Sunday, November 13, 2022

Nên ở lại Mỹ hay nên trở về VN?

Nhân đọc bài viết của Chuyên viên truyền thông Bùi Minh Đức trên báo VnExpress về chuyện “Du học sinh về nước”, xin được viết về vài trường hợp mà tôi chứng kiến tận mắt.

Tôi có 2 đứa cháu qua Mỹ du học và tôi là người lo mọi thủ tục xin nhập học cần thiết để 2 cháu có đủ điều kiện được Tòa Đại sứ Mỹ bên Việt Nam cấp visa F-1 cho nhập cảnh.

Trước tiên, việc xin được visa F-1 đòi hỏi hai điều kiện căn bản, đó là khả năng học vấn và tài chánh. Khi xin visa F-1, Tòa Đại sứ Mỹ (và có thể những nước khác) đòi hỏi sinh viên du hoc phải có đủ khả năng và trình độ để theo đuổi được việc học ở Mỹ. Họ bắt phải nộp bản dịch học bạ để đánh giá xem đối tượng xin visa có thực tâm qua Mỹ để học hay để đi làm việc. Về điều kiện tài chánh, chắc tôi chẳng cần phải viết nhiều vì ai cũng biết đó là những gì.

Tôi hy vọng rất nhiều vào đứa cháu qua đây trước vì khi trường bên này cho bài kiểm tra trình độ để xếp lớp thì cháu nổi trội hơn hầu hết những đứa trẻ khác. Thế nhưng, sau vài tháng ở chung với gia đình tôi, những suy nghĩ ban đầu của tôi về cháu đã bắt đầu lung lay vì thấy cháu ham chơi hơn ham học. Tôi liên lạc với mẹ cháu, tức bà chị tôi bên Việt Nam để tìm cách đưa cháu về học bên đó, vì tôi biết chắc chắn cháu sẽ thất bại bên này.

Tôi từng đi học ở Mỹ và đã thấy trong số bạn bè, kẻ thành công, người thất bại, và có thể đánh giá khá chính xác ai nên đeo đuổi việc học hay ai nên về “đuổi gà cho vợ”. Những gì tôi đoán về đứa cháu này quả không sai. Sau năm năm du học và chi phí chắc cũng phải đến 3-4 trăm ngàn Mỹ kim, cháu chỉ lấy được một cái bằng đại học vớ vẩn, Mỹ chẳng ai muốn thu dụng mà ở Việt Nam người duyệt đơn xin việc của cháu chắc chỉ biết gãi đầu gãi tai, không biết cái bằng của cháu học về cái quái gì. Ở Mỹ hầu như ai có khả năng và muốn vào học bậc cao đẳng hoặc đại học đều có thể xin vào học khá dễ dàng. Ở bậc đại học, cái khó là phải xin được vào ngành sau hai năm đầu. Họ dựa trên điểm học của hai năm đầu để nhận mình vào ngành (major) và những ai điểm thấp đành phải kiếm những ngành không ai muốn học để tiếp tục níu kéo giấc mơ đại học để nở mặt nở mày với thiên hạ. Chắc hẳn đó là số phận của đứa cháu của tôi. Tôi chỉ biết khuyên bà chị tôi là mọi chuyện đã lỡ rồi, thôi thì bây giờ sắm cho cháu quầy bán thuốc lá để nó có kế sinh nhai, nuôi vợ nuôi con lâu dài.

Sau kinh nghiệm đứa cháu đầu, tôi hạ thấp hy vọng vào đứa cháu thứ hai qua Mỹ học. Ngay từ đầu, cháu đã ở riêng trong Dorm (ký túc xá) nên tôi không biết rõ hay đánh giá liệu cháu thành công hay thất bại từ sớm. Sau 5 năm học ở Mỹ, bố mẹ cháu báo cho tôi biết, cháu tốt nghiệp với điểm số rất cao và đã có hai công ty nhận cháu vào làm việc với mức lương khiến tôi phải giật mình. Một công ty còn đòi trả cháu 10 ngàn đô tiền bonus nếu cháu vào làm. Tôi thực sự mừng cho gia đình nhà cháu vì ấn tượng ban đầu của tôi về đứa cháu này không được như đứa cháu đầu để hy vọng cháu thành công như vậy. Sau này mới biết, cháu thuộc dạng khiêm nhường, không khoe khoang hay nổ lung tung nên cũng khó đoán được tài sức cháu ra sao.

Tôi bắt đầu nghiên cứu và tìm hiểu thêm về chuyện du sinh tốt nghiệp và ở lại Mỹ vì vấn đề này còn xa lạ đối với tôi. Được biết Mỹ cho phép sinh viên nước ngoài ở lại làm việc tối thiểu hai năm sau khi tốt nghiệp. Nếu tốt nghiệp ngành khoa học kỹ thuật (Science, Technology, Engineering, Math hay STEM) thì được ở lại tới 3 năm.

Đây không phải là chuyện đương nhiên muốn ở thì ở, mà phải tự mình xin việc và được công ty nào đó nhận vào làm việc thì mới ở lại được. Chương trình này được gọi là Optional Practical Training (hay OPT) (2).

Họ có hai mục đích với chương trình này, đó là giúp sinh viên có thêm kinh nghiệm làm việc trước khi về nước, và cái chính là để Mỹ có cơ hội đánh giá và tuyển chọn nhân tài thế giới, hay gọi chung là thu hút Chất Xám. Nếu du sinh làm việc tốt, công ty sẽ xin visa H-B1 để tiếp tục ở lại Mỹ làm việc, và có thể cho đến hết đời nếu người đó nộp đơn xin thẻ xanh.

Học giỏi là một chuyện, làm việc giỏi lại là chuyện khác.

2 điều tưởng rằng đi đôi với nhau nhưng thực tế đôi khi không phải như vậy.

Tôi chứng kiến những đứa học giỏi trời thần nhưng khi bắt tay vào công việc thì chẳng làm được việc gì ra hồn.

Bên cạnh đó, trở ngại chính của người Việt, thường cho dân tỵ nạn hơn là du sinh, là vấn đề sinh ngữ. Khác với bên Việt Nam, là dù mình ra trường được điểm 4 chấm mà nói tiếng người ta lắp bắp thì.....đừng hy vọng ai mướn mình làm.

Bên cạnh đó, nhiều người mang tiếng tốt nghiệp đại học nhưng điểm ra trường thấp, khoảng 2.0, thì cũng vô cùng khó khăn trong chuyện kiếm việc làm, cho dù là dân bản xứ.

Tôi đoán là các du sinh Việt Nam vì thất bại trong khâu xin việc làm nên đành cuốn gói về nước, chứ có mấy ai yêu nước thương nòi đến độ quyết tâm về trong khi biết bao nhiêu “nhân tài” trong nước còn đang phải chạy chợ trời để kiếm sống.

Hy vọng bài viết này sẽ giúp học sinh bên Việt Nam có thêm chút hiểu biết để quyết định nên du học ở trời Tây, hay nên học ở nhà. Tôi cũng được biết các gia đình ở Việt Nam có con đi du học là một niềm hãnh diện rất lớn, vì nó thể hiện việc vừa dư giả tiền bạc, vừa có con cái giỏi giang. Thiết nghĩ, đó là những suy nghĩ thiển cận của bậc cha mẹ, bởi sau 4-5 năm ở xứ người, không phải du học sinh nào cũng mang về kết quả mà cha mẹ họ mong muốn, xứng đáng với núi tiền mà cha mẹ họ bỏ ra, cũng như kỳ vọng của người thân ở quê nhà.


No comments:

Blog Archive