Tuesday, December 20, 2022

Giáng Sinh Ngày Xưa...

Mới đầu tháng 12, đại gia đình nhà tôi đã bắt đầu bàn thảo cho việc tổ chức mừng lễ Giáng Sinh ở nhà ai và nấu những món gì như thông lệ hằng năm, vì bây giờ mỗi lần muốn tổ chức họp mặt thì thật là khó khăn để có đầy đủ con cháu, bởi những lý do về công ăn việc làm hay những lý do riêng lẻ cho nên lúc nào muốn tổ chức cũng phải sắp đặt thật sớm để mọi người có đủ thời gian thu xếp.

Ngược dòng thời gian khi chúng tôi còn nhỏ và lúc Ba tôi làm việc tại Quân Đoàn II ở thành phố cao nguyên đất đỏ sương mù Pleiku, khi nhắc đến những kỷ niệm, những sinh hoạt của một thời niên thiếu , cô em út đã chép miệng than “em chẳng biết gì cả”, nên bài viết này được tóm lược để em có thể hình dung một chút gì đó của thời Giáng Sinh xa xưa…

Lúc tôi còn nhỏ khoảng 7, 8 tuổi chi đó thì mới nhớ được những dịp lễ Giáng Sinh của gia đình. Đó là những năm đầu của thập niên 60, nhà tôi ở gần nhà thờ xứ Hiếu Đạo hay còn gọi là nhà thờ Quân Đội ở Pleiku. Không rõ vì sao có tên là Quân Đội nhưng linh mục chánh xứ là cha Ánh có cấp bậc Trung Tá thời đó.

Sinh hoạt và chuẩn bị cho lễ Giáng Sinh ở nhà thờ thì cũng tương tự như bây giờ, nghĩa là cũng có máng cỏ, hang đá… cũng treo đèn kết hoa lấp lánh, mỗi năm hình như hang đá càng được trang hoàng lộng lẫy hơn, các tượng Chúa Hài Đồng Giê Su, Đức Mẹ Maria, ông Thánh Giu Se , các thiên thần và Ba Vua mỗi năm mỗi đổi khác, lớn hơn, đẹp hơn cho phù hợp với kích thước của hang đá, và dĩ nhiên số lượng giáo dân và người ngoại đạo tham dự mỗi năm mỗi nhiều hơn. Thời đó các thanh niên thiếu nữ không biết có những sinh hoạt thế nào trong đêm Giáng Sinh, nhưng các nhà thờ ở Pleiku đều đông nghẹt người dập dìu chen chúc nhau, nhất là nhà thờ Chính tòa, được gọi là nhà thờ Thị Xã, vì ở ngay trung tâm thành phố nên số người tham dự rất đông đảo – dù Pleiku chỉ là thành phố đèo heo hút gió ở cao nguyên Trung phần.

Riêng gia đình tôi, khi ba má chỉ mới có 3, 4 đứa con thì tổ chức cũng đơn giản lắm, dĩ nhiên là phải có cây Noel, vì Pleiku là xứ thông nên mua hay chặt một nhánh thông tươi về trưng ở nhà là chuyện rất dễ dàng. Và hang đá làm bằng giấy cứng, được vò cho nhăn nheo và sơn một lớp sơn đen cho giống màu đá rồi nắn thành hang. Rồi chỉ có đơn giản tượng Chúa Hài Đồng nằm trong máng cỏ thì cũng đã ra dáng lắm rồi. Sau đó mỗi năm thì hang đá mỗi lớn dần theo diện tích, tuợng Mẹ Maria, Thánh Giuse hay các tượng khác cũng từ từ được đặt thêm vào!
Mùi lá thông tươi thơm nhẹ thoảng trong nhà, lại thêm những chiếc đèn nho nhỏ được gắn lên cây tỏa ánh sáng xanh xanh đỏ đỏ lấp lánh vào ban tối đã quyến rũ lũ nhỏ chúng tôi dí mắt vào và rất thích thú tưởng như mình đang ở xứ thần tiên...bởi thế luôn quanh quẩn bên cây thông và hang đá để ngắm nghía, để lắng nghe lịch sử và ý nghĩa của ngày Giáng Sinh, cũng như những truyện cổ tích liên quan đến ngày lễ này do ba kể và truyện “cô bé bán diêm” là câu chuyện rất cảm động đã khiến tôi nhớ mãi đến nay và cũng để nhắc nhở mình là còn biết bao người bất hạnh chung quanh!

Thời đó lũ trẻ con làm gì có những phương tiện thông tin phong phú như thời nay để giải trí - nhất là ở tại Pleiku - ngay cả truyền hình cũng được phát sóng từ chiếc máy bay trực thăng bay trên trời, những khi máy bay bay qua những lùm cây rậm rạp hay thời tiết xấu thì màn hình - của những gia đình có khả năng sắm được - chỉ là những lấm tấm li ti đen trắng nhòe nhoẹt không rõ hình ảnh trên đó, cho nên tụ tập chơi đùa hay ngồi nghe người lớn kể chuyện quanh cây thông với đèn lấp lánh đã là một hãnh diện của chúng tôi với đám bạn quanh xóm khi ba má tôi luôn vui vẻ chào đón và đãi các bạn nhỏ của con mình bằng những dĩa bánh kẹo, thế nên những ngày gần Giáng Sinh, gia đình tôi luôn rộn ràng với đông đảo lũ nhỏ hàng xóm ghé sang chơi.

Vào ngày 24 /12 (Christmas Eve) khi đi dự thánh lễ nửa đêm về, thì chỉ còn lại gia đình, Má thường dọn một vài món ăn nhẹ vì sợ con đói bụng nhưng rồi nhanh chóng cho con vào giường khi thấy lũ con mắt đã nhắm tít….Những năm đầu tiên khi tôi hiểu biết về ngày Giáng Sinh, về ông già Noel thì anh em chúng tôi cũng có được món quà nho nhỏ vào buổi sáng ngày 25/12 để nơi phòng khách, nhưng biết là ba má sắm cho, chứ nhà không có lò sưởi thì chuyện ông già Noel chun ống khói vào nhà để cho quà thì chằng đứa nào trong chúng tôi tin cả! Sau đó, những trò chơi ngoài trời với nhóm bạn hàng xóm là hấp dẫn nhất trong ngày lễ trọng đại này, chứ Chúa Giáng Sinh để cứu chuộc nhân loại thì… người lớn cứ việc chiêm nghiệm đi!

Đến khi Ba đổi về làm việc tại Tiểu Khu Pleiku, nhà được dọn vào biệt thự của chính phủ cấp cho, thì việc tổ chức lễ Giáng Sinh trang trọng, đầy đủ hơn nhưng chỉ còn là sinh hoạt trong gia đình mà thôi. Chúng tôi vẫn có cây thông lớn và đuợc trang hoàng lộng lẫy hơn - như là dấu hiệu báo tin Noel đã về,- kể cà những món quà được nhận cũng có giá trị hơn, nhưng không còn những náo nức như xưa. Có thể chúng tôi đã lớn, có nhiều bận rộn hơn và cũng có thể sinh hoạt với bạn bè cùng lứa tuổi bị giới hạn do tình hình chiến sự gia tăng… Tuy nhiên dù công việc ba bận rộn đên đâu, thì vào tối 24/12 gia đình tôi luôn được tụ tập ăn uống theo kiểu người Pháp gọi là Réveillon sau khi đi lễ nửa đêm về. Dù bây giờ không còn nhớ rõ những món ăn má nấu để dọn cho bữa ăn tối đó, nhưng lúc nào cũng có món súp măng cua và bánh Buche de Noel. Súp là món dễ ăn nhất sau khi đi lễ về vì lúc đó đã hơi buồn ngủ nên những món ăn khác đều bị lơ là bỏ qua, hơn thế nữa trời cuối năm lạnh lạnh nên món súp nóng là một chọn lựa thích hợp nhất. Kế đến là món bánh bông lan phủ kem chocolate với hình dáng của một khúc gỗ, lại được ba má cho phép những đứa lớn nhấm nháp một ít rượu vang cho nên hình như chỉ có tôi và ông anh lớn vẫn còn tỉnh táo đôi chút trong bàn tiệc.

Hầu như Noel năm nào chúng tôi cũng phải đi dự Thánh lễ nửa đêm nhưng không bao giờ chăm chú xem lễ mặc dù tuổi không còn nhỏ lắm nhưng vì nghi thức làm lễ quá dài nên chúng tôi đứa nào cũng ngủ gà ngủ gật trong nhà thờ, rồi khi về nhà lại trịnh trọng ngồi nơi bàn tiệc đã được người làm bày sẵn các món ăn còn bốc khói. Vì biết lũ nhỏ đã buồn ngủ, Ba cho phép ăn uống thế nào cho nhanh gọn rồi vào phòng ngủ ngay, bởi thế tôi vẫn nhớ hoài món súp, chỉ cần húp một hơi là …cạn chén và được nếm ngay một lát bánh bông lan phết lớp kem chocolate nâu đậm, vừa beo béo vừa ngọt ngọt lại thêm chút đăng đắng của cacao, chiêu thêm một ngụm nhỏ rượu vang cay cay nồng nồng thơm thơm… sao mà ngon tuyệt, còn hạnh phúc nào bằng! Lên giường với bụng no vừa đủ lại có chăn êm nệm ấm nên giấc ngủ đến thật nhẹ nhàng và thoải mái làm sao!

Đó là thời kỳ huy hoàng của gia đình chúng tôi mà đứa em út và hai cô em kế út không hề được hưởng…

Sau năm 1975, gia đình chúng tôi dọn vào Sàigòn. Cũng như các gia đình khác, cuộc sống trở nên khó khăn hơn, việc mừng lễ Giáng Sinh cũng đơn giản hay có khi bỏ quên…Tuy nhiên tôi vẫn còn nhớ kỷ niệm vui vui, mấy năm sau 1975, khi cuộc sống gia đình tạm ổn, Má cho tôi đi học làm bánh Buche de Noel để cả nhà thưởng thức trong dịp lễ này. Vì áp dụng đúng công thức đã học nên khi bánh nướng ra có đủ độ xốp mịn và nở …nhưng để làm đặc biệt cho khúc bánh của mình, ngoài những vết dùng nĩa cào dọc thân cây cho ra dáng thân gỗ, tôi còn điểm thêm vài chùm nho với cành lá xanh xanh, nhìn cũng OK lắm theo mắt “nghệ sĩ’ của tôi, ngờ đâu Má tôi hỏi “ủa mấy cục cơm nguội ở đâu mà dính vào bánh vậy con?” làm cả đám em tôi lăn ra cười. Thiệt tình, mấy chùm nho thanh tú của tôi lại trở thành mấy cục cơm nguội dưới mắt “trần tục” của mọi người là làm sao! Từ đó tôi khôn hơn, hết dám màu mè thêm thắt khi” tài” mình chỉ đến thế, cứ bánh khúc gỗ cho gọn và nếu muốn trang hoàng thêm thứ gì thì mua thêm đồ trang trí được bán ngoài tiệm về gắn vào, khi bắt đầu cắt bánh thì gỡ ra..Tiện lợi đôi bề!

Mười lăm năm sau, gia đình chúng tôi được đoàn tụ bên xứ người với nhân số đông đảo hơn, chúng tôi cũng đã…già theo năm tháng và tài nghệ làm bánh của tôi đã “bị” mấy đứa em sau “phỗng tay trên”, thế là tôi được hân hoan ngồi vào hàng ghế "trưởng thượng" để hưởng thụ và thưởng thức.

Bây giờ, gia đình tôi tổ chức Giáng Sinh như là hình thức để đại gia đình có cơ hội đoàn tụ, gặp mặt, trò chuyện, chia sẻ vui buồn lẫn nhau mà ngày thường khó có dịp tụ tập và cũng là để hoài niệm lại quá khứ của một thời niên thiếu ở quê nhà. Ý nghĩa của lễ Giáng Sinh hình như chỉ là một dịp được nghỉ ngơi để vui chơi, ăn uống cũng giống như “khi xưa ta bé” vậy!

Riêng tôi với lứa tuổi đã xế chiều, nghiệm ra rằng mình và gia đình được hưởng nhiều may mắn hạnh phúc quá! Xin dâng lời cảm tạ Hồng Ần Thiên Chúa và cầu chúc mọi người được an lành, đoàn tụ gia đình và vui tươi trong ngày Giáng Sinh và Năm Mới này.

Vinh Danh Thiên Chúa Trên Trời
Bình An Dưới Thế Cho Người Thiện Tâm!


Hồ Diệu Thảo

No comments:

Blog Archive