Saturday, September 4, 2021

Những Trái Mãng Cầu Nơi Góc Phố
31/08/2021

Tâm Nguyên
Dù miền Nam đã nhiều lần oằn mình trước những đổi thay dâu bể, đường Lê Thánh Tôn vẫn là nơi có vị trí giao thương đắc địa tại Sài gòn. Con phố đó là nơi tọa lạc của chợ Bến Thành, của nhiều tiệm bán trang sức, đồng hồ, mắt kiếng, các nhà hàng khách sạn lớn (v.v...) và cũng là nơi mưu sinh của nhiều người bán dạo dùng phương tiện di chuyển là những chiếc xe đạp cũ có thể bị trật xích bất cứ lúc nào. Trong những ngày này, con phố đó không còn sầm uất nữa, mọi hoạt động buôn bán phải ngưng lại vì đại dịch Covid, và sự vắng lặng đìu hiu của cả Sài gòn làm tôi nhớ đến hai người...

Buổi trưa trên con phố Lê Thánh Tôn ngập nắng vàng vui như Tết. Hai bên đường là cảnh buôn bán tấp nập không ngưng nghỉ. Chỉ cần đi đọc theo con đường này, rồi ngang qua chợ Bến Thành, cũng đủ cảm nhận sự phồn thịnh của Sài gòn và phần nào hiểu được vì sao miền Nam là huyết mạch kinh tế của cả nước. Lúc mua được hoa tươi để cúng, tôi nhớ thời nhỏ dại cứ muốn viện cớ này kia để né tránh khi được bà ngoại nhờ phụ giúp rửa bình hoa vào ngày rằm và mồng một hằng tháng. Bây giờ tay cầm bó lay ơn đỏ thắm thì bà ngoại chỉ còn là kỷ niệm thấp thoáng trên từng cánh hoa đang nở nụ cười an ủi. Dòng hồi tưởng của tôi tình cờ gặp gỡ hình ảnh trái mãng cầu dai trong giỏ xe trên phố.

Trái mãng cầu dai (mà người miền Bắc thường gọi là quả na) làm tôi càng nhớ về bà nhiều hơn vì lúc nào bà cũng chọn những trái tươi nhất để cúng Phật. Bà sắp đặt mãng cầu một cách tươm tất theo hình kim tự tháp, trang nghiêm dâng lên bàn thờ, rồi thắp nhang khấn nguyện cho con cháu được bình an. Lời khấn nguyện năm nào vẫn luôn ứng nghiệm.

Tôi nhờ anh tài xế dừng xe và gọi chị bán mãng cầu để mua. Gương mặt đầm đìa mồ hôi của chị làm tôi muốn mua hết mãng cầu trong cái giỏ ọp ẹp được cột phía sau chiếc xe đạp không thể nào cũ hơn. Niềm vui bán được nhiều có lẽ đã làm chị quên đi sự mệt nhọc dưới cái nắng Sài thành. Chị tặng tôi nụ cười tươi như màu xanh non của những trái mãng cầu. Tôi không nỡ lòng trả giá và cũng không trả lời được câu hỏi của người bạn đi cùng: "Mua gì mà nhiều vậy, trời nóng mãng cầu mau chín, làm sao ăn hết được!?"

Đang loay hoay trả tiền thật nhanh vì biết những người bán dạo không được dừng ở khu vực xe cộ qua lại, tôi nghe tiếng gọi thật lớn từ xa của một chị khác cũng bán mãng cầu được chở trên chiếc xe đạp cũ: "Anh ơi, mua giúp em..." Khi chị ấy đạp xe đến góc đường nơi ba người chúng tôi đang đứng, tiếng thở hổn hển cùng gương mặt sạm nắng của chị ấy làm tôi cảm thấy áy náy vì không thể mua thêm. "Chị ơi, em đã mua nhiều quá rồi!", tôi chỉ kịp nói đến đó thì chị ấy bật khóc. Những giọt nước mắt không nức nở mà chỉ lặng lẽ chảy xuôi trên gò má gầy gò của chị. Tôi lật đật nói như để trấn an chị: "Chị đừng khóc, em mua, em mua..."

Cảm giác hụt hẫng của chị ấy khi biết không bán được mãng cầu cho người khách phương xa làm tôi cảm thấy mình có lỗi vì đã vội vội vàng vàng từ chối tiếng gọi mưu sinh của chị. Tôi không còn háo hức sẽ được ăn trái mãng cầu, không còn hào hứng nhìn hai bên phố Lê Thánh Tôn qua cửa kiếng xe. Ở Sài gòn bây giờ không có nơi nào bán hoa lay ơn Đà Lạt đẹp hơn và tươi hơn như ở chợ Bến Thành, và cũng không có nơi nào có thể nhìn rõ hơn sự chênh lệch quá xa giữa ấm no và khốn khó như ở phố Lê Thánh Tôn.

Trên chuyến bay về lại Mỹ, tôi vẫn không thể quên được gương mặt đầm đìa mồ hôi của hai chị bán mãng cầu trên xe đạp. Thinh thoảng khi nghĩ về hai chị và nghĩ về những người buôn thúng bán bưng khác ở Sài gòn, tôi cố gắng tiêu xài đúng mức như là cách tập nhận thức và tập thực hành sự biết ơn với cuộc sống đủ đầy mà mình có được.

Giờ đây, khi Sài gòn đang bị đại dịch Covid vây hãm, tôi lại nhớ hai chị bán mãng cầu trên con phố Lê Thánh Tôn ngày nào. Không biết giờ này hai chị ra sao khi những con đường tất bật mưu sinh của Sài gòn phải im lặng, và cả những giọt mồ hôi lam lũ cũng không thể rơi xuống lòng đường. Xin thêm những lời nguyện cầu cho Sài gòn, xin thêm bình an cho tất cả mọi người đang âu lo vì dịch bệnh, và xin thêm những chia ngọt sẻ bùi với quê hương...

Tâm Nguyên
(Hoa Kỳ, tháng 8 năm 2021)

No comments:

Blog Archive