Monday, April 20, 2015

Tưởng niệm Tháng Tư  đen và 40 năm Quốc hận

Phạm Thọ

            
Tháng Tư Buồn

Cơn mưa Xuân lất phất đêm qua còn để lại những giọt nước long lanh đọng trên những chiếc lá xanh như những giọt nước mắt của người thiếu phụ khóc chồng!

Tháng 4, cái tháng còn ở trong mùa Xuân. Nhưng mùa Xuân tháng 4, bầu trời lại u ám, mây xám, ảm đạm, buồn buồn như nỗi buồn của buổi chiều cuối thu cô đơn, một mình  nhớ về cố quốc. Có lẽ tôi buồn nên cảnh vật cũng buồn theo tôi như cụ Nguyễn Du đã viết trong truyện Kiều: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.

Mỗi lần tháng 4 về, lòng tôi lại buồn ray rứt. Một nỗi buồn không thể phai mờ, nó vẫn âm thầm ở trong ký ức, để rồi mỗi độ tháng 4, nó lại sống dậy trong tôi. Một điều tôi có thể nói ra rằng, nỗi buồn tháng 4 không chỉ có riêng tôi mà có lẽ  những người bỏ nước ra đi sau 30 tháng 4 năm 1975 định cư trên xứ người đều mang một tâm trạng như tôi, một nỗi buồn như tôi. Đó là nỗi buồn mất nước,  xa Quê hương, sống đời lưu vong tị nạn.

Những ngày tháng 4 đen năm 1975, Quân Dân miền Nam: Việt Nam Cộng Hòa tràn ngập những thương đau vô vọng, bất hạnh. Những cuộc di tản thất bại thảm thương. Quân dân miền Nam chết trên đường rút quân, di tản, chạy loạn không biết bao nhiêu mà kể, thật khủng khiếp và kinh hoàng. Bao đau thương nghiệt ngã đè lên thân phận người lính Việt Nam Cộng Hòa cô đơn yếu thế. Một bên Cộng sản Bắc Việt thì đầy đủ súng đạn do Tàu-Nga viện trợ. Một bên miền Nam chiến đấu trong tình trạng không có súng đạn, không có tiếp liệu do Mỹ cắt viện trợ hoàn toàn. Một Quân đội hùng mạnh nhất vùng Đông Nam Á, chiến đấu bảo vệ Tổ Quốc trong hai mươi mốt năm chưa hề thua, chưa hề thất bại bỗng nhiên nửa đường bị gãy súng, nửa đường bị “thua cuộc”. Cộng sản cưỡng chiếm miền Nam. Nước mất nhà tan, gia đình ly tán. Cha mẹ mất con, vợ mất chồng, anh chị mất em. Mất tất cả, chỉ còn hai bàn tay trắng với nỗi hận mất nước. Xin thành kính tưởng niệm và nhớ ơn những anh hùng vị quốc vong thân, những người đã nằm xuống vì Quê Hương Tổ Quốc.

Ngày 30 tháng 4 năm 1975 cộng sản cưỡng chiếm miền Nam, là ngày đau buồn của đất nước Việt Nam, là ngày tang buồn của Tổ Quốc Việt Nam, là ngày Quốc Hận của dân tộc Việt Nam, là ngày Quân Cán Chính Việt Nam Cộng Hòa đi vào nhà tù nhỏ và dân tộc Việt Nam vào nhà tù lớn.

Tháng 4 buồn, buồn cho thân phận mình,  buồn cho Quê Hương. Các bạn đồng ngũ bị “thua cuộc”, tất cả bây giờ trở thành người mang nỗi buồn vong quốc. Buồn cho dân tộc Việt Nam bị đắm chìm trong kiếp sống trầm luân. Nhớ ngày cùng đi chiến đấu trên các chiến trường, sau này cùng về làm việc tại Bộ chỉ huy Tiểu Khu Quảng Ngãi, tình huynh đệ chi binh đã gắn bó với nhau, thương yêu nhau như anh em một nhà, không ngờ anh em lại  vĩnh viễn ra đi trong cuộc di tản. Thiếu tá Hòa, Thiếu tá Xương, Trung úy Nghiêm, Chuẩu úy Thìn, các anh đã nằm xuống trong lòng đất lạnh nơi quê nhà trong đêm di tản, còn tôi đang lưu vong tị nạn nơi xứ người, đất nước thì đang chìm ngập trong khổ đau dưới bàn tay sắt của bạo quyền cộng sản Việt Nam. Hai mươi mốt năm sống đời lưu xứ tỵ nạn, cứ mỗi lần tháng 4 buồn trở về, có một người bạn rất thân thiết của các anh, đã từng chia xẻ gian khổ và hiểm nguy với các anh, đã từng sống chết với các anh trên chiến trường đầy lửa đạn, đều đi chùa lễ Phật, và thắp hương cầu nguyện cho các anh trở về cát bụi được thanh thản an vui nơi cõi Vĩnh Hằng. Anh Hòa, anh Xương, anh Nghiêm, anh Thìn. Vĩnh biệt các anh trong niềm đau thương và tiếc nhớ!

Năm nay, 40 năm mất nước, thời gian cũng khá lâu so với cuộc chiến tang thương Việt Nam 21 năm, tháng 4 buồn lại trở về trong niềm đau buồn khôn xiết của người tị nạn. Nhớ đêm di tản buồn thất bại thảm thương của Tiểu khu Quảng Ngãi, nhớ bạn bè đồng ngũ đã hy sinh trên chiến trường, nhớ anh em đồng đội đã nằm xuống trong cuộc di tản đêm 24 rạng sáng 25 tháng 3 nam 1975, một số anh em ngày xưa phục vụ ở Quảng Ngãi tập trung tại nhà anh Đỗ Đình Diệu, ngồi lại với nhau để tưởng niệm 40 năm Quốc Hận, tưởng niệm những bạn bè đã chết cho Quê Hương Tổ Quốc trong cuộc chiến chống cộng sản xâm lược, ôn lại những đau thương hãi hùng trong đêm di tản buồn. Anh em thay nhau kể lại đoạn đường bi thương chưa từng thấy trong cuộc đời binh nghiệp, trong đêm di tản ở Bình Liên thất bại ê chê thảm thương. Kể đến cái chết của Thiếu tá Hòa,Thiếu tá Xương,Trung úy Nghiêm, Chuẩu úy Thìn, trên gương mặt của những người lính già mang nỗi buồn đau xót, nước mắt chảy dài. Mọi người đều khóc... !!!

40 năm qua rồi, hình ảnh người lính vẫn còn đó dù các anh đã nằm xuống hay đang  sống trên Quê Hương hay ở nước ngoài. 40 năm qua rồi, niềm đau thương vẫn còn đây. Người lính và niềm đau, tất cả bây giờ là nỗi đau thương canh cánh bám chặt vào nhau, đi theo thời gian cho đến khi nào nỗi đau đó biến thành niềm hạnh phúc của toàn dân Việt Nam, là khi đất nước Việt Nam được tự do dân chủ và nhân quyền không còn Cộng sản và lá Cờ Vàng 3 sọc đỏ là lá cờ của Quốc gia Việt Nam tung bay trên bầu trời của nước Việt Nam mến yêu.

40 năm qua đất nước bị cộng sản cưỡng chiếm, buồn theo vận nước nổi trôi. Quê hương đắm chìm trong tăm tối. Cộng sản cưỡng chiếm miền Nam, đưa đất nước vào con đường “xã hội chủ nghĩa” không tưởng, một chủ nghĩa đã quăng vào sọt rác. Đất nước 40 năm qua vẫn còn đói nghèo và lạc hậu. Dân chúng không đủ ăn không đủ mặc. “Cán bộ” đảng thì trở thành các nhà tư bản đỏ. Độc tài đảng trị, cai trị đất nước bằng súng đạn, bằng công an, bằng còng số 8, bằng nhà tù. Cộng sản hèn với giặc mà lại ác với dân. Tham nhũng tràn lan coi như quốc nạn. Tự do dân chủ nhân quyền không có, chỉ có độc tài và áp bức. Đàn áp bỏ tù những nhà yêu nước đấu tranh vì tự do dân chủ, vì tự do tôn giáo, vì Tự do ngôn luận, vì chống Tàu cộng xâm chiếm lảnh thổ để bảo vệ đất nước. v.v...

40 năm qua, thương cho gần chín mươi triệu người dân Việt Nam sống trong gông xiềng do bạo quyền cộng sản cai trị. Tập đoàn lãnh đạo là bè lũ tay sai bán nước cho Tàu cộng, biến Việt Nam sau này thành một tỉnh của Tàu cộng theo như Hiệp ước Thành Đô mà đảng cộng sản Việt Nam và Trung quốc đã ký kết ngày  4 tháng 9 năm 1990. “Bộ trưởng ngoại giao” Nguyễn Cơ Thạch của nước Việt Nam cộng sản đã thốt lên lời báo động sau khi Hội nghị Thành Đô ký kết: Một thời kỳ Bắc thuộc mới đã bắt đầu”. Đảng cộng sản Việt Nam đã đẩy đất nước Việt Nam vào thời kỳ mất nước và nô lệ. Rồi đây nước Việt Nam sẽ đi về đâu ? Bây giờ thì thác Bản Giốc,  Ải Nam Quan, Hoàng Sa, Trường Sa đã mất rồi.

Tháng 4 buồn lại trở về, 40 năm qua nhìn lại, người Việt ở hải ngoại làm được gì để yểm trợ đồng bào trong nước đấu tranh lật đổ bạo quyền cộng sản Việt Nam, để xây dựng một nước Việt Nam tự do dân chủ. Nhìn đi nhìn lại, người Việt hải ngoại chưa tạo dựng được một sức mạnh vững chắc làm chỗ dựa cho đồng bào trong nước đứng lên tranh đấu lật đổ chế độ cộng sản. Thiếu đoàn kết, đố kỵ lẫn nhau, tranh giành cấu xé lẫn nhau, không chịu đứng chung trên một trận tuyến chống cộng, còn chia năm xẻ bảy, làm suy yếu sức mạnh chống cộng sản quang phục quê hương. Lại còn có kẻ ham quyền, ham lợi, ham tiền làm tay sai cho cộng sản đánh phá cộng đồng hải ngoại theo Nghị quyết 36 của cộng sản Việt Nam. Lại còn có kẻ về Việt Nam làm ăn với cộng sản. Đúng là: “Việt gian Việt cộng Việt kiều, Ba thứ họp lại tiêu điều nước Nam “. Như thế thì chừng nào mới quang phục được quê hương ?. Nghĩ mà buồn.

Hàng năm tháng Tư  buồn trở về là chúng ta được thêm một tuổi. Lớp người đi trước đấu tranh quang phục quê hương, nhiều người đã vĩnh viễn nằm xuống. Một số ít người còn sống thì quá già không còn sức lực để dấn thân tranh đấu được nữa. Lớp người tiếp nối đàn anh bây giờ thì cũng đã  “thất thập cổ lai hy”, có trẻ lắm cũng trên 60, cuộc đời dấn thân tranh đấu cũng không được bao lâu. Nghĩ mà buồn cho quê hương Việt Nam. Ông John Đỗ ở thành phố Westminster 54 tuổi chia xẻ:

“Tôi và bạn tôi e rằng chỉ một thập niên nữa là thế hệ cha anh của chúng tôi không còn nữa. Chữ “Tỵ nạn” hay “HO” sẽ không còn ý nghĩa nữa, vì cộng đồng người Mỹ gốc Việt tại đây chỉ còn lại lớp người trẻ sinh ra và lớn lên tại Mỹ, những “du học sinh, sinh viên” Việt Nam và “du khách” Việt Nam . Chúng ta chống cộng như thế nào ? (Người Việt phản ứng vụ Camp Pendleton không cho chào cờ VNCH. Friday April 10, 2015).

Đọc những lời chia xẻ của ông John Đỗ, thành thật tôi buồn vô cùng. Tôi cũng thường tâm sự với bạn bè lớp già của tôi, mười năm nữa lớp già như bọn mình “đi rồi”, còn ai đi biểu tình chống cộng sản, còn ai đấu tranh quang phục Quê hương, còn ai đấu tranh yểm trợ đồng bào Quốc nội, đứng lên chống  bạo quyền cộng sản giành lại Tự do ? Bây giờ chỉ trông cậy vào thế hệ trẻ, thế hệ con cháu của chúng ta tiếp nối con đường Chính Nghĩa của cha ông dấn thân tranh đấu cho Quê hương Việt Nam Tự do và vẹn toàn lãnh thổ.

Tháng 4 buồn. Còn mấy ngày nữa là tưởng niệm 40 năm, ngày Quốc Hận đau thương của đất nước, của dân tộc Việt Nam. Hồi tưởng lại đoạn đường dài tôi đã đi qua, đoạn đường gắn liền với sự thăng trầm của lịch sử  đất nước Việt Nam và theo sự nổi trôi của đất nước và dân tộc. Tôi sinh ra và lớn lên được sự cưu mang của đất nước và dân tộc, tôi đã thành người và ra đi phụng sự Tổ Quốc. Cùng với anh em đồng đội, cùng với đồng bào miền Nam: VNCH quyết tâm bảo vê Tổ Quốc, nhưng rồi mình không làm chủ được đất nước của mình, mình không có đầy đủ súng đạn, phương tiện để bảo vệ đất nước của mình, người bạn đồng minh Hoa Kỳ vì quyền lợi ở Trung quốc lớn hơn, quan trọng hơn, liên kết với Trung quốc để chống Liên Sô nên đồng minh Hoa Kỳ không ngần ngại bán đứng miền Nam Việt Nam cho Mao Trạch Đông, nên Hoa Kỳ đã bỏ rơi miền Nam Việt Nam cho cộng sản miền Bắc cưỡng chiếm ngày 30 tháng 4 năm 1975.  Bao nhiêu đau thương uất hận đổ lên đầu Quân Dân miền Nam.

Chúng ta mất nước, hàng trăm ngàn Quân Cán Chính VNCH vào tù, đi “kinh tế mới” nơi rưng thiêng nước độc. Hàng triệu người không sống nỗi với chế độ cộng sản độc tài, áp bức nên đã bỏ nước ra đi, họ liều chết trốn chạy bằng vượt biển, vượt biên. Hơn nửa triệu người bỏ xác dưới biển khơi, trên núi cao, rừng thẳm. Một sự trốn chạy cộng sản đi tìm Tự do vĩ đại nhất trong lịch sử loài người ở thế kỷ 20 làm rúng động cả thế giới. Nhạc sỹ Trầm Tử Thiêng đã nói lên sự hãi hùng đau thương trên đường vượt biển đi tìm Tư do, đã đi vào lòng người với hàng triệu trái tim đau buốt, với những dòng nước mắt thương cảm, vì đi tìm hai chữ Tư do họ đã đánh đổi cả mạng sống con người : 

“Tự do ơi Tự do, Tôi trả bằng nước mắt, Tự do ơi Tự do, Anh trả bằng máu xương, Tự do ơi Tự do, Em đổi bằng thân xác. Vì hai chữ Tự do, Ta mang đời lưu vong”.  

Tháng 4 buồn, người Việt tỵ nạn cộng sản ở hải ngoại buồn nhớ về Quê Hương, nhớ cha mẹ, nhớ anh chị em, nhớ người thân, nhớ thầy, nhớ bạn cũ trường xưa... Biết bao nhiêu nỗi nhớ. Vì cuộc bể dâu nên gia đình ly tán, bạn bè ly tan. Ở trong nước, ngoài tập đoàn lãnh đạo và một số lớn đảng viên cộng sản vui mừng vì quyền lợi, dân chúng Việt Nam buồn vì đất nước sống trong gông cùm, cai trị bởi đảng cộng sản độc tài, khát máu tước đoạt hết quyền sống của con người.

Là người lưu vong tỵ nạn cộng sản, từ ngày rời xa đất nước, tôi chưa một lần về thăm lại cố hương. Tôi rất  mong có một ngày về Quê hương khi đất nước không còn cộng sản. Ước vọng ngày về Quê Hương canh cánh nặng trĩu bên lòng.

Nhưng ngày nay nhìn lại mình, tóc đã bạc trắng, chân đã mỏi, sức khỏe cạn dần, đường lại còn xa. Ước vọng thì nhiều nhưng chưa thấy đến. Không biết tôi có kịp về bến nước vinh quang khi Quê hương Việt Nam rợp bóng Cờ Vàng, khi Quê hương Việt Nam không còn cộng sản!

Xin mượn những dòng chữ này như một lời tâm tình của tôi trong tháng 4 buồn, gởi đến Quý vị, Quý anh chị em, Quý bạn bè và thân hữu, Quý bà con cô bác, tất cả những người cùng chung hoàn cảnh, cùng chung lý tưởng, vì vận nước đảo điên chúng ta đành phải chấp nhận thương đau.  Hãy thương yêu nhau và hãy đứng dậy can đảm tiến về phía trước.

Tháng Tư  buồn, chúng ta hãy quyết tâm hướng về tương lai, quyết tâm  giành lại quê hương đã mất để tháng Tư  buồn không còn buồn ray rứt và tủi hận như ngày hôm nay. Mong lắm thay...


Cali. 15/4/2015
Phạm Thọ
Cựu Tù Nhân Chính Trị Quảng Nam – Đà Nẵng

No comments:

Blog Archive