Friday, September 23, 2022

MỘT CHUYỆN TÌNH ĐẸP 

Buu Nguyen--

... Nghe tin QLVNCH sắp tràn qua, cả trăm ngàn kiều bào VN ở Cao Miên bỏ tất cả tài sản, dắt díu nhau vào các trại tị nạn: các sân trường trung học, chùa, nhà thờ. Vợ chồng tôi vào trường Seminaire, nơi tôi học Tú tài Pháp 2 năm trước. Trại chia ra nhiều nhóm, mỗi nhóm 10 gia đình, để lãnh nước uống, và thức ăn- chỉ có khô cá lóc do Hồng Thập Tự cấp.

Đầu tháng 5/1970, ông Nguyễn Cao Kỳ bay lên Nam Vang, nói là thăm xã giao tướng Lon Nol, nhưng thật sự là thanh tra các trại tị nạn. Ông Kỳ hứa: “Tôi sẽ đưa “tàu há mồm” Hải quân VNCH đến đón đồng bào về nước".

Gần cuối tháng 5/1970, vợ chồng tôi mới được rời trại tị nạn. Sau 1 ngày lênh đênh trên sông Mekong, về tới trại Đồng Tâm, Mỹ Tho. 5 ngày sau, làm giấy tờ xong thì Ba vợ lái xe xuống rước về Sàigòn.

Cuộc sống mới cũa chúng tôi không còn 'tà tà' như ở Nam Vang. Cũng như tất cả Việt kiều hồi hương lúc đó, tôi được hoãn dịch 18 tháng. Tôi làm việc ngày đêm. Em cũng đi làm. Cuối tuần, hai đứa đưa nhau đi ăn mì xào dòn, hay nghiêu luộc. Mỗi tối, đi đàn về, tôi vô Chợ Lớn mua cho vợ cái bánh bao Ông Cả Cần của Bà Năm Sa-Đéc. Lúc này, em ăn rất bạo. Dù không nói ra, tôi biết em đang chuẩn bị cho đứa con đầu lòng, dù không biết lúc nào nó tượng hình.

Nhiều người trong nhà (hai bên) thường nói: “thằng B. con nhà lính tính nhà quan, mới ở Nam Vang về tay trắng mà vợ nó muốn gì được nấy!". Họ không biết là lúc còn độc thân, tôi đã đọc câu: “Người phụ nữ lý tưởng là người bạn, người tình và là người vợ của người đàn ông”. Hồi đó, tuy chưa gặp cô Tiên, nhưng tôi đã tự hỏi là “tôi có thể vừa là người bạn, người tình, và là chồng của vợ tôi không?” Nhưng khi yêu cô Tiên, cái định nghĩa xưa nó tự giải đáp.

Lúc mới thương nhau, tôi kể em nghe chuyện bồ bịch của tôi lúc trước. Em không ghen hờn mà còn góp ý, đôi khi rất tiếu lâm, rồi hai đứa cùng cười. Lúc hai đứa đi chơi, gặp cô nào có “ngực tấn công, mông phòng thủ” là tôi quay lại nhìn, em im lặng đợi cô đó đi xa, mới hỏi: “Bộ anh hổng thấy cổ đi hai hàng hả?”...

Em chưa bao giờ lớn tiếng hay dùng lời lẽ không lịch sự với bất cứ ai, dù đôi khi, tôi vô tình hoặc cố ý làm cho em giận.

Ba em nói: “Ba đã thấy nó đi nhảy đầm, tay trái một con, tay mặt một con!”. Em trả lời: “Những gì ảnh làm lúc còn độc thân là quyền của ảnh, con không cần biết (thật ra, tôi đã kể em nghe hết rồi). Chỉ biết hiện giờ, ảnh thương con thật lòng là được rồi”.

Khi thấy tôi buồn, em cầm tay tôi, xoa nhè nhẹ lên mu bàn tay, khiến tôi quên hết phiền não. Sau này thành vợ chồng, em vẫn là người tuyệt vời, biết cách làm tôi quên bớt những nghiệt ngã trong đời sống. Em biết tiết kiệm, vén khéo với số tiền hai đứa kiếm được. Dù là tiểu thư nhà giàu, em không hề se sua. Khi đứa con đầu lòng chào đời năm 1972, em tự nguyện bớt mua sắm cho riêng mình, để có đủ tiền mua sữa Guigoz- 3 năm liền.

Có người vợ như cô Tiên, em "muốn gì được nấy" thì đâu có gì quá đáng, phải không...

Tháng 4/1972, hết hạn hoãn dịch, tôi phải đi lính cho tới ngày tan hàng. Sau 75, có ngày hai đứa ăn sáng bằng… cơm nguội, nhưng em luôn dành 1, 2 đồng cho con có gói xôi nóng hay tô cháo huyết. Cực nhất là lúc về quê tôi, từ 1976 đến 1979. Má tôi cho hai công ruộng và nửa công vườn, đủ cho gia đình tôi sinh sống, không cần phải đi làm mướn, làm thuê. Nhưng không may, hai năm 77-78, lũ lụt ngập ruộng trước khi lúa chín. Nông dân vùng Tân Châu đói thể thảm. May mà tôi cất nhà sàn, cao 1.5m, nên nước ngập lé đé sàn nhà.

Mỗi ngày, cô Tiên ngồi miệt mài câu từng con cá chốt, cá sặc, cá lòng tong. Đến bữa ăn chỉ có món cá kho thập cẩm, vậy mà thằng con khen “má kho cá ngon”. Tôi mắc nghẹn từng hồi.

Rồi mọi việc cũng trôi qua.

Ở quê, em không cho con đi học, vì "mấy ổng dốt mà dạy cái gì!" Vợ chồng thay nhau dạy con nói và viết tiếng Việt. Tiếng Pháp thì dạy những câu chào hỏi thông thường; không ngờ nhờ vậy, khi qua Úc nó học tiếng Anh nhanh hơn những bạn tị nạn khác.

Qua năm 79 trúng mùa. Tôi mua cái ghe nhỏ, tính chuyện lớn. Khoang ghe chỉ vừa đủ cho hai người lớn và đứa nhỏ chen vai ngủ. Tôi tập cả tháng mới chèo được hai chèo. Em không biết lội, nhưng nhất quyết đòi đi. Em nói: “Mình đã sống mấy năm ‘có miệng mà lại câm, hai hàng nước mắt chan dầm như mưa! Đủ rồi, phải đi tìm tương lai cho con”.

Vậy là ĐI. Chèo từ Tân Châu tới Long Xuyên mất hai ngày. Nghỉ xả hơi một ngày, rồi chèo tiếp tới Ô Môn, Cần Thơ, Ngã 7, Sóc Trăng, Hộ Phòng, Gành Hào, và sau cùng là ngã 3 Cây Tàn. Ở đó hơn một tháng vì có người mướn tôi đào ao nuôi cá, trả hai giạ gạo và mớ tiền. Chúng tôi trở ra Gành Hào, vì thấy là nơi lý tưởng để ra đi. Tôi giấu dưới khoang cái máy đuôi tôm, thường ngày không dám sử dụng, sợ người ta dòm ngó.

Ở Gành Hào đêm trước, đêm sau bị bão. Mưa như trút, sấm chớp đầy trời. Chiếc ghe lắc lư như người say rượu, nửa đêm đứt dây buộc sào trôi ra giữa sông. May lúc đó nước lớn từ ngoài biển đổ vô, chứ nếu ngược lại thì bão đã đưa chúng tôi qua Thái Lan hay hổng chừng… vô bụng cá rồi.

Hình như… lúc không còn cái gì để sợ nữa, mình mạnh hơn bình thường, nên tôi đã lội ra kéo chiếc ghe vô tới dạ cầu chợ Gành Hào. Buộc dây lại đàng hoàng là tôi ngã lăn ra thở dốc, lạnh run cầm cập. Em lau mình cho tôi và đưa tôi cái bánh bía, hổng biết mua lúc nào. Cái bánh đêm đó, hương vị thơm ngon còn phảng phất tới bây giờ.

Bye Gành Hào, tôi gắn máy đuôi tôm chạy về Long Xuyên, ở đó gần ba năm. Tôi làm bất cứ chuyện gì, miễn là lương thiện, để có tiền nuôi vợ con. Có lúc đạp xe lôi, có lúc khuân vác ở các nhà máy xay lúa, làm đủ tạp nhạp.

Đến tháng 2/1982, em tìm được đường dây vừa với khả năng của hai vợ chồng. Cái may mắn là chỉ đi một lần là tới được Mã Lai. Ở Bidong tháng rưỡi là phái đoàn Úc nhận. Qua trại Sungei Besi2, ngoại ô Kuala Lumpur, để khám bệnh, bổ túc hồ sơ. Ba tháng rưỡi sau, là chúng tôi có tên trong danh sách đi Úc.

Khi đặt chân lên đất Úc, chúng tôi chỉ biết tiếng Pháp chưa biết tiếng Anh. Em nói với tôi “moi không thích nhờ thông dịch, nhà phải có một người giỏi tiếng Anh, toi đi học trước, moi sẽ đi làm nuôi gia đình ”! Nghe ghê chưa.

Mà em cũng không biết tiếng Anh thì làm cái gì? Em quên mình từng là tiểu thơ được 'cơm bưng nước rót', từng đi học có tài xề đưa rước? Nhưng cô tiên của tôi, ai mướn gì làm nấy: quét dọn nhà cửa cho người Úc, chăm sóc con em đồng hương, làm chả giò bán sĩ (không biết học ở đâu mà làm chả giò và đổ bánh xèo- ngon nhất Darwin!).

Tôi cũng đi làm ban ngày, đi học ban đêm. Bảy năm ròng rã, tôi lấy 2 cái bằng về kế toán và Quản trị địa ốc và xin làm “Security Administrator” tại Đại học Charles Darwin University, đầu năm 1985. Tôi làm việc tại CDU hơn 27 năm, nghỉ hưu cuối năm 2012.

Em có bằng Trung học (brevet) Pháp, tuy không đi học tiếng Anh một ngày nào, nhưng lại làm thông dịch dùm bạn bè, nhất là mấy cô lấy chồng Úc, mới qua chân ướt chân ráo. Em chở họ đi làm hồ sơ nhập cư, điền đơn xin tiền an sinh xã hội… Bả thương đồng hương nên giúp, cứ ăn cơm nhà vác ngà voi, không đòi hỏi đồng bạc nào. Mấy cô bạn thương em lắm, cuối tuần ghé nhà tôi xào xào nấu nấu … cùng ăn uống thật vui.

Hỏi mới biết, em tự học tiếng Anh bằng cách theo dõi Play School trên TV, là Chương trình dạy con nít Úc nói/viết để chuẩn bị vô mẫu giáo. Em đọc báo tôi mang về mỗi ngày, không hiểu chữ nào, đoạn nào thì em chịu khó hỏi tôi, hay tra tự điển.

Tiếu lâm nhất là bà hàng xóm nhờ em làm thông dịch. Bà này gốc Ý, có chồng gốc Tây Ban Nha, đến Úc 1978 theo diện vợ chồng mà không đi học ngày nào. Bà ta nói “broken english” với giọng Ý nên tôi và mọi người không ai hiểu cả, vậy mà bà xã tôi hiểu hết. Mỗi lần cần đi bác sĩ, hay bất cứ cơ quan công quyền nào ở Darwin là bả qua năn nỉ vợ tôi theo làm thông dịch.

Một năm sau ngày đến Úc, tôi được bầu làm tổng thư kýCĐNVTD Bắc Úc, sinh hoạt CĐ tới năm 2017 mới rút chân ra được. Bất cứ tôi làm gì, đều có sự yểm trợ- khi công khai, khi âm thầm, của cô Tiên...

Đứa con thứ hai chào đời năm 1984 tại Darwin. Nhìn em cho con bú, nâng niu thằng nhỏ như vàng như ngọc, tôi nhớ lại ngày hai đứa mới thương nhau, bàn chuyện mai này, tôi đã viết bài thơ tặng em:

Một chiều lãng đãng ánh tà dương
Em kể anh nghe chuyện mộng thường
Đôi mắt em nhìn xao xuyến quá
Như sao lấp lánh một trời thương.
Từ đó đời mình hết lẻ loi
Đan tay qua phố bước chung đôi
Em cười rạng rỡ như tiên nữ
Tiên nữ của anh – cũng được rồi.
Từ đó đời mình ươm ước mơ
Từng đêm anh cắn bút làm thơ
Mỗi dòng ôm ấp ngàn thương nhớ
Thương nhớ lớn theo nổi đợi chờ.
Từ đó mình bàn chuyện lứa đôi
Mai này, mình có hai con thôi
Trưởng nam, phần nó lo hương hỏa
Em nó, cô Ba – có rượu mời.
Từ đó mình bàn chuyện cưới nhau
Anh giành chọn áo cưới cô dâu
Màu vàng, hoàng hậu lòng anh đó
Em nói : – Màu hồng, áo cô dâu!
Từ lúc về làm vợ của anh
Âm thầm mình kết mộng ngày xanh
Trưởng nam bật khóc, cưng như ngọc
Đứa kế trai luôn, quý tựa vàng.
Nhiều đêm nằm gác tay lên trán
Anh cám ơn Trời, cám ơn em
Bảy nổi ba chìm mình chẳng ngán
Vì em có anh, anh có em.

Gõ máy tới đây, bỗng nhiên làm biếng… không muốn viết nữa, vì nhớ cô Tiên, nhớ quá xá nhớ.

Cô Tiên của tôi đã về trời sau khi đã sống chung với cha con tôi 43 năm, 3 tháng, 27 ngày trong hạnh phúc. Sau cơn bạo bệnh, từ một người mạnh khỏe, chỉ đúng 5 tuần sau em thành thiên cổ.

Trong những ngày cuối nơi dương thế, khi thấy hai con đứng nhìn nước mắt lưng tròng, em lắc lắc tay con, mỉm cười nói: -“Chúa, Phật cũng chết, thì Má cũng chết. Má đã trả xong món nợ ân tình với cả nhà thì Má đi. Con trai khóc… xấu lắm”. Con tôi quẹt nước mắt mà cười méo xẹo.

Trong Hospice Hospital, nơi dành cho những bệnh nhân giai đoạn cuối, mỗi ngày y tá đến đánh răng và lau mình cho em. Có lần, em cám ơn: “Thanks so much for keeping my body clean. I know it’s shutting down”. Cô y tá Úc trợn mắt nhìn em, rưng rưng. Sau này, cô nói với tôi: “Tôi chưa thấy ai sắp chết mà còn lịch sự và tỉnh táo như vợ anh”.

Em nắm tay tôi dặn dò phải tổ chức tang lễ như thế nào, thỉnh tăng ni nào chủ trì, xong hỏa thiêu và chỉ giữ tro cốt 100 ngày. Sau đó, mang tro rải trên sông Parramatta, gần Opéra House ở Sydney, là nơi em thích đi dạo mỗi lần đi thăm con. Em nói nhỏ nhẹ như đang lo tang lễ của ai khác. Tôi chỉ biết gật đầu, ráng kềm cho nước mắt đừng chảy.

Tôi đã làm đúng những lời em dặn.
Từ ngày cô Tiên về trời, cha con tôi đứt ruột đứt gan, tan nát cõi lòng. Tôi đã sống những ngày như người chết chưa chôn...

No comments:

Blog Archive