Tuesday, March 7, 2017

Những Chỗ Trống





7

Tôi bắt đầu về hưu năm 2015. Về hưu non, vì việc làm lúc đó khó kiếm, đối với một lão già thất nghiệp. Lúc đó, tôi đang làm cho hãng General Atomic, trong phân xưởng chế tạo capacitor, là một bộ phận trữ điện đặc biệt dành cho tàu, thiết giáp, máy bay, kể cả máy bay tàng hình. Những tưởng công việc yên ấm cho đến lúc về hưu chính thức, nào ngờ đầu năm 2013 chủ hãng quyết định dời phân xưởng qua tiểu bang khác, sát nhập hardware và software chung một nơi, để tránh phí tổn về vận chuyển. Tôi xin nghỉ việc, vì không thể theo hãng phiêu linh qua một phương trời khác, trong khi vùng đất Cali đã dây mơ rễ má với tôi hằng hai mươi mấy năm nay.

Hãng đi, tôi nghỉ. Nhưng tâm hồn tôi như còn vấn vương với những đồng nghiệp, vấn vương với nơi chốn từng nuôi dưỡng mình, từng chia sẻ buồn vui với cuộc sống mình. Rồi một ngày, tôi bỗng cảm thấy trống vắng, trơ trọi. Rồi, không thể chịu đựng nổi tâm cảnh ray rức đó, tôi nhảy phóc lên xe chạy trở lại trụ sở cũ thời còn ở San Diego.

Ôi, xót xa biết bao! Cái hãng bề thế, ồn ào náo nhiệt ngày xưa - bây giờ chỉ là một ngôi biệt thự bỏ hoang, cây cỏ um tùm. Ngoài nhìn vào, người ta thấy rõ những chỗ trống toang hoác trên các cửa sổ, cửa ra vào. Toang hoác trên các lối đi, trên dãy parking lot mịt mờ bụi cát. Những chỗ trống đó dường như hình thành những chỗ trống chi chít trong trái tim tôi. Và âm thầm, là những nỗi buồn.

Cảm giác trống vắng trong tôi, không phải bắt đầu từ lúc này. Nó bắt đầu từ lúc tôi bỏ xứ, rời thân tộc họ hàng. Từ lúc Sài Gòn mất đi, nhường chỗ cho một thành phố mang tên khác - một cái tên xa lạ từ phẩm chất tới lòng người. Từ lúc tôi mất chính tôi. Mất thân thế. Mất căn cước con người. Tôi bị chế độ mới biến thành kẻ vô học, bị ruồng rẫy trên chính quê hương mình đã từng dâng hiến cuộc đời. Tôi qua Mỹ với hành trang là con số không chua chát. Với lý lịch là tên tù binh, được cứu vớt bởi lòng nhân đạo. Tôi hòa vào dòng di dân một cách mặc cảm, khập khiểng bước vào cuộc sống mới bằng những bước e dè.

Những ngày đầu ở đất Mỹ, tôi đã phân vân chọn cho mình một nghề để nuôi thân lâu dài. Nghe lời một ông bạn, tôi nhảy vào một hãng Golf, và nghĩ rằng đây là một nghề có thể lâu dài nuôi thân. Vì nước Mỹ có rất nhiều đại gia, mà đại gia nào cũng thích trò chơi ngoạn mục này, làm sao có thể thất nghiệp được? Nghĩ thế, tôi đành bỏ học College nửa chừng để vào đứng mỗi ngày tám tiếng, kỳ cọ rửa ráy cho hàng đống khuôn mandrel, sau khi thân cây golf được trục ra từ đó. Ngày nào mũi cũng ngửi mùi hóa chất nồng nặc, tay cũng tê lạnh bởi luôn tiếp xúc với nước, và chân bị mỏi cứng vì đứng lâu một chỗ. Nhưng tôi vẫn nhẫn nại làm việc, hy vọng sẽ tìm chỗ đứng ngon lành khác trong cái hãng khắc nghiệt này. Hai năm trời trôi qua, tôi vẫn đứng nguyên chỗ cũ. Và cuối cùng cái kết khắc nghiệt, giống như cái hãng khắc nghiệt này: tôi được "mời" lên văn phòng, được nghe xếp nhẹ nhàng vỗ vai, nói lời chia tay thân mật.

Mới hai năm cật lưc làm việc trên đất Mỹ, tôi đã bị thất nghiệp. Nỗi buồn và khoảng trống trong tôi càng lớn dần. Tôi cố bôi xóa chua xót, tìm một công việc khác thay thế. Thời gian không thể chờ đợi nữa. Lần này, tôi quyết định tìm công việc có liên quan đến y khoa để xin vào. Ở đời, chẳng ai có sức khỏe mãi. Bất cứ người nào cũng có bệnh. Không bệnh nhiều cũng bệnh ít. Không bệnh trẻ cũng bệnh già. Công việc y khoa chưa bao giờ bị ế, nghĩa là hiếm bị thất nghiệp. Nghĩ thế, tôi chạy đến những môi giới xin việc làm, nhờ họ tìm cho tôi một công việc có liên quan đến y tế. Cuối cùng, họ chỉ tôi đến Pacific Device, một hãng chuyên làm dụng cụ y tế cho bệnh viện. Tôi chạy lẹ đến hãng, sau khi nghe người môi giới rót vào tai, hãng này chỉ cần một người, cố gắng đến đó ngay đi. Vừa bước chân vào cửa, tôi đã thấy một cậu thanh niên người Việt ngồi chờ từ lúc nào. Chào hỏi vài câu, mới biết cậu cũng vừa nộp đơn xin việc, và được cô thơ ký bảo ngồi chờ để xếp gọi vào interview. Tôi gục đầu thảm não. Thôi rồi, hy vọng như khói bay. Người ta chỉ cần một người, mà tôi lại là kẻ đến sau. Ví dụ họ có lựa chọn, ai dại gì lấy một gã trung niên, trong khi cậu thanh niên kia đang phơi phới nhựa sống? Tôi chán nản quay ra cửa, bỗng có tiếng nói nhẹ nhàng cất lên.

- Chào ông. Ông có cần gì không ạ? Tôi có thể giúp ông.

Tôi quay lại. Chưa chi tôi đã nhìn thấy nụ cười thiện cảm của cô gái Mỹ, đứng sau quầy tiếp tân. Nụ cười âm thầm cuốn hút tôi, khiến tôi liêu xiêu bạo dạn tiến đến bên cô.

- Tôi...tôi muốn xin việc làm.

Vẫn nụ cười nở trên môi, cô tiếp lời.

- Hãng muốn tuyển một assembler. Nhưng ông cứ làm đơn đi. Tôi sẽ trình lên người quản trị nhân viên.

Tôi ngại ngùng nhận đơn xin việc từ bàn tay nõn nà của cô gái, rồi ngồi kế cận cậu thanh niên dè dặt điền đơn.

Chẳng bao lâu, cậu thanh niên và tôi được gọi vào văn phòng. Tiếp chúng tôi, vẫn là một cô gái xinh đẹp khác. Cô cũng có một nụ cười thiện cảm, và tiếng nói cũng nhẹ nhàng như tiếng hót của loài chim họa mi.

- Chào các ông. Tôi tên là Angela, là người coi về nhân viên của hãng. Để được nhận vào làm việc, các ông phải trải qua một cái test về sự khéo tay. Các ông có bằng lòng không?

Còn gì nữa mà không cùng gật đầu và đồng thanh hô "yes".

Angela phát cho mỗi người một sơ đồ, sau khi bày lên bàn hai bộ dụng cụ nhỏ xíu, được tháo rời ra từng mảnh.

- Đây là bộ dụng cụ được tách ra từng mảnh nhỏ. Các ông sẽ lắp ráp lại, dựa vào sơ đồ tôi đã phát. Trong lúc lắp ráp, ai vô ý làm rớt mảnh nào xuống, người ấy sẽ bị loại ra. Ai làm đúng và nhanh nhất, chúng tôi sẽ tuyển vào làm việc.

Nhìn những mảnh nhỏ xíu lấp lánh trên bàn, tôi và cậu thanh niên đã muốn le lưỡi, rét run. Làm sao gắn nhanh? Làm sao thao tác mà không bị rớt? Nhưng tới nước này, phải cố gắng thôi. Không cố gắng sẽ mất việc, và có thể, sẽ lang thang xó chợ đầu đường.

Angela đưa đồng hồ lên. Đôi mắt trong xanh lướt nhẹ về chúng tôi như có vẻ chia sẻ.

- Bây giờ các ông bắt đầu. Một, hai...ba.

Tôi lẹ làng ngó sơ đồ, chăm chú vào dụng cụ, rồi cẩn thận và khéo léo lượm từng mảnh nhỏ lắp lên bộ phận chính. Lúc đầu hơi run tay, nhưng càng về sau tôi càng bình tĩnh, vận dụng đôi tay một cách chính xác.

Tiếng vỗ tay vang lên, cùng với giọng nói ngọt ngào.

- Tốt. Cả hai đều khéo và nhanh. Cả hai cũng đều xong, cùng một thời gian. Xin chúc mừng.

Nhưng, đôi mắt trong xanh của Angela bỗng lướt về tôi. Rồi dừng lại, đượm buồn.

- Hãng chúng tôi chỉ nhận một người. Dù hai ông đều làm tốt như nhau, rất tiếc, đành phải loại đi một.

Nói xong, Angela chìa bàn tay nõn nà ra, cầm lấy tay tôi.

- Xin ông An thông cảm. Tôi hứa, khi hãng cần thêm người, tôi sẽ gọi cho ông ngay.

Tôi lảo đảo bước xuống thang lầu. Một chỗ trống lại hiện ra, xâm chiếm trái tim tôi. Không còn con đường sinh nhai nào nữa, chắc phải chui vào một quán phở quanh đây, năn nỉ để làm một tên hầu bàn cho qua ngày qua tháng. Tôi bơ phờ lê những bước chân đau khổ ra parking lot. Chưa kịp lên xe, tai đã nghe tiếng giày cao gót gõ lóc cóc sau lưng. Hơi thở hổn hển cùng với giọng nói ngọt ngào, êm ái cất lên.

- Quay trở lại ông An. Tôi đã điện thoại trình bày sự việc cho chủ. Ông chủ bằng lòng, nhận ông vào làm việc. Hãy theo tôi, nhanh lên.

Mừng quá, như người sắp chết vừa được sống lại, tôi quay qua Angela, chụp vội bàn tay nuột nà của nàng, ôm chặt vào lòng.

Trên mười năm, tôi làm cho hãng Pacific Device một cách cật lực. Từ một assembler tầm thường, tôi đã trở thành một operator chuyên nghiệp, sử dụng và điều khiển máy rất thông thạo. Đến năm 2006, kinh tế Mỹ xuống trầm trọng, hãng bị điêu đứng và cuối cùng: dẹp tiệm. Hãng tôi thất bại, vì không chịu cải tiến, chỉ dùng phương pháp cũ để sản xuất. Trong khi các hãng y tế khác chịu khó tìm các phương pháp mới, đưa thẳng điện tử vào thiết bị y tế, nâng cao khả năng chữa bệnh cho con người. Trên mười năm miệt mài, rốt cuộc, cũng lại bị thất nghiệp. Chỗ trống hôm nay lớn hơn chỗ trống hôm qua. Tôi mất đi đồng nghiệp dễ thương. Mất đi những chiếc máy weld thân yêu đã cùng tôi quấn quít với nhau mỗi ngày. Và đặc biệt, các ân nhân của tôi, như Angela, như cô gái tiếp viên xinh đẹp ở quầy tiếp tân...ngày nào. Biết chừng nào mới gặp lại họ? Ôi, nụ cười thiện cảm và đôi mắt long lanh thương người - bây giờ là nỗi buồn rộng lớn trong trái tim tôi.

Lêu bêu một thời gian, tôi thấy cần phải trở lại college học tiếp electronics technician. Trở về với sách vở, tôi chợt nhớ đến một câu tục ngữ Latin mà thời sinh viên tôi đã từng đọc qua " Si vis pacem, para bellum ", tạm dịch: " nếu muốn hòa bình, hãy chuẩn bị cho chiến tranh ". Có nghĩa là, chiến tranh có thể bùng nổ bất cứ thời nào, kể cả thời bình, kể cả một đất nước đang sống trong yên ổn. Nước Mỹ đang sống trong yên ổn, vẫn luôn chuẩn bị chiến tranh để bảo vệ nền hòa bình. Vậy, muốn có việc làm lâu dài, chỉ còn cách apply ở những hãng có liên quan đến quân đội, đến chiến tranh. Thế là, tôi lên online, mò đến địa chỉ của hãng General Atomic. Nhưng chỗ tôi đến, chỉ là chi nhánh của hãng GA chuyên sản xuất capacitor, như đã nói ở phần mở đầu. Lúc này, kinh tế Mỹ đang xuống dốc thê thảm. Các hãng đang đua nhau sa thải nhân viên. Chẳng có hãng nào có job để nhận thêm người làm. Hãng GA cũng vậy, họ từ chối ngay, khi tôi vừa bước chân vào quầy tiếp tân. Đuối quá, tôi đành vào ca đêm làm part-time cho hãng golf, nhận các công việc nhơ nhớp mà chẳng ai thèm làm. Cuối cùng, tôi vào làm cho Sony với một hợp đồng ngắn hạn.

Tôi biết, tình trạng kinh tế xuống dốc thê thảm, ở những hãng cầu may như thế này...sẽ có một ngày bị đuổi việc. Câu tục ngữ Latin cứ hiện ra trong đầu tôi từng giờ: "Si vis pacem, para bellum". Tôi nhất định trở lại hãng GA, xem còn có cơ hội nào không, hầu cứu vãn tình trạng cơm áo của mình?

May quá, sau quầy tiếp tân là bóng dáng của một cô gái Mỹ rất trẻ. Hình ảnh xinh đẹp và nụ cười tươi tắn của cô đã làm hy vọng của tôi bùng cháy như ngọn đuốc.

- Ông điền đơn này rồi đưa lại cho tôi. Hy vọng ông sẽ được gọi interview sớm.

- Thưa cô, cho tôi mang đơn này về. Ngày mai tôi sẽ đến nộp đơn, kèm thêm vài giấy tờ cần thiết khác.

Đúng như tôi tiên đoán, vừa về đến nhà, tôi nhận được cú điện thoại chua chát của Sony. Kể từ ngày mai, hãng chúng tôi không còn việc làm cho ông. Sorry. Vài ngày nữa, ông sẽ nhận được thơ nghỉ việc chính thức. Xin chào ông.

Trong cái xui, với tôi, vẫn còn được cái hên. Tôi nhanh chóng được hãng GA gọi vào interview. Trước mặt tôi, cũng vẫn là cô gái trẻ xinh đẹp - một manager về quản trị nhân viên, tên Khayla, nhưng là người Việt. Người Việt dễ thông cảm với nhau, lại là cô gái, nên nàng dễ mềm yếu trước lời "than mây khóc gió" của tôi. Kết cuộc, tôi được nhận vào làm một cách dễ dàng, nhưng không phải là electronic job, mà là electro-mechanic.

Bây giờ, tôi đã về hưu. Thời giờ trống một cách dư dật. Bữa nào cũng ra quán cà phê ngồi, nhìn thiên hạ đi làm qua lại tấp nập, lòng chợt nôn nao về những ngày tháng xa xưa của mình. Nước Mỹ là một nước cơ hội, nếu ta chịu đi học, chịu mở rộng đầu óc. Bằng không, người ta phải chịu chấp nhận số phần. Số phần của tôi không đến nổi tệ. Nhìn chung, tôi vươn lên được, nhờ sự tiếp sức của đàn bà. Không có sự trợ giúp của Angela, của Khayla, của những cô gái trẻ có nụ cười nhân hậu khác...chưa chắc tôi được ngồi ung dung hưởng nhàn như ngày hôm nay? Và hôm nay, khi nghĩ lại, tôi vẫn thấy có những chỗ trống trong trái tim tôi, giống như chỗ trống quanh chiếc bàn cà phê này. Mỗi ngày, mỗi lúc, mỗi vơi đi những người bạn. Họ ra đi và không bao giờ trở lại...

Phạm Hồng Ân

No comments:

Blog Archive