Lò Chén và Hủ Tíu Cây Dừa
Năm tháng dần trôi, dòng đời đưa đẩy, giờ đây ba má tôi đều đã lìa đời. Sống trên đất Mỹ, chị em chúng tôi dù xa xứ nhưng may mắn vẫn còn được sống quây quần bên nhau...
Tết đến, theo gương ông bà, dù sống nơi xứ người nhưng mỗi nhà chị em chúng tôi đều lập bàn thờ cha mẹ và trong ba ngày tết vẫn bày đủ bánh mứt trái cây... nhìn khói hương nghi ngút, tôi nghe lòng ấm lại dù bên ngoài giá rét, và bỗng thấy hình ảnh Tết quê xưa thấp thoáng.
Lò Chén...
Mỗi năm, sau ngày đưa ông Táo “zìa” trời, má dẫn tôi đi Lò Chén, trước thăm bà con, sau thu tiền cho thuê đất của má tôi hùn vơi ông Bác mua. Miếng đất chạy dài từ cây dầu đôi xuống tới cây sò đo.
Sang ngày 28 Tết, tôi nhớ sau khi đi thu tiền đất, má tôi lại dẫn tôi và mấy đứa cháu trai đi dãy mả ông bà. Tôi lại nhớ đến ngày 30 Tết, má cúng rước gia tiên. Ngoài những món thịt kho, canh khổ qua hầm, luôn luôn phải có món mì Phước Kiến xào, bánh đúc lò chén... toàn những món đặc biệt của quê nội.
Ông nội tôi gốc Phước Kiến, do chiến tranh, lưu lạc sang Việt Nam và định cư tại Lò Chén, hồi xưa cũng còn thuộc làng Phú Cường. Sau đó ông gặp và kết hôn với bà nội tôi, người Việt Nam, sanh sống tại đó.
Ông nội tôi hiền lắm, nên rất được bà con chồm xóm thương mến. Ông là thầy thuốc, chuyên trị bệnh cho con nít, tội còn nghe má tôi kể lại rằng mỗi khi ông Bổn muốn đi dạo, ông Bổn sẽ mượn xác ai đó để nhập vô. Tôi từng thấy người được Ông Bổn nhập đi ngang nhà, một cây sắt dài cỡ 2 thước, xuyên ngang gò má, ông mình trần đứng trên một chiếc xe bằng gỗ, dưới chân ông là một cái bàn đinh cao cả tấc, đã rĩ sét, sau lưng ông một người cầm trái chùy tua tủa đinh sét, đập lia lịa vô lưng ông, máu tuôn xối xã...họ đưa ông đi khắp đường phố với đoàn cù kèm theo kèn trồng inh ỏi. Tôi đã tận mắt chứng kiến sự linh thiêng của Ông Bổn khi tôi còn ở phố làng. Lúc đó, nhà làng bị nổ, người ta cho xây lại, có lính Địa phương quân gát cỗng. Một ngày nọ, ông Bổn đi vòng chợ, khi ngang qua nhà làng, đột nhiên anh lính chửi thề và nói rằng đó chỉ là giả để bịp thiên hạ...vừa dứt lời, bỗng nhiên anh lính nhãy lên là hét và giựt trái chùy trên tay người đi sau lưng ông Bổn đập túi bụi vào mình anh ta...khoảng năm phút sau, tự nhiên anh ta tỉnh táo, vội quỳ sụp xuống lạy ông Bổn xin tha tội..,chuyện này là có thật một trăm phần trăm vì nhà tôi ngay đó, mỗi lần ông Bổn ngang qua tôi đều coi....sau khi đi vòng chợ, ông Bổn đòi quay về chùa. Bấy giờ, ông nội tôi sẽ vẻ lên mấy lá bùa, dán lên mấy chỗ thương tích. Thật kỳ diệu. Vết thương vài ngày sau lành lặn, không nhiễm trùng, và nhất là mặc dù thân xác bị bầm dập vậy mà người cho mượn xác không hề hấn gì cả.
Cây dầu đôi trên đây còn là biểu hiện cho Lò Chén ngày xưa. Khi chúng tôi kêu xe ngựa, chỉ cần nói đi xuống ngã ba cây dầu, là ông đánh xe ngựa chở tới ngay đó, một cái tên mộc mạc thân thương đã gắn bó với cuộc đời của gia đình chúng tôi trong suốt mấy chục năm trường...Nơi đó có bà con nội ngoại của ba tôi, Bác Tư lớn, bác Tư nhỏ, cô Ba Viễn, Thiếm Tư Ca, cô Bảy Được, Bác Năm, chị Hai Phú... Tôi nhớ hoài cái mùi củi đốt lò nung chén, nó khen khét, nghe hoài thành một mùi thơm nồng quê nội, tôi hết ghét cái mùi cà phe đen mà mỗi khi ghé nhà mấy cô, mấy bác rót ra và nói với má tôi thiệt là thân thiện: uống miếng cà phe ( không phải cà phê nha) Thiếm Sáu!
Tôi nhớ con đường đất chạy dài xuống cây sò đo, trưa nắng, một cơn gió bay qua, bụi đỏ tung mịt mù vương lên áo lên tóc tôi...nhớ những căn nhà lụp xụp thời đó, nền đất, mọi người đều đi cẳng không, tay cầm điếu thuốc rê, nói giọng quê mùa....thỉnh thoảng họ phun nước miếng cái xoẹt xuống nền nhà rồi đi qua đi lại dẫm chân lên tự nhiên...tay chân hò bám đầy đất sét, màu đất đỏ hồng chỉ có ở quê cha...ôi quê ba tôi với những con người bình dị...nơi đó còn có Chú Lý Kim Hó bạn thân với ba tôi, Chú thường mặc bộ đồ vải trắng, kiểu của mấy người Tàu, râu tóc bạc trắng. Chú xây trường học cho chị Lý Tố Hà là con gái của chú làm hiệu trưởng để dạy tiếng Phước Kiến cho trẻ con trong xóm.
Mỗi lần về lò chén, má tôi đến căn nhà đầu là của Bác Tư nhỏ, năm ba câu chuyện, má gọi mì vô ăn. Đây là xe mì đặc biệt chỉ có ở Lò chén thôi. Cọng mì to, tròn ốm hơn chiếc đũa một chút, sau khi chan nước lèo vô tô, ông bán mì để lên hoặc là đùi vịt quay hoặc là ức, cổ và tim gan, tuỳ theo khách đòi hỏi. Tôi rất mê mì Phước kiến, nước mì đậm đà, sợi béo béo thêm vịt quay thơm phức. Nơi đây còn có món bánh đúc, xắt nhỏ ra, chấm với nước thịt kho nặn chút chanh, dầm thêm trái ớt... chấm miếng bánh đúc, cho vô miệng, mình sẽ không bao giờ quên được cái mùi nước tro tàu hăng hăng, cái béo ngậy của miếng bánh, vị cay chua mặn của nước thịt hoà lẫn, đang thấm vào đầu lưỡi... Đúng là không thể diễn tả hết được cái ngon của nó tới đâu! Bánh đúc này còn được chiên vàng với hột vịt, múc ra dĩa, chân miếng nước tương...ăn quên thôi nha các bạn!...
À còn một món rất đặc biệt mà chỉ có trong tiệc tùng đám cưới hoặc cúng bái, đó là món bánh bông lan hấp ăn kèm vời thịt kho mà phải là thịt mỡ mới được. Người ta đổ bột lên một cái nia, đường kính cả thước rồi đem hấp cách thủy, bánh chín để nguội người ta cắt từng miếng vuông vừa phải, khi ăn mình sẽ ăn kèm với thịt kho. Tôi chỉ khoái ăn bánh bông lan thôi còn thịt mỡ thì chào thua! Từ nhỏ và mãi cho đến giờ tôi không bao giờ ăn mỡ, lỡ trong miêng thịt mà dính chút xíu, tôi không để ý, ăn vô là một tiếng đông hồ sau tôi sẽ bắt đầu ói, ói không ngừng...hồi xưa mỗi lần tôi bị vậy, cho dù 2,3 giờ khuya ba tôi cũng chạy qua nhà thuốc Tây Lê Quan Quản đập cửa, Thầy Hiệu là chủ nhà thuốc, ông quen với ba tôi nên dù đang ngủ ông cũng mở cửa và bào chế thuốc cho ba tôi ngay vì thuốc đó phải pha chứ không có sẵn, uống vô là cầm liền. Tôi bị hai ba lần như vậy, từ đó về sau má tôi không bao giờ dám cho tôi ăn thức ăn có mỡ, má tôi nói tôi giống ông nội tôi, ông cũng không ăn được mỡ và có lẽ vì vậy mà tôi ốm nhom ốm nhách hà...
Nhớ hồi nhỏ xíu, mỗi lần má tôi dẫn về đây, tôi cứ chạy vô mấy lò chén coi họ xây chén, tôi thích cùng mấy đứa con nít chạy len lỏi vô chỗ phơi những sào chén, nhiều lần suýt đụng rớt xuống đất, vậy mà mấy chú mấy thiếm hỏng bao giờ la hết, rồi tôi lại lấy đất sét đem về nhà để nắn đồ chơi. Đa số chủ lò ở đây, Búng, Tân Khánh đều là bà con nên nhà tôi chưa bao giờ đi mua chén ở ngoài, ngoại trừ đồ kiểu.
Sau năm một chín bảy mươi lăm, mỗi năm cứ đến ngày mùng hai Tết, tôi và chị Tư tôi, hai chị em sáng sớm lội bộ đi khắp các chùa xung quanh Bình Dương, bắt đầu từ chùa Bà, đi chùa Ông ngựa, vô Tây Tạng, xuống Linh không Đàn, chùa Lòng Thọ rồi về Lò Chén ghé vô chùa Ông Bổn.... hai chị em vừa đi bộ, vừa nói chuyện, quên cả nắng nôi, mệt mõi...
Xóm hủ tíu cây dừa
Sau khi kết hôn, ba má tôi sống chung với ông bà nội và các cô chú ở Lò Chén. Trong thời gian này, phong trào Việt Mình rầm rộ nổi lên chống Pháp khắp nơi.Ở những vùng quê hẻo lánh, ngày thì chịu sự kiếm soát của Tây, tối mấy ông Kháng chiến kéo về đóng chốt ngay cả trong nhà mình.. vì vây mà ba tôi quen biết với cả hai bên. Khi đó, ba tôi đi làm ở nhà Việc Phú Cường... sau khi má tôi có mang chị Hai, ba má tôi quyết định dọn ra riêng. Ông thuê 3 gian nhà ở đường Võ Tánh, gần bên ruộng rau muống nơi mà sau này người ta lấp đất lại và mở bàn bi da ở đó cho đến ngày tôi rời khỏi Việt Nam.
Với 3 gian nhà thuê, ba tôi lấy căn đầu làm garage Xe, hai căn trong để ở. Đó là xóm nhà hiền hoà, đa số là chủ xe đò, xe lô chạy Bình Dương - Saigon, Bình Dương - Biên Hoà như Bác Hai Xướng, có xe chạy Biên Hoà và chị Gải Tư theo lấy tiền xe, chị dáng người gầy, cao, nét mặt khá xinh. Chẳng hiểu sao chị không thuê người mà lại đích thân theo xe, đến nỗi da chị đen sẫm vì dãi nắng dầm mưa, chị nhảy lên xe trong lúc đang chạy, nhanh nhẹn như con sóc, luôn miệng nhắc nhỡ hành khách đũ điều...rồi có mợ Hai Sang bán vải ngoài chợ cũng là chủ xe đò, Thiếm Năm Đỗ, Thiếm Ba Nhiều...phía bên đường Võ Tánh còn có gia đình Bác Tám là ba má của Yến bạn học và sau này là đồng nghiệp, Yến vẫn xinh đẹp như thuở nào, giọng nói ngọt ngào dễ gây cảm tình, các con Tâm Đoan, Kristine Sa là những ca sĩ nổi danh trên thế giới... thật hãnh diện cho người Bình Dương mình.
Một hôm có ông chú từ phương xa, gốc Quảng (Ngãi chứ không phải Đông) ông tìm đến Ba tôi, xin thuê lại một phần nhà xe để mở tiệm bán hủ tíu. Ba tôi đồng ý ngay. Ông tuy người miền ngoài nhưng lại bán hủ tíu rặt Nam kỳ. Quán xập xệ vài ba cái bàn vì ba tôi còn để xe, cậu Bảy Thơm tên người bán hủ tíu, không đặt tên quán gì hết trơn hết trọi, sẵn mé bên kia đường ngay trước nhà mợ Hai Sang có một cây dừa...thực khách bèn kêu là hủ tíu cây dừa và nhà ba má tôi coi như là ở xóm hủ tíu cây dừa.
Ngày qua ngày, ba má và các anh chị tôi vẫn sống bình yên với lối xóm bà con, coi như ruột thịt. Sau một thời gian mở quán, bữa nọ, cậu Bảy Thơm vô nhà tìm ba tôi cho biết có ông bạn cùng xứ, muốn xin ba tôi cho ông ấy bán cà phê chung với quán hủ tíu. Ba tôi vốn rất thương người, ông không đắn đo, nói:
- Thôi hai anh cứ bán chung nhau, tôi nhường luôn cái garage cho hai anh đó. Thế là ba tôi dời xe đi chỗ khác và quán hủ tíu cây dừa cùng cà phê cậu Ba Thời được chính thức mở.
Khoảng năm 1943, một sáng nọ, ba tôi như thường lệ vô quán ăn hủ tíu, chị Hai và chị Tư đang chơi cùng các bạn trước sân, đột nhiên một tiếng súng nổ vang lên, mọi người trong quán chạy tán loạn, tiếng la hét ỏm tỏi...chị Hai tôi nhìn vô quán, thấy ba tôi ngã gục, máu mẹ đầy, chị vội chạy kêu má tôi lo chở ba tôi đi nhà thương. Cậu Bảy cho biết, lúc đó ba tôi đang ăn, ông vừa hả miệng ra thì một tiếng súng từ hướng bên kia đường, viên đạn xuyên từ gò má bên này, qua gò má bên kia của ba tôi và bay ra ngoài. Thật may mắn, nhờ đang há miệng mà ba tôi thoát chết trong đường tơ kẻ tóc. Sau trận bị ám sát hụt đó, ông Tỉnh trưởng lúc bấy giờ là chỗ quen biết với ba tôi, ông tạm thời đưa gia đình chúng tôi vô dinh tỉnh trưởng ở tạm chờ chuyển đến nơi khác an toàn hơn. Má tôi có người em gái thứ Sáu cũng có chồng ở Bình Dương, nên trước khi dời nhà, ba tôi bèn cho lại hai căn phố ở xóm hủ tíu cây dừa cho dì Sáu.
Một thời gian sau, tỉnh cấp cho ba má và mấy anh chị tôi căn phố ở dãy phố làng và tôi được chào đời tại đây.
Dãy phố làng...
- Bắt được mày rồi... ha ha... tới tao...
Đầu kia, vang tiếng đếm...5, 10, 15, 20... của trò chơi 5,10.
- Ui da.. ui...đau quá. Sao mày chọi vô chưn tao mậy...ui...
Khúc này thì chơi trò tạt lon, Phượng lỡ tạt trúng nhầm chưn Xuân làm thằng nhỏ la chói lói...
Chơi giỡn đã đời, trời chạng vạng, lũ con nít ngưng hết, bắt đầu ngồi xếp hàng dài theo đường mương sát lề đường, tự nhiên, thoải mái, không mắc cỡ, không e dè, trai có, gái có..tuổi cỡ 9,10...
Lại chui đại vô một nhà nào đó còn mở cửa sau, đi tuốt ra phía trước, băng qua bùng binh, tiếp tục những trò chơi dang dỡ cho đến 9 giờ tối thì từ động tan hàng, nhà ai nấy vô, rửa cẳng xong leo lên giường ngủ, với giấc mộng tuổi thơ...
Trong nhà tôi, có một cái đồng hồ treo từơng, cứ mồi 1 tiếng là kiểng đổ, trừ ban đêm, còn lại, muốn biết mấy giờ, tụi tôi thích đứng trước cửa nhà nhìn xuống để coi -đồng hồ chợ -' rất tiện.
Ngày xưa của tôi đó..mấy chục căn phố ở dãy phố làng như là nhà chung của bọn con nit chúng tôi, muốn vô nhà ai thì vô, đi luồng tuông từ trước ra sau, không ai rầy la, không ai xua đuổi, đến giờ, mấy chục năm qua, từng bộ ván, vạt giường, bàn ăn, bếp núc của mỗi nhà vẫn còn nằm trong trí tôi...
Trưa, trưa, ăn cơm xong, tụi tôi ra ngồi trước hàng ba ngồi đánh đũa, tạt bao thuốc, bắn bi...chúng tôi chơi và thân thiết nhau từ mới đẻ...không phân biệt trai gái trong bất kỳ trò chơi nào, đang hồi họp ăn thua, mưa đổ ào...chẳng nói, chẳng rằng, tụi này chạy thiệt lẹ qua bùng binh,..ùm...ùm...ùm...nước văng tung toé, tiếng cười vang, tiếng la hét...tụi tôi đang đùa giỡn dưới hồ sen....tạnh mưa, chạy hết vô nhà, thay áo quần..ăn uống...đợi chiều ra sau nhà chỏi tiếp....
Ở ngay chợ, chúng tôi có được nhiều điều thú vị lắm...nào nước đá đậu đỏ chú mập, tối tối văng vẳng tiếng rao:-Ai chè đậu đen nước dừa đường cát...h..ô...n...! Tiếng 'hôn' kéo dài ngọt lịm như chèn chè béo ngậy, thơm mùi lá dứa, mà mỗi tối, khi bà Ba gánh ngang, ba tôi đều gọi vào cho mỗi đứa 2 chén.
Toi thuở nhỏ cùng chơi với đám con trai hàng xòm nên cũng bạo dạn, gan lì lắm...có lần, tôi trèo cây, bị té tét đầu phải đi nhà thương kẹp lại và lãnh một mũi thuốc ngừa phong đòn gánh ngay bụng...
Bùng binh ngay trước nhà tôi, có cái cổng với hoa quỳnh bò quấn xung quanh, mỗi chiều, ba tôi đi làm về bằng xe Jeep, Ông đậu ngay cổng, tôi và anh Thọ tôi lén leo lên xe, bắt chước ba tôi, kéo cần số... chết cha...xe đang thụt lùi... chết rồi..làm sao.. May thay, vừa lúc đó ba tôi trong nhà nhìn ra, thấy vậy ông vội chạy nhanh ra, chụp tay lái và kéo cần số cho xe ngừng lại, chứ nếu khộng chắc là anh em tôi ủi sập nhà rồi.
Không nhớ năm nào, lúc đó chị Hai tôi còn nhỏ lắm, một buổi tối, cơm nước xong, ba tôi dẫn chị Hai tôi lên nhà Việc chi hỏng biết, lúc vừa bước ra khỏi cửa thì một tiếng nổ thật lờn sau lưng...may quá, lựu đạn lạc qua mé khác, chị Hai tôi bị thương nhẹ ở sau lưng, còn ba tôi thì không hề hấn gì. Điều tra và bắt được thủ phạm, họ cho biết có lệnh phải ám sát ba tôi!
Tại sao? Hai lần chết hụt nhờ Phước Đức ông bà, ba tôi quyết định nghỉ làm việc ở nhà, gia nhập quân đội và tùng sự tại Bộ Tổng Tham Mưu mà Đại Tá Lam Sơn lúc bấy giờ là Tham mưu trưởng.
Ba tôi cả đời làm việc nuôi vợ, lo cho con cái, giúp đỡ bạn bè rất tận tình. Nhiều lần, người ta mang quà cáp, tiền bạc đến đền ơn nhưng ba tôi cương quyết không nhận bất kỳ món gì của ai, do đó, ba tôi được nhiều người thương mến. Trong khi hết lòng giúp bạn, ba tôi không hề phân biệt họ ở chiến tuyến nào. Trong số những người ba tôi đã từng cứu giúp ấy, có người ra bưng theo phía bên kia, và rồi, khi trở lại như những kẻ chiến thắng, họ lại trả ơn lại cho ba tôi bằng cách lấy mạng của ông... Trong cuộc đổi đời tại miền Nam sau 1975, đó là cách đền đáp thường thấy mà những kẻ chiến thắng đã xử sự với những người tử tế đã từng trợ giúp họ.
Tết này, Tết Con Gà, tôi nhớ quá những ngày xa xưa. Khi mấy chị em cùng thắp nhang trước bàn thờ ngày Tết, chúng tôi vẫn luôn còn ba má bên cạnh.
Xa quê hương, nhưng trên đất Mỹ chúng tôi vẫn tìm được những cọng mì lò chén mà bên này người ta cũng có bán. Chúng tôi cũng có những miếng bánh đúc vuông, trắng chấm với nước thịt kho, ly cà phê đen muôn thuở của mỗi nhà bà con khi ghé lại....
Dong Trinh
No comments:
Post a Comment