1955, xoay quanh một gia đình mafia người Mỹ gốc Ý ở thành phố New York - gia đình Corleone, phim đã tái hiện một cách xuất sắc thế giới mafia với tất cả những mưu lược, tính toán, sự tàn bạo, đau thương cũng như tình cảm gia đình và tình yêu trong đó.

Đã có thời điểm phim đạt doanh thu cao nhất mọi thời đại. “Bố già” giành được 3 giải Oscar cho Phim, Nam chính và Kịch bản xuất sắc nhất.

Một lý do nữa để bạn nên xem “The godfather” là bởi trong đó có câu thoại kinh điển mà nếu như người đàn ông có thể nói một lần và thực hiện một lần trong đời: "Tôi sẽ đưa ra lời đề nghị mà hắn không thể chối từ" (I'm going to make him an offer he can't refuse).

6. Scarface (1983)
Đạo diễn Brian De Palma đã có một tác phẩm để đời về cuộc đời của Montana - một người ngoại quốc di cư đến Mỹ hồi năm 1980 và trở thành một nhân vật “cộm cán” trong giới những kẻ buôn bán ma túy ở thành phố Miami.

Với diễn xuất tuyệt vời, Al Pacino đã tỏa sáng trong vai diễn Tony Montana - tên tội phạm lưu vong vừa đáng khinh nhưng lại rất đáng thương.

Phim là câu chuyện đầy bạo lực, khủng khiếp nhưng cuối cùng lại trở nên đẹp lạ thường. “Scarface” nằm trong top 10 bộ phim gangster hay nhất do Viện Phim Mỹ bình chọn.

7. Once Upon a Time in America (1984)
Bộ phim của đạo diễn Sergio Leone kể về biên niên sử cuộc đời của gã gangster Do Thái David "Noodles" Aaronson cùng với bạn bè và đàn em của mình từ những năm 1920 cho đến 1968.

Được mệnh danh là “bản ballad buồn của thế giới gangster”, “One Upon a Time in America” là một câu chuyện sử thi về tình yêu, tình bạn thuở ấu thơ, sự phản bội, mất mát, bạo lực và tham vọng.

Có thể nói, điểm giá trị nhất và những gì hay nhất của bộ phim là những cảnh hồi tưởng, khi các nhân vật chính thời niên thiếu.

Cho đến nay, bộ phim cuối cùng của Sergio Leone vẫn luôn được ca ngợi là một kiệt tác trong lịch sử điện ảnh. 

Thật không dễ có một bộ phim về thể loại gangster mà khi xem xong, cảm giác lặng buồn cứ vương vấn trong tâm trí khán giả.

8. The Untouchables (1987)
“The Untouchables” xoay quanh câu chuyện về Al Capone – kẻ đứng đầu thế giới ngầm đã tạo nên một thế lực bất khả xâm phạm. 

Thế rồi, vỏ quýt dày có móng tay nhọn. Chính phủ liên bang đã đích thân tuyển chọn và lập ra một đội cảnh sát thông minh dũng cảm và không bao giờ có thể mua chuộc được họ.

Phim có góc nhìn rộng về cuộc chiến trong thế giới tội phạm vào những năm 1920, cùng với đó là nhiều tiếng cười và âm nhạc hoành tráng tạo dấu ấn sâu sắc cho khán giả.

Nhiều ý kiến cho rằng, không phải Scarface mà chính “The Untouchables” mới là phim tội phạm xuất sắc nhất của Palma.

Phim đã trở thành một trong những “bom tấn” của thập niên 80 và cũng là phim về mafia xuất sắc của giai đoạn này.

9. Goodfellas (1990)
Goodfellas là câu chuyện về cuộc đời thăng trầm của Henry Hill - tên cướp và kẻ cung cấp tin tức cho FBI mang một nửa dòng máu Ailen, một nửa Sicily và lớn lên ở New York.

Dựa trên cuốn tiểu thuyết "Wiseguy" của Nicholas Pileggi, phim có tiết tấu nhanh, đầy bạo lực nhưng cũng rất hài hước.

Tác phẩm điện ảnh này đã mang lại cho khán giả cái nhìn về ranh giới giữa vẻ hào nhoáng và sự tàn phá của xã hội đen tối những năm 50-80 thế kỷ trước.

Không chỉ tái hiện cuộc đời một tên cướp đáng sợ nhất trong lịch sử, hay những tội ác ít được biết đến, mà hơn hết, đó còn là cái nhìn trần tục về thế giới tội phạm có tổ chức, cùng với tình trạng náo động, phấn khích của nó.

Phim từng được đề cử ở hạng mục Phim hay nhất tại giải Oscar. 

Đồng thời đây cũng là một trong những phim hay nhất của thể loại phim gangster được Viện Phim Mỹ đánh giá là chỉ đứng sau “Bố già” (1972).

10. Pulp Fiction (1994)
Bộ phim này là một tập hợp các câu chuyện tưởng như rời rạc mà vô cùng gắn kết, phá vỡ nhiều trật tự tuyến tính của điện ảnh.

Với đặc điểm đó, "Pulp Fiction" được xem là bộ phim có cách kể truyện độc nhất vô nhị trong dòng phim gangster.

Đạo diễn Quentin Tarantino đã khéo pha trộn nhiều chất liệu như sự quái dị của game Nhật, sự bạo lực của phim American Gangster… và làm mới chúng để làm nên một kiệt tác gây ảnh hưởng nhất của Mỹ trong những năm 1990.

Phim nhận được 7 đề cử tại giải Oscar trong đó có đề cử cho Phim hay nhất. “Pulp Fiction” thường được nhiều nhà phê bình điện ảnh đánh giá là một trong những phim xuất sắc nhất mọi thời đại.

Jung Bé.

No comments:

Blog Archive