Saturday, March 4, 2017



Kính dâng hương hồn thân mẫu

Mẹ vừa bưng bát cơm lên đã vội đặt xuống. Rồi từ khóe mắt, hai dòng lệ tuôn chảy trên cặp má nhăn nheo. Cả một tháng nay, bữa ăn  nào cũng thế. Tôi cũng không cầm được nước mắt. Thời gian nặng nề trôi  qua. Một lúc thật lâu sau, mẹ gạt nước mắt, nhìn tôi, cười gượng gạo, nói:
-  Thôi, ăn cơm đi, con!

Mẹ bưng bát cơm lên, lùa vào miệng một miếng và nhai trệu trạo. Mắt mẹ hướng ra phía cửa như có ý tìm tòi, chờ đợi. Mẹ lẩm bẩm, giọng sũng nước mắt:
- Không biết bây giờ nó ở đâu? Sống chết ra sao?

“Nó” ở đây là thằng em kế tôi. Nó là sỹ quan Địa phương quân và đã đi trình diện học tập cải tạo tập trung theo lệnh của  Ủy Ban Quân Quản  thành phố cùng với hàng trăm thanh niên khác cũng ở trong hoàn cảnh như nó. Trong thông cáo kêu gọi đi trình diện, chính quyền CS có nói là mỗi người cần  đem theo lương thực đủ dùng trong mười ngày. Mọi người nghe thế đều hân hoan vì nghĩ rằng việc học tập chỉ diễn ra trong mười ngày thôi; sau đó, ai về nhà nấy để làm ăn sinh sống. Đất nước hòa bình rồi mà. 

Hôm ấy là ngày 27/6/1975, tôi chở em tôi tới trường trung học Văn Hiến ở Tân định để trình diện. Trên đường đi, nó cứ luôn miệng dặn dò  tôi phải chăm sóc mẹ cẩn thận; còn tôi thì khuyên nó phải giữ gìn sức khỏe để về với gia đình. Tới nơi, tôi thả nó xuống. Hai anh em đứng yên lặng bên nhau một lúc khá lâu, rồi bịn rịn chia tay. Nhìn những gia đình khác  thì cũng vậy. Người đi và kẻ ở lại  chỉ nói với nhau bằng  mắt. Bầu không khí ngột ngạt bao phủ  thành phố- một thành phố sầm uất và tràn trề sức sống. Thế mà bây giờ…. Nó đi vào bên trong với ánh mắt đầy lo lắng. Những bước chân nặng nề thỉnh thoảng dừng lại để ngoái trông về phía sau. Chờ cho nó khuất hẳn, tôi mới leo lên xe trở về. Cõi lòng nặng trĩu.

Từ hôm đó đến nay đã được một tháng rồi mà vẫn bặt âm vô tín.

Một màu tang tóc bao phủ toàn miền Nam.

Một buổi tối, có mấy bà ở gần nhà cũng có con đi học tập đến nhà gặp mẹ tôi. Các bà túm tụm bên nhau thì thầm. Theo đó thì họ nghe đồn ở trên vùng Hóc Môn có một nơi đang nhốt tù cải tạo. Sau một hồi bàn tán, các bà quyết định rủ nhau đi đến đó thử  xem hư thực ra sao. Trước khi ra về, một trong các bà nói lớn tiếng:
-  Lúc này bà dệt được nhiều đay không?

Mẹ tôi cũng trả lời lớn  tiếng:
-  Thì cũng tàm tạm thôi, bà ạ. Mình cố gắng một chút để thêm thắt phụ với cháu …
Như thế đó, những cuộc họp mặt của mọi người ở bất kỳ nơi đâu, luôn luôn mở đầu và kết thúc bằng những câu nói lớn giọng bâng quơ vô thưởng vô phạt để tránh sự nhòm ngó phiền phức của những ánh mắt rình mò vô hình. Mỗi bước đi, mỗi lúc dừng chân, ai nấy đều phải rất thận trọng, nhìn trước, ngó sau, cứ như thể là những kẻ tội phạm.

@

Tôi vừa dựng chiếc xe đạp ở sân xong thì mẹ  từ trong bếp tất tả chạy ra, miệng tươi cười, khác hẳn với bộ mặt âu sầu thường lệ. Mẹ khoe:
-  Có giấy báo đi thăm nuôi em con rồi đó.

-  Vậy hả  mẹ?

Tôi vui mừng la lên như một đứa trẻ.

Hơn một năm trời chúng tôi mới được tin tức của người thân. Một năm trời  ấy đã có biết bao lo lắng, biết bao sợ hãi, biết bao ác mộng đến trong giấc ngủ của những người mẹ, người vợ, người con…Cái mốc mười ngày mà họ đã loan báo hóa ra là vậy.

Mẹ dẫn tôi đến trước bàn thờ bố tôi. Bố tôi đã tử trận vào Tết Mậu thân 1968. Mẹ tôi năm lần sinh, nhưng trời chỉ cho giữ lại được hai đứa con. Tôi  không phải đi lính vì lý do sức khỏe. Em tôi bị tổng động viên vào mùa hè đỏ lửa năm 1972. Tốt nghiệp trường  sỹ quan bộ binh Thủ Đức, nó được phân công xuống miền Tây và ở đó cho đến ngày miền Nam bị thất thủ.

Trước bàn thờ bố, mẹ thầm thì trong nỗi xúc động tột cùng:
-  Ông ơi! Con mình vẫn còn sống. Mẹ con tôi sắp đi thăm nó. Ông sống khôn chết thiêng xin phù hộ cho con ông được bình yên, khỏe mạnh để trở về với  mẹ con tôi.

Tôi có linh cảm rằng ở thế giới bên kia, bố tôi cũng  bồi hồi sung sướng như hai mẹ con tôi lúc này.

Từ hôm đó trở đi, mẹ con tôi ra sức chuẩn bị đồ tiếp tế cho em tôi.Trong lá thư gửi về cùng với giấy báo thăm nuôi của trại, em tôi đã liệt kê những thứ nó cần: một số thuốc thông tường như thuốc cảm, thuốc tiêu chảy, thuốc đau bao tử (nó bị bệnh này từ lúc còn đi lính), thuốc ký- ninh …; đường tán; thuốc lá; mỡ…Nó chỉ xin rất ít, vì nó hiểu rõ hoàn cảnh khó khăn của gia đình. Cuối thư, nó còn cẩn thận dặn dò: nếu không  có đủ thì cũng được, không cần phải băn khoăn. Điều quan trọng nhất là  “con  muốn được gặp mẹ và anh. Vì thế, mẹ và anh  đi tay không cũng được”. Đọc thư nó, hai mẹ con không cầm được nước mắt.

Tất cả những thứ ấy không vượt khỏi tầm tay của mẹ con tôi. Tuy đồng lương giáo viên không nhiều nhặn gì, nhưng nhờ được mua nhu yếu phẩm hàng tháng nên đường, sữa, thuốc lá, thịt, cá…(mỗi tháng một ít, tích tiểu thành đại mà) có thể đáp ứng được yêu cầu của em tôi.(Còn những thứ khác thì do bàn tay vén khéo của mẹ tôi. Bà đánh đay để bán cho những người dệt chiếu, từ sáng đến tối cũng kiếm thêm chút đỉnh. Nhìn mẹ cúi gò tấm thân già yếu trên cái máy đánh đay, tôi  cứ phải kìm nước mắt. Tôi luôn trách mình hèn kém quá  nên mẹ không được thảnh thơi tuổi già). Hầu như tất cả công nhân viên chức chúng tôi sống được là nhờ có nguồn thu nhập từ việc bán nhu yếu phẩm. Ngoài ra lại còn một nguồn thu nhập khác nữa cũng không kém phần quan trọng: đạp xích lô. Tối tối, trên những ngả đường của thành phố Sài Gòn, “ những kỹ sư tâm hồn” cúi gầm trên yên xe, mồ hôi mẹ mồ hôi con đổ ra đầm đìa, mắt nổ đom đóm để kiếm thêm tiền nuôi vợ con, nuôi bản thân. Gọi là nghề phụ, nhưng thực ra nó lại là nghể chính vì tiền kiếm được còn nhiều hơn tiền lương. Tiêu chuẩn đặt ra cho mỗi tối là phải kiếm đủ hai chục đồng thì mới trở về. Với hai chục trong tay, người ta đã có được gần một nửa tháng lương rồi. Do đó, hôm nào “lốc” quá thì phải “cày” khuya hơn. Thời thế đã sinh ra thêm một loài vạc mới:“ Cái vạc mà đi ăn đêm. Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao…”. Và tôi cũng hân hạnh được đan cánh cùng đàn vạc thời thế ấy.

@

Rồi cái ngày từ lâu trông đợi cũng tới. Khi mẹ đánh thức tôi dậy thì mọi thứ đã được  sắp xếp  xong xuôi rồi. Có lẽ suốt đêm mẹ không ngủ được. Lúc đó là hai giờ sáng. Chúng tôi phải đi ra bến xe ở đường Nguyễn Cư Trinh, quận 10. Một người bạn cùng chạy xích lô với tôi đã chở giúp mẹ con tôi ra bến xe. Khi ra đến nơi đã thấy chật kín người đứng xếp hàng. Hầu hết đều là thân nhân đi thăm tù cải tạo. Nét mặt ai nấy đều lộ rõ nỗi lo lắng. Túi lớn, túi nhỏ đặt bên cạnh. Hàng người cứ nhích từng tí một, tí một…Tôi băn khoăn tự hỏi không biết lúc đến lượt mình thì còn vé hay không. Mẹ im lặng. Tôi biết bà đang đọc kinh cầu nguyện. Mẹ tôi là một tín đồ sùng đạo. Bà lúc nào cũng tin tưởng vào Bề Trên. Bà cầu nguyện mọi nơi, mọi lúc. Cỗ tràng hạt luôn luôn ở bên mình bà. Thời gian trôi qua nhanh. Mặt trời lên cao. Bến xe càng lúc càng ồn ào. Tiếng rao hàng, tiếng xe chạy, tiếng cãi cọ…Hành khách tuôn đến cứ tăng dần lên. Cái đuôi càng lúc càng dài thêm. Ai cũng sợ đến lượt mình thì hết vé. Vé chợ đen thì lúc nào cũng sẵn sàng. Thế nhưng, người nghèo ai mua cho nổi. Ngoài vé chợ đen, người ta cũng có thể mua chỗ xếp hàng nữa. Những người có nhà gần bến xe đã xí chỗ bằng những cục gạch. Ai đến sau mà muốn lên trước thì chỉ cần xỉa tiền ra là có một chỗ  đứng ngon lành và chắc chắn  sẽ mua được vé sớm. Trống ngực tôi đánh liên hồi. Tôi hết nhìn về phía trước lại nhìn phía sau để đo lường khoảng cách. Một nỗi lo sợ khác luôn ám ảnh: nạn móc túi. Mình nghèo mà nếu chẳng may bị  mắc cái eo thì chẳng còn gì thê thảm bằng.

Không biết có phải vì lời cầu nguyện của mẹ tôi đã thấu đến tai Chúa hay không mà chúng tôi cuối cùng cũng mua được vé xe. Hai mẹ con thở phào nhẹ nhõm rồi ì ạch khuân đồ lên xe. Thế mà cũng hai bao đồ tiếp tế. Mẹ giỏi thật. Không biết mẹ xoay xở  như thế nào mà có được nhiều thứ thế. Kinh nghiệm của một người đã từng sống trong chiến tranh, phải chạy loạn  liên miên nên mẹ tôi biết em tôi cần những thứ gì cho dù nó không đòi hỏi. Nếu không có mẹ, chắc chắn tôi sẽ khốn khổ vì chuyện thăm nuôi này. Cứ nghĩ tới bộ mặt vui mừng của  em, tôi lại sung sướng trong lòng. Có lẽ mẹ cũng cùng tâm trạng như tôi nên sắc mặt mẹ sáng và tươi hơn những ngày trước nhiều.

Chiếc xe chạy bằng than thở phì phò tiến về phía trước một cách chậm chạp. Lúc nãy lo không mua được vé. Bây giờ lại nóng ruột vì những bước chân của con rùa này. Chiếc xe nhỏ nén chật cứng người và đồ tiếp tế. Mẹ  tôi  vóc dáng vốn đã nhỏ, bây giờ lại càng nhỏ hơn trong cái khối người và đồ vật này. Vậy mà nét mặt mẹ vẫn không lộ chút mệt nhọc. Phải chăng tình mẫu tử thiêng liêng đã tăng thêm sức mạnh cho mẹ. Mắt mẹ lim dim. Môi mẹ mấp máy. Mẹ cầu nguyện. Tôi cố gắng xoay xở để có thể ngồi dễ dàng một chút. Thật là bất tiện cho một  thằng đàn ông khi bị ném vào giữa khối phụ nữ. Mỗi cái cựa mình đều có thể gây nên hiểu lầm, một sự hiểu lầm chết người. Bây giờ tự nhiên tôi thấy đôi tay mình thật thừa thãi. Tôi không biết để chúng ở đâu để không bị nghi ngờ. Tôi đành phải khoanh tay lại như Đường tăng bị sa vào giữa ổ yêu quái nhền nhện. Thú thật, cho dù đã hơn  ba mươi, nhưng tôi vẫn còn “đồng trinh sạch sẽ” (chuyện khó tin nhưng lại có thật- rất thật là khác). Cuối cùng, tôi cũng có thể dựa đầu vào thành xe và thiếp đi lúc nào không hay. Thỉnh thoảng cũng bị đánh thức vì xe chạy vào chỗ có nhiều ổ gà. Có một lần thức dậy, tôi thấy một bên vai có cái gì đó đè lên nghe chừng nằng nặng. Hé mắt ra nhìn thì thấy đầu ai đó đang tựa vào vai tôi mà ngủ ngon lành. Tôi chợt nhớ tới bài thơ NGẬM NGÙI của HUY CẬN mà Phạm Duy đã phổ nhạc, trong ấy có hai câu: “Vai anh em hãy tựa đầu /Cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi”. Tôi mỉm cười. Và  lại nhắm mắt ngủ tiếp.

Bỗng tôi giật mình vì những tiếng la lớn: “Xuống!Xuống!Xuống!Tới rồi! Tới rồi!”. Và thế là một cảnh vô cùng hỗn loạn xảy ra. Người ngồi trong, người ngồi ngoài tranh nhau xuống. Tiếng la ó, cãi cọ vang lên không ngớt. Mẹ con tôi đành phải nép mình vào cho thật nhỏ, nhỏ càng nhiều càng tốt để không bị người ta đạp trúng. Tội nghiệp cho cái thân nam nhi của tôi khi phải đối mặt với những người mà từ cổ chí kim luôn được xưng tụng là “phái yếu”. Bây giờ thì họ chẳng yếu tí ti nào cả. Vị trí ấy đã được thay đổi - ít ra là trong lúc này.

Hai mẹ con tôi xuống sau cùng. Tôi hỏi mẹ:
-  Mẹ mệt không?

Mẹ cười và lấy một chai nước từ trong bao đồ ra, đưa cho tôi và bảo:
- Uống đi, con. Con có đói không? Ăn cơm nắm nhé!

- Thôi, mẹ ạ. Để lát nữa vào gặp em con đã rồi mẹ con mình cùng ăn với nó cho nó vui. Con chẳng thấy đói chút nào.

Sau nghỉ mệt một lát, chúng tôi  theo đoàn người đi vào nơi có trại học tập. Từ ngoài này vào đến trong đó có lẽ tới năm bảy cây số là ít. Đi tay không cũng không ổn huống chi lại còn những bao đồ nặng như thế này. May mắn là mẹ tôi đã chuẩn bị kỹ cho chuyến đi nên mẹ có đem theo cái đòn gánh. Mẹ cột  hai cái bao vào hai đầu  đòn gánh và định gánh đi. Tôi tranh làm việc này, nhưng mẹ không cho viện cớ từ xưa đến nay tôi chỉ quen ăn học thôi nên không thể gánh được. Tôi không chịu, cứ  nhất định  đòi gánh cho bằng được. Quả như lời mẹ nói, đi được mấy bước là vai tôi đau ghê gớm. Thế nhưng, tôi vẫn làm gan, cứ đi. Chưa hết nửa đoạn đường, tôi chào thua, đứng lại để thở. Mẹ tôi cười: “Thấy chưa? Thôi, để đó cho tôi”. Và mẹ gánh đi một cách rất nhẹ nhàng. Đôi chân nhỏ bé của mẹ bước đi thoăn thoắt.

Đến cổng trại, tất cả mọi người đặt đồ xuống, ngồi la liệt để chờ khám xét. Cơ man nào là người. Lúc nãy, khi xe ngừng, tôi thấy trước đó đã có rất nhiều chuyến xe đến đây; rồi sau đó lại nhiều chuyến khác nữa. Phần lớn là phụ nữ, chỉ có một ít là đàn ông. Đó là những người cha, người mẹ, người vợ… đi thăm nuôi con hoặc chồng. Chỉ có gia đình tôi là ít đồ nhất. Những gia đình khác thì bao to, bao nhỏ xếp ngổn ngang. Lúc này mới thấy được sức mạnh của tình yêu thương. Những tấm thân liễu yếu đó trước kia đều là những bà vợ sỹ quan, chỉ quen ăn trắng mặc trơn, trong nhà thế nào chẳng có ít nhất một người giúp việc. Vậy mà, bây giờ, khi thời thời thế đã đổi thay, họ không còn yếu đuối nữa. Họ đã sống tự lập, không còn phải phụ thuộc vào người khác nữa. Hình ảnh những bà vợ sỹ quan làm tôi thấy thấm thía mấy câu mở đầu cuốn CHINH PHỤ NGÂM KHÚC của ĐẶNG TRẦN CÔN:

Thuở trời đất nổi  cơn gió bụi
Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên
Xanh kia thăm thẳm tầng trên
Vì ai gây dựng cho nên nỗi này?

Tất cả những món đồ đem cho người tù cải tạo phải được khui ra ráo trọi. Công việc khám xét rất tỉ mỉ. Dù là một cái kim cũng không để lọt. Những lon guy gô mắm ruốc, những gói ruốc cá ruốc thịt…đều bị xáo tung lên. Ai nấy đều xót xa, mắt rươm rướm lệ. Gia đình nào được khám xong thì vào trong một dãy nhà lá và bày đồ lên một cái bàn bằng tre dài đặt ở giữa gian nhà. Người nhà chỉ được ngồi ở một phía; phía bên kia dành cho tù cải tạo. Mọi người đều ra sức tìm kiếm người thân của mình. Mọi con mắt đều đổ dồn vào phía trong trại. Trại rộng mênh mông. Có những người tù làm công việc sắp xếp chỗ ngồi cho  người đi thăm nuôi hoặc làm vệ sinh chung quanh gian nhà tiếp tân. Quần áo của họ đủ mọi loại vải. Có người mặc bà ba, có người mặc áo bằng bao bố… Đã quá trưa rồi mà vẫn chưa được gặp người thân. Ai cũng sốt ruột. Có người thắc mắc hỏi thăm anh trật tự viên thì được anh cho biết là họ đang còn đi lao động, khi nào hết giờ lao động thì họ mới được phép ra. Gian nhà tiếp tân ồn ào như chợ vỡ. Bỗng có tiếng reo to:
-  Kìa, họ đang ra!

Hàng trăm cái đầu ngoảnh hết về phía trong rồi đồng loạt đứng lên, chen chúc nhau chạy ra cửa để đón người nhà.

Từ trong trại, một đoàn người đang ra sức bước nhanh. Họ xếp hàng  đôi. Khi ra đến gần gian nhà tiếp tân, họ vù chạy tới ôm chầm lấy người thân của mình. Những cặp mắt đỏ hoe. Những cái nắm tay. Những vòng tay ôm xiết.

Tôi cũng chạy ra để đón em. Bao nhiêu người ra rồi sao mà vẫn chưa thấy nó? Có chuyện gì đây? Giữa lúc tôi thất vọng thì có tiếng gọi  từ xa:
-  Anh!

Mắt tôi như hoa lên. Nó chạy nhanh lại ôm chầm lấy tôi. Hai anh em mừng mừng tủi tủi, nước mắt không kềm được. Trước mắt tôi, hình ảnh oai hùng của một sỹ quan VNCH không còn nữa. Thay vào đó là một kẻ ốm đói đến tội nghiệp. Ốm đói thì toàn miền Nam này đều như thế cả, từ cái ngày 30/4 khốn kiếp đó. Thế nhưng, đối với những người tù khổ sai như các sỹ quan VNCH thì lại càng tồi tệ hơn gấp triệu triệu lần. Cứ nhìn những hình ảnh hiện diện trước mắt tôi hôm nay cũng đủ rõ cái phi nhân của nhà tù CS như thế nào. Nó hỏi ngay:
-  Mẹ có đi không anh?

-  Có chứ. Mẹ đang đợi em ở trong nhà.

Tôi dẫn nó lại chỗ mẹ. Hai mẹ con ôm chặt nhau. Mẹ nức lên từng tiếng. Nó cũng khóc. Tôi cũng khóc. Lúc ấy, chung quanh chúng tôi, đâu đâu cũng có tiếng khóc. Khi xúc động tạm thời lắng xuống, mẹ dọn đồ ăn ra. Một con gà luộc, một ổ lớn cơm nắm. Lại còn có cả giò chả nữa. Trời đất!Tôi trố mắt nhìn. Mẹ tôi quả là một người mẹ vĩ đại. Mẹ sắm sửa những thứ này từ hồi nào vậy kìa? Cách ngày đi thăm mấy bữa, khi đi làm về, mẹ đem con gà nhốt trong lồng ra khoe với tôi:

-  Mẹ mua con gà này để hôm đi thăm em con thì thịt cho nó ăn. Tội nghiệp nó. Chắc nó đói khát lắm đây.

Và sáng nay, trong khi tôi còn say ngủ thì mẹ đã dậy để nấu cơm, nắm cơm và thịt gà. Mẹ dùng con dao nhỏ cắt cơm ra từng miếng, xé thịt gà, còn tôi thì cắt chả. Xong xuôi, mẹ giục:
-  Hai đứa ăn đi! Chắc là đói lắm rồi. Ăn đi!

Thằng em tôi cứ nhìn mẹ chòng chọc, mắt nó đỏ hoe. Tôi phải cầm lấy một nắm cơm đưa cho nó và giục:
-  Ăn đi, em!

Và tôi cũng cầm lên một miếng ăn. Tôi liếc nhìn những gia đình khác thì cũng thấy giống như gia đình tôi. Người này giục người  kia ăn còn mình thì nhìn người thân không chớp mắt. Gian nhà ồn ào vì không ai được phép nói nhỏ. Tất cả phải nói thật lớn. Hai đầu gian phòng có hai người bộ đội đứng trông chừng. Những câu hỏi đều chỉ là những câu hỏi thăm thông thường.
-  Mẹ khỏe không? Con thấy mẹ gầy đi nhiều rồi đó.

Mẹ cười:
-  Thì từ trước đến giờ có bao giờ mẹ béo tốt đâu. Con khỏi lo cho mẹ. Ở nhà đã có anh con lo rồi. Con cứ yên chí học tập cho tốt để mau được về với mẹ và anh.

Ba mẹ con chỉ quanh quẩn có mấy câu đó thôi, chả còn biết nói gì thêm nữa cả. Phải thú thực là, trước khi đi, tôi đã dự định hỏi nó nhiều thứ lắm. Thế mà bây giờ gặp nó, chẳng còn nhớ gì nữa hết. Chắc mẹ tôi và nó cũng như vậy. Đồ ăn thức uống bày trên bàn mà hầu như chẳng ai muốn đụng vào. Hỏi đi hỏi lại cũng chỉ ngần ấy câu.

Thế  rồi, điều mà ai cũng lo sợ, cũng muốn nó không xảy ra, hoặc có xảy  ra thì cũng  từ từ, cũng chầm chậm thôi  cũng đã đến. Giờ thăm nuôi chấm dứt. Khi hai người bộ đội cất tiếng: “Đã hết giờ thăm nuôi rồi, yêu cầu các anh trở vào trại” thì  tai chúng tôi ù lên. Mắt chúng tôi lại đỏ hoe. Nấn ná. Bịn rịn. Đứng lên sao mà khó khăn thế! Đứng lên sao mà nặng nề thế! Mẹ thu vén tất cả đồ ăn lại, bỏ vào bao cho nó. Nó đứng lên, vác bao đồ ăn trên vai, một tay ôm mẹ, tôi đi cạnh nó. Ba chúng tôi chậm chạp tiến ra cửa. Mẹ sụt sùi: “Con ơi!”. Nó cười giả lả: “Thôi mà mẹ! Con sẽ về với mẹ mà!”. Trong tiếng cười ấy có chứa đầy nước mắt, nước mắt mà nó cố gắng nuốt trọn vào ngực. Nó ra sau cùng, nó cũng trở vào sau hết. Chờ cho bóng nó khuất hẳn, hai mẹ con tôi mới trở ra. Lúc này đi tay không, nhưng chân tôi bước nặng nề hơn. Tôi  dìu mẹ đi. Bóng chiều đã ngả về tây. Tôi quay lại nhìn vào trong trại tù một lần nữa. Thế là hết. Thế là hy vọng tiêu tan. Bao giờ mới gặp lại em tôi? Buổi thăm nuôi hôm nay có mà như không có. Bởi vì, cả hai bên đều là những tù nhân. Tù thăm tù. Những ánh mắt nhìn nhau đầy xót xa  tủi hờn

Những ánh mắt nhìn nhau
Chứa chan sầu tủi hận
Những ánh mắt nhìn nhau
Tù thăm tù xa xót

Thời gian qua chớp mắt
Người đi vào lồng nhỏ
Kẻ cũi lớn trở về
Phút chia tay tái tê
Lệ tuôn rơi não nề
Bước chân…
Ôi! Lê thê!
Hai đầu cùng ngoảnh lại
Ánh mắt lại gặp nhau
Vĩnh biệt hay hẹn hò?!

Khi chúng tôi về đến nhà thì trời đã tối mịt. Trên đường về, hai mẹ con im lặng. Mỗi người theo đuổi những ý nghĩ riêng. Mẹ con tôi ăn qua quýt cho xong bữa. Thực ra, chúng tôi chỉ mệt thôi chứ không cảm thấy đói. Tôi mắc màn cho mẹ, xong mắc màn cho tôi rồi leo lên giường. Mẹ vẫn còn loay hoay dọn dẹp dưới bếp. Tôi ngủ lúc nào không hay. Trong giấc ngủ, tôi mơ tôi bị lạc vào một bãi mìn. Chân tôi đạp trên một trái. Nó nổ hất tung tôi lên trời. Thế là tôi giật mình tỉnh dậy.

Trong bóng tối, tôi thấy mẹ đang ngồi trước bàn thờ. Mẹ đang cầu nguyện. Dưới ánh nến lung linh,vóc dáng ốm yếu, tiều tụy của mẹ in trên bức tường vôi loang lổ. Tôi thấy thương mẹ quá. Mẹ  đúng là một hiền mẫu. Mẹ tuy nhỏ bé, nhưng đối với tôi, mẹ là chỗ dựa vô cùng vững chãi. Cho dù tuổi đời chẳng còn bé bỏng gì, nhưng tôi vẫn thích và có thói quen tựa đầu vào gối mẹ những khi ngoài đời tôi gặp phải những áp lực nặng nề. Khi đó, tôi chỉ cần gọi một tiếng: “Mẹ ơi!” là mọi ưu phiền, mọi bực bội tức khắc biến mất tiêu. Anh em tôi, mỗi khi đi đâu về đến nhà là luôn luôn gọi: “Mẹ ơi!”. Mẹ chỉ cười rồi mắng yêu: “Cha bố anh! Cứ làm như còn bé lắm ấy”. Tôi nằm gối đầu trên đùi mẹ mà nghe lòng mình bình thản, yên ắng lạ. Mẹ cứ giục tôi lấy vợ, nhưng tôi không dám. Không dám vì lỡ lấy phải một người không ra gì thì mẹ sẽ khổ. Tôi khổ thì không sao, chứ mẹ vì tôi mà phải khổ thì tôi thấy tôi có lỗi với mẹ quá.

Bây giờ đêm đã vào khuya. Rất khuya.

Cả xóm đều chìm trong giấc ngủ. Thỉnh thoảng, ở nơi nào đó có tiếng chó sủa những bước chân nhọc nhằn kiếm sống về muộn. Tiếng thạch sùng kêu sao nghe buồn da diết. Ban đêm bây giờ yên tĩnh hơn trước kia vì không còn “đại bác ru đêm dội về thành phố”, vì không còn lơ lửng trên bầu trời những “ánh mắt hỏa châu” nữa. Tuy nhiên, trong bóng đêm hôm nay lại có những thứ âm thanh khác nghe rùng rợn hơn. Bóng đêm hôm nay vì thế ngột ngạt hơn, nặng nề hơn. Giấc ngủ cũng vì thế mà nhiều ác mộng hơn.

Tôi bồi hồi ngắm nhìn mẹ cầu nguyện. Tim tôi rung lên.

Góc tối đêm khua mẹ nguyện cầu
Đôi mắt van lơn nhìn tượng Chúa
Lung linh ánh nến soi hư ảo
Thân gầy leo lét vách u sầu
@
Xa xa súng nổ se lòng mẹ
Hỏa châu thắp sáng lệ long lanh
Xin cho nơi đó con an lành
Xin cho chinh chiến mau tàn lụi
Để con trở về mái nhà tranh
@
Hòa bình rồi con trở về đây
Lệ rơi sung sướng phút sum vầy
Ôm con mẹ thầm cảm tạ Chúa
Giọt máu mẹ đây của mẹ đây
@
Niềm vui chưa lớn con xa mẹ
Rừng xanh cam chịu kiếp đọa đày
Lặn lội đường xa thân già yếu
Gánh nặng tình  thương trĩu vai gầy
@
Nhìn con ốm yếu xác xơ
Lòng mẹ chết điếng mắt mờ lệ sa
Con đây con của mẹ mà
Sao cay đắng thế trời già đa đoan?
Nhìn con mẹ những kinh hoàng
Tội chi con gánh con mang trên người?
@
Góc tối đêm khuya mẹ nguyện cầu
Đôi mắt van lơn nhìn tượng Chúa
Lung linh ánh nến soi hư ảo
Thân gầy leo lét vách cô sầu

@

Buổi sáng thức dậy, sau khi làm vệ sinh cá nhân, tôi ăn sáng để chuẩn bị đến trường. Đang lúc ăn, mẹ bảo tôi:
-  Hôm nay là đúng ba năm ngày em con đi học tập đấy.

Tôi giật mình nhìn lên tấm lịch treo tường. Thật đúng như lời mẹ nói. Hôm nay là ngày 27/6/1978. Cũng ngày nay ba năm về trước, tôi đã đưa em tôi đi trình diện để đi học tập cải tạo theo chính sách của chính quyền cách mạng với phần lương thực mang theo đủ dùng trong mười ngày. Mười ngày qua đi, bóng dáng những  người đi học tập vẫn mịt mù. Rồi nhà nước lại thông báo sau ba năm, nếu ai học tập tốt thì sẽ được trở về với gia đình. Người đi và kẻ ở lúc nào cũng được nghe hứa hẹn để nhen nhúm hy vọng mà sống. Người đi và kẻ ở là những bệnh nhân đang nằm trong phòng hồi sức với bình oxy bên cạnh.

Lòng mẹ quả là bao la. Mẹ không cần ghi ra giấy, nhưng luôn canh cánh bên lòng hình ảnh đứa con yêu quý. Mẹ đã nhẩm tính từng ngày và rất có thể từng giờ  với hy vọng, với trông mong. Mẹ ngồi đây, nhưng mắt mẹ, tim mẹ thì ở rất xa nơi có bóng dáng giọt máu thiêng liêng của mẹ.

-  Như vậy là nó sắp được về rồi, con nhỉ?

Mẹ nói với tôi hay nói với chính mẹ?Tôi an ủi mẹ:
-  Vâng, chắc em con sắp được về rồi mẹ ạ.

Tôi chào mẹ và xách cặp bước ra cửa. Mẹ lại tiếp tục công việc thường lệ.

Sáu tháng sau, chúng tôi  nhận được giấy báo đi thăm nuôi. Cầm tờ giấy báo trong tay, mẹ không mấy phấn khởi như  trước mặc dù mẹ vẫn sắm sửa đầy đủ mọi thứ cho em tôi Tôi thấy mẹ xuống tinh thần nhiều quá. Tóc mẹ bạc nhanh hơn. Lưng mẹ còng nhiều hơn. Người mẹ gầy hơn. Tôi đã cố gắng mua đồ ăn cùng thuốc bổ để mẹ giữ được sức khỏe. Thế nhưng cũng chẳng ăn thua gì. Tôi lo sợ. Đôi lúc tôi nghĩ lẩn thẩn  nếu…Nghĩ đến đó tự nhiên tôi sợ đến phát run và không dám  nghĩ tiếp nữa. Tôi là một tín đồ không được ngoan lắm nên tôi ít khi đọc kinh cầu nguyện. Tuy vậy, trước tình hình bi đát như hiện nay, tôi chỉ cầu xin một ơn duy nhất: Chúa cho mẹ tôi bình yên khỏe mạnh cho tới ngày em tôi trở về. Ngày nào tôi cũng chỉ xin có bấy nhiêu thôi.

May mắn làm sao khi trong xóm tôi lục tục có mấy  người được tha về. Họ là bạn của em tôi. Họ đến nhà thăm hỏi và trấn an mẹ tôi. Nhờ thế mà mẹ tôi bớt bi quan một chút. Niềm hy vọng nơi mẹ có thể được hồi sinh. Mắt mẹ và tim mẹ vẫn hướng về nơi chốn xa xăm mang theo hy vọng có thể là mong manh.

Rồi lại giấy báo thăm nuôi. Rồi lại giấy báo thăm nuôi. Thế là bốn năm rưỡi rồi. Còn bao lâu nữa? Câu hỏi này ai có thể trả lời được cho chúng tôi thỏa lòng?

@

Chiều nay, tự nhiên tôi không muốn đi đạp xích lô tí nào cả. Tôi cảm thấy lòng mình  sao sao ấy. Tôi cứ nhắc xe ra rồi lại nhắc xe vô. Tôi vào bếp với mẹ. Mẹ đang chuẩn bị đồ tiếp tế lần tới. Mẹ hỏi tôi hôm nay không đi ư. Tôi nửa đừa nửa thật:
-  Hôm nay con muốn ở nhà với mẹ.

-  Ừ, nghỉ một bữa cho khỏe, con ạ. Con gầy đi nhiều lắm đấy.

-  Con không sao mẹ ạ.Thôi, mẹ để đấy con làm cho

-  Ừ, con đảo đều đều lên nhé! Coi chừng cháy đó.

Mẹ đưa đôi đũa cho tôi, rồi mẹ ra ngoài để đánh nốt mớ đay còn dở.

Tôi vừa làm vừa suy nghĩ về tình trạng của mẹ. Mẹ yếu lắm rồi. Mình phải đưa mẹ đi khám bệnh mới được, chứ cứ để như thế này ngộ nhỡ xảy ra chuyện gì thì có ân hận cũng muộn. Tôi quyết định sẽ đưa mẹ đi bệnh viện vào vài ngày tới. Muốn vậy thì cần phải tranh thủ chạy thêm mấy cuốc nữa. Sau khi làm xong cái chảo ruốc thịt dành cho chuyến đi thăm sắp tới, tôi ra sân:
- Mẹ ơi! Con đi lấy vài chuyến, mẹ nhé!

-  Thôi, ở nhà nghỉ đi!

- Con đi đây, mẹ ạ. Mẹ nhớ đi ngủ sớm nhé!À, mà chảo ruốc con đã làm xong rồi đấy.
- Ừ, để đấy lát nữa mẹ cất đi,

Tôi đạp xe  ra ngõ, sau khi đã cẩn thận nhờ bà con lối xóm trông chừng mẹ dùm. Bà con ở đây tốt lắm. Họ thường giúp đỡ mẹ con tôi mỗi khi gặp điều không may. Có họ, tôi cũng yên tâm khi đi làm.

Tôi ngồi trên yên xe mà lòng cứ lo về mẹ. Mái tóc bạc. Cái lưng còng. Những tràng ho muốn xuyên thủng đêm dài của mẹ. Có những đêm tôi  đã thức trắng bên giường mẹ. Nhìn nét mặt nhợt nhạt của mẹ, tôi không tài nào cầm nổi nước mắt. Những bước đi chậm chạp…Không biết mẹ có thể cầm cự được bao lâu nữa? Mẹ có thể chờ tới ngày em tôi về hay không? Thời gian này, ít nhất tôi đã đi dự ba đám tang của ba người mẹ có con đi học tập cải tạo như em tôi. Những người mẹ này đã mỏi mòn trông đợi ngày về của con mà không được. Các cụ đã ra đi trong nỗi buồn đau khôn tả, trong nỗi uất ức chua cay

Ba năm sao quá xa mờ
Chốn đây mẹ những trông chờ
Ba năm dạ mẹ héo hon
Tháng ngày chậm bước đợi con từng giờ
Ba năm con đến trong mơ
Giật mình tỉnh giấc lệ mờ mắt nhăn
Ba năm tuổi hạc khô cằn
Đường đi gai đá in hằn dấu thân
Ba năm quên tuổi mộ phần
Khóc thương lo sợ tấm thân lao tù
Ba năm mẹ nhớ tiếng ru
Khi xưa con bé đưa đu võng nằm
Bây giờ con đó ba năm
Lệ thay tiếng hát ru nằm trong lao
Ba năm cuồng nộ ba đào
Giập vùi lá biếc lao đao lá vàng
Ba năm không chút âm vang
Lá xanh mất hút lá vàng lìa cây!

Sức khỏe mẹ tuy sa sút, nhưng mắt mẹ vẫn còn rất tinh tường cho dù có bị đám mây sầu lo che phủ; và khối óc mẹ vẫn minh mẫn. Mỗi khi gặp rắc rối trong cuộc sống, tôi thường về với mẹ để thủ thỉ để được nhận những lời khuyên bảo chí tình và đầy khôn ngoan của mẹ. Những khôn ngoan của một đời dong thuyền ra khơi giữa phong ba bão táp. Tôi thầm thì cầu xin cho mẹ được yên hàn. Mải lo suy nghĩ, tôi không nhìn thấy một bóng người đang xăm xăm tiến về phía tôi. Đến khi nghe tiếng gọi:
-  Anh!

Tôi giật bắn người và trở về với thực tại. Tôi có cảm giác tiếng nói này quen quen, rất quen. Tôi ngẩng đầu lên nhìn. Miệng tôi há hốc. Tôi cứ nghĩ mình đang mơ. Tôi dụi mắt mấy lần để nhìn cho rõ. Người đang đứng trước mặt tôi chính là thằng em tôi. Nó được tha về rồi ư? Tôi nhảy phóc xuống xe, ôm chầm lấy nó. Anh em cứ thế ôm chặt cứng lấy nhau. Muốn nói, nhưng nói không nên lời.
- Mẹ khỏe không, anh?

Cuối cùng nó phá tan bầu không khí yên lặng đang bao trùm chúng tôi bằng câu hỏi. Chúng tôi buông nhau ra, mắt đỏ hoe.Tôi giục:
-  Về ngay! Về ngay! Mẹ đang chờ đó. Mẹ mà thấy em chắc mẹ xỉu mất.

Tôi muốn vứt bỏ cái xe đi để đi cho nhanh. Nghĩ là nghĩ thế thôi, chứ tôi vẫn  kéo lê xềnh xệch cái xe theo bên mình. Vừa về đến gần nhà, chúng tôi hốt hoảng khi  thấy trong nhà bà con lối xóm kéo tới đông quá. Chắc mẹ bị gì rồi. Cả hai ba chân bốn cẳng chạy thật nhanh. Vừa đặt chân đến sân thì từ trong nhà có tiếng nói đùa của một chị hàng xóm:
- Bà ơi! Bà có khách quý này

Thì ra, bà con đã biết em tôi về nên đến chia vui với mẹ tôi. Thế mà tôi cứ tưởng đã có chuyện không may xảy ra cho mẹ. Mẹ đứng giữa nhà, mắt đỏ hoe, cười cười, nụ cười méo xẹo.  Em tôi chạy ào vào ôm lấy mẹ. Hai mẹ con ôm nhau trong tiếng cười rộn rã của mọi người. Đã bốn năm rưỡi nay, hôm nay nhà tôi mới rộn ràng như thế này. Tôi chẳng biết làm gì, cứ chạy ra rồi chạy vào. Trả lời người này một tiếng, trả lời người kia một tiếng. Vui quá đi thôi. Bỗng có tiếng một bà cụ vang lên:
- Vậy là năm nay  ông anh phải lấy vợ đấy nhé!

-   Phải đó. Phải đó. Phải đó. Trốn tránh mãi. Kén chọn mãi.

Bao nhiêu câu pha trò làm bầu không khí vui nhộn hẳn lên. Tôi đáp lớn:
-  Vâng, nhất định năm nay cháu sẽ cưới vợ.

Rồi bà con cũng từ từ ra về, trả lại cho mẹ con chúng tôi cõi riêng tư.

Mẹ dọn cơm cho em ăn. Cả nhà quây quần bên mâm cơm. Ấm áp làm sao! Bắt đầu từ đây, gia đình tôi sẽ sum họp mỗi ngày bên mâm cơm như thế này. Mẹ cứ đi ra đi vào. Hai anh em tôi nói với nhau đủ thứ chuyện.

Thời gian đi mau quá. Mới đó mà đã gần mười hai giờ đêm. Mẹ giục chúng tôi đi ngủ. Anh em tôi lên giường, vẫn tiếp tục rù rì. Em tôi nói nó vẫn nhớ như in cái bánh dừa mà tôi đã mua cho nó khi nó còn nhỏ xíu. Hồi đó, biết em tôi thích ăn bánh dừa, nên tôi dành dụm số tiền ăn sáng nho nhỏ mà mẹ cho mỗi sáng để mua cho nó. Lúc đi học về, tôi lấy cái bánh từ trong cặp sách ra đưa cho nó. Mắt nó sáng rỡ, vội vàng cầm lấy và ăn ngấu ăn nghiến một cách ngon lành. Nhìn em ăn bánh mà lòng tôi lâng lâng sung sướng. Nó nói rằng về sau, khi đã khôn lớn, mỗi lần đi đâu, hễ cứ nhìn thấy cái bánh dừa là lại nhớ đến tôi. Năm tháng qua đi. Cả hai đã trưởng thành. Nó xông pha trận mạc, còn tôi quanh quẩn bên mẹ. Nhưng, tình cảm anh em không một chút sứt mẻ- nếu không nói là càng ngày càng đậm đà hơn. Nhất là trong những giai đoạn đau thương nhất của cuộc sống. Rồi thằng em tôi bắt đầu ngáy. Nó đã ngủ. Nó đang ngủ trong ngôi nhà mà nó đã phải lìa xa tới bốn năm rưỡi trời. Tôi tin là đêm nay nó sẽ được ngủ một giấc thật trọn vẹn. Tôi thì trằn trọc mãi không ngủ được. Người ta có thể khó ngủ vì buồn quá, lo quá hoặc vui quá.

Tôi nhìn ra ngoài thấy mẹ đang đọc kinh. Tôi chợt nhớ rằng mình còn nợ Chúa một lời cám ơn. Tôi rón rén bước ra cạnh mẹ. Im lặng nhìn lên bàn thờ. Từ  trời cao, chắc Chúa đã nghe tiếng tim tôi cảm ơn Người. Tôi liếc nhìn mẹ. Mẹ vẫn chú tâm vào kinh nguyện. Giờ khắc này, tôi biết là sóng gió đã tạm yên trong lòng mẹ. Từ nay, giấc ngủ của mẹ sẽ yên ả hơn một chút. Còn ngày mai sẽ như thế nào, lòng mẹ sẽ vẫn mãi còn lo lắng. Gà mẹ thì luôn luôn xòe đôi cánh ra để che chở cho đàn gà con khỏi nanh vuốt của diều hâu tàn ác và sẵn sàng đánh đổi cả sinh mệnh mình vì chúng. Tôi gục đầu nhè nhẹ vào vai mẹ. Và thế là giấc ngủ tự nhiên đến với tôi thật dễ dàng.


Uyên Sồ

No comments:

Blog Archive