Saturday, December 17, 2022

Chia Sẻ hay Chia Xẻ? Những từ ngữ thường bị nhầm lẫn!

Ngôn ngữ học không phải là sở trường của tôi!

Trước 1975, tôi cũng từng làm chủ bút tờ báo của đơn vị mà thật ra chỉ ở tầm mức một bản tin hàng tuần nội bộ. Tôi cũng viết lách lai rai những bài tùy bút, bình luận cho vài nhật báo ở Sài Gòn nhưng chưa hề tự thắc mắc rằng mình có viết đúng văn phạm hay không. Học sinh Việt Nam trước 1975 được dạy khá kỹ về chính tả từ những năm tiểu học. Lên trung học thì nặng phần bình giải các tác phẩm. Nhưng có lẽ đa số chúng tôi, học sinh ban B, đều coi nhẹ môn Việt văn vì hệ số thi không cao bằng các môn toán, lý hoá.

Mãi đến khi đến Hoa Kỳ, trở lại trường học. Các trường Đại Học Cộng Đồng bắt phải thi lượng giá (Assessment Tests) gồm ba môn Toán, Viết và Đọc. Vốn từng làm thông dịch cho một cơ quan của Toà Đại Sứ Mỹ, tôi vững tâm và đinh ninh sẽ qua lọt không khó. Hai môn toán và dọc thì dễ dàng trót lọt. Còn môn viết thì bị đánh rớt, phải thi lại đến hai lần nữa mới qua. Tôi xin vào gặp giám khảo và hỏi: “tôi từng dịch hàng trăm văn bản từ Anh sang Việt, từ Việt sang Anh. Làm sao tôi lại rớt môn thi này?” 

Ông giám khảo lôi từ trong hồ sơ và đưa cho tôi xem bài viết của tôi với rất nhiều nét mực đỏ đánh dấu chi chit các chỗ sai. Ông nói: “Anh viết khá hay và vững về văn phạm. Nhưng anh không đánh dấu những nơi cần ngắt các câu hay các mệnh đề. Và cách đánh dấu những chỗ khác thì tùy tiện. Anh cũng không giữ đúng khoảng cách giữa các câu; đoạn văn quá dài mà không ngắt ra thành những câu ngắn cho dễ đọc…”

À! Thì ra viết là thế! Không chỉ viết hay và đúng văn phạm, chia động từ… mà còn phải viết đúng cái “syntax” là cách sắp đặt các chữ, các mệnh đề, cách dùng các dấu… trong một câu sao cho hoàn hảo. Nó cũng là một phần của văn phạm mà mình ít để ý đến.

Sau khi viết xong tập hồi ký Cuối Tầng Địa Ngục, tôi đã gửi bản thảo đến Tiến Sĩ Nguyễn Đình Thắng để nhờ ông viết lời giới thiệu. Ông Thắng đã vô cùng sốt sắng. Không những cho một bài giới thiệu dài 7 trang rất trang trọng, nồng hậu; mà còn giúp sửa cho các lỗi về dấu hỏi ngã. Đọc đến gần 250 trang mà dò sửa cho hết các chỗ sai là một việc làm rất mất thì giờ. Tôi rất biết ơn ông.

Từ sau đó thì tôi quyết tâm phải học hỏi nhiều hơn để viết đúng để bảo tồn ngôn ngữ phong phú của quê hương mình, vừa tỏ sự trân trọng đối với độc giả.

Nhất là thời gian những thập niên sau này, khi thứ văn hoá xô bồ từ miền bắc Cộng Sản tràn vào Nam và lây qua hải ngoại, mang theo những chữ, những cách dùng chữ sai trái, dị hơm… làm hỏng đi ngôn ngữ mà tổ tiên phải hàng trăm năm sáng tạo, vun bồi nên. Tôi tự xung phong tham gia cùng các văn hữu có lòng để chấn chỉnh qua hàng loạt bài trong tập hồ sơ “Mặt Trận Ngôn Từ” mà đến nay đã có 7 bài, dài trên 40 trang phổ biến khá rộng tại hải ngoại và về tới cả bên Việt Nam.

Một số bài đăng trên điện báo Việt Nam Thời Báo của Hội Ký Giả Độc Lập đã được độc giả khen ngợi và xin phép được phổ biến rộng ra. Họ cũng gửi email yêu cầu viết thêm về nhiều chữ thường bị dùng sai.

Mới đây, một độc giả từ Pháp cũng đưa ra một bài của ông Hoàng Tuấn Công, trong đó các học giả bên Việt Nam tranh cãi nhau về hai chữ “sẻ” và “xẻ”. Một ông Lê Đức Luận, tự nhận là nhà Ngôn Ngữ Học có học vị Phó Giáo Sư Tiến Sĩ của Đại Học Đà Nẵng thì cho rằng “chỉ có “chia XẺ” chứ không có “chia SẺ”. 

Trong một bình luận trên Facebook, ông viết: “Viết sai chính tả là chuyện ai cũng vấp ít nhất một lần. Người miền Bắc có cái sai mà bây giờ thành đúng, như màu thành mầu, tàu thành tầu, xẻ thành sẻ, trong chia sẻ và mặc nhiên thừa nhận”. Và ông lý luận: “Chia tức là phải xẻ ra, còn sẻ không có nghĩa gì cả. Chia mà không xẻ ra thì không chia được” (!)

Kế đó là ông Nguyễn Văn Khang, với các học vị Giáo Sư Tiến Sĩ, Nhà Biên Soạn Từ Điển thì coi cả hai chữ “chia sẻ và chia xẻ chỉ là là một từ với hai dạng chính tả đều được cấp nhận” (sic!)

Đã có một lần trong quá khứ, tôi đã phân tích sự khác nhau giữa hai chữ “sẻ” và “xẻ”.

Để công bằng, tôi xin phép lấy các định nghĩa từ cuốn Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức (xuất bản trước 1975 ở miền Nam), Hỏi Ngã Chánh Tả Tự Vị (do Tạp Chí Dân Văn giới thiệu), Sổ Tay Chính Tả Tiếng Việt (do Hùng Sử Việt xuất bản năm 2017), Từ Điển Việt Anh (do Trường Đại Học Tổng Hợp Hà Nội xuất bản năm 1986).

Sẻ: San chia ra, sẻ bát cơm làm hai. Nhường cơm sẻ áo, chia ngọt sẻ bùi. (TĐTĐ, trang 488)

Xẻ: Bổ dọc ra, xẻ gỗ, xẻ tà áo (TĐTĐ trang 651)

Sẻ: sẻ áo chia cơm, bắn sẻ, chia sẻ, chim sẻ, san sẻ, ... (HNCTTV, trang 84)

Xẻ: Cắt, mổ xẻ gỗ, xẻ mương, mổ xẻ, xẻ rãnh, chia xẻ. (HNCTTV, trang 106)

Sẻ: Cắt ra từng phần rồi chia với nhau. Chia sẻ, san sẻ, nhường cơm sẻ áo. (STCTTV trang 374)

Xẻ: cưa cắt làm hai, xẻ cây, xẻ gỗ, xẻ ván đóng thuyền, xẻ thịt. (STCTTV trang 434)

Sẻ: Divide, parcel out, share out, Chia vui sẻ buồn: share with somebody in his joy and sorrow. (TĐVA trang 705)

Xẻ: Cleave, split, cut, saw up… (TĐVA trang 972)

Trong một trang web về Từ điển Việt Nam (https://vtudien.com/viet-viet), cũng thấy định nghĩa chữ “sẻ” và “xẻ” như sau:

Sẻ: Lấy ra, đổ ra một phần; chia ra, nhường cho một phần: Sẻ mực; Sẻ bát nước đầy làm hai; Sẻ thức ăn cho người khác.

Xẻ: 1. Cưa ra thành những tấm mỏng theo chiều dọc. Xẻ ván. Thợ xẻ. 2. Chia, cắt cho rời ra theo chiều dọc, không để liền. Áo xẻ tà. 3. Bổ. Xẻ trái mít. 4. Đào thành đường dài, thường cho thông, thoát. Xẻ núi mở đường. Xẻ rãnh thoát nước.

Tiếc là không có nhiều thì giờ để tham khảo nhiều nguồn trên web. Tuy nhiên cũng coi là tạm đủ khi chúng ta có định nghĩa từ cả nhiều phía, miền nam trước 1975, miền Bắc Cộng Sản và hải ngoại.

Như thế, chữ “xẻ” xem ra cũng khá đồng nghĩa với chữ “sẻ” khi nói về động tác cắt ra, mổ ra. Nhưng xin lưu ý ở đây, trong các định nghĩa trên, chúng ta hình dung động tác “xẻ” là bổ ra theo chiều dọc của một vật thể. Ngoài ra còn chữ “chẻ” cũng đồng nghĩa với “xẻ”. Những thí dụ cụ thể là: xẻ gỗ (có thể dùng cưa hay búa, chẻ dọc cây gỗ ra làm hai, rồi làm tư…), dùng kiếm xẻ hai tên địch… 

Nhưng khi muốn nói đến việc chia theo chiều ngang, thì động từ là “cắt”, “sẻ” chứ không thể là “xẻ”. Trong Tự Điển Tiến Đức trang 631 cũng có chữ “vẽ” là tách ra. Chúng tôi còn nhớ, khi ăn cá, người ta thường nói “vẽ con cá ra ăn”. Không rõ chữ “vẽ” theo nghĩa này có thông dụng ở cả ba miền hay không chứ ở miền Trung thì họ nói trại thành “phẽ”.

Về thí dụ “chia sẻ” ở trang 106 của cuốn Hỏi Ngã Chính Tả Tự Vị, chúng tôi đã gửi thắc mắc đến ông Lý Trung Tín, chủ nhiệm Tạp Chí Dân Văn, là người giới thiệu cuốn tự vị để xem tác giả có sự nhầm lẫn nào hay không vì nó mâu thuẫn với định nghĩa ở trang 84 trong cùng cuốn sách.

Viết đến đây, tôi chợt nhớ đến vài chữ mà nhiều người lầm lẫn như:

Sáng lạng mà đúng ra là “Xán lạn” có nghĩa sáng láng, rực rỡ (TĐTĐ trang 647). Chữ “xán” theo nghĩa này không đứng một mình.

Công xúc tu sĩ, mà đúng ra là “tu sỉ” cả hai chữ “tu” và “sỉ” đều có nghĩa xấu hổ, hổ thẹn, làm nhục (TĐTĐ trang 489). Chữ “tu” theo nghĩa này không đứng một mình.

Bài đã dài, xin dành dịp khác vậy.

January 15, 2022.
Đỗ Văn Phúc

No comments:

Blog Archive