Tuesday, January 25, 2022

Phú “heo quay”

Tác giả : Nguyễn thị Thanh Dương Nguồn: Báo Trẻ 
Chiều nay, bán hết heo quay vịt quay sạch bách như mọi ngày, Phú sửa soạn đi gặp Quang, bạn cũ thời đại học ở Wichita, tiểu bang Kansas, sau mấy chục năm xa cách. Quang về thăm gia đình người chị tại thành phố Dallas, Texas và gọi phôn hỏi thăm Phú. Hai người hẹn gặp gỡ hàn huyên, Phú sẽ đến nhà chị của Quang.

Phú và Quang cùng khóa kỹ sư cơ khí, sức học ngang nhau, cùng học hành chăm chỉ, cuối tuần không đi chơi không nhảy đầm. Từ năm học thứ ba cả hai xin đi làm part time về cơ khí, kỹ nghệ họa để lấy kinh nghiệm khi ra trường dễ xin việc làm. Trước khi ra trường khoảng một semester, Quang đã được hãng Boeing gọi phỏng vấn và nhận với mức lương lý tưởng hơn 25 ngàn vào thời điểm năm 1986, còn Phú thì chẳng nơi nào nhận dù đã nộp đơn xin việc nhiều nơi, từ hãng tư nhân đến cơ quan chính phủ. Ðiểm tốt nghiệp của Phú và Quang đều 3 chấm.

Nhiều bạn khác cùng khóa, trước sau đều xin được việc làm, thậm chí anh Chung điểm ra trường dưới 3 chấm cũng xin được việc tại một hãng nhỏ. Dù hãng lớn hay hãng nhỏ, sinh viên vừa tốt nghiệp ra trường, ai cũng mong được đi làm để kiếm tiền và nhất là cho bằng cấp của mình không bị cũ, không bị lãng quên theo thời gian, uổng phí công học hành và tiền bạc. 

Theo kinh nghiệm chỉ dẫn của đàn anh đi trước, mỗi lần được gọi phỏng vấn Phú đều chuẩn bị kỹ lưỡng, từ hình thức đến nội dung, quần áo chỉnh tề nhã nhặn, đầu tóc gọn gàng và chàng đã tập ăn nói trước gương cho lưu loát, khiêm tốn nhưng không tự đánh giá mình quá thấp, tự tin nhưng không tự cao… Thế mà lần nào chàng cũng rớt đài. Phú chán nản cho là phần số, có thể những lần Phú được phỏng vấn hoặc người phỏng vấn đang có tâm sự không vui nên… ghét lây Phú hoặc đợt phỏng vấn ấy có nhiều người tài giỏi hơn nên chàng thành lép vế.

Cũng kinh nghiệm từ những đàn anh đi trước nói rằng, ra trường hai năm không xin được việc là… vĩnh viễn không xin được việc, văn bằng bỏ xó. Phú cần phải học lên Master thì may ra sẽ có cơ hội tìm được việc. Mỗi năm, người ta lại tuyển việc những sinh viên vừa tốt nghiệp, ai quan tâm làm gì đến bằng cấp… năm ngoái năm kia của chàng.

Phú mệt mỏi, không muốn thử thách với học hành nữa, nhưng chàng loay hoay chưa biết làm ăn gì, chẳng lẽ mang văn bằng kỹ sư cơ khí ra xin việc làm lao động hãng xưởng ăn lương giờ. Ðau cho cái bằng đại học lắm.

Cha Phú xưa kia làm công trong lò heo quay ở Bạc Liêu chủ nhân người Hoa, từ lúc ông mới mười mấy tuổi cho đến khi đi Mỹ mới thôi, ông quá rành quá giỏi với nghề quay heo vịt. Cha Phú những ước mong sang Mỹ, các con sẽ học hành thành ông nọ bà kia. Không ngờ có lúc phải dùng đến nghề này, ông bàn với Phú, ông sẽ thuê chỗ trong chợ mở một tiệm heo quay cho Phú, mình làm chủ buôn bán kiếm tiền chẳng việc gì phải đi làm công cho hãng trong khi mình là… kỹ sư.

Hai anh chị của Phú đều tốt nghiệp đại học có công ăn việc làm ngon lành, còn Phú thì lận đận nên cha mẹ càng thương yêu, muốn đỡ đần thằng út.

Nghĩ tới việc đứng trong quày bán heo quay nơi chợ búa, Phú xấu hổ ngại ngùng nhưng nghe cha khích lệ, công việc tuy mỡ màng mắm muối mà lời bộn. Ðường cùng, Phú đành theo ý cha, trước mắt là kiếm sống rồi sẽ tính sau, tìm công việc làm ăn khác lịch sự hơn, chẳng trông mong xin việc làm theo ngành nghề mình đã học nữa. Bằng tốt nghiệp kỹ sư ai lộng kiếng treo trên tường chứ riêng Phú xếp dưới đáy rương, coi như món đồ kỷ niệm.

Ðúng như cha tính toán, tiệm heo quay vịt quay mở trong chợ dần dần quen khách và đắt hàng hồi nào không hay. Người ta truyền tai nhau, khen heo quay vịt quay ngon mà cả heo xá xíu, dồi heo, phá lấu heo cũng ngon, chẳng những thu hút được mấy bà đi chợ mà người không đi chợ cũng ghé vào mua, rồi người ta đặt hàng những dịp ma chay cưới hỏi hay lễ lạt. Công việc bán heo quay tấp nập một vốn bốn lời, Phú bỏ hẳn ý định sẽ kinh doanh ngành nghề khác, nghề “lịch sự” ngồi văn phòng máy lạnh như bán bảo hiểm, khai thuế đăng quảng cáo quanh năm trên báo, nhiều người ngồi ngáp dài chờ khách kìa.
Vài bạn quen cùng lớp kỹ sư cơ khí với Phú ngày nào, nay họ ăn mặc quần áo lịch sự, làm việc trong văn phòng cũng lịch sự với danh xưng kỹ sư, thỉnh thoảng đi công tác đó đây, giao thiệp với khách hàng được hãng chi trả tiền máy bay, tiền khách sạn thật le lói. Còn nơi làm việc của Phú chỉ là một không gian nhỏ hẹp trong chợ, không tên không bảng hiệu, khách hàng tùy tiện gọi chàng bằng nghề bán heo quay: “Anh heo quay, chú heo quay…”, chẳng ai cần biết tên thật của chàng.

Sau cái tủ kính treo lủng lẳng một con heo quay vàng rộm, những con vịt quay mới ra lò chảy mỡ bóng lộn là Phú mặc tạp dề sẵn sàng với dao thớt. Khách hàng của Phú đủ loại, từ ông già bà cả về hưu hay ăn trợ cấp đến các bà đi chợ, các cô cậu trẻ tuổi thanh xuân, kiểu nào Phú cũng chiều, cũng làm vừa lòng khách hàng.

Có lúc, Phú đang cặm cụi lau chùi lại vài thứ trên bàn, lưng quay ra ngoài thì nghe tiếng gọi thân thương:

- Chú heo quay ơi, cho chị “pao” heo quay chỗ này nè. Chặt size nhỏ cỡ này nè.

Có ông bị vợ sai đi mua, ở nhà sợ vợ thế nào không biết, ra chợ, ông ra oai:

- Này, này… anh heo quay, tuần trước anh bán tôi miếng đùi nhiều nạc quá, lần này lựa cho tôi 2 “pao” chỗ sườn non coi. Chặt thêm cho tôi con vịt quay lấy phao câu coi.

Phú răm rắp chiều theo ý khách hàng. Ðôi khi mấy bà mấy cô còn nhờ chàng “cố vấn” nấu nướng nữa chứ:

- Chú biết heo quay kho dưa chua cách nào cho ngon không?

- Vịt quay nấu vịt tiềm thế nào hả anh?

Dù sao những câu hỏi “gia chánh” này cũng liên quan đến món hàng Phú bán nên chàng vui vẻ trả lời, những món này má Phú thường nấu ăn trong nhà nên Phú cũng rành.

Phú lấy vợ, vợ chàng làm kế toán cho một công ty, nàng may mắn hơn Phú là học xong, xin được việc ngay, nàng rất hiểu chuyện và thông cảm Phú tốt nghiệp đại học 3 chấm mà không xin được việc. Số trời !

Phú có hai đứa con, một gái và một trai. Gia đình chàng sống chung với cha mẹ, cha thì lo quay heo quay vịt, má ở nhà lo cơm nước cho con cháu, vợ chồng Phú yên tâm làm việc, buôn bán.

Mấy chục năm qua Phú đã nghiễm nhiên thành ông chủ tiệm heo quay nổi tiếng trong thành phố, chàng chẳng còn tủi thân mỗi khi nhìn thấy tấm bằng kỹ sư dưới đáy rương nữa. Vài bạn đại học xưa biết chàng đang bán heo quay, có bạn gọi phone hỏi thăm và không quên nói vài câu vuốt ve an ủi chẳng làm Phú mủi lòng như thời gian đầu mới làm nghề nữa.

Mấy bạn thân sơ ấy truyền nhau tin “không may” của Phú, học hành chẳng đến nỗi kém cỏi gì mà phải đành đoạn đứng bán heo quay trong chợ. Họ gọi chàng là Phú “Heo Quay” như các bà đi chợ đã gọi “anh heo quay”. Chẳng lẽ cái nghề heo quay đã vận vào cuộc đời chàng từ kiếp nào? Thế thì chàng đã đi lộn đường khi ngày xưa chọn học kỹ sư cơ khí.

oOo

Phú chặt đầy một hộp heo quay và một hộp vịt quay, chàng lựa miếng thịt heo ngon nhất, con vịt cũng ưng ý nhất để làm quà cho bạn, không gì bằng “cây nhà lá vườn”.

Thấy Phú mang theo hai hộp heo quay vịt quay, Quang ái ngại:
- Bày đặt làm chi, để thịt quay bán mà kiếm tiền, buôn bán lời lãi là bao. Tao tính đợi mày đến đây rồi mời ra quán, bất cứ quán nào mày thích.

- Thôi, mình ăn tại nhà cho vui tha hồ nói chuyện.

Hai người bạn gặp nhau sau mấy chục năm vắng tin thật nhiều bồi hồi cảm xúc. Quang ra tủ lạnh lấy vài chai bia. Bia thịt bày ra ê hề cho cuộc hàn huyên tâm sự. Quang đã là kỹ sư kỳ cựu thâm niên đầy kinh nghiệm của Boeing ở Long Beach California, đề án hãng giao một tháng Quang chỉ làm 3 tuần là xong nên luôn được boss tín nhiệm, mấy chục năm qua hãng Boeing những lúc gập ghềnh sóng gió phải lay off kỹ sư và nhân viên nhưng chỗ đứng của Quang vẫn an toàn cho đến giờ. Mãi sau này Quang mới biết tin Phú bán heo quay ở Dallas, Quang đã thất vọng và thương bạn biết bao. Quang lựa lời an ủi:

- Con người ai cũng có số, mày học giỏi nhưng số không may mắn mà thôi

Khi Quang chân tình hỏi cuộc sống của bạn, lợi tức từ cửa hàng heo quay làm Quang giật cả mình khi so với lương kỹ sư hàng top của mình. Ðứa con gái lớn của Phú đang học y khoa một năm nữa ra trường, thằng em thì đang học kỹ sư tin học mà học rất giỏi.

Quang thở phào vui vẻ nói với Phú:
- Trời ơi, vậy mà từ lúc nghe tin mày bán heo quay trong chợ, nghe các bạn thương cảm tao cứ… tội nghiệp và ái ngại, không dám gọi phone hỏi thăm, sợ mày buồn và mặc cảm. Nếu không có cuộc tâm sự ngày hôm nay thì ai mà ngờ cuộc sống mày sung túc nhờ heo quay vịt quay, tiền của đã nhiều lại có một gia đình hạnh phúc, hai đứa con ngoan là gia tài vô giá. Tao tin là hai con mày ra trường sẽ có tương lai, công việc đúng ngành nghề.

Phú cũng tự tin:
- Có lẽ ông trời không nỡ bất công quá đáng với tao, đã bù lỗ cho tao làm ăn khá giả và phần vợ con như ý. Tao cũng tin hai con sẽ gỡ gạc giùm tao những thất vọng năm xưa.

Quang nâng ly bia:
- Nào, tao với mày cùng uống ly bia đầy, mừng ngày tao ngộ và mừng cho Phú “heo quay” luôn. Bây giờ biết đâu bao đứa bạn cùng học với chúng ta năm xưa nếu biết rõ về Phú “heo quay” thì sẽ ghen tị và ước gì được như thế đấy.

NTTD

No comments:

Blog Archive