Monday, April 20, 2015

Sài Gòn, những ngày cuối tháng Tư 1975

Nguyễn Mạnh Trinh


Tháng tư năm 1975 có lẽ là một thời điểm không thể nào quên của dân tộc chúng ta. Ở ngày tàn của cuộc chiến, là của chia ly và mất mát. Bao nhiêu người đã nằm xuống sau một cuộc chiến kéo dài hơn 20 năm. Tưởng đã hòa bình, đã hết những bi thảm nào ngờ bắt đầu từ lúc ấy lại kế tiếp hết những bi thương này qua những bi thảm khác…

Với ngày lịch sử ấy, từ nhạc đến thơ, từ tiểu thuyết đến hồi ký, đã có biết bao nhiêu tác phẩm ghi nhận lại những bi thảm nhưng hào hùng, những mất mát đau xót không thể nào quên được trong tâm khảm những người Việt Nam. Hôm nay, trong cái hồi tưởng để nhớ về những ngày đã qua ấy, chúng tôi nhắc lại những tác phẩm đánh dấu một thời điểm quan trọng của lịch sử Việt Nam, phản ánh tâm tư thời đại, và những nỗi niềm của những người bị quay cuồng trong con lốc thời thế...

Là một người lớn lên và trưởng thành trong xã hôi miền Nam thì thế hệ chúng tôi có nhiều cái chung lắm. Cùng đi học, cùng đi lính, cùng vào tù, cùng vượt biển hay đi định cư theo diện HO, cùng lưu lạc ở hải ngoại và cùng chung những nỗi niềm, những tâm sự về ngày đổi đời bi đát của đất nước này. Với những cái chung của nhiều người ấy đã thành một phận đời dù có những nét tư riêng nhưng cũng phản ánh phần nào được xã hội mà chúng tôi đã sống, đã buồn, đã vui, đã hy vọng và thất vọng theo mệnh nước nổi trôi…

Nhiều nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ đã sáng tác rất nhiều về đề tài này. Đã là nghệ sĩ, thì làm sao tránh được cái nhạy cảm với thời thế, huống chi biến cố ấy đã ảnh hưởng trực tiếp vào đời sống. Viết văn, làm thơ, đặt nhạc về những ngày tháng ấy là một xu hướng biểu lộ chân thực nhất mà cảm xúc cũng như kỷ niệm riêng của mỗi người đã ảnh hưởng làm cho văn chương sinh động hơn và có hơi thở của cuộc sống thực hơn. Tôi thấy mình cũng có những xu hướng ấy và hơn nữa nó là một động lực để tôi đến với nghiệp cầm bút.

Trước 1975, tôi chỉ là một người lính yêu sách vở và đam mê văn chương. Sau năm 1975, khi trải qua nhiều cảnh huống và tâm tình không thể nào quên của cuộc đời mình, tôi chập chững đi vào công việc cầm bút cho đến ngày hôm nay. Có thể đó là một sự tình cờ, nhưng có khi trong thâm tâm tôi đó là một sự trả nợ cho những người mà mình phải mang ơn họ trong cuộc sống. Có thể họ là bạn cùng trang lứa cùng đồng ngũ với tôi, hay những người đã mất trong một cuộc chiến. Vì thế, nếu nói một cách bóng bẩy văn hoa thì viết là một cách thế sống để sòng phẳng với mình và với cuộc đời...

Thật ra có rất nhiều tác phẩm văn chương và âm nhạc viết về ngày cuối tháng tư đau đớn của lịch sử Việt Nam. Đáng kể như tập hồi ký “Tháng Ba Gẫy Súng” của Cao Xuân Huy viết về những ngày tan hàng ở Quảng Trị và Huế, như tác phẩm “Ngày N+” của Hoàng Khởi Phong viết về cuộc di tản từ Pleiku đến Tuy Hòa, hay như những ký sự của ký giả Nguyễn Tú, của nhà văn Nguyên Vũ hay những đoản thiên của nhà văn Hải Quân Phan Lạc Tiếp, của nhà văn Không Quân Đào Vũ Anh Hùng, viết về những cuộc di tản bằng chiến hạm hoặc phi cơ ra biển Đông…

Về thi ca, thì cũng có rất nhiều thi sĩ và nhiều bài thơ viết về những ngày tháng Tư buồn thảm như thơ Cao Tần, Thanh Nam, Tô Thùy Yên... Những bài thơ rất ngậm ngùi đầy tiếc nuối của những người đã trắng tay trong một cuộc đổi dời của lịch sử.

Nhưng với tôi, thì gây cảm xúc nhất lại là những bản nhạc. Những bản nhạc nhắc lại Sài Gòn, nói đến những cuộc chia ly, tả về những tiếc thương cho một thành phố bị xóa tên và nằm trong tay quân thù. Như bản nhạc “Sài Gòn niềm nhớ không tên” của nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn.

Bản nhạc ấy đã gây thật nhiều cảm xúc cho tôi vì tôi nghe bản nhạc ấy lần đầu tiên ở trại tù Long Khánh do một người bạn đồng tù hát. Nhạc đệm chỉ là một cây đàn guitare tự chế bằng tôn nhôm và gỗ săn nhặt được và giây đàn được làm bằng những sơi dây điện thoại tước ra từng sợi nhỏ tạo thành. Cũng như ca sĩ là người chung cảnh ngộ hát bằng cả tấm lòng và giọng hát thầm thì như của một người đang làm một công việc mạo hiểm, hát để cho vơi tâm sự mặc kệ mọi sự cấm đoán đe dọa của hệ thống quản giáo cai tù đầy dẫy ăng ten báo cáo. Tôi cũng chẳng hiểu làm sao mà những bản nhạc như thế lại được hát và phổ biến ở trong tù như vậy. Chúng tôi xung quanh ngồi nghe như uống từng nốt nhạc, như chắt từng câu ca. Sài Gòn xa rồi, bây giờ ở ngoài vòng rào kẽm gai mịt mùng. Sài Gòn, vẫn còn gần gũi những ngày mà thành phố thảng thốt lọt vào tay giặc thù, những anh hồn liệt sĩ còn phảng phất đâu đây từ những ngày bi thảm mà chúng tôi bị buông súng một cách tức tưởi…

Lời nhạc lôi kéo chúng tôi, ngôn ngữ hiền từ tha thiết không kêu gọi máu lửa nhưng sao lại lôi cuốn chúng tôi dường ấy:

Sài Gòn ơi, ta mất người như người đã mất tên - như dòng sông nước quẩn quanh buồn - như người đi cách mặt xa lòng - ta hỏi thầm em có nhớ không… Sài Gòn ơi, đến những ngày ôi thành phố xôn xao-trong niềm vui tiếng hỏi câu chào - sáng đời tươi thắm vạn sắc màu- còn gì đâu...”

Lúc ấy, chúng tôi chưa biết bản nhạc ấy là của nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn. Tên nhạc sĩ tác giả là cả một huyền thoại đối với chúng tôi lúc đó. Có người bảo đó là của nhạc sĩ P. hát bản nhạc ấy ở hải ngoại rồi cảm xúc đến nỗi bị ngất xỉu ngay trên sân khấu. Có người bảo đó là một bản nhạc của một nhạc sĩ đang bị giam ở khám Chí Hòa truyền ra ngoài và phổ biến. Đến mãi về sau, khi đã qua Mỹ định cư tôi mới biết tác gỉa là người chủ trương Chương trình Nhạc Chủ Đề trên đài phát thanh Sài Gòn và là thi sĩ, văn sĩ nổi tiếng của hai mươi năm văn học miền Nam…

Chương trình Nhạc Chủ Đề do nhà văn Nguyễn Đình Toàn thực hiện trên đài phát thanh Sài Gòn vào buổi tối ngày thứ năm hàng tuần với mục đích giới thiệu với thính giả những bản nhạc được lựa chọn và được viết với lời giới thiệu và giọng đọc rất đặc biệt của người chủ trương. Theo như ý kiến của nhiều người, những lời giới thiệu nhạc hay nhất trong lịch sử âm nhạc có lẽ là bài viết và giọng đọc của nhà văn Mai Thảo và Nguyễn Đình Toàn. Những bài viết ấy đã mở ra những khung trời lãng mạn mà người nghe có cảm giác như đã quên đi hiện tại để bồng bềnh trong mênh mang của chữ nghĩa và âm nhạc…

Chương trình Nhạc chủ đề ấy có những lời mở đầu như những cánh tay mở khung cửa mơ mộng, để ở đó tình yêu trở nên mơ màng hơn, có chuốt lọc nhưng lạ có những cảm giác nhẹ nhàng như tơ làm mềm lòng những tuổi thanh xuân đang hăm hở vào đời với sự tinh khôi trong sáng của những bình minh hứa hẹn những giọt nắng thủy tinh ngời tin yêu nồng biếc.

Ai đã nghe qua những lời mở thế này mà không rung động? Nhất là những chàng tuổi trẻ ngày xưa nay đã thành những ông già lão nhìn lại quá khứ ngày nào đã rất xa, thật xa mà sao lại còn rưng rưng nỗi niềm chia sẻ:

“Tình ca - những tiếng nói thiết tha và tuyệt vời nhất của một đời người - bao giờ cũng bắt đầu từ một nơi chốn nào đó, một quê hương, một thành phố, nơi người ta đã yêu nhau... Tất cả mùa màng, thời tiết, hoa lá, cỏ cây, của cái vùng đất thần tiên đó, kết hợp lại, làm nên hạnh phúc, làm nên nỗi tiếc thương của chúng ta…

Hay như một lời ngỏ khác, thầm thì, kêu gọi những bước trở về, đi ngược lại vòng quay vô tình của thời gian:

“Em đâu ngờ anh còn nghe vang tiếng em trong tất cả những tiếng động ngù ngờ nhất của cái ngày sung sướng đó: tiếng gió may thổi trên những cành liễu nhỏ, tiếng những giọt sương rơi trên mặt hồ, tiếng guốc khua trên hè phố… Ngần ấy thứ tiếng động ngân nga trong trí tưởng anh một thuở thanh bình nào, bây giờ đã gần im hơi, nhưng một đôi khi vẫn còn đủ sức làm ran lên trong ký ức một mùa hè háo hức, một đêm mưa bỗng trở về, gió cuốn từng cơn nhớ… Anh bỗng nhận ra anh vẫn còn yêu em, dù chúng ta đã xa nhau như hia thành phố…”

Tôi thời còn là sinh viên đã rất mê chương trình này. Có thể nói, đó là một phần khá đẹp của cuộc sống tôi. Bây giờ, nghe lại CD của Nhạc Chủ Đề cũ, tôi lại bồi hồi và một phần đời đã qua như hồi sinh lại.

Sau này, ở xứ Mỹ này, tôi có hỏi ông về trường hợp sáng tác bản nhạc này như thế nào thì ông chỉ nói qua với sự rất hờ hững coi như đó chỉ là một trong những gần trăm bản nhạc ông đã sáng tác. Và ngay cả khi tôi hỏi về cách ông thực hiện hàng trăm chương trình nhạc làm say mê cả một thế hệ trẻ trong thời kỳ ấy hoặc hỏi về mấy trăm bài thơ và mấy chục tác phẩm vừa tiểu thuyết vừa tùy bút nổi danh một thời thì cũng với vẻ hờ hững ấy, ông cũng trả lời với vẻ thản nhiên của một người đã trải qua nhiều thay đổi và hiểu được rằng có những điều không cần biện giải của cái tự nhiên đã có.

Cũng như, khi tôi hỏi về những khó khăn của cuộc sống hiện nay, ông cũng trả lời chẳng có gì cực nhọc dù rằng tôi hiểu được đó là một sự thản nhiên chấp nhận của một người đã trải qua nhiều mệt mỏi của cuộc đời.

Đó là những ca khúc mà ông gọi là viết trong những thời gian tăm tối nhất của lịch sử và của chính cuộc sống ông. Nhưng đó lại là những lời kêu gọi yêu thương mong con người trở về với tình tự dân tộc. Có những bài hát trong tuyển tập nhạc Hiên cúc vàng,“Tôi muốn nói với em và 
“Mưa trên cây hoàng lan” đã chứng tỏ điều ấy. Chất nhân bản đã làm thành những ca từ đẹp và có sức thuyết phục mạnh với thính giả và cũng chuyên chở một cách thâm trầm những thông điệp gửi cho người cho đời những ước vọng và tâm sự.

Những lời nhạc như 
“Tôi đã bám lấy đất nước tôi bằng sức người vô hạn. Bằng sức người đầu đội trăm tấn bom. Tim mang nghìn dấu đạn. Tôi đã đổ mồ hôi, đổ máu tươi. Để mong ở lại đây. Nhưng đất đã đỏ vì bị nung bằng những lời dối trá. Người bám vào lửa đã đốt cháy tay. Lửa hờn căm, lửa hiểm thâm, lửa khốn cùng cay đắng. Người lừa nhau trời đất còn bưng mặt thảm thương. Ba mươi năm cuộc tương tàn chưa đủ? người giết người không kịp mở mắt trông. Ba mươi năm mạng người như rác cỏ. Giây hòa bình còn thắt cổ người tin…” trong bản nhạc “Tôi cố bám lấy đất nước tôi” có phải là những lời chân thành dù trong cơn tuyệt vọng nhưng vẫn còn cố gắng bám víu vào cuộc sống một ý nghĩ nào tích cực nhất?

Những lời ca viết cho thành phố Sài Gòn trong thời thế ấy bỗng dưng trở thành những lời kêu gọi của một dân tộc đã chịu quá nhiều đau khổ. Hết rồi những cơn mưa chiều cũ, mất rồi những buổi sáng rực rỡ xưa. Lời ca, ý nhạc lôi kéo chúng ta trở về con hẻm nào của những hẹn hò, của nụ hôn môi tuyệt vời, của hương tóc thề e ấp phả trong tà áo lụa xôn xao. Cái cảm giác ngày nào như sống lại, làm gai gai trong da thịt nỗi ngây ngất thuở nào. Nghe đâu đây như bước chân nào trở về đồng vọng...

Bản nhạc ấy là Sài Gòn ơi vĩnh biệt của nhạc sĩ Nam Lộc. Lại cũng là tiếng gọi bi thiết nhưng tràn đầy thương yêu về thành phố mà có người nói rằng đó là chỗ để người ta yêu nhau. Nhạc Nam Lộc gợi cho tôi những nỗi niềm của một người mong nhớ với tâm trạng dằn vặt. Những lời ca thất thanh của một người mất quê hương:

“Sài Gòn ơi tôi đã mất người trong cuộc đời. Sài Gòn ơi thôi đã hết thời gian tuyệt vời. Giờ còn đây những kỷ niệm sống trong tôi. Những nụ cười ngắt trên môi. Những giọt lệ ôi sầu đắng. Sài Gòn ơi nắng có còn vương trên đường. Đường ngày xưa mưa có ướt ngập lối đường về. Rồi mùa thu lá còn đổ xuống công viên. Bóng gầy còn bước nghiêng nghiêng. Hay đã khóc thương cho người yêu…”

Hình như, tôi thấy tôi đã kêu thất thanh như thế trong cuộc đời tôi...

Không phải tôi nói văn hoa đâu mà tôi đã nhiều lần kêu “thất thanh”như thế! Như một lần trong ngày 30 tháng tư năm 1975 khi tôi từ Cần Thơ trở về lại nhà ở Sài Gòn!

Trước ngày 30 tháng tư năm 1975, tôi chỉ đi học và đi lính, nhưng sau ngày ấy thì tôi đi tù vì không di tản được. Mặc dù tôi ở trong Không quân và ngày ấy đang làm việc ở phi trường Tân Sơn Nhứt.

Đơn vị của tôi là Đoàn phi đạo F5 thuộc Sư Đoàn 3 Không quân ở phi trường Biên Hòa sau ngày 20 tháng tư năm 1975 thì một phần lớn phi cơ di chuyển về phi trường Tân Sơn Nhứt. Ngày 30 tháng 3 đáng lẽ tôi phải biệt phái ra Đà Nẵng để làm biệt đội trưởng kỹ thuật để bàn giao phi đạo cho Sư Đoàn I Không Quân nhưng Đà Nẵng đã thất thủ. Trước ngày đó chúng tôi đã chở từ Biên hòa ra Đà Nẵng rất nhiều quân dụng và cơ phận thay thế của phi cơ trị giá cả chục triêu đô la và lúc đó kể như thiệt hại hết. Một số nhân viên biệt phái thoát về kể lại cảnh tượng ở Đà nẵng khiến người nghe phải rùng mình. Chiếc Boeing 727 thuê bao của Trung Hoa Quốc Gia cất cánh mà cửa chân đáp không đóng được vì một số hành khách đã ôm vào chân đáp nên phi cơ phải bay từ từ về Sài Gòn trong khi những người bám vào chân đáp bị rụng rớt vì không chịu nổi áp lực của không khí chỉ còn vài người buộc mình vào phi cơ mới không rớt dù khi máy bay đáp xuống đã bất tỉnh. Ở trên phi đạo Đà Nẵng là cả một rừng người và tình trạng lộn xộn khiến tất cả các phi cơ vận tải không thể đáp xuống để bốc người không vận về Sài Gòn. Chính ở Sư Đoàn 3 KQ cũng dự trù dùng phi cơ AD5 để bốc các chuyên viên kỹ thuật biệt phái về nhưng không thực hiện được…

Rồi sau đó các căn cứ Pleiku, Phù Cát, Nha Trang, di tản rồi căn cứ Phan Rang thất thủ.

Ỏ Tân Sơn Nhứt những ngày cuối tháng tư tình trạng khá hỗn loạn vì các sư đoàn KQ di tản về. Từ bãi đậu phi cơ vãng lai vào đến phi đạo bên trong phi cơ đậu thành hàng đông nghẹt. Trực thăng, A37, phi cơ quan sát xếp xen vào nhau thành ra vấn đề an toàn khá phức tạp. Ở khu huấn luyện sư đoàn đầy nghẹt những quân nhân về trình diện từ các đơn vị đã bị tan hàng, mọi người đều linh cảm rằng một cơn địa chấn dữ dằn sẽ tới.

Gia đình tôi thì đã ra đi nên tôi làm việc và ở luôn trong phi trường. Hàng đêm, chúng tôi lái xe ra bãi đậu phi cơ xem những chuyến bay chở người di tản. Nếu quyết định ra đi lúc đó thì khá dễ dàng, chỉ cần thay quân phục và mặc đồ dân sự là có thể leo lên phi cơ một cách dễ dàng. Nhưng tôi vẫn nghĩ không thể nào thua trận mau chóng như vậy được và nghĩ rằng đi lúc đó là quá sớm. Đến đêm 27 tháng tư, căn cứ Biên Hòa di tản về Tân Sơn Nhứt. Và lúc đó quả thực tôi bị chấn động và hiểu rằng ngày cuối đã tới. Suốt đêm phi cơ bay đầy trời và chúng tôi đã phụ giúp để trang bị rocket và đạn cho phi cơ trực thăng gunship bay yểm trợ trên các mặt trận ven thành phố.

Chiều ngày 28, lúc TT Trần Văn Hương bàn giao cho tướng Dương Văn Minh ở Dinh Độc Lập thì năm phi cơ A37 oanh tạc phi trường Tân Sơn Nhứt do tên phản tặc Nguyễn Thành Trung dẫn về khi các phi tuần nghênh cản phòng không F5E chấm dứt túc trực. Lúc ấy, tôi đang tập họp biệt đội trong hangar thì xảy ra biến cố ấy. Và sau đó đến bốn giờ sáng thì các đợt pháo kích ác liệt của Cộng quân vào phi trường. Trong phi trường khói lửa tùm lum, một hỏa tiễn 122 ly rớt trúng phân đội nữ quân nhân. Lúc sáng sớm, tôi lái xe qua khu vực ấy còn thấy những mảnh quần áo và cả da thịt vương vãi trên những tàng cây. Buổi sáng, tôi leo lên F5 rồi không đi. Kết quả là chiếc phi cơ ấy bị rớt ở phi trường Utapao ở Thái lan hy sinh tất cả những người trên phi cơ. Rồi tôi lên trực thăng xuống Cần Thơ và bị kẹt lại đến chiều 30 thì xuống Rạch Giá kiếm đường vượt biển nhưng cũng không xong và ngày 1 tháng 5 thì phải trở lại Sài Gòn…

Trên đường từ Cần Thơ trở về tôi đã nhìn thấy ở dọc đường quốc lộ số 4 những cảnh tượng mà tôi không thể nào quên. Hai bên đường những chiếc xe tăng và những chiếc trực thăng nằm chỏng chơ và quần áo trận, nón sắt, dây ba chạc, giày lính... vứt lộn xộn tạo ra một khung cảnh điêu tàn của một trận chiến về chiều. Đi từng đoạn rồi cũng về tới Sài Gòn về nhà để thấy căn nhà mình ở bị niêm phong. Tôi vô nhà đại và mang vài vật dụng đi ra và đau lòng biết bao nhiêu khi nhìn thấy vật dụng hàng ngày của mẹ tôi và các anh em tôi trong một căn nhà mà tôi bị đuổi ra vì cả gia đình đã di tản. Tôi muốn khóc khi nhìn thấy ô trầu của mẹ, khi nhìn thấy đôi dép mẹ đi, cái áo ấm mẹ mặc. Vật thì còn nhưng người đã đi xa, biết đến bao giờ mới gặp lại… Và không biết ở phương xa, có còn trầu cau để cho mẹ ăn không? Buồn thật phải không? Quốc phá thì gia vong. Người xưa đã nói thì chẳng sai chạy được…



No comments:

Blog Archive