Thursday, August 16, 2018

Người Mỹ nghèo
  
Huy Lâm 


Nếu có dịp tới những khu thương xá, nhà hàng, hay nói chung là những nơi ăn chơi vào những lúc cuối tuần, thì lúc nào ta cũng thấy người đông đúc, nhộn nhịp. Nhìn cảnh tấp nập ấy chắc hẳn ai trong chúng ta cũng sẽ có ngay nhận xét là cuộc sống của người Mỹ có vẻ khá giả, sung túc, và vì vậy mới dám tiêu xài thoải mái như thế. Câu chuyện dưới đây sẽ cho chúng ta có cái nhìn khác hẳn, và trên thực tế, người Mỹ nghèo hơn chúng ta tưởng.

Kể từ năm 2013, hội đồng quản trị của Ngân hàng Dự trữ Liên bang vẫn thực hiện cuộc khảo sát hàng năm để theo dõi tình trạng tài chánh và kinh tế của người tiêu thụ ở Mỹ. Hầu hết các dữ liệu thâu thập gần đây cho thấy nhiều người Mỹ vẫn tin vào một tương lai xán lạn hơn: 49 phần trăm những người đi làm bán thời gian thích được làm thêm giờ với mức lương hiện tại của họ; 29 phần trăm người Mỹ đoán rằng họ sẽ được tăng lương trong năm tới; 43 phần trăm những người làm chủ căn nhà của họ ít nhất trong một năm tin rằng giá trị căn nhà của họ có tăng phần nào. Tuy nhiên có một câu hỏi trong cuộc khảo sát với kết quả làm nhiều người hoang mang. Ngân hàng Dự trữ đưa ra câu hỏi cho người tham gia cuộc khảo sát là họ sẽ thanh toán bằng cách nào cho món tiền $400 trong trường hợp khẩn cấp. Có tới 47 phần trăm những người tham gia nói rằng họ sẽ phải trả số tiền đó bằng cách đi vay hay bán món đồ gì đó trong nhà, hoặc là họ sẽ đủ khả năng để có được món tiền $400 ấy. Đây là món tiền không nhỏ nhưng cũng không quá lớn vậy mà gần một nửa số người Mỹ không có sẵn trong trương mục ngân hàng hay cất giấu ở đâu đó. Câu hỏi là tại sao nhiều người Mỹ lại ra đến nông nỗi này?

Bởi vì không ai nói ra nên ít ai nghĩ rằng hiện có hàng triệu người Mỹ đang gặp cảnh khó khăn về tài chánh, và không chỉ ở những tầng lớp nghèo nhất, tức những người phải vật lộn để có được hai bữa cơm đầy đủ cho gia đình. Theo khảo sát của Ngân hàng Dự trữ, tình trạng này còn xảy ra ngay cả trong tầng lớp trung lưu với những người có công việc làm chuyên môn. Nó không chỉ xảy ra cho những người sắp tới tuổi về hưu mà luôn cả với những người trẻ vừa mới bước vào đời; không chỉ với những người có bằng cấp đại học mà luôn cả những người không học hết bậc trung học. Nó xảy ra cho đủ mọi tầng lớp trên khắp nước Mỹ, kể cả những nơi ít ai ngờ nhất. Nhiều người nghĩ rằng chắc chỉ mình họ là không có sẵn $400 để tiêu dùng trong những lúc khẩn cấp, nhưng không ngờ là chung quanh họ cũng lại có nhiều người Mỹ khác cũng đang gặp tình trạng là không có tiền như họ.

Nếu như một người có được một công việc làm ổn định với mức lương kha khá và thu nhập đều đặn, thì thường công việc đó không làm cho người ta trở nên giàu có, nhưng ít ra cũng mang lại một cuộc sống đầy đủ và được xã hội xếp vào tầng lớp trung lưu. Thế nhưng, với kết quả của cuộc khảo sát trên thì rất đông những người được gọi là giới trung lưu này lại đang rất chật vật về tài chánh nhưng chẳng ai dám nói ra. Thiếu thốn tiền bạc là nỗi khổ tâm khó nói vì tâm lý chung không ai lại tự đi khai với bàn dân thiên hạ là mình nghèo cả. Người ta có thể vạch áo để thiên hạ thấy được những điều riêng tư gì khác chứ nghèo thì chỉ riêng mình biết. Và vì vậy, giữ im lặng là sự lựa chọn tất nhiên.

Từ lâu, trong các cuộc nghiên cứu của các kinh tế gia vẫn dựa trên lý thuyết cho rằng con người ta cân bằng cuộc sống của họ bằng cách lấy những năm sung túc đắp đổi sang những năm thiếu thốn – nghĩa là người ta tìm cách để dành tiền và trả nợ trong những năm sung túc và mượn tiền trong những năm thiếu thốn để đắp đổi cho qua lúc chật vật. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy là khi người ta bỗng dưng nhận được một món tiền – có thể là món tiền thưởng, tiền đóng thuế dư được trả lại, hoặc là tiền từ của hồi môn do cha mẹ để lại – thường thì người ta tiêu xài ngay chứ không để dành. Lý do có thể là vì những người này không có dư dả tiền bạc, hay nói cách khác, là họ đang thiếu tiền. Trên thực tế, hiện có rất nhiều người Mỹ đang sống trong tình trạng luôn luôn túng thiếu, tuy không hẳn đói khát, nhưng cuộc sống của họ bị lệ thuộc vào số tiền lương mỗi tuần để đắp đổi cho những món chi tiêu cần thiết trong cuộc sống.

Tình trạng túng thiếu này được các nhà nghiên cứu gọi bằng nhiều tên khác nhau: bất ổn tài chánh, bấp bênh tài chánh, khó khăn tài chánh. Nhưng cho dù người ta gọi bằng tên gì đi nữa thì bằng chứng cho thấy một con số không nhỏ người Mỹ sống trong tình trạng eo hẹp về tài chánh. Một cuộc khảo sát của công ty dịch vụ tài chánh Bankrate năm 2014 có cùng kết quả tương tự như của Ngân hàng Dự trữ cho biết chỉ có 38 phần trăm người Mỹ có khả năng để trả $1,000 nếu phải vào phòng cấp cứu của bệnh viện hay $500 để sửa xe với số tiền trong trương mục tiết kiệm. Hai bản phúc trình của viện nghiên cứu Pew cho biết có tới 55 phần trăm gia đình Mỹ không đủ tiền tiết kiệm để chi tiêu trong một tháng nếu như bất ngờ bị mất việc, và 56 phần trăm người Mỹ nói rằng họ từng lo lắng về tiền bạc trong năm trước đó, 71 phần trăm lo ngại không có đủ tiền trang trải cho các chi tiêu mỗi ngày. Với kết quả khảo sát trên ta có thể kết luận rằng: khoảng 50 phần trăm người Mỹ sống trong tình trạng “bấp bênh tài chánh”.

Năm 1978, qua một vụ án có liên quan đến ngân hàng và Tối cao Pháp viện đã đưa ra phán quyết không bắt buộc ngân hàng phải có giới hạn về phân lời trong các loại thẻ tín dụng. Nhờ phán quyết này mà các ngân hàng sau đó đã đua nhau cấp thẻ tín dụng cho người tiêu thụ khắp nơi với bất cứ phân lời cao thấp thế nào mà họ muốn, và đã mở đường khuyến khích các ngân hàng nhắm vào những người tiêu thụ cả tin và dễ bị dụ nhất. Đến khoảng giữa thập niên 1980, các món nợ thẻ tín dụng ở Mỹ bắt đầu tăng cao. Đồng thời kinh tế nước Mỹ tương đối ổn định trong một thời gian khá dài, và người ta tiêu xài thả cửa, không đủ thì mượn trước thẻ tín dụng mà không lo sợ là nợ nhiều quá sau này không trả nổi.

Do tiêu xài nhiều nên ít người chịu cất tiền. Thêm nữa là thẻ tín dụng sẵn đó, muốn có bao nhiêu ngân hàng cũng sẵn sàng cấp cho nên nhiều người Mỹ thấy không cần thiết phải để dành tiền làm gì. Nói cách khác, tiền nợ thì tăng mà tiền tiết kiệm thì giảm. Tỷ lệ tiền tiết kiệm cá nhân đạt mức cao nhất là 13.3 phần trăm (so với tổng số thu nhập) vào năm 1971 và sau đó rớt dần xuống chỉ còn 2.6 phần trăm năm 2005. Năm 2015, con số này là 5.1 phần trăm, và có tới gần 30 phần trăm người Mỹ không để tiền vào trong những quỹ hưu bổng. Khi ta làm một con tính gộp những món nợ cao với tiền tiết kiệm thấp vào chung với nhau thì ta có ngay đáp số là nhiều người Mỹ không có khả năng tài chánh để trang trải trong những lúc khẩn cấp.

Vậy thì lỗi ở ai đây? Một số kinh tế gia cho rằng mặc dù ngân hàng có thể đã lạm dụng việc cấp phát thẻ tín dụng, nhưng dù sao đi nữa thì chính giới tiêu thụ là người quyết định tăng tiền nợ thẻ tín dụng, bớt tiền tiết kiệm đi, và không tính đến việc phòng hờ những khi khẩn cấp. Nếu muốn có được sự bảo đảm về tài chánh thì trách nhiệm là ở mỗi cá nhân chứ không thể nhờ cậy hay đổ lỗi cho ai khác cả.

Trong bản phúc trình năm 2010 có tựa đề “Tầng lớp trung lưu ở Mỹ”, Bộ Thương mại Hoa Kỳ định nghĩa về tầng lớp trung lưu mà mới thoạt nhìn qua thì thấy những điều này nên được xem là nguyện vọng của người dân thay vì là mức độ kinh tế trong thực tế đời thường: được làm chủ căn nhà, một chiếc xe cho mỗi người lớn, sức khoẻ tốt, mỗi đứa con trong nhà được đi học đại học, quỹ hưu trí được bảo đảm, và mỗi năm cả nhà được đi nghỉ mát ít nhất một lần. Một bản phân tích của nhật báo USA Today năm 2014 đưa ra kết luận về giấc mơ Mỹ, nếu dựa trên những yếu tố tiêu chuẩn về giới trung lưu do Bộ Thương mại đưa ra, thì đòi hỏi một gia đình gồm bốn người phải có thu nhập trên $130,000 một năm thì mới đủ. Thu nhập trung bình của một gia đình ở Mỹ năm 2014 chỉ vào khoảng nửa số đó.

Nhưng cho dù thế nào thì cuộc sống vẫn cứ tiếp diễn và những điều không như ý vẫn cứ xảy ra đôi khi. Món tiền $400 cho trường hợp khẩn cấp không phải nhiều nhưng không hẳn là người Mỹ nào cũng có sẵn. Trên thực tế, những trường hợp khẩn cấp luôn luôn xảy ra với chúng là một phần tự nhiên của đời sống. Các nhà cố vấn tài chánh vẫn khuyên là ráng làm sao để dành được ít nhất 10 đến 15 phần trăm thu nhập cho quỹ hưu trí và phòng hờ cho những tình huống bất ngờ. Tuy nhiên, lý do chính nhiều người Mỹ không để dành được chút tiền cho những ngày mưa gió là vì chính họ đang phải vật lộn với cơn bão cuộc sống mỗi ngày rồi. Dường như mỗi ngày đều có những chuyện bất cập xảy ra – cái bếp lò không cháy lửa, chiếc xe không nổ máy, vòi nước bị rỉ. Và đó chỉ là những chuyện nhỏ nhặt. Theo một cuộc thăm dò của viện Pew – có những chuyện lớn khác như phải vào bệnh viện, người phối ngẫu qua đời, mất việc – mà sau khi xảy ra, hơn một nửa người Mỹ đã phải chật vật để có được hai bữa cơm đầy đủ mỗi ngày.

Người Việt chúng ta có những câu tục ngữ: “Năng nhặt chặt bị” hay “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm” – có thể xem là những bài học vàng ngọc cho cuộc sống. Trong cộng đồng người Việt nói chung, số người luôn gặp cảnh khó khăn tài chánh dường như cũng ít hơn người Mỹ mặc dù phần thu nhập của người mình có lẽ không bằng người Mỹ. Phải chăng vì người Việt chúng ta biết khéo léo thu vén cho cuộc sống giống như câu tục ngữ ở trên chăng? 

Huy Lâm

No comments:

Blog Archive