Monday, December 5, 2022

SỔ GHI ĐI ĐƯỜNG

(Nguyễn Ngọc Tư)
.
Không nhất thiết phải đem nhiều quần áo, với chút tiền dành ra ấy, quảy ba lô lên vai, là mình có thể tới bất cứ đâu bất cứ lúc nào. Không biết đường đi, thì hỏi. Sợ gì. Không ra khỏi biên giới, loanh quanh trên dãi đất này.

Ngồi một chỗ thì không biết được, người đi đường luôn bị mê dụ bởi bao thứ lạ lùng, không bao giờ hiểu được bạn phải đi xa bao nhiêu mới gặp cái cảm giác thanh bình.

Bởi có nói đến Tết thì chẳng ai hiểu được, một mình trên đường là nỗi cô đơn tuyệt vời nhất. Bồng bềnh. Phiêu diêu. Cảm giác không ai theo kịp mình, thấy mình như con bướm cứ chập chờn, chập chờn, không ai nắm bắt được. Vậy là không cần diễn, không cần đối phó, vậy là gương mặt cứ mềm ra, ngây ngây, vậy là ý nghĩ mông mênh, vu vơ không ra đầu cuối, đang nhớ người này, sực nhớ người kia, đang nghĩ tới màu tím của những bông dừa cạn bên đường thì cái vệt xanh của vạt cỏ ống phớt qua, kéo theo những bông lau già bạc phơ phất.

Bây giờ, chỉ một mình trôi đi, thấy mọi thứ cùng mông lung với mình, đẹp mà lạ, như mới gặp lần đầu, ngọt lành, mộng mị.

Sông dường như vẫn thường trôi như vậy. Và nước thì đâu thèm quan tâm mình chảy về đâu…

Nên bạn nhớ, nhớ lần buông bỏ, ngẫu hứng, túc tắc la cà như mây. Nhớ cú rẽ trái khỏi một cuộc đi đã được sắp xếp hoạch định từng chi tiết. Nửa đời bạn đã bị vây bởi một kế hoạch lớn với muôn vàn kế hoạch con, đôi khi bạn thay đổi hành trình.

Có quá nhiều khoảng trống để những ý nghĩ nhẩn nha lúc đi đường, khi mà bạn không phải bận tâm ngờ vực trước những ngã bảy ngã năm rặt một vẻ hứa hẹn và mời gọi, càng chẳng cần dọ hỏi bản đồ, bởi bạn chỉ làm mỗi việc là rẽ phải.

Không đắn đo. Tuôn chảy vào những con đường xa lạ.

Ở những nơi chốn ấy, bạn là một kẻ vô danh, chẳng nguồn cội, không tên họ. Bạn vô hình, phải, và luôn là chính mình trong những cuộc đi.

Và trong những ngày lang thang, biết đâu bạn may mắn nhận được một nụ cười làm thắt cả tim bạn, trong khoảnh khắc đó, bạn nghĩ cả đời này không bao giờ gặp lại nụ cười ấy ở bất cứ nơi nào nữa.

Bao lần đi qua một vùng đất, bao lần nghe một cái tên hay ngửi lại mùi quen thuộc, là bao lần day diết nhớ một người (với nụ cười từng làm con tim chết điếng). Thì ra, một chốn nào đó được người ta nhớ không hẳn vì nó đẹp.

Đó là kinh nghiệm của riêng tôi, không có nơi chốn nào trên đời này là vô duyên vô vị. Chỉ cần ai đó đừng vội vã...

Tôi đứng đó, ngây dại trước một bình minh trong vắt. Bởi cái vị nồng của biển, cái rộn rã ban mai, cái không khí trong lẻo này, hay sự buốt lạnh truyền lên từ gan bàn chân không ai kể cho ai được.

Cả những vẻ đẹp bình thường quen thuộc đó, cũng phải biết khao khát, tìm kiếm và trải nghiệm mới có.

Đi đến đâu lăng xăng chụp ảnh đến đó, về tuôn vào máy tính. Làm biếng cảm thụ cuộc sống, làm biếng thương, thậm chí làm biếng nhớ. Nên cứ bắt máy móc nhắc nhớ giùm. Nên máy móc một hôm trăn trối, sẽ không giữ được gì nếu bạn không tha thiết.

Tình yêu cũng vậy. Cuộc sống cũng vậy.

Tôi chỉ biết mình đang đứng ngây ra trước vẻ đẹp chưa từng có trong đời, một vẻ đẹp bình dị của vùng đất nào đó.

Nhưng không phải lúc nào cũng có sương, có hoa, có nắng, có những cái đẹp rạng ngời. Cũng chẳng nhằm nhò gì với những kiểu sự cố dọc đường mà dân ưa dịch chuyển không còn lạ, có điều lỗi trì hoãn do thiên nhiên thì vẫn dễ chịu hơn nhiều so với bất tiện do con người; như mắc kẹt lại trên đảo vì bão thì bạn nằm ườn trong phòng đọc sách mang theo, mặc cho mưa giông vây trùng điệp bên ngoài nhà trọ khiến tàu bè không thể rời bến...

Những bất tiện cứ phơi ra trên con đường mình đi tìm cái gọi là vẻ đẹp tiềm ẩn. Xứ Việt khét tiếng chịu chơi đồ giả, kiểu như núi thật phá đi để làm núi giả, đốn trụi rừng để đắp mấy con rồng con hươu cao cổ xi măng, đánh sập cái chùa cổ hàng trăm năm để xây chùa mới sơn phết long lanh. Cảnh sắc giả trơ thiên địa kiểu vậy mình gặp hoài, bất chấp có đi đến một hay hai ngàn cây số.

Con người hạ nhục, hủy hoại thiên nhiên. Còn thiên nhiên trả thù bằng cách nào bạn biết không? Nó biến mất. Chớp mắt mịt mù.

Mình chưa bao giờ nguôi hy vọng, chen lẫn giữa mớ bất tiện mang tên con - người sẽ nhận được an ủi của cỏ cây, sương đỉnh núi và mưa lưng đèo. Và xa, rất xa trong rừng thẳm hay xó núi, vẫn còn những người thuần phác, chỉ nhìn thôi mà chữa lành được bao vết thương.

Nỗi tò mò ngọ nguậy mỗi khi mình đi ngang qua mấy con đường mòn nhỏ chạy mút tì tè về đâu đó. Đường thẳng băng nhỏ dần như sợi chỉ ở cuối tầm mắt, hay nhiều khúc quanh cùi chỏ. Đường vắng tanh hay có một bầy trẻ con vừa tan học chấp chới nô đùa.

Khi những điểm đến gây thất vọng với ngôi chùa ngập trong tiền lẻ và hàng quán bán thịt thú rừng, bãi biển đầy rác, núi non trơ trụi không có bóng cây, mình dành nhiều thời gian hơn cho dọc đường, cho con lộ quê chẳng bao giờ thề thốt kiểu ta đây mang “nét đẹp tiềm ẩn” hay “vẻ đẹp bất tận”.

Con người còn dễ bị đánh mất hơn cả thiên nhiên, vì người có khả năng tự mình đánh mất mình.

Có khi phẩy tay, ờ thì chắc cũng như mấy ngã xóm mình đã từng đi cho biết, cũng vườn ruộng nằm chèo queo dưới nắng trưa, cũng cây cầu ván tạm bợ bắc qua mương rạch, cũng những bóng người ẩn nhẩn ngồi hoặc đứng trước nhà. Những người mà lần nào ngang qua mình cũng thương họ đã sống một đời buồn tẻ (trong lúc đó họ thì nghĩ “con nhà ai mà giữa trưa chạy khơi phơi nắng, tội nghiệp chưa”).

Nhưng mình biết rằng đường xóm này không bao giờ y hệt đường xóm khác, chưa đi hết thì chưa thể nói ta đã biết rồi.

Nhưng tại sao ta phải trông ngóng những cột cây số, toan tính cho cuộc hành trình, hoạch định một đích đến, tại sao ta không ngủ một giấc, rồi thức dậy rong ruỗi với cảnh vật hai bên đường, tại sao ta lại bị những cột cây số che khuất để không còn thấy những dòng suối nhỏ, những vạt hoa rừng, những đàn bướm vàng vào mùa di cư bay rợp cả thung lũng, như lá khô chao lơ lửng mãi giữa trời, những vách đá óng lên dưới nắng, mây vắt vào mặt trời chiều… Tại sao ta phải để tâm trí vào hoạch định cuộc đời mình, phải hối hả tới nơi nào đó mà bỏ qua, quên lãng bao nhiêu điều tuyệt đẹp bên đời.

Gọi tên những miền đất đã đi qua, tôi cũng hay nhớ người ở đó, trước tiên. Họ mới là kỳ quan. Những con người sống động trên cái nền phong cảnh đã mờ nhoè. Có những nơi trên dãi đất này, nó đẹp không phải vì cảnh đẹp.

Khi vẫy tay chào: hành trang của tôi không có cục đất, bài thơ, hay tấm hình. Tôi đến với mảnh đất đó không phải vì muốn ghi thành tích. Đến để hiểu biết, và yêu.

Lâu lắm tôi đã không đi, mất cảm giác. Bởi đi không phải là nhu cầu tối thiểu, như ăn, ngủ. Hôm nay đi không được, thì mai, thì mốt. Mà, lần khân tới khi già khú đế, không đi được cũng chết vì bệnh tật chứ không phải chết vì không đi. Vậy nên, tôi luôn bỏ lỡ những chuyến đi của cuộc đời mình.

Tôi buông tay hoài, buông những ý tưởng hay, buông những chuyến đi dài. Cứ mỗi lần buông tay, tôi thấy mình đã chết.

Dường như cái nghề viết ngớ ngẩn đã sinh ra ý thích ngớ ngẩn, cũng từng có những tia nhìn hơi khó chịu, hơi mỉa mai, “người ta nhà văn, nên phải ngạo mạn, lập dị...”

Ngày tôi ở tuổi năm mươi, sẽ nối lại tình bạn bè xưa (vốn đã dứt lìa từ khi bận bịu văn chương, rối bù với công việc gia đình), sẽ rủ bạn cùng đi du lịch, thăm thú đầu núi cuối sông, mỗi cặp chở nhau bằng Honda xuyên Việt (dường như cái máu khoái mạo hiểm hồi trẻ vẫn dào dạt), tưởng tới cảnh một sớm mai nào, dựng xe trên một đỉnh đèo lộng gió nhìn xuống biển xanh ngằn ngặt, mà thèm. Ngót nửa đời lủi thủi một mình với thế giới văn chương, nên muốn làm bà già vui vẻ với bạn bè.

(Ảnh: Nguyễn Thanh Tuấn)

No comments:

Blog Archive