Friday, May 14, 2021

NGÀY PHẬT RA ĐỜI

Minh Tuệ PHP

A. Theo truyền thuyết :
Hoàng hậu Ma-da sinh thái tử Tất-đạt-đa ( Siddartha ) từ nách ở vườn Lâm-ti-ni ( Lumbini Garden ). Vừa mới sanh ra Thái tử đi bảy bước, và dưới mỗi bước chân nở một đóa sen thơm ngát.
   
Thái tử một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất và nói :
            " Thiên thượng, thiên hạ
               Duy NGÃ độc tôn "

Truyền thuyết có những chi tiết khó cho người ở thời đại hiện nay chấp nhận vì nó trái với những gì chúng ta gặp hằng ngày, thậm chí còn cho các chi tiết ấy là hoang đường và huyền hoặc.

Vậy, phải hiểu truyền thuyết Phật ra đời thế nào cho hợp lý?
Trước tiên, ta phải hiểu những chi tiết trên chỉ mang tính chất biểu tượng, không có giá trị thực tế. Phải xác định rõ như vậy, mới khỏi hoang mang.

1. Thái tử Tất-đạt-đa sanh từ nách.
Người Ấn Độ quá kính trọng đức Phật nên không dám cho một người mà họ tôn như thần thánh sanh bằng đường dưới, nên nói là Phật sanh ra từ nách.

Thật ra tôi đã tận mắt xem được một phù điêu do vua A-dục ( Asoka ) chôn dưới đất, gần trụ đá vua đã cho dựng lên để đánh dấu nơi Phật sinh ra, ở vườn Lâm-tì-ni. Bức phù điêu diễn tả lúc lâm bồn, hoàng hậu Ma-da cũng đau đớn bám chặc lấy cành cây Vô ưu như bao sản phụ khác. Khi ra đời, thái tử Tất-đạt-đa cũng được các cung nữ lau chùi, ẳm bồng săn sóc như trẻ sơ sinh khác.
          
Chánh sử của Phật giáo không bao giờ nói là Phật đã sanh bằng đường nách !

2. Những đóa sen thơm ngát nở dưới bước chân Phật.
Hoa sen rất đẹp, tinh khiết, nhưng rất mỏng manh. Phật đi trên đóa sen chứng tỏ những bước chân Phật rất nhẹ nhàng, là những bước chân tỉnh thức của bậc giác ngộ trong trạng thái an lạc tuyệt đối. Có thế, các đoá sen mới không bị dẩm nát mà nở ra đón chào từng bước chân Phật.

B. Ý nghĩa bài kệ:
         
Thiên thượng, thiên hạ
Duy NGÃ độc tôn.

Không phải là "Thiên thượng, điạ hạ " ( trên là trời, dưới là đất ) như một số người lầm tưởng,mà là : " Thiên thượng, thiên hạ " ( trên cõi trời và dưới cõi trời )

- Cỏi Thiên là cỏi cao nhất của Dục giới. Nếu lấy cỏi Thiên làm chuẩn, thì Thiên hạ ( dưới cỏi Thiên ) rỏ ràng để chỉ những cỏi dục giới như: A tu la, người, súc sanh, ngạ quỷ và điạ ngục. Do đó, "Thiên hạ" ngầm chỉ cỏi DỤC GIỚI.
    
- "Thiên thượng" để chỉ những cỏi cao hơn cỏi dục, đó là các cỏi SẮC GIỚI và VÔ SẮC GIỚI.
     
Tóm lại : "Thiên thượng, thiên hạ " là chỉ cho TAM GIỚI : dục giới, sắc giới và vô sắc giới.
     
Thật ra, bài kệ cnày có 4 câu- không phải chỉ có 2 câu :

          Thiên thượng thiên hạ
          Duy ngã độc tôn
          Nhất thiết thế gian
          Sinh lão bệnh tử.

     Chử NGÃ ở đây chỉ PHẬT TÁNH, chứ không phải chỉ cá nhân Phật sinh ra ở Ấn độ. Nhiều người không hiểu ý này, chê Phật quá ngạo mạn. Phật rao giảng VÔ NGÃ ( Egolessness ) mà còn cho Ta là độc nhất không ai sánh bằng, thì thật khó hiểu.
     
Ý nghĩa của toàn bài kệ là : Trong cả Tam giới, chỉ có Phật tánh là duy nhất có thể giúp chúng sinh thoát được 'sinh lão bệnh tử' , tức là giải thoát sự chi phối của vòng luân hồi sanh tử .
     
Đây là thông điệp tối quan trọng mà Phật gởi đến nhân loại. Phật đã khổ công tu hành trong thời gian dài dằng dặc- ba a tăng tỳ kiếp- mới tự thực chứng được sự thật này, để có thể tuyên bố một cách chắc nịch : Chỉ có Phật tính có thể giải thoát con người khỏi vòng trầm luân sanh tử.
     
Nhân loại có hoàn toàn chấp nhận và lắng lòng nghe thông điệp này hay không là điều Phật mong. Phật không thể làm gì hơn, nhân loại phải tự làm lấy.

CON KÍNH MỪNG NGÀY PHẬT RA ĐỜI.

No comments:

Blog Archive