Monday, November 21, 2022

MONTESSORI tại Farm là Đỉnh Cao của Giáo Dục

Hôm nay tôi dậy sớm để đưa ra một quan điểm giáo dục trẻ Montessori không phải tại Trường mà là Ở FARM. Và đây là LÝ DO CHÍNH mà tôi đã bỏ không ít thì giờ, tâm huyết, tiền bạc vào cái minifarm của mình, để chuẩn bị cho chương trình giáo dục con cái mình.

Montessori rất thích hợp với mọi trẻ em, đặc biệt là trẻ khuyết tật thể chất, trẻ tự kỷ nhẹ (bị chậm nói, chậm giao tiếp, khó khăn trong control hành vi và cảm xúc).

Những trẻ em này có một điều rất đặc biệt: Thông minh vô cùng nếu giáo dục đúng hướng. Ông Trời không lấy đi của ai tất cả, và không cho ai tất cả. Vì vậy, tôi tin tưởng rằng, những em bé có chút khuyết tật, là một viên kim cương bọc trong cục đá thô, cần cha mẹ mài dũa để toả sáng.

Tôi không đồng tình với những cha mẹ luôn than phiền và có cái nhìn tiêu cực về con mình. Có nhiều bà mẹ, con của họ chỉ hơi tự kỷ thôi, nhưng họ luôn nói ra những lời tiêu cực hằn vào não đứa bé.

Ví dụ một chị bạn của tôi đã nói với tôi: "Con chị nó bị tâm thần mà em! Nên chị suốt ngày phải canh nó"... Họ nói ngay trước mặt cậu bé như vậy, trong khi cậu bé đã 17-18 tuổi và tôi không hề thấy nó tâm thần.

Tôi nhìn cậu thanh niên mặt mũi cực kỳ sáng sủa. Tôi nghĩ rằng nếu cậu được một môi trường giáo dục khác, có thể cậu bé đã toả sáng!

Tôi cũng không đồng tình với quan điểm coi con mình là nhất thiên hạ, để các cháu kiêu ngạo và quá tự mãn về bản thân. Phụ huynh có thể tự hào về con nhưng hạn chế khoe ra ngoài. Điều đó có hại hơn có lợi, bởi thế gian, kẻ vui cùng ta thì ít, kẻ ganh tị với ta thì nhiều.

Thế nào là phương pháp Montessori ?
Montessori là một phương pháp giáo dục dựa trên hoạt động TỰ ĐỊNH HƯỚNG TƯ DUY, học THỰC HÀNH và chơi HỢP TÁC

Trong các lớp học Montessori, trẻ em có những lựa chọn sáng tạo trong việc học của mình, trong khi lớp học và giáo viên được đào tạo chuyên sâu cung cấp các hoạt động phù hợp với lứa tuổi để hướng dẫn quá trình này.

Như vậy giáo viên không gọi là Teacher (người dạy học vẹt) mà là Instructor (người hướng dẫn)

Trẻ em có nhu cầu đặc biệt, chẳng hạn như học tập hoặc khuyết tật về thể chất, thường phát triển mạnh trong môi trường Montessori.

Vật liệu được sử dụng trong các cơ sở Montessori thu hút tất cả các giác quan. Học sinh có thể tự do di chuyển trong lớp học, đây là một lợi thế cho những em cần hoạt động thể chất nhiều.

Các lớp học Montessori là môi trường được thiết kế đẹp mắt, được thiết kế để đáp ứng nhu cầu của trẻ trong một độ tuổi cụ thể. Tiến sĩ Maria Montessori phát hiện ra rằng học tập trải nghiệm trong loại lớp học này dẫn đến sự hiểu biết sâu sắc hơn về ngôn ngữ, toán học, khoa học, âm nhạc, tương tác xã hội và hơn thế nữa. Hầu hết các lớp học Montessori đều mang bản chất thế tục, mặc dù phương pháp giáo dục Montessori có thể được tích hợp thành công vào một chương trình dựa trên niềm tin.

Mọi tài liệu trong lớp học Montessori đều hỗ trợ một khía cạnh phát triển của trẻ, tạo ra sự phù hợp giữa sở thích tự nhiên của trẻ và các hoạt động có sẵn. Trẻ em có thể học thông qua kinh nghiệm của riêng mình và theo tốc độ của riêng mình. Họ có thể đáp ứng bất cứ lúc nào đối với những tò mò tự nhiên tồn tại trong tất cả con người và xây dựng nền tảng vững chắc cho việc học tập suốt đời.

Montessori có thể bắt đầu từ khi lọt lòng mẹ. Nhưng phù hợp nhất là khi 3-6 tuổi trở đi.

VÌ SAO FARM là môi trường Montessori Đỉnh Cao?
Hiện nay, các trường học Montessori mọc lên khắp nơi ở thành thị, nơi phụ huynh không tiếc tiền gửi gắm con mình vào trường để trao tất cả niềm hi vọng gọt dũa đào tạo thành thiên tài cho giáo viên. Học phí Montessori ở Mỹ khoảng $3000/tháng cho trẻ 3-6 tuổi tại một số trường ở tiểu bang như California thật quá cao so với nhiều gia đình. Vì vậy, con nhà tầng lớp cận nghèo, cha mẹ chỉ có thu nhập dưới 100k/năm làm sao cho con cơ hội?

Tôi lại càng không đủ khả năng khi là Single Mom. Vì vậy tôi sẽ chọn con đường khác, miễn là con tôi có cơ hội học hành đúng hướng. Và dưới đây là các lý do chính để giáo dục Montessari tại Farm:

1/ Không có Trường Nào tốt bằng Trường Đời
Trường học nào, nhất là Thành Thị, cũng chỉ gói gọn con bạn trong 4 bức tường và một góc sân rộng chừng nửa mẫu đất là hết cỡ. Các môn học thiết kế rất cầu kỳ, sử dụng một lần. Do đó rất lãng phí vật liệu, học xong là không tái sử dụng được. Đó là lý do học phí cao. Và tất cả đều ở dạng mô hình, mô phỏng. Lâu lâu mới cho học sinh ra ngoài thực hành.

Farm không có bức tường nào ngăn cản con bạn tầm nhìn và tư duy.
Farm có cả ngàn thứ để con bạn sờ mó, ngửi, ngắm, nghịch bẩn và trải nghiệm.
Farm chính là Trường Đời trong lành nhất, thiết thực nhất cho một đứa trẻ khi bước vào đời sống.

Đứa trẻ nào cũng cần ăn, chơi, thở, tắm nắng và nhận thức được giá trị của thiên nhiên đã nuôi sống chúng. Trẻ em cần tiếp xúc trực tiếp để học hỏi về các loại thực vật, đôngh vật thiết thực trong vườn: cây cỏ, chim muông, thú nuôi, rau củ, thực phẩm, vi khuẩn, vi trùng, con giun, con dế...

Theo độ tuổi, trẻ em cần trực tiếp học cách trồng, cách chăm sóc, tưới cây, bón phân, làm sao cho cây ra hoa kết trái.

2/ Cảm xúc thực
Không chỉ học cách trồng trọt chăn nuôi, tại Farm là Trường Đời sẽ cho con bạn thứ cảm xúc thực đầy trách nhiệm sống, mà Không trường học nào có.
Hãy tưởng tượng bạn giao cho con bạn một project: Nuôi một con gà đẻ trứng hoặc trồng một cây Dâu Tây.

Từ đây, điều gì xảy ra?

Đứa trẻ phải nhớ ngày ngày cho gà ăn ngày 2 bữa. Phải nhớ tưới nước và bón phân cho cây Dâu.

Con gà có thể khoẻ mạnh sau đó đẻ trứng, cây Dâu có thể lớn nhanh và cho Trái. Đứa trẻ vô cùng vui mừng về thành quả của mình.

Nhưng điều gì xảy ra nếu con gà bị bệnh? Cây Dâu bị sâu?
Cha mẹ sẽ giúp đứa trẻ cho Gà uống Tỏi, uống thuốc và bắt sâu cho cây, thêm phân lân, bớt phân Kali...vv...

Như vậy, không chỉ nhận biết một cái cây, con gà, trẻ em còn được học việc bảo vệ thực vật, động vật khỏi thiên tai, địch hoạ, mất mùa.

Biết buồn vui, đau khổ khi con vật chết, bệnh, khi cây đổ, sâu bệnh không có thu hoạch.

Thứ cảm xúc này Trường học không thể dạy con bạn.

3/ Trân trọng mọi thứ làm ra
Trẻ em cảm nhận sâu sắc được giá trị 1 quả trứng, một trái dâu nó ăn vào miệng là to lớn như thế nào, bao nhiêu công cán mồ hôi, thời gian vào đó mới được miếng ăn. Từ đó, nó không phung phí đồ ăn, luôn trân trọng mọi thứ xung quanh. Cha mẹ không cần phải dạy nó một câu sáo rỗng: Đừng phung phí đồ ăn.

Nhiều trẻ em hiện nay, đồ ăn đưa tận miệng nhưng chúng vứt đi không thương tiếc. Lỗi không phải tại chúng. Mà tại chúng ta đã không cho trẻ em cảm nhận được hiểu được giá trị của đồ ăn.

4/ Yêu thương muôn loài và hiểu giá trị thực tiễn của chúng
Con giun, con dế, con sâu, con ruồi tuy thật gớm ghiếc, nhưng khi dạy con về vòng đời của Sâu, con sẽ hiểu con Bướm đẹp là thế nhưng chính là từ sâu mà ra. Con ong không chỉ cho mật, nó còn giúp cây thụ phấn. Mất mùa là do không có ong bướm cũng một phần. Vi khuẩn là rất cần thiết, không đáng sợ.
Trẻ em sẽ tự hiểu bản chất của vấn đề, biết mối ràng buộc giữa các loài trong vườn, và tự biết phải cần chúng hơn là gớm ghê chê bai.

5/ Đam mê lao động , đam mê nghiên cứu tìm tòi phát minh.
Thật khó để rèn luyện tính đam mê lao động, nghiên cứu tìm tòi nếu không có một môi trường thực tế để con trẻ biến sức lao động ra thành phẩm, sau đó quy ra phần thưởng hoặc tiền.

Con bạn sẽ kiếm tiền thế nào bằng lao động nếu học ở Trường ? Đi bán kẹo dạo ngày Halloween? Hay tham gia một project viết phần mềm dự thi ở Trường và không được phần thưởng nào cả ngoài tấm huy chương hay tờ giấy khen dán đầy nhà? Hay con bạn nỗ lực học để lấy điểm số cao?

Thật không may, tất cả những thứ đó, giấy khen, điểm số, vài đồng xu bán kẹo... không dạy con bạn điều gì, nó chỉ là một thứ tượng trưng thành tích. Và nó không thực sự thúc đẩy một em bé muốn lao động để có thành quả trong cuộc sống: Một sản phẩm cụ thể, có ích, được nhiều người công nhận và BÁN ra tiền.

Để tôi kể bạn nghe một câu chuyện thật: Ngày nhỏ, tôi không chăm học khi thấy chẳng có gì ngoài những điểm 10. Một hôm mẹ nuôi tôi nói: Mỗi điểm 10 ta sẽ cho con 200 vnđ. Thế là tôi có động lực ngay. Vào những năm 1990, số tiền 200 đ đối với một đứa bé 9 -10 tuổi như tôi tuy rất nhỏ, như 5000 đồng bây giờ hoặc như $1 ở Mỹ, nhưng có tiền, ít nhất tôi có thể mua được 1 khúc vỏ quế cay, hay 1 cái que kem mút. Còn hơn không có xu nào, toàn nhìn các bạn đi mua ngoài cổng trường mang vào lớp ăn, thèm nhỏ dãi và có phần tủi thân.

Kết quả, trong một học kỳ tôi kiếm được 98 điểm 10 và vì thế, mẹ tôi phải trả tôi gần 20.000 vnđ. Trong khi học kỳ trước đó, tôi chỉ kiếm được đâu 50 điểm 10, còn lại là điểm 9, điểm 8... đại khái vậy, vì 9 hay 10 cũng đâu có được gì ngoài lời khen, chả có gì động lực thúc đẩy tôi!

Bây giờ trở lại vấn để giáo dục Montessori, dù trẻ 5 tuổi hay 15 tuổi đều có thể giao cho chúng một project làm vườn.

Nhỏ thì trồng cây Dâu Tây
Lớn thêm tí cho trồng cây khó hơn: Bầu Bí, Cà, Mướp (phải biết làm giàn cho nó)
Lớn nữa bắt trồng cây khó hơn, cực hơn. Thậm chí dạy kỹ thuật chiết, ghép, lai tạo và làm các phân bón vi sinh...
Và khi có trái, có thu hoạch, phải dạy chúng biết chế biến, bảo quản, thậm chí rao trên mạng để bán ra tiền.

Cháu bé nào không thích Sinh Học, có xu hướng về Computer, về Graphics, về Toán có thể cho viết project về thương mại: Chụp hình, thiết kế website, design package rau củ, marketing để bán các sản phẩm vườn nhà (rau củ, con giống, hạt giống, cây giống...thiếu gì thứ bán) ra cộng đồng local và online.

Một project thực sự, không đùa, có chi phí và doanh thu. Để chúng biết sức lao động bỏ ra là bao nhiêu. Có lời hay lỗ. Có kết quả hay không. Nguyên nhân thất bại và lý do gì thành công?

6/ Kích thích tư duy giải quyết vấn đề:
Ở Trường, con bạn có vấn đề gì cần mất ăn mất ngủ để giải quyết nó không? Rất ít nếu như không có các cuộc thi này nọ. Một năm được mấy cuộc thi như vậy? Không nhiều.

Có nhiều đứa trẻ thậm chí không màng tham gia bất cứ cuộc thi nào. Đi học như trả bài cho cha mẹ. Chúng nghĩ rằng đi học là nghĩa vụ, ko phải niềm vui. Chúng học không phải vì tương lai chung mà vì áp lực của cha mẹ.

Đơn giản, bởi vì cha mẹ và nhà trường đã không tạo cho chúng một project nào cụ thể và có nêu rõ kết quả của project đó là được cái gì cho chính chúng!

Trường học chỉ đưa ra vấn đề một cách giả định. Làm cho chúng nghĩ mọi thứ chỉ là lý thuyết, thầy sẽ có cách giải quyết, cần quái gì nghĩ cho đau đầu. Và nghĩ cũng chẳng được gì ngoài lời khen.

Trở lại thực tế, khi một project làm vườn gặp vấn đề: Sâu bệnh, ngập úng, không thụ phấn... làm thiệt hại trực tiếp tới doanh thu... đứa trẻ bắt đầu thực sự lo lắng để tìm cách học hỏi, giải quyết vấn đề.

Khi tới mùa thu hoạch, ăn không kịp, bị thối --- phải bán cho nhanh. Bán không được phải làm sao? Chế biến ra đồ khô, đồ hộp, làm bánh...vv...để bán.. hoặc để ăn dần...

Và từ đây, kiến thức về sinh học, về kỹ thuật, về vật lý vào đầu chúng như kẻ đói gặp thức ăn. Không cần nhồi nhét. Không cần sách hàn lâm, vì kiến thức đó trên youtube, internet thiếu gì? Nếu muốn có thể đến thư viện hoặc gặp một chuyên gia để học hỏi.

7/ Farm là nơi cho đứa trẻ một XUẤT PHÁT ĐIỂM rất THẤP để rèn luyện ý chí tiến thân, độc lập.
Một đứa trẻ không có ý chí, ước mơ gì, đơn giản là một đứa trẻ được sống trong cuộc sống đủ đầy, chả thấy thiếu gì, vậy cần quái gì ước mơ? Cần quái gì quyết tâm, ý chí?

Hãy cho nó biết đói thì nó mới biết quý đồ ăn
Hãy cho nó biếu thiếu thốn thì nó mới biết khát khao đầy đủ
Hãy cho nó biết thất bại, mất mát, tổn thất...để nó biết làm lại tốt hơn

Farm có thể dạy con bạn tất cả những thứ đó. Cha mẹ không nỡ để con đói, ko nỡ làm cây của con chết, hay bị sâu bệnh, hay con vật bị đau... nhưng farm là nơi phụ thuộc thời tiết.... Ông Trời dạy nó biết thế nào là mất mùa, là đói... nó sẽ hiểu cuộc sống là không dễ dàng... Nó sẽ có ý chí vươn lên.

Cha mẹ giàu có đó là chuyện của cha mẹ. Đừng để con bạn ỷ lại vào điều đó. Sai lầm lớn nhất của con nhà giàu, là những đứa trẻ có tư duy "cậu ấm, cô chiêu" . Một bi kịch khác còn kinh khủng hơn, cha mẹ không hề giàu nhưng lại bao bọc con cái hơn những gì mình có.

Kết quả là họ đã tạo ra những đứa con nhụt ý chí, quen hưởng thụ, tiêu tiền như nước nhưng chẳng muốn lao động để làm ra được xu nào... và chúng còn muốn hại cha mẹ lúc già để chiếm đoạt tài sản...

8/ Giáo dục toàn diện về nhận thức tư duy và cả tâm linh từ Farm.
Một đứa trẻ hiểu quy luật của cây cỏ chim muông, tất sẽ hiểu sâu sắc Đấng Tạo Hoá. Nó phải hiểu, bản chất vấn đề hơn là vẻ bề ngoài của bất kỳ sự vật nào.

Nó sẽ biết trên có Trời (Chúa), dưới có cha mẹ anh em.

Nó là nhỏ bé, rất nhỏ bé trước Thiên Nhiên, nó không phải là số 1, còn đầy người vĩ đại, phi thường hơn nó.

Nhưng nó là duy nhất.

FB Tam An

No comments:

Blog Archive