Who is really using Covid and Climate as WEAPONS in the Great Reset Agenda
Friday, September 30, 2022
Học Cái Khôn
Hình minh họa
Tối qua ngủ được, sáng sớm chị Ngà thức dậy, khỏe khoắn, lòng vui vui. Đứng lên quơ tay quơ chưn, làm vài động tác cho giãn gân cốt. Hai cánh tay dơ lên cao khỏi đầu, hạ xuống ngang vai, rồi khỏi hông. Hít thở vài cái. Một hồi.
Chị Ngà vô bếp nấu nước pha cà phê rồi vô làm vệ sinh, xong, chị trở ra bếp rót một ly bưng ra sân sau, đi một vòng “kinh lý ấp chiến lược”. Chị có một cây ổi, cao hơn đầu người. Ổi nầy là giống xá lị lai ổi núi hay sao mà ngon chảy nước miếng. Ổi dầy cơm ruột hồng hồng, chua chua ngọt ngọt, ủa kìa, sao lá cây bị con gì ăn lỗ chỗ? Ờ phải rồi, bữa trước thấy con cào cào đậu trên lá, chắc là bị cào cào châu chấu nhắm nháp rồi. Cây cỏ nhà chị không có sâu mà bị cào cào. Đám cào cào “chưn dài” màu xanh lè lẫn trong lá, dòm kỹ mới thấy. Thấy nó rồi thì cứ để cho nó mặc sức nhảy nai chồm chồm trên cây đi. Vừa bị động nó búng cẳng một cái. Mất tiêu. Châu chấu dễ thấy hơn, mập ù màu nâu nâu, có khi rào rào bay ngang đầu, chị để cho nó qua luôn. Vì vậy mà cây cối nhà chị lá nào lá nấy như cái tổ ong. Ngó cây mãng cầu chị thấy sốt ruột. Cây gì mà toàn lá. Lá xanh dờn, lá nào lá nấy bự tổ chảng như lá bàng, có thấy bông thấy trái nào đâu mà cành thì de ra che hết một góc sân. Mấy cô thợ trong tiệm biểu chị:
- Thôi, cây hổng có trái chắc là cây đực, để choáng chỗ chị đốn bỏ mẹ nó đi cho rồi kiếm cây khác trồng chẳng hạn như trồng cây xoài cây mít ra trái cho tụi em ăn còn có nghĩa hơn he he .
Hừmh! Tính khôn! Tụi bây tính khôn dàn trời! Cây đang sống mạnh mẽ xanh dờn như vậy sao nỡ đốn? Cây cũng biết đau mờ. Mà lạ nha, lá mấy cây bông với mấy bụi rau sống, luôn đám rau cay thấy mồ như lá húng cây, cũng bị mấy cô “chưn dài xanh lè” nhai rau ráu, trừ ra cây mãng cầu, không một lá nào bị ăn hết. Tại sao ta?
Hai cây đu đủ lớn kế bên nhau quá dễ thương, năm nay vươn khỏi bờ tường rồi.
Vừa bước lên phần đường tráng xi măng vòng quanh sân cỏ, kế bên cái bồn bông thì chị hết hồn, khựng lại. Cái gì một đống đen đen nằm đó. Cúi xuống dòm cho kỹ, hoá ra là một con… con chim. Con chim lớn, cỡ gần con gà con, nằm chết queo. Xung quanh xác chim, kiến bu đen. Ớn quá, chị bước lui.
Dòm lên cành cây. Sau lưng nhà chị, bên kia tường rào là sân sau của nhà hàng xóm. Nhà nầy, giữa sân có một cây cổ thụ, hổng chừng, ít nhứt cũng cả trăm tuổi. Chị suy tính, nguyên khu nhà này xây lên cùng năm 1923, có lẽ tất cả đám cây thuộc loại cổ thụ nầy cũng được trồng hồi năm đó. Dầu cho trồng từ cây đã lớn, cây chiết nhánh hay bằng hột thì những cây nầy kể như cả thế kỷ rồi. Già hơn mình nhiều. Cây cổ thụ quá lớn, hình dạng tròn, những cành tủa ra như cái dù khổng lồ, bao giáp, rợp bóng nguyên cái sân sau và chìa qua che một góc sân nhà chị. Mỗi mùa thu chị phải hốt lá mệt nghỉ! Có phàn nàn với chủ nhà, họ không thèm trả lời. Có gởi đơn khiếu nại với thành phố, chẳng ăn thua gì. Thành phố cho biết đã có nhiều đơn thưa nhà ấy, cách hay nhứt là, “Chị hãy mướn người tới cắt dọn cành cây ấy rồi gởi hóa đơn tới chủ nhà đòi họ thanh toán”.
Chị bực tức lắm. Ở Mỹ, tưởng có luật pháp, ai dè pháp luật cũng bó tay, cũng có kẽ hở cho ngừơi ngang ngạnh lỳ lợm lướt qua. Chị chịu thua luôn, đành phải tiếp tục quét lá, tự an ủi, cứ tưởng tượng mình là một nàng thơ, quét lá cũng thú vị, “gió bay lá, lá bay gió…” cầm cây chổi quét tới quét lui, như thể dục thể thao mà, tốt cho mình, than gì!
Trên cây có biết bao nhiêu tổ chim. Ngước lên kiếm thì thấy kẹt giữa mấy chỗ cháng ba cành cây có nhiều cái tổ, chim từ đó bay ra, toàn giống quạ đen. Tiếng quạ kêu rất chói tai, rầm trời. Con chim chết nầy là một con quạ, lớn gần bằng con gà con. Tại sao nó chết? Chị lùi lại, suy nghĩ. Ờ bữa nay là ngày có thợ cắt cỏ tới, cậu ta sẽ dọn xác chim.
Chị trở vô nhà. Mất hứng “kinh lý”. Mở ti-vi ra coi tin tức, vừa lúc cậu người Mễ tới, đẩy đồ nghề vô, bắt đầu cắt cỏ rồi thổi lá. Khi hết nghe tiếng động quen thuộc đó, chắc mẩm cả sân đều sạch sẽ, chị lại bước ra sân sau. Trời đất! Xác con chim còn y nguyên. Mọi thứ đều ngăn nắp. Cỏ ngắn xuống, đường viền xung quanh bồn bông gọn gàng, lá cây được thổi sạch sẽ ... chừa xác con chim.
Thiệt tình!
Con chim chết nằm giữa vùng kiến bu đen ngòm. Họ hàng nhà kiến không bỏ món mồi ngon, lớp ăn lớp tha đem về tổ. Con đường “xa lộ kiến” dài ngoằn ngoèo tuốt luốt vô đám lá đám cỏ rậm rạp mà chị không bao giờ dám đụng tay vô phá. Tổ kiến có lẽ đã có từ lâu trước khi chị dọn về nhà nầy, phá nó làm chi? Ở xứ Mỹ nầy, rõ ràng là chuyện ai nấy làm. Thợ làm “neo” chỉ được làm móng tay móng chưn, không được đụng tới da mặt. Thợ dưỡng da không được đụng tới bàn tay làm móng. Cái nghề gì mà cũng trên một cơ thể con người nhưng có đường ranh giới rạch ròi hẳn hòi. Phá luật? Phạt nặng à! Anh chàng cắt cỏ nầy, mình tưởng thấy con chim chết thì sẽ tiện tay dẹp luôn, ai mà ngờ anh ta tỉnh bơ “để y nguyên” như vậy, chắc cũng có liên quan nghề nghiệp?
Thiệt tình!
Ờ. Phải chi chị nói một tiếng, nhờ cậu ta liệng xác cho rồi. Mà khổ cái là, cậu ta không nói được câu tiếng Mỹ nào hết. Chị nhớ rồi, hồi trước, khi cần gì chị phải bắt điện thoại nói chuyện với chị chủ thầu cắt cỏ mà. Hồi đó nghe ai nói là, phủ xác cỏ mới cắt xung quanh gốc cây, làm mát gốc và cỏ không mọc lan. Chị ra dấu cho anh thợ giữ bọc cỏ lại cho chị. Anh ta ngẩn tò te ra một hồi rồi gật gật đầu, miệng cười khì khì. Tưởng ảnh hiểu, chị bỏ vô nhà. Chừng anh ta xong việc chị trở ra tính để lấy bịch cỏ đổ lên gốc cây thì anh ta đã rinh mọi thứ đi mất. Có nghĩa là anh ta không hiểu gì hết. Thôi đành, phải tự mình làm thôi. Kiếm khúc cây đùa xác chim vô cái đồ hốt rác, rớt lên rớt xuống. Đã nói con chim bự lắm mà. Kiến bu theo, thấy ghê!.
Con chim nầy chết như vầy, chị mong không phải là chim mẹ. Chị mong không có một đàn chim non còn trong tổ đang há mỏ chờ mẹ bay về đút mồi nuôi cho lớn. Chị mong không có mấy con thú đang rình rập, như con “possum” dữ dằn khi bất chợt chị bắt gặp, nó chẳng những hông sợ, chạy đi, mà còn đứng lại nhe nanh nghinh chị, trong họng gầm gừ phát ớn; hay con “skunk”, có lần chị bị nó xịt cho một cái, hôi khủng khiếp. Cũng may đứng xa không bị văng vô quần áo; hay con mèo vá thường lững thững thong dong như mấy chị đi sắm đồ, ngang bờ tường, gặp chị nó nhìn chị “xì-nẹt” một cái rồi phóng vô bụi? Nhưng, mấy con thú chạy dưới đất, làm sao vật chết con chim bay trên trời?
Chị ngó lên mấy cái tổ chim trên cao. Có thấy được gì đâu!
Giống quạ nầy rất dạn và thông minh. Chị thường thấy mấy con, ngậm trong mỏ hột gì đó, bay ngang mặt đường nhựa, nhả hột xuống cho rớt trên mặt đường tráng nhựa, cho hột bể ra rồi xà xuống đớp, bay vút lên gọn gàng nhanh chóng. Nó ăn hay đem về nuôi con?
Chị ngó lên mấy cái tổ chim lần nữa. Mong là đám chim non, nếu có, đã học được cái khôn nầy của mẹ, trước khi mẹ nó rớt xuống, nằm chết cong queo.
Tội nghiệp quá./.
Truong Ngoc Bao Xuan
Bún riêu, mì quảng…
Bún riêu, Mì Quảng
Tôi có cơ hội đi dọc Việt nam sau hoà bình để kiếm sống chứ chẳng vì mục đích cao cả nào khác. Thời bao cấp đói nghèo thì ai cũng đã biết, nhưng không vì lý do thiếu thốn đủ thứ mà tô bún riêu mỗi nơi mỗi khác, nó mang đặc trưng vùng miền cũng không hẳn, vì trước năm 1975 thì tô bún riêu ở mỗi nơi đã mỗi khác trên đất nước có chiều dài như Việt nam ta.
Trước khi nói đến tô bún riêu như một món ăn bình dân, rẻ tiền nhưng dễ nuốt ở miền nam thì người nam ít cãi nên không có nhiều gay cấn như nói đến tô mì quảng của người Quảng. Có lần tôi nói đùa với những người bạn Quảng ở địa phương rằng, “Trên địa cầu này không có tô mì quảng ở đâu đúng là mì quảng vì đúng mì quảng thì sợi mì phải làm bằng nước giếng ngoài Quảng mới ra được tô mì đúng là mì quảng…” vì mấy ông Quảng nam cãi mấy ông Quảng ngãi, Quảng trị về tô mì quảng phải có những gì, và không được có những gì bởi sẽ làm mất hương vị mì quảng. Nhưng không ai đủ sức thuyết phục quần hùng về hương vị như thế nào là đúng mì quảng?
Mì Quảng
Đi mãi rồi cũng tới lúc chống gậy. Tôi mệt mỏi với sự tranh cãi của mấy người bạn Quảng nên có dịp gặp nhau, có dịp cùng ngồi ăn tô mì quảng ở nhà một người Quảng thì tôi lo ăn, hơi đâu lo nghe họ cãi bởi cuối cùng cũng không ai thắng nổi là mì quảng ở quê ai mới đúng. Mì Quảng trị, mì Quảng nam, mì Quảng ngãi, hay mì Quảng bình mới đúng là mì quảng!
Cho đến một hôm nhà thơ ở cạnh nhà thờ Nguyễn Xuân Thiệp đề nghị anh chị em Dallas chúng ta hãy đi Fort Worth một chuyến để thăm nhà thơ Phạm Cây Trâm. Chúng tôi đồng ý ngay vì ai cũng yêu mến bác Phạm Cây Trâm với “lều thơ” của bác trên nhiều báo chí ở hải ngoại, chúng tôi yêu mến cả tính cách rộng lượng, hào phóng và sảng khoái của bác. Bác là người Quảng nam chân chính nhất trong suy nghĩ riêng tôi vì lòng yêu nước của bác thật thà, sâu đậm như một người Quảng thì bác mới viết nên được những câu thơ mộc mạc mà chan chứa tình yêu quê hương, đồng bào…
Chúng tôi đến thăm bác Phạm Cây Trâm vào một ngày cuối năm, không ngờ mười giờ sáng bước vô nhà bác mà khi ra về đã nửa đêm, nhà thơ ở cạnh nhà thờ Dallas còn lưu luyến Fort Worth chưa muốn về với vầng trăng lạnh treo trên cành trơ trụi lá, lưu luyến lều thơ của bác Phạm Cây Trâm, lưu luyến người bạn già, bạn thơ đã tóc bạc trắng đầu… Riêng tôi được lợi nhất hôm đó vì đã thoả mãn được tò mò, thắc mắc về tô mì quảng.
Bác Phạm Cây Trâm là Trưởng ty Thông tin tỉnh Quảng Nam thời ông Thiệu nên bác đi tù cải tạo cũng nhiều năm, bác Trâm gái là giáo viên dạy văn cấp trung học thời xưa. Với tôi, bác Trâm gái là hình ảnh người mẹ sâu đậm vì ít gặp trong đời sống hải ngoại. Bởi bác gái vẫn nguyên hình hài người mẹ quê, hết lòng chăm lo gia đình khi tuổi đã cao, bác mến khách hệch hạc bởi chân tình. Điểm đặc biệt ở bác gái là tri thức của một giáo viên trước 1975, bác có hiểu biết rộng, suy nghĩ sâu xa nhưng không khoe mẽ…
Suốt cả ngày viếng thăm, những người bạn văn thơ của bác trai ở nhà trên muốn gì được nấy, hơn cả muốn gì được nấy vì ai cũng no say lặc lè nhưng bác gái cứ chốc lát lại lên nhà trên mời bánh trái, xôi chè, trái cây đủ loại vì bác sợ khách khách sáo nên bị đói bởi ở chơi lâu, bởi bác trai không muốn bạn hữu ra về cũng là lý do cuộc viếng thăm kéo dài hơn mười hai tiếng đồng hồ. Tôi nhỏ nhất nên làm phi thuyền con thoi cho đỡ cực bác gái, nhà trên cần gì tôi sẽ xuống bếp phụ bác gái cho nhanh và đưa lên cho mấy ông nhà thơ, nhà văn ở nhà trên.
Hôm ấy bác Trâm gái nấu mì quảng là món chính, bác nấu theo yêu cầu của luật sư Nguyễn Xuân Phước ở Dallas cũng là người Quảng, nghe nói đi thăm bác Phạm Cây Trâm thì anh Phước đã đặt hàng trước là món mì quảng vì bác Trâm gái nấu mì quảng không có đối thủ ở Dallas-Fort Worth theo Quảng nhân Nguyễn Xuân Phước. Tôi tin anh Phước vì anh là luật sư nhưng nấu ăn cũng cự phách lắm, một mình nấu phở cho cả trăm người ăn, luật sư đổ bánh xèo đổ bốn chảo một lúc làm anh chị em ở những tiểu bang xa về thăm Dallas tròn mắt mà nhìn… Hôm đó trò chuyện với bác Trâm gái dưới bếp, tôi đã hỏi bác gái về xuất xứ của món mì quảng. Tô mì quảng đúng là mì quảng sẽ gồm những gì, cách nấu, cách ăn?
Và tôi vô cùng thích thú với câu trả lời của người mẹ miền trung, người cô giáo của thế hệ tôi, người tri thức ẩn khuất trong sự khiêm tốn, nhẹ nhàng nhưng lắng đọng của người mẹ quê. Bác gái nói, “Bác không rõ xuất xứ của món mì quảng do ai sáng chế ra? Bác chỉ biết đó là một món ăn bình dân ở ngoài trung vì dễ nấu, dễ ăn. Ai cũng nấu được, ai cũng ăn được, và ai cũng thích món đó nên phỏ biến trong dân dã… Bây giờ có điều kiện nên nấu nước lèo xương, có người cho thêm thịt ếch vào nước lèo để ngọt nước một cách đặc biệt bởi vị ngọt của thịt ếch. Rồi nào là tôm, thịt, cá, mực… dư thừa. Món này khi còn ở quê thì bác thấy nhà ai có gì nấu nấy. Người Quảng thích ăn bánh tráng với đậu phộng rang nên hầu như nhà ai cũng có sẵn, nên trở thành hai thành phần có mặt trong hầu hết những tô mì quảng. Rau xanh ăn mì quảng ngon nhất là cải bẹ xanh non, nhưng không có thì ăn rau xà lách. Ở những vùng sâu, vùng xa trong núi trong rừng thì rau rừng có gì ăn nấy. Rau mùi không phân biệt âm dương gì đâu, có rau gì ăn rau nấy. Ngoài trung, những ngày mưa bão thì lấy đâu ra cầu kỳ để gọi là tiêu chuẩn của tô mì quảng? Ngay sợi mì cũng mỗi nhà làm mỗi khác theo kinh nghiệm gia đình, chứ nói là gia truyền thì hơi nói quá vì có mấy ai chuyên nghiệp tới mức gia truyền…”
Tôi vui trong lòng vì hiểu rõ hơn về món mì quảng từ người khả tín. Theo bước giang hồ từ tô mì quảng ở bến xe miền trung ở quê nhà tới tô mì quảng dọc đường gió bụi khi đi ngang qua miền trung, tới ở nhà hàng nơi hải ngoại, nào là mì quảng lươn đồng, mì quảng gà, mì quảng cá lóc… tới tô mì quảng không đụng hàng của những đại gia ngành neo ở Dallas đãi anh em, cho cả sơn hào hải vị vào tô mì quảng. Nên tôi mới nói là mì quảng phải làm bằng nước giếng ngoài Quảng thì mới đúng mì quảng. Thậm chí nhồi bột cũng phải là người Quảng mới giai như mấy ông cãi nhau… Lần đó xém chết vì dám chọc Quảng.
Vậy trong miền nam có món bún riêu, món bún in đậm trong ký ức tôi vì hồi nhỏ chẳng bao giờ đủ tiền để ăn hai tô từ gánh bún riêu. Có tiền ăn một tô đã là may mắn nhưng hồi còn nhỏ nên không biết mình may mắn hơn đứa đứng nhìn mình ăn một cách thèm thuồng. Hồi nhỏ ăn tô bún riêu chỉ sợ hết nên xin thêm rau, xin tới dì bán bún riêu không cho nữa thì xin thêm chút nước me, cho con xin thêm chút ớt bằm… nên hương xưa còn nhớ về món dân dã yêu thích là hai vị chua cay. Những đêm không ngủ ở hải ngoại dư thừa vẫn nằm nuốt nước miếng khi hoài niệm đầy cảm xúc ợ hơi lên vị chua cay của tô bún riêu thời chân đất. Sao nó ngon từ miếng gạch cua béo ngậy như phô mai đầu bò, mấy miếng cà chua thanh tao đi vào cuống họng thơm ngọt, để lại sự tiếc nuỗi đã nuốt mất rồi. Có mỗi miếng đậu hũ chiên cứ để dành tới cuối cùng mới ăn cho mùi thơm của đậu còn dư vị trong miệng thêm phút giây khi đã phải giã từ trong tiếc nuỗi, phải trả tô, trả đũa cho người bán. Và không quên húp hết nước lèo ngon thơm như nước thánh, húp tuột quần là chuyện có thật với tôi để lớn.
Đôi khi gặp bạn bè người nam cùng ăn bún riêu ở nhà ai đó, cũng tranh cãi không thua gì người Quảng cãi nhau về tô mì quảng ở quê anh, quê tôi. Hai người làm như khác quê khi tôi ở Ngũ hành Sơn nên nấu khác anh ở ngoài Đà nẵng, ở sông Hàn người ta nấu tôi ăn không được… mới ghê.
Bún riêu trong nam thì trước hết không thể thiếu riêu cua, là thịt con cua đồng giã ra, lọc nước bỏ xác, nấu sôi lên, thịt cua đồng kết lại thành riêu. Một loại phô mai của đồng ruộng mà phô mai đầu bò không sánh kịp. Nhưng hôm đi ruộng về không có cua đồng thì con còng, con cáy gì cũng giã ra, nấu tuốt. Có gì nấu nấy với cây nhà lá vườn ở dưới quê mà thành món bún riêu dân dã. Ai cũng nấu được, ai cũng ăn được, và ai cũng thích thì có gì để cãi nhau thay vì mừng cho quê anh có nhiều ốc bưu nên bỏ thêm vào tô bún riêu mấy con ốc bưu ăn cũng ngon. Ngon miếng đậu hũ chiên béo ngậy đậu nành như ăn miếng mỡ trong thịt kho tàu, nhưng trong đồng trong ruộng, gặp hôm gió mưa thì không có đậu hũ cũng là bún riêu. Có gạch cua cáy nổi lên là bún riêu rồi, có thêm miếng huyết là bá cháy. Không biết sao miếng huyết trong tô bún riêu nó ngon tới ngậm mà nghe, không phải thịt mà ngọt như thịt, không phải mỡ mà béo như mỡ, không phải gân mà giai giai, giòn giòn như gân, không phải sụn mà sần sật như sụn mềm; không phải ai cũng may mắn có được miếng huyết trong tô bún riêu để sống sót qua đêm dài hải ngoại thì hơi đâu cãi nhau về bún riêu quê anh với quê tôi?
Bún riêu có cái đặc biệt làm nên tên tuổi là dùng nước me vắt làm chua nước dùng chứ không dùng giấm. Ngay người thích ăn chua nên vắt thêm chanh cũng không ngon bằng vị chua của nước me dốt. Bún riêu có cái hay là người bán múc xong tô tún riêu cho thực khách thì dùng muỗng nhỏ múc muỗng ớt xay, muỗng mắm tôm để lên mặt tô. Ai không thích ăn cay, gắp bỏ nhúm ớt xay ra; ai không thích ăn mắm, gắp bỏ nhúm mắm ra. Tô bún riêu vẫn ngon theo khẩu vị từng người là đặc trưng của bún riêu: Có gì nấu nấy, ăn sao cũng được ấm lòng, ngon miệng một lần sống trên đời.
Tô Bún Riêu
Bún riêu từ thời chân đất dưới quê, bún riêu theo bước giang hồ phố thị. Trốn học đi đá banh, đi hồ bơi, bơi đỏ mắt, đói như bò bắt nợ mà đi ăn tô bún riêu ở hẻm hóc Sài gòn thì nhớ đời. Bún riêu Bà Hạt chiều mưa lất phất cuối năm, gắp cho nhau nhúm rau, nhường cho nhau miếng đậu mà nên vợ chồng. Bún riêu vượt biển, vượt biên vẫn mang hồn người miền nam chất phác, thật thà. Đậm đà như bún riêu là món đãi bạn phương xa tới sau một ngày mệt mỏi tàu xe mà được ăn tô bún riêu như thấy lại quê nhà, gặp lại người thân. Lần nào qua Calif cũng được mấy bà chị bên nớ nấu cho nồi bún riêu vì cậu em bên ni thích món ấy. Đúng là ngon hơn ăn nhà hàng vì nhà hàng ở đâu cũng rứa. Nhưng bún riêu hải ngoại, bún riêu ở Mỹ đã mất hồn dân dã của món bún riêu quê mùa vì quá nhiều xương thịt, tôm thịt quá nhiều đến mất mùi đặc trưng của bún riêu là mùi riêu cua chứ không phải là mùi xương thịt hầm như tô hủ tiếu của người Tàu. Rồi mùi hải sản không đúng món đầy ắp trong tô bún riêu nên tìm không ra mùi dân dã mới thực sự là thèm.
Dù sao cũng cảm ơn thật lòng những người chị, người em bên Calif yêu dấu đã không quên cao bồi Texas thích bún riêu. Nhưng ai muốn ăn tô bún riêu ngon cũng vẫn phải về Calif để tìm lại hương xưa còn nhớ chốn quê nhà vì nhà hàng bên ấy có khách ăn nên người ta còn nấu với tính cạnh tranh cao của ngành nhà hàng bên Calif. Nhưng đừng bao giờ vào nhà hàng ở Dallas mà gọi một tô bún riêu… sẽ mất nước lần thứ hai vì không ở đâu nấu bún riêu dở hơn Dallas được.
Tôi đã đi ăn khắp các nhà hàng Việt nam ở Dallas, hầu như nhà hàng nào cũng có món bún riêu trong thực đơn, nhưng chỉ là liệt kê ra cho thấy thực đơn của nhà hàng cũng phong phú, nhằm thu hút thực khách. Thực chất ở Dallas không có tô bún riêu trong nhà hàng Việt nam vì nấu bún riêu kiểu Mỹ nhiều xương thịt thì không, nấu dân dã như ở trong đồng trong ruộng bên Việt nam cũng không. Vậy họ nấu kiểu gì? Câu trả lời là không muốn bán món ấy, không thèm nấu cái món bán không nhiều tiền được mà mất công, phiền phức quá nên nấu dở cho thực khách dần dần biết món đó dở nên không order nữa. Nhà hàng khỏi nấu, khỏi bán cái món không bao nhiêu tiền, ít người ăn…
Hôm tôi đón người bạn trẻ ở Calif qua chơi, ra khỏi phi trường DFW đã tám giờ tối. Tôi nói với bạn mình, “Em muốn ăn gì thì còn kịp ghé nhà hàng đóng cửa chín giờ vì mình về tới khu người Việt khoảng tám giờ rưỡi. Anh bận suốt hôm nay nên không nấu nướng gì ở nhà…”
Bạn tôi thèm ăn bún riêu. Tôi thầm nghĩ bạn bè gì mà đâm lút cán vào tử huyệt của Dallas vậy trời? Nhưng dù đã ghé quán khả thi nhất ở địa phương, gọi hai tô bún riêu miễn cưỡng như người lấy order ngập ngừng. Mười phút sau, chúng tôi có hai tô quái đản trên bàn ăn về tối. Dưới đáy tô là gốc rau xà lách xắt cọng với mấy cọng giá, tới bún bình thường như bún thôi. Trên mặt bún, họ lợp lên hai lát chả lụa, miếng chả của cơm tấm sườn bì chả, hai lát cà chua; rồi chan nước lèo heo của món hủ tiếu. Rưới lên chút dầu hạt điều cho có màu cam đỏ như bún riêu.
Chúng tôi nhìn nhau như phát giác ra một vụ lừa gạt trắng trợn khi chưa tắt đèn “open” ở một cái nhà hàng. Bằng chứng cụ thể là trái cà chua dài, cắt ra làm tư nên mỗi tô được hai miếng. Tủ lạnh của của nhà hàng này còn tốt nên hai miếng cà chua bị chan nước lèo nóng nhưng nó vẫn lạnh ngắt như mặt người bưng tô vì sắp tới giờ về mà còn vô ăn nên họ ghét hay sao?
Buông đũa, vẫn trả tiền, không than phiền. Hai anh em về nhà ăn mì gói, uống rượu vang.
Hôm sau tôi nấu cho bạn tôi một nồi bún riêu. Cậu em ăn tới hôm bay đi Boston thăm bạn gái còn ước gì em đem đi được vì bạn gái em ưa thích bún riêu còn hơn em mà bên Boston làm gì có…
Đúng rồi! Làm gì có tô bún riêu hay tô mì quảng có công thức vì nó ở trong tiềm thức người xa quê luôn thèm khát hương vị quê nhà, sự dân dã tưởng rằng đã quên…
Gặp gỡ với Nhà thơ Huyền Chi của “Thuyền viễn xứ”
Bạn còn nhớ tiệm sách Bút Hoa trên đường Trần Hưng Đạo, đối diện trường Phan Bội Châu (cũ) của bọn mình ở Phan Thiết không? Chủ tiệm là cô Ngọc Bút, Hồ thị Ngọc Bút, thường gọi cô Ngọc, vợ thầy Trần Phụng Tường dạy Pháp văn lớp đệ thất 1954 (65 năm trước) của bọn mình nhớ không? Ai dè cô là nhà thơ Huyền Chi, nổi tiếng với bài thơ Thuyền Viễn Xứ do Phạm Duy phổ nhạc đó nhớ không?
Gốc Bắc Ninh, nhưng sanh đẻ tại Gia Định (Saigon) và có thời cô phụ mẹ bán hàng vải ở chợ Bến Thành. Trong nhiều năm, cô im hơi lặng tiếng, đến nỗi nhạc sĩ Phạm Duy chỉ một lần gặp cô, được cô tặng tập thơ Cởi Mở tại chơ Bến Thành năm đó, chọn được một bài là Thuyền viễn xứ để phổ nhạc thành một ca khúc tuyệt vời đã cất công tìm kiếm cô mãi không được, nhắn tin cả trên bản nhạc: Huyền Chi, cô ở đâu? Tiếng kêu lọt tõm trong sa mạc. Và người ta cứ nghĩ thêm một hiện tượng TTKH nữa rồi!
Nhưng không. Cô không lên tiếng với PD vì nhiều lý do nhưng lý do chính là thầy đang bị tai biến, té gãy xương đùi, phải nằm một chỗ suốt mười năm, một tay cô chăm sóc. Nhà văn Nguyễn Đông Thức trong một bài viết đã quả quyết đó là vì “ông chồng quá ghen”, và cô đã xác nhận anh chẩn bệnh chính xác trăm phần trăm!
Lúc mình học với thầy Tường thì thầy chưa có vợ! Mình chỉ học PBC được mấy tháng thì gia đình dời về tỉnh mới Bình Tuy (LaGi), nên không còn được theo học nữa. Dù sao, Cô Ngọc Bút, nhà thơ Huyền Chi, cũng là cô mình mà, nên hôm nay mình đã cùng với TP, NTC… những học trò cũ thân thiết cùng hẹn đến thăm cô, thắp nén nhang cho thầy, cũng là dịp cho mình được gặp gỡ nhà thơ HC đã 83 tuổi, im hơi lặng tiếng quá lâu, giờ lại “bùng nổ” trên Facebook với nhiều bài viết rất hay và sắp ra mắt tập “Huyền Chi, Thuyền Viễn Xứ” nữa!
Mình thưa sao cô lấy tên Khánh Ngọc trên Fb vậy cô? Có phải vì… nghĩ đến Phạm Duy? Cô nói không. Tôi tên Ngọc (Ngọc Bút) và Khánh là tên người anh trai của tôi mà tôi rất quý mến đang ở nước ngoài. Anh có người con là họa sĩ đã trình bày bìa cho cuốn sách Huyền Chi, Thuyền Viễn Xứ này đó. Cái lý do “lẫn trốn” PD vì sau khi bài Thuyền viễn xứ nổi đình nổi đám, thì tôi sợ, nhất là ở một thành phố nhỏ như Phan Thiết này thì khó mà tránh phiền phức, vả thầy cũng đang nằm bệnh đó…
Cô nói từ ngày thầy mất, suốt nhiều năm cô lặng lẽ âm thầm, ra vào một mình, con cháu mới bày cô làm Facebook cho vui, để trong gia đình, người trong nước kẻ ngoài nước, thư từ, trao đổi, trò chuyện cho thuận tiện hơn. Cô học rất nhanh, vì cô vốn là cô giáo dạy tiếng Anh, xưa đã quen với máy chữ mười ngón các thứ… Vậy là Fb Khánh Ngọc ra đời. Bạn bè tìm lại nhau sau 65 năm trời xa cách. Rồi học trò, rồi độc giả khắp nơi khuyến khích nên cô viết nhiều, viết nhanh, rồi nay còn in ra sách nữa… Văn cô mượt mà, chuyện kể chân thành, đằm thắm được chia sẻ nhanh chóng trên mạng. Những hình ảnh xưa cô post lại, khiến nhiều người giật mình. Cô đẹp quá. Sao thời đó, một người phụ nữ 7 con, 35 tuổi mà dịu dàng, đoan trang, tươi mát đến vậy, khiến ngay cả nhà văn Nguyễn Đông Thức cũng kêu lên… giá mà hồi đó, sanh sớm nửa thế kỷ được gặp cô cũng không thể không mê!
Mình có “lợi thế” là học trò của thầy Tường, 65 năm về trước, và cũng lại là người mà cô bảo cô là “fan” từ lâu, nên dù mới gặp lần đầu vẫn không hề xa lạ. Mình bèn lựa lời… hỏi những chuyện tình mà cô chưa từng nói với ai cũng không viết hết được trong sách.
Chuyện đầu tiên, dĩ nhiên là chuyện tình của thầy-cô. Mình không lạ gì “tiếng tăm” của thầy-cô ở Phan Thiết một thời… Mấy bạn học kể hôm nào thầy vào lớp… chửi học trò, nhăn nhó với học trò là có chuyện ở nhà. Thầy “ghen” khủng khiếp. Có lần thầy bảo: tôi mê vợ tôi có sao không? Khi hai ông bà dắt tay nhau dung dăng dung dẻ ngoài phố, lũ trẻ con chạy theo kêu: Ông tây bà đầm, ông tây bà đầm… Bởi thời đó, vợ chồng thường đi cách nhau mấy bước! Có ai dám nắm tay ôm eo như vậy đâu!…
Rằng cô không hề để ý đến thầy. Lúc 15 tuổi cô đã có nhiều bài thơ. Và còn làm “biên tập thơ”cho một tờ báo Phụ Nữ thời đó. Lúc 17 tuổi, ông J, một người Pháp… mê cô. Xin cưới. Cô từ chối. Vậy mà đến năm cô 76 tuổi, khi thầy mất, vợ ông J cũng đã mất, ông còn quay lại xin… cưới. Cô lại từ chối.
Mới lớn, mẹ cô bắt cô phải lấy một “đại gia” giàu có, làm xuất nhập cảng. Ông này đi hỏi cô 8 lần. Cô cương quyết từ chối. Mình mới lớn, biết làm thơ, ít ra cũng có chút “lãng mạn” gì chứ lẽ nào lại lấy một ông nhà giàu chỉ biết làm xuất nhập cảng! Rồi cô tình cờ đến học thêm ở lớp tiểu học thầy Tường đang dạy, nhưng thầy đã vừa xin nghỉ để về Saigon tiếp tục học lên. Vậy mà sau này, thiên hạ còn kêu: học trò lấy thầy giáo! Thực tế, cô có học ngày nào với thầy đâu!
Lúc giúp mẹ bán hàng vải ở chợ Bến Thành Sàigon, có một ông nào đó mê cô…, lẽo đẽo làm thơ cả tập để tặng cô, ngày nào cũng có thơ mà cô chưa bao giờ biết mặt. Một lần, cô đi cắt tóc về, ông làm thơ than khóc cho mái tóc từ nay đã bỏ vào mỹ viện (tiệm cắt tóc)! Cô vẫn không biết ông là ai, nhưng khi cô lấy chồng, cô gởi ổng bài thơ “Bài thơ cuối cùng” để kỷ niệm. Từ đó, bặt tin.
Một người khác nữa, ở Huế. Cũng chỉ quen nhau qua văn thơ, cũng chưa hề biết mặt, nhưng chính ông này đã in cho cô tập thơ đầu tay, tập “Cởi Mở”. Đến lúc cô lập gia đình, ông gởi cô “Bài thơ cuối cùng”. Và rồi, cô cũng gởi ông “Bài thơ cuối cùng”, 16 khổ. Ai ngờ ông còn giữ đến bây giờ!
Năm trước, có người thanh niên chừng 45-50 ở nước ngoài về đến tìm cô, dọ hỏi đủ thứ. Sau mới nói là con của ông TT, nay đã gần 90, nhờ anh gởi lại cô “Bài thơ cuối cùng” cô đã viết tặng ông 65 năm trước. Dặn về VN phải bằng mọi cách tìm cho được cô để trao lại bài thơ này. Bây giờ các con cô hay hỏi sao mẹ đi lấy chồng cứ làm hết “Bài thơ cuối cùng” cho người này rồi lại “Bài thơ cuối cùng” cho người khác vậy?…
Ở Phan Thiết, còn có ông L, ở dãy phố lầu 30 căn, ngày nào cũng ở trên lan can nhìn cô đi học qua lại. Ông L là bạn của thầy Tường. Thầy kêu ông viết thư cho cô đi, rồi thầy sẽ trao giùm cho, nhưng ông không dám viết. Sau ông lên khu, được tin cô lấy chồng, ông có viết mấy dòng chúc đôi uyên ương hạnh phúc!
Thầy Tường thì bà mẹ cô cương quyết không cho gặp, không cho cưới hỏi gì cả. Lý do: nghèo quá! Một lần thầy viết thư cho cô, cô cảm động, gởi thầy bài thơ lục bát. Từ đó thân nhau. Khi đã thắm thiết, mỗi lần thư cho thầy cô viết cuối thư: “Hôn anh thật kêu!”. Thư lọt vào tay ông bố thầy, ông nói: “Hôn anh” được rồi, còn “thật kêu” nữa! Từ đó, thầy dặn Bưu điện Phan Thiết đừng đưa thư về nhà, để thầy ra bưu điện nhận trực tiếp. Thầy mang thư ra vườn hoa, chỗ Château d’eau (lầu nước) mà đọc. Thầy nói đó là những giây phút hạnh phúc nhất đời của thầy.
Có lần thầy mang tặng cô bó hoa, cô trang trọng cắm vào độc bình đặt lên bàn, lúc học về, thấy bó hoa đã bị ném vào sọt rác! Thì ra, bà mẹ rất bực mình…
Thế rồi, làm sao thầy cô đến với nhau được? Lúc đó thầy đang học Dược thì bỏ, nộp đơn xin đi dạy học ở Phan Rang. Có Baccalaureat Pháp (Tú tài) thời đó dễ được các trường nhận cho dạy. Thầy viết một bức thư…. rủ cô đi với thầy. Bức thư cô để quên trên bàn học, bị bà mẹ bắt được. Đành phải cho thầy cưới cô, vì nếu không, “nó bỏ nhà trốn đi thì mang tiếng”!
Nghe nói thầy “ghen” lắm có đúng không? Phải, thầy “ghen” nổi tiếng. Thầy phải “tả xung hữu đột” “đánh nam dẹp bắc” nhiều phen. Nhiều lần đột xuất kiểm tra giám sát cô khi cô đi làm. Lúc nào thầy cũng đích thân chở cô đi. Thiên hạ thấy thầy già mà cô trẻ, có lúc tưởng thầy có “bồ nhí”! Thiệt ra thầy với cô đã có 5 đứa con rồi chứ, nhưng cô càng đẻ càng khỏe càng trẻ ra. Thầy chỉ hơn cô 6 tuổi. Khi thầy bị động viện, thầy còn kêu “ráng” đẻ thêm một đứa đủ 6 để được miễn. Sau cùng thầy cô có 7… em. Cô cười.
Rồi cô cười… lỏn lẻn. Có chuyện này cô không thể kể trong sách. Lúc thầy học thi Tú tài 2, trên bàn để một cái hình cô và một câu thề quyết tâm thi đậu Bac (Baccalaureat). Rồi còn nài nỉ cô cho xin cái áo… lót! Ôi trời ơi. Cô ngượng quá, không chịu, nhưng bị nài nỉ hoài, tội nghiệp cũng đành gởi tặng. Vậy là thầy cứ đặt lên ngực ngủ… cho đến khi phải nhờ cô em giặt cho thì chuyện mới vỡ lở!…
Mình hỏi bài thơ Thuyền viễn xứ… cô làm có phải định theo ông Tây sang Pháp không (có thuyền viễn xứ nhổ neo lên đường)? Không. Thời cuộc lúc đó. Kẻ Nam người Bắc. Chiến tranh căng thẳng, đất nước phân ly… Còn Đà giang? Chỉ là tưởng tượng thôi!
Rồi cô cười. Tôi bắt chước anh khuyên trong sách: luôn giữ nụ cười, yêu thương người ta, luôn biết ơn… vì thế mà trẻ lâu, trí óc sáng suốt.
Vì sao Thầy “ghen” dữ vậy?
Cô trả lời ngay: Vì đẹp. Vì khéo léo, dịu ngọt, hiền lành… Mấy đứa con nói Má phải dữ lên chớ, sao để Ba ăn hiếp hoài vậy. Má phải ghen ngược cho ba sợ. Mà có gì đâu để ghen…
Dịp cô gặp Phạm Duy cũng rất nhanh thôi. Tại nhà sách Sống Chung của cô Đào, cô Đào giới thiệu PD, cô gởi tặng tập thơ, PD xin lời đề tặng và nói sẽ chọn một bài vừa ý để phổ nhạc. Rồi cô xem đồng hồ, cáo từ… rút lui nhanh nói cho kịp giờ đi học. Có lẽ ấn tượng đó theo Phạm Duy nhiều năm, cất công tìm kiếm, thậm chí kêu trên bản nhạc: Huyền Chi, cô ở đâu?
Năm Phạm Duy về nước, cũng nhờ người quen là bạn Huyền Chi đi tìm, nhưng cô lánh mặt, lúc đó thầy đang bệnh nặng, mà cô quá biết tánh thầy! Từ xưa đã dặn không tham gia các sinh hoạt văn nghệ thơ ca gì cả nhé.
Có lần cô gặp ông Nguyễn Vỹ, chủ báo Dân Ta ở ngoài đường, ông Nguyễn Vỹ chặn hỏi cô có phải Huyền Chi không? Ông nói lúc đầu thấy nữ giới mà ra tập thơ tựa “Cởi Mở” cũng khó chịu, nhưng tình cờ đọc tập thơ ở nhà sách Diễm Diễm Thư Trang của bà Mộng Tuyết thì ông mến phục. Nguyễn Vỹ khuyến khích cô nên tiếp tục vì thường nhà thơ chỉ nổi một thời gian ngắn. Thế rồi ông làm 2 bài thơ rất ướt át tặng bà. Thơ khá hay. Ông anh bà đã xé bỏ vì nói ông Nguyễn Vỹ có tuổi nhiều rồi… Một lần, thầy Tường đi với cô đến gặp ông, từ đó Nguyễn Vỹ mặt giận rồi không quen tiếp nữa! Tô Kiều Ngân, Thanh Nam cũng thường mời cô đi dự họp mặt văn nghệ, thầy Tường tuyệt đối không cho.
………..
Đã khá trưa rồi. Bọn mình đứng lên chào cô về. Cô ký tên tặng sách còn nhắc: Tôi là fan của anh lâu rồi! Nhất là khi thầy nằm bệnh, tôi đọc sách anh nhiều lắm đó.
Saigon 4.4.2019.
Đỗ Hồng Ngọc
(Nguồn: Trần Hoài Thư: Thư Quán Bản Thảo, số 92, tháng 3/2021)
Linh tinh cuối tuần
1.
Trời bên ngoài đang dông tố dữ dội, bà chủ tiệm bánh mì định đóng cửa đi về thì có một người đàn ông đội mưa gió chạy vào để mua một ổ bánh mì thịt.
Bà chủ tiệm ái ngại hỏi:
- Ông có vợ rồi phải không?
- Thì đúng là có vợ rồi. Bộ bà nghĩ, mẹ tôi nỡ sai tôi đi mua một ổ bánh mì trong trời dông bão như thế này sao?
2.
Vào một ngày đông lạnh lẽo, cô người mẫu phàn nàn với họa sĩ là quá lạnh nên không thể khỏa thân được.
Cô nói đúng, vậy hãy mặc quần áo vào, chúng ta ngồi uống cà phê một chút - họa sĩ nói.
Một lúc sau, đột nhiên có tiếng gõ cửa gấp gáp, ông họa sĩ tái mặt, cuống quýt giục người mẫu:
- Nhanh lên, cởi quần áo ra, vợ tôi đấy!
3.
Đang chạy xe, bỗng thấy một người ngồi giữa trời nắng chang chang đang câu cá, anh tài xế tò mò tấp vội xe vào lề, xuống xe hỏi:
- Ông làm gì bên vũng nước cạn giữa đường này vậy?
- Câu cá kiếm cơm nuôi vợ con.
- Ủa, có cá hả?
- Có chứ !
- Tội nghiệp ông thật, sông suối không câu mà lại tìm câu vũng nước bên đường! Thế ngày hôm nay đã ăn gì chưa?
- Tôi đói lắm, sáng giờ chưa ăn gì.
- Nè! Ông cầm đỡ ít tiền về mua gạo vậy! Sáng tới giờ câu được mấy con rồi?
- 14 con.
- Sao hay vậy?
- Vậy mới tài, ông là con thứ 15 !?!?!?
- ?????
4.
Một hôm, Tèo đang ngồi trong phòng ký túc xá thì đột nhiên bác bảo vệ xông vào phòng.
Bác bảo vệ nhìn một lượt khắp phòng rồi hỏi Tèo:
- Cậu có người yêu chưa?
Tèo ngạc nhiên trả lời:
- Dạ… dạ chưa ạ! Nhưng có chuyện gì thế bác?
Bác ấy nhún vai:
- Chẳng là con gái tôi bảo người yêu nó ở trong phòng này.
- Thế sao phòng có 7, 8 đứa mà bác chỉ hỏi có mình cháu thôi? – Tèo tủm tỉm cười.
Bác bảo vệ nhún vai:
- Vì chỉ cần không phải cậu là tôi yên tâm rồi.
- !!!
CHỦ-NHÂN THỰC SỰ CỦA ĐỀN ANGKOR WAT LÀ AI ?
Rất nhiều người đã từng sửng sốt trước sự vĩ đại và bí ẩn của Angkor Wat khi tham quan ngôi đền này ở Campuchia. Những nghiên-cứu khảo-cổ gần đây cho thấy Angkor Wat không thuộc về nền văn-minh của nhân-loại lần này, mà rất có thể từ một nền văn-minh viễn-cổ có công-nghệ cao hơn.
Điều kỳ-lạ là Angkor Wat có các hoa-văn điêu-khắc mô-tả những con thú đã tuyệt-chủng hàng triệu năm trước, còn có hình chạm khắc chiếc kính viễn-vọng và hệ Mặt Trời - lại là hình ảnh của tương-lai. Làm sao mà những người thợ điêu khắc ngôi đền này có thể biết những sự việc của quá khứ hàng triệu năm trước, và cả chuyện của hàng trăm năm sau? Ai mới là người thật sự xây dựng ngôi đền huyền bí này?
Giáo sĩ người Bồ Đào Nha António da Madalena – người đến thăm ngôi đền vào năm 1586, đã kinh ngạc trước vẻ đẹp và sự vĩ đại của Angkor Wat và viết rằng: “Đó là công trình xây dựng đặc biệt đến mức không thể miêu tả nó bằng bút mực, đặc biệt là vì nó không giống bất cứ công trình xây dựng nào trên thế giới. Nó có các tòa tháp, các họa tiết và các đường nét tinh tế mà chỉ những thiên tài mới có thể thực hiện được!”.
Angkor Wat được UNESCO đánh giá là công trình tôn giáo lớn nhất thế giới. Biểu tượng của nó được in trên lá cờ của đất nước Campuchia xinh đẹp.
Đền Angkor Wat – khu tổ hợp với những kiến trúc đá vĩ đại.
Angkor ở phía Tây Bắc Biển Hồ, thuộc tỉnh Xiêm Riệp, Campuchia, với hơn 1.000 ngôi đền có quy mô khác nhau; bao gồm 2 cụm quần thể cách nhau 1,7km là Angkor Wat và Angkor Thom.
Theo nghĩa hiện đại, Angkor Wat, nghĩa là “THÀNH-PHỐ CỦA NHỮNG NGÔI ĐỀN”, có diện tích lên đến 1,6 triệu m2. Đền Angkor Wat được ngưỡng mộ bởi vẻ hùng vĩ và hài hòa của kiến trúc, sự phong phú của nghệ thuật điêu khắc và số lượng lớn các tượng Thần được trang hoàng trên tường đá.
Tháp trung-tâm của Angkor Wat cao đến 65m, cao hơn bất cứ một tháp chuông nhà thờ nào ở châu Âu được xây-dựng trước thế-kỷ XV.
Sau khi đế chế Khmer lụi tàn, Angkor Wat dần bị quên lãng. Vào năm 1860, Angkor Wat được nhà tự nhiên học và nhà thám hiểm người Pháp Henri Mouhot phát hiện ra.
Ông cảm thấy chấn động và viết: “Một trong những ngôi đền này có thể chiếm một vị trí danh dự bên cạnh những tòa nhà đẹp nhất của chúng ta. Nó vĩ đại hơn bất cứ thứ gì mà Hy Lạp hay La Mã để lại cho chúng ta”.
Một trong những giả thiết nổi bật nhất về Angkor Wat là công trình này không phải được xây dựng bởi người Campuchia vào thế kỷ XII, mà được xây dựng bởi một nền văn minh tiền sử - dựa trên các ghi chép và phát hiện của các nhà khảo cổ học.
Phải chăng đây là công-trình của người tiền-sử?
1. TRÌNH-ĐỘ KỸ-THUẬT
Những phát hiện gần đây của ông Praveen Mohan, một Vlogger và là nhà khảo cổ học nghiệp dư người Ấn Độ, đã mang đến những bằng chứng rất thuyết phục rằng: Với công-nghệ 900 năm trước, Angkor Wat khó có thể được xây-dựng bởi người Campuchia!
Ông Praveen Mohan tính toán rằng để xây dựng Angkor Wat có diện tích 1,6 triệu m2, phải sử dụng ít nhất 10 triệu m3 đá.
Giả thiết vua Suryavarman II là người đã xây dựng Angkor Wat trong 37 năm, và rằng những người công nhân đã liên tục làm việc 12 đồng hồ/ngày, thì tổng thời gian xây dựng trong 37 năm sẽ là 9.723.600 phút. Vậy khối lượng đá cần khai thác sẽ tương đương với 1 tấn trong 1 phút.
Mỏ đá tại Phnom Kulen cách Angkor Wat 80km được coi là nơi cung cấp đá chính cho công trình này. Nhưng có thể dễ dàng nhận ra rằng việc khai thác, vận chuyển 1 tấn đá qua quãng đường 80km, rồi sau đó gia công, gọt, đẽo, lắp ghép… tất cả diễn ra trong vòng 1 phút là điều không thể làm được, thậm chí kể cả với công nghệ hiện nay.
Giả sử vua Suryavarman II huy động được 1.000 nhóm thợ để làm việc, thì khả năng hoàn thành tất cả các công đoạn trên để lắp ghép 1 tấn đá trong vòng 1000 phút, tương đương 17 giờ - cũng không khả thi với trình độ công nghệ thô sơ của Campuchia 900 năm trước.
Cũng cần lưu ý rằng, để xây dựng Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh có diện tích chưa đến một nửa so với Angkor Wat, người Trung Quốc vào thế kỷ XV cần sử dụng đến 1 triệu công nhân, với hơn 100 ngàn thợ thủ công xây dựng liên tục trong 14 năm. Rất khó có thể hình dung rằng trong thế kỷ XII, người Khmer lại có tiềm lực ngang bằng hoặc hơn so với Trung Quốc ở thế kỷ XV, để có thể xây dựng được đền Angkor Wat vĩ đại!
2. TRÌNH-ĐỘ CHẾ-TÁC KHÁC NHAU
Một điều rất dễ nhận ra là hình tượng Thần được tạc trên các cột đá từ thời vua Suryavarman II rất đẹp, nhẵn nhụi; khớp nối giữa các khối đá được làm rất khéo và tỉ mỉ. Trong khi các bức tượng Phật được tạc thời vua Jayavarman VII sau này lại vô cùng gồ ghề và xộc xệch. Vì sao công nghệ chế tác giữa 2 thế hệ cách nhau chỉ vài chục năm lại khác nhau một trời một vực như vậy!
Ông Praveen Mohan còn phát hiện trong quần thể Angkor Wat có một tòa tháp nhỏ bằng đá được xây dựng rất xấu - tương phản hoàn toàn về kích thước, công nghệ, kỹ thuật chế tác, độ bền và mức độ thẩm mỹ so với các công trình khác ở Angkor Wat.
So với Angkor Wat, Angkor Thom bị đổ-nát khá nhiều và trình-độ kiến-trúc cũng thua kém xa. Ông Mohan cho rằng những công trình xấu xí và kém bền vững này mới chính là sản phẩm mà người Campuchia 900 năm trước tạo ra. Còn đại công-trình Angkor Wat thì có lẽ không phải là di-sản của người Campuchia thời đó!
Mặc dù người ta tìm thấy bức phù điêu khắc hình vua Suryavarman II với Angkor Wat trong quần thể di tích này, nhưng, so với sự vĩ đại, tinh xảo, phức tạp của Angkor Wat thì bức phù điêu về đức vua lại quá đơn giản, nhỏ bé và mờ nhạt; khiến chúng ta tự hỏi làm thế nào mà người đã sáng tạo ra một công trình vĩ đại lại có thể được lưu danh theo hình thức này?!
3. NẰM TRÊN MỘT ĐƯỜNG THẲNG CHẠY VÒNG QUANH TRÁI ĐẤT
Vài chục năm gần đây, các nhà khoa học đã phát hiện rằng: Nhiều công trình cổ đại nổi tiếng trên thế giới đều nằm trên một đường thẳng (còn gọi là đường LEY) chạy vòng quanh trái đất.
Một trong những đường như vậy có lộ trình chạy qua: Đảo Phục Sinh - Kim tự tháp Ai Cập - Các hình vẽ trên cao nguyên Nazca ở Peru - Angkor Wat - Kinh đô Persepolis của Đế quốc Ba Tư cổ đại - Thành phố cổ Mohenjo-Daro - Đền thờ thần Ammon trên ốc đảo Siwa - Thành phố bị thất lạc Petra - Thành phố Ur của nền văn minh Sumer cổ đại - Vùng Biển Chết ở gần Địa Trung Hải - Dãy núi Himalaya - Sông Tiền Đường ở tỉnh Chiết Giang – Trung Quốc - Khu di tích lục địa Atlantis trong huyền thoại…
Như vậy, Angkor Wat cũng nằm trên đường LEY này. Ngày nay, nhiều người gọi những đường LEY này là kinh mạch của trái đất, vì nó chạy qua những công trình cổ đại có kiến trúc phi thường, và vô cùng bí ẩn; thậm chí có trình độ khoa học kỹ thuật vượt xa nền văn minh nhân loại ngày nay!
4. DÙNG KÍNH VIỄN-VỌNG ĐỂ QUAN-SÁT VÀO 900 NĂM TRƯỚC?
Tại một công trình ở Angkor Wat, có chạm khắc cuộc chiến giữa Thần Vishnu và Thần Indra, ông Praveen Mohan phát hiện ra một chi tiết mô tả một người phía Thần Indra sử dụng một vật kỳ lạ để quan sát Thần Vishnu. Vật thể đó được xác định là một ống kính viễn vọng.
Lịch-sử khoa-học hiện-đại ghi nhận rằng kính viễn-vọng được Hans Lippershey phát-hiện ra vào năm 1608, cách đây 400 năm. Vậy làm sao người Campuchia có thể sử-dụng chiếc kính này vào 900 năm trước?!
Một điều kỳ lạ tương tự, ông Praveen Mohan cũng phát hiện tại ngôi đền Hoysaleswara ở Ấn Độ - được cho là xây dựng từ thế kỷ XII - có hình chạm khắc một trận chiến giữa 2 vị Thần, trong đó cũng có một người sử dụng kính viễn vọng để quan sát; còn có hình chạm khắc của những thứ như tên lửa chiến đấu.
Hai ngôi đền trên đều bằng đá, có kiến trúc cực kỳ phức tạp, được cho là xây dựng trong cùng một thế kỷ, ở 2 đất nước khác nhau; và cùng mô tả kính viễn vọng - một vật thể được coi là phi hiện thực tại thời điểm xây dựng. Điều này mang lại câu hỏi lớn cho giới khoa học hiện nay!
Nhưng đây chưa phải là điều kỳ lạ nhất…
5. NHỮNG HÌNH THÙ ĐÃ TUYỆT CHỦNG
Trên bức tường đá tại Angkor Wat, ông Praveen Mohan đã phát-hiện ra hình chạm khắc một con voi 4 sừng. Đây là loài thú có thật trong lịch-sử và đã bị tuyệt-chủng 2 triệu năm trước. Một bộ xương hóa thạch của loài thú này được tìm thấy ở Sulawesi,Indonesia và đang được trưng bày tại Bảo Tàng Quốc Gia nước này!
Ở một trụ đá tròn, ông Praveen phát hiện ra hình chạm khắc của một con thú khác với cái đuôi lúc nào cũng nằm ngang và cái đầu kỳ dị, gọi “LINH-CẦU RĂNG” (Hyaenodon). Theo các nhà khoa-học, thì những con linh-cẩu này đã tuyệt-chủng 26 triệu năm trước.
Vậy, vào 900 năm trước - khi ngành khảo cổ học còn chưa phát triển - làm thế nào mà những người thợ điêu khắc có thể nghĩ ra được những con thú đã tuyệt chủng này?!
6. NHỮNG BÍ-ẨN VỀ THIÊN-VĂN HỌC
Hàng năm, cứ vào 2 ngày điểm phân (Equinox), tức khoảng ngày 20/3 và 20/9, các du khách có thể chiêm ngưỡng hiện tượng kỳ thú duy nhất trong năm: Cảnh mặt trời lên (lúc sáng ngày 20/3) hoặc xuống (lúc chiều ngày 20/9) vào đúng vị trí đỉnh tháp cao nhất của Angkor Wat - khi nhìn từ phía cổng vào của ngôi đền. Chỉ vào 2 ngày này mặt trời mới có thể đi vào đúng vị trí đó.
Làm sao mà những người Campuchia 900 năm trước có thể xác định được hiện tượng điểm phân và xây dựng Angkor Wat chính xác đến mức độ như thế?
Tại một công trình khác có khắc bức tranh, trong đó Thần Mặt Trời của đạo Hindu ngồi ở giữa và 9 người đang ngồi dưới chắp tay nhìn lên ông. Điều này mô-tả hệ Mặt Trời gồm Mặt Trời và 9 hành-tinh lớn đang xoay quanh. Nhưng cần lưu ý rằng sao Hải Vương mới được phát hiện gần 400 năm trước bởi nhà thiên văn học Galileo; còn sao Diêm Vương thậm chí mới được phát hiện vào năm 1930. Cả 2 ngôi sao này không thể được nhìn thấy bằng mắt thường nếu không có kính viễn vọng!
Vậy, vì sao mà những người thợ điêu khắc 900 năm trước ở Campuchia lại có thể có được những kiến thức thiên văn chuẩn xác; và có cả kính viễn vọng để quan sát được 2 hành tinh mới trong hệ Mặt Trời này?
7. TRUNG-TÂM CỦA MỘT THÀNH-PHỐ TIỀN CÔNG-NGHIỆP LỚN NHẤT THẾ-GIỚI
Vào năm 2007, một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế đã sử dụng ảnh vệ tinh và các kỹ thuật hiện đại khác - kết luận rằng quần thể Angkor là trung tâm của một thành phố tiền công nghiệp lớn nhất trên thế giới!
Thành phố này có một hệ thống cơ sở hạ tầng phức tạp - kết nối một khu đô thị rộng từ 1.000 đến 3.000km2, tới những ngôi đền nổi tiếng ở trung tâm của thành phố. Đây được coi là một “THÀNH-PHỐ THỦY-LỰC” vì có một mạng lưới quản lý nước phức tạp, được sử dụng để ổn định, lưu trữ và phân tán nước một cách có hệ thống nhằm phục vụ sản xuất và sinh sống của lượng dân số từ 750.000 đến 1 triệu người!
Nếu thành phố này thực sự tồn tại vào những năm 1100, thì khi đó, chắc chắn Khmer là một nước hùng cường nhất thế giới, và văn minh của họ hẳn sẽ được lưu truyền đến ngày nay. Nhưng rõ ràng không phải thế!
Như vậy, chỉ có thể nghi-vấn rằng thành-phố “TIỀN CÔNG-NGHIỆP” có chứa Angkor Wat là một thành-phố tiền-sử - được xây-dựng bởi những người xuất-hiện trước nền văn-minh 5.000 năm lần này của chúng ta.
Vậy, ai là chủ-nhân thực sự của Angkor Wat vẫn còn là câu hỏi bí-ẩn?
Lịch sử nhân loại chứa đựng bao điều bí ẩn và hoàn toàn vượt xa khỏi trí tưởng tượng của con người hiện đại. Có lẽ chúng ta cần thoát khỏi lối tư duy cố hữu, những định kiến, có như vậy, ta mới có thể nhận thức và lý giải một cách rõ ràng và minh xác về nguồn gốc thực sự của những công trình bí ẩn như Angkor Wat!!!
Quercetin là gì và vì sao chúng ta cần nó?
Flavonoid là một trong những món quà trị liệu của thiên nhiên. Được tìm thấy rộng rãi trong trái cây và rau quả, các chất phenolic này có đặc tính chống oxy hóa giúp bảo vệ tế bào khỏi tác hại của các gốc tự do. Flavonoid rất phổ biến và được nghiên cứu rộng rãi, nó là một chất chống oxy hóa mạnh với một số tác dụng chữa bệnh.
Quercetin là một chất chống oxy hóa mạnh, có tác dụng chống viêm, chống tăng huyết áp, chống béo phì và chống xơ vữa động mạch.
Ghi nhận tổng quan được công bố trên Pharmacognosy Reviews năm 2016 cho thấy: Vì các gốc tự do là nguyên nhân dẫn đến sự phát triển của các loại bệnh, nên quercetin hứa hẹn nhiều lợi ích cho việc điều trị các bệnh như huyết áp cao, rối loạn mạch máu và hội chứng chuyển hóa. Dưới đây là bằng chứng thuyết phục về lợi ích sức khỏe của quercetin.
Giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2
Sự phát triển của bệnh tiểu đường loại 2 có liên quan đến stress oxy hóa do chế độ ăn uống không lành mạnh. Lá Toona sinensis, rất giàu quercetin, có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường bằng cách giảm stress oxy hóa trong gan.
Một hợp chất bôi ngoài da có chứa các chất như quercetin, ascorbyl palmitate, và vitamin D3 được bào chế để giảm stress oxy hóa góp phần gây ra biến chứng thần kinh ngoại biên do tiểu đường. Một nghiên cứu sơ bộ vào năm 2005 cho thấy hợp chất này có thể làm giảm các triệu chứng của bệnh thần kinh do tiểu đường một cách an toàn và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Quercetin cho thấy các tác dụng bảo vệ thận và gan tại các mẫu động vật béo phì mắc bệnh tiểu đường loại 2. Cùng với acid quinic, quercetin cũng giúp cải thiện tình trạng tăng đường huyết, tăng lipid máu và kháng insulin ở chuột mắc bệnh tiểu đường.
Bảo vệ khỏi tổn thương DNA
Một nghiên cứu vào năm 2011 đã điều tra tác dụng bảo vệ tiềm năng của quercetin chống lại tổn thương DNA và stress oxy hóa gây ra bởi methylmercury ở động vật.
Trong hơn 45 ngày, các mẫu động vật được điều trị bằng cách uống methylmercury và flavonoid với liều lượng tương đương liều phơi nhiễm của người. Sau đó, nhóm nghiên cứu đo mức độ tổn thương DNA trong các tế bào gan (hepatocytes) và tế bào bạch cầu (leukocytes.)
Kết quả cho thấy methylmercury làm giảm 17% nồng độ glutathione trong cơ thể và gây ra tổn thương DNA cho gan và tế bào máu. Với quercetin, không có tác dụng nào như vậy biểu hiện.
Các nhà nghiên cứu viết: “Tóm lại, kết quả của chúng tôi chỉ ra rằng việc tiêu thụ thực phẩm giàu quercetin có thể bảo vệ những người tiếp xúc với thủy ngân khỏi những tác động xấu đến sức khỏe của kim loại này.”
Điều làm cho lợi ích này trở nên đặc biệt quan trọng là việc ngăn ngừa tổn thương DNA có liên quan đến việc ngăn ngừa ung thư thông qua các hợp chất trong chế độ ăn uống. Ví dụ, một chiết xuất nước cải ngựa và các flavonoid chính của nó là kaempferol và quercetin, đã chứng minh khả năng bảo vệ DNA bằng cách hoạt động như các tác nhân chống đột biến.
Hợp chất hóa học dự phòng ung thư
Các nghiên cứu dịch tễ học xác nhận tác dụng bảo vệ của các chất phytochemical chống lại nguy cơ ung thư. Là một flavonoid phổ biến, quercetin là một ứng cử viên lý tưởng để chống lại bệnh ung thư do tác dụng chống oxy hóa và chống tăng sinh của nó.
Quercetin được biết đến với khả năng điều chỉnh rất nhiều phân tử cho việc ngăn ngừa và điều trị ung thư đa mục tiêu. Dưới đây là các ví dụ về khả năng ngăn ngừa ung thư của quercetin:
· Được kết hợp trong liposome cùng với resveratrol, quercetin có thể có giá trị trong điều trị viêm hoặc stress oxy hóa liên quan đến tổn thương da tiền ung thư hoặc ung thư.
· Quercetin thể hiện tác dụng phòng ngừa ung thư gan trên mẫu động vật. Ung thư biểu mô tế bào gan, dạng ung thư gan phổ biến nhất, đang có xu hướng gia tăng ở nhiều quốc gia, ước tính có khoảng 905,677 trường hợp mắc mới trên toàn cầu vào năm 2020.
· Quercetin ức chế sự phát triển của khối u và tăng cường độ nhạy bén với nhiệt trị liệu, cho thấy một lựa chọn điều trị tiềm năng đối với ung thư biểu mô tế bào gan.
· Sự kết hợp giữa quercetin và bức xạ ion hóa có thể là một liệu pháp đầy hứa hẹn để điều trị ung thư ruột kết thông qua việc nhắm vào các tế bào gốc ung thư ruột kết và ức chế tín hiệu Notch-1.
· Quercetin ngăn chặn khả năng di căn của ung thư phổi, đặc biệt với các ứng dụng điều trị tiềm năng cho bệnh ung thư phổi không phải tế bào nhỏ di căn.
Phòng ngừa và điều trị các bệnh nhiễm trùng khác nhau
Quercetin có thể bảo vệ chống lại sự nhiễm trùng phế cầu khuẩn kháng kháng sinh chủ yếu thông qua việc ức chế Pneumolysin, một độc tố protein hình thành ở lỗ chân lông và là một yếu tố quyết định chính của độc lực vi khuẩn. Các phát hiện riêng biệt trước đây đã nêu bật tiềm năng điều trị của quercetin trong việc điều trị nhiễm trùng huyết.
Dẫn xuất flavonoid quercetin-3beta-O-D-glucoside (Q3G) cũng cho thấy hoạt động kháng vi-rút đầy hứa hẹn chống lại hai chủng Ebola riêng biệt – những đợt dịch bùng phát thường xuyên xảy ra ở các nước châu Phi.
Một thử nghiệm lâm sàng có đối chứng năm 2016 cho thấy sự kết hợp của Acid hyaluronic, chondroitin sulfate, curcumin và quercetin cũng có hiệu quả trong việc ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát ở phụ nữ sau mãn kinh.
Nhóm Nghiên cứu GMI _ An Nhiên
ĐẰNG SAU MẶT TRĂNG
Thế giới tuổi thơ ấu của tôi ở cố đô Huế là xóm Đường Đá, bên hông Toà Khâm Mạng Phủ Cam. Đây là khu điền trang của Ông Nội tôi, trải dài từ phía dưới Đồn Girard / Lăng Mả Tây cho đến gần bờ sông Bến Ngự. Dinh cơ chính là một tòa lầu ba tầng trắng toát bề thế, kế bên có tòa nhà thư viện hai tầng, chứa đầy sách cổ Hán Nôm, nơi làm việc của ông nội. Xa xa, khu nhà đất dành cho ba măng tôi, vườn trước vườn sau đều thông sang vườn lớn.
Từ tuổi học vỡ lòng, biết trèo cây hái trái, khi chạy chơi trong khu vườn lớn của ông bà nội, tôi đều đi ngang qua khu mộ đại gia đình, trong đó có mộ phần của Ba tôi, nằm riêng một mình giữa tầng đất thứ hai. Tôi thường ngồi trên cột đá bên mộ, cố đọc những hàng chữ khắc trên tấm bia, nhưng hình như càng đọc càng không hiểu tại sao mình không bao giờ được thấy mặt ba. Cũng không hiểu tại sao Ông Bà Nội được các chú bác kêu là “Thầy, Mạ” mà anh chị em tôi lại kêu thầy mạ mình là “Ba, Măng”. Nhiều thắc mắc vẩn vơ đôi khi theo tôi vào giấc ngủ.
Trong nhà thời ấy có bộ ván kê sát bên cửa sổ, tôi được nằm giữa Măng và Chị Băng Tâm. Vào những đêm trăng, tôi nằm nghiêng hướng ra phía vườn, theo dõi mặt trăng khi sáng trong, khi lu mờ vì mây. Bóng cây bên ngoài song cửa có lúc bỗng thình lình xoay chuyển. Nhiều hình ảnh kỳ dị nhảy múa, chập chờn. Có chuyện gì vậy, đằng sau mặt trăng nằm nghiêng kia? Giống như đằng sau những bia mộ trong vườn, đó là những bí ẩn mà tôi không thể hiểu.
Từ ngày khôn lớn, vừa nghe chuyện nhà vừa học hỏi thêm, tôi dần dần biết thêm về thân thế gia tộc mình, hoàn cảnh đất nước loạn ly, và chuyện Ba tôi bị đột tử khi tôi còn nằm trong bụng mẹ.
Chỉ mới là biết thêm. Không phải là thấu hiểu.
Nhiều bí ẩn đằng sau mặt trăng vẫn còn bị khuất lấp.
I.
Theo phả tộc triều Nguyễn, tập gia phả phòng 15, Ông Sơ tôi là Hoàng tử Nguyễn Phúc Miên Thanh, tự Gián Trạng, hiệu Quân Đình, tước Trấn Biên Quận Công, là con thứ 51 của Đức Thánh Tổ Minh Mạng và quí nhân Lê Thị Lộc. Ông Cố Nội tôi là công tử Nguyễn Phúc Hường Điệp (tức Vĩnh), từng là Tri Phủ huyện Phú Vang năm 1877, sau đó là Đại Sứ Chánh Tế, thay Vua cúng lạy lăng tẩm các tiên vương.
Ông Nội tôi là Hoàng thân Nguyễn Phúc Ưng Đằng, làm quan coi Ký Lục, cơ quan phiên dịch Hán – Nôm và Pháp ngữ của triều đình. Bà Nội tôi là em ruột của bà cố Ngô Đình Khả, mẹ của anh em Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Khu đất của dòng họ Ngô Đình – nơi có phần mộ ông Ngô Đình Khả và người con lớn là ông Ngô Đình Khôi – nằm kế khu đất của Ông Nội tôi, chỉ cách một con đường nhỏ, cũng phía bên dưới Đồn Girard, và cách chùa Linh Quang khoảng 400 thước. Anh em nhà Ngô Đình kêu Bà Nội tôi bằng Dì, thường cho người đem sang quà biếu trong các dịp lễ tết.
Sang đời Ba tôi, Ông Nguyễn Phúc Bửu Tiếp, sinh năm 1904, được Ông Nội cho theo Tây học. Đầu thập niên hai mươi, khi ra Hà Nội học trường Cao Đẳng Sư Phạm Đông Dương (École Supérieure de Pédagogie), ông Tiếp có người bạn thân cùng lớp là Ông Đặng Thái Mai, sinh năm 1902, lớn hơn ông hai tuổi. Cả hai cùng tham gia các hoạt động sinh viên.
Tuy là trường Tây nhưng hội sinh viên tại đây tự xưng là “Hưng Nam Phục Việt,” hàm ý chống lại ách lệ thuộc người Pháp. Năm học cuối, ông Đặng Thái Mai chọn chuyên khoa văn chương. Ông Bửu Tiếp chọn ngành khoa học. Cả hai cùng tốt nghiệp năm 1926, sau đó cùng nhau về Huế làm giáo sư Quốc Học, giao tình ngày càng thân thiết hơn.
Huế đầu thế kỷ 20, và vụ án “Tân Việt Cách Mệnh Đảng”
Đầu thế kỷ 20, dù triều đình bất lực trước giặc Pháp xâm lược, nhưng tại kinh đô Huế cũng như khắp nơi, tinh thần quốc gia dân tộc vẫn mạnh mẽ chống lại ách lệ thuộc, phong trào Đông Du phục quốc do các bậc sĩ phu phát động được hưởng ứng rộng rãi. Sau vụ Phan Bội Châu bị Pháp bắt cóc từ Thượng Hải mang về nước kết án chung thân, tình hình càng sôi sục.
Năm 1927, Huỳnh Thúc Kháng từ chức Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ để phản đối Pháp, cùng Đào Duy Anh về Huế mở báo Tiếng Dân, nhà xuất bản Quan Hải Tùng Thư, rồi thành lập Tân Việt Cách Mệnh Đảng, do Đào Duy Anh là Tổng Thư Ký Sáng Lập. Sẵn tinh thần “Hưng Nam Phục Việt” và là bạn nhà giáo đồng trang lứa, hai ông Đặng Thái Mai và Bửu Tiếp thường lui tới sinh hoạt với ông Đào Duy Anh.
Cùng năm 1927, trong số học trò Quốc Học tham gia bãi khóa có Võ Giáp, 16 tuổi, bị viên giám thị người Pháp đuổi học. Giáp được các ông thầy thu xếp đưa vào tập việc tại báo Tiếng Dân và Quan Hải Tùng Thư. Ngoài trụ sở tòa báo trên đường Đông Ba, căn nhà của ông bà Đặng Thái Mai tại Huế trở thành nơi tụ hội.
Sau khi đảng Tân Việt được thành lập, số người tụ hội lui tới ngày càng đông hơn, gồm cả các thầy giáo và học trò. Tổ chức “Học Sinh Đoàn” của Tân Việt Cách Mệnh Đảng, ngoài Võ Giáp, còn có thêm hai cô nữ sinh Đồng Khánh tham gia rải truyền đơn, là Huỳnh Thị Liễu, 14 tuổi, và Nguyễn Thị Quang Thái, 13 tuổi. Kiểu tụ họp “cách mệnh” tài tử này tất nhiên không thể qua mắt mật thám Pháp.
Tháng Bẩy 1929, Đào Duy Anh bị bắt, đảng Tân Việt tan hàng. Các thầy trò Quốc Học Đồng Khánh liên hệ lần lượt vào nhà lao Thừa Phủ. Mấy ông thầy giáo Lê Viết Lượng, Đặng Thái Mai, Bửu Tiếp lãnh án tù ba năm, nhưng đám học trò vị thành niên được thả ra sớm. Huỳnh Thị Liễu về quê Đồng Hới ở với mẹ. Nguyễn thị Quang Thái và Võ Giáp cùng nhau ra Hà Nội.
Theo sử sách cộng sản được phổ biến trong bách khoa toàn thư Wikipedia, Võ Giáp chính là tên khai sinh của Võ Nguyên Giáp, sinh năm 1911. Người vợ đầu tiên của Giáp là Nguyễn thị Quang Thái, sinh năm 2015. Đảng Tân Việt được thành lập tại Huế ngày 14 tháng 7 năm 1928. Vẫn theo Wikipedia, đảng Cộng Sản Đông Dương thì mãi tới tháng 3 năm 1930 mới được thành lập ở… Hồng Kông.
Thêm mười năm sau, Võ Nguyên Giáp mới gia nhập đảng này. Đây cũng là lúc Nguyễn Ái Quốc đang là hội viên của “Việt Nam Đồng Minh Hội” ở Quảng Châu, do Nguyễn Hải Thần là chủ tịch sáng lập (Nguyễn Tường Tam và Vũ Hồng Khanh làm phó, được Quốc Dân Đảng Trung Hoa hỗ trợ). Năm 1941, chính hội này đề cử Nguyễn Ái Quốc về nước hoạt động.
Chỉ cần đối chiếu niên biểu các nhân vật – sự kiện trên đây, sẽ thấy mọi phong trào yêu nước như Duy Tân, Phục Quốc hoặc các đảng phái, từ Quốc Dân Đảng, Đại Việt, tới Tân Việt đều hoàn toàn xuất phát từ tinh thần quốc gia dân tộc. Ngay danh xưng “Tân Việt Cách Mệnh Đảng” (kị húy tên vua Minh Mạng) cũng cho thấy chất bảo hoàng phong kiến. Sau khi rã đám, các thành viên còn lại của Đảng Tân Việt đã thành lập “Liên Đoàn Quốc Gia”. Thời ấy chưa hề có đảng Cộng sản, mọi liên hệ kể công sau này chỉ là ăn có hoặc ăn cướp. Như họ đã cướp danh nghĩa Việt Minh (tên gọn của Việt Nam Đồng Minh Hội) và cướp công cuộc kháng chiến chống Pháp của cả dân tộc.
Sau khi ra tù, năm 1934, ông Đặng Thái Mai mang gia đình ra Bắc. Riêng ông Bửu Tiếp vào Nam, có thêm cô học trò Huỳnh thị Liễu trốn mẹ đi theo. Chàng là hoàng phái con quan mà đi tù, rồi tự ý thành hôn. Nàng – sinh tại Đồng Hới năm 1914, kém chàng 10 tuổi – bỏ học rồi bỏ nhà bỏ quê theo chàng. Đó là sơ lược thân thế về Ba và Măng tôi. Chuyện phiêu lưu ái tình cách mạng của họ, nhìn lại có vẻ giống tiểu thuyết tiền chiến như chàng Dũng trong Đôi Bạn của Nhất Linh Nguyễn Tường Tam hay cô Loan trong trong Đoạn Tuyệt của Khái Hưng.
Tại Saigon, Ba tôi dạy Vật Lý và Hóa Học cho các trường tư thục. Năm anh chị của tôi đều ra đời ở Saigon. Mãi tới khi người Pháp hết quyền hành tại Huế, Ba tôi mới có thể công khai trở về. Ông nội tôi, tuy từng phải nói là không nhìn nhận đứa con ngỗ ngược tù tội, nhưng trong điền trang ở Phủ Cam, vẫn có phần đất dành riêng cho Ba tôi làm nhà, và Măng tôi vẫn được Ông Bà Nội nhìn nhận là con dâu chính thức.
Sau Cách Mạng tháng Tám 1945, vua Bảo Đại từ chức, trong Chính phủ Liên Hiệp tại Hà Nội, có Nguyễn Hải Thần làm Phó Chủ Tịch, Nguyễn Tường Tam làm Bộ Trưởng Ngoại Giao, Cụ Huỳnh Thúc Kháng làm Bộ Trưởng Nội Vụ, Giáo sư Đặng Thái Mai làm Bộ Trưởng Văn Hóa. Ông Bửu Tiếp được mời giữ chức vụ Giám Đốc Bình Dân Học Vụ ba tỉnh Bình Trị Thiên. Tuy chức Giám Đốc Học Vụ được chen thêm hai tiếng “bình dân” cho ra vẻ cách mạng, nhưng dân trong vùng Phủ Cam thời ấy vẫn gọi ba tôi là “Quan Đốc Tiếp.”
Ngày 24 tháng 7, 1946, sau khi người y tá vừa rút mũi kim chích thuốc khỏe ra khỏi mạch máu ở tay là Ba tôi đứng tim chết, khi Măng tôi vừa bước chân vào nhà.
Măng tôi kể là ngay khi ôm xác Ba trong tay, bà đã cảm thấy có điều gì bất thường. Ba tôi lúc đó đang khỏe mạnh, việc chích thuốc bổ chỉ là để gìn giữ sức lực. Người chích thuốc là một y tá bà con xa, và thường chích thuốc khỏe Huile de Camphre vào thịt mông Ba tôi. Tại sao lần này ông ta lại chích vào mạch máu? Vì đó chính là mũi thuốc được thi hành theo một “lệnh xử lý” – theo từ ngữ cộng sản, có nghĩa là “giải quyết hoặc thủ tiêu.” Chi tiết việc này được kể ở phần sau.
Vậy là Ba tôi bị đột tử khi mới 42 tuổi. Măng tôi trở thành góa phụ ở tuổi 32, với 5 đứa con thơ, tuổi từ 10 đến 3 và một bào thai 4 tháng trong bụng. Là tôi, đứa con út không biết mặt cha.
Tang lễ ba tôi nghe nói được tổ chức rất lớn. Lễ di quan có đội quân danh dự của “vệ quốc quân” dàn chào, hộ tống. Số người đưa linh cữu từ nhà thờ Chánh Tòa Phủ Cam về nghĩa trang đại gia đình dài cả cây số. Câu chuyện về đám tang sau này còn được thầy tôi ở trường Y Khoa Huế là Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh nhắc đến mỗi khi tôi có dịp gặp ông. Ông nói đám tang Ông Bửu Tiếp là một biến cố lớn ở Huế năm 1946.
Thời cầm quyền của Việt Minh ở Huế không đầy năm. Quân Pháp trở lại. Lệnh toàn quốc kháng chiến được công bố ngày 19 tháng 12, 1946. Măng tôi mang lũ con về vùng quê lánh nạn.
Ngày 30 tháng 12 năm 1946, tôi được sinh ra trong lúc đang chạy loạn tại Mỹ Chánh nên tên tôi là Chánh. Măng tôi kể là ngay sau khi sinh, Măng đang còn nằm nghỉ thì thấy bóng Ba hiện về và từ từ bước đến nơi tôi đang nằm, đưa tay vuốt vuốt đầu tôi rồi xoay lưng bước ra . .
II.
Trong những năm chiến tranh Pháp-Việt, măng tôi một mình tần tảo lo liệu nuôi đàn con 6 đứa.
Dù hoàn cảnh khó khăn, Măng tôi kể là bà vẫn hằng cầu nguyện đọc kinh, nương dựa vào đức tin công giáo, và rất may mắn nhận được sự giúp đỡ tinh thần từ các cha Dòng Thiên An và Dòng Chúa Cứu Thế tại Huế.
Năm 1954, đất nước bị chia đôi. Người Pháp ra đi. Chế độ Việt Nam Cộng Hòa bắt đầu một vận hội mới tại miền Nam. Măng tôi chính thức được nhận vào làm cô giáo trong trường nữ trung học Đồng Khánh. Bà dạy môn Nữ Công Gia Chánh, cùng với cô Hoàng Kim Cúc. Sau đó, măng tôi được phép đem cả gia đình vào cư trú trong khu gia cư giáo chức ngay trong khuôn viên trường. Tất cả các anh chỉ em tôi đều được các cha dòng Thiên An lưu tâm trợ giúp cho cơ hội học hành.
Mấy năm sau, anh đầu của tôi là Vĩnh Toàn tốt nghiệp bác sĩ và bị động viên, chị thứ hai là Băng Tâm, tốt nghiệp dược sĩ và lấy chồng là bạn cùng lớp, ở luôn trong Saigon. Anh thứ ba là Vĩnh Anh được học bổng Plan Columbo du học tại Canada. Hai người chị sinh đôi, Liên Tâm và Mai Tâm thì một chị vào Saigon làm việc, một chị lên Đà Lạt học rồi lấy chồng là một Tiểu Đoàn Trưởng Biệt Động Quân.
Đệ Nhất Cộng Hòa sụp đổ năm 1963. Miền Bắc cộng sản công khai xâm chiếm miền Nam, chiến tranh lan rộng, người Mỹ. Tết Mậu Thân, trong khi học Y Khoa Huế năm thứ nhất, tôi tiếp tục ở với Măng tôi trong trong khu lầu ba trường Đồng Khánh. Chính từ đây tôi đã chứng kiến cảnh quân cộng sản nổ súng mở màn cuộc tàn sát tại Huế. Trong số hàng ngàn nạn nhân của cộng sản, có các vị Giáo Sư người Đức của trường Y Khoa Huế.
Sau Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972, Măng tôi di chuyển vào Saigon và được anh đầu tôi mua cho căn nhà trong Cư Xá Sĩ Quan Chí Hòa. Qua năm 1973, tôi tốt nghiệp y khoa Huế và chọn về Quân Y Nhảy Dù.
Năm 1975, chị Băng Tâm và chị Mai Tâm, một trong hai chị sinh đôi của tôi, cùng gia đình của họ may mắn rời nước trong mấy ngày cuối cuộc chiến. Ngày 30 tháng Tư 1975, là y sĩ trưởng của một tiểu đoàn dù lãnh phần bảo vệ cầu Bình Triệu, tôi ở lại với đơn vị tới giờ chót. Sau lệnh buông súng rồi tan hàng, như trong cơn mê sảng, tôi tìm về được tới nhà vị hôn thê.
Ba ngày sau, một đám cưới đơn giản được cử hành tại nhà nguyện Dòng Chúa Cứu Thế. Sau đó, tôi đi “trình diện học tập”, để lại người vợ mới cưới sau khi mất nước, ở chung với Măng tôi và bà chị sinh đôi còn lại.
Năm 1977, anh Vĩnh Anh, ông anh thứ ba, từ Canada về nước thăm gia đình, có vào thăm tôi trong trại tù cải tạo ở Trảng Táo. Trước đây, sau khi tốt nghiệp tiến sĩ Canh Nông, vì chống chiến tranh Việt Nam, anh phải trốn và sống bất hợp pháp tại Canada một thời gian khá dài. Sau chuyến thăm này, Măng tôi mừng hết lớn khi được thư anh báo nay đã là “công dân Canada,” có nghĩa là không còn mơ về Việt Nam phục vụ đất nước.
Về anh Vĩnh Toàn, ông anh đầu của tôi, tuy hai anh em cùng ở trong nước nhưng vì hoàn cảnh, chúng tôi ít có dịp gặp nhau. Tôi chỉ được biết, sau khi tốt nghiệp Bác sĩ, thời VNCH, anh từng là Trưởng Ty Y Tế Quảng Nam. Mùa xuân 1975, khi miền Trung thất thủ, anh đang là Giám Đốc Bệnh Viện Hội An. Sau đó, được chế độ mới thuyển chuyển về làm việc tại bệnh viện toàn khoa tại Đà Nẵng. Mãi sau ngày đi tù cải tạo về, hai anh em mới gặp lại lần đầu, khi anh vào Saigon thăm măng tôi. Nghe anh nói đã quyết định tiếp tục sống trong nước, không đi đâu cả, tôi hiểu là anh em chúng tôi sẽ đường ai nấy đi.
Cũng sau khi từ nhà tù về nhà, tôi mới biết là trong thời gian tôi đi tù, có người quen xưa là “dì” Bích Hà, con gái đầu của “bác” Đặng Thái Mai, đồng thời là người vợ sau của ông Võ Nguyên Giáp, đến tận nhà thăm Măng tôi hai lần, do hỏi thăm địa chỉ từ ngoài trường Đồng Khánh.
Măng tôi cũng nói thêm, thời Ba và măng tôi lui tới với gia đình ông Đặng Thái Mai tại Huế trước ngày bị Pháp bắt, Bích Hà chỉ mới một hai tuổi, chưa kịp có thân tình riêng. Việc “Bà Đại Tướng” cất công tìm địa chỉ, tới tận nhà thăm hẳn là do hai ông Đặng Thái Mai và Võ Nguyên Giáp quyết định. Ngay trong lần gặp đầu, Măng tôi kể là bà có nói việc con mình là bác sĩ mà cũng bị bắt ở tù. Miền Nam ngày càng đói khổ, mà ngoài Bắc vô đây cái gì cũng tha ra ngoài đó. Khi chia tay, tưởng sẽ đi luôn. Không ngờ Bích Hà còn trở lại thăm lần thứ hai, và khi ra về, còn vui vẻ mang theo tất cả những sách quý bằng tiếng Pháp do Măng tôi tặng lại.
Có thể nhờ hai cuộc viếng thăm đặc biệt này mà các anh công an khu vực có phần nương tay với ngôi nhà của măng tôi trong cư xá Bắc Hải, khi đi tù về, tôi cũng không bị làm khó dễ.
Măng tôi còn nhắc tới câu chuyện một cặp vợ chồng mà gia đình hai bên từng quen biết trước đây ở Huế, là anh chị Phục và Vịnh Thủy, từng hoạt động với anh Vĩnh Anh tôi trong tổ chức “Trí thức Việt Kiều Yêu Nước” tại Montreal. Sau khi nghe tuyên truyền đất nước đã hòa bình độc lập, anh chị đã hăng hái tiên phong về nước phục vụ sớm sủa, để rồi chỉ vài năm sau, phải âm thầm mang hai con nhỏ vượt biển trở lại Canada. Câu chuyện anh chị Phục – Vịnh Thủy liều chết để tìm lại tự do khiến tôi không còn chút do dự.
Khi vợ chồng tôi quyết định tìm đường ra đi, Măng tôi đã lặng lẽ góp phần.
Lần vượt biển đầu tiên thất bại. Tháng 6 năm 1978, vợ chồng tôi cùng cả nhóm vượt biển bị bắt tại Vũng Tàu đưa về trại giam Cần Giờ. Tôi bị chuyển trại về khám Chí Hòa, nhưng vợ tôi nhờ mang bầu sắp sinh nên được thả ra sớm.
Chính măng tôi đã lo liệu chăm sóc khi con gái chúng tôi được sinh ra. Tên khai sinh của cháu là Hoài Anh, tên ở nhà là Bồ Câu do bà Nội đặt. Lần đầu thăm nuôi, vợ tôi đứng cách tôi khoảng 20 thước và đưa Bồ Câu lên cao cho tôi nhìn thấy con. Chỉ nhìn từ xa thôi. Phải gần một năm sau, tôi mới có thể ôm con khi được thả ra khỏi khám Chí Hòa.
Măng tôi rất thương yêu cháu Bồ Câu, vì như lời bà nói, ngay khi còn là thai nhi, cháu đã cùng mẹ đi tù vượt biên. Khi cháu vào đời, bố còn tiếp tục nằm trong khám Chí Hòa. Bà thường cầm tay, vuốt tay cháu và khen Bồ Câu có bàn tay rất đẹp, giống như bàn tay của người “chirurgien”. Bà còn nói, chắc con bé sau này sẽ thành một y sĩ giải phẫu như “thằng bố của nó.”
III.
Ngọn lửa nến bé bỏng lung linh trên bánh sinh nhật. Cháu Bồ Câu đầy tuổi, tươi cười trong tay mẹ, như muốn nhoài cả người về phía ngọn lửa.
Ngay sau khi thổi nến, Bà nội và cả nhà bắt đầu phút cầu nguyện trang trọng. Tất cả đều căng thẳng trước những ngày sắp tới: Bà nội đã quyết định ở lại nhà chờ tin, nhưng Bồ Câu sẽ cùng cha mẹ và các dì và cậu bên mẹ đi vượt biển.
Tháng 9 năm 1979, ra đi lần thứ hai, suốt ba ngày ba đêm trên biển, Bồ Câu thật ngoan, ngồi yên trong vòng tay của mẹ, không la khóc hay trở chướng. Sau chuyến vượt thoát đầy hung hiểm, tránh được tàu hải tặc rượt bắt nhờ đêm tối, rồi thuyền bị chìm gần bờ biển Thái Lan, chúng tôi may mắn được cứu vớt. Trong 10 tháng tại trại tị nạn Liem Ngot, Thái Lan và trại Bataan, Phi Luật Tân, cháu Bồ Câu được thương yêu, vui vẻ ca hát mừng sinh nhật hai tuổi.
Nhờ sự bảo lãnh của chị tôi và anh rể, chúng tôi được chấp thuận cho định cư tại Hoa Kỳ. Chuyến bay tới Nam Cali đúng vào ngày kỵ giỗ của Ba tôi: 24 tháng 7, 1980.
Bắt đầu lại cuộc sống từ hai bàn tay trắng, nhưng với lòng hăng hái quyết chí và tự tin. Tin Ơn Trên phù hộ. Tin vào khả năng tự lập của mình. Tin Bồ Câu rồi đây sẽ đi học và hấp thụ một nền giáo dục tốt đẹp. Cả nhà đều cật lực làm việc. Hai chị lớn nhận hàng may tại nhà. Các cậu em, sau giờ đến trường, cùng xúm xít phụ xỏ chỉ, đơm khuy.
Phần tôi thì vừa lãnh phần việc đi nhận và giao hàng may, vừa đến lớp học về chuyên môn y khoa. Với vốn liếng chuyên môn hạn hẹp và lỗi thời, để có thể bắt kịp những tiến bộ y khoa tối tân của nước Mỹ, tôi hiểu mình phải thức khuya dậy sớm và tận lực học hỏi.
Đó là thời gian căn nhà thuê bé nhỏ tràn ngập hạnh phúc, bé Bồ Câu lăng xăng vui đùa trong nhà và ngoài sân, được cha mẹ, dì câu cưng chìu thương yêu. Rồi những thùng quà đầu tiên được gửi về bên nhà ở Saigon. Tiếng máy may điện chạy hầu như liên tục, hòa với tiếng cười đùa giữa cậu cháu, tiếng ê a tập đọc tập hát của Bồ Câu. Cháu mới 3 tuổi đã hát múa đúng điệu, theo chương trình giáo dục con nít Big Bird trên truyền hình.
Sau khi may mắn đậu liền cả hai chứng chỉ y khoa quan trọng gồm bằng FLEX và ECFMG, tôi tập trung lo gởi đơn xin học thêm đến các trung tâm Giáo Dục Y Khoa, chờ cơ hội trở lại nghề y sĩ. Đúng lúc ấy cả nhà còn có thêm tin vui, mẹ có bầu và Bồ Câu sẽ sớm có em bé.
Một buổi sáng cuối tháng 10, 1981, cha mẹ đem Bồ Câu đến bệnh viện South Coast Medical Center ở thành phố Laguna Beach cho Bác sĩ Nha Khoa bọc bảy cái răng bị siết trong cùng một lần. Bé vui vẻ nói bye bye bố mẹ khi theo y tá vào phòng mổ.
Trước khi nha sĩ bọc răng, phải gây mê toàn diện, thủ thuật sẽ mất khoảng một giờ rưỡi, chúng tôi được cho biết. Chờ quá hai giờ. Rồi ba giờ. Bốn giờ. Nôn nóng hỏi thăm, chỉ được bảo phải tiếp tục chờ.
Mãi xế chiều, một y tá đưa chúng tôi vào phòng hồi sinh cấp cứu. Bồ Câu nằm bất động trên giường, phủ chăn trắng. Không mở mắt, không hay biết. Bố mẹ sững sờ. Mới hồi sáng, bé tươi tỉnh, không một lo sợ, vẩy tay bye bye cha mẹ trước khi y tá đẩy xe vào phòng mổ, mà giờ đây như một xác không hồn. Y tá giải chỉ giải thích ngắn gọn là em bé bị phản ứng thuốc nên tạm thời hôn mê.
Sự thật không như lời người y tá giải thích. Qua thủ tục pháp lý, chúng tôi nhận được phó bản của toàn bộ hồ sơ chữa trị. Riêng hồ sơ liên hệ đến giải phẫu và gây mê cho thấy chính bác sĩ gây mê đã gây ra tai họa. Thay vì phải đặt ống bơm dưỡng khí vào phổi, ông ta đưa ống đó vào bao tử, khiến bé hoàn toàn không nhận được dưỡng khí để thở trong 10 phút, gần như bị chết ngộp.
Hồi tưởng lại buổi sáng định mệnh ấy, khi ngồi trong phòng chờ, tôi nghe tiếng loa loan báo “code blue” nhiều lần, cứ ngỡ là cho ai, sau này mới biết lệnh cấp cứu đó chính là cho con mình. Đau đớn thay. Nhờ hô hấp nhân tạo, Bồ Câu sống lại, được nuôi qua ống chuyền sữa ensure từ mũi xuống bao tử, nhưng não bộ bị tổn thương trầm trọng.
Sau gần 2 tháng chữa trị tại Children Hospital of Orange County với cha mẹ túc trực cạnh giường ngày đêm, bác sĩ cho biết Bồ Câu bị chứng Cerebral Palsy – Liệt Não – nên dù sống sót nhưng cả hai phương diện thể xác và tâm lý đều sẽ phát triển chậm (both severe physical and mental retardation).
Vì đòi hỏi săn sóc đặc biệt, đành phải chấp nhận chuyển bé qua một trung tâm phục hồi chức năng. trong một thời gian vô hạn định, nhưng không có ngày nào mà chúng tôi không ghé thăm Bồ Câu, cho dù bụng thai của vợ càng ngày càng nặng nề.
Một ngày trời mưa sau Tết năm 1982, khi đến thăm, vừa vào bên trong tòa nhà của trung tâm phục hồi, chúng tôi bắt gặp trên chiếc giường đẩy, ngay giữa hành lang, một thân hình bé nhỏ đang quằn quại trong cơn co giật. Đến gần, hình hài ấy chính là con mình, miệng nghiến chặt trong cơn động kinh liên tục, mình mẩy ướt mèm. Ôm con mà xót xa đắng cay. Còn cảnh cùng cực nào nào lớn hơn thử thách này, Chúa ơi! Tất cả chỉ còn một nguyện cầu duy nhất là xin cho con mình được sống và sống chung với cha mẹ và gia đình, chứ không trong một trung tâm chăm sóc xa lạ.
Từ đó, không ngày nào chúng tôi không tới thăm Bồ Câu. Điều nguyện cầu cho con được sống và sống bên cha mẹ trở thành một quyết tâm thôi thúc hai vợ chồng sát cánh, tiến hành mọi thể thức với trợ giúp từ các cơ quan xã hội để chuẩn bị đem con về nhà.
Đứa con thứ hai ra đời ngày 10 tháng Tư, 1982. Dù phải chịu đựng quá sức khi mang thai, nhưng cháu Bea vào đời bình an, xinh xắn, khỏe mạnh. Ngay ngày thứ hai sau khi rời bệnh viện sản khoa, chúng tôi đến thẳng trung tâm phục hồi, ký giấy đón Bồ Câu về nhà.
Sau tai họa, ơn trên cho chúng tôi được hưởng nhiều phép lạ, trên cả mức chờ đợi.
Đầu tiên, là từ ngày về lại nhà, Bồ Câu vĩnh viễn thoát khỏi chứng động kinh co giật. Con mắt bắt đầu có thần hơn dù vẫn chưa di chuyển lên xuống qua về.
Nhờ từng được hướng dẫn và thực tập, vợ tôi đã có thể một mình đặt ống naso–gastric tube thông từ mũi xuống bao tử cho con trong suốt cả năm, sau đó còn tập cho Bồ Câu uống qua đường miệng, từ 1 giọt, tăng lên 2 giọt, 3 giọt rồi kiên nhẫn tập cho bé nuốt từng chút nhỏ đồ ăn nghiền đến 1 hột cơm, 2 hột cơm.
Tiếp theo, là chỉ vài tuần sau khi có Bồ Câu về nhà, cuối tháng Tư 1982, tôi được nhận vào làm bác sĩ tổng quát cho bệnh viện tư Leesville General Hospital, thuộc tiểu bang Louisiana.
Leesville là một thị xã nhỏ của vùng Southern, nơi dân bản xứ có tiếng là kỳ thị. Với tôi, thay vì tiếp tục học lên, cơ hội trở lại hành nghề bác sĩ tại đây phù hợp hơn với hòan cảnh thực tế. Tuy nhiên, cơ hội này cũng là một thử thách sinh tử, đòi hỏi sự bén nhậy khi định bệnh, tận tụy khi trị liệu. Khi giao thiệp bằng tiếng Mỹ, dù chưa thể thuần thục, vẫn cần sự chính xác, tinh tế trong ngôn từ. Đó là thời kỳ phải vừa làm vừa học, vừa gìn giữ nhân cách của một bác sĩ người Việt duy nhất trong vùng.
Rất may mắn, chỉ một thời gian sau, tôi chính thức được bệnh viện chấp nhận như một bác sĩ chính ngạch, tăng lương thêm 50% cộng bonus cuối năm. Nhờ vậy, cuộc sống gia đình mau chóng được ổn định. Số lượng bệnh nhân đến khám với tôi nhiều hơn. Trong những lần gia đình ra bên ngoài, nhiều cư dân bản xứ dừng lại bắt tay tôi, chào hỏi vợ con tôi.
Sau trên một năm được kiên trì tập luyện, Bồ Câu tạm thời đã có thể uống sữa, ăn cháo, ăn cơm với luôn cả rau cải thịt cá cắt nhỏ, khi được mẹ đút vào miệng. Phản xạ nuốt tốt dần. Phép lạ lại xẩy khi đến chúng tôi quyết định rút ống chuyền mũi – bao tử, Bồ Câu giữ khả năng ăn, nuốt bằng miệng, thân thể dần mạnh hơn, tay chân cứng cáp dần, miệng bắt đầu biết cười và bập bẹ ư ê như em Bea, khi hai chị em ở cạnh nhau.
Nhờ thu nhập khá dần, căn nhà mới có phòng tập lớn với đầy đủ tiện nghi, ngày ngày luôn có người thay phiên đến nhà làm việc, luyện tập cho Bồ Câu, nào là physical therapist, occupational therapist, speech therapist, sức khỏe của bé hồi phục dần.
Từ tuổi Mẫu Giáo, Bồ Câu được học chương trình giáo dục đặc biệt (Special Education), có xe đón rước tận nhà. Các thầy cô giáo làm việc rất công tâm và tận tụy, nhiều bà giáo trong ngành Giáo Dục Đặt Biệt thường lui tới nhà chỉ bảo, giúp đỡ. Chúng tôi luôn biết ơn họ. Không có họ, chúng tôi không thể nào có đủ hiểu biết, trong tiến trình từng bước giúp Bồ Câu khôi phục và phát triển chức năng.
Khi nhà có hồ tắm với nước ấm quanh năm, Bồ Câu cũng biết tỏ ra rất thích và thoải mái nằm ngửa trong phao hoặc trên tay cha mẹ.
Gia đình đông dần với sự ra đời thêm của 2 đứa con sinh sau. Dù bận rộn tất bật hơn, chúng tôi luôn cố gắng sinh hoạt chung với các con, từ trong nhà cho đến ra bên ngoài, ở đâu có cha mẹ là có đầy đủ 4 đứa con. Nếu cha không đẩy kịp xe lăn cho Bồ Câu thì Bea đẩy chị. Nếu mẹ chưa đút kịp cho chị ăn, thì Betty lo giùm.
Dù ở nơi xa lạ, không thân thích, không một bóng đồng hương, nhưng đúng là lời chúng tôi cầu xin cho con được sống và sống với cha mẹ đã được bề trên lắng nghe. Các linh mục trong nhà thờ giáo xứ đặc biệt cho phép Bồ Câu chịu phép rước lễ vỡ lòng ở tuổi 16 (first holy communion) dù Bồ Câu không qua lớp giáo lý căn bản.
IV.
Khi tin cháu Bồ Câu gặp nạn được báo về Saigon, măng tôi bị tai biến mạch máu não khá nặng, nhưng bà cố tập luyện giữ gìn sức khỏe, nói muốn sang Mỹ chăm sóc cháu.
Sau khi được anh chị tôi bảo lãnh sang Cali, vào đầu thập niên 90, Măng tôi dời qua Louisiana ở với gia đình “thằng con út” và cháu Bồ Câu.
Trong khoảng 3-4 năm, các anh chị bên Cali thay phiên nhau qua thăm Măng, có khi rủ nhau đi chung cho vui thêm. Anh Vĩnh Anh cũng từ Montreal cũng qua thăm mẹ được 2 lần. Vậy là trừ ông anh lớn Vĩnh Toàn còn ở lại Việt Nam, anh chị em tôi có nhiều dịp sum họp. Nhờ vậy, nhiều chuyện được thổ lộ giúp tôi hiểu thêm về sự thức tỉnh của mọi người trước sự tráo trở, tàn tệ của Cộng sản.
Đầu tiên là do anh Vĩnh Anh kể lại chuyện chính anh vừa trải qua. Năm 1990, các thành viên chủ chốt của nhóm Việt Kiều Yêu Nước (VKYN) tại Montreal, trong đó có ông anh tôi, được Ban Việt Kiều của chính phủ CSVN mời về nước với mục đích, góp ý cho Đảng CSVN làm cách nào tránh được hiện tượng Thiên An Môn /Tiamen Square xẩy ra tại Trung Quốc năm 1989, sẽ không thể xẩy ra tại Việt Nam.
Theo kế hoạch của nhóm Montreal, anh Vĩnh Anh nằm chờ tại Saigon, 4 người kia bay ra Hà Nội; Một anh ở chờ trong khách sạn, 3 anh còn lại vào họp, mang theo văn bản góp ý của nhóm Việt Kiều Yêu Nước ở Montreal: bãi bỏ chế độ độc đảng, cho thành lập chế độ đa đảng càng sớm càng tốt.
Sau hai ngày không thấy các bạn mình trở lại khách sạn, và cũng chẳng nhận tin nhắn miệng nào, người chờ bên ngoài khách sạn Hà Nội điện thoại báo tin cho anh tôi. Đoán chuyện không hay xẩy ra, anh tôi tức tốc bay ra Hà Nội, đến tư gia “bác Võ Nguyên Giáp,” xin vào gặp với tư cách là “con trai của ông Bửu Tiếp”, người thầy giáo Quốc Học Huế thời xưa. “Bác” Võ Nguyên Giáp lắng nghe, lắc lắc đầu, rồi bảo anh tôi về chờ tại khách sạn.
Thêm 2 ngày căng thẳng chờ đợi trong lo âu. Bỗng trong đêm thứ hai, cả anh tôi và người bạn kia được chở vào bên trong một cơ quan, nhìn thấy ba người bạn mình đang có mặt tại chỗ, mặt mày người nào cũng xám xịt, căng thẳng, một người lại có băng trắng ở cổ tay. Không dài dòng giải thích, cả 5 người được lệnh ký tên vào một tờ giấy cam kết đủ thứ, kể cả việc không bao giờ được về lại Việt Nam.
Sau khi đồng loạt ký tên, cả 5 người được chở thẳng ra phi trường lên chuyến bay sớm nhất về Canada. Trên máy bay, anh tôi được các bạn cho biết, sau khi phát biểu ý kiến chủ trương đa đảng của nhóm Việt kiều yêu nước ở Montreal, cả 3 người bị bắt, đưa ngay vào nhốt trong một bệnh xá tâm thần. Anh bạn tổng thư ký của nhóm quá tức giận nên quyết tự sát bằng cách rạch cứa cổ tay mình, nhưng được cứu thoát. Chính vì vậy mà chúng mới thả cho về vì e ngại sẽ có khó khăn với bộ ngoại giao Canada.
Vậy là nhóm Việt Kiều Yêu Nước Montreal, trước đây đã từng bị rúng động bởi hiện tượng vợ chồng Phục & Vịnh Thủy vượt biên trở về lại Canada, nay lặng lẽ tan rã, mỗi thành viên mỗi mang một nỗi niềm riêng.
Câu chuyện anh Vĩnh Anh và nhóm bạn Montreal làm Măng tôi trầm ngâm rất lâu, sau đó bà mới kể lại một bí ẩn mà bà dấu kín trong lòng từ nhiều năm.
Sau khi Ba tôi mất, suốt thời kháng chiến chống Pháp, chi hội phụ nữ nằm vùng tại Huế cố lôi kéo Măng vào tổ chức của họ, nhưng Măng đã nhiều lần thoái thác với lý do góa phụ bận rộn nuôi bầy con, mươi lần bị kêu đi họp thì chỉ đến một lần cho có lệ.
Vào thời gian chia đôi đất nước của hiệp định Geneve 1954, Măng tôi thình lình đến nơi họp, và đến trễ. Đang đứng bên ngoài cửa căn nhà họp trong chiều tối, tình cờ Măng nghe tiếng các người bên trong phòng đang bàn tán về mình “Thằng Tiếp không chịu ra ngoài Bắc làm việc theo chỉ thị cấp trên, nên chúng ta đã xử lý nó rồi. Cái thứ công giáo đó chỉ làm hư danh cách mạng thôi. Nay còn con Liễu (tên của Măng tôi), ráng chờ coi nó có chịu tập kết hay không, rồi sẽ quyết định”. Nghe vậy, Măng tôi lạnh cả xương sống, từ từ rời căn nhà họp không một tiếng động. Từ đó, bà dứt khoát cắt đứt mọi liên lạc.
Khi nghe kể chuyện này, tôi hỏi Măng phải chăng Ba chết do cộng sản ra lệnh thủ tiêu, rồi sau đó lại dàn dựng một lễ an táng long trọng kiểu nhà nước để mà mắt thiên hạ, Măng tôi trả lời đúng như vậy. Bà cũng xác nhận ông bà chỉ là những người quốc gia chống Pháp vì yêu nước, chưa bao giờ là đảng viên cộng sản. Bà cói thêm, càng về sau Măng càng nghiệm ra những giả dối của Cộng Sản và từng lo ngại khi thấy hai con trai lớn không có kinh nghiệm này.
Nhân dịp này, tôi hỏi Măng thương đứa con nào nhất trong nhà, Măng bảo trước đây, chính tôi là đứa Măng thương nhất, vì tôi mồ côi cha ngay khi còn nằm trong bụng mẹ, lớn lên lại khốn đốn vì chiến tranh, tù tội. Nhưng giờ đây, người được Măng thương nhất lại là anh Vĩnh Toàn. Anh sinh trước tôi cả chục năm, lớn lên bên cạnh ba măng và các bạn toàn là những người chống lại sự xâm lược của người Pháp, do đó anh dễ có cảm tình với cuộc kháng chiến của Việt Minh. Măng tôi nói anh Vĩnh Anh và tôi, dù sao cũng đang sống trên một đất nước tự do. Còn anh Vĩnh Toàn đã lỡ ở lại với cộng sản, lại không hề có kinh nghiệm về họ, chắc anh sẽ là người có cuộc đời bị thua lỗ nhất, nay lui cui sống đạm bạc một mình.
Đúng là tình mẹ bao giờ cũng đổ xuống cho đứa con yếm thế nhất, ít hạnh phúc nhất. Tôi biết gia cảnh anh chị Vĩnh Toàn đã ly thân từ lâu. Anh chị chỉ có một con gái duy nhất. Cháu ở với mẹ, không có người dẫn dắt và một tai họa khủng khiếp đã xẩy ra. Năm 1987, khi đang theo học Nha Khoa Saigon năm thứ Hai, không hiểu vì chuyện gì, cháu nhảy cầu quyên sinh ban đêm trên sông Saigon.
Thật đau lòng khi nghe tin cháu, một cô sinh viên trẻ đẹp, học giỏi bị đẩy tới mức tuyệt vọng đến nỗi phải tự kết liễu cuộc sống! Cho tới nay, chính Măng tôi và anh chị em chúng tôi, vẫn không thể hiểu được nguyên nhân đã đưa tới cái chết bi thảm của cháu.
Từ khi cả nhà đã ra hải ngoại sống, anh Vĩnh Toàn cũng rất ít liên lạc. Bất ngờ, chúng tôi nhận được tin về anh nhờ một lá thư khác thường do chú Bửu Phát, em của Ba tôi, gởi từ trong nước ra. Thư cho biết có người từng là học trò của Ba tôi trước đây ở trường Quốc Học, nay làm lớn tại Hà Nội, có ý muốn thu xếp chuyện mua bán khu nhà đất của ông Nội tôi ở Phủ Cam. Anh Vĩnh Toàn, con trưởng của ba tôi hiện vẫn ở Đà Nẵng, được yêu cầu đứng tên đại diện cho toàn gia đình phía các anh chị em chúng tôi, nhưng anh thẳng thừng bác bỏ, không chịu ký tên. Vì vậy, chú Bửu Phát kêu gọi bà con bên Mỹ ký tên ủng hộ ý kiến bán khu nhà đất của Ông Nội.
Lời kêu gọi của chú Bửu Phát dĩ nhiên không được ai hưởng ứng. Ngay chú Bửu Bình, con trai út cưng của Ông Bà Nội, định cư tại Dallas qua chương trình HO, cũng không màng, thì còn ai lên tiếng. Sau năm 95, có người trong nước báo tin chú Bửu Phát đại diện gia đình đã nhận tấm bằng tổ quốc ghi ơn cho “Liệt Sĩ Bửu Tiếp” và chưng tại nhà của Chú. Hư thật ra sao cũng chẳng ai bận tâm.
Sau tin anh Vĩnh Toàn không chịu ký tên bán đất tổ tiên cho quan lớn cộng sản, có thêm tin công việc y sĩ của anh cũng không còn suông sẻ. Không hiểu vì bất mãn với chế độ hay với chính mình, anh phải tìm quên trong rượu chè, cuộc sống càng ngày càng cô quạnh. Sau một tai nạn lưu thông, anh suy yếu dần. Chị Mai Tâm cùng chồng về thăm anh tại Đà Nẵng, cho biết là tuy sức khỏe suy yếu nhưng sau cùng anh đã trở lại một tín đồ công giáo, đi lễ nhà thờ hằng tuần với vợ chồng Linh và Oanh. Oanh là bà con xa bên Nội, đã tới ở luôn trong nhà để săn sóc anh tôi trong những năm cuối đời.
Mấy tháng trước khi hoàn toàn mất trí nhớ và từ trần vào năm 2010, anh tôi nhận được tất cả các phép bí tích của người công giáo từ cha chánh sở giáo xứ. Đám tang anh được làm tại nhà thờ. Rất đơn chiếc. Không vợ con, anh chị em. Chị dâu tôi cũng qua đời chỉ một năm sau đó.
Sau vài năm ở Louisiana với chúng tôi, Măng tôi trở về California sống với các con gái. Thị xã Leesville là nơi hẻo lánh, Măng tôi không có dịp gặp được người đồng hương để nói chuyện tiếng Việt. Năm 1997, Măng bị tai biến mạch máu não trầm trọng, sau gần 7 năm được săn sóc chu đáo tại nhà của chị tôi và chồng, măng tôi qua đời năm 2004.
V.
Dù thế nào, vẫn phải có một lần về đứng trước mộ phần Ông Bà Nội và Ba tôi, một lần nhìn lại mảnh đất tổ tiên, thăm lại khu vườn kỷ niệm thời thơ ấu. Đây là điều tôi hằng tự nhủ ngay khi vừa qua tuổi hưu trí, nhưng mãi tới tháng 12 năm 2013, bốn mươi năm sau khi rời Huế và 34 năm rời bỏ quê hương, vợ chồng chúng tôi mới có dịp về nước lần đầu.
Trên đường về Huế, chúng tôi ghé Đà Nẵng và hẹn trước với vợ chồng Linh Oanh để nhờ đem chúng tôi đến viếng mộ của anh Vĩnh Toàn tôi trong một nghĩa trang rộng lớn tại Hòa Vang.
Cháu gái con anh chị cũng đã được bốc mộ rồi hỏa thiêu tại Hội An trước khi đem vào Saigon từ mươi năm trước. Chúng tôi có đến thăm nơi cất giữ di cốt của cháu trong một ngôi chùa nhỏ nghèo nàn tại Thủ Đức. Rất khó tìm thấy hũ tro của cháu vì nằm lẫn lộn với hàng trăm hũ, trong một ngăn phòng chật hẹp tăm tối. Chúng tôi thắp nén hương, cầu ơn trên cho cháu được siêu sanh tịnh độ. Trong một ngôi chùa khác tại Gia Định rộng lớn và tân kỳ, chị dâu tôi được chôn cất riêng trong một khuôn viên đẹp đẽ sáng sủa sang trọng. Anh, chị và cháu, cho tới phút cuối đời, vẫn ở xa cách nhau. Chúng tôi chỉ còn biết cầu mong cho vong linh cả ba người, vợ, chồng, con được gần gụi thương yêu nhau dù giờ đây thân xác thì ngàn trùng xa cách.
Trước ngày trở lại Huế, tôi còn gặp thêm một điều mai mỉa: Dù đã đổi chủ từ lâu, khu đất của ông nội tôi cho tới nay vẫn còn được mấy ông lớn cộng sản theo đuổi.
Chú Bửu Phát cũng đã mất từ lâu, nhưng vẫn có người giao tận tay tôi tờ giấy “Tổ Quốc Ghi Công” mang tên Ba tôi mà chú Bửu Phát từng nhận, kèm theo mảnh giấy ghi địa chỉ một ông lớn cộng sản tại Hà Nội, nói đang chờ đợi liên lạc với tôi về chuyện giúp mua bán vườn và nhà cửa của Ông Nội. Tôi liên tưởng ngay đến câu chuyện chú Bửu Phát từng đề cập mấy chục năm trước, nhưng bị bỏ giở nữa chừng. Nay biết tôi về, nên phải chăng người đó lại muốn liên lạc về chuyện cũ này. Chẳng hiểu chuyện muốn giúp mua bán vườn đất Ông Nội tôi và chuyện cấp tấm bằng tổ quốc ghi công có liên hệ đến nhau không?
Tôi từ chối nhận tờ giấy ghi số điện thoại cùng tên tuổi ông ta từ tay người liên lạc.
Sau cùng, một ngày Huế mùa đông, chúng tôi đã tới được mảnh đất tổ tiên. Khu điền trang cũ của Ông Nội tôi đã bị chiếm đoạt, đổi chủ từ lâu. Tòa nhà ba tầng xưa trắng toát, bề thế, nay nhếch nhác, thảm hại. Cây cối vườn xưa tươi tốt nay xơ xác điêu tàn. Khu nghĩa trang gia đình xưa trang nghiêm, thứ tự, nay cỏ tranh rậm rạp.
Đứng trước phần mộ của Ba tôi, nay bị chính quyền mới bắt dời đến núi Thiên Thai cùng chung với các mộ phần của đại gia đình, ôn lại lời Măng tôi kể việc ông bị chi bộ đảng của cộng sản ra lệnh “xử lý”, tôi thấm thía nỗi đau của những người quốc gia bị cộng sản sát hại.
Thời Việt Minh vừa nắm quyền tại Huế năm 1946, nhiều vị nhân sĩ trí thức quốc gia một lòng vì nước cũng đã bị thủ tiêu. Học giả Phạm Quỳnh có người con lớn là Phạm Tuyên thoát ly gia đình theo Việt Minh. Ông Phạm Quỳnh bị Việt Minh bắt mang vào rừng xử tử.
Phạm Tuyên sau thành nhạc sĩ nổi tiếng, từng kể lại là “Bác Hồ” có lần nói với ông rằng Phạm Quỳnh là một học giả yêu nước, một nhân vật lịch sử đáng được tôn trọng. Sau 30 tháng Tư 1975, Phạm Tuyên chính là tác giả bài ca “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng!” Trong khi ấy thì tại miền Nam, có tin người ta đã tìm được hài cốt của hai ông Phạm Quỳnh và Ngô Đình Khôi bị vùi chung một hố trong xó rừng gần Huế. Các dấu hiệu từ hài cốt cho thấy hai ông bị chôn sống.
Như thời còn thơ ấu, tôi cũng đã cúi xuống cố đọc tấm bia mộ ba tôi. Ông sinh năm 1904, bị “xử lý” năm 1946, lúc khởi đầu những tháng ngày tao loạn. Đó cũng là năm sinh của tôi, đứa con được ông hiện hồn về trong mơ vuốt vuốt cái đầu nó. Từ đó, biết bao nhiêu tang thương dâu bể. Măng tôi, cô nữ sinh Đồng Khánh 14 tuổi mê ông thầy giáo độc thân, ôm truyền đơn của Tân Việt Cách Mệnh Đảng vô trường học năm 1927, nay cũng không còn nữa. Sau gần 60 năm ở góa nuôi con, Bà đã mãn phần tại California đúng năm 90 tuổi.
Trong khi ấy thì cả nước Việt Nam, số phận không khác vườn nhà ông nội tôi là bao. Mảnh đất tổ tiên bị cướp đoạt, mồ mả ông cha bị đào bới.
Hơn một thế hệ cùng thời với cha tôi đã trở thành dĩ vãng. Những người từng kề cận ông thời tuổi trẻ như Giáo sư Đặng Thái Mai hay cậu học trò Quốc học Võ (Nguyên) Giáp cũng đã không còn nữa, nhưng đất nước thì vẫn tiếp tục bị hủy hoại bởi cái chế độ phi nhân mà họ từng phục vụ.
Ngày tôi trở lại Huế, cuối tháng 12 năm 2013, cũng là lúc nhà nước cộng sản vừa rềnh rang quốc táng Võ Nguyên Giáp, chết trước đó vài tháng. Còn nhớ, trang nhà của đài BBC Luân Đôn thời ấy có bài viết về ông, nói là từ lâu Đại tướng Giáp đã bị phe cánh trong Đảng loại bỏ, tước hết mọi chức vụ, tư dinh bị đặt trong tình trạng quản chế, mọi việc đi lại, gặp gỡ, ăn nói, đều phải theo lệnh. Vậy mà khi ông mất hồi tháng Mười, 2013, hai tháng trước khi chúng tôi đi Việt Nam, vẫn rềnh rang đánh bóng tuyên truyền.
Sự tráo trở, tàn bạo của cộng sản đã đẩy nhiều thế hệ vào cảnh tương tàn chưa từng có trong lịch sử dân tộc. Ba tôi bị thủ tiêu, như bao người quốc gia khác, như những bà con Huế bị tàn sát thời Tết Mậu Thân, đều là nạn nhân của cộng sản.
Nhiều thế hệ đã và sẽ còn tiếp tục đi qua, kể cả thế hệ chúng tôi. Nhiều tội ác đã bị khuất lấp hoặc sẽ được quên đi. Nhưng quên không có nghĩa là tha thứ, vì tha thứ là quyền của những người đã chết, những nạn nhân cộng sản.
VI.
Bằng cái biết hạn hẹp của mình, tôi đã cố sơ lược truyện “truyện trăm năm” của gia tộc từ những năm 20 của thế kỷ trước. Nhưng lịch sử cũng như chuyện “Đằng Sau Mặt Trăng” hẳn nhiên còn nhiều tầng bí ẩn, khuất lấp.
Xin được trở lại với phần đời bé nhỏ của gia đình chúng tôi.
Theo dòng thời gian, khi gia đình di chuyển về Nam Cali, Bồ Câu vừa bước qua tuổi teen. Biết chào hello, biết nói vài chữ bằng song ngữ, biết đòi hỏi, biết hỷ nộ ái ố, biết đi chập chững với walker, biết ăn bốc và tự xúc ăn bằng muỗng, uống với ống hút…Tuy nhiên vẫn hoàn toàn không tự lập được trong vấn đề vệ sinh cá nhân, đánh răng rửa mặt, tắm rửa, thay áo quần, vào giường, ra khỏi giường… Tất cả đều cần sự trợ giúp.
Sau khi được “cho” tốt nghiệp trung học ở tuổi 22, Bồ Câu được gởi đến Vocational Visions, là một trung tâm giáo dục giúp đỡ người khuyết tật lớn tuổi, dưới sự quản trị của Orange County Regional Center (OCRC). Có xe bus sáng chở đi chiều chở về. Tại trung tâm, có ngày Bồ Câu ở chơi tại chỗ, có ngày được xe chở đi ra bên ngoài, gọi là community trips, đôi khi hai ba lần mỗi tuần. Cứ mỗi năm, có cuộc họp giữa cha mẹ với cán sự xã hội đại diện OCRC và đại diện Vocational Visions để đánh giá tiến triển của Bồ Câu trong năm qua và chọn phương án cho năm tới. Qua đó, chúng tôi được biết chỉ riêng OCRC đã chi tiêu khoảng 38 ngàn đô cho sinh hoạt và di chuyển của Bồ Câu mỗi năm. Ngoài ra, còn nhiều phúc lợi xã hội khác, khi Bồ Câu được ưu tiên cấp thẻ Medicare, nhưng chỉ sau khi mẹ Bồ Câu chính thức nhận an sinh xã hội khi về hưu.
Nhìn lại, dù là nơi tối tân như Hoa Kỳ, tai nạn do sự lầm lẫn, sai sót trong ngành y, đặc biệt trong khoa gây mê mà nạn nhân thường là các em bé 3, 4 tuổi như Bồ Câu, là chuyện cho tới nay vẫn không thể tránh khỏi. Nhưng bù lại, hệ thống phúc lợi xã hội của nước Mỹ trong việc chăm sóc luôn vận hành hữu hiệu. Nhờ vậy, trên 56 triệu người bị khuyết tật, gồm đủ loại, chiếm 19 phần trăm dân số nước Mỹ, không ngừng được trợ giúp.
Chúng tôi luôn biết ơn và vinh dự được chu toàn bổn phận của một công dân Mỹ.
Sự sống tự nó là phép lạ.
Sau tai nạn năm 1982, các bác sĩ chuyên môn cho biết trường hợp của Bồ Câu sẽ sống không quá 25 tuổi. Bây giờ cháu đã gần 41 tuổi.
Các em Bồ Câu nay đã lần lượt xa nhà, Bồ Câu tiếp tục làm nhân, nhụy trong gia đình còn lại ba mống với nhau. Cô học trò Bồ Câu 41 tuổi nay là niềm vui cho cha mẹ trong tuổi già, khi vẫn còn có một đứa con trong nhà để coi ngó, săn sóc, vui chơi, đi đâu cũng có nhau.
Đêm đêm, chúng tôi vẫn cùng nhau cầu nguyện, tạ ơn trên cho con được sống và sống bên cha mẹ, như điều từng nguyện ước. Xin được kết bằng lời hát tạ ơn:
“Người đưa tay nâng con dậy
cho con đứng lại trên đỉnh núi
Người đưa con ra đại dương,
giúp con vượt giông bão trùng khơi
Con mạnh lại khi tựa vào vai Người,
để từ đó vượt lên hơn cả chính mình…”
(Josh Groban – You Raise Me Up, https://youtu.be/uyEokxi2hWY)
06 tháng 4, 2019
Vĩnh Chánh
Subscribe to:
Posts (Atom)
Blog Archive
-
▼
2022
(1345)
-
▼
September
(173)
- Who is really using Covid and Climate as WEAPONS i...
- Học Cái KhônHình minh họa Tối qua ngủ được, sáng s...
- Bún riêu, mì quảng…Bún riêu, Mì Quảng Tôi có cơ hộ...
- Gặp gỡ với Nhà thơ Huyền Chi của “Thuyền viễn xứ”B...
- Linh tinh cuối tuần1.Trời bên ngoài đang dông tố d...
- CHỦ-NHÂN THỰC SỰ CỦA ĐỀN ANGKOR WAT LÀ AI ? Rất nh...
- Quercetin là gì và vì sao chúng ta cần nó?Flavonoi...
- ĐẰNG SAU MẶT TRĂNGThế giới tuổi thơ ấu của tôi ở c...
- Chồng Già Vợ Trẻ...đến nay thì đầu anh đã hói, chỉ...
- Jessie Watters: Meet the alleged chinese spy who w...
- Số KhổChị Bông đọc xong email của người bạn chỉ cá...
- Kỷ Niệm 1 thời... La Pagode - GivralTôi từ 1975 rờ...
- GIỌT MƯA TRÊN TÓCĐường Hai Bà Trưng. Chiều. Một tr...
- Những Ông Chồng Tội LỗiTràm Cà MauHơn một c...
- Ghế đá công viênKhi băng ghế trong công viên của n...
- Lãng đãng vào thuHè năm nay Canada nóng hơn mọi nă...
- CÁC BẠN ĐANG SỐNG Ở CALIFORNIA LƯU Ý VÀ CHIA SẼ DÙ...
- 9 GỢI Ý GIÚP BẠN "TẬN HƯỞNG CHÍNH MÌNH"1. Đọc sách...
- CHUYẸN TÌNH NGA-NHẬT Khi bà Clavia Novicova mất ở...
- THẾ CHÂN VẠCCùng ngắm chùa Ba Vàng đẹp lung linh h...
- NHỮNG NÉT VĂN HÓA ĐỘC ĐÁO CỦA UKRAINEKhông ít ngườ...
- KHUÔN MẶT NỮ THẦN TỰ DOKathleen Campbell/Getty ima...
- Chuyện tiếu lâm song ngữDear God, u gave me childh...
- ‘kẻ buôn người’ có tầm vóc quy mô nhất trong lịch ...
- Đừng giỡn mặt với người giàBà cụ khoảng 80 tuổi bư...
- Chuyện Người Vợ Tuổi Dần ...
- KHÔNG BAO GIỜ LÀM ĐIỀU NÀY TRONG MỘT CHUYẾN BAY !!...
- BI KỊCHCó thể chỉ là bi kịch của một gia đình, một...
- MỖI NGƯỜI ĐỀU CÓ NGHIỆP RIÊNG- Không có kẻ thù nào...
- Ai đe dọa nền dân chủ Hoa KỳThomas LeeĐầu tiên ai ...
- Nói chuyện chơi về biến đổi khí hậu.Các bạn có tin...
- Chuyện đã kể. Có thêm những tình tiết từng dấu kín...
- NẮNG CHIỀU ĐÃ NGỪNG TRÔI TRÊN THÀNH PHỐ LOS ANGELE...
- 25/9/2022: Đám cực tả gốc Việt đang đánh phá nhữn...
- Hồ sơ trường thọ phương Đông và phương TâyViệt Nam...
- Máy bay hai tầng ghế ngồi, xu thế mới của ngành hà...
- Bụi hồng nghìn tuổi vẫn ra hoa ở ĐứcTheo truyền th...
- Lượm ve chai ở New York, kiếm cả ngàn đô một ngày…...
- NGƯỠNG MỘ CỤ BÀ QUÁ!Nguồn: Fb Lan Ullmii- Tình cờ ...
- HẾT MUỐN SỐNG TRÊN ĐẤT NƯỚC NÀY ...
- Làm Phân BónThống Đốc Cali vừa ký sắc lệnh cho phé...
- GHPGVNTN và HT Tuệ SỹTUẤN KHANHTrong cuối tháng 8-...
- 24/9/2022: Thất hứa và thất phu như N. V. Đài, N.V...
- BÊN HÀNH LANG TOÀ ÁNMùa thu năm nay bộ Tư Pháp của...
- NHỮNG ĐẠI TỘI CỦA TRUMPThời gian gần đây đã là một...
- TIN TỨC – 24/9/2022CẬP NHẬT MAR-A-LAGOBa thẩm phán...
- MỘT CHUYỆN TÌNH ĐẸP Buu Nguyen--... Nghe tin QLVNC...
- TOÀN LÁO CẢKhông biết lịch sử ghi lại các triều đạ...
- TRUYỀN THÔNG THỔ TẢTác giả : Bằng Phong Đặng văn Â...
- Anthony Fauci Better Start Talking NOW (They Plan...
- Here's Italy's next Prime minister
- Ivy League đang lụi tàn và đó là một điều tốt Chơi...
- Chuyên gia: Lý do 10.000 triệu phú Trung Quốc muốn...
- TÂY TẠNG - NƠI THỜI GIAN NHƯ NGỪNG LẠIVlag Mertin ...
- Hoa Kỳ đang “tự sát” khi lựa chọn những giá trị đạ...
- Lấy Yêu Thương Xóa Bỏ Hận ThùTại một nơi sâu hun h...
- ‘Naïve’ to think Russia will lose war, says Dr Jor...
- Ghen giùmHồi mới vượt biên vào trại tỵ nạn Thailan...
- Nhớ một vầng trăngTrăng soi qua Tử Cấm Thành – Tra...
- *CON ĐẤU TỐ CHA**LT: Chuyện kể của chính tác giả t...
- Bên trong hầm mộ 200 năm tuổi của hoàng gia AnhLin...
- NHỮNG CHIẾC XE MÌ CỦA QUÁ KHỨSài gòn từ khi hình t...
- CHUYỆN CƯỜI 1. Một phu nhân nhà quyền quý nọ sở hữ...
- Người Nhật nhận định người Việt bây giờ lười hơn n...
- Rắn ngậm phong bì, quan tham đánh trốngTác giả : N...
- Về "phản tỉnh"Cách đây 12 năm, tôi đã viết bài "Th...
- Danh Nhân ở Martha's Vineyard Im Lặng Trước Tình T...
- VĂN HOÁ PHONG BÌPhong bì còn gọi là bao thư, bì th...
- Ký giả Việt Nam du Mỹ Tui làm b...
- Ý Nghĩa Hoa Mẫu Đơn, Vua Của Các Loài HoaHoa Mẫu Đ...
- THƯỢNG ĐẾ ĐÃ AN BÀISau vụ khủng bố tấn công toà th...
- Tính năng mới của iPhone 14 có thể cứu mạng trong ...
- VIỆT NAM MỘT CHUYẾN ĐI7 Sept 22" Tôi xa Hà nội năm...
- THÁNG CHÍN MÙA KHAI TRƯỜNG Mấy năm trước, cũng tro...
- Cô Thẩm Thuý HằngTác giả : Lâm Bình Duy Nhiên Nguồ...
- Làm Gì Có Chuyện Lạ...Trương Ngọc Bảo XuânHình min...
- Nữ Hoàng băng hà, vạn tuế Đức Vua!Nữ Hoàng Elizabe...
- Lý do phong trào ‘rời California’ đang phát triển ...
- Tom Monaghan - Nhà sáng lập Domino’s PizzaTom Mona...
- Cây chuối Tôi là một cậu bé sinh ra và lớn lên ở t...
- BS ỦNG HỘ ĐEO KHẨU TRANG TRẢ GIÁ BẰNG ĐỨA CON CỦA ...
- Tâm thư cha gửi cho con gáiCon à, thời gian trôi q...
- SAO KHÔNG CHỊU SƯỚNG... NHƯ TÂY?-- Theo BBC. Ông T...
- TIN TỨC – 17/9/2022CẬP NHẬT MAR-A-LAGO- Tuần trước...
- NẠN CUỒNG TRONG CỘNG ĐỒNG TỊ NẠNChính trị Mỹ bắt đ...
- THẾ GIỚI ĐẢO ĐIÊN BỊ KIỂM SOÁT BỞI THẾ LỰC NGẦMCựu...
- Nhật Bản chế tạo khẩu trang phát sángkhi người mắc...
- Thưởng Thức Đặc Sản Huế Bằng Thơ (18 Món)Đế...
- CẨM NANG ĐỂ NGƯỜI MIỀN NAM RA BẮC ĐƯỢC AN TOÀNNgườ...
- Tucker Carlson: is anyone noticing it?
- Văn Hóa “Tự Sướng”Hình: 1. Người đàn bà đang chụp ...
- Tình cuối đờiCon dâu xách giỏ bước ra khỏi nhà còn...
- Chơi dzậy, chơi dzới ai?Thỉnh thoảng chúng ta có n...
- NHỮNG CƠN SỐT VỀ CHIỀUTác giả : Ngô Minh Hằng ...
- 15SEP22 | NGƯỜI TT TRUMP CHỌN SẼ LÀ SPECIAL MASTER...
- Quách Vĩnh Thiện, “nhạc sĩ ”Kiều"Ngày 13 tháng 8 ...
- NGƯỜI VIỆT CHÚNG TA (hiện nay) LÀ NHỮNG NGƯỜI HUNG...
- Ðêm cuối cùng Cái đêm Giao thừa ấy đã khắc sâu vào...
- Đứa con của người tìnhNgâu mở cổng. Người cô bỗng ...
- Chuyện ngoài đường1 du khách nguời Australia sang ...
-
▼
September
(173)