“Chiều cuối năm nhớ… Mận!”
Đoàn xuân thu
Thân tui bây giờ, Tết nhứt gần kề, mà vẫn: “Lạc loài cách bến xa sông/ Gió thu hiu hắt chạnh lòng cố hương!”
Mà không phải là mùa Thu tui mới nhớ, mà mùa nào cũng nhớ hết ráo.
Nhớ: Hồi xưa mình đi học lớp Đệ tứ năm cuối cùng của Trung học Đệ Nhứt Cấp là phải chọn ban trước khi lên lớp Đệ Tam, năm đầu của Trung học Đệ Nhị Cấp.
Đứa nào siêng gạo bài, học thuộc lòng là chọn ban A: Lý Hóa Vạn Vật.
Đứa nào thông minh nhưng hơi làm biếng, thì chọn ban B: Toán Lý Hóa.
Đứa nào làm biếng không chịu học bài mà cũng không thông minh chỉ tối ngày thơ với thẩn thì chọn ban C: Văn và Ngoại ngữ.
Thưa tui thuộc thành phần thứ Ba đó đa. Tui chọn ban C. Mặc dầu thừa biết rằng: đi ban C là không có đường tương chao gì hết ráo! Ban A còn làm bác sĩ, dược sĩ. Ban B còn làm kỹ sư nầy, kỹ sư nọ. Chớ đi ban C cùng lắm là thành nhà báo chuyên nói láo ăn tiền thôi. Quả y như kinh!
Lên ban C, dĩ nhiên là học thơ văn cũng nhiều hơn mấy cái ban khác. Mà khổ nỗi quý thầy soạn chương trình Việt văn hỏng biết có kỳ thị Bắc Nam gì hay không mà rất ít nhà thơ, nhà văn rặt ròng Nam Bộ, cái đất văn minh miệt vườn có tác phẩm được đưa vào sách giáo khoa?!
Nói có sách mách có chứng. Như thơ văn trào phúng mấy thầy chỉ cho học Tú Xương (1870-1907). Mà nỡ lòng nào bỏ quên Học Lạc, một nhà thơ xuất chúng cũng không kém cạnh gì?
Ngày ấy cây si anh trồng ngay lối đi. Muốn qua nhà em trồng cây si trước ngõ là phải qua Cầu Quây, Mỹ Tho rồi rẽ vô con đường Học Lạc.
Người Việt mình tùm lum họ nhưng tui đâu có nghe ai họ Học bao giờ?
Thì ra: Học Lạc, họ Nguyễn… Nguyễn văn Lạc (1842-1915), hiệu Sầm Giang, quê làng Mỹ Chánh, chính gốc Mỹ Tho.
Thuở nhỏ học trường quan Đốc học nên mọi người thường gọi Học sanh Lạc, về sau gọi gọn: “Học Lạc”.
Thưa bà con! Tui khoái chí tử nhà thơ Học Lạc quê tui ở hai điểm. Điểm một ông là một người yêu nước không thua ai.
Là nhà thơ, kẻ sĩ, vốn trói gà không chặt, chỉ là học sanh, chớ hỏng phải quan quyền gì để có lính trong tay mà chống thực dân Pháp khi nó xâm chiếm nước ta. (Giặc Tây đã tới Cần Giờ; Bậu đừng thương nhớ đợi chờ uổng công!)
Nhà thơ Học Lạc hết sức giận quan quyền nhà Nguyễn, nhát như thỏ đế trước tàu to súng lớn của thằng Phú Lãng Sa, qua bài thơ: “Có quan hùng dũng Nguyễn Công Nhàn/ Hùng dũng nhưng mà lại nhát gan/ Giặc tới Bến Tranh run lập cập/ Tàu vô cửa Tiểu chạy bò càng/ Mưu thần trước biết ngang sông chắn/ Kế dữ sau toan đóng cũi hàng! Thất thủ muốn liều cho vẹn tiết/ Ngặt vì con vợ bận chưa an!”
Hai là Học Lạc thích làm thơ gieo vần trắc. Thơ khó thể ngâm cho được; chỉ đọc thôi là muốn trẹo bản họng, sái quai hàm rồi như bài: “Tạ hương đảng” cũng làm theo thể thơ lắt léo, và hết sức trúc trắc!
Ngày xưa nhiều làng có tục cúng xôi. Ngày lễ kỳ yên thì quan viên, chức sắc trong làng, mỗi người đem một cỗ xôi ra đình để cúng thần hoàng…
Học Lạc là chân Học sanh ngày xưa, chức sắc trong làng, nên cũng đem mâm xôi ra cúng.
Nhưng ông lại là người hay ngạo đời, có một lần, trên mâm xôi ông đem ra đình, ông đề hai chữ “Thằng Lạc” thay vì chức vị và họ tên.
Trong đám làng, nhiều người có vai vế, trách quở sao ông xấc xược?!
Trong lúc ai nấy đều chỉnh tề, áo dài khăn đóng, đi đi đứng đứng, nói năng nhỏ nhẹ: này thưa ông, nọ thưa cụ… Bởi không khí trang nghiêm quá, sang trọng quá xá, màu mè quá… thì lúc ấy lại có người xuất hiện tự xưng “Thằng Lạc” mới kỳ nhe!
Cái chữ ‘thằng’ bình dân, hạ cấp gì đâu?! Là thái độ phá đám, cà chớn thấy ớn, coi cái tôn ti trật tự, xúm lại áo thụng vái nhau ấy là của mấy thằng hề!
Ngầm nói cái lệ ‘cúng xôi’ của quý ông, quý cụ, thằng này có xem nó ra cái khỉ gì đâu! Vừa cười hí hí, Học Lạc thề bán mạng, biện minh như vầy: “Vành mâm xôi, đề “Thằng Lạc”/ Nghĩ mình ty tiểu không đài các/ Văn chương có phải đứa mèo quào?! Danh phận không ra cái cóc rác!Bởi rứa bơ thờ thẹn núi sông/ Dám đâu láu táu ngạo cô bác?/ Việc này như có thấu cùng chăng/ Trong thời ông thần, ngoài cặp hạc!”
Rõ ràng cái đất Mỹ Tho, cái đất văn minh miệt vườn, cái đất có truyền thống văn học đó nhe!
***
Thưa rồi tui vốn thiệt tên Bần và em yêu của tui tên Mận; dẫu nghe có vẻ quê mùa vậy nhưng cũng ướt dầm dề văn học do ông cha mình cho hưởng xái…
Nhớ mùa Hè đò lửa, năm 1972, đi lính ra trường, tui chọn Mỹ Tho, về đại đội 402 Địa (Phương Quân) biệt lập, thuộc Chi khu Sầm Giang, đóng tại xã Vĩnh Kim, để gần nguyên quán.
Hay lội qua Hốc Đùn, từ Ngã Ba Trung Lương nhìn qua sông Bảo Định để bảo vệ Quốc lộ 4.
Mà nói tới Trung Lương có thể bà con cả miền Nam mình ai cũng biết Mận Trung Lương. Dà! Em yêu của tui được tía em đặt tên là Mận là vậy đó.
Sau nầy, em thường hay càm ràm sao Tía em đặt tên em là Mận? Nó quê mùa quá đổi!
Mận Hồng Đào thì bỏ chữ mận đi; lấy Hồng Đào đặt tên cho em! Biết đâu chừng em nổi tiếng không thua gì diễn viên Hồng Đào bên Mỹ đâu nhe.
Tên Mận, quê mình, mà chê cái gì chớ?! Như anh, nhà ở đầu Cù lao Rồng, nên Tía anh đặt tên Bần, trong Bần gie đóm đóm lập lòe; năm 19 tuổi má mầy về với tui nhớ hông?
Anh rất thích em tên Mận. Tại vì Mận nó ngon. Cắn nó đã chớ sao?
Mận Hồng Đào có màu da hồng nhạt, có sọc dưa giống da em nè! Mận hình tròn, có nhiều trái bề ngang lại lớn hơn cả bề dài! Giống tướng em nè!
Ôi nhớ tình xưa, một thời dắt lính lội ngang nhà em! Sao nghe đứa nào hát ru con thiệt là mùi, như nhắn gởi với tay Chuẩn úy sữa mới ra trường vầy cà?
“Ầu ơ…Bánh canh trắng, cọng vắn cọng dài/ Bánh tằm xe, cọng dài cọng vắn…Ầu ơ…/ Xứ Mỹ Tho gạo trắng nước trong…ờ…/ Gái Mỹ Tho tuy dang nắng/ (Mà) má vẫn hồng như điểm phấn tô son… Ơ hờ… / Anh ơi! Muốn chơi hoa thì kiếm gái Sài Gòn… ờ hơ…/ Còn (như) muốn tìn người vợ hiền dâu thảo… Ầu ơ… / Thì anh hãy xuống miệt vườn Trung Lương…
Ầu ơ!…”
Ngó vô nhà thấy có một đứa còn kẹp tóc, ngồi đưa võng ru con.
Thằng tà lọt bỏ nhỏ: “Ông Thầy, con Mận ru em nó đó. Không phải ru con đâu! Nó chưa chồng. Em tính xáp vô mà nó chê em dốt! Tía Mận làm hương sư, là thầy giáo làng đó.
Con Mận chắc nó chịu đèn ông Thầy rồi! Ủi tới đi ông Thầy. Chắc ăn như ăn Mận. Em de ra nhường cho ông Thầy! (Hu hu!)
Để em dắt ông Thầy đi mua mận. Xong, ông Thầy kiếm cớ ngồi đàm đạo, tụi em rút ra ngoài giữ an ninh!”
Nghe xúi bậy, tui cũng khoái; bèn y như kế mà làm.
Em Mận hái cho thằng đệ tử của tui một giỏ mận đầy nhóc; nó vác ra vườn ngồi chung với mấy đứa khác, ăn mận chấm nước mắm đường có dầm ớt hiểm! Miệng nhai nghe rốp rốp.
Còn trong nhà, tui và em Mận đàm luận chuyện văn chương! Hi hi! Mới quen, tình lính tính liền… đâu có tiện hè!
Tui mới ướm em vầy: “Chim buồn tình, chim bay về núi/ Cá buồn tình, cá lủi xuống sông/ Anh buồn tình, anh dạo chốn non bồng/ Dạo miền sơn nước, xuống chốn ruộng đồng mới gặp em!”
Thưa bà con con trai yêu bằng con mắt. Con gái yêu bằng cái lỗ tai. Em Mận cũng không là ngoại lệ. Nghe tui tán có kinh có kệ… nên em có vẻ chịu đèn!
Nên Mận ‘nổ’ rằng: “Sông Cửu Long chín cửa, hai dòng/ Người thương em vô số, nhưng chỉ một lòng với anh!”
Tình đang nồng thắm được vài tháng thì sập tiệm. Lúc đó tui đang đó đồn ở xã Hữu Đạo, quận Long Định. Hỏng chịu đầu hàng, dù Dương văn Minh đã lên đài phát thanh Sài Gòn kêu buông súng để bàn giao…
Tụi du kích địa phương nói đại đội của tui còn ngoan cố; nên lính thì nó thả hết cho về; còn có hai thằng sĩ quan là tui với một tay chuẩn úy đàn anh làm đại đội trưởng, tụi nó dắt tuốt vào trong bưng nhốt để cải tạo. Ba tháng sau mới thả tui về lại Mỹ Tho.
Tui buồn như dế kêu vì thua tụi nó. Tủi thân phận mình, tui hỏng muốn gặp lại người nào nữa kể cả Mận. Xưa mình là quan! Giờ là tù mới về…!
Thì nhận được thơ Mận viết vầy: “Cúc mọc dưới sông sông kêu rằng cúc thủy/ Sài Gòn xa, chợ Mỹ không xa/ Gởi thơ thăm hết mọi nhà/ Trước thăm phụ mẫu sau là thăm anh!”
Tui vẫn còn biết Mận tưởng tới tình tui; nhưng nghĩ phận mình giờ trụi lủi, tương lai không còn gì nữa; nên tui tính gài số de… Vì ủi tới người ta, nhứt là Tía Má em không chịu gả thì tội nghiệp cho mặt mũi Tía Má tui!
Giờ thời thế đã đổi thay, ông xuống làm thằng; thằng lại lên ông! Nên tui thoái thác là: “Sông kia bên lở bên bồi/ Một con cá lội mấy người buông câu?”
Nhưng em vẫn ngoan cố tình ta: “Phượng hoàng đậu nhánh vông nem
Phải dè năm ngoái (anh) cưới em cho rồi!”
Nhưng giờ cũng chưa có muộn nếu Bần muốn! Cứ dắt Tía Má Bần xuống nói một tiếng cho phải lễ. Phần còn lại để ‘Mận’ lo…
Thôi thì Mận không tham phú phụ bần… thì Bần sẽ lấn tới vậy.
Ngày coi mắt, bà con chòm xóm của Mận đông như ruồi!
Trong đó có một thằng Hai Mít, (hồi trước trốn lính) giờ được làm Chủ tịch Hội nông dân Xã, ra vẻ hương chức, hội tề của cách mạng!
Chắc thằng Hai Mít nầy cũng thèm ăn Mận của tui, nên nó cà khịa với tui rằng: “Nghe nói Chuẩn úy Bần là người có ăn học… Tui là nông dân, ít học, nên xin ra câu đối nầy: “Sóng vỗ ‘c… bần rung bẩy bẩy…”
Ý thằng Hai Mít muốn cười cái tên ‘Bần’ của tui, lúc phải tuân lịnh Dương Văn Minh đầu hàng mà sợ đến rung bẩy bẩy!
Hai Mít cố tình làm nhục tui, làm nhục sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng Hòa trước mặt Mận và bà con của em đó mà!
Tui giận xanh râu luôn, bèn đối chan chát lại rằng: “Sóng vỗ ‘c… Bần’ rung bẩy bẩy…Gió đưa ‘d… Mít giẫy tê tê!”
Bà con cô bác ai nấy cũng tấm tắc khen hay. Làm thằng Hai Mít quê quá, mặt xám lại rồi xanh chành như đít nhái…
Chưa kịp làm đám cưới thì Tía Má tui kiếm được đường dây vượt biên. Tui hẹn Mận ra bến nước rồi cả hai xuống ‘taxi’ ra thuyền lớn, dông luôn.
Ba mươi năm tình lận đận cùng Mận (Trung Lương), chiều cuối năm nhớ tới câu đối ngày xưa, ngồi phè, nhăm nhi ly rượu whiskey, tui cười khè khè!
Ai bảo là những chữ dùng nghe không được thanh tao là không có tánh văn chương đâu nè?
Đoàn xuân thu
Melbourne
No comments:
Post a Comment