Thursday, April 30, 2015


Ngày Tự Sướng

Lê Hữu
April 30, 2015



Về ngày 30 tháng Tư, tôi chỉ biết diễn tả cảm giác duy nhất của tôi ngày hôm đó, là họ (công an trại tù Phong Quang, Lào Cai) cho tôi xem một tờ báo có đăng một tấm ảnh rất lớn, chụp cầu Tràng Tiền, trên cầu có chiếc xe Jeep còn mang cờ của quân lực Việt Nam Cộng Hòa, và trên xe có mấy anh Việt Cộng đội mũ tai bèo, xe cắm cái cờ mà họ gọi là cờ giải phóng. Tôi cảm thấy đau nhói trong lòng và có cảm giác như nhìn thấy vợ mình đang nằm trong tay một người đàn ông khác.

Người thốt ra những lời trên là ông Nguyễn Hữu Luyện, cựu sĩ quan Biệt Kích Dù QL/VNCH, trong cuộc phỏng vấn của đài Little Saigon Radio vào tháng Tư năm 2001, 26 năm sau ngày 30/4/1975.

Trong số những cách diễn tả cảm xúc về ngày 30 tháng Tư mà tôi nghe được, đọc được, đến nay tôi vẫn chịu cách diễn tả trên nhất.

“Cảm giác như nhìn thấy vợ mình đang nằm trong tay một người đàn ông khác” là cảm giác thật đau đớn trước một thực tế phũ phàng đập vào mắt mình, mà đành “bó tay” vì bất lực. Tôi cho là không có cách ví von, diễn tả nào “thật” hơn và đúng hơn thế. Còn nỗi đau nào hơn trông thấy người vợ yêu quý của mình bị cưỡng đoạt, vùi dập trong tay gã đàn ông xa lạ. Những ai chưa có vợ ngày ấy có thể hình dung người mình yêu nằm gọn trong vòng tay của tình địch. Giá mà kẻ tình địch ấy bảnh trai hơn, văn minh lịch sự hơn mình thì cái đau ấy còn ít, đằng này thì… “tiếc thay cây quế giữa rừng, để cho thằng Mán thằng Mường nó leo”.

Phải thương nước thương nòi ghê lắm, phải đau và hận ghê lắm mới diễn tả được nên lời cảm xúc như thế. Cách ví von ấy rất tượng hình, và tôi tin rằng không ít người có cùng một cảm giác như ông Luyện vào cái ngày thương tâm ấy. Riêng tôi, mãi đến nay cứ mỗi lần hồi tưởng lại cái “biến cố” đó là mỗi lần “đau nhói” trong lồng ngực đến mấy giây vì cảm giác ấy.

Ông Luyện nói thêm,

Sự đau đớn đã làm tôi khóc nhiều ngày, mắt tôi sưng lên. Trong tù rất đói, mà những ngày đó tôi không ăn được nữa.”

Đúng vậy, làm sao ăn nổi, làm sao nuốt cho trôi nỗi đau và hận ấy.

Tôi vẫn chuộng những cách ví von tượng hình như thế, chẳng hạn như cách nói “như đàn kiến loi ngoi bò trong lòng chảo nóng” để diễn tả cảnh hoảng loạn của người dân Saigon đang nháo nhào, cuống cuồng tìm đường thoát thân trong những cố gắng tuyệt vọng vào những ngày cuối tháng Tư ấy. Tôi cũng là một chú kiến nhỏ trong lòng chảo tháng Tư ấy, cũng nháo nhào tìm một lối thoát và sau cùng tuyệt vọng, đành chờ bức màn đen của số phận phủ chụp xuống đời mình.

Cái lòng chảo khổng lồ ấy là số phận của cả một dân tộc.

Triệu Người Vui, Triệu Người Buồn
Ông Nguyễn Hữu Luyện nằm bẹp trong một trại tù ở ngoài Bắc (ông bị bắt năm 1966), chỉ xem ảnh trong một tờ báo thôi mà đã “cảm thấy đau nhói trong lòng” như thế, tôi và những bạn bè tôi còn “đau” đến mức nào khi trông thấy tận mắt những chiếc xe tăng của lính Bắc Việt chạy ngờ ngờ giữa lòng thành phố. 

Không chỉ đau vì người mình yêu bị cưỡng đoạt, tôi còn đau cái đau khác khi trông thấy những khuôn mặt rạng rỡ của từng đoàn người đổ ra ngoài đường phố hoan hô “bên thắng cuộc” (như đã từng hoan hô các “bên thắng cuộc” khác trong cuộc “cách mạng” lật đổ nền Đệ Nhất Cộng Hòa và những cuộc đảo chánh, chỉnh lý tiếp theo sau đó), trong lúc tôi và các đồng đội cúi gầm mặt lầm lũi đi vào các trại tù cải tạo.

Hoan hô “Bên thắng cuộc” [SIC] ngày 30/4/1975 (lật đổ chính quyền VNCH)

Tấm ảnh này có thể “gây sốc” (nói như trong nước) cho không ít người, thế nhưng chúng không biết nói dối và là những “ảnh tư liệu” cho thấy hai mặt khá phũ phàng của cuộc sống mà lắm khi chúng ta chỉ nhắm vào một mặt và quên đi hay cố tình quên đi cái mặt kia, cũng như không muốn nghe những sự thật khó nghe.

Người khác có thể nói “chỉ một số nào đó thôi”, hoặc số người này bị ép uổng sao đó, thế nhưng nói gì thì nói, những vẻ mặt tươi vui rạng rỡ, những tiếng reo hò phấn khởi hồ hởi của đám đông “cứ bên nào thắng là ta hoan hô”, đặc biệt là những “em gái hậu phương” áo dài trắng ấy cũng đủ làm tan nát lòng những người lính xấu số trong cuộc “đổi đời” nghiệt ngã ấy.

Thực tình thì thời nào cũng có, ít hay nhiều, những kẻ “ăn theo”, những kẻ “đón gió trở cờ” và “gió chiều nào theo chiều ấy” để dễ dàng quăng đi không chút tiếc thương lá cờ vàng của hồn thiêng sông núi, của máu thắm biết bao người đã đổ ra cho họ có được cuộc sống tự do no ấm, và chụp vội lấy lá cờ xa lạ của “bên thắng cuộc” mà phất lia phất lịa, để tỏ ra có tinh thần “giác ngộ cách mạng” sớm hơn ai hết.
Có điều, người dân miền Nam còn ngây thơ, dễ tin chứ người cộng sản thì không ngây thơ, cho nên các diễn viên phụ “chạy cờ” này khi xong việc bèn được mời đi chỗ khác chơi cho rộng chỗ, còn đứng xớ rớ có khi lại bị hốt đi cải tạo vì tội “cướp công cách mạng”.

Đến cả thành phần thứ ba, thứ tư gì đó cũng được cho “tan hàng, cố gắng”, và các tờ báo “đối lập” như tạp chí Đối Diện (Đứng Dậy, Đồng Dao), nhật báo Tin Sáng đều lần lượt được cám ơn và cho nghỉ hưu non với lý do đã “hoàn thành tốt nhiệm vụ” (mặc dù ai cũng biết là truyền thông báo chí luôn đồng hành với mọi sinh hoạt của người dân chứ làm gì có chuyện… đã hoàn tất nhiệm vụ).

Biến cố 30 tháng Tư là biến cố “kẻ khóc, người cười” của dân tộc Việt. “Một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn,” câu nói ký tên ông cựu Thủ Tướng CSVN Võ Văn Kiệt cũng khá phổ biến không thua gì câu nói “Đừng tin những gì cộng sản nói mà hãy nhìn kỹ những gì cộng sản làm” của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Cái ý của ông Kiệt không có gì mới, nếu có “mới” chỉ là mới được nghe lần đầu từ một quan chức chính quyền CSVN.

Nhiều người chê trách ông Kiệt là chỉ nói được câu ấy sau khi đã về vườn, chẳng còn quyền bính gì trong tay. Điều này có thể hiểu được, lúc còn tại chức dẫu có muốn nói cũng chẳng dại gì nói để còn ngồi yên vị được trên chiếc ghế Thủ Tướng. Tuy rằng có muộn màng nhưng “có còn hơn không”, nói được như thế cũng là giỏi rồi.
Có điều ông Kiệt chỉ nói chung chung thế thôi, thực tế thì có nhiều trường hợp vui buồn khá “phức tạp” mà ông khó lường trước được, gọi là “khi buồn, khi vui” hoặc “trước buồn, sau vui” hoặc “trước vui, sau buồn”, chứ không hẳn chỉ là vui hoặc buồn. 

Chẳng hạn có người chưa kịp vui thì đã buồn, hoặc thoạt đầu đứng về phía “triệu người vui”, đến khi tỉnh người ra, thấy mọi việc không như mình tưởng thì lại buồn tê tái và nhập vào “triệu người buồn”. 

Ngược lại, có nhiều người thoạt đầu đứng về phía “triệu người buồn”, buồn đến độ phải bỏ nước ra đi, đến lúc quay về lại thì vui quá là vui, bèn chạy tọt sang phía “triệu người vui” (như là các “Việt kiều yêu nước” xênh xang áo gấm về làng, hoặc các ca sĩ “miền Nam ruột thịt” dắt díu nhau về quê hát véo von và cảm động đến rơi nước mắt khi được nhà nước chiếu cố cho tổ chức những đêm liveshow “hoành tráng” đánh dấu sự nghiệp hát hỏng một đời). 

Số người “buồn đổi ra vui”, “hết khóc lại cười” ấy cho thấy chẳng có “lập trường” rõ rệt chi cả về việc biểu tỏ trạng thái tình cảm của mình, vì vậy cũng khó mà xếp vào cột nào trong hai cột “triệu người vui” và “triệu người buồn” của ông Võ Văn Kiệt.
Một trong số “triệu người vui”
Một trong số “triệu người buồn”

Tên Gọi Khác cho Ngày 30 Tháng Tư

Hồi tưởng về những kỷ niệm vui, người ta không còn cảm thấy vui nữa; hồi tưởng về những kỷ niệm buồn, người ta vẫn còn cảm thấy buồn khổ.”

Câu ấy đúng hơn bao giờ khi tôi đọc trên báo, xem trên đài truyền hình những câu chuyện và cảm xúc của nhiều người về những ngày cuối tháng Tư ấy. Những câu chuyện vẫn còn nóng hổi như mới xảy ra ngày hôm qua và những cảm xúc vẫn còn tươi rói, nguyên vẹn. Tôi nhìn thấy những khóe mắt đỏ hoe, tôi nghe thấy những giọng nói rưng rưng, nghẹn ngào. Sau 40 năm, dòng nước mắt ấy vẫn chưa cạn, nỗi đau ấy vẫn chưa nguôi, vết cắt ấy vẫn chưa lành.

Viết về ngày 30 tháng Tư là viết về những gì không vui, những gì nặng nề. Thật không may cho tháng Tư, trở thành tháng ít được thiện cảm nhất trong số mười hai tháng của một năm cũng vì gợi lên những cảm giác nặng nề ấy. “Tháng Tư đen”, trong cái nghĩa đó, là tháng của số phận đen tối phủ trùm lên đất nước, dân tộc. Những ai có muốn quên cũng không dễ gì quên được những ngày ấy, tháng ấy khi mà tấm lịch nào giở ra hoặc treo lên cũng có nguyên tờ lịch tháng Tư và cũng nhìn thấy rành rành con số cuối cùng của cái tháng oan nghiệt ấy.

Có những tên gọi khác nhau ở trong nước và ngoài nước cho ngày 30 tháng Tư năm 1975. Những cách gọi và tên gọi khác nhau ấy đẩy người Việt ra xa ở hai phía đối nghịch. Phía này trang trọng cử hành lễ truy điệu anh hùng tử sĩ và “tưởng niệm 40 năm Ngày Quốc Hận”; phía kia rầm rộ tổ chức diễu hành diễu binh “kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”, trong lúc vẫn tiếp tục kêu gọi thực hiện “hòa giải, hòa hợp dân tộc”.

Người cộng sản vẫn tỏ ra xuất sắc trong những chiêu lừa gạt. Đã từng là nạn nhân của những vố lừa đau điếng đến “thân tàn ma dại”, người ta không còn cho phép mình tiếp tục ngây thơ, ngu dại nữa. Cái khó cho người cộng sản bây giờ là khó mà làm cho người ta tin được nữa, dẫu họ có tỏ thiện chí cách nào thì cũng bị nhìn dưới cặp mắt ngờ vực, hoặc giả nhân giả nghĩa, hoặc ve vãn phỉnh phờ, hoặc có “ý đồ” gì đây.

Nạn nhân của những quả lừa ngoạn mục ấy không chỉ là người miền Nam mà cả người miền Bắc, và người miền Bắc còn “đau” hơn nhiều. Mãi đến lúc đặt chân lên vỉa hè của thành phố lớn vừa được “giải phóng” thì mới ngã ngửa ra, “Thôi chết rồi, thế là mình bị lừa mất rồi!” “Mất rồi” là đánh mất cả tuổi thanh xuân, cả những năm tháng tươi đẹp nhất của một đời người, hoặc hơn thế nữa, cả một đời làm “cách mạng”. Thế là khóc như mưa. Thế là tình yêu biến thành tình hận.

Ngày 30 tháng Tư tôi còn khóc vì một lý do khác nữa là vì chúng tôi bị lừa. Chúng tôi đi không nghĩ ngày về, chúng tôi tưởng đấy là chiến thắng quân ngoại xâm nhưng thực sự hoàn toàn là không phải. Và tất cả tuổi trẻ của chúng tôi đã bị tiêu hủy đi hoang phí. Và vì vậy mà tôi khóc. Trong những giọt nước mắt của tôi có cái phần chung cho dân tộc và có phần riêng của chúng tôi, của những người bạn tôi đã chết và của bản thân tôi đã hy sinh tuổi xuân một cách vô ích.”

Người thốt lên những lời lẽ chua xót trên là nhà văn miền Bắc Dương Thu Hương, trong cuộc nói chuyện với đài Á Châu Tự Do tháng trước.

Một nạn nhân người miền Bắc khác, “nghệ sĩ ưu tú” Kim Chi (người có lần khiêm tốn từ chối bằng khen thưởng của ông Thủ Tướng và “nói thẳng nói thật” rằng chỉ vì không muốn trong nhà mình “có chữ ký của kẻ đang làm nghèo đất nước, làm khổ nhân dân”), cũng bày tỏ những “cảm xúc tháng Tư” của mình với phóng viên đài VOA như sau:

Bây giờ trong lòng tôi nó lạ lắm. Ngày 30 tháng Tư thì tôi thương nhớ đồng đội của tôi vô cùng, nhưng mà tôi cũng thương những người lính Việt Nam Cộng Hòa, và tôi nhận ra rằng trong cái cuộc chiến này người thắng người thua cũng đều đau, đều mất mát, đều đổ máu hết, cho nên thật lòng mà nói thì tôi cảm thấy nó rưng rưng mà xót xa lắm chị à.”
Nói thêm về “những người lính Việt Nam Cộng Hòa”, bà Kim Chi bộc lộ,

Với tôi, những ai sẵn sàng đem tính mạng của mình ra để bảo vệ đất nước thì tôi đều coi tất cả là anh hùng. Vinh danh những người lính VNCH ở trận chiến Hoàng Sa năm 1974 là một việc làm vô cùng ý nghĩa. Nó biểu hiện lòng biết ơn sâu sắc của nhân dân và đất nước đối với những người con ưu tú của tổ quốc Việt Nam.”

Và gần đây nhất là những bộc bạch trong lá thư bà Kim Chi vừa gửi ra từ Hà Nội, 40 năm sau ngày 30/4/1975:

Bây giờ tôi mới thấy đó là niềm vui ngộ nhận. Hóa ra, niềm vui, niềm tin và những hy vọng cứ sáng lên trong tôi suốt thời chiến trường khói lửa ấy là do ‘nghệ thuật tuyên truyền’… Những năm bom đạn ‘đi theo lý tưởng’ thì quả là ‘lớn rồi mà còn ngây thơ’. Tôi cũng như biết bao đồng đội đã ‘ngây thơ’.

Bây giờ mỗi lần 30 tháng Tư, tâm trạng tôi rất đau đớn, vì niềm tin vào đảng CSVN và chế độ XHCN hoàn toàn đổ vỡ. Nỗi đau buồn không diễn tả được bằng lời. Ngày xưa tôi khóc trong niềm vui chiến thắng, nay tôi lại phải khóc trong nỗi đau thời cuộc, trong những nỗi buồn da diết.”

Những “sự lừa dối ngọt ngào” ấy khủng khiếp đến mức nào khiến cho những kẻ bị lừa khi chạm mặt với sự thật đều phải bật khóc, phải đớn đau, phải thốt ra những lời lẽ đắng cay, chua xót đến như thế.

Tên gọi “Ngày Quốc Hận”, vì vậy không chỉ có ý nghĩa đối với “bên thua cuộc” ở miền Nam mà cả người trong Nam ngoài Bắc, cả những ai từng là nạn nhân, từng say mê “lý tưởng cách mạng” và theo đuổi cái “chiến thắng vĩ đại” ngày 30 tháng Tư mà bà Dương Thu Hương gọi là một “ảo ảnh”, để rồi “sáng mắt sáng lòng” khi nhìn thấy cái ảo ảnh óng ánh, lung linh ấy vỡ tan như những bong bóng xà-phòng.

Đối với rất nhiều gia đình ở miền Nam, ngày 30 tháng Tư là ngày khơi dậy những kỷ niệm buồn, là ngày gợi lên những nỗi đau và những tiếc thương vô hạn. Nhiều gia đình lấy ngày này là ngày giỗ cho người thân yêu mình, những người đã chết tức tưởi hoặc xem như đã chết vì mất tích và đến nay vẫn biệt vô âm tín sau những năm chờ tháng đợi mỏi mòn. Đối với nhiều người chạy thoát ra được nước ngoài trước, trong và sau ngày Saigon hấp hối ấy thì ngày 30 tháng Tư là ngày nước mất nhà tan, ngày sinh ly tử biệt. Tháng Tư vì thế được xem như tháng của tưởng niệm, của tưởng tiếc những nỗi mất mát, tang tóc và chia lìa.

Trước nỗi thống khổ của người khác, người ta chỉ có nghiêng mình và… thinh lặng. Reo hò, nhảy nhót, cười cợt để tỏ sự hả hê, vui sướng trên nỗi đau của đồng loại là việc làm chỉ có ở những kẻ mất nhân tính, thiếu lương tri, và chỉ khoét sâu thêm cái vết thương mà ông Võ Văn Kiệt gọi là “vết thương chung của dân tộc, cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu”, và chắc chắn đấy không phải là cách tốt nhất để tỏ thiện chí “hòa giải, hòa hợp”.
Theo tin báo chí trong nước, “lãnh đạo thành phố Đà Nẵng quyết định chi gần 20 tỷ đồng trích từ ngân sách thành phố để mở tiệc ăn mừng 40 năm giải phóng Đà Nẵng”, và “nhiều buổi tổng duyệt quy mô trong suốt những tuần qua để chuẩn lễ cho đại lễ ‘kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước’ sẽ diễn ra tưng bừng trong cả nước vào ngày 30 tháng Tư này, với những màn bắn pháo hoa rực trời và diễu hành, diễu binh thật hoành tráng có đến 6 ngàn người tham gia.”

Đọc bản tin về những màn biểu dương lực lượng rất “khí thế” này, tôi bỗng nhớ đến ngày 30 tháng Tư của 40 năm về trước. Đâu đâu cũng trông thấy cờ xí ngờm ngợp, những biểu ngữ đỏ chói giăng đầy đường phố, đâu đâu cũng nghe thấy vang lên những bài hát “cách mạng” nhịp quân hành rầm rập, trong lúc loa phóng thanh liên tục mở hết cỡ phát đi những khẩu hiệu ròn rã. Nào là “Chiến công vĩ đại”, “Cuộc kháng chiến thần thánh”, “Chủ nghĩa Mác-Lênin vô địch muôn năm!”, nào là “Đỉnh cao chói lọi trong lịch sử vẻ vang của dân tộc”, “Đánh thắng hai đế quốc sừng sỏ nhất thế giới là Pháp và Mỹ”, nào là “Vinh quang này thuộc về…, vinh quang kia thuộc về…”, kể ra không hết.

Có vẻ như tên gọi “Ngày Quốc Hận” được hầu hết người Việt “bên thua cuộc” tán đồng để gọi ngày 30 tháng Tư, và cũng khó mà tìm được tên gọi nào tốt hơn; 
tuy nhiên, nếu cần phải tìm một cái tên gọi cũng ngắn gọn như thế cho “bên thắng cuộc”, là cái bên lúc nào cũng vênh mặt lên với vẻ dương dương tự đắc mà bà Dương Thu Hương gọi là “chiến thắng vênh vênh váo váo”, tôi nghĩ chắc cũng không khó lắm. 

Ở trong nước có một cái “từ” khá phổ biến, và thiết nghĩ ta có thể dùng cái từ khá thích hợp ấy để đặt tên cho ngày 30 tháng Tư của “bên thắng cuộc”: Ngày Tự Sướng.




Lê Hữu
(29/4/2015)

No comments:

Blog Archive