Friday, March 3, 2017

“Tổ Quốc Ăn Năn”, vụ đạo văn của thế kỷ?

Ký Thiệt


         Nguyễn Gia Kiểng

Cuốn “Tổ Quốc Ăn Năn” của ông Nguyễn Gia Kiểng được ấn hành năm 2001 tại Paris, dày ngót 600 trang mà nội dung được tác giả tóm tắt nơi bìa  sau cuốn sách:

“Nếu đất nước đã như hiện nay thì chắc chắn là có rất nhiều vấn đề cần được nghĩ lại. Và đây chính là một cột mốc quan trọng để suy nghĩ, vào lúc đất nước bắt đầu một thế kỷ và một thiên niên kỷ mới.

“Cuốn sách này tuy chứa đựng những nhận định không nhân nhượng về đất nước, lịch sử, văn hóa và con người Việt Nam nhưng cũng đồng thời là cuốn sách của hy vọng, được viết ra trong niềm tin vững chắc là Việt Nam xứng đáng với một tương lai khác. Nó phân tích và đề nghị.”

Quả là một cuốn chính luận quan trọng mang một tựa đề khó hiểu: Tổ quốc là đất đai, sông ngòi, núi non... có tội tình gì mà phải “ăn năn”, hối cải?

Và đây là nhận định của một số nhà văn, nhà báo, trí thức về “Tổ Quốc Ăn Năn” được in ở cuối sách:

Nguyễn Gia Kiểng không thích đi đường mòn. Hắn luôn khai phá. Luôn đặt ngược những sự việc đã tưởng mặc nhiên là thế, không cần bàn cãi nữa. Chuyện hắn thích chọc ngoáy những cái đã định hình, và chuyện về những vấn đề mà hắn đã nêu ra và sẽ còn nêu ra, là chuyện thường ngày, chuyện đương nhiên, không thể khác.

Chấp nhận hay không chấp nhận lập luận của Kiểng là việc của mỗi người đọc hắn, tùy thuộc ở nhãn quan, và cả tính tình, của người đó.

Cái mà Kiểng muốn là sự tranh cãi, chứ không phải những tràng vỗ tay.

Hãy để cho hắn có những cái mà hắn muốn. Tôi không muốn tranh luận về những đề tài Kiểng nêu ra. Phần lớn chúng nằm ngoài thời biểu của tôi. Một số nằm ngoài tầm hiểu biết của tôi.

Điều tôi ghi nhận được ở những gì tôi đọc được của Kiểng là cái mới, cái độc  đáo, của văn phong không trộn lẫn được của Nguyễn Gia Kiểng. Hắn đưa vào tiếng Việt những cách nói mới, có vẻ phương Tây đấy, mà lại rất Việt.

Sẽ có những người nghiên cứu ngữ ngôn đánh giá công lao của hắn, và biết đâu đấy, rồi đây họ lại chẳng trân trọng cho hắn một vòng nguyệt quế?
Vũ Thư Hiên (nhà văn, tác giả Đêm Giữa Ban Ngày, Pháp)

Tôi muốn có nhiều Nguyễn Gia Kiểng hơn nữa, nhưng đồng thời muốn những Nguyễn Gia Kiểng série 2 này, ngoài thái độ khiêu khích về mặt tư tưởng, thì lại rất khiêm tốn về mặt hành văn, rất thận trọng trong sự lựa chọn từ ngữ để tránh gây trong độc giả cảm tưởng rằng tác giả khinh miệt mình, cho mình là number ten trong khi tác giả là number one về mặt trí tuệ, kiến thức, và lo cho phúc lợi chung.
Tôn Thất Thiện. (giáo sư, nhà nghiên cứu và bình luận chính trị, Canada)

Ông Nguyễn Gia Kiểng là một người vốn có ý kiến độc đáo về các vấn đề đất nước. Và cách trình bày của ông thường làm cho người khác ý kiến dễ bất mãn. Nhưng - tôi nghĩ – chủ ý của ông Kiểng là bằng cách đó mới tạo ra tranh luận để các vấn được đào sâu.

Tổ Quốc Ăn Năn”, chỉ mới đọc cái đầu đề đã muốn tranh luận rồi, huống chi đọc hết hơn 600 trang trong cuốn sách đa sự của ông.
Trần Bình Nam. (nhà hoạt động và bình luận chính trị, Hoa Kỳ)

Quả thật, cuốn “Tổ Quốc Ăn Năn” đã gây ra nhiều tranh cãi ở hải ngoại, cả từ cái tựa đề cho đến nội dung cuốn sách. Vì vậy, trong lần ấn hành thứ hai, năm 2004, tác giả đã viết trong Lời tựa cho lần in thứ hai như sau:

- “Một số bài viết phiền trách Tổ Quốc Ăn Năn đã thiếu phần thư mục giúp độc giả kiểm chứng những dữ kiện được dùng cho lý luận. Sự phiền trách này chính đáng và tác giả xin ghi nhận dù không thể thỏa mãn. Thực ra thì những tài liệu quan trọng nhất đã được liệt kê ngay trong đoạn mà chúng được đề cập tới. Tổ Quốc Ăn Năn là một quyển sách ý kiến chứ không là một cuốn sách biên khảo, và không ít những cuốn sách ý kiến đã được viết một cách tương tự, kể cả một số tác phẩm lớn. Dĩ nhiên nếu liệt kê được đầy đủ tài liệu thì cũng là điều tốt, nhưng công việc này đòi hỏi một thời gian mà tác giả rất tiếc là không có. Vả lại công việc này cũng sẽ chỉ có một giá trị rất tương đối bởi tác giả chủ yếu viết những gì mà mình biết và nghĩ chứ không viết dựa trên tài liệu tham khảo. Tác giả cũng chỉ sử dụng phần lớn những dữ kiện rất căn bản mà hầu hết mọi người quan tâm đến vấn đề đang được thảo luận đều đã biết” (Hết  trích).

Hẳn nhiên là có những người không thỏa mãn với sự phân trần của ông Nguyễn Gia Kiểng, nhưng không ai tìm được bằng cớ gì để bác bỏ cho đến gần đây, đầu năm Đinh Dậu, ông Nguyễn Gia Thưởng, qua một bài viết trên Tạp chí Dân Văn, tựa đề “Tổ Quốc Ăn Năn: một lừa đảo thế kỷ”, đã cáo buộc ông Nguyễn Gia Kiểng phạm tội “đạo văn”, đã “mượn” toàn bộ ý tưởng trong cuốn Le Mal Francais của Alain Peyrefitte để xào nấu lại thành cuốn Tổ Quốc Ăn Năn.

Sau khi nhắc lại các vụ đạo văn quan trọng trên thế giới và dẫn chứng những đoạn giống nhau trong Le Mal FrancaisTổ Quốc Ăn Năn, ông Nguyễn Gia Thưởng kết luận:

Tác giả Tổ Quốc Ăn Năn quả là một «thiên tài»  trong nghệ thuật lấy ý kiến của người khác làm khám phá của mình (mượn lời của ông trích trang 395, khi ông nói về Marx). Ông đã vi phạm cả bốn lỗi đạo văn mà chúng tôi đã nêu trên đây, trong phần định nghĩa từ ngữ đạo văn (plagiarize) của từ điển Merriam Webster.

Trong tương lai khi có điều kiện, chúng tôi sẽ tiếp tục đưa thêm những bằng chứng đạo văn của tác giả Tổ Quốc Ăn Năn trong một mục khác.

Nhà chính trị đại tài hay chỉ là kẻ đạo văn hèn mọn?

Tổ Quốc Ăn Năn đã có thể trở thành một cuốn sách tham khảo đúng đắn cho độc giả tiếng Việt, nếu như tác giả ghi rõ nguồn xuất xứ những tài liệu ông đã dùng để dẫn chứng, nhất là ghi chú rõ ràng từng ý tưởng, từng câu văn đã trích trong đoạn nào, trang nào trong Le Mal Français!

Vì không có cơ hội và điều kiện tiếp cận được với ngoại ngữ Pháp nên có một số người đã ca tụng tác giả Tổ Quốc Ăn Năn hết lời. Họ nghĩ rằng tác giả là một người uyên bác, thông thái. Và từ đó họ xem cuốn sách này là một công trình khoa học lớn.

Thật sự, độc giả đã bị đánh lừa! Nhờ vào khả năng viết, ông đã khéo che giấu việc ông đã vay mượn quá nhiều ý tưởng của tác giả quyển Le Mal Français, Alain Peyrefitte, đến độ có thể xem đây là một bản sao chép. Chỉ vì muốn quơ hết vào mình công trình sáng tác của người khác nên ông đã lờ đi không ghi xuất xứ những sách tham khảo, viện cớ là không có thời giờ. Ông khinh thường độc giả không biết tiếng Pháp và đã thừa thắng xông lên ngạo mạn ghi trên giấy trắng mực đen rằng chủ yếu viết những gì mà mình biết và nghĩ chứ không viết dựa trên tài liệu tham khảo.

Chúng tôi xin ông đừng để cho những hậu duệ sau này phải mất công tìm kiếm, lật giở từng trang để xem ông đã ăn trộm bao nhiêu câu, bao nhiêu đoạn trong suốt 525 trang sách của ông Alain Peyrefitte. Xin ông đừng để nó trở thành một vết nhơ gây tiếng xấu cho giới trí thức Việt Nam mà chính ông đã từng chửi mắng và lên án họ là nô lệ ngoại bang, thiếu óc sáng tạo. Đúng như ông nói, đây là một sự dối trá khổng lồ!

Để tiếp tục che giấu việc đạo văn, tác giả Tổ Quốc Ăn Năn đã ngụy biện rằng “những người hoạt động chính trị, nếu không có thì giờ như trường hợp của tôi, không có bổn phận phải ghi dữ kiện lấy từ sách nào, chương nào, trang nào…” . (TQAN - trang 151). Tác giả Tổ Quốc Ăn Năn, trong suốt 617 trang, chỉ nhắc đến tên ông Alain Peyrefitte lướt qua như một thí dụ, đúng một lần ở trang 21 (Trích TQAN: Có những nhà nghiên cứu xã hội lớn, như Max Weber và Alain Peyrefitte không tin như vậy và giải thích bằng lý do văn hoá) và lấp liếm khi kể tên ông Alain Peyrefitte cùng với ông Max Weber mà không hề đề cập đến việc vay mượn văn của Le Mal Français. Mục đích chỉ để đề phòng, nếu sau này có ai đề cập đến việc đạo văn thì ông có thể ngụy biện là có nói đến tên tác giả này.

Ngoài ra ông có biệt tài mượn tên những người nổi tiếng để tạo trọng lượng cho sách của mình. Trong trang 575 và 576 cuốn Tổ Quốc Ăn Năn, ông có nhắc đến cuốn sách “Vietnam, qu’as-tu fait de tes fils?” và nói rằng đã gặp và thảo luận với tác giả. Thay vì ghi là Pierre Darcourt, ông ghi là Pierre d’Harcourt. Điều này chứng tỏ ông không hề đọc quyển sách này và không tôn trọng ông Pierre Darcourt. Điều tối thiểu khi nhắc đến một tác phẩm thì phải ghi chính xác tên của tác giả. Ông đã không làm điều này. Độc giả có quyền đặt nghi vấn là ông có thực sự gặp tác giả này hay không, vì ông đã ghi sai tên của ông Pierre Darcourt không những một lần mà đến năm lần.

Trong những năm qua, chúng tôi và nhiều người đã lầm tưởng ông là một con đại bàng, nhưng ông đã lộ nguyên hình một con tu hú lén lút đi mượn tổ của Alain Peyrefitte. Đành rằng ông học thuộc bài vở của Trần Dân Tiên, nhưng xem ra trò này đã vượt xa trình độ của thầy xưa!

Để bước sang một năm mới trong tinh thần lương thiện và lành mạnh, lật sang một trang sử mới trong việc xây dựng tổ chức, tạo nấc thang cho tiến trình dân chủ hóa đất nước, chúng tôi mời tác giả Tổ Quốc Ăn Năn hoàn trả cho ông Alain Peyrefitte những gì của ông Alain Peyrefitte. (hết trích)

Đây là một vụ cáo giác quan trọng liên hệ đến một cuốn sách quan trọng và một tác giả quan trọng. Ông Nguyễn Gia Kiểng, thủ lãnh Nhóm Thông Luận ở Paris, và là người đã lập ra Tập hợp Dân Chủ Đa Nguyên, tự cho có sứ mạng cao cả, tranh đấu chống độc tài cộng sản để lập ra chế độ dân chủ đa nguyên tại Việt Nam.

Nhiều người đang chờ đợi sự lên tiếng của ông Nguyễn Gia Kiểng. Không thì còn gì là uy tín của lãnh tụ, còn đâu lý tưởng cao đẹp và giấc mơ ngồi ở bên này bờ Đại Tây Dương mà giải phóng “tổ quốc” ở bên kia bờ biển Thái Bình? Hư bột hư đường hết.

Ông Nguyễn Gia Kiểng được biết như một người có những ý tưởng khác lạ. Trước đây, khi đế quốc đỏ Liên-Sô chưa sụp đổ, và chắc ông Kiểng cũng giống như nhiều người khác tin vào “chân lý” rằng thì là “những người cộng sản một khi đã nắm được quyền lực thì không thể bị lật đổ”, như lịch sử đã chứng minh (cho tới năm 1989, khi các nước Cộng sản Đông Âu theo nhau rơi rụng một loạt như những trái thối trước một cơn gió mạnh).

Vì tin như thế, khi lập ra Nhóm Thông Luận chủ trương hòa hợp hòa giải với “bên thắng cuộc”, ông Nguyễn Gia Kiểng đã nhìn nhận Hồ Chí Minh  “có công” đánh đuổi thực dân Pháp, giành độc lập cho VN.

Sau khi Liên-Sô tan rã, ông Nguyễn Gia Kiểng thay đổi lập trường, và ông Kiểng đã có sáng kiến rất độc đáo để giúp đồng bào trong nước giành lại tự do, nhân quyền một cách khỏe re, tránh khỏi bị bắt bớ, giam cầm, tù tội, mà cũng không tốn cả mồ hôi nữa!

Ông Kiểng, ở Paris, kêu gọi dân Việt Nam ở Sài-gòn, Hà-nội... đúng giờ hẹn cứ kéo nhau ra công viên, bến tàu, ngồi hóng gió. Đừng mang theo biểu ngữ, hô khẩu hiệu, hay làm bất cứ điều gì để có thể bị công an bắt. Cứ tập họp cho đông, càng đông càng tốt. Ông Kiểng và các nhà đấu tranh dân chủ an toàn ở bên Tây của Nhóm Thông Luận sẽ hô khẩu hiệu và đòi tự do, nhân quyền thay cho bà con.

Có vậy mà không ai nghĩ ra! Nhưng rất tiếc, dân Việt Nam đã không nghe lời ông Nguyễn Gia Kiểng, hay không nhận được “tín hiệu” của ông, nên đã không có sự phối hợp trong/ngoài, bà con trong nước đã không ra công viên hay bến tàu hóng mát nên cuộc đấu tranh hàm thụ đã không thành. Vì vậy cho đến nay, dân Việt Nam vẫn còn bị VC kềm kẹp.

Bây giờ đến vụ …Tổ Quốc Ăn Năn. Tổ Quốc thì chắc chắn không thể ăn năn. Chính những kẻ đã làm cho Tổ Quốc điêu tàn, xơ xác mới phải ăn năn năn, sám hối, nếu chúng còn nhất điểm lương tâm của con người.

Và, nếu viết lách như ông Nguyễn Gia Kiểng thì nay “Tổ Quốc đang khóc” vì bị đem bán cho bọn gian thương Tàu khựa.

Và, nếu đúng như lời buộc tội của ông Nguyễn Gia Thưởng thì ông Nguyễn Gia Kiểng nên…ăn năn, hơn là trách ông Trời sao đã sinh ra Nguyễn Gia Kiểng lại còn cho ra… Nguyễn Gia Thưởng!?

Ký Thiệt

No comments:

Blog Archive