MX Cổ Tấn Tinh Châu
Lịch Sử Dựng Nước và Giữ Nước bằng xương máu của ông cha chúng ta, biết bao người đã ngã xuống để có được một đất nước và biển đảo Việt Nam, đó chính là Hồn Thiêng Sông Núi, là Di Sản Văn Hóa. Là thế hệ thừa hưởng chúng ta phải bảo vệ và truyền lại cho những thế hệ nối tiếp, chúng ta không thể quên đi bổn phận và nghĩa vụ thiêng liêng cao quý đó.
Biển đảo không chỉ đóng vai trò quan trọng về phát triển kinh tế mà còn là địa bàn chiến lược trọng yếu bảo đảm an ninh, quốc phòng. Huấn thị của vua Trần Nhân Tông:
“Các ngươi phải nhớ lời ta dặn: Một tấc đất của tiền nhân để lại, cũng không được lọt vào tay kẻ khác. Ta muốn lời nhắn nhủ này như một lời di chúc cho con cháu muôn đời sau”.
Chúng ta khơi dậy thế hệ trẻ niềm tin, lòng yêu nước và quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo trước bất cứ thế lực nào.
Quần đảo Hoàng Sa có các tên gọi khác nhau như Bãi Cát Vàng, Cồn Vàng, Đại Trường Sa, Vạn Lý Trường Sa, Parcel hay Pracel và tên quốc tế thường dùng là Paracels.
Năm 1955 đơn vị đầu tiên ra bảo vệ Hoàng Sa là Tiểu Đoàn 1/TQLC Việt Nam.
Năm 1956 TĐ2/TQLC đang đóng quân ở bán đảo Cam Ranh, Trung Đội của tôi, Thiếu Úy Cổ Tấn Tinh Châu, được chỉ định ra Hoàng Sa trong nhiệm kỳ 3 tháng để bảo vệ quần đảo này anh em đem theo hành trang, thêm lưỡi câu và dụng cụ có thể bắt cá.
Có lẽ đây là một trong những chuyến công tác đặc biệt trong cuộc đời binh nghiệp của chúng tôi. Vừa háo hức đợi chờ, lại vừa nghiêm trang của những người được vinh dự đi đến một nơi cực Đông của Tổ quốc. Các chiến sĩ TQLC ngày đó, lên chiến hạm vượt sóng đến Hoàng Sa trong trách nhiệm bảo vệ và xác định chủ quyền của quần đảo Hoàng Sa thuộc Việt Nam Cộng Hòa.
Sau hải trình 1 ngày 1 đêm từ Bán Đảo Cam Ranh chúng tôi đã đến quần đảo Hoàng Sa lúc trời đã sáng. Trên tàu chúng tôi nhìn thấy 2 lá cờ Vàng Ba Sọc Đỏ trên đảo Pattle và Robert đang tung bay phất phới khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Việt Nam.
Chừng 20 phút sau tàu đã ngừng lại cách bờ đảo chừng 1 cây số. Chúng tôi đưa 1 tiểu đội lên xuồng máy cao su chạy vào đảo Robert, kế đó 2 tiểu đội còn lại với toán truyền tin cùng y tá cũng dùng xuồng cao su vào đảo Pattle.
Đây là lần đầu tiên tôi mới được bước trên lớp cát, chạm vào từng nhánh san hô giữa mảnh đất Hoàng Sa cực Ðông xa xôi này. Nơi chúng tôi ở chỉ là chấm nhỏ trên tấm bản đồ. Nhưng là hồn dân tộc, nơi hàng triệu con người gửi gắm niềm tin…
Sách Thánh Vũ Ký của Ngụy Nguyên (1794-1857) cho biết: Hải Quân Tây Sơn trong thực tế đã kiểm soát được các tuyến giao thông trên biển và là chủ nhân của các quần đảo trên biển Đông. Triều đại Tây Sơn cứ hằng năm, vào tháng 2, đội xuất hành gồm 5 chiến thuyền ra Hoàng Sa thu nhặt hàng hóa vật dụng của tàu bị nạn, tìm kiếm hải sản và ở lại đây đến tháng 8 mới trở về nộp cho triều đình Phú Xuân, nay còn lưu truyền câu ca dao:
“Chiều chiều ra ngóng biển xa.
Ngóng ai đi lính Hoàng Sa chưa về?
Mãn mùa tu hú kêu thanh.
Cá chuồn đã vãn sao anh chưa về”?.
Hoàng Sa là một quần đảo có vị trí chiến lược quan trọng và nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng phong phú. Khu vực quần đảo Hoàng Sa thuộc vùng biển rộng khoảng 30.000 km 2 , nằm ngang bờ biển các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và một phần tỉnh Quảng Ngãi\.
QUẦN ÐẢO HOÀNG SA: Diện tích 305 km 2 , bao gồm một quần đảo san hô nằm cách đất liền khoảng 315 cây số. Ðây là một chuỗi đảo gồm các đảo:
Cam Tuyền hay Hữu Nhật (Robert), hình tròn, diện tích là 0km2,32, là đảo san hô nên có nhiều phốt phát (phân chim). Chung quanh đảo có nhiều cây cối, chính giữa là lòng chảo không sâu cho lắm. Biển quanh đảo có nhiều rong biển, phủ gần kín cả mặt biển. Năm 1925 nhiều công ty Nhật Bản đã xin phép chính quyền Pháp tại Đông-Dương, để khai thác phốt-phát trên đảo Robert (Hữu Nhật) (Cam Tuyền) và họ đã xây một con đê bằng đá phốt-phát (jetée en blocs de phosphate) và một chiếc cầu sắt dài 300 thước nơi đảo Robert, để tiện việc chuyên chở phốt-phát lên tàu thủy.
Ðảo Quang Hòa Ðông (Duncan), diện tích 0km2, 48. Phía Đông đảo là rừng cây phốt phát và cây nhàu, phía Tây toàn san hô.
Ðảo Quang Hòa Tây (Palon Island) hình tròn, diện tích 0km2.41. Trên đảo toàn cây nhàu và phốt phát.
Ðảo Duy Mộng (Drummond) hình bầu dục, diện tích 0km2,41. Toàn đảo chỉ có nhàu và phốt phát.
Đảo Hoàng Sa (Pattle) có hình chữ nhật, chu vi 2100m, diện tích 0km2,30, gồm cả vòng san hô bao quanh. Tuy là đảo chính nhưng không phải là đảo lớn nhứt lại có vị trí quân sự thích hợp cho việc phòng thủ bờ biển Việt Nam. Đảo dài khoảng hơn 600m, rộng khoảng 400m, là đảo quan trong nhứt đã được khai phá từ lâu, nên có nhiều công trình kiến trúc của người Pháp như đồn quân trú phòng, trạm khí tượng, nhà máy đèn, trạm y tế, giếng nước ngọt…
Trạm khí tượng được xây dựng và hoạt động từ năm 1938, đến năm 1947 được tổ chức khí tượng thế giới (WMO) công nhận và đặt số hiệu 48.860 trong mạng lưới khí tượng quốc tế. Đồn quân cũng như trạm khí tượng đều có hồ chứa nước mưa dưới nền nhà. Trên đảo không có cây nào, ngoại trừ phía sau đồn quân có khoảng 30 cây thông to gần một người ôm nhưng đã bị cắt ngang còn lại gốc cao độ 0.5m. Có một số gốc cây được khắc chữ Pháp:
-“Chúng tôi đã mất liên lạc với Bộ Chỉ Huy và không liên lạc được với bất cứ đơn vị nào trên bờ nên phải cắt cây làm bè để về đất liền”.
Quanh đảo thì có rất nhiều dây xanh mọc, to bằng cườm tay (không biết tên) bò chồng lên nhau quanh đảo, chìêu cao chừng 0,5m rất rặm. Có hai ngôi mộ của binh sĩ cũng viết chữ Pháp. Tất cả gà và 3 con heo nhỏ chúng tôi đem theo được thả ra, chúng nó tự túc bằng các con còng và ốc mượn hồn (Hermit Crab) từ biển bò lên rất nhiều quanh đảo. Sau một tháng, thỉnh thoảng chúng tôi làm gà heo chia cho đảo Robert và trạm khí tượng. Đến Đầu Năm chúng tôi cúng Miếu Bà và ăn Tết lớn với heo gà còn lại.
Trên đảo có giếng nước ngọt, có khoảng 10 thùng xăng được sơn sạch để chứa nước uống. Chúng tôi chỉ uống nước mưa trong các thùng đựng xăng, nấu ăn thì dùng nước mưa dưới nền nhà, còn nước giếng thì để tắm, rửa chén dỉa và tưới rau cải. Sau một tháng rau cải lớn lên rất tốt, củ cải trắng lớn bằng bắp chuối, xả, dưa leo ra trái rất nhiều.
Thỉnh thoảng chúng tôi dùng xuồng cao su qua lại với nhau giữa đảo Hoàng Sa (Pattle) và Hữu Nhật (Robert) (hai đảo này cách xa nhau khoảng 4 km) để chuyện trò cùng chia xẻ thức ăn. Đảo Hữu Nhật rau trái còn tốt hơn nơi tôi ở, chim và trứng chim thì nhiều lắm, anh em còn bắt được cá mập nữa….
Quần đảo Hoàng Sa là một khu vực có vị trí địa lý trọng yếu trên tuyến đường biển nhộn nhịp qua biển Đông. Đứng trên sân thượng của đồn quân chúng tôi nhìn thấy nhiều tàu hàng của các nước qua lại mỗi ngày.
Biển Hoàng Sa rất trong nhìn tới đáy, với mắt thường không cần đến kính lặn, chúng tôi cũng có thể thấy rõ được những màu xanh tím đỏ vàng… của những nhánh san hô….
Hướng bắc của đảo có ngôi miếu được xây dựng từ thời vua Gia Long. Ngôi miếu được gọi là Miếu Bà thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu.
Tôi ra biển thấy anh em đứng dưới nước sâu khoảng trên lưng quần nhưng mặc quần áo để câu vì sợ bị cá riả.
San hô mọc không đều nên khi nước thuỷ triều hạ xuống, có những vũng nước lớn đọng lại trong các khu san hô, nước sâu tới ngực, có nhiều cá, mực, tôm, chình chưa kịp rút lui theo thủy triều, bị kẹt lại trong những vũng san hô này, chúng tôi nghĩ ra nhiều cách bắt cá. Còn những vũng nước nhỏ nước sâu cỡ đầu gối, chúng tôi chỉ việc lấy rổ, các thùng nhôm đã được đục lỗ của các đơn vị trước bỏ lại để xúc hoặc lấy chĩa đâm đem về nấu ăn. Có anh lính câu được vài con cá đang đeo bên dây lưng, bất ngờ có con mực to đến lôi xâu cá làm anh ngã ngửa, anh em gần la lên chạy lại giúp đâm con mực rất to, phải 2 người mới khiên được vào nhà, sau đó chia nhau xẻ thịt phơi khô.
Các sinh vật sống ở quần đảo Hoàng Sa trong đó nổi bật là sò khổng lồ, vỏ to như hai chiếc nón lá úp lại, gọi là Ốc Gân, đường kính trên 0, 50m, nặng trên 6kg. Còn cá mặt trăng đuôi nhọn, cá thu song là loại cá to cũng có quanh đảo.
Ban đầu chúng tôi lấy thịt ốc gân về nấu ăn. Nhưng thời gian sau chúng tôi chán không ăn nữa, khi thấy ốc gân thì chỉ đưa khúc cây vô miệng cho nó khép vỏ lại rồi dùng lưỡi lê xẻo lấy sợi gân to bằng bắp tay đem về ăn, phần còn lại phơi khô, thịt của ốc thì làm mồi câu cá.
Nói về con Đồn Đột (thời gian này chúng tôi chưa biết tên Hải Sâm) không ai bắt vì chưa biết ăn, kể cả ở Cam Ranh cũng có Đồn Đột lên bãi mỗi ngày, binh sĩ phải vứt chúng trở lại biển vì không ai ăn hết.
Có rất nhiều loại hải sản ở Hoàng Sa như cá, tôm, cua, mực, rùa, đồi mồi, vích, đồn đột, ốc tai tượng, ốc gân, ốc hương, ốc vú nàng, ốc mượn hồn, ốc xa cừ, ốc gạo v.v.. Ốc vú nàng có hình xoắn nhiều vòng và có chóp nhọn như hình kim tự tháp lớn bằng nắm tay ,vì vậy nên được gọi là ốc “vú nàng”. Ốc này ăn rất ngon, và còn có nhiều loại ốc hoa dùng trong lĩnh vực mỹ nghệ rất đẹp mắt.
Có các loại tôm như: tôm hùm bôm, tôm hùm đá, tôm hùm đỏ. Riêng bào ngư ở quanh đảo Hoàng Sa thì không có nhiều.
Chim ở Hoàng Sa rất nhiều, những loại chim mà chúng tôi thường thấy là hải âu, nhạn biển, yến, bồ nông. Đảo là nơi ẩn trú của các loài chim biển, nhất là chim hải âu. Chim bay ra biển kiếm ăn rồi trở về đảo, chúng đẻ ngay trên đất, không cần làm tổ.
Trứng của chúng to hơn trứng gà, vỏ mỏng mầu trắng điểm nhiều đốm đen. Còn chim yến làm tổ ở nơi đâu chúng tôi không biết. Chỉ khi nào ở Hoàng Sa bị bão, chúng bay đến tạm trú nơi đồn quân, qua cơn gió bão chúng lại bay đi. Nhiều chim như vậy nên phân chim qua nhiều năm tạo thành những lớp phân phốt-phát dầy, nhưng rất tiếc chính phủ VNCH hồi đó chưa có kế hoạch khai thác.
Bên cạnh chim biển, động vật đáng kể đến là rùa biển. Rùa biển sinh sản trong vùng nhiệt đới. Rùa đẻ trứng vùi trong cát. Trứng rùa cần nhiệt độ cao mới nở được. Một loại rùa biển có giá trị thương mại đáng kể là đồi mồi.
Rùa biển khác với rùa sống trên cạn ở vài điểm như 4 chân biến thành vây để bơi.
Rùa biển bơi lẹ làng và vì sự tiến hóa, vây dài thêm không còn thu gọn lại được trong mai như rùa đất. Rùa biển mà người ta gọi là con vích, lớn lắm, có nhiều con chúng tôi bắt được mai to đường kính trên 1m. Tuy là con vật sống dưới nước nhưng về đêm vích từ biển lại bò lên bờ cát đào ổ cạnh những bụi rậm để đẻ. Trứng vích tròn và nhỏ như quả bóng bàn, vỏ trứng mỏng nhưng dai, màu trắng. Khi luộc trứng vích, lòng đỏ trứng đông cứng lại như lòng đỏ trứng gà nhưng lòng trắng thì vẫn lỏng. Một con vích đẻ gần cả trăm trứng, có con đẻ nhiều hơn. Có đêm tôi ra xem vích đẻ, tôi đến gần ngồi bên cạnh chiếu đèn mà vích vẫn nằm yên. Đêm sau tôi đem theo bao đựng gạo lót phía dưới khi vích bắt đầu đẻ, đến khi nó ngưng đẻ tôi túm bao lại xách lên đứng xem nó làm gì khi không còn trứng? Con vích bắt đầu dùng hai chân sau lấp cát lại. Lỗ cát đã đầy và nó xoay mình dùng bụng để khỏa bằng ổ trứng vừa mới đẻ, rồi từ từ bò xuống biển. Thịt vích ăn cũng ngon, giống như thịt bò, màu đỏ nhưng rất mền lại có thể xẻ ra làm khô. Đồn quân có 2 tầng, trên là sân thượng để quan sát. Chúng tôi cũng xử dụng sân thượng để phơi khô cá, ốc gân và mực bắt được hàng ngày.
Ngoài ra Hoàng Sa còn có nhiều loại rong biển để làm thức ăn có dinh dưỡng cao
và cũng là nguồn dược liệu phong phú. Hoàng Sa là nơi thỉnh thoảng có tàu lớn của Nhựt ghé qua xin lấy rong biển và nước ngọt thời gian 2-3 ngày. Chúng tôi chỉ cho họ nước giếng ngoài trời. Mỗi lần xin nước trên 10 thùng xăng, mỗi thùng (200 lít) mà giếng vẫn đầy. Họ đem cho chúng tôi rất nhiều hải sản với trái cây và bánh kẹo.
Có buổi trưa tôi lấy xuồng cao su chạy ra biển xem cách lấy rong biển của người Nhựt, trên chiếc tàu lớn này có nhiều xuồng mà họ đã thả xuống biển trên 20 chiếc, mỗi xuồng chỉ có 1 người đeo theo con dao với bình dưỡng khí để lặn. Họ lấy rong biển gì tôi cũng không biết tên, loại rong lá to hơn bàn tay mà dài chừng 0, 3m với một số rau câu.
Trên xuồng chỉ có một bình nước để uống, 1 tô cơm không có thức ăn, 1chai xì dầu và 1cây chỉa. Đến giờ ăn, anh ta cầm cây chỉa nhảy xuống biển lối 2, 3 phút đã trồi lên với con cá cở 2, 3 kg. Anh này chỉ lấy 2 miếng nạc hai bên con cá, phần còn lại vứt xuống biển. Thấy anh ta bắt cá dưới biển giống như lấy cá từ trong thùng ra vậy.
Sau thời gian 3 tháng thì có đợn vị khác luân phiên ra Hoàng Sa, nên chiến hạm đến đón chúng tôi trở về Tiểu Đoàn 2 ở Cam Ranh.
Dù ngoài biển đảo các chiến sĩ TQLC/VN luôn đứng hiên ngang giữa bão tố phong ba để canh giữ từng mỏm đá, từng bãi san hô, giữ ngọn lửa luôn thắp sáng cho chủ quyền của Tổ Quốc Việt Nam.
Sau khi đọc bài viết này tôi mong rằng Hoàng Sa không còn là nơi xa lạ nữa mà lúc nào cũng gần gũi trong vòng tay của chúng ta.\
Ốc Mượn Hồn Bên trong Ốc Mượn Hồn
Ốc mượn hồn (người Mỹ thì gọi là cua Hermit Crab) là một loại tôm không có vỏ, có 2 càng, càng lớn để phản công, càng nhỏ để xé mồi ăn, dễ bị tổn thương và để bảo vệ bản thân nó chui vào những vỏ ốc trống thường thấy rất nhiều trên đảo Hoàng Sa. Khi Hermit Crab lớn lên, nó phải tìm một vỏ ốc khác thay thế vỏ cũ đã chật chội.
Tài liệu tham khảo:
Đại Nam Thực Lục Chính biên
Phủ biên tạp lục của nhà Bác Học Lê Quí Đôn.
Archives des mission Etrangères de Paris 1838 Jean Louis Taberd
No comments:
Post a Comment