Gần một phần tư nhân loại thiếu nước trầm trọng
RFI
Theo báo cáo của Viện Tài nguyên thế giới (WRI), được công bố ngày 06/08/2019, gần 1/4 dân số thế giới tại 17 quốc gia đang sống trong tình trạng thiếu nước nghiêm trọng, gần đến mức không có một giọt nước nào để dùng.
Trầm trọng nhất là tại Trung Đông và Bắc Phi
Theo Viện Tài nguyên Thế giới, 12 trên tổng số 17 quốc gia nằm trong tình trạng báo động là các nước Trung Đông và các nước Bắc Phi: Qatar, Israel, Liban, Iran, Jordan, Libya, Kuwait, Ả Rập Xê Út, Eritrea, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Bahrain, Oman.
Đây là 2 khu vực khô nóng nên lượng nước dự trữ vốn rất thấp, nhưng nhu cầu tăng cao khiến cho tình trạng khan hiếm nước ở các quốc gia này càng trở nên trầm trọng. Thay đổi khí hậu càng làm tình hình thêm phức tạp.
Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới, khu vực này chịu tổn hại kinh tế lớn nhất do biến đổi khí hậu, dự kiến sẽ mất 6-14% GDP. Tại các quốc gia này, 82% nước thải không được tái sử dụng. 84% nước thải tại các quốc gia vùng Vịnh đều được xử lý đến mức an toàn, nhưng chỉ 44% lượng nước này được tái sử dụng.
“Nông nghiệp, công nghiệp và nước sinh hoạt trong thành phố chiếm đến 80% lượng nước qua xử lý và nước ngầm trong trung bình một năm” ở 17 quốc gia trong danh sách của WRI.
Mực nước dự trữ tại Ấn Độ quá thấp
Cuộc khủng hoảng nước ở Chennai, Ấn Độ, vẫn chưa chấm dứt. Hàng triệu người dân tại thành phố này vẫn không được tiếp cận nguồn nước. Nhưng Ấn Độ đang phải đối mặt với nhiều thử thách hơn thế.
Viện nghiên cứu chuyển đổi Ấn Độ đã phải tuyên bố “Ấn Độ đang bị khủng hoảng nước trầm trọng nhất trong lịch sử, hàng triệu mạng sống và sinh vật đang bị đe dọa.” Mực nước dự trữ của Ấn Độ đứng thứ 13 trên 17 nước trong danh sách báo động của WRI. WRI cũng chỉ ra ngoài sông, hồ, rạch, nguồn nước ngầm của Ấn Độ cũng đang bị cạn kiệt.
Cuộc khủng hoảng ít người biết
Andrew Steer, giám đốc điều hành của WRI, cho biết: “Khan hiếm nước là cuộc khủng hoảng lớn nhất mà người ta không thường nhắc tới. Khủng hoảng nước cũng nghiêm trọng như khủng hoảng an ninh lương thực, xung đột, khủng hoảng di dân hay bất ổn tài chính”,
Theo báo cáo của Viện Tài nguyên Thế giới, “trong bối cảnh nhu cầu vượt qua khả năng cung cấp, một trận hạn hán dù nhỏ, điều rất dễ xảy ra với tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay, đều có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng”,
Ngoài ra, 27 quốc gia khác cũng được Viện Tài nguyên Thế giới xếp vào nhóm cảnh cáo thiếu nước cao.
No comments:
Post a Comment