Friday, September 24, 2021

HƯƠNG ĐỒNG

Thái quốc Mưu

Cái tin Út Trâm, con gái ông Cả làng An Quy phát điên chẳng mấy chốc lan ra cả huyện Thạnh Phú. Ý nghĩ đầu tiên của mọi người là tội nghiệp cho một cô con gái nết na thuần hậu mà gặp phần số không may.

Thông thường, một người được tán tụng là khi người đó đã... chết hoặc đã lâm vào chứng bệnh "thập tử nhất sinh". Khi ấy, bao nhiêu đức tính công lao lớn nhỏ của người chết hoặc người sắp chết đều được mọi người nhắc nhở không sót một điều gì. Trong khi cũng ngần ấy công lao, đức hạnh của người đó khi còn còn sống hay khỏe mạnh, dù là kẻ trực tiếp đón nhận hay nghe thấy trực tiếp nhưng dường như họ cũng tảng lờ đi, đôi khi còn phủ nhận nữa là khác. Trường hợp Út Trâm cũng vậy.

Cô Út Trâm vẫn còn hiện diện trên cõi đời nầy, nhưng khác nào đã chết. Còn tệ hơn chết nữa là khác!

Đấy, đấy là dịp để mọi người tán dương cô. Họ tranh nhau nói tốt về cô. Nào thì là cô đầy nhân ái, biết thương kẻ nghèo hèn, ưa giúp kẻ khốn khổ, giàu mà không kiêu kỳ và rất ... "bình dân". Nào thì là cô đẹp duyên dáng, được ông bà Cả cho lên Tỉnh ở nhà một người bà con để ăn học. Tuy vậy, cô vẫn giữ được nét chất phác, thuần hậu hiền lành của người thôn nữ. Cô không bao giờ đánh phấn bôi son mà vẫn đẹp hơn mấy cô đào của đoàn cải lương "Kiếp Bướm" nhiều, vân vân và v.v...

Tóm lại, những đức tính tốt, những cái nhất trên cõi đời nầy cô Út Trâm không thiếu cái gì cả. Còn hơn thế nữa, các bà các cô đã thêu dệt nhiều chuyện ly kỳ về đức độ của cô Út mà đặc biệt chỉ có... người kể chuyện và cô Út biết mà thôi. Người nghe biết họ xạo, nhưng cũng im lặng, mà im lặng thì coi như đã tán đồng rồi. Vì nếu phản đối hóa ra họ là người quá nhỏ nhen hoặc chẳng biết gì về cô Út hoặc để tự phủ nhận những gì trước đây họ nói về cô Út sao?

Thế là những ... chuyện thần thoại ấy không ai biết mà vẫn cứ được hết người nầy đến người kia nói, kể liên tục. Còn có chuyện cả đầu trên xóm dưới đều rõ ràng mà ai nấy đều không hề đá động tới. Đó là chuyện cô Út Trâm tư tình với trai ngoài chòm mả.

Họ không nói đến chuyện nầy chẳng phải vì họ chưa xác minh được kẻ hẹn hò với cô Út Trâm là ai, mà họ cố tình... quên phức chuyện nầy. Như vậy có thể nói, nếu nhà khoa học tìm ra thuyết "lục địa trôi" và người ta "chỉ sống sau khi đã chết" thì cô Út Trâm chỉ toàn thiện khi cô đã phát... điên vậy.

Duy có một người không chịu quên chuyện "xấu" - tạm gọi là như vậy - ấy của cô Út Trâm, đó là thằng Trục, con của Hai Cày, cũng là người tình của Út Trâm.

Nó bỏ ngoài tai tất cả mọi chuyện thị phi nói về cô Út, vì hơn ai hết, nó quá rành rẽ về người yêu của mình. Điều nó lo lắng không yên là cô Út bỗng nhiên phát điên. Thân phận con nhà nông, ít học, quê mùa của nó đã làm cho nó thường xuyên mũi lòng, vô vọng với mối tình khó chấp nhận nầy, giờ cô Út lại phát điên làm cho nó vừa khổ sở vừa tuyệt vọng hơn. Làm sao thăm cô Út đây? Làm sao cho cô Út hiều rõ lòng nó bây giờ. Làm sao? Làm sao?

Trăm câu hỏi ngổn ngang không lời giải đáp, khiến thể vóc cường tráng của nó xọp đi thấy rõ. Nhưng tâm tư nó giấu kín như chôn, không ai biết mà nó cũng không thể nói cho ai biết. Chỉ có Tư Bừa, người đã đi guốc trong bụng nó.

Tư Bừa, em trai của Hai Cày, tức chú ruột thằng Trục. Chỉ cái tên cũng đủ chứng minh họ thuộc gia phả nhà nông lâu đời. Thế nhưng khác với người anh, Tư Bừa từ khi tuổi còn nhỏ hơn thằng Trục bây giờ đã tự tách mình ra khỏi tông chi ấy. Bừa tự "cách mạng" bản thân, học côn, học quyền, đi sông, đi biển làm bạn (1) cho tàu đánh cá.

Được thời gian, chán nghề sông nước, bèn lưu lạc tha phương, không biết ở đâu? Không biết làm gì? Năm ba năm mới về thăm mồ mả ông bà một lần. Về rồi đi, đi rồi về. Cũng vẫn nghèo nhưng không đến nỗi rớt muồng tơi! Có điều, hoạt bát lanh lợi, dạn dày của "dân tứ chiếng".

Tư Bừa về thăm quê lần nầy, trước ngày cô Út Trâm phát điên không lâu. Một hôm ông ta kêu thằng Trục đến và bảo nó bằng giọng của kẻ bàng quan:
- Thôi, buồn làm gì? Cũng tại bây thôi!

Thằng Trục như ngồi phải gai:
- Cái gì? Chú Tư nói cái gì?

Tư Bừa tỉnh queo:
- Thì chuyện của mầy với "con mèo" phát điên của mầy đó.

Thằng Trục cười mếu:
- Sao chú Tư biết?

Tư Bừa lên giọng:
- Mầy đứng bên kia tường, tao còn nhìn thấy nữa kìa...!

Nói xong, Tư Bừa đổi giọng thân mật:
- Bây giờ mầy nghe tao hỏi "Có phải trước khi điên ông Cả ép gả nó cho thằng Chệt hàng xén phải không?"

- Dạ!

- Ừ! Tối ngày nó cứ ở trong phòng, mà hễ có "Thầy" nào vô trị là nó chém phải không?

- Dạ!

- Bà Cả đem thuốc vào nó có chém không?

- Dạ không!

Tư Bừa thở khì một cái nghe rõ mồm mộp:
- Hỏi thì hỏi vậy, chớ tao biết tất. Thôi để tao liệu cho.

Bệnh cô Út Trâm ngày càng một xấu. Cô càng ít nói, ít ăn, ít uống. Thỉnh thoảng lại khóc lại cười, có khi lại đập phá đồ đạt trong phòng. Còn con dao xắt chuối là vật bất ly thân. Với các thầy nào, có đạo âm binh không tinh luyện thì đó là lưỡi gươm lợi hại. Thầy Ba Quý là kẻ thất trận đầu tiên dưới làn thép vô tình nầy. Bữa đó, sau khi phô trương về thuật ếm quỷ trừ ma của mình, ông phun rượu, bắt ấn, họa bùa rồi xồng xộc tung cửa vào phòng. Thần chú chưa dứt, bỗng mọi người nghe "Á!" một tiếng thất thanh. Chưa rõ nguyên nhân, thì thầy Ba Quý phóng ra ngoài ôm bàn tay ràn rụa máu.

"Đồng thanh tương ứng...", các pháp sư ở làng khác cũng hăm hở kéo tới. Có người theo lời thỉnh cầu của ông bà Cả, có thầy tự động đến quan sát... từ xa về tình trạng bệnh nhân. Liệu bề coi dễ ăn thì nhào vô, để hy vọng lãnh món tiền thưởng béo bở của gia chủ, nếu may mắn chữa cho cô Út Trâm hết bệnh.

Nhưng hầu hết tâm trạng của các Thầy đi trị bệnh cũng giống như của người đi viếng cảnh chùa. Khi đi, hứng khởi bao nhiêu vì cảnh tình núi non hùng vĩ hiện tràn trong óc. Khi về, chán ngán bấy nhiêu vì gối mỏi chân chồn, lại nghĩ cảnh núi non kia cũng chỉ tầm thường. Lúc đó lại nghĩ, đường về sao lại quá xa!

Có người lại nhớ đến bàn tay của thầy Ba Quý rồi nghĩ, thầy vậy mà còn may mắn, tới mình biết đâu không còn... đầu để đội nón, quấng khăn? Cánh cửa phòng mỏng manh kia như một cửa ải được bảo vệ bằng một võ quan đởm lược phi thường mà đám âm binh từ bảy núi chín sông được các thầy triệu về coi bộ quá rụt rè. Các thầy đành cáo lỗi rút êm, để lại ông bà Cả nỗi buồn vô vọng.

May sao có một thầy tình nguyện đến, quả quyết sẽ bắt được con yêu tinh lì lợm đã nhập vào cô Út. Đó là Tư Bừa.

Thoạt đầu, ông Cả thoáng chút ngở ngàng, bán tín bán nghi, bởi ông Cả còn lạ gì "cái thằng Tư Bừa lưu linh lưu địa" nầy nữa! Không chừng nó liều mạng đến đây kiếm chút tiền trà nước chăng? Biết tỏng được ý nghĩ của ông Cả. Tư Bừa nói, giọng tự tin:

- Ông Cả yên tâm. Tôi đến đây chỉ với mục đích duy nhất là chữa bệnh cho cô Út. Tôi đảm bảo, nếu cô Út không hết, tôi chịu tội. Còn cô Út hết, tôi không nhận món thù lao nào.

Ông Cả hơi cúi xuống, để nhìn thấy rõ hơn người nói chuyện với mình qua cặp mắt kính. Thật tình từ xưa đến giờ chưa có thầy nào đòi chữa bệnh với điều kiện kỳ khôi thiệt thòi cho họ như thế. "Hết bệnh không lấy tiền, không hết chịu tội". Vậy ngu gì mà đến chữa? Nỗi nghi ngờ hiện ngập trên mắt Cả.

Tư Bừa hiểu được sự nghi ngờ trong đôi mắt ấy, nên từ tốn tiếp:
- Hơn mười năm nay, tôi xa xứ, lên núi Cấm Thất Sơn cố học cho được những điều huyền bí. Tôi đã biết cô Út phát bệnh nhưng vì nể nang các thầy ở địa phương mà không dám xuất đầu lộ diện. Nay dù thấy tài mình chưa đáng gọi tôn sư, nhưng tự biết có thể cầm ma, phục quỷ. Đạo pháp vô biên, kẻ tu hành thấy nguy không độ thì biết bao giờ mới thành đại giác? Những lời tôi nói với Cả, chẳng qua là tâm nguyện của kẻ học đạo mà thôi.

Lời nói của Tư Bừa vừa khiêm tốn, vừa phảng phất mùi đạo hạnh khiến ông Cả hài lòng. Ông lại nghĩ, dù Tư Bừa không có thực tài chăng nữa, thì việc trị bệnh cho con gái cưng của ông, cũng không đem lại cho ông một thiệt thòi nào. Lại còn biết đâu "phước chủ, may thầy", con ông lành bệnh cũng nên.

Ông Cả đổi thái độ:
- Thì trăm sự tôi cũng nhờ chú..ơ... th..ầ..ầy giúp. Thầy nói vậy, chớ con Út của tôi nó lành mạnh, vợ chồng tôi làm sao dám quên công ơn khó nhọc của thầy. Nhưng mà, a..a... ông Cả bỗng ngập ngừng thở ra, rồi tiếp:

- Xin thầy cẩn thận, hễ gặp thầy nào nó cũng chém.

Tư Bừa gật gật cái đầu:
- Tôi biết! tôi biết! Thôi để khỏi mất thì giờ, xin Cả cho tôi vào gặp cô Út.

Ông Cả ái ngại:
- Thầy có cần gì không?

- Không tôi đã lo sẵn.

Nói xong. Tư Bừa lôi trong túi ra một cái khăn đỏ rồi choàng qua đầu, cột phía trước. Thủ tác thuần thục, gọn gàng. Tiếp theo, ông lôi ra một bó nhang lớn, đã cột cẩn thận bằng hai nuộc chỉ ngũ sắc.

Tư Bừa chậm rãi đốt trọn bó nhang, phát bùa, đọc liền mấy câu thần chú, nghe chẳng ai hiểu, nhưng âm điệu trầm hùng, khiến người nghe lên gai ốc. Họ im phăng phắc.

Ông Cả không dấu được vẻ áy náy, giọng lo lắng lẫn xúc động:
- Thầy coi chừng. Nó hung dữ lắm.

Tư Bừa vẫn chăm chú vào những đường nhang trước mặt. Đột nhiên hét:
- Nghiệt súc! Lão sư đã đến đây!

Liền sau tiếng hét, cánh cửa bung ra bởi cú đạp cực mạnh của Tư Bừa. Ông vội lách vào, thì có tiếng quát lớn của cô Út:
- Bà cho mầy chết.

Loáng một cái, lưỡi dao xắt chuối bay tới. Nhanh như điện, Tư Bừa khom người xuống, lưỡi dao vút qua đầu mất đà. Thuận thế Tư Bừa nhanh như chớp đứng thẳng người giơ tay trái như hai gọng kềm, bóp chặt cổ tay cô Út, cùng một lúc đưa bó nhang hực lửa dí vào trán cô. Cô Út rú lên một tiếng kinh hoàng, lưỡi dao rơi xuống nền gạch vang lên tiếng "xi..ẻng" chát chúa. Sự việc xảy ra trong chớp mắt.

Mọi người định ùa vào thì Tư Bừa hét to:
- Lui ra! kẻo quỷ nó nhập vào là chết đó!

Ai nấy kinh hồn, phóng vội ra sân. Tư Bừa vói chân đạp cánh cửa đóng sầm lại. Bó nhang vẽ vẽ trước mặt cô gái với lời hăm dọa:
- Nếu cứng đầu, tao sẽ dúi bó nhang nầy vào mặt mầy.

Cô Út run cầm cập. Tư Bừa dịu giọng nói nhanh, nhỏ vừa đủ cô Út nghe:
- Cô yên tâm, tôi không làm hại cô đâu. Tôi đến để giúp chuyện cô với thằng Trục đây.

Út Trâm tròn xoe đôi mắt. Tư Bừa chợt nhận ra có tiếng chân người tiến dần đến của phòng, nên quát to cố ý cho người ngoài nghe thấy:

- Hãy lên giường, ngồi xuống!

Út Trâm ngoan ngoãn như con chó trong đàn xiếc.

Tư Bừa lùi ra một bước, thò tay vào túi áo, lấy ra một tờ giấy huỳnh đơn (2) nhỏ cỡ bàn tay đưa trước mặt Út Trâm, nghiêm giọng:
- Nghiệt súc! Hãy nhìn vào đạo linh phù nầy!

Cô Út Trâm nhìn vào lá bùa như bị thôi miên, đôi mắt rạng rỡ hiền hòa, rồi chấp hai tay nức nở:
- Con xin nghe lời thầy dạy.

Tư Bừa cười lớn, không phải giọng cười chiến thắng của kẻ chinh phục mà là giọng cười quảng đại của bậc trưởng thượng:
- Tốt! Tốt lắm! Vậy ngươi hãy uống đạo linh phù nầy để được ta nhận làm đệ tử.

Nói xong, Tư Bừa dùng hai ngón tay se tròn mảnh giấy huỳnh đơn lại rồi đưa vào miệng Út Trâm. Nhìn bộ vó xanh xao gầy còm, tóc tai rũ rượi của cô Út. Tư Bừa ôn tồn nói:
- Người theo đạo, hình thể phải gọn gàng sạch sẽ, thần trí phải thư thái thảnh thơi, nói năng dịu dàng hòa nhã. Ta truyền cho đệ tử, giờ nầy phải được như thế. Đệ tử có nghe lời bổn sư không?

Út Trâm kính cẩn chấp hai tay:
- Dạ, đệ tử xin vâng lời!

- Đệ tử hãy nằm nghĩ cho tinh thần ổn định. Nhớ rằng... Tư Bừa chợt đổi giọng, ông ta nhấn mạnh từng tiếng một:
- Đệ tử phải nhớ, khi tâm thần chưa ổn định thì "không được nói nhiều". Nghe ch..ư..ưa!

Út Trâm hiểu ý, đáp:
- Xin vâng lịnh!

Út Trâm thấy cặp mắt Tư Bừa nheo nheo ý nhị, trong khi Tư Bừa nói lớn:
- Bổn sư sẽ trở lại, giờ ta đi đây!

Tư Bừa mở nhanh cửa, mọi người ở đó chưa kịp tản ra, ngượng ngùng. Tư Bừa nghĩ thầm, "Mình đoán có sai đâu, nãy giờ họ rình xem".

Mọi việc xảy ra thật bất ngờ. Từ sự đột nhiên Tư Bừa đến, đến chỉ trong khoảnh khắc mà khuất phục được Út Trâm. Rồi đạo linh phù, rồi cô Út Trâm nghe thầy mọi thứ. Ai nấy đều thầm phục Tư Bừa quả là một pháp sư cao tay ấn.

Ông bà Cả mừng ra mặt, hối đám gia nhân mang trà nước. Ông Cả mừng quá, hóa ngây ngô:
- Dạ, tôi thấy con nhỏ có vẻ bớt nhiều. Chẳng hay... đến khi nào nó... hết hẳn vậy thầy?

Tiếng thầy bây giờ ông Cả phát ra không còn ngượng như lúc Tư Bừa mớ đến.

Tư Bừa vờ suy nghĩ một chút rồi nói:
- "Vong" nó nhập vào cô Út, trước mặt tôi chỉ tạm thuần phục. Bây giờ cần phải trục nó ra. Cô Út mới trở lại bình thường vĩnh viễn.

Ông Cả hỏi trong lo âu:
- Vậy phải làm sao hả thầy?

- Muốn vậy Cả phải làm thế nầy, thế nầy...

Tư Bừa dặn dò. Ông Cả đồng ý ngay.

Vài ngày sau. Đám "trục hồn quỷ" được tổ chức lạ mắt, đã thu hút hàng mấy trăm người ở khắp nơi trong huyện. Những người hiếu kỳ thi nhau kéo đến nhà ông Cả đông như kiến cỏ. "Đàn trục hồn" được lập trên sân đạp lúa thênh thang xế trước nhà ông Cả. Chính giữa đặt một cái bàn hình chữ nhật to lớn, phủ vải điều (3). Trên bàn đặt các thứ hoa quả, lư hương nhang đèn khói hương nghi ngút. Sau bàn được treo một tấm vải đỏ to bằng phần tư chiếc đệm, có vẻ một đạo linh phù ngoằn nghoèo, chằng chịt không ai hiểu ý nghĩa là gì. Chung quanh bàn, hơn hai mươi tráng nông tay cầm cờ ngũ sắc, dang tay tạo thành một vòng tròn lớn có bán kính trên ba mươi mét. Vòng tròn nầy có khả năng như một hàng rào ngăn cấm sự xâm nhập bất cứ kẻ nào. Đồng thời để bảo vệ trong khi thầy Tư Bừa làm phép.

Nghi thức trục hồn khá rườm rà phức tạp, tưởng không phải mô tả chi tiết làm chi. Điều đáng nói là sau đó Út Trâm mặt mày tươi rói, tâm thần trong sáng, hoàn toàn trở lại con người duyên dáng như xưa, ngoại trừ nước da còn xanh nhợt. Nét hân hoan hiện rõ trên khuôn mặt mọi người. Nhất là ông bà Cả vui tươi còn hơn ngày ông ăn khao chức vị Cả trong làng. Họ không tiếc lời ca ngợi Tư Bừa là ông thầy có tài cầm ma phục quỷ, lại trọng nghĩa khinh tài. Đặc biệt, thầy không nhận một chút quà cáp nào, kể cả món tiền cực kỳ béo bở do chính tay bà Cả khúm núm trao.

***
Hơn tháng sau, ông bà Cả gả Út Trâm cho thằng Trục. Người đầu tiên phục tài nghệ của thầy Tư Bừa nhất không ai khác hơn ngoài hai vợ chồng thằng Trục. Nhưng người biết tường tận tài nghệ của ông thầy nầy không ai hơn Hai Cày. Bởi Tư Bừa không dấu giếm người anh của ông một điều gì, khi...

Hai Cày hỏi:
- Làm sao chú biết vợ thằng Trục giả điên?
.
Tư Bừa cười lớn, làm run run chòm râu không được cắt tỉa:
- Có gì đâu! Tại sao trước kia nó không điên mà đến khi ông Cả ép gả nó cho thằng Chệt hàng xén nó mới điên? Vả lại, nếu điên thì điên với tất cả mọi người, chứ sao lại chỉ điên với mấy cha thầy pháp (4)?

Hai Cày giọng chất phác:
- À, chỉ có vậy mà tôi nghĩ cũng không ra. Mà chẳng phải mình tôi không đoán ra, hầu hết mọi người suốt đời quanh quẩn trong cái làng nhỏ bé nầy cũng đoán không ra. Kể ra, những người trôi nổi đó đây như chú thì khôn ngoan hơn nhiều.

Ngừng một chập, như để hài lòng về sự nhận xét và cảm phục của mình dành cho thằng em "phiêu bạt giang hồ". Hai Cày tiếp:

- Tôi thấy mấy pháp sư trước, khi vào phòng chỉ dùng ba cây nhang. Sao chú "dện" đến cả bó, sao lạ vậy?

Tư Bừa lại cười, nụ cười rất thật:
- Chẳng có gì khó hiểu, tôi mượn nắm nhang là vũ khí trấn áp thôi. Chẳng lẽ làm thầy mà lại bốp tai con bệnh, coi sao được?

Hai Cày cười khục khặc:
- Chú làm thế nào mà khi đưa lá bùa ra mà con nhỏ lại tuân thủ nhanh chóng như vậy? Tôi biết không phải là bùa ngải gì, sao chú bắt nó uống làm chi?

Đến lượt Tư Bừa cười, sặc cả ngụm nước trà vừa hớp:
- Số là như vầy, tôi bảo thằng Trục viết cho nó vài chữ. Đại để bảo con nhỏ, nếu tôi bảo gì thì phải nghe theo. Khi con nhỏ thấy "thư" của thằng Trục thì mừng húm, nên tôi nói gì mà nó dám cãi. Còn lá bùa tôi biểu nó uống, nhưng đâu có cho uống, tôi làm như vầy vầy nè...

Tư Bừa vừa nói vừa làm lại cử chỉ vo tròn mảnh giấy rồi cầm bằng hai ngón tay cái và trỏ, cho vào miệng Hai Cày, sau đó ông dùng ngón tay cái kéo ngược cục giấy vào lòng bàn tay một cách tinh luyện làm cho Hai Cày thật tình mến phục. Tư Bừa tiếp:

- Tôi phải nói và làm như vậy vì tôi biết bên ngoài có nhiều người rình coi. Điều đáng nói là lúc tôi khống chế được nó, mọi người định ùa vào phòng, nếu tôi không nhanh trí hù họ "lui ra kẻo quỷ nó nhập vào là chết". Ai mà không sợ ma quỷ nhập vào người, nên nghe tôi hét như vậy là họ vọt hết. Nhờ vậy, tôi mới nói chuyện với con nhỏ được.

- Rủi bữa đó, chú vào nó chém bay đầu làm sao?

Giọng Tư Bừa đầy tin tưởng:
- Tôi đã đề phòng trước, làm sao mà chém được? Với bó nhang rực lửa tôi cầm, mười thằng thanh niên tôi còn không ngán. Sợ gì một đứa con gái ba bốn ngày bỏ ăn?

Hai Cày lúc lắc cái đầu khâm phục. Lại hỏi:
- Khi bày vụ trục hồn. Sao chú bảo ông Cả bày chi linh đình, làm cho tốn hao quá vậy?.

- Đối với người giàu sụ như gia đình ông Cả, thì sự tốn hao đó có nhằm nhè gì đâu anh? Giả sử, nếu đổi nửa gia tài để cứu lấy đứa con gái cưng, ổng bả cũng bằng lòng.

Nói xong, Tư Bừa nhìn Hai Cày hỏi đố:
- Anh biết tôi bày ra cái vòng tròn lớn bao bọc quanh bàn trục hồn để làm gì không?

Trong khi Hai Cày lắc đầu. Tư Bừa tự trả lời:
- Mỗi thứ tôi bày ra đều có ý cả. Tôi bày đặt như vậy, để khi tôi cần dặn dò gì con dâu tương lai của anh, mọi người sẽ không nghe vậy thôi.

Tư Bừa cầm chiếc bình trà, chồm tời trước rót vào tách của Hai Cày trước khi tự rót vào tách mình. Xong, ông ta cười tiếp:

- Nhờ tôi cho vài mẹo vặt, bây giờ anh chị có con dâu hiền thục. Vậy ngày mai, anh nói với chị Hai đãi tôi một bữa bánh xèo. Tôi định sáng mốt lên đường tiếp gót giang hồ.

Hai Cày ngậm ngùi cho cuộc chia tay sắp tới. Ông bảo Tư Bừa:
- Từ lâu thấy cuộc sống lêu bêu của chú, tôi cứ ngở là chú khinh chê tình huyết nhục. Chỉ lo cho cuộc đời lãng bạc của chú. Qua vụ thằng Trục với con Trâm, tôi mới thấy là mình nghĩ sai. Chú đã thể hiện được lòng cưu mang với con cháu, còn nặng nề tình huyết nhục, làm tôi suy nghĩ rất nhiều. Tôi muốn nói điều nầy với chú.

Tư Bừa trịnh trọng chờ đợi, vì ông biết người anh quê mùa chất phác của ông sắp nói ra điều gì quan trọng. Trong khi mắt Hai Cày rươm rướm lệ, giọng nghẹn ngào:

- Tôi nghĩ, tuổi chú đã ngoài bốn mươi mà chưa yên bề gia thất. Tôi thật không bằng lòng, mà còn cảm thấy xấu hổ với vong hồn cha mẹ. Mình có ba anh em, cô ba (5) nó tưởng đã yên bề gia thất, dè đâu phải sớm lìa đời bởi cảnh đẻ chửa hồi năm rồi. Bây giờ còn có hai anh em mình, mà chú lại cứ rày đây mai đó, làm sao tôi yên lòng cho được. Ý tôi, là chú nên ở lại quê hương, làng xóm đề gần gũi mồ mả cha mẹ ông bà, còn có anh có em hú hí sớm hôm. Rồi lần hồi, tôi với chị Hai chú kiếm nơi đàng hoàng mà lo gia đình cho chú. Chứ chú cứ sống "lềnh bềnh như lục bình trôi" hoài coi sao được?

Lời nói chân tình của người anh ruột thịt, làm cho Tư Bừa rất xúc động, máu giang hồ lãng tử của ông ta phút chốc tiêu tan, ông cũng nghẹn ngào:

- Em - lần đầu tiên y xưng em với Hai Cày - rất cảm động vì anh đã có ý lo cho em. Nhưng gót chân của em đã quen rày đây mai đó. Bây giờ, nếu lấy vợ phải chôn chân một chỗ làm sao em chịu được? Vả lại...vả lại quê mình nghèo quá mà còn lạc hậu nữa, trong khi nhiều nơi em đã đi qua, người ta đã bài trừ các tệ đoan và đầu óc mê tín, thì ở đây vẫn còn gắn chặt với nó như cơm với cá. Em thấy, dầu là nơi chôn nhau cắt rốn, nhưng đây không phải là chỗ giam hãm cuộc đời phóng khoáng của mình.

Hai Cày nói:
- Tôi hiểu, nhưng ở đây dầu gì cũng là quê hương của mình, nơi đã chôn cất hài cốt tổ tiên, cha mẹ mình. Dầu nơi đây, trong đời sống con người còn nhiều điều không tốt đẹp chẳng bằng những nơi khác. Nhưng cũng có cái hay của nó, mà tôi nghĩ ở nơi khác chú không có được, chắc chắn là không có được. Đó là tình thôn lân, chòm xóm, tình bụi tre, bờ ruộng, con trâu, cái cày.

Tư Bừa trố mắt nhìn người anh, ông không ngờ lẫn khuất trong con người nông dân chân chất ấy lại có cả tâm hồn dạt dào tình cảm "đầy tính nghệ sĩ" như vậy. Nhất là ông không hiểu, vì sao, anh của ông lại thốt ra được những lời như thế ấy?

Tư Bừa nói, giọng thật trầm:
- Em hiểu những gì anh đã dạy em, em sẽ cố gắng làm theo lời anh. Trong chuyến lãng du nầy, em sẽ cố học hỏi những điều mắt thấy tai nghe, để khi trở về đây, em sẽ góp sức mình vào việc làm cho đời sống của bà con ở cái làng cùng đinh nầy được khá hơn. Lúc đó, anh với chị Hai muốn dạy điều gì thì em cũng xin vâng lời.

Mắt Hai Cày sáng rực, ông vói tay bóp chặt cườm tay Tư Bừa, như truyền tất cả niềm thương yêu và nguồn sống vào một người em mà lần đầu tiên trong cuộc đời của ông, ông mới nhận ra: "nó không cứng đầu cứng cổ như mình tưởng".

Tư Bừa xúc động trước cử chỉ ấy, hắn tiếp:
- Sáng mốt em đi, mùa gặt sang năm em về.

Đột nhiên Tư Bừa lại đổi giọng vui:
- Lúc ấy, anh với chị Hai phải có sẵn cho em một "bà" vợ. Em không cần đẹp, em chỉ cần nết na, hiền hậu và nhất là phải biết đảm đang và yêu thương chồng con.

Hai Cày khoát khoát tay, giọng thật vui:
- Chuyện đó chú khỏi lo, anh với chị Hai chú đã nhắm sẵn rồi. Chỉ chờ chú ưng thuận là đâu vào đó. Anh chỉ xin chú một điều, là khi cưới nhau rồi, chú đừng nổi hứng máu giang hồ ngang xương, để thiếm ấy phải cô quạnh một mình ở nhà thôi.

Tư Bừa giọng chắc nịch:
- Em xin hứa. Có điều, em cũng phải lo tạo dựng một ít, để khi về phụ với anh chị lo việc cưới hỏi...

Hai Cày cướp lời:
- Cái chuyện đó chú không cần phải lo. Chị Hai chú đã bàn tính với tôi rồi. Bả còn nói, sau khi chú cưới vợ xong, anh chị sẽ cho chú một đôi trâu với phần ruộng bên giồng Con Dơn nữa. Mà chú có lo nữa cũng chẳng sao, có thêm ít vốn rồi vợ chồng muốn làm thêm cái gì đó thì làm...

Rồi ông quay ra nhà sau lớn tiếng gọi:
- Mốc! con Mốc đâu rồi? Biểu má bây coi bắt con vịt đẻ nào lớn nhất mần thịt, nấu cháo đãi chú Tư. Với lại biểu con vợ thằng Trục ngâm gạo, sáng mai xay bột làm bánh xèo nữa nghen hôn. Ngày mốt chú Tư bây đi rồi đó. Còn mầy ra liếp gừng già moi mấy củ lên đem vô cho má mầy làm nước mắm nghen hôn?. Lo chơi không là chết với tao đó!

Tư Bừa nhìn người anh lòng xúc động lẫn vui suớng. Anh nhận ra, dầu bất cứ nơi nào, có đẹp, có giàu có bao nhiêu cũng không bằng mảnh đất quê hương. Bất giác Tư Bừa thở dài, ông thèm một mái ấm gia đình...

Thái Quốc Mưu

Ghi chú:
1. Bạn: Ở đây nói người làm thuê.
2. Giấy "huỳnh đơn", loại giấy thô, một mặt trắng, một mặt vàng, các pháp sư ưa dùng với giấy "hồng đơn". Hồng đơn cũng loại giấy thô, một mặt đỏ, một mặt trắng.
3. Vải điều: Vải màu đỏ
4. Thầy pháp: Pháp sư, những người trị bệnh bằng bùa chú, theo lối mê tính.
5. Cô Ba: ở đây theo ngôi thứ miền Nam, người chào đời thứ nhất, gọi thứ Hai.

No comments:

Blog Archive