Friday, July 28, 2023

Đơn Dương và những chuyến tàu hỏa thời niên thiếu

Đơn Dương, một quận nhỏ thuộc tỉnh Tuyên Đức, cách thành phố Đà Lạt khoảng 30 cây số, ở độ cao 1000 m so với mực nước biển nên khí hậu mát mẻ quanh năm. Đơn Dương là một quận trù phú vì đất đai màu mỡ, cây trái hoa màu tươi tốt có thu hoạch rất cao. Cái quận nhỏ mà người ta không thể tìm thấy trên bản đồ có tỉ lệ thấp, ít người ở Saigon biết đến nhưng đối với tôi Đơn Dương là thị trấn êm đềm, thơ mộng với phong cảnh đồi núi đẹp như tranh, đã gắn bó cùng tuổi thơ hạnh phúc của tôi với biết bao kỷ niệm thân thương.

Ký ức tuổi thơ của tôi thật đẹp với nhiều ngăn mang nhiều địa danh là quê nhà, là quê hương mới, là nơi chốn ngập tràn nỗi nhớ niềm thương như Hà Nội, Saigon, Phan Rang, Đà Lạt… nhưng Đơn Dương vẫn là ngăn lớn nhất với nhiều hình ảnh đẹp nhất, kỷ niệm đáng nhớ nhất. Quê hương bên ngoại tôi là Hà Nội. Ở Saigon, tôi sống trong tình yêu thương của gia đình Ông Bà ngoại và lớn lên trong bầu không khí đầm ấm, hòa thuận. Mọi người yêu thương nhau rất mực, dịu dàng từng cử chỉ và lời nói với giọng thanh tao của những người từ thủ đô ngàn năm văn vật xưa.

Ông Bà tôi có hai người con gái. Mẹ tôi và Dì Út Hà cách nhau một con giáp, vì cùng tuổi nên gần gũi và yêu thương nhau. Đối với tôi, Mẹ và Dì Út đều đẹp lắm, hai người giống nhau từ khuôn mặt, tướng mạo cho đến giọng nói nhẹ nhàng đằm thắm, chỉ khác là Dì hơi thấp hơn một chút. Khi tôi sắp thi tiểu học thì Dì Út xuất giá. Có người bà con làm mai, giới thiệu một gia đình cũng gốc người Hà Nội sống trên cao nguyên, ở một thị trấn có tên là Dran, xuống Saigon đến nhà ngỏ lời xin cưới Dì Út cho con trai tên Minh.

Cái địa danh Dran nghe lạ lẫm và thật xa xôi làm Ông Bà tôi phân vân, nhưng Ông là người phóng khoáng nên đồng ý sẽ chiều theo quyết định của Dì tôi. Lúc ấy, Dì Út là một thiếu nữ đẹp đoan trang nên có nhiều chàng trai theo đuổi. Không biết có phải do giai duyên tiền định hay vì xiêu lòng ngay trong lần đầu gặp chàng thanh niên cao ráo, đẹp trai và phong nhã là Chú Minh mà Dì Út của tôi chịu đi làm dâu xứ lạ.

Sau lễ cưới nhà thật buồn và vắng vẻ. Người con út yêu quí, người em gái nhỏ khéo ăn khéo nói, giỏi gia chánh nữ công đã rời xa mái ấm. Ai cũng nhớ mong nhưng không dám thổ lộ vì mỗi lần có ai nhắc đến Dì là Mẹ tôi lại khóc. Cứ như thế nhiều năm sau. Dì Út vẫn thường thư từ về thăm nhà nhưng Mẹ tôi vẫn nhớ, nên tôi được làm “sứ giả” với nhiệm vụ mỗi kỳ hè hàng năm lên Dran thăm để “xem Dì Út con có khỏe và vui không, về báo cho Mẹ yên tâm”. Từ đó, mỗi năm cứ sắp nghỉ hè là tôi lại háo hức chờ đi Dran để thăm gia đình của Dì Chú. Đối với một thiếu sinh năng động và hiếu kỳ như tôi, Dran quả là điểm đến lý tưởng để cùng Chú Hưng, em trai út của Chú Minh, làm những cuộc thám du kỳ thú.

Cứ đều đặn như thế cho đến khi tôi trưởng thành. Trái tim mẫn cảm của chú bé 12 tuổi mang đầy ắp tình cảm gia đình từ thành phố lên cao nguyên và trở về. Thế rồi Đơn Dương đã trở thành miền đất thân thương của tôi trong suốt thời niên thiếu. Cho đến bây giờ, sau hơn nửa đời phiêu bạt tha hương, Đơn Dương trong tôi vẫn là hình ảnh những ngọn đồi thông reo vi vút, điệu nhạc êm ả bất tận thoảng gần thoáng xa, trầm bổng theo từng cơn gió. Là cảnh sương giăng mờ núi đồi khi chiều xuống, từng bầy chim kêu xao xác hối hả bay về tổ. Là cảnh bình minh tuyệt đẹp khi những tia nắng vàng óng ả đầu ngày xuyên qua màn sương còn phủ trắng xóa. Là những vườn hoa nở rộ, màu sắc lung linh làm du khách lạc lối về.

Vào thời thanh bình thịnh trị, xã hội yên bình nên mới mười mấy tuổi đầu tôi được gia đình cho đi chơi xa một mình và tôi rất thích thú, không sợ gì cả. Phương tiện di chuyển an toàn nhất lúc đó là tàu hỏa. Chuyến tàu Saigon Đông Hà đã hoạt động. Miền Nam có đường Saigon Mỹ Tho. Miền Trung có tuyến đường sắt leo núi Tháp Chàm Đà Lạt. Tôi rất mê tàu hỏa. Mỗi chuyến đi đều có những khám phá mới vì dù còn nhỏ tôi đã cảm nhận được vẻ đẹp của quê hương, thích ngắm nhìn những cảnh sinh hoạt của hành khách từ sân ga cho đến trong các toa tàu. Còn nữa, vui nhất là được thưởng thức những món ăn đặc sản của những vùng đất tàu đi qua.

Khi xưa, hộp đựng và bịch nylon chưa thông dụng, các gói thức ăn bằng lá chuối và giấy báo vẫn hấp dẫn và ngon lắm. Nếu đã từng đi tàu hỏa ra miền Trung chắc không ai quên gói cơm thịt nướng thơm nức mũi bán ở ga Phan Thiết. Từ ga Sông Lòng Sông trở đi, hành khách được thưởng thức những xâu thịt rừng béo ngậy, ăn một xâu rồi tiếc là tàu đã chuyển bánh không kịp mua thêm. Đến ga Tháp Chàm phải xuống để đổi tàu lên Đà Lạt. Đây là một ga rất tấp nập với số lượng lớn hàng hóa lên xuống. Thời gian chờ hơi lâu nhưng có hề gì. Cứ nhẩn nha xơi hết một ống cơm lam với hương vị đậm đà của núi rừng, uống thêm một chai nước xá xị mát lạnh vẫn còn thơ thới, kịp giờ lên tàu đi Đà Lạt.

Đoàn tàu hỏa chạy tuyến Tháp Chàm Đà Lạt dài 84 cây số với nửa đọan đường có gắn răng cưa để tàu lên và xuống dốc an toàn nên chỉ kéo ít toa tàu hơn. Vì thế toa nào cũng chật cứng hành khách và hàng hóa. Không khí trên tàu cũng ồn ào hơn. Náo nhiệt vì những bạn hàng bàn luận về hàng họ giá cả, chuyện vãn và vui đùa rất thoải mái. Đa số người chuyển hàng là phụ nữ, tuy có vẻ lam lũ nhưng cứ nhìn họ cười nói vui vẻ tôi cảm thấy có lẽ họ đang vui sống và không nề hà cực khổ với nghề buôn theo tàu hỏa này. Thấy tôi còn nhỏ đi tàu có một mình nhiều bà hỏi thăm, lộ vẻ thương cảm và dặn dò đủ thứ làm cho tôi cảm động lắm.

Từ những câu chuyện của họ tôi đã lắng nghe và biết được nhiều thứ rất hay và mới lạ như làm cách nào đóng hộp và giữ cho bông hồng nhung không hư hại, tươi lâu ngày để xuất cảng. Chuyện này đã làm cho tôi ngạc nhiên và thấy hãnh diện vì không ngờ xứ Đơn Dương và Đà Lạt có nhiều vườn trại trồng hoa hồng nhung có hương thơm bán được ra nước ngoài như Singapore, Hồng Kông…

Nhân viên soát vé trên tàu thường là những bác lớn tuổi rất hòa nhã thân thiện, luôn miệng hỏi thăm mọi người và quan tâm đến sự an toàn cho hành khách. Sau này, nhớ lại tôi thấy họ đã làm nhiều hơn nhiệm vụ kiểm soát vé và giống như là hướng dẫn du lịch vì ngoài việc thông báo tên ga sắp tới, khi tàu sắp vào đường hầm hay lúc tàu sắp “thả móc” bám răng cưa để leo hay xuống dốc, họ còn giải thích rất tường tận khi có người hỏi về phong cảnh hay sự tích các địa danh. Cầm chiếc kềm bấm vé trên tay nhưng ít khi thấy sử dụng, tôi nghĩ có lẽ bác quen mặt hầu hết khách hàng và hiếm khi có người đi không mua vé.

Càng lên cao cảnh đèo càng đẹp và ngoạn mục. Các ga tàu có kiến trúc bình thường nhưng đứng chênh vênh bên bờ vực trông hết sức đẹp và độc đáo. Tàu dừng không lâu nhưng cũng đủ thì giờ để mua những thứ trái cây thơm ngọt vừa chín tới là đặc sản của vùng cao này như nho, bơ, hồng, dâu tây… Chỉ có thể mua được khô nai ngon tuyệt ở các ga tàu trên tuyến đường này. Nó sẽ là món quà quí giá khi về lại thành phố.

Tàu lại hụ còi. Sắp đến ga Cần Răng rồi đây. Lòng tôi vui rộn ràng vì biết chú Hưng đang đợi tôi ở đấy. Lần nào cũng thế, tôi vừa bước xuống tàu là chú chạy ào tới, giằng lấy túi xách của tôi, cười hì hì, rồi khoác vai tôi đi ra xe. Chuyến xe lam về nhà đường dốc xe nổ máy giòn giã, dù chú nói lớn thật lớn nhưng tôi nghe tiếng được tiếng mất. Cứ nhìn chú vừa nói vừa cười, cười bằng miệng và mắt chú cũng cười, lòng tôi thật ấm áp với tình thân gia đình. Những ngày ở Đơn Dương với gia đình Dì Chú là những ngày vui khó quên.

Ở nhà được Dì chăm lo từng chút, đi ra ngoài được chú Hưng hướng dẫn và lo liệu mọi việc. Thú vị nhất là những chuyến lên Đà Lạt. Chú thích đi xe đò cho nhanh còn tôi lại thích xe lửa vì xe chạy chậm rất an toàn và ngắm phong cảnh núi đèo thật đã mắt. Chú chiều ý tôi nên hai chú cháu thường đi xe lửa hơn. Đối với tôi đoạn đường xe lửa leo núi từ ga Cần Răng lên Đà Lạt thật là đặc biệt. Xe chạy chậm hơn và cũng ồn hơn. Nhiều người thấy phiền vì xe chạy “cà rịch cà tang”, bộ phận “móc răng cưa” va chạm gây tiếng nghiến thép nghe ghê ghê nhưng tôi lại thấy thích. Lúc ấy còn nhỏ quá làm sao biết được, sau này tôi mới hiểu và thán phục những kỹ sư Thụy Sĩ đã chế tạo được loại đầu máy hơi nước mạnh nhất thế giới chạy trên đường rầy thép thật cứng có thể chịu đựng sức ma sát rất cao.

Đáng chú ý nhất là bộ phận “móc” giúp xe lửa lên xuống núi. Lòng hiếu kỳ khiến tôi muốn biết làm thế nào đoàn tàu nặng khủng khiếp có thể lên xuống mà không bị tuột hay lao xuống dốc núi. Mỗi lần đi xe khi nghe nhân viên soát vé báo “Tàu sắp thả móc đó nghe bà con” tôi chú ý lắng nghe tiếng động rộc rộc thật lớn vang lên dưới lườn toa tàu. Tưởng tượng, suy đoán nhưng không hiểu được cơ chế của bộ phận này. Tôi hỏi, chú Hưng cười hì hì “Lâu lâu mới đi một lần mày thấy lạ và thắc mắc. Còn tao đi thường quá, quen tai rồi nên không để ý ba cái lẻ tẻ đó”. Chú không để ý nhưng thằng nhóc tôi vẫn bị “ba cái lẻ tẻ” đó lôi cuốn và không chịu bỏ cuộc. Tôi đề nghị sau khi xuống ga đi bộ một đoạn dọc theo đường rầy có răng cưa để tìm hiểu đầu tàu “thả móc” ra sao, Chú vui vẻ đồng ý ngay. Hai chú cháu đi tới đi lui, bàn luận sôi nổi, nhưng không tài nào hình dung cái “móc” trong hai chữ “thả móc” làm việc ra sao. Chú an ủi tôi “Đừng thắc mắc nữa, mày ráng học, mai mốt làm kỹ sư thì biết thôi.”

Những chuyến tàu hỏa Đơn Dương của tuổi thơ tôi thật khó quên như thế đó. Có chú Hưng cùng đi càng vui hơn. Chú là một tay tiếu ngạo, lúc nào cũng cười và pha trò cho mọi người chung quanh vui theo, và tôi nghĩ có lẽ không có gì làm cho chú ưu tư và buồn phiền. Trong gia đình cháu của chú đông lắm, chú thương đều mỗi đứa nhưng đối với thằng cháu khác họ là tôi chú cũng thương mến và quan tâm mới là đáng quí.

Cái tài chọc ghẹo của chú cũng đáng nể lắm. Có câu chuyện vui tôi còn nhớ trong một chuyến xe lửa từ Đà Lạt xuống Cần Răng.

Đi cùng toa xe có hai cô gái khá xinh tuổi trăng tròn, mặc đầm và cắt tóc ngắn. Dầu tôi chỉ dám liếc sơ và chú ý mái tóc thôi nhưng không qua được đôi mắt “cú vọ” của chú.

Huých nhẹ tôi một cái, chú nói nhỏ “Thằng nhóc mày cũng mê gái nữa hả.”

Tôi chống chế “Không. Tôi chỉ nhìn mái tóc “demi garcon” của hai cô ấy thôi. Chú có biết kiểu tóc này bắt chước ai không?”

“Tao thấy nhiều. Kiểu tóc thời trang này là của danh ca Sylvie Vartan người Pháp, đúng không? Ngay ở Đơn Dương cũng có nhiều nữ sinh cắt tóc kiểu này.” Nói xong, Chú nhìn tôi với vẻ làm bộ nghiêm trang, cười cười “Chắc tao phải đổi tên mày, gọi là Hiếu thì hay hơn.”

Tôi biết chú sắp trổ tài chọc ghẹo nên cứ lặng yên lắng nghe vì biết không cần hỏi gì Chú cũng nói tiếp. “Mày là nhóc tì mà đã có bốn thứ hiếu là hiếu thảo, hiếu học, hiếu động và hiếu kỳ. Mai này lớn lên không chừng sẽ có thêm hai thứ nữa là hiếu tài và hiếu sắc. Hiếu tài thì không chắc nhưng hiếu sắc thì tao thấy mém mém rồi đấy.” Tôi phản đối liền nhưng Chú không nản chí, bảo tôi xòe bàn tay trái cho chú xem. Ngắm nghía xong Chú phán “Đúng là có hiếu sắc. Ha ha”

Tôi chống chế “Chỉ tay làm gì có đường hiếu sắc.” Chú chỉ vào một đường trong bàn tay của tôi bảo “Đường này là chỉ tay đào hoa. Mày đồng ý không. Trên đời này có tên nào đào hoa mà không hiếu sắc.” Nói xong Chú cười lớn rất đắc ý, làm cho hai cô gái đối diện trố mắt ngạc nhiên. Nếu tôi có được số đào hoa thì hay quá. Đơn Dương Đà Lạt với thời tiết lý tưởng là quê hương của những cô nàng xinh đẹp da trắng tóc dài, má đỏ môi hồng. Có người yêu như thế ai mà không muốn. Suốt thời trung học mùa hè năm nào tôi cũng có mặt ở Đơn Dương. Khi nhập ngũ đáo nhậm đơn vị ở Đà Lạt. Lâu như thế mà có lọt được vào mắt xanh của mỹ nhân nào đâu mà nói là có số đào hoa. Bói trật quẻ rồi chú Hưng của tôi ơi !

Cái thú đi tàu hỏa theo tôi mãi cho đến bây giờ. Trong quãng đời ly hương khi đến nhiều thành phố xa lạ tôi vẫn tìm dịp đi xe tốc hành để nhớ lại những chuyến xe hỏa của thời niên thiếu. Tình hoài hương chưa bao giờ phai nhạt trong tôi. Ở những ga tàu tân tiến của thế kỷ 21 ông lão đã gần tám mươi là tôi vẫn còn bon chen lắm. Phải sắp hàng nhưng cố nhanh chân giành đứng đầu, và cũng thói quen xưa nhoài người ra ngoài chờ nhìn thấy tàu đến dù biết là con tàu sắp tới ga không phải là đoàn tàu với đầu máy hình ống tròn màu đen có ống khói phun lên cột khói trắng bay về phía đuôi tàu.

Hồi đó, tôi hay bị chú Hưng rầy rà vì cứ đứng sát rìa sân ga quá và nhấp nhổm chờ tiếng còi tàu rúc lên nghe thật khoái tai rồi tàu xình xịch chạy đến, khi ngừng hơi nước còn thở phì phò. Biết con tàu sẽ đến với đầu máy màu sắc thật đẹp, hình dạng như đầu viên đạn để giảm sức cản không khí, chạy êm và nhanh như gió, vừa nhìn thấy dạng là nó đến không một tiếng động mà vẫn cứ chờ.

Bây giờ, nếu có về Đơn Dương thì tàu hỏa leo núi không còn nữa rồi. Hình ảnh đoàn tàu thân thiết của tuổi thơ tôi chỉ còn là hồi ức của quá khứ. Đường rầy đã bị tháo gỡ. Cả đến chiếc cầu cho đường xe lửa cũng không còn. Những nhà ga đông vui thuở xưa nay trở thành hoang phế và mục nát.

Bảy chiếc đầu máy hơi nước đã bán cho Thụy Sĩ với giá đồng nát 650 ngàn đô la. Những đầu máy này sau khi trở lại cố hương đã được tân trang và hiện nay đang phục vụ chở khách du lịch tuyến đường núi ngắn với giá 60 đô mỗi vé.

Công trình thực hiện tuyến đường sắt Tháp Chàm Đà Lạt dài có 84 cây số mà đã kéo dài tới 25 năm, khởi sự năm 1908 hoàn tất năm 1933, sử dụng loại đầu máy hơi nước mạnh nhất thế giới với bộ phận bánh xe răng chạy trên đường “răng cưa” để giúp tàu lên và xuống dốc núi an toàn.

Đây là phát minh cơ khí tài tình và độc đáo vào thời điểm đó. Tính đến năm 1975 trên thế giới chỉ có hai nước có đường xe lửa leo núi là Thụy Sĩ và Việt Nam. Độ dốc của đường núi Đơn Dương Đà Lạt cao hơn cả Thụy Sĩ. Dựa theo những điều vừa kể có thể nói đây là một kỳ công của nhân loại, đáng được tự hào, giữ gìn và bảo quản như tài sản quí giá của quốc gia. Ngoài giá trị lịch sử công trình vĩ đại này còn mang lại lợi ích vô cùng lớn lao về kinh tế và nhân sinh cho đất nước. Bây giờ đã quá trễ và vô phương phục hồi. Kể nhau nghe chỉ để hoài niệm và luyến tiếc mà thôi.

Vĩnh Ngộ

No comments:

Blog Archive