Thursday, September 30, 2021

10 cái chết kỳ lạ của các vĩ nhân

“Sống chết tại trời”. Và có lẽ ông trời muốn các bậc vĩ nhân cũng phải ra đi theo cách “vĩ đại” lưu danh sử sách nên những cái chết kỳ lạ đến không thể đỡ được của họ khiến hậu duệ sau này dở khóc dở cười.

Trên thế giới không thiếu gì những cái chết kỳ lạ đến khó tin. Nhưng nếu bạn biết được rằng vua George II chết vì đi…WC hay Đỗ Phủ – nhà thơ vĩ đại nhất Trung Quốc lại chết vì no, nhà toán học nổi tiếng Pytago chết vì ghét đậu…thì có lẽ bạn sẽ hiểu được sâu sắc câu nói của Mai Ngô: “Trên đời này, cái quái gì cũng có thể xảy ra được!”

1. Tycho Brahe (1546 – 1601): Chết vì…không đi vệ sinh kịp
Tycho Brahe là một nhà thiên văn học, chiêm tinh học rất nổi tiếng của Đan Mạch vào thế kỷ XVI, được cho là người đã sáng lập ra môn khoa học thiên văn quan sát. Những nghiên cứu của ông đã đặt nền móng cho thuyết “Vạn Vật Hấp Dẫn” của Newton sau này.
Tycho Brahe chết vì…vỡ bàng quang. (Ảnh: Internet)

Nhưng cái chết của Tycho Brahe thì không vinh quang rực rỡ như những thành tựu cả đời ông xây dựng. Ở thế kỷ 16, việc rời khỏi bàn tiệc trước chủ nhân là điều cấm kị, và từ chối những lời mời cũng là bất lịch sự. Trong cái ngày định mệnh vào năm 1601 ấy, Tycho Brahe tham gia 1 bữa tiệc và đã uống rất nhiều rượu. Tệ hơn nữa là ông lịch sự đến nỗi không nỡ từ chối hàng chục ly rượu mời của các thực khách. Kết quả là…bàng quang của ông đã vỡ và giết chết ông một cách từ từ, đầy đau đớn trong 11 ngày sau đó.

2. Aeschylus: Chết vì bị rùa rơi trúng đầu
Aeschylus được nhiều sử gia coi là cha đẻ của bi kịch Hy Lạp, là một trong ba nhà biên soạn kịch Hy Lạp kinh điển mà các tác phẩm còn được sử dụng cho tới ngày nay.
Nếu không bị rụng tóc, có lẽ Aeschylus đã không chết sớm như vậy? (Ảnh: Internet)

Trong một ngày đẹp trời, Aeschylus đang đi dạo trên đường, thì trên bầu trời có một con đại bàng cắp con rùa bay ngang qua. Đại bàng thường tìm cách đập vỡ mai rùa bằng việc thả nó từ trên cao xuống đất, hoặc một tảng đá cứng nào đó. Aeschylus bị hói, và con đại bàng tưởng đầu ông là hòn đá nên đã thả con rùa rơi thẳng xuống đầu ông. Có thể nói Aeschylus chết vì chấn thương sọ não.

3. Vua George II của Liên hiệp Anh: Chết vì…đi vệ sinh
George II là nhà vua của Liên hiệp Anh và Ireland. Theo như lời tường thuật của người hầu, vua George II đã thức dậy vào sáng sớm, uống một tách socola nóng sau đó đi vệ sinh như thường lệ. Tuy nhiên, khi đang đi vệ sinh thì do vua George II rặn quá mạnh, dùng quá nhiều sức lực dẫn đến đứt động mạch, vỡ tâm thất, qua đời ngay trên bồn cầu.
Vua George II đã chết ngay khi đi vệ sinh. (Ảnh: Internet)

4. Pytago và cái chết “lãng xẹt” bởi hạt đậu
Pytago là nhà toán học, nhà khoa học vĩ đại bậc nhất của lịch sử nhân loại. Ông cũng rất quen thuộc với bất cứ ai đã trải qua thời học sinh, bởi câu nói: “Trong tam giác vuông, bình phương cạnh huyền bằng tổng bình phương 2 cạnh góc vuông”.
Pytago đã chết vì chứng ghét/sợ đậu của mình. (Ảnh: Internet)

Nhưng điều ít ai biết là Pytago là người sáng lập ra trường phái Pythagoras, một tổ chức theo đuổi sự hoàn hảo về đạo đức và có 1 quy định cực kỳ “mê tín” là không động vào đậu dù với bất cứ hình thức nào.

Chính bởi quy định khắt khe, cực đoan này đã dẫn tới cái chết “lãng xẹt” của nhà toán học vĩ đại. Lưu truyền rằng Pytago bởi vì một cuộc tranh cãi và bạo động gay gắt đã bị một nhóm người truy sát. Ông đành bỏ chạy thoát thân nhưng rồi chợt phát hiện ra mình bị một cánh đồng trồng đậu chắn ngang. Bởi vì quy định của trường phái Pytago, ông nhất quyết không chịu chạy qua ruộng đậu, để rồi bị bắt và giết hại ngay tại đây.

5. Nhà toán học Carnado: Chết…đúng quy trình
Carnado là một nhà toán học, chiêm tinh học lừng danh thời kỳ Phục Hưng tại Italy. Cha của ông là bạn của họa sĩ Da Vinci nổi tiếng lịch sử.

Từ cái chết của Carnado, chúng ta có “định luật bảo toàn danh dự”. (Ảnh: Internet)

Bản thân Carnado cũng đạt được rất nhiều thành tựu trong lĩnh vực toán học và chiêm tinh học. Nhưng có lẽ ông nổi tiếng nhất bởi lời tiên đoán về cái chết của chính mình. Năm 71 tuổi, Carnado bằng thuật chiêm tinh học đã tính được ngày mình qua đời là 21/9/1576. Nhưng đến gần ngày định mệnh đó rồi mà ông vẫn khỏe mạnh và không có dấu hiệu bệnh tật nào. Bởi vậy để bảo toàn danh dự, Carnado đã…tự sát vào đúng ngày dự đoán để chứng minh “chiêm tinh luôn đúng!”.

6. Đỗ Phủ: Chết vì “một bữa no”
Đỗ Phủ là một nhà thơ nổi tiếng của thời thịnh Đường – Trung Quốc. Trong cuộc đời mình ông đã viết hàng ngàn bài thơ với rất nhiều bài thơ lưu danh thiên cổ. Tuy nhiên người xưa cũng nói Đỗ Phủ có tài nhưng không gặp may mắn. Dù có tài văn chương, được dân gian trọng vọng nhưng đến cuối đời Đỗ Phủ vẫn phải lang bạt, ở nhờ và nghèo đói.

Đỗ Phủ chết bởi vì ăn quá no. (Ảnh: Internet)

Truyền rằng trận lũ lụt ở Hồ Nam năm đó đã khiến Đỗ Phủ gần 10 ngày không có đồ ăn. May sao sau đó quan huyện biết tin đã phái thuyền đến cứu và tặng cho Đỗ Phủ một ít thịt bò cùng rượu trắng. Đỗ Phủ vì quá đói đã ăn hết chỗ thịt bò kia liền một lúc. Gần 10 ngày nhịn đói, được một bữa no lại khiến Đỗ Phủ bị bội thực mà chết.

7. Lý Bạch (701 – 762): Chết vì quá yêu trăng
Thi sĩ Lý Bạch – một trong những nhà thơ nổi tiếng nhất lịch sử Trung Hoa, là người mở đường cho cả một thời kỳ thơ ca hưng thịnh của đời Đường. Lý Bạch được dân gian tôn xưng là Thi Tiên, sáng tác hơn hai ngàn bài thơ tuyệt tác, nhưng viết đến đâu vứt đi đến đó. Một số bài thơ nổi tiếng nhất và được biết đến nhiều nhất của ông là Tĩnh Dạ Tứ hay Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng, Nguyệt Hạ Độc Chước…vv
Còn Lý Bạch thì chết vì muốn bắt ánh trăng dưới nước. (Ảnh: Internet)

Dân gian truyền tụng về sự ra đi của Thi Tiên Lý Bạch đó là vì muốn…bắt trăng. Trong một đêm đang du ngoạn trên sông Thái Trạch, huyện Đang Đồ (thuộc thành phố Mã An Sơn, tỉnh An Huy), Lý Bạch nhìn thấy ánh trăng rằm soi sáng dưới mặt nước, đẹp lung linh mê hoặc. Sẵn có hơi men trong người, Lý Bạch cố gắng vươn tay để bắt lấy vầng trăng đến nỗi mất đà, ngã xuống nước mà chết đuối.

8. William Henry Harrison – Chết vì…thích đẹp
William Henry Harrison là vị tổng thống Mỹ chỉ tại nhiệm đúng 31 ngày. Và lý do cho nhiệm kỳ ngắn ngủi đó của ông không phải do bãi chức hay bạo loạn lật đổ gì, mà bởi vì William Henry Harrison đã chết vì viêm phổi sau 1 tháng đọc diễn văn nhậm chức Tổng thống Hoa Kỳ.
Đẹp không phải lúc nào cũng tốt. (Ảnh: Internet)

Ngày 4/3/1841, ngày William Henry Harrison tuyên thệ nhậm chức Tổng thống là một ngày tuyết rơi nhiều và nhiệt độ xuống gần 0 độ C. Ông không mặc áo choàng, không đeo găng tay và cũng không đội mũ vì chê thiết kế của trang phục. Ông đã chọn cưỡi ngựa trắng để diễu hành qua các con phố, đọc bài phát biểu nhậm chức dài 2 tiếng đồng hồ với 8.445 chữ.

Những ngày sau đó, sức khỏe của tân Tổng thống ngày càng xấu đi. Đúng một tháng sau, William Henry Harrison đã qua đời vì căn bệnh viêm phổi. Người ta nói, ông chết vì làm đẹp.

9. Bạo chúa Periander – Sai người giết chính mình
Periander là một bạo chúa nổi tiếng của Hy Lạp cổ đại, con trai của bạo chúa Kypselos cai trị thành Korinthos. Periander là một kẻ đa nghi và rất tỉ mỉ. Khi còn sống và cai trị, hắn luôn miệt mài tìm kiếm những học giả tài giỏi, những bề tôi thông minh để trừ khử hết, miễn cho bọn họ tìm cách hãm hại hay lật đổ hắn.
Bạo chúa Periander thì lại lên kế hoạch tỉ mỉ cho cái chết của mình. (Ảnh: Internet)

Bởi vậy đến khi chết, Periander cũng muốn chết theo cách của mình và không muốn ai tìm ra nơi chôn xác của hắn để trả thù. Periander đã cử 2 bề tôi đi theo con đường hắn chỉ, giết kẻ đầu tiên bọn họ nhìn thấy, rồi chôn xác kẻ đó. Nhưng hắn lại cử thêm 4 kẻ khác đi sau, giết chính 2 tên sát thủ và chôn xác chúng. Và bạn đoán đúng rồi đấy, Periander chính là người bị 2 tên tay sai giết, chôn xác và 2 kẻ duy nhất biết nơi chôn xác tên bạo chúa lại bị 4 tên tay sai khác giết chết. Vậy là không ai có thể biết Periander được chôn ở đâu.

10. Chrysippus – Chết vì…cười
Chrysippus là một nhà triết học thuộc trường phái khắc kỷ của Hy Lạp. Ông được biết đến là nhân vật quan trọng thứ hai của chủ nghĩa Stoicism sau Zeno xứ Citium.
Chrysippus chết vì cười, chẳng hay là một cái chết vui vẻ? (Ảnh: Internet)

Chrysippus được cho rằng đã chết vì cười quá nhiều. Câu chuyện là một ngày nọ, Chrysippus nhìn thấy 1 con lừa đang cố gắng ăn sung trên cây. Ông đã nghĩ ra ý tưởng và gọi người hầu mang rượu tới cho con lừa “nhậu” với sung. Và nhìn cảnh con lừa vừa say rượu vừa ăn sung, Chrysippus đã cười không dừng được. Ông cười đến mức…tắt thở luôn. Một học giả đã viết về cái chết kỳ lạ của Chrysippus: “Ông chết vì cười quá nhiều.”

Trên đây là 10 cái chết kỳ lạ của các bậc vĩ nhân. Vẫn biết sinh lão bệnh tử là quy luật hiển nhiên, nhưng những cái chết “hỡi ơi” thế này cũng thật khiến hậu thế phải dở khóc dở cười.

PBP

No comments:

Blog Archive