Tuesday, April 10, 2018

Giữa dòng sóng đỏ

Cỏ Biển. 

“Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai”

Có những buổi chiều trên đường về lái xe qua con dốc trập trùng nắng chiếu lóa khung kính từ phía Tây, ánh mặt trời chín đỏ chìm khuất ẩn sau hàng hàng, lớp lớp dãy mây tím vắt ngang trên nền trời tạo thành một bức tranh khổng lồ vẽ cảnh hoàng hôn.

Chiều xuống nơi này gợi trong tôi nỗi nhớ nhung, phía sau đường chân trời bên kia bờ đại dương là “cố quận” xa vời đang buổi bình minh. Nỗi nhớ cứ âm ỉ trong tâm thức khiến đêm đêm tôi lại mơ thấy mình trở về thời ngây thơ đạp xe rong chơi qua từng con phố, từng đoạn dường ngát mùi hương ngọc lan, từ căn biệt thự nào đó lan tỏa trong không gian sau cơn mưa đêm.

Đêm qua tôi lại mơ thấy mình một lần nữa trên yên chiếc xe phân khối cao, ngổ ngáo phóng như bay, mặc cho gió thổi ào ào bên tai. Có lúc lại thấy toàn thân bập bềnh như đang nằm trên ngọn sóng đung đưa, bất chợt xuất hiện một con sóng khác từ trên cao ụp xuống bất thần, lôi tôi rơi xuống đáy vực tối đen với tốc độ kinh hồn. Sau những giấc mơ tôi thường tỉnh giấc, trái tim nhói đau từng cơn. Cố nhắm mắt dỗ lại giấc ngủ, tôi lại thấy mình chìm trong một dòng sông đặc quánh một màu đỏ khé, đôi tay chới với ôm lấy thi thể ba tôi nằm gục trên vũng máu trước nhà khiến tôi phải hãi hùng thức dậy.

Bao lần cơn ác mộng đã làm tôi trằn trọc thâu đêm, những ám ảnh đau thương tôi cố gắng đừng nhớ đến nhưng không làm sao có thể quên đi!. Ngồi bó gối dựa lưng vào thành giường, nghĩ ngợi lan man rồi tự hỏi lòng: Vì sao mình lại hiện diện nơi đây, cách nửa vòng trái đất, trên một xứ sở xa lạ khác từ ngôn ngữ cho đến màu da? Giống như loài chim dắt díu nhau bỏ lại tổ ấm một thời, giờ trở nên xác xơ ở vùng đất chết xoải cánh bay về những khung trời xanh lộng gió hiền hòa. Vì sao mọi người kéo nhau ra đi, mang cả cuộc đời và mạng sống của mình ra để trả giá cho một sự đổi thay để rồi lại “thêm một lần thứ sáu trắng đêm, để hồn về một Saigon đang sống.” ( * * )?.

oOo

Có phải từ trong đau khổ tột cùng con người mới thể hiện được bản lĩnh và thực sự trưởng thành.? Đôi khi phẫn chí tôi tưởng như mình không thể chịu đựng thêm giây phút nào nữa. Khoảng thời gian ấy tôi như mất hết ý thức, không còn chú ý đến những gì xảy ra chung quanh. Bấy giờ tôi và mọi người mới hiểu và thấm thía câu “Nước mất nhà tan “ mới biết tai ương ập xuống không chỉ cho riêng ai. Ngay cả các loại bò sát trên ngàn cũng lũ lượt kéo nhau thiên di xuống đồng bằng, hướng về biển cả tránh đại họa. Loài vật nhờ co’ bản năng thiên phú nên đoán trước thiên tai sẽ xảy ra, kéo nhau đi tìm nơi ẩn nấp để có thể sinh tồn. Vậy mà con người không biết “có phải vì ấu trĩ, vì thờ ơ hay ngu tối (thơ Vô Danh)”, nên dễ dàng bị lừa gạt bởi viễn ảnh hòa bình rằng sẽ không có hận cũ, thù xưa xảy ra sau ngày cùng buông súng chấm dứt chiến tranh. Nhưng thực tế đã làm sáng mắt những ai trót tin vào huyền thoại và những lời tuyên truyền dối trá. 

Từ sáng tinh mơ đôi tai mọi người lúc nào cũng nghe tiếng loa phóng thanh đặt ở góc phố với giọng nữ the thé đọc tin tức và thông cáo mới của ủy ban quân quản. Ngay từ buổi đầu tôi đã có ác cảm với chất giọng loại này, nó chát chúa, chua ngoắt như giấm, cả đến những bản nhạc mới thoạt nghe tôi chẳng hiểu được đang diễn tả cái gì! Một chuỗi âm thanh tiếp nối e é trong cổ họng như giọng của những viên hoạn quan đang õng ẹo làm trò. Hôm thì yêu cầu tổ dân phố sáng mai tập trung quét đường, ban ngày làm sạch đẹp để đêm đêm lại len lén vứt rác ra đầu ngõ bởi công nhân đổ rác giờ được “đảng cho sáng mắt, sáng lòng” trở thành những người chủ dù chỉ bằng lời tâng bốc “hữu danh vô thực” và cũng để phát huy sáng kiến tiết kiệm xăng dầu nên các xe đổ rác bằng cơ giới trước kia đồng thanh ngưng hoạt động, chỉ sử dụng xe ba gác đạp mà thôi. Rác rến giờ là nguồn lợi chính của các chủ nhân được đảng vinh danh, họ nhặt nhạnh từ miếng mảnh chai bể, giấy vụn, ny lon rách tất cả được gom góp thật hết trước khi đổ ra bãi rác lớn. Cũng là nơi đám trẻ con tham gia phong trào kế hoạch nhỏ hay đến moi móc tìm sắt thép, giấy vụn để giao nộp đủ chỉ tiêu bắt buộc cho mỗi đứa do trường học phát động.

Việc lớn, việc nhỏ phải khắc phục làm bằng tay chân, thực thi bài học “Lao động là vinh quang”. Hôm khác thì tập trung mọi người không kể già trẻ để tham gia mít tinh, nhà nào trót lỡ vắng mặt thì bị nêu tên trong buổi họp phê bình kiểm thảo của tổ dân phố và phải thành khẩn nhận khuyết điểm trước chứng kiến của công an khu vực.

Cơn hồng thủy từ trên rừng tràn xuống đã tiêu diệt chủ nghĩa tư bản và kinh tế cá thể của tư nhân, tiếp theo là việc phát động phong trào đấu tranh quyết liệt xóa bỏ giai cấp bóc lột bằng cách tịch thu của cải, đất đai. Tất cả nhà máy, xí nghiệp phải do công nhân làm chủ, đi đâu cũng thấy các biểu ngữ giăng đầy, các buổi học tập chính trị được phát động rầm rộ để giáo dục công nhân giác ngộ, thực thi quyền làm chủ tập thể nhưng phải do Đảng toàn quyền lãnh đạo. Những người thợ ban đầu được thổi phồng niềm vui, sau rốt thì chán nản ù lì khi hiểu ra làm chủ chỉ là một người làm việc phải phấn đấu tăng năng suất gấp hai, gấp ba nhưng đồng lương thì phải hy sinh lãnh một, mọi thứ chỉ là lời nói suông hoa mỹ nghe xuôi tai mà thôi.

Gia đình tôi tưởng rằng khi đã giao lại việc quản lý, điều hành Công ty thì mọi việc sẽ yên, nhưng nào có ai ngờ!!! Hôm ấy, đến giờ cơm nhưng chẳng ai nuốt trôi. Trên bàn ăn nghe loáng thoáng về chuyện Đoàn kiểm kê cải tạo X2 đến đóng chốt ở kho hàng của gia đình, trước kia chứa vật liệu xuất nhập cảng. Tin tức còn phỏng đoán có lẽ đêm nay hoặc đêm mai họ sẽ kéo đến nhà. Ba tôi nghĩ rằng mình đã ngoan ngoãn thi hành đúng theo chủ trương chánh sách đòi hỏi, khai báo đầy đủ thì chắc chẳng xảy ra việc gì theo như lời hứa của những cán bộ đến “đả thông tư tưởng” của các nhà tư sản như ba tôi. Anh Hai với kiến thức của một Phó giám đốc kỹ thuật được học tập ở nước ngoài vẫn ở lại thi hành công việc điều hành và bảo trì các máy móc một cách tích cực dù chỉ để nhận đồng lương của một người thợ bậc trung, mục đích chỉ muốn đóng góp sở học của mình vào công việc chuyên môn ưa thích.

Đêm đi qua một cách chậm chạp, mọi người có cảm giác thời gian đôi lúc đứng lại và ngủ quên. Mặc dù chưa biết việc xảy ra sẽ thế nào nhưng tâm trạng hồi hộp của những con cá nằm trên thớt chờ đợi giây phút hóa kiếp chắc cũng chỉ đến thế là cùng. Xuống nhà dưới tôi giúp chị bếp đun nước pha cà phê cho Ba mặc dù còn lâu trời mới sáng rõ. Tiếng người nói chuyện lao xao, tiếng xe thắng gấp khiến tôi chạy vội lên nhà trên nhìn ra ngoài đường, cuối cùng thì họ đã tới!

Đoàn kiểm kê hơn chục người dẫn đầu là mấy cán bộ chân dép râu, hông đeo súng, trên vai mang “xà cột “. Sau khi đọc quyết định tiến hành kiểm kê và niêm phong họ chia ra làm nhiều tổ lục soát, ghi chép, đong đếm tất cả những đồ vật hiện có trong nhà. Từ cái bàn, cái ghế thậm chí những bóng đèn điện mắc trong nhà vệ sinh. Xếp loại thứ nào là tư sinh hoạt, vật nào thuộc nhóm máy móc thiết bị, loại nào có giá trị lâu dài, loại nào là vật rẻ tiền mau hỏng. Thành viên của đoàn kiểm kê còn cẩn thận dùng búa gõ nhẹ vào vách tường mọi nơi kể cả phòng tắm để tìm xem gia chủ có giấu diếm vàng bạc hoặc tư trang chăng? Trong khi kiểm kê thì mọi người trong gia đình phải tập trung ở phòng khách dưới sự giám sát của cán bộ cải tạo tư sản. Điều bất ngờ mà Ba tôi không lường trước là cán bộ kiểm kê đã lục lọi đến cả những bức thư, đọc từng trang hồ sơ, hóa đơn và tai họa đã giáng xuống khi họ bắt gặp tấm ảnh chụp Anh Hai tôi đứng bắt tay với vi. nguyên thủ quốc gia nhân dịp ông viếng thăm gian hàng của nhà máy trong Hội chợ triển lãm Kỷ Nông Công Thương. Ba và anh tôi cứ nghĩ rằng đây là hình ảnh sinh hoạt thông thường trong giới thương buôn chẳng dính dáng gì đến chính trị. Nào ngờ tất cả đều lầm to. Bắt được tấm hình, tên trưởng toán đanh giọng:

– “Đây là bằng chứng cho thấy tai mắt quần chúng khắp mọi nơi, lời tố cáo cực kỳ chính xác. Gia đình này lại phạm thêm tội đã cấu kết chặt chẽ với bọn phản động cầm quyền để bóc lột nhân dân.”

Tấm hình vô tình là bản án dành cho anh tôi, với tội trạng đành rành không thể nào chối cãi được. Anh tôi hai tay bi. còng thúc ké sau lưng, bên cạnh là tên cán bộ cầm súng vung vẩy. Bỏ mặc lời giải thích của ba tôi, chẳng động lòng với tiếng khóc lóc van xin của má tôi, Anh tôi bị áp giải lên xe chở đi mất hút. Việc bắt giam không cần tòa án để xét xử, cũng chẳng chấp nhận biện minh, với tháng năm du học ở nước ngoài anh tôi còn bị khép thêm tội là thành phần CIA của Mỹ ngụy cài lại để tìm cách phá hoại nhà máy sau này. Qua màn nước mắt, hai mẹ con tôi đang thổn thức ôm nhau khóc vì chẳng ngờ được chuyện xảy ra, tất cả như trong giấc mơ; bỗng có tiếng chi. bếp kêu rú lên làm chúng tôi hốt hoảng. Trong một lúc khốn cùng của tuyệt vọng và quẫn trí, ba tôi lẳng lặng lên sân thượng từ lúc nào không ai hay và đã gieo mình xuống đất. Trông thấy cảnh tượng má tôi mặt mũi tái xám, ngã sóng soài bên cạnh, còn tôi thì lúc ấy mắt mở to muốn rách cả con ngươi, miệng méo xệch run rẩy hồi lâu mới khóc òa lên được. Tôi nghẹn ngào thét lên:

– “Không, không…!!!!”

Tôi kinh hoàng trước thực tế khủng khiếp và tàn khốc, làm sao tôi có thể chịu đựng nỗi?. Trời ở đâu? Chúa, Phật ở đâu? Đạo giáo thường dạy lẽ công bằng của trời đất, luật bù trừ, ở hiền sẽ gặp lành. Từ khi sinh ra đời tôi chưa thấy ba má tôi làm điều trái nghịch đạo lý làm người. Chẳng lẽ do cần cù làm việc, dành dụm tích cóp từ đời ông bà, cha mẹ, tạo nên tài sản mong dành cho con cháu có chút vốn liếng sau này. Cộng thêm sự học hỏi, óc thông minh, sáng tạo mới có thể tạo nên của cải hơn người, phải chăng là một cái tội?. Tất cả những ai giàu có bất kể nguyên nhân, bây giờ bị xếp loại là kẻ co’ tội ác.

Tôi đau đớn gào lên lần nữa, nước mắt tuôn tràn ôm lấy xác ba tôi mếu máo khóc không thành tiếng. Trí óc của tôi tê dại, lòng tôi hình như hóa đá hay đã chết theo?!

Vào ngày tháng này tôi mới vừa bước sang tuổi mười bảy.!!!

oOo

Tai ương ập đến như ngọn sóng thần bất thình lình kéo đến phá hủy, san phẳng mọi thứ thành bình địa rồi nhanh chóng rút đi để tất cả đau thương ở lại.

Sau đám tang của ba tôi, gia đình bây giờ chỉ còn lại hai mẹ con với nỗi u sầu, tuyệt vọng vì mất mát tất cả. Khi nhìn thấy tôi vất vả ngược xuôi, má lại ôm tôi thở dài với đôi dòng lệ lã chã tuôn rơi. Lúc còn nhỏ, anh chị tôi hay ganh tị khi thấy tôi được ba má quá nuông chiều, má tôi thường hay viện lẽ “cha mẹ giàu thì con Út ăn, cha mẹ khó thì con Út chịu”. Giờ thì đúng là má chỉ còn có tôi là chỗ nương dựa duy nhất trong khi khốn khó.

Căn biệt thự bị tiếp quản, chúng tôi “được” dọn xuống căn phòng nhỏ phía sau cạnh gian bếp, không bị đuổi ra khỏi nhà là nhờ một may mắn ngẫu nhiên. Một ông tự xưng là bạn học cùng quê với ba tôi từ nhỏ. Khi lớn lên thì rủ rê nhau tham gia thanh niên tiền phong vác tầm vông vạt nhọn chống Pháp. Tình cờ ông này gặp chị tôi đang du học bên trời Tây biết được chị là con của ba tôi nên đã có mối liên lạc qua lại. Trước khi về nước để chuyển công tác mới, ông ta ghé thăm chị tôi và nhận trao giùm lá thư. Thấy tình cảnh gia đình ông đứng ra bảo lãnh và xác nhận ba tôi là người đã góp công của và có tham gia vào cuộc kháng chiến chín năm chống Pháp một thời gian.

Cầm lá thư của chị tôi gởi về, mở ra thấy một loạt hình ảnh kèm theo bỗng dưng tôi không muốn đọc tiếp thư của chị.! Có lẽ chị không biết được sự thật đang xảy ra cho mọi người trong gia đình vì trong hình tôi thấy chị tươi cười đứng trên sân khấu, trên người mặc bộ bà ba đen, cổ quấn khăn rằn, loại khăn choàng tiêu biểu của những du kích Việt cộng, tay chị vung vẩy lá cờ nửa đỏ nửa xanh chào mừng ngày cách mạng thành công!!! Người bạn của ba tôi có nhắn nhủ, trước khi ông ta trở lại nhậm chức ở một nước bên Âu châu nếu tôi có gởi thư cho chị, ông sẽ chuyển giúp.

Có những nỗi buồn trở thành cú sốc khiến người ta mất hết cảm giác đau đớn và nước mắt chảy ngược vào lòng. Tôi chẳng màng đến chuyện viết thư cho chị tôi để kể lại câu chuyện bên nhà, cũng chẳng thèm xin chị gởi gì về để giúp đỡ cho đời sống mặc dù những nữ trang chúng tôi giữ được nhờ đeo trên người còn lại rất ít, chỉ đủ cầm cự một thời gian. Cũng may, khi kiểm kê thì họ đã không ghi những bộ quần áo đắt tiền trước kia của gia đình, nhờ vậy tôi mới có vốn liếng xách giỏ ra chợ trời chạy tới chạy lui bán dần mớ quần áo đó để sống qua ngày.

Mỗi ngày hai má con tôi chứng kiến sự thay đổi suy sụp của ngôi nhà vì tình trạng quản lý tập thể. Thang lầu trước kia sạch bóng giờ nhớp nhúa bởi bùn đất, cửa kiếng cái nứt, cái vỡ toác, bàn ghế xê dịch lung tung, cái gãy chân, cái tróc nệm ngồi. Góc sân hàng tạ củi được tha về vứt ngổn ngang, nhà bếp ám khói đen ngòm. Hồ nước đầy lá vàng cạn khô vì cái vòi nước bên dưới bị gãy chốt được cột bằng sợi dây thun cứ ri rỉ chảy cả ngày lẫn đêm. Đội kiểm kê hơn chục thanh niên, thiếu nữ đóng chốt nấu nướng ăn ngủ tại chỗ; Sau này tôi mới biết họ thuộc thành phần sinh viên các trường Đại học, gia đình không có thân nhân dính líu đến chính quyền VNCH, bị bắt buộc tham gia công tác vào các tổ kiểm kê cải tạo tư sản và sau đó mới được cấp giấy chứng nhận để trở lại tiếp tục học. Mỗi tổ kiểm kê đều có cán bộ Cộng sản chính quy hoặc nằm vùng trước kia chỉ huy, kiểm soát hành động tư tưởng và phổ biến chủ trương, đường lối của đảng.

oOo

Cuối năm trời trở lạnh, cái lạnh khắc nghiệt khiến má tôi lo lắng và nhớ đến anh hai tôi nhiều. Không biết bây giờ anh bị giam giữ nơi nào. Để vừa lòng má, tôi phải cố nén oán hờn liên lạc với người bạn của ba, nhờ giúp đỡ tìm anh tôi để xin thăm nuôi. Cầm lá thư viết tay của ông tôi tìm đến một địa chỉ quen thuộc nhưng giờ trở nên xa lạ bởi đã trở thành một nhà tập thể của cán bộ cao cấp từ “A vào ở đây tôi chua chát chứng kiến tấn tuồng thay đổi của trò đời. Tôi chạm trán với một người trước kia đã từng là bạn doanh nghiệp với ba tôi. Thời đó, ông ta nổi tiếng giao thiệp rộng, toàn là viên chức cao cấp, thậm chí ngay tại phủ Tổng Thống. Bây giờ ông giống như một con cắc kè đổi màu rất nhanh chóng. Có lẽ vì ông không để ý đến một con bé đang ngồi chầu chực cạnh phòng ăn đang lắng nghe ông nói nên ông huyên thuyên kể lể những gì đã tham gia, đóng góp, ca tụng chế độ Cộng sản để chứng tỏ ông là người trung thành với cách mạng. Vừa cầm ống “phô maigiống hình cây kem đánh răng, ra sức nắn bóp để quệt lên miếng bánh mì trên dĩa, vừa xuýt xoa tán dương:

– “Pho mát này ngon tuyệt, “Bác” khi còn ở Pháp hay ăn loại này đó, phải là người sành ăn mới biết chọn loại ngon như vầy à.”

Nghe ông ta kính cẩn, âu yếm nhắc đến chữ “Bác một cách thân quen tôi bỗng thấy buồn nôn. Và bỗng dưng tôi không dằn được sự khinh bỉ khi nghe ông ta loáng thoáng ca cẩm chuyện những tên “du kích 30/4” hạch sách, khó dễ ông về một vấn đề nào đó, ông gằn giọng:

– “…… tôi quát với tụi 30/4 ở xóm tôi… chỉ có bọn “Ngụy” mới làm như vậy mà thôi..!!

Tôi còn nhớ rất rõ, trước kia chính ông là người đã hết lòng tán dương, ca tụng và nhờ vả “bọn Ngụy mà bây giờ ông lại nhắc tới một cách hằn học. Cũng chính nhờ có “bọn Ngụy nên ông mới có chỗ dựa hơi để yên ổn làm ăn, khoe khoang, hù dọa rằng ta đây là người có “gốc gác, quyền lực “với những người chung quanh. Cũng chính vì có bọn “Ngụy “dại dột trải máu xương hy sinh, chiến đấu cho những người như ông và gia đình được sống ấm êm, an hưởng giàu sang trong giới thượng lưu trong hai mươi năm qua. Nếu không có bọn “Ngụy “biết đâu chừng ông đã bị lôi ra đấu tố trong công cuộc cải cách của giai cấp bần cố nông vô sản từ lâu, cho dù ông có giỏi luồn lách, nịnh bợ để lọt sổ cũng chỉ được quyền sở hữu chiếc xe đạp là cùng.

Nỗi buồn về những thay đổi của thế thái nhân tình khiến tôi đạp xe đi lang thang cả buổi. Đi dọc theo con đường nằm sau lưng tòa đại sứ Pháp tôi thấy một đám đông đang tụ tập, vừa đạp ngang vừa tò mò quan sát, tôi bỗng nghe tiếng kêu giật giọng:

– “Kim Ngân, Kim Ngân.”

Ngừng xe lại, còn đang ngơ ngác nhìn chung quanh, một thanh niên tách đám đông chạy ra. Tôi mừng rỡ nhận ra Phiên, anh là con của một gia đình có liên quan đến công việc làm ăn của Ba tôi. Nhà anh có đồn điền trồng dâu nuôi tằm ở Lâm đồng nên hay cung cấp các loại sợi tơ kéo từ tổ kén cho các nhà máy để dệt các mặt hàng làm bằng tơ sống. Thỉnh thoảng lên Dalat nghỉ mát, Ba má tôi hay ghé thăm gia đình anh. Có lẽ một số người quen biết ở xa không ai ngờ tai họa lại xảy ra cho gia đình tôi, mà gia đình Phiên là một. Đưa mắt nhìn Phiên tôi thắc mắc:

– “Anh làm gì ở đây vậy?

Anh trả lời với giọng ngạc nhiên:
– “Bộ Kim Ngân không biết sao? Gia đình anh đang đăng ký với Tòa đại sứ để xin xuất cảnh.

Tôi tròn mắt nhìn anh:
– “Có chuyện đó thật sao? Ai cho đi mà đi?

Anh kể rằng:
– “Do sự can thiệp của Pháp yêu cầu cho hồi hương những công dân mang quốc tịch nước họ, sau khi thảo luận chính quyền Cộng sản đã đồng ý, cho nên những ai có quốc tịch đều kéo nhau ra tòa đại sứ xin về nước.”

Tôi hân hoan cười:
– “Vậy là chúc mừng cho gia đình anh gặp may mắn, còn hơn là trúng số độc đắc nha.”

Trong cuộc sống, nếu có những con người thể hiện bản chất đáng khinh thì cũng vẫn có nhiều người có tư cách đáng quý. Buổi tối Phiên và gia đình đến thăm má con tôi. Họ đề nghị nếu tôi kết hôn với Phiên thì cũng sẽ được đi cùng. Chỉ là về mặt hình thức mà thôi. Má tôi hết sức cảm động về tấm chân tình này, nhưng tạo hóa cũng trớ trêu không kém, tôi chỉ mới mười bảy thôi nên chưa đủ tuổi để kết hôn theo luật định. Vả lại tôi cũng không đành lòng để má tôi ở lại một mình, còn thêm việc thăm nuôi anh tôi lấy ai vào cáng đáng đây? Nhìn thấy tôi ngồi nghĩ ngợi Anh Phiên tưởng tôi buồn nên hứa:

– Sang bên đó Anh sẽ đi tìm chị Kim Phúc để cho chị ấy biết tin nhà.

Tôi gượng cười thầm nghĩ: Nếu không có những người trí thức nhẹ dạ như chị, nếu không bị những người phản chiến, những nhà báo ngoại quốc bóp méo sự thật thì người dân miền Nam đâu đến nông nổi hôm nay. Không biết chị tôi sẽ nghĩ gì và cảm thấy ra sao khi chị được cha mẹ nuôi dưỡng cho ăn học tốn kém hơn người, lại đi tiếp tay với chế độ đã giết cha và gây cho gia đình mình điêu đứng.

oOo

Gần hai năm sau ngày mất nước, khi đã triệt hạ hết thành phần tư sản tư doanh có tiếng tăm và vốn liếng xong xuôi, chính quyền bắt đầu phát động thi hành chính sách cải tạo tư sản công thương nghiệp là những nhà buôn lẻ. Chủ trương ngăn sông cấm chợ đã được áp dụng từ ngày bắt đầu chiếm được miền Nam bây giờ trở nên khắc nghiệt hơn nữa. Qua một đêm, bạn hàng ở các chợ bỗng hãi hùng khi thấy trước gian hàng của mình có sẵn các nhân viên trong tổ cải tạo Công thương nghiệp chờ sẵn kê biên tất cả những gì đang có. Mọi thứ đều bị niêm phong, nếu không trở thành cửa hàng quốc doanh thì phải gia nhập vào tổ mua chung bán chung, thôi thì từ gian hàng tạp hóa, mắm muối cho chí đến miếng thịt con cá cũng phải vào tổ hợp, tất cả đều đặt dưới sự kiểm soát của nhân viên nhà nước, mọi thứ giờ là tài sản của tập thể. Các cửa tiệm nhỏ cũng phải chấp hành theo lệnh kiểm kê và đặt dưới sự quản lý theo ngành nghề. Đa số sau khi bị kiểm kê trưng thu mua cầm trong tay mảnh giấy xác nhận vô giá trị đều đóng cửa, dẹp tiệm. Hàng hóa, nông sản từ những nơi xa dùng trao đổi mua bán không thể nào mang qua lọt được các trạm kiểm soát đặt khắp ngả đường dẫn vào thành phố. Từ miếng thịt, cân đường, thậm chí hạt tiêu, hạt đậu. Chỉ có những cán bộ, viên chức các ngành Thương nghiệp là no đủ vì nắm trọn quyền ban phát trong tay bởi hàng hóa chỉ bán theo tiêu chuẩn cung cấp nên khan hiếm, thế nhưng biết cách “móc ngoặc “đi cửa sau và chịu mua giá cao với cán bộ thương nghiệp thì cái gì cũng có.

Đời sống đang trong cảnh khó khăn giờ trở nên bi đát hơn. Phường, Khóm nơi tôi đang ở cứ tới thúc giục vận động gia đình tôi nên đi kinh tế mới để tăng gia sản xuất. Tình cờ mẹ tôi gặp một người bạn cũ có chồng là người Pháp làm chủ một công ty. Khi bi. trưng thu mua cửa hàng, trước khi giao hết tài sản cho nhà nước để trở về Pháp, ông yêu cầu toàn bộ nhân viên đang làm việc cho ông được nhà nước thu dụng cho làm việc tiếp tục, nhờ vậy tôi được có tên trong danh sách nhân viên hiện hữu của công ty.

oOo

Có lẽ nhờ vào việc hồi hương của các Pháp kiều, Ấn kiều vào ngay năm đầu tiên khi miền Nam lọt vào tay Cộng sản cho nên thế giới mới biết được một ít những gì đã và đang xảy ra sau lưng bức màn tre ở Việt Nam. Tôi nhận được giấy báo đi nhận thùng quà đúng vào ngày giỗ của ba tôi. Anh Phiên đã làm đúng theo lời hứa tìm gặp chị tôi. Một hôm vừa đi làm về, má cầm lá thư của chị gởi về rưng rưng nước mắt nói với tôi:
– “Chị con gởi thơ nói sẽ làm giấy bảo lãnh mình đi qua bên đó”

Tôi hỏi má:
– “Má có đồng ý đi không?”

Vừa lau nước mắt má vừa nói với tôi:
– “Má không thể bỏ anh hai con ở lại được, mình đi rồi ai lo thăm nuôi anh con đây!”

Thời gian và đau khổ làm má tôi già sọm đi trông thấy rõ. Trước mắt tôi bây giờ là một mái tóc hoa râm xác xơ, ánh mắt nhìn vô định. Nét buồn bã, rầu rĩ góp phần làm tàn phai nhan sắc con người nhanh chóng. Tôi biết không nên để má tôi ở lại nơi có quá nhiều biến cố đau thương này. Mỗi ngày bà lặng lẽ, âm thầm đi vòng từ gian nhà phía sau ra đến sân trước, một mình đối diện với những gì còn lại, nhìn cây mận do chính tay ba tôi trồng đơm hoa trắng xóa ở góc sân, dưới tàn cây là cái ghế đá đầy kỷ niệm ghi dấu một thời an bình và hạnh phúc của gia đình.Đánh bức điện tín cho chị tôi, hối thúc chị gởi gấp giấy tờ làm thủ tục bảo lãnh cho một mình má tôi thôi, còn tôi sẽ ở lại đảm nhận công việc thăm nuôi và chờ anh tôi.

Cuối cùng nhờ chạy chọt lo lót anh tôi cũng được thả ra sau mấy năm tù. Đôi khi nhìn lại tôi rùng mình kinh sợ quãng thời gian mình đã trải qua. Điều gì khiến tôi có nhiều nghị lực để chịu đựng và cáng đáng mọi thứ quá sức một con bé mới hai mươi quen được nuông chiều với một đời sống sung túc, bất ngờ bị cơn lũ trên rừng tràn xuống nhấn chìm tất cả vào dòng sóng đỏ. Ngày hai anh em tôi xuống thuyền vượt biên cũng vậy; Sau một đêm lênh đênh trên biển, buổi sáng hôm ấy mặt trời hiện lên đỏ rực, thoạt đầu là một vầng ánh sáng le lói từ đường chân trời, rồi một chấm đỏ nhỏ hiện ra, từ từ lớn dần giống như vết dầu loang, nhuộm đỏ bầu trời và mặt biển. Chiếc thuyền chở anh em tôi vẫn lừ lừ chậm chạp, e dè tiến về phía vùng trời biển đỏ rực một màu máu, nhưng khác với cơn lũ rừng mang dòng sóng đỏ, lần này mũi thuyền rẽ nước đi đến đâu, làn sóng đỏ dạt ra đến đó, cuối cùng mọi người đã biết nên cỡi lên sóng mà đi thì may ra mới đến đích. Từ đó người ta chiêm nghiệm ra rằng nếu vẫn cứ loay hoay sợ gió to sóng lớn, ngụp lặn một chỗ thì chắc chắn sẽ bị nhận chìm vì đuối sức hụt hơi.

Đáng lẽ tôi đi định cư ở Pháp vì có thân nhân nơi này nhưng tôi từ chối, dù rằng tôi không bao giờ muốn xa họ. Qua lịch sử tôi đã được học về một trăm năm đô hộ nước Việt của chủ nghĩa thực dân Pháp. Thời cận đại, báo chí cũng không quên ghi lại về những ân sủng của nước Pháp dành cho các đảng viên Cộng sản Việt Nam, nơi tụ họp dung chứa thành phần thứ ba là những chính khách thuộc loại cơ hội chủ nghĩa cầm mũi giáo đâm sau lưng người lính VNCH.

“Quên là nhớ trong tiềm thức dẫu năm tháng trôi qua, cái chết của ba tôi đã hằn sâu trở thành vết sẹo trong ký ức khôn nguôi, hờn căm đã kết thành một lớp rêu phong phủ kín tâm hồn, vậy mà vào những buổi chiều nhìn hoàng hôn xuống tôi lại tái tê buồn khi thấy phía chân trời cũ bên kia, biển vẫn chưa hết những con sóng đỏ. 

Cỏ Biển

No comments:

Blog Archive