Thursday, August 23, 2018

Viễn cảnh tương lai mờ mịt, giới trẻ Hồng Kông dần rời bỏ đất nước


Theo dkn.tv

Viễn cảnh tương lai u ám, cuộc sống căng thẳng, giá nhà ở ngoài tầm với, những người trẻ tuổi Hồng Kông đang có xu hướng rời bỏ quê hương để chuyển đến sống ở Iceland, New Zealand và Đài Loan.
Công dân Hồng Kông Lau Yuet-tan, 26 tuổi, đã chọn Iceland, khi cô quyết định di cư hai năm trước.
Bỏ lại sau lưng là những con phố tấp nập, những chuyến tàu đông đúc và những căn nhà nhỏ xíu của chốn đô thị, cô tìm đến các đảo băng trên hòn đảo Bắc Âu, cảnh quan ven biển đầy ấn tượng với dân số vỏn vẹn hơn 330.000 người.
Số lượng người Hồng Kông di cư đạt mức cao kỷ lục trong 5 năm với khoảng 24.300 người vào năm 2017, theo thống kê của chính phủ, và có xu hướng này tiếp tục tăng trong năm nay. 
Một công ty tư vấn di cư cho biết tỷ lệ người tìm đến dịch vụ di cư đã tăng 15% so với năm ngoái. Trước đó, một cuộc khảo sát của Đại học Trung Quốc vào tháng 9/2016 đã phát hiện ra gần 2 trong 5 người Hồng Kông sẽ rời khỏi thành phố nếu có cơ hội, theo SCMP.
Cô Lau là một phần xu hướng của những người trẻ tuổi lựa chọn di cư đến những nơi vốn không được xem là điểm đến phổ biến trong quá khứ.
Cô Choi cũng nhận thấy người Iceland thân thiện hơn với người lạ trong cuộc sống hàng ngày, trong khi người dân Hồng Kông có xu hướng cảnh giác hơn với người khác. (Ảnh: BBC)
Những người trẻ tuổi Hồng Kông đang dần chuyển đến sống ở Iceland, New Zealand, Úc và Đài Loan.
Số lượng người di cư đến Iceland chưa được xác định, nhưng theo ước tính của cô Lau thì có khoảng một chục người Hồng Kông sống ở đó. Đối với New Zealand, số lượng cư dân của thành phố di chuyển đến đó đã tăng 67% sau 10 năm.
Đáng chú ý là số lượng người Hồng Kông di cư đến Đài Loan cũng có xu hướng tăng, với 1.074 đơn xin cấp thường trú năm 2017, tăng gần 50% so với mức 575 trong năm 2013.
Peter Chan Pak-yuen, 26 tuổi, là một trong số những người trẻ yêu thích Đài Loan vì đời sống văn hóa ở quốc gia này. Anh quyết định chuyển đến Đài Bắc vào năm 2016, từ bỏ công việc lập trình máy tính của mình ở Hồng Kông để trở thành một bartender.
Thu nhập hàng tháng của anh là khoảng 11.000 đô la HK, thấp hơn nhiều so với mức lương khoảng 20.000 đô la HK ở Hồng Kông, nhưng anh cảm thấy hài lòng với quyết định của mình.
“Tôi không muốn kiếm [một túi] tiền lớn”, anh Chan nói. “Ở Đài Loan, chúng ta có thể tận hưởng một cuộc sống rất đơn giản với thu nhập thấp hơn, bù lại có rất nhiều hoạt động văn hóa để thưởng thức”.
Đời sống văn hóa phong phú ở Đài Loan được nhiều người yêu mến
Chan chia sẻ rằng khi anh đã tiết kiệm đủ tiền, anh muốn mở một quán cà phê nhỏ – một giấc mơ anh cảm thấy sẽ không thể thực hiện ở Hồng Kông, với giá thuê nhà cao và môi trường cạnh tranh khốc liệt.
Các chuyên gia trích dẫn một loạt lý do mọi người ở Hồng Kông đang rời đi: lối sống căng thẳng, chi phí nhà ở ngoài tầm với, chi phí sinh hoạt cao, thiếu tự do chính trị và hệ thống giáo dục cứng nhắc.
Đáng chú ý là điều mà những người rời Hồng Kông tìm kiếm không phải là triển vọng về nghề nghiệp hay tiền lương, mà là lối sống chậm rãi hơn, đó có thể là giờ làm việc ngắn hơn và nhiều thời gian hơn cho gia đình.
Anh John Hu Hong-bong, giám đốc của Công ty Tư vấn Di cư John Hu, nói những người sử dụng dịch vụ của công ty anh có cùng quan điểm về cuộc sống ở Hồng Kông.
“Hầu hết trong số họ đã mất hy vọng về tương lai của thành phố, và họ đang tìm cách rời khỏi nơi này bởi vì họ không thấy bất kỳ ánh sáng nào ở cuối đường hầm”, Anh Hu nói, đề cập đến giá bất động sản cao, không gian cá nhân hạn chế, chất lượng cuộc sống kém và giáo dục cứng nhắc.
“Việc không kiếm được nhiều tiền, hoặc sẽ không thể leo lên cái thang [xã hội] hoàn toàn không quan trọng với họ một chút nào”, anh Hu nói.
Anh John Hu, giám đốc của Công ty Tư vấn Di cư John Hu (Ảnh: Xiaomei Chen)
Tiến si Chung Kim-wah, phó giáo sư tại khoa Khoa học xã hội ứng dụng của Đại học Bách khoa ở Hồng Kông, đã nhận thấy xu hướng của những người trẻ tuổi nước này tìm kiếm lối sống ít căng thẳng hơn ở quốc gia khác, ngay cả khi họ không kiếm được nhiều tiền như ở Hồng Kông.
“Nhiều bạn trẻ đã tìm đến tôi để giãi bày nỗi lòng về việc kiếm ít tiền hơn ở nơi khác thay vì chi hơn một nửa số tiền lương của họ vào thế chấp”, tiến si Chung cho biết. “Họ nói điều đó không đáng”.
Mặc dù dữ liệu chính thức không ghi lại nhóm tuổi của những người di cư, tiến sỹ Chung nói những người rời Hồng Kông trong những năm gần đây dường như trẻ hơn nhiều so với trước, và khoảng cách trong lực lượng lao động sẽ trở nên rõ ràng hơn trong vòng 5 đến 10 năm tới .
“Trước đây, di cư chủ yếu là một lựa chọn cho những người ở tầng lớp trung lưu, muốn di chuyển cả gia đình họ đến một đất nước xa lạ. Nhưng bây giờ, những người trẻ tuổi ra khỏi trường đại học là những người tìm cách di cư”, ông chỉ ra.
Hồng Kông đang đứng trước nguy cơ mất đi các chuyên gia trẻ và đối mặt với những thách thức trong việc quản lý dân số già hóa. Tiến si Chung cảnh báo rằng tác động thậm chí có thể tồi tệ hơn cuộc di cư hàng loạt trước thời điểm bàn giao Hồng Kông cho Trung Quốc vào năm 1997.
Minh Hạnh

No comments:

Blog Archive