Wednesday, April 11, 2018

Một Chân Trời Mới

Nguyễn Hồng Quang


Sau nhiều cơn sóng to như ngọn núi đen phủ đầu, tôi tiếp tục ngoi đầu lên lấy hơi thở ngắn để chờ ngọn sóng khác tới. Cơn nầy xong đến cơn sóng khác lao tới tấp nập như những toa xe lửa tốc hành. Sức người làm sao chóng lại thiên nhiên trong cơn thịnh nộ. Bị ngâm mình trong nước biển khá lâu, chân tay tôi bắt đầu lạnh cóng. Biển đêm lạnh tối như mực. Thỉnh thoảng sấm sét từ gốc chân trời tảo ra tia chóp sáng kèm theo sau tiếng rầm vang vọng cả bầu trời. Trong tia sáng chập chờn, tôi chợt thấy mảnh ván trôi gần tầm tay. Mảnh ván bể từ chiếc ghe mỏng manh chở tôi và hơn trăm người đi vượt biên bị sóng đánh vỡ tan chiều nay. Có lẽ ghe lẫn người đã chìm sâu vào lòng biển. Cố hết sức mình, tôi tống người tới chụp mảnh ván để hy vọng được sống. Chiếc ván vô tình bị sóng đưa xa một tí vừa đủ làm tôi chụp hụt. Càng cố đến gần mảnh ván càng trôi xa như cố tình chơi “cút bắt” với tôi. Trong cơn tuyệt vọng, dùng hơi sức cuối cùng tôi la hét:

- Cứu tôi với…

Tiếng kêu lạc lõng giữa cơn gió gào thét mãnh liệt trên biển khơi mông mênh vào giữa đêm tối.
- Anh ơi tỉnh dậy. khổ quá lại nằm mơ nữa rồi.

Vợ tôi cố gắng lay tôi dậy. Tôi giựt mình tỉnh lại từ cơn ác mộng. Hú hồn. Trong chóp mắt từ cảnh chết trở thành cảnh sống. Mồ hôi ướt đọng quanh vành trán và thấm cả áo ngủ dù bên ngoài trời lạnh giữa đêm xuân. Trong phòng ấm cúng yên tĩnh. Hình như không gian và thời gian dừng hẳn lại. Khung cảnh êm lặng đến nỗi nghe được tiếng kim đồng hồ tích tắc di động nhịp đều đếm từng giây một, phát ra từ đồng treo vách tường trong phòng ngủ. Trên chiếc giường ngủ quen thuộc, nằm bên cạnh người vợ qua nhiều năm chung sống, tôi mới biết rằng mình còn sống thật và hiện đang ở một nơi an toàn không còn ở Việt Nam. Mới đây đã gần ba mươi năm rời bỏ quê hương.

Ác mộng về cảnh tượng vượt biển sao cứ theo vãng trong tiềm thức tôi, dù cố ý quên đi. Trái ngược, càng cố quên càng bị ám ảnh hơn. Có lẽ nó sẽ theo tôi suốt cuộc đời. Biết rằng đã có bao nhiêu bài viết rất hay về cuộc di tản, vượt biên khổ sở nhưng tôi vẫn muốn viết bài nầy với hy vọng làm giảm cơn ác mộng một phần nào và cùng chia xẻ chuyện thực của mình. Cuộc vượt biên thực sự xảy ra cách đây gần ba mươi năm.

Ngược thời gian, ngày 30 tháng Tư 75 đã đem đến sự thay đổi lớn lao cho dân Việt. Bao nhiêu cảnh đau thương chia lìa gia đình, quê hương xảy ra từ đó. Tôi bị bắt đi học tập cải tạo 10 ngày thành chung thân.  Sau hơn ba năm trong tù, không muốn đời trai trẻ mình bị chết dần mòn trong những trại tù CS, tôi quyết định cắt rào vượt ngục từ trại cải tạo Thành Ông Năm ở Hốc Môn. Cuộc trốn trại may mắn thành công, tôi trở về lại SaiGon và tìm cách vượt biên. Không may cho những người bạn tù trốn trước và sau tôi bị thất bại. Họ bị bắn chết tại chỗ hoặc bị bắt lại và bị hành hạ cho đến thân tàn ma dại.

Trốn ra khỏi tù là một thử thách. Làm thế nào trốn khỏi Việt Nam an toàn là một thử thách khác không kém việc trốn tù. Sau hơn ba năm CS kiềm chế miền Nam, vượt biên không còn dễ nữa. Bọn CS đã bịt dần các lỗ hở như các cửa sông, cửa biển, đường bộ dọc biên giới Lào, Miên. Bao nhiêu sự thất bại của người dân, đi tìm tự dọ Hàng trăm ngàn người bị chết chìm dưới lòng đáy biển vì sóng biển vô tình, vì kỹ thuật thô sơ chiếc nghe vượt biên, vì đói khát trôi dạt trên biển mênh mông, hoặc bị hải tặc hành hạ giết chết, hoặc bị bọn cảnh sát Mã Lai kéo ghe ra biển phá máy cho chìm…Thêm nữa có bao nhiêu ngàn người bị CS bắt lại, nhốt trại giam không có ngày trở về.

Tuy biết thế tôi vẫn phải ra đi tìm tư do vì không có cách nào khác hơn. Còn sống còn hy vọng. Tin rằng chỉ vượt biên mới đem lại tư dọ Thà chết trên biển cả còn hơn sống chui nhủi như con vật trong gông kiềm CS. Biển là niềm hy vọng, là bạn và là người tình của tôi vì có lần tôi sống gắn bó với biển cho mãn nguyện mộng hải hồ của tuổi trẻ.

Sau khi ra trường OCS vào đầu thập niên 70, tôi có dịp phục vụ trên chiến hạm đi tuần các vùng biển từ miền Nam như mũi Cà Mau, Năm căn, Côn sơn, Phú Quốc, Hà Tiên, Rạch Giá lên đến miền Trung như Phan Thiết, Cam Ranh, Nha Trang, Vũng Rô, sông Cầu, và gần đến Qui Nhơn. Thêm nữa tôi có dịp đi tuần sông ngòi như sông Saigon qua Bình Dương, Lái Thiêu, Thanh Đa, Nhà Bè, cửa Vũng Tàu. Đơn vị cuối là Duyên đoàn 42 ở đảo Hòn Khoai. Nhờ đó tôi có dịp đi vào các cửa sông Rạch giá và đi tuần vùng mũi Cà Mau như cửa sông Ông Đốc, Năm căn, cửa Bồ đề, Gành Hào.

Có một ít khinh nghiệm đi biển vùng nầy thêm sự giới thiệu của người anh họ, tôi được chủ ghe chọn làm tài công chiếc ghe đi kỳ nầy không trả tiền. Nghèo xác rớt mòng tơi thì có tiền đâu mà trả.

Trong thời gian trốn ở SaiGon tìm đường vượt biên. Tôi tự tạo cho mình thêm một nghề tay trái. Nghề khắc dấu giả để làm giấy tờ giả đi đường cho riêng tôi và cho các bạn học củ mất giấy tờ, bằng cấp thời xưa. Con dấu cuối cùng tôi làm giấy chứng nhận mình là ngư phủ của công ty đánh cá (không phải là “danh ca”) thuộc tỉnh Bạc Liêu vùng Hậu giang. Làm cái gì cũng được miễn là có dịp vượt biên.

Khoảng một tuần trước ngày vượt biên, Diệu dân Bạc Liêu chủ nghe, chở tôi trên cái xe cũ Deux Chevaux từ Saigon đi Bạc Liêu chuẩn bị vượt biên. Ngoài tôi ra, trên xe có anh Trí, anh Long với đứa con trai Mỹ khoảng 7 tuổi và cu Tỉ khoảng 8 tuổi đi vượt biên một mình. Anh Trí và anh Long là hai Hải Quân Thượng sĩ Vô Tuyến của chiếc hạm HQ 1. Vì không đủ điều kiện, họ phải đi tìm tư do riêng và bỏ lại gia đình. Nếu thành công, họ sẽ có dịp giúp đỡ gia đình. Nếu ở lại tất cả sẽ cũng chết dần trong chế độ CS.

Trên đường đi Bạc Liêu, bị bọn công an chận xe lại xét giấy tờ. Cứ mỗi lần bị chận xét, tim tôi muốn ngừng đập vì không biết giấy tờ giả của mình bị khám phá không?. Lo ngại hơn kỳ nầy vì dưới gầm xe có dấu một hải bàn, ống dòm, vài bộ phận cho máy ghe và mấy bản đồ vùng biển Thái Lan, Mã Lai, Nam dương cho chuyến đi trốn nầy. Nếu bị bắt gặp thì mộng vượt biển của tôi trôi thành mây khói và sinh mạng tôi chắc không an toàn vì thêm tội trốn tù cải tạo. Nhờ may hoặc nhờ anh chủ ghe đút lót, bọn công an cho chúng tôi đi tiếp tục.

Vào khoảng 10 giờ đêm, xe deux chevaux èo uột bỗng nhiên chạy cà giựt mấy lần rồi lăng đùng chết máy tại giữa đường tối đen vắng. Được biết lý do xe chết máy vì hết xăng. Nơi xe chết máy chỉ cách chợ Bạc Liêu khoảng 15 cây số. Xăng nhớt vào thời đó rất hiếm và mắc mỏ lắm. Chả lẽ ngồi chờ bọn công an tới bắt. Chúng tôi và anh chủ ghe cùng nhau đẩy xe trong cơn mưa tầm tã. Chúng thay phiên nhau ngồi lái xe cho đỡ mệt. Có lần lên dốc hơi cao, tất cả người lớn phải xuống cùng đẩy nên nhờ cu Tỉ ngồi lái xe “không nổ máy”. Đẩy xe mút chỉ mệt tắc thở. Đổi đời: xe hơi không chở người mà người phải “chở” xe hơi.

Vào gần thành phố, có chiếc xe gắn máy chạy ngược chiều đến. Diệu chận xe lại và nhờ anh đi xe gắn máy chở đi tìm cây xăng. Một lúc sau, Diệu trở lại với thùng xăng khoảng năm lít. Đổ xăng vào, xe bắt đầu nổ máy sau khi nổ ra mấy tiếng to để bắt xăng.  Gần ba bốn giờ sáng chúng tôi tới chợ Bạc Liêu. Vừa vào nhà chủ ghe, tôi mệt lả vội ngủ vùi để chuẩn bị cho những ngày dài thử thách tới.

Chiều hôm đó, tôi có dịp xuống xem chiếc ghe đang đậu bến gần chợ Bạc Liêu. Tôi xem xét chiếc ghe có đủ khả đi biển hay không. Với sự ngạc nhiên, chiếc ghe nầy còn chắc khá tốt và còn giữ những đồ nguyên thuộc tàu đánh cá biển thời trước 75. Không như những chiếc ghe đóng sau nầy kỹ thuật rất là thô sơ và máy móc củ chế biến tạm thời. Những loại mới tạm nầy cũng là những nguyên nhân của chiếc tàu chở người ty nạn không bao giờ đến bờ hải ngoại an toàn. Được biết chiếc ghe dành cho cuộc đi kỳ nầy đặc biệt do chủ tàu mua dành cho gia đình Ba Má và anh em của chủ tàu đi kỳ nầy. Còn Diệu chủ tàu không đi kỳ nầy và đang chuẩn bị đi chuyến sau.

Tôi lặn xuống đáy ghe xem lại chân vịt và lườn ghe có bảo đảm không. Cùng với mấy anh bà con của chủ tàu giả dạng làm ngư phủ như tôi, chúng tôi chờ nước ròng nghiêng đáy ghe trên cạn để rửa rong rêu và vá vài kẽ hở. Mấy ngày hôm sau, da tôi bắt đen sậm như một ngư phủ thứ thiệt. Ghe và người sẵn sàng cho cuộc vượt biên. Chỉ có một nhóm thủy thủ đoàn theo ghe từ chợ Bạc Liêu đi qua kinh gạch ra cửa sông Gành Hào.

Những ngày trước đây, biển vùng Gành Hào sóng to mãnh liệt không ngừng. Sáng qua có tin một chiếc ghe chở người vượt biển bị sóng to đập vỡ ngoài cửa sông. Đa số người và ghe bị chìm mất tích. Một số ít lội vào bờ được cứu.

Ngày đầu tháng Tám, năm 78 cuộc hành trình bắt đầu. Vào nửa khuya vùng cửa Gành Hào tối đen như mực. Biển đen êm lặng như đón chào một đoàn người ra khơi tìm tự dọ Chiều trước đó, tôi và đoàn thủy thủ xem lại nhớt máy, và dầu để sẵn sàng một cuộc hải hình không định mệnh. Để tránh sự nghi ngờ bọn địa phương, chúng tôi sấp lại lưới đánh cá bằng nylon và vác mấy cây nước đá vào hầm ghe để đựng cá. Dù chủ ghe đã mua chuộc tên công an trưởng vùng, nhưng không bao nghe tin CS. Cho ăn chắc bà con vượt biên trốn theo các ghe nhỏ từ các vùng sông lạch gần cửa Gành Hào. Hẹn đúng giờ để ra gặp cá lớn ở ngoài cửa sông.

Lần lượt chúng tôi đón người từ những ghe nhỏ đổ ra tại cửa biển. Vì chở quá sức chứa đựng, người cuối leo lên làm cho nước biển gần trào lên sàn ghẹ Tất cả mọi người ngồi sát dưới hầm ghe như cá mồi đóng trong họp. Dùng dây thừng cột ngang cột dọc trong hầm ghe để tránh mọi người di chuyển cùng một lúc sang một bên. Nếu không, khi bị sống đánh có thể làm lật chiếc ghe ngay. Trong khi hải hành, chỉ cho nhiều lắm là hai người lên sàn ghe một lần để đi vệ sinh hoặc thở không khí trong sạch. Nếu lên nhiều quá có thể làm lật ghe dễ dàng.

Ghe bắt đầu tăng máy mạnh hướng về đại dương. Những khuôn mặt của 153 người vượt biên nửa mừng nửa lo. Mừng vì sắp được tự do. Lo vì không biết có an toàn đến nơi ấn định để hưởng sự tự do không?  Trước khi đi tôi có chuẩn bị dây nhợ dài cột vào mảnh gỗ nhỏ để đo vận tốc chiếc ghe bị ảnh hưởng bởi sức dòng nước chảy và gió ở phần trên mặt nước. Tôi bắt đầu canh đồng hồ rồi thả mảnh gỗ bên hông tàu với giây thả lỏng cho trôi theo. Khoảng một phút sau, tôi giữ chặt sợi giây lại. Đo xem giây thả được bao xa rồi. Từ đó tôi có thể tín toán được vận tốc của chiếc ghe. Thỉnh thoảng trong ngày tôi làm vài lần để định được tốc hành thay đổi tùy theo dòng nước và gió. Chắc có lẽ nhờ học nhiều “study guides” thời OCS mới có tài như vậy?.

Nghỉ lại cũng liều thật về chuyến vượt biên nầy nói riêng và các cuộc vượt biên khác nói chung. Bảo gió bất thần. Biển rộng trời cao. Chỉ có nước và trời xanh gặp nhau tại chân trời. Ghe thì đầy người, chỉ chờ chìm thôi.  Thêm nữa, dụng cụ đi biển thô sợ Ước gì có được máy điện tử như Global Positioning System (GPS) như ngày nay thì đi đâu cũng được. Nếu thành công cũng là may lắm.

Được biết trên ghe có một em bé gái tên Thảo khoảng 8 tuổi có đôi mắt to đen ngây thơ trong khung mặt tròn với mái tốc cắt kiểu búp bệ. Chuyến nầy cô bé đi theo gia đình ông bà Ngoại và cô chú. Dù số tuổi đời quá ít như vậy nhưng em đã trốn bảy lần và bị bắt lại cả bảy lần. Đến nỗi bọn công an biên phòng biết mặt cô bé. Mỗi lần cô bé bị bắt lại bọn chúng lại la lên: “Lại con bé nầy nữa”. Hy vọng bé Thảo thành công chuyến nầy. Lòng can đảm và sư kiên trì của em là tấm gương cho mọi người.

Chương trình dự định là đi biển hướng nam về Mã Lai nếu có trôi lạc hy vọng sẽ bắt gặp các hòn đảo của Nam Dương. Để tránh đi ngang vùng đài kiểm báo đảo Hòn Khoai của CS, ghe đi lách về hướng đông nam xa đảo.

Vào đến chiều, chắc là thoát nạn CS rồi. Không ngờ từ hướng Côn Sơn có một dốt đen ở chân trời cứ hướng thẳng đến ghe. Tôi bắt đầu nghi bọn tàu CS đang đuổi theo. Cho ghe chạy thẳng ra hải phận Quốc Tế với hy vọng thoát khỏi. Nhưng càng lúc chiếc đóm đen càng hiện gần hơn. Đến chiều tối thì nhận rõ là tàu biển của bọn CS. Thấy ghe không ngừng bọn chúng, bắn súng đại liên chận đầu. Bà con trên tàu bắt đầu nhốn nháo. Tắt hết đèn chỉ chừa đèn cho hải bàn, tôi cho ghe chạy té khói đen. Đến gần khuya có lẽ vì trời tối hoặc đã ra xa hải ngoài hải phân quốc tế, chiếc ghe CS không còn thấy đuổi theo.

Qua cơn hiểm nghèo, tôi mới có dịp định xuống hầm tàu nơi có khoảng 150 người đang chịu trận khổ sở. Vừa ló đầu xuống cửa hầm là tôi muốn vội nhợn ối ra khi mùi ói mửa, nước tiểu và hơi người pha lẫn nhau song lên. Vì lo chạy trại chốn tàu CS lúc chiều, ghe bi lắc dữ tợn vì phải trải nhảy cao qua những cơn sóng cao đến từ mọi hướng tới. Ghe chỉ chậm lại tránh sóng khi nào gặp lúc thật nguy hiểm có thể làm chìm ghe thôi. Ghe lắc lư gây tình trạng say sống thật là bi thảm cho tất cả mọi người.

Chúng tôi thay phiên rửa sạch trong hầm ghe và đỡ những người yếu nhất lên trên để lấy không khí trong sạch. Thay phiên từng người nhóm nhỏ một. Trong mấy ngày đầu không ai muốn ăn gì cả vì bị say sóng. Họ chỉ cần nước thôi. Chúng tôi giới hạn dùng nước vì không biết mình sẽ ở trên biển còn bao lâu.

Tôi và nhóm thủy thủ đoàn thay phiên nhau chăm dầu đo nhớt cùng lái ghe về hướng bán đảo Mã Lai. Chiếc ghe HG 9640 rời cửa Gành Hào lênh đênh trên biển sóng to gió lớn. Sau gần ba đêm bốn ngày bờ biển miền Đông Bắc Mã Lai bắt đầu xuất hiện như một chấm nhỏ ở tận chân trời xạ Tất cả thuyền nhân trên chiếc ghe nhỏ bé đi tìm tự do vui mừng hy vọng khi ghe tin đất liền vì họ sắp được sống và được tự do.

Khoảng 3 giờ chiều, khi đến gần bờ biển tôi cho ghe chạy chậm và cố tránh sóng ngang đang quá cao có thể làm ghe chìm. Thêm nữa lo ngại không biết rõ bờ biển có đá ngầm có thể làm bể lườn ghe mỏng manh nầy, tôi nhờ anh Long và Trí đứng trước mũi ghe xem có đá không?

Sau khi thả neo chiếc ghe cách xa bờ, tôi tình nguyện lội vào bờ để xem tình trạng của bờ biển như thế nào để lủi vào an toàn. Thêm nữa xem có đúng là bờ biển Mã Lai và có dân chúng hay không. Tuy biển hơi động nhưng lội vào bờ cũng không khó lắm. Khi lội gần nửa chừng chỗ ghe đậu và bờ biển thì sóng bắt đầu đánh mạnh và cao hơn. Nhìn vào bờ thấy thấp thoáng có một nhóm dân đứng trên bãi biển nhìn về phía tôi đang lội. Quay về hướng ghe, thình lình thấy có anh Xê thợ máy ghe cũng đang lội hướng về phía tôi. Anh Xê dân Bạc Liêu đem theo cô vợ trẻ mới cưới trong chuyến đi nầy.

Sóng biển càng lúc càng to hơn. Tôi cảm thấy lội hoài mà không tới gần bờ được. Một lúc sau thấy Xê vói tay gọi tôi. Đến lúc nầy tôi và Xê không hẹn mà lội hàng ngang hướng về bờ. Lội tại một chỗ là đúng hơn. Sóng đánh mạnh đưa vào rồi sóng ngược từ lại kéo trở rạ Đúng là giậm chân tại chỗ. Tôi dành sức để tránh ngọn sóng phủ đầu và ngọn kế tiếp sạu. Tiếng Xê kêu gọi tôi giúp đỡ có vẻ tuyệt vọng. Không suy nghĩ, tôi vội bơi đến hướng anh ta.

Đến gần anh, thấy mặt anh tím lại hơi thở dồn dập vì mệt và bị uống nước ngộp thở. Tôi bảo anh cố bình tĩnh. Cũng may anh không quýnh chụp và giữ chặt tôi lại. Tôi nhín thở lặn xuống đáy đẩy anh lên khỏi mắt nước cho anh lấy hơi thở lại. Sau đó tôi thả anh ra để tôi có dịp lấy hơi thở lại. Nhiều lần tôi lặn xuống đẩy anh lên lúc anh đuối sức định chìm. Cứ làm như thế thì không lâu cả hai chúng tôi đều không đủ sức chịu đựng với sóng to như vậy. Tôi bắt đầu lo sợ quay về bờ biển với gọi:

– Help! Help! Help…

Một nhóm nhỏ đứng trên bãi chỉ nhìn và hình như không ai định làm hành động gì để cứu chúng tôi..

Quay nhìn ngược lại về chiếc ghe đang nhảy sóng từ phía xa. Bổng thấy anh Long quăng chiếc phao bằng ruột bánh xe xuống. Theo sau, anh nhảy xuống biển đeo phao lội về hướng chúng tôi. Vẫn tiếp tục giúp Xê thở sau những ngọn sóng to, tôi bắt đầu thở nặng và thỉnh thoảng bị sặt nước. Xê thấy tôi như vậy nên bảo tôi đừng lo cho anh ta nữa cứ lo cho thân tôi thôi. Một lúc sau, tôi lấy lại sức khỏe thì thấy anh Xê lại bắt đầu sắp chìm nữa. Tôi lại cố gắng đẩy anh lên nữa.

Tôi tự nghỉ và buồn cho số phận mình. Bờ biển tư do gần đó mà không tới được. Đời mình sao ngắn ngủi quá vậy. Hy vọng gặp gia đình và bè bạn bay thành mây khói. Không ngờ vì biển mà tôi sắp chết.

Thình lình thấy anh Long với chiếc phao lội về hướng chúng tôi. Tôi vẫn hét cho Xê cố gắng hết sức cùng tôi đẩy về phía anh Long. Cuối cùng chúng tôi ôm được chiếc phao với anh Long. Ba người chúng tôi tuy mệt lả vẫn thay phiên nhau lội vào bờ.

Sau một thời gian dài như một thế kỷ, tay chân mỏi mệt hình như không còn sức nữa, chúng tôi may mắn vào được bờ. Một thời gian sau tôi mới đứng đước vì hai chân mỏi run không còn sức để đứng nữa.

Vừa đứng được nhìn lên thì thấy một ngọn súng trường đen thui chĩa vào bụng tôi từ một tên có lẽ Mã Lai mặt bộ đồ như cảnh sát nhưng không có đeo tên, lon lá gì cả. Hắn ra lệnh bằng tiếng Anh bảo chúng tôi trở ra ghe lại ngay. Nếu không hắn sẽ bắn tôi tại chỗ. Đã vừa thoát chết vì sóng biển ba ^y giờ lại bị sắp chết vì cây súng trường nầy. Tự do thật là quá đắt giá. Tôi mới hỏi hắn nơi đây là vùng nào và cho hắn biết chúng tôi là những người vô tội trốn thoát CS VN đi tìm sư tự do. Sau nầy mới biết hắn có nói dốc rằng nơi đây là Thái Lan và không nhận người ty nạn.

Năn nỉ thế nào hắn cũng không nghe, cuối cùng chúng tôi phải lội ra biển trở lại. Thêm một thử thách khi lội trở về ghe. Đến gần xế chiều, chúng tôi leo lên được ghe. Kéo neo, ghe tiếp tục đi về hướng nam dọc theo bờ biển hy vọng tìm bãi an toàn để lủi vào. Dọc theo biển là những dãy núi hùng vĩ có vẽ hoang du.  Khoảng gần 11 giờ đêm, dùng ống dòm, tôi thấy có nhiều đèn dọc theo bờ biển từ xa xa.  Thỉnh thoảng có ánh đèn xe hơi chạy dọc theo xa lộ song song bờ với bờ biển.

Tôi quyết định kỳ nầy bằng mọi giá, phải tìm cách đem ghe vào bờ an toàn. Khi đến gần bờ tôi bảo mọi người chờ tôi lội vào bơ để xem xét tình hình. Tôi không muốn ai lội theo tôi kỳ nầy.

Tôi bắt đầu nhảy xuống ghe lội vào. Cho đến giờ tôi vẫn thường nghỉ lại tại sao tôi liều thế vì bao nguy hiểm có thể xảy ra trong đêm lội giữa biển như vậy. Có lẽ do thối quen thời tôi đi biển trước năm 75, tôi thường lội vào bờ biển khi tàu neo nghỉ bến ở các đảo khơi.

Tối nay sóng không to như buổi chiều. Lội trong đêm, thấy những bọt nước mang chất lân tinh sáng lóng lánh tẻ ra như hình chữ V ngược hai bên người tôi. Một lúc sau tôi đặt chân trên bãi cát. Có lẽ đây là mảnh đất tư do thật sự đón chào tôi. Lần đầu tiên nghe tiếng xe hơi chạy vùn vụt trên đường xa lộ gần bờ biển. Sự thật hay nằm mê đây? Bấu người thấy đau thì đúng là thật. Thân ở trần và ướt vừa thoát qua khỏi mặt nước bị rung rung ngay. Càng rung hơn khi ngọn gió lạnh từ biển thổi vào.

Nghe tiếng xe chạy càng lớn dần. Tôi đi bộ hướng về đường xa lộ nơi có một căn nhà trắng xám lớn. Không biết vì lạnh hay vì biết mình thật sự bước vào ngõ tự do, cả người tôi rung, hai hàm răng đánh bò cạp không thể kiềm được. Đến gần xa lộ, nhìn ánh đèn xe và nghe tiếng xe hơi phi trên đường như đón chào tôi trên mảnh đất tư do nầy. Lòng tôi mừng vui rộn ràng vô tả.

Tôi đến gõ cổng một căn nhà có vẽ khá giả. Một cô bé khoảng 15 tuổi mỡ cổng cho tôi vào. Rất may cô nói tiếng Anh. Tôi hỏi cô nơi nầy là đâu. Cô cho tôi biết đây thuộc tỉnh Panhang, thuộc miền đông bán đảo Mã Lai. Nghe đến đây tôi mừng như được trúng số độc đắc. Thật cũng không bỏ công để tìm tự dọ Tôi cho cô biết tôi là captain của chiếc ghe chở người Việt Nam ty nạn đang neo ngoài biển. Tôi mới lội vào xin giúp đỡ. Bố của cô từ trong nhà bước ra giới thiệu là một Công tử “dinh dự” của tiểu bang nầy. Ông gọi cảnh sát tới giúp đỡ chúng tôi. Cô bé thấy tôi đang rung rảy nghỉ rằng tôi đang bị lạnh đói bụng lắm. Cô đem cho tôi một chiếc mền ấm và một dĩa mì nóng thơm nấu theo kiểu Mã Lai có ca-ri với nhiều ớt cay.

Tôi cảm ơn cô ta và ăn chỉ được một ít có lẽ vì mừng quá không còn đói bụng nữa. Bây giờ nghỉ đến tôi vẫn quí mến cô bé tuy trẻ không cùng chủng tộc nhưng có lòng nhân đạo như vậy.

Chờ một lúc sau, một đoàn xe cảnh sát chạy thẳng ra bãi biển. Trong đó có Đại Úy cảnh sát tên Hiu muốn gặp tôi. Tôi cám ơn va tư giả gia đình ông Hoàng tử nầy và cô con gái công chúa xinh đẹp và đầy lòng nhân đạo.

Khi tôi ra đến bãi biển, Đại Úy cảnh sát Hiu đến bắt tôi và còng tay ngay. Hắn hỏi tôi có phải là CS gián điệp nhập vào biển Mã Lai và dấu vũ khí và vàng ở đâu. Nếu không nói hắn sẽ bắn chết ngay. Lại một lần nữa, sao đời tôi xui quá vậy? Tự do chưa hưởng được lại bị nạn nữa rồi. Tuy thế tôi vẫn bình tĩnh trình bày hoàn cảnh của ghe và cho biết chúng tôi là người Việt đi ty nạn chính trị

Sau khi giới thiệu về tôi là cựu sĩ quan Hải Quân thuộc chế độ trước có đi Mỹ học và bị đi tù cải tạo thì hắn có vẽ thông cảm một phần. Một lúc sau hắn mở cùm tay tôi và bảo tôi lội trở ra ghe. Hắn còn dặn tôi không được ủi vào bãi nếu không có lệnh ra dấu hiệu của hắn từ đèn xe cảnh sát. Nếu thấy ba tín hiệu từ đèn xe chóp mới được phép cho ghe ủi vào.

Tôi bơi trở ra ghe trở lại nửa mừng nửa lọ. Mừng vì được trả lại tự dọ. Lo vì không biết cảnh sát Mã Lai có cho vào bãi không? Trước khi rời VN, tôi có nghe nhiều vụ ghe chở người ty nạn bị chính phủ Mã lai lôi trở ra biển tha trôi hoặc đục tàu chìm.

Một lúc sau tôi lội trở lại ghe an toàn trong khi mọi người đợi tin tức. Tôi trình bày về việc vừa xảy ra trên bãi. Chúng tôi chờ mãi gần đến 3 giờ sáng vẫn không thấy tín hiệu của cảnh sát cho vào. Đành phải quyết định liều vậy. Đã vượt bao nhiêu bao nguy hiểm để tới đây thì không thể nào để bị kéo ra biển lại. Một quyết định duy nhất là ủi vào bãi biển để bể đáy tàu và cùng cho mọi người lên bờ. Chương trình là cho trẻ em, người già và đàn bà lên trước. Thanh niên, đàn ông phụ giúp họ và xuống ghe cuối cùng.

Tắt đèn ghe, mở máy tiến năm. Ghe trực chỉ bờ biển. Tinh thần ai nấy đều căn thẳng và chuẩn bị đeo theo những vật quý báo bên mình. Ghe vừa gần đến bờ thì khoảng 4, 5 xe cảnh sát rọi đèn thẳng vào ghe và bắn súng chỉ thiên làm phá giấc yên lặng vùng biển nầy. Ghe vẩn tiếp tục tiến vào bãi. Mọi người nằm thấp dưới mặt nước để tránh đạn. Mũi ghe vừa cấn vào bãi, tôi cho máy chậm lại để giữ ghe thẳng gốc bờ biển. Những lượt sóng đánh vào bờ khá mạnh. Tên đại úy và bốn tên cảnh sát leo lên ghe là tìm tôi. Hắn rất giận vì tôi không nghe lệnh hắn. Tôi trốn xuống hầm máy. Ghe đông người quá hắn không tìm được tôi. Sau nầy biết được, không những tìm tôi những hắn định làm tiền mới cho vào bờ. Có lẽ tôi ngây thơ và đầy lý tưởng nên không nghỉ về việc đút lót cho bọn cảnh sát lúc ấy. Thôi thì cũng xong, mọi người giữ lại tiền quý báu của họ để chi dụng cho những ngày dài tới.

Vì không có ai giữ tay lái, chiếc ghe bắt đầu xoay nằm dọc theo bờ. Sóng ngang bắt đầu đánh mạnh vào hông ghe. Ghe lắt ngang sút nước vào sàn ghe. Đáy ghe rạn nứt ở phòng máy và lườn ghe vì ủi bãi mạnh trúng đá ngầm. Nước theo kẽ nứt trào vào đáy ghẹ Mới đầu ai nấy đều bình tĩnh, nhưng một lúc sau nước từ dưới trào lên, nước từ sóng vào từ trên xuống. Trong khoảng khắc, ghe gặp gần phân nửa. Bà con trên ghe la hét náo động kinh khủng. Bọn cảnh sát thấy nguy hiểm quá nhảy xuống ghẹ Đa số người ty nạn đã leo lên sàn ghe chánh để tránh nước gập dưới hầm. Ghe lại càng nghiêng nên di chuyển trở nên khó khăn.

Tiếng súng bắn lẫn tiếng người la hét làm cảnh tượng kinh hoàng hơn. Sóng đập vào ghe vào bờ ầm ĩ. Thỉnh thoảng những ngọn sóng đập vào nào nhau gây ra những bọt trắng. Xong rồi bọt tan dần với tiếng nổ nho nhỏ phát ra từ những bọt bong bóng. Chúng tôi liều ẩm mấy trẻ em, người già xuống ghe trong những cơn sóng dồn dã.

Trong hoàn cảnh vô vọng nầy, cảnh sát Mã Lai đành cho chúng tôi nhảy xuống ghe và lên bờ. Đoàn người lũ lượt nhau hướng về đồi cát xa như những đoàn quân bại trận mệt mỏi. Tất cả tụ nhau trên bãi biển trong vòng đai kẽm gai do cảnh sát mới đặt. Đám thanh niên tìm những mảnh gỗ vụn trôi đốt lửa ngồi quanh cho đỡ ấm. Tuy mệt và đói lạnh, nhưng trong lòng ai cũng ấm no khi được bước chân đầu tiên trên mảnh đất tự do nầy. Nơi đây cũng là cửa ngỏ cho tương lai của chính họ  và của gia đình họ. Và cũng lần đầu tiên, tôi nằm thẳng người trên bãi cát êm đềm nghe sóng đập vào bờ. Nhìn lên bầu trời bao la, sao hừng đông lấp lánh. Lòng tôi đầy mãn nguyện. Tư do thật sự đã đến cho tôi và cho những người cùng tôi chia xẻ cuộc hải trình đầy thử thách. Sáng nay mặt trời mới sẽ mọc đón chào người ty nạn đi tìm một chân trời mới. 

Nguyễn Hồng Quang
Vùng Washington, D.C

No comments:

Blog Archive