Thursday, January 6, 2022

NGƯỜI MẸ TỘI LỖI

Truyện của Phương Lan
( truyện hư cấu, mọi sự trùng hợp là ngoài ý muốn của tác giả)

Vừa từ siêu thị về, cô Janet thắng xe đến két một cái, cho xe gầm lên một tiếng lớn rồi mới tắt máy, đậu ngay trước dãy apartment nơi cô cư ngụ. Đây là một khu nghèo của thành phố Westminster, dân ở thuê đa số là dân tỵ nạn người Á đông. Vài bà đang coi trẻ con chơi đùa trên bãi cỏ, vội ngẩng lên nhìn, dơ tay chào và miệng nở nụ cười thân thiện. Nhưng cô phớt lờ, chào hỏi làm gì cái bọn nhà quê ấy? Cô xách bóp đầm, vén váy bước ra khỏi xe, rồi bằng một dáng điệu rất Mỹ, cô hất hàm gọi lớn:

- Lucy, Johnny come here! Help mommy bring bags home, hurry!

Ý cô muốn gọi hai đứa con của cô ra phụ với mẹ mang đồ vô, nhưng vì muốn làm le nên cố cố tình mà gào to lên câu tiếng Mỹ trên đây, bằng một giọng phát âm sai bét, khiến vài người đi đường phải kín đáo mỉm cười... Không, không có gì đáng chế diễu hết, nếu ta phải nói tiếng Mỹ, dù là nói sai đi nữa với người Mỹ, nhưng đàng này... Cửa bật mở, hai đứa nhỏ chạy ùa ra... Ô kìa, chúng là Việt Nam da vàng mũi tẹt trăm phần trăm: một đứa bé gái tóc thắt bím, khoảng chín, mười tuổi, và một chú bé trai lên năm tuổi. Chú bé níu lấy áo mẹ, láu táu hỏi:
- Má, má mua gì nhiều thế?

Cô Janet trừng mắt, lại quát bằng tiếng Mỹ:

- Shut your mouth, go home! (câm miệng, đi vô)

Đứa nhỏ cụt hứng, lẳng lặng theo mẹ vào nhà. Vừa đóng xong cửa, cô quay lại, dí ngón tay vào trán thằng nhỏ, mắng nó bằng tiếng mẹ đẻ, giọng miền biển nặng chịch:

- Tao đã dặn mày cả ngàn lần rằng, không được nói tiếng Việt ở ngoài đường, hoặc giữa chỗ đông người mà. Sao không nghe, đồ con lừa!

Tội nghiệp đứa bé bị mắng oan, mới từ Việt Nam qua, lại chưa đến tuổi đi học, thì học tiếng Mỹ ở đâu ra chứ? Má nó cấm nó nói tiếng Việt ở ngoài đường, thì mỗi khi cần nói, chẳng lẽ nó lại ra dấu bằng tay như người câm? Nó biết là nó bị oan, nhưng chưa đủ trí khôn để cãi lại má nó. Cũng may hôm nay cô Janet vui, không thì thằng nhỏ dám bị ăn mấy cái tát nên thân không chừng. Cô Janet vui, vì cô vừa tìm được việc làm, một chân dán nhãn, vô hộp trong một hãng chuyên sản xuất đồ đông lạnh của Mỹ.

Cô Janet đi tìm việc làm, chẳng phải vì thương mà muốn góp sức với anh chồng vất vả đầu tắt mặt tồi của cô, mà vì đi làm đối với cô là một cơ hội để cô giao thiệp với người Mỹ, thi thố cái vốn liếng tiếng Anh của cô, mặc dù chẳng có là bao, nó chỉ là kết quả của một năm học ESL, chương trình dạy Anh ngữ cho người tỵ nạn. Nhưng đối với cô, một cô gái quê miền biển, ít học, chữ mẹ đẻ đọc còn chưa thông, thì ti toe được vài câu tiếng Anh cũng đủ để cô tự cho là môt điếu đáng hãnh diện.

Tối hôm đó, cô Janet bàn với chồng:

- Anh à, em nghĩ mình nên tìm một nơi ở mới khang trang hơn.

- Đi đâu? Anh Dũng không khỏi sửng sốt, ở đây tiền nhà rẻ, lại gần chợ, gần trường, gần sở làm.. tiện đủ thứ.

- Nhưng khu này nghèo nàn, bình dân quá

- Người ta ở được thì mình cũng ở được, có sao đâu?

- Trước kia khác. Cô òn ỷ, bây giờ cả hai vợ chồng đều có việc làm, tội gì cứ ở cái khu xập xệ này mãi? Đầu tháng tới em đi làm rồi, chúng ta sẽ có đủ tiền thuê một căn khá hơn. Nhà đàng hoàng à nghe, không phải apartment nữa.

Anh Dũng ậm ừ:

- Được, để thủng thẳng sẽ tính.

Biết rõ tình trạng tài chánh của mình, anh Dũng an phận với cái apartment vợ chồng con cái anh đang ở. Anh thấy cũng tiện nghi lắm, chẳng có gì đáng phàn nàn, nhưng vợ anh không nghĩ như vậy, cô luôn luôn ngó lên để mà tủi thân thấy chồng cô không bằng ai hết.

Kế hoạch hoãn binh của anh Dũng không còn hiệu quả, khi ngày đêm cô Janet làm mình làm mẩy. Rồi rút cuộc, anh cũng phải nhịn thua, như anh đã nhịn thua hồi mấy năm về truớc, khi cô nằng nặc đòi đổi tên mới để vào quốc tịch Mỹ. Cô lý luận:

- Đã sang tới đây rồi, có bao giờ về xứ được nữa? Thôi thì nhân dịp này đổi tên quách cho xong, đổi luôn lối sống cũ, để dễ hòa nhập vào xã hội Mỹ.

Anh Dũng đồng ý nhưng nói thêm:

- Vào quốc tịch Mỹ để mấy đứa nhỏ sau này dễ tìm việc làm, và hưởng quyền lợi như người Mỹ. Nhưng không phải vì mang một cái tên Mỹ mà trở thành con người khác, không nhớ đến nguồn cội của mình...

- Tôi nghĩ khác... Cô cau mày nói, tôi muốn xóa hết, làm lại tất cả, tôi không muốn nhắc đến cái tên cái tên Trần Thị Dậu và Nguyễn Văn Dũng nữa, quê lắm... Mà anh có biết tên anh, tiếng Mỹ có nghĩa là gì không? Dũng bỏ dấu đi thì đọc là Dung nghĩa là một loại phân trâu bò...

Anh Dũng giận tím mặt, nhưng chỉ cười nhạt:

- À thì ra cô muốn đổi quốc tịch và mang một cái tên mới, chẳng qua chỉ vì muốn xoá bỏ gốc gác?

- Chứ còn gì nữa? Cô Dậu tỉnh bơ đáp, cái quá khứ tối tăm của hai ta thì có gì đáng hãnh diện?

Anh Dũng lắc đầu chán nản, nhớ lại những hành động lố bịch của vợ mấy lúc sau này, cô tập hút thuốc lá, học nhảy đầm, ăn mặc hở hang kêu gợi. Vào tiệm ăn, hoặc khi có mặt ở những chỗ đông người, cô hoa chân muá tay, nói oang oang lên cái thứ tiếng Anh trật lất cả giọng điệu, lẫn văn phạm của cô. Anh thấy chướng tai gai mắt và khó chịu hết sức, nhưng vợ anh cứ tưởng là hay ho lắm, cô nói to đến nỗi làm mọi người phải chú ý đến cô. Và lần này thì quá lắm, cô dám đem tên chồng ra nhạo báng, thì không được rồi, anh tức giận mắng:

- Tôi không phản đối việc chọn một cái tên Mỹ để đi học, đi làm, giao thiệp cho dễ gọi. Nhưng nếu cô cho rằng vào quốc tịch Mỹ để lấy le, hoặc để xoá hết tông tích cũ của mình, thì cô mất gốc lắm. Còn cái tên tôi nữa, không ai mượn cô phải dịch ra tiếng Mỹ để mà chế diễu. Mấy lúc gần đây, hành động của cô lố bịch lắm mà cô không biết đó. Đừng đi quá trớn trong việc bắt chước chớ? Không phải cái gì của họ cũng tốt cả đâu, họ có cái hay của họ, thì ta cũng có cái hay của ta. Cô nên nhớ rằng những sắc dân như Nhật Bản, Trung Hoa... ở đây cả trăm năm rồi, mà vẫn giữ nguyên những phong tục, tập quán của dân tộc họ, họ vẫn bảo tồn văn hóa riêng của họ, và người Mỹ phải phục họ ở điểm đó

Cô Dậu không cãi được, nhưng hậm hực:

- Anh cù lần bỏ mẹ, tôi không thèm nói nữa. Được, cứ việc giữ cái tên cúng cơm của anh đi, còn tôi dứt khoát sẽ xoá hết tông tích cũ.

Vừa nói, cô vừa phì phèo hút thuốc lá, thở khói ra đằng mũi. Và sau đó thì cô làm thật, ấy thế là cô Trần Thị Dậu trở thành cô Janet, và hai đứa nhỏ có tên mới là Lucy và Johnny. Anh Dũng không phàn nàn về việc đổi tên, anh chỉ buồn vì sự thay đổi của vợ. Càng ngày cô càng đua đòi, ăn chơi quá trớn, nhưng anh cố chịu đựng cho qua. Lần này cũng vậy, anh lại nhịn thua, vì cái vụ dọn nhà, anh không cho là quan trọng, ở đâu chẳng được, nếu có điều kiện, thì cũng nên hưởng thêm một chút tiện nghi thoải mái do căn nhà mang lại.

Nhưng lần này, chính cô Janet mới bị hố, hố to vì cô đã chọn lầm môi trường để mà lấy le. Thật vậy, trước đây cô xấu hổ vì phải sống gần lũ đồng hương nhà quê của cô, cô biết đâu rằng chính nhờ cái lũ nhà quê ấy mới làm nổi bật cái văn minh của cô. Cô nhuộm tóc vàng hoe, mặc váy cũn cỡn, cô nện giầy cao gót kêu cồm cộp... còn có người ngó theo ngưỡng mộ (!?!) Cô nói tiếng Anh ồn ào, còn có người lắng nghe hoặc mỉm cười, vô ý đụng vào cái gì, cô kêu lớn "ouch" còn có người quay lại nhìn... Giờ đây sống giữa một khu toàn người Mỹ, cô ăn mặc cách gì cũng không làm cho họ chú ý, và cái vốn tiếng Anh của cô không còn cơ hội để loè mấy người đồng hương mới sang, để được nhìn những ánh mắt thán phục của họ. Bây giờ cô đem thi thố với người Mỹ, họ chẳng hiểu cô nói gì, nên đôi khi cô phải lập đi, lập lại hai, ba lần, hoặc dùng tay ra dấu, nên cô có hơi mắc cở.

Cô đem trút cái bực mình của cô lên anh chồng tội nghiệp. Cô thấy chồng cô sao quê mùa hèn hạ, lại gàn bát sách, đi đâu với chồng, cô tỏ ra bực mình và có vẻ mắc cở. Từ dạo đi làm, cô lại càng có dịp so sánh và thấy chồng cô thua tất cả mọi người, từ dáng dấp quê mùa, đến cách ăn ở của chồng, cô thấy chẳng văn minh tí nào. Ai đời đi với vợ, mà không bao giờ mở cửa xe cho vợ lên trước, và mỗi khi cô đi nhảy đầm, mà anh hay được là to chuyện, thể nào cũng phải nghe anh tra gạn, hạch hỏi, nhiếc móc những lời cay độc, làm tự ái cô bị thương tổn. Chả bù với lão xếp nơi sở cô, tuy già rồi nhưng khéo ăn khéo nói, giỏi tán tỉnh và rất khéo nịnh đầm. Lão thường nhìn cô với cặp mắt say đắm. Và chao ôi, cái xe của lão mới sang trọng làm sao! Đó là một cái Cadillac bóng lộn, với đầy đủ những tiện nghi tối tân. Nghĩ đến cái xe Pinto cà tàng của mình, cô buồn quá, xe gì đã cổ lỗ sĩ, lại trải qua mấy đời chủ, trông cũ xì, tróc sơn, máy nổ long xòng xọc nghe như trời gầm, mắc cở quá. Người đẹp như cô mà lái xe đó, thật chẳng xứng tí nào. Nghĩ vậy, cô lại thầm oán trách cái anh chồng vô tích sự, không lo cho vợ được bằng người, bằng ta.

Vì cô có quá nhiều nhu cầu, mà chồng cô không chu toàn được, nên cuộc sống trong gia đình không còn đầm ấm như xưa. Nó bắt đầu bằng những cuộc cãi vã, trước còn thỉnh thoảng, sau xảy ra hàng ngày, thường như cơm bữa, và kết thúc bao giờ cũng bằng cách bỏ đi của cô, hoặc đi dạo phố, hoặc đi nhảy đầm đến khuya mới về. Cô chẳng thèm để ý đến việc trông nom nhà cửa, săn sóc chồng con nữa. Một mình anh Dũng phải cáng đáng hết mọi công chuyện, từ đi chợ nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, và kèm học hai đứa nhỏ... Không ai chia sẻ với anh cả.

Những đêm thao thức không ngủ, nằm nghĩ sự đời, anh Dũng xót xa nhớ tiếc ngày xưa, ngày cô thiếu nữ Trần thị Dậu còn thẹn thùng bẽn lẽn, không dám ngẩng mặt lên, khi được anh đi coi mắt. Ngày ấy, nàng còn là một cô gái quê ngây thơ, đảm đang, chăm chỉ làm ăn, nàng được mẹ anh để ý đến, và giới thiệu cho anh. Anh Dũng có hiếu lắm, và anh đã cưới nàng để làm vui lòng mẹ, nhưng không phải vì thế mà gia đình anh không có hạnh phúc. Cô Dậu hiền thục và thủ phận làm vợ, mặc dù lúc đó anh chỉ là một trung sĩ nghèo. Cô Dậu kính phục chồng, hiếu thảo với mẹ chồng, cô vun quén nhà cửa, chăm lo gia đình thật chu đáo, và anh Dũng không khỏi hãnh diện khoe với mọi người rằng mẹ anh đã chọn được dâu thảo, vợ hiền. Cái gia đình nhỏ bé đó đã sống những năm tháng thật ấm êm, hạnh phúc.

Vài năm sau thì bà cụ qua đời, tiếp theo là biến cố tháng 4 năm 1975 làm nhiều người bỏ nước ra đi, trong đó có gia đình anh Dũng. Lúc đó anh đang phục vụ trong hải quân, nên may mắn đem được cả gia đình đi theo. Sang đến Mỹ, anh Dũng đi học nghề và ra làm thợ tiện, một cái nghề tuy vất vả, nhưng đồng lương đủ sống. Tiền bạc tuy không dư dả, nhưng đủ nuôi vợ con cơm no áo ấm. Trong khi đó, cô Dậu được đi học Anh ngữ. Ai dè đâu bả phù hoa đã quyến rũ cô, đã làm thay đổi hoàn toàn con người của cô... Anh Dũng thở dài không dám nghĩ tiếp, anh phải cố dỗ giấc ngủ để sáng mai còn phải dậy sớm đi làm.

Thế rồi việc phải đến đã đến, một hôm cô Janet tuyên bố:

- Em cần một cái xe mới, đi cái xe cà tàng từ thời Bảo Đại lên ngôi, trông hèn cả người, mắc cở quá. Nhà cửa của mình cũng vậy, luộm thuộm, chật chội, làm sao dám mở party mời bạn bè, em nghĩ sau này cũng nên tính lại. À còn chuyện này nữa...

- Nói luôn đi! Anh thở dài nhẫn nhịn.

- Anh nên tìm việc khác. Cô trề môi cười khinh bạc, nghề thợ tiện của anh chẳng danh giá tí nào. Chồng người ta là bác sĩ, kỹ sư, tệ ra cũng là chủ hãng, còn anh chỉ là thợ tiện, có nhục nhã không?

Anh Dũng điếng người, như bị một chậu nước lạnh hất vào mặt, anh giận run, nhưng có kềm giọng hỏi:

- Cô bảo tôi tìm việc khác, việc gì bây giờ? Cô thừa biết rằng muốn có một địa vị cao trong xã hội, thì phải giàu có, hoặc phải đến trường học cả chục năm, mà cả hai điều kiện này tôi đều không thể thực hiện được, vì tôi làm gì có tiền và có thì giờ đi học, tôi còn phải đi làm để nuôi gia đình... Cô đừng đòi hỏi một việc quá khả năng của tôi.

Tức thì cô Janet xầm mặt xuống, sẵng giọng nói:

- Người gì không có chí tiến thủ. Chẳng lẽ suốt đời tôi cứ phải lúi xùi như thế này mãi?

- Vậy chứ cô muốn gì?

- Muốn gì à, anh tự hỏi khắc biết. Anh bất tài, có lo cho tôi dược gì đâu, ngòai cuộc sống nghèo nàn, buồn tẻ lãng nhách? Đã thế lại còn thái độ hủ lậu của anh nữa, tôi không sao chịu nổi. Người gì kém văn minh, sống ở trên nuớc Mỹ này mà anh cấm tôi nhảy đầm với bạn trai, anh rình rập, anh đi bắt ghen, anh làm xấu mặt tôi. Người ta cười cho thúi mặt.

Không nhịn được nữa, anh Dũng gầm lên:
- Cười thúi mặt ai chứ, cười tôi à? Có lẽ cũng đúng, người ta cười tôi có một người vợ lố lăng, mất nết như cô. Thật đáng xấu hổ.

Cô Janet xì một tiếng, bĩu môi nói:

- Đừng nhục mạ tôi vội, anh tưởng tôi hãnh diện được làm vợ anh sao? Không đâu, tôi cũng xấu hổ lắm có người chồng như anh. Sao ta không tìm một giải pháp tốt đẹp cho cả hai?

- Giải pháp gì? Cô muốn nói...?

- Phải, tôi muốn nói chúng ta đường ai nấy đi, sống chung không được thì ly dị, tội gì cứ phải chịu đựng nhau mãi? Tôi chán ngấy cái nếp sống lúi xùi này từ lâu rồi.

Anh Dũng choáng váng mặt mày khi nghe chính miệng vợ anh nói ra câu dó. Thật sự, có đôi lúc anh cũng đã nghĩ đến giải pháp ly dị, nhưng anh thương con anh, anh không muốn chúng phải thiếu mẹ hoặc thiếu cha, nên anh đã cố chịu đựng cho qua. Nhưng bây giờ chính vợ anh đã nói ra, anh có không muốn cũng chẳng được. Khi người đàn bà đã lên tới cao độ của sự mù quáng, thì cũng chẳng khác gì con thiêu thân cứ lao bừa vào nơi có đèn sáng, để rồi chết tức tưởi. Anh biết vợ anh cũng đang lao đầu xuống vực thẳm, nhưng anh không sao cứu được, anh đau đớn nghĩ đến tương lai hai đứa con trước cảnh gia đình tan vỡ. Anh chỉ còn cách thở dài, cam chịu số phận...

Toà xử mỗi người được giữ một đứa con, và được quyền đến thăm đứa kia mỗi tháng hai lần. Thằng Út trả lời quan tòa rằng nó muốn được ở với cha, con Lucy thì xin được ở với mẹ. Thế là xong, giấy tờ được ký kết, và toà tuyên bố giải tán. Thủ tục kết hôn, ly hôn ở Mỹ giản dị, nhanh chóng như ta thay một cái áo. Sau phiên xử, hai người chia tay ngay tại hành lang của toà án. Không biết tâm trạng những người trong cuộc ra sao, nhưng người ngoài được chứng kiến cuộc chia tay của gia đình nọ, không khỏi mủi lòng trước cảnh hai đứa trẻ mặt mũi ngơ ngác khi cha mẹ chúng dứt áo ra đi. Một đứa kêu lên thảng thốt:

- Ba ơi, con thương ba, con thương thằng Út, sao bắt tụi con xa nhau?

Đứa kia bệu bạo:

- Má ơi, con nhớ má, đừng đi nghe má.

Chúng chạy tới, chạy lui, đứa níu aó cha, đứa trì áo mẹ, rồi chúng ôm lấy nhau. Chúng oà ra khóc khi cha mẹ chúng chạy đến giằng chúng ra, kéo mỗi đứa đi một ngả. Những người đứng xem đều thở dài, một người đưa tay quệt nước mắt, vài người lặng lẽ quay đi, dấu cặp mắt đỏ hoe.

Hôm đó là một ngày rất buồn, trời không có nắng, mây xám giăng ngang và gió thổi từng cơn lạnh buốt, báo hiệu mùa thu sắp tàn, và mùa đông đang tới.

Anh Dũng nắm tay con, lê những bước chân nặng nề trên hè phố, tim anh đau như vỡ ta từng mảnh. Anh biết cuộc chia tay vừa rồi đã in sâu vào tâm khảm hai đứa trẻ thơ vô tội những vết hằn không thể xoá.

Thời gian trôi thật nhanh, thấm thoát đã ba năm. Từ ngày ly dị vợ, anh Dũng ở vậy nuôi con, anh chán tình đời đen bạc, thay trắng đổi đen, nên rắp tâm không lấy vợ nữa. Anh thương con, nên quyết hy sinh đời mình, gắng sức nuôi dạy cho con nên người.

Còn cô Janet, sau khi ly dị anh chồng theo cô vừa bất tài, vừa gàn, cô như người vừa được tháo cũi xổ lồng, tha hồ bay nhảy. Cô mặc sức ăn diện, nhảy nhót, hẹn hò gian díu, chẳng ai ngăn trở, cấm đoán. Cô mặc theo thời trang, tòan hàng hiệu sang trọng, đeo hạt xoàn sáng lấp lánh, cô sắm xe hơi mới, cô đi sửa sắc đẹp, nâng mũi, nâng ngực... Tiền ở đâu ra? Cũng dễ hiểu thôi, cái lão Tom ấy tuy già háp, và đã ba lần ly dị vợ, nhưng điều đó có ăn nhằm gì, bởi vì bù lại, lão rất giàu tiền bạc. Lão chinh phục cô bằng chiếc xe mới tinh, bóng lộn, bằng những món quà đắt giá, và bằng một chuyến du lịch Âu châu, trên chiếc du thuyền sang trọng... Lão chiếm cảm tình của cô không mấy khó khăn, và chẳng bao lâu, cô Janet đã không kèn, không trống, xách gói về ở với lão, sống chung như hai vợ chồng không hôn thú.

Được tin, anh Dũng hốt hoảng đòi bắt đứa con gái lại, anh không muốn con anh phải ở chung với lão già dê cụ ấy, anh cũng không muốn con anh bị tiêm nhiễm bởi lối sống hiện sinh, văn minh rởm của mẹ nó. Nhưng đời nào cô Janet bằng lòng cho anh bắt? Chẳng phải vì cô yêu thuơng con bé tới mức không xa rời được. Nhưng vì nó là cái cần câu cơm của cô, có nó, cô mới được chồng cũ chia lương, đời nào cô lại dại dột chịu nhả cái túi bạc của cô ra. Cô viện lẽ là toà đã xử cô được giữ đứa bé, nếu anh Dũng cãi lệnh tòa mà bắt đứa con của cô, cô sẽ thưa anh ra trước pháp luật. Anh Dũng tức điên người, nhưng không làm gì được, chỉ biết than trời trách đất đã để anh cưới lầm phải người vợ lăng loàn không ra gì.

Ngày tháng cứ trôi, anh Dũng đến thăm con hai tuần một lần, như toà cho phép. Con bé Lucy dạo này lớn nhanh như thổi, nó mới mười lăm mà đã trổ mã xinh đẹp, trông như một thiếu nữ. Anh thầm lo, vì con bé thích ăn diện hơn là lo học hành. Còn thằng Johnny thì trái lại, nó ham học và học giỏi nhất lớp, lại ngoan ngoãn dễ bảo, khiến anh cũng được an ủi phần nào.

Cô Janet thỉnh thoảng mới đi thăm con. Mỗi lần như vậy, anh đều lánh mặt. Anh ghê tởm không muốn nhìn mặt người đàn bà đáng khinh đó nữa, người đàn bà đã phá hỏng đời anh, làm gia đình tan nát, cha con anh phải chia lìa.

Tương tự, mỗi lần anh đến thăm con bé Lucy, mẹ nó cũng lánh mặt. Sao vậy, cô xấu hổ, cô bị lương tâm cắn rứt, cô ân hận chăng? Không đâu, người như cô làm gì biết xấu hổ, và quả thật nếu cô còn có lương tâm, thì đời nào cô bỏ chồng, bỏ con, để chạy theo một lão già hơn cô cả ba chục tuổi? Cô lại chẳng bao giờ ân hận, ân hận cái gì chứ, khi mà cô đã từng mơ ước cảnh giàu sang phú qúi, lên xe xuống ngựa? Thì bây giờ cô đã được toại nguyện rồi đó, mộng được, ước thấy, thì ân hận nỗi gì? So với cuộc sống tối tăm, nghèo nàn của cô với người chồng cũ, cuộc sống mới của cô bây giờ sáng chói như những viên kim cương cô đang đeo, vĩ đại như toà biệt thự có hồ tắm cô đang ở, sang trọng như cáo xe Mercedes cô đang lái...

Cô vẫn tự hào, cho rằng đã đầy đủ bổn phận làm mẹ, lo cho con cô được đầy đủ, sung sướng. Quả vậy, con Lucy diện sang như một tiểu thư con nhà giàu. Vừa mới đủ tuổi có bằng lái xe, nó đã được dượng Tom sắm riêng cho cái xe Porsche tuyệt đẹp để lái đi học, đi chơi, đi bum với bạn bè. Cô Janet thường hãnh diện bảo con gái:

- Đấy con xem, nội cái xe Porsche này cũng trị giá hơn sáu chục ngàn. Liệu ở với ba mày, có được như vậy không? Xem thằng John đó, cùng lắm được ba mày sắm cho cái xe đạp để đi học.

Con Lucy đồng ý với má nó liền. Con nhỏ năm nay đã mười bảy tuồi, đẹp mơn mởn như một trái đào tơ. Nó ăn diện toàn những quần áo thời trang, sang trọng, đát tiền bậc nhất, tự do đàn đúm, nhảy nhót cũng vào bậc nhất.. Nó thường đi chơi đêm đến hai, ba giờ khuya mới về, má nó cũng không hỏi, hoặc có hỏi, thì nó nhõng nhẽo đáp:

- Má nghĩ coi, tuổi trẻ của con mà không hưởng, chẳng lẽ đợi đến già mới hưởng sao? Đây là nước Mỹ, và má có phải là người hủ lậu đâu, mà má cấm con đủ thứ, má bắt bẻ con như mấy bà già xưa...

Con nhỏ lập lại in hệt giọng điệu của mẹ nó, cô nghe hợp lý quá, và thôi không thắc mắc nữa. Đời sống vật chất của cô quả có dư thừa, còn đời sống tình cảm ra sao? Chắc hẳn lão già bụng phệ, lớn hơn cô gấp hai lần tuổi đó, yêu thương cô hết mực? Không đâu, lão chỉ nịnh bợ, chiều chuộng cô trong thời gian tán tỉnh. Bây giờ lão mới để lộ nguyên bản tính hung tợn, và nhiều phen đã bạo hành cô nữa. Nhưng cô cố chịu, không dám đi khai báo, phần sợ xấu hổ, phần vì cô vẫn rất cần danh vọng và tiền bạc của lão.

Sở dĩ lão không làm hôn thú với cô, để khỏi phải chia của cho cô khi ly dị, bởi vì lão đâu có tính ăn đời ở kiếp với cô. Cái toà biệt thự cô đang ở, ngay cả cái xe Mercedes cô đang lái, tất cả đều đứng tên lão. Ngoài mấy món nữ trang lão sắm cho cô hồi mới quen, và ít tiền mặt cô lén lút dấu được, cô không có gì cả, khi lão chán, lão sẽ đá cô ra cửa như người ta vứt bỏ một cái áo cũ. Nhất là lão Tom già dê này chưa bao giờ trung thành với người đàn bà nào hết. Ba người vợ trước đã có con với lão, mà lão còn bỏ thẳng tay. Huống chi cô, một của lạ rơi vào tay lão dễ dàng, tội gì lão không hưởng cho tới lúc chán?

Nhưng cô Janet không nhìn xa được như vậy, cô chỉ biết có hiện tại, và cô hài lòng với địa vị một bà lớn, một bà giám đốc vừa giàu sang vừa danh giá. Lũ đồng hương nhà quê của cô chắc là nhìn cô với cặp mắt thán phục? Trí tưởng tượng của cô đi xa hơn nữa, cô nghĩ thế nào chẳng có kẻ thấy cô sang, sẽ bắt quàng làm họ để nhờ vả, xin xỏ một việc làm tại hãng sản xuất mà chồng cô làm giám đốc? Đừng hòng, cô sẽ không nhận họ, nhận hàng với ai hết, cô quyết xoá hẳn mọi tông tích của mình. Sở dĩ cô lánh mặt chồng cũ, cũng vì lý do đó. Cô không muốn trông thấy cái chứng tích của một thời đã qua, cái quá khứ nghèo nàn ấy chẳng bao giờ lưu lại nơi cô một mảy may luyến tiếc. Cái gì đã qua nên để cho nó qua luôn, cô Trần Thị Dậu ấy chết đã lâu rồi, chết cùng một lúc với mối tình của anh trung sĩ thợ tiện Nguyễn Văn Dũng. Còn lại bây giờ là một người đàn bà khác, một người đã Mỹ hóa hoàn toàn, từ cử chỉ, dáng điệu, cách ăn mặc.. đến lời nói, hành động và nếp sống.

Cô chỉ còn khổ tâm ở một điểm là ngành giải phẫu thẩm mỹ đã thất bại trong việc tạo cho cô một cặp mắt xanh lơ, và một làn da trắng nõn như người Tây phương. Ngoài điểm đó ra, chẳng bao giờ cô bận tâm về việc phải làm nhân tình của một lão già lớn gấp đôi cô, cả về tầm vóc lẫn tuổi tác. Nhằm nhò gì cái đó, tục ngữ Việt Nam chẳng có câu "chồng già vợ trẻ là tiên" đó sao? Nghĩ cũng lạ, khi cô Janet đã quyết tâm chặt đứt mọi liên hệ với giống nòi, đồng bào, vậy mà cô còn viện đến những câu ca dao thuần túy dân tộc, để biện minh cho hành động của mình. Vậy là cô cứ phây phây sống trong hào quang của danh vọng, tiền bạc, và ảo tưởng của hạnh phúc.

Cuộc đời của cô Janet với lão nhân tình già đang phẳng lặng êm đềm, nào ngờ tai họa từ đâu bỗng dưng ập xuống. Đó là việc con bé Lucy có thai... Cô Janet ít khi ngó ngàng, để ý tới con, tới chừng bụng nó to ra, cô mới tá hỏa. Cô tra gạn con nhỏ, để xem nó tư tình với ai? Nhưng con bé cứ một mực lắc đầu, nhất định không nói. Tức quá, cô tát nó một bạt tai, thì nó òa lên khóc, và hôm sau nó lẳng lặng bỏ nhà, xách gói ra đi, sau khi để lại một lá thư thú tội rằng sở dĩ nó không dám khai thật ai là thủ phạm, vì nó sợ má nó... ghen! Mới đọc tới đây, cô Janet đã thất kinh hồn vía, trời đang lạnh mà mồ hôi cô vã ra dầm dề. Cô đã đoán hiểu lờ mờ sự việc, cô run rẩy đọc tiếp:

"... Má ơi!

Nếu má bình tĩnh đọc hết thư con, thì má sẽ thấy rằng trong vụ này, lỗi không phải hoàn toàn do con. Má đã tập cho con một nếp sống có quá nhiều nhu cầu, rồi chính má đã tạo cho con cơ hội được sống chung với một người lúc nào cũng sẵn sàng giúp con thoả mãn các nhu cầu đó...

Con muốn nói dượng Tom đó, dượng đã dùng danh vọng và tiền bạc của dượng để quyến rũ con, y hệt như dượng đã quyến rũ má cũng bằng những của phù vân không đáng gì đó. Má nghĩ coi, cỡ tuổi má mà còn bị sa ngã dễ dàng, má đã bỏ ba, bỏ thằng Út, má đã để gia đình ly tán, để chạy theo bả vinh hoa, huống chi một đứa con gái mới 17 tuổi như con?

Má ơi!

Chỉ vì ham chút vật chất xa hoa bề ngoài, mà con đã phải trả một giá quá đắt. Đời con đã trót lỡ rồi, con không đổ lỗi, không oán trách ai cả, con hư thì con phải chịu hậu quả. Còn má, má cũng nên nghĩ lại, mà đừng trách con, bởi vì chính má đã nêu gương, và con chỉ bắt chước theo má. Con mong má hiểu cho rằng con còn thương má lắm, con bỏ đi như vậy, là con đã chọn sự hy sinh, để tránh cho má khỏi cảnh khó xử... "

Cô Janet nghe lùng bùng trong tai, không dám đọc tiếp. Cảnh khó xử nào thì cô đã hiểu, hai mẹ con lấy chung một chồng, chồng cô lại cũng là con rể của cô, và đứa bé kia sanh ra sẽ gọi cô bằng má ghẻ hay bằng bà ngoại? Trời ơi, còn cảnh loạn luân nào hơn?

Lời lẽ thật thà của con nhỏ như một cái tát vào mặt cô, làm nổ đom đóm mắt. Cô tối tăm mặt mày, để rơi lá thư lúc nào không biết. Trong một lúc, cô chợt có cảm giác như cả đất và trời đều đang xoay tít, và mặt trời đang chiếu cả ngàn tia sáng đỏ rực vào mặt cô, cô hoa mắt, gục đầu xuống bàn.

Dĩ vãng đang lần lượt quay lại trong đầu cô như một khúc phim, trong đó cô và lão Tom là những diễn viên chính. Dưới ánh đèn mờ ảo của sân khấu, mọi nhân vật đều đẹp đẽ, lý tưởng, chỉ đến khi cánh màn nhung được hạ xuống, đèn được bật sáng lên, thì những bộ mặt thật mới lộ ra, sau khi đã rửa hết son phấn. Cô Janet vừa được nhìn thấy bộ mặt thật của lão Tom, người đàn ông một thời đã được cô xem là thần tượng, bây giờ lộ nguyên hình là một lão già bẩn thỉu, dâm dục, đểu cáng, chuyên lợi dụng... Và bộ mặt thật của chính cô, một bộ mặt phản trắc nhơ nhớp, bộ mặt ham tiền không kể đến phẩm giá, nhân cách...

Cô cảm thấy xấu hổ quá và biết tội cô to đến chừng nào. Không, không thể để cho cảnh loạn luân kia tiếp diễn thêm nữa. Chút điểm lương tâm của người mẹ còn sót lại nơi cô, cô quyết định chấm dứt ngay cuộc sống xa hoa của cô với lão già khốn kiếp kia. Cô sẽ đi tìm con Lucy để an ủi, khuyên lơn nó, ngăn nó làm những điều dại dột của một người khi gặp bước đường cùng.

Còn lão già, cô sẽ đưa lão ra toà về tội dụ dỗ gái vị thành niên. Có thể lão sẽ đi tù, nhưng còn tương lai của con nhỏ, làm sao cứu vãn được nữa? Lại còn dư luận, thế nào báo chí chả đăng tin, nhục chết đi thôi, cô còn mặt mũi nào chường mặt ngó thiên hạ, và ăn nói làm sao với ba con Lucy và thằng Út? Càng nghĩ, cô càng điên đầu, muốn chết phứt cho rồi, ước gì mặt đất ở dưới chân cô nứt ra, để cô chun xuống và ở luôn dưới dó. Nhưng đâu được, cô đâu có thể chết dễ dàng như thế? Con Lucy nó đang cần cô, như cần một cái phao để bám, cô không thể bỏ mặc nó trong tình trạng này. Cô nghe thấm thía cái đau của một người mẹ tội lỗi, khi tỉnh cơn mê muội, mới biết mình đã lỡ tay phá nát tương lai tươi đẹp của đứa con ruột thịt. Cô bật khóc vì ăn năn, phải chi lúc trước cô đừng mê bả vinh hoa, tham phú phụ bần, thì hôm nay đâu phải gánh chịu hậu quả này. Bây giờ mới biết hối hận thì đã muộn rồi, muộn quá rồi.

PHƯƠNG - LAN
(trích trong tập truyện Anh Mới Biết Yêu Lần Đầu)

No comments:

Blog Archive