Friday, March 24, 2023

Seattle có chi lạ không?

Seattle, Washington.

Gia đình Khương An ở giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp thuộc nhà thờ dòng Chúa Cứu Thế Huế, học cùng lớp, cùng trường Jeanne D’Arc với tôi.

Hai vợ chồng họ vượt biên, đến định cư ở Seattle rất sớm. Khương An sinh hoạt trong hội gia đình tổng giáo phận Huế ở Seattle, hội này đa phần là người giáo xứ Phủ Cam nên biết gia đình tôi tới Cali, Khương An gọi điện thoại về Cali nhắc tôi đủ điều, có điều đặc biệt Khương An nói:

- Chỗ ở của mình chưa ổn định, nên bất cứ người quen nào tới thăm, nếu họ nói nhà họ còn thừa TV, tủ lạnh, thậm chí cả xe hơi, và nhiều thứ lỉnh kỉnh khác, nếu cần họ đem đến cho, P. hãy cảm ơn và lựa lời từ chối. Vợ chồng mình lúc mới qua đã cười ra nước mắt vụ nhận đồ cũ này rồi, ai cho gì cũng lấy, đồ cũ dùng vài tháng là hư, mang theo không nổi, vứt rác không biết vứt chỗ nào, bỏ lạng quạng bị phạt nặng, ở đây vứt các loại rác đó tốn tiền lắm, đó là kinh nghiệm của mình.

Ở bên mình cây kim, sợi chỉ cũng chưa ai cho ai, qua đây có người đòi cho chiếc xe hơi, cho TV, tủ lạnh, bàn ghế v.v…trong lòng thích quá, hai vợ chồng bàn tới tính lui không lấy thì uổng, suy nghĩ lời Khương An dặn cũng có lý, thôi thì trả lời hàng hai, đang ở nhờ, đợi vài hôm ổn định chỗ ở rồi xin nhận.

Chúng tôi quyết định lên Seattle, vợ chồng Khương An ra đón ở phi trường, trên đường về nhà bà chị, Khương An khuyên, cố gắng ra ở riêng sớm ngày nào hay ngày đó. Nhà Khương An rất xa giáp ranh với Tiểu Bang Oregon nên không giúp gì cho chúng tôi được.

Chúng tôi đến Seattle giữa mùa thu, mùa cây thay lá, từ phi trường về nhà bà chị chạy theo hướng Nam Bắc gần 1 giờ, hai bên xa lộ, rừng thông xanh ngắt xen kẽ những khóm lá vàng, trời mưa lất phất, mây trắng sà thấp giăng trên ngọn thông, cảnh núi rừng âm u, vắng lặng. Buồn quá, nước mắt muốn trào ra, ân hận vì quá vội vàng, cơ chi mà nghe lời khuyên của người bán vé máy bay thì hay biết mấy, liếc nhìn mặt ông xã và hai đứa con, mặt nào mặt nấy như đi đưa đám ma.

Đứa con trai không biết suy nghĩ gì mà lên tiếng:
- Seattle đây hả mẹ?

Tôi đang ngao ngán trong lòng chưa trả lời, hình như Khương An đọc được suy nghĩ của chúng tôi nên nói trống không: “Riết rồi cũng quen thôi con à!”

Đêm ngủ đầu nơi xứ lạnh, đủ thứ lạ, bao nhiêu suy nghĩ, bao nhiêu lo lắng, chuyện ngày mai ngoài tầm tay, mù tịt không biết đâu mà đoán trước, hai mắt mở chong suy chuyện này, nghĩ chuyện khác, không tài nào chợp mắt được.

Sáng thức dậy chị Huê gọi điện thoại tới thăm, lúc trước chị bán hàng đồ mã ở chợ Đông Ba, chị là môn đồ của giáo phái Thiên Thiên Thánh Mẫu, mỗi tháng hai lần lên Điện Hàng Chén hầu đồng, chị có am lên đồng riêng ở làng Vạn Vạn. Mỗi khi lên đồng chị coi bói rất hay, tôi đã mấy lần đưa người quen về nhờ chị giúp, hầu như chuyện gì chị cũng biết. Một hôm tôi đưa cô bạn nhà kế bên về nhờ chị coi, cô này buôn bán rất giỏi, lúc đầu làm ăn lên phơi phới, nhưng dần dần tụt dốc, cô tâm sự, cô gặp nhiều giấc chiêm bao lạ, hình như ai đó muốn báo cho cô tin gì đó cô suy nghĩ mãi không tìm ra câu trả lời, cô hỏi thăm tôi biết chỗ nào coi bói hay nhờ tôi chỉ giúp để may ra tìm được sự thật, tôi đưa cô về nhà chị Huê. Chị Huê tô son trát phấn như cô đào hát Bộ sau một hồi nhảy múa, chị ngồi lại hỏi lý lịch, hỏi người tới coi muốn biết chuyện gì, Cô bạn khai báo lý do, chị Huê nói:

- Đây là chuyện ân oán với người chết, không thể nào giải quyết được, chồng của Nữ lấy đồ trong túi người ta, không chịu chôn cất, vứt xác họ, để mưa lụt trôi mất xác, người này rất giận, chồng nữ đi đâu ông theo sát, đến nỗi bữa cơm ông ta cũng ngồi kế bên, ông phá đến khi nào chồng nữ chết mới thôi.

Chúng tôi về, cô bạn nói:
- Để em về hỏi ảnh chuyện này thực hư thế nào, em nói lại cho chị sau.

Tôi tò mò chờ đợi tin tức để coi lời chị Huê nói đúng sai thế nào. Hơn tuần sau cô bạn qua nhà cho biết sự thật của câu chuyện, câu đầu tiên cô bạn nói:

- Chị nớ coi quá dễ sợ theo lời chị ấy nói em lo không biết chuyện gì sẽ xảy ra cho gia đình em. Sự việc tóm tắt như thế này.

Sau 1975 chồng cô ta đi khắp núi rừng từ Nam ra Bắc tìm xác máy bay rơi trong chiến tranh để mở ốc vít về bán cho các tiệm vàng, vì các con ốc trong máy bay đều được mạ vàng, anh ta vào vùng núi Hiên, gần tỉnh Quảng Nam, gặp chiếc trực thăng có người phi công chết trên ghế bay. Anh ta kéo bộ xương xuống lục tìm nhẫn, đồng hồ, kiếng đeo mắt, rồi bỏ đó ra về, không đưa xác lên chỗ cũ hay đào lỗ chôn bộ xương. Sau khi đi coi bói về thuật lại, anh ta chạy vào chỗ cũ tìm lại chiếc máy bay thì tất cả đều không còn.

Mấy năm sau chồng cô bạn qua đời sau một vụ tai nạn.

Trở lại chuyện Seattle, chị Huê qua Mỹ trước tôi chừng 5 năm, chị điện thoại hỏi thăm sức khỏe, hỏi chuyện nhà rồi chuyện bên Huế, tôi nói câu nào chị trả lời ráo hoảnh:
- Ô… Mài …Gót .

Chuyện vui cũng Ồ Mai Gót, buồn cũng Ồ Mai Gót.

Lúc đầu hơi lạ tai nhưng nghe một lúc cứ tưởng tượng như nghe nhạc ngoại, điệp khúc.

Ồ …Mài…Gót . Ồ … Mài … Gót.

Tôi muốn hỏi chị qua đây có lên đồng không, nhưng nghe Ồ Mài Gót chán quá nên thôi, có dịp hỏi thăm chị sau.

Ngày hôm sau anh Niên tới nhà thăm, không hiểu sao mà anh Niên biết chúng tôi ở đây. Anh qua đây đã lâu, ăn đồ ăn Mỹ đầy đủ dinh dưỡng mà vóc dáng của anh không thay đổi, anh cân nặng chừng 40 hay 45 ki lô là cùng, nhỏ con nhưng chân tay lanh lẹ, tiếng nói rất to, lúc trước anh là người cung cấp chất đốt cho gia đình tôi, chất đốt thời đó là trấu “vỏ lúa”.

Lý lịch trích ngang của anh: trước năm 1975 anh dạy trường Nông Lâm Súc, bị động viên, sau ba năm mãn nhiệm anh lập hồ sơ xin ở lại trong quân đội, cấp bậc sau cùng là Trung Úy, anh và gia đình tới Seattle theo diện H.O.

Tôi hỏi thăm công việc làm của anh bây giờ thế nào?

-Anh cho biết, anh qua đây tiếp tục đi học, ra trường với bằng đại học Nông Lâm, anh làm việc trong khu học chánh, công việc cũng nhàn, sáng chạy quanh các trường, hướng dẫn cho nhân viên chăm sóc cây cảnh, hoa và nền cỏ, rồi về văn phòng đọc báo.

Chúng tôi rất vui về sự thành đạt của anh, phải nói là tâm phục khẩu phục, đến đây đã lớn tuổi mà học được như vậy thật quá giỏi, con người khi muốn vươn lên dù khó khăn mấy cố gắng vượt qua để đạt mục đích. Ông bà mình dạy “Có chí thì nên”. Anh Niên là tấm gương hiếu học.

Anh hỏi thăm chúng tôi cần giúp gì không?

Tôi nói sơ với anh: “Lúc lấy giấy khám sức khỏe bác sĩ dặn qua tới Mỹ phải đi khám và chữa bệnh tiểu Đường liền”, tôi lo lắng không biết làm sao đây, giấy tờ cá nhân chúng tôi làm ở Cali đủ hết rồi, ngoại trừ bằng lái xe chưa có thôi.

Anh trấn an chúng tôi hãy yên tâm, anh có người cháu rể đang phụ trách Y-Tế cộng đồng ở đây, gọi cho ông ấy giúp cho. Tính tình ông ấy dễ thương lắm, tay này cũng gặp vận may, anh ta là Trung Úy Pháo Binh đơn vị đóng tại Hòa Cầm, nhà ở khu Tam Tòa Đà Nẵng, khu di cư 54. Bà con ở đây rất tốt không có nạn chỉ chỏ, anh ta không trình diện đi tù cải tạo, sống phây phây ở nhà, vợ anh ta là cháu của tôi, buôn bán ở chợ Cồn, quen biết nhiều, nên gửi cho anh ta vượt biên rất sớm.

Anh Niên lấy giấy ghi: Paul Nguyễn , số phone 206 … … phụ trách y tế cộng đồng và ghi luôn số phone của người dạy lái xe. Chúng tôi vô cùng biết ơn anh.

Anh Niên về, tôi gọi ngay cho anh Paul, trình bày trường hợp bệnh của tôi. Anh Paul cho biết, anh đang phụ trách chương trình đó, tuần sau có lớp học hướng dẫn về cách phòng và chữa bệnh tiểu đường tại Trung Tâm Y Tế Cộng Đồng “International Community Health Services” viết tắt là ICHS. Anh sẽ gọi báo ngày giờ.

Bác sĩ báo tôi bị bệnh tiểu đường, nghe vậy biết vậy chứ chẳng hiểu mô tê gì về bệnh này, nguyên nhân nào sinh ra bệnh, ở bên mình ít khi nghe ai nói tới nó. Nghe anh Paul báo có lớp học về tiểu đường tôi vui lắm, thế là hai vợ chồng cùng ghi tên tham dự .

Lớp học bắt đầu ngày thứ hai, khoảng hơn hai chục học viên, toàn là người Việt lớn tuổi, vào phòng học đã thấy hai bình cà phê, bình trà, ly giấy, nhiều khay đồ ăn bọc giấy kiếng, tôi nghĩ chắc có học viên nào kinh doanh.

Mở đầu buổi học anh Paul giới thiệu sơ qua về mình.
“Tôi tên là Paul Nguyễn, trước 1975 tôi phục vụ tại trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị, được đi tu nghiệp ở đây, đang học thì miền Nam mất, tôi ở lại luôn không về”. Hiện tôi phụ trách y tế cộng đồng về bệnh tiểu đường, hướng dẫn giúp cho đồng bào di dân những điều quan yếu về sức khỏe theo chương trình của chính phủ liên bang.

Sau lưng tôi, có cà phê, nước trà và thức ăn, bà con nào có nhu cầu cứ tự nhiên, hoàn toàn miễn phí, sẽ phục vụ cho bà con suốt khóa học.”

Hai vợ chồng rất tâm đắc về câu nói này của anh Paul. Đúng là nước Mỹ.

Anh giải thích về bệnh tiểu đường: “Nguyên nhân gây nên bệnh do tuyến tụy không làm việc, không tiết Insulin, nhiệm vụ của Insulin là chuyển hóa chất đường thành năng lượng cho cơ thể sử dụng. Khi đường không được chuyển hóa, chạy lung tung thâm nhập vào các cơ quan nội tạng khác gây nên đủ thứ bệnh nguy hiểm. Lớp học này hướng dẫn cho bà con về chế độ ăn, uống, giúp giảm thiểu tối đa dung nạp chất đường vào trong cơ thể, cũng là một cách tự mình trị bệnh. Tôi sẽ hướng dẫn cho bà con loại thực phẩm nên dùng và thực phẩm hạn chế dùng, để cho cơ thể nhẹ bớt gánh nặng lượng đường chúng ta đưa vào .Tuy vậy bà con phải thường xuyên gặp Bác Sĩ chuyên khoa.”

Tuần học rất hữu ích cho người mắc bệnh tiểu đường.
Cảm ơn anh Paul Nguyễn và cảm ơn chính phủ Liên Bang.

Ngày Chúa Nhật bà chị tổ chức bữa ăn gặp mặt gia đình mới qua Mỹ, bên mình gia đình nào mời thì gia đình đó lo từ A tới Z. Ở đây thì không, con cháu tới người này bưng thùng Bia, người kia mang khay đồ ăn, mỗi người một món thành ra bữa ăn “hoành tráng” nói theo kiểu Việt cộng.

Tôi đem chuyện đi học tiểu đường ra khoe và hết lời ca tụng anh Niên, một tấm gương hiếu học, đã lớn tuổi mà chịu khó học lấy được bằng Kỹ Sư Nông Lâm, nói vừa xong cả nhà cười ầm lên.

Ông anh rể hỏi
- Có phải Niên lùn không ?

Tôi trả lời:
- Dạ đúng .

Ông anh nói.
- Anh ta ở khu Housing gần đây, Seattle nói tới Niên ai cũng biết, người phước lớn, mạng lớn, xe chạy qua người mà không chết. Câu chuyện như vậy, bà vợ lùi chiếc xe Van, ông Niên đứng sau ra dấu, có lẽ lùn quá bà không thấy, hay là bà đạp thắng mà đạp lộn ga, xe phóng nhanh lui hất anh ta nằm dài dưới gầm, xe chạy ngang qua, không chết nhưng phải vào cấp cứu khâu mấy chục mũi.

Ông Niên là lính cắt cỏ của ông Thành nhà gần đây, tiền công cắt cỏ một người 100 Đô La/ngày. Còn ông Niên chỉ 70 Đô la/ngày mà thôi, vì ông yếu không làm việc nặng chỉ làm được việc hốt cỏ, đổ rác và sai vặt. Ông Thành thầu chăm sóc cây cỏ cho các trường quanh đây, hai tuần cắt tỉa một lần, ông kỹ sư Niên theo vào để hốt cỏ, dọn dẹp vệ sinh.

Chuyện cũng lạ! Anh Paul nói theo kiểu của anh, anh Niên nói theo kiểu của anh Niên.

Mấy tuần sau Khương An gọi hỏi thăm tình hình ăn ở và nói:
- Cậu còn nhớ con Đông Anh không? Chúa nhật vừa rồi có dịp lên trên nớ, nhân tiện tạt qua thăm chồng con Tiên trong Nursing Homes, mình thấy một người giống bà Đông Các chị của Đông Anh, ngồi xe lăn trong khu Nursing Homes, mình hỏi con Tiên có biết bà đó không?

Nó nói:“Con chào bà mấy lần bà không ư hử chi hết nên thôi”.

Khương An nói tiếp
- Lúc xưa cậu chơi thân với Đông Anh chắc biết chị Đông Các, cậu cố gắng chạy qua thăm chị ấy với, tội nghiệp.

Tôi nói với Khương An về tình hình gia đình chị Đông Các theo tôi biết. Sau 1975 chồng chị Các đi ở tù, chị bị đuổi việc, nhà bị trưng thu vì chồng chị là sĩ quan cấp tá trong ngành Cảnh Sát, chị và hai cháu nhỏ về ở nhà cha mẹ, thời gian bo bo, sắn lát, họ bán nhà vô Nam, hay vượt biên không biết, mất liên lạc với Đông Anh từ dạo đó.

Tôi nói tiếp: “Mình nghe nói Nursing Home dành cho người già, chị ấy đâu có già chi mấy mà vô ở trong nớ, chị còn hai đứa con và anh chồng nữa, răng rứa hè??? Để mình đi chợ mua chút quà vô thăm chị, có chi mình sẽ gọi báo tin cho Khương An sau, cho mình xin số phone của Tiên.

Khương An đọc số phone của Tiên, hỏi tôi còn nhớ Tiên không ?
Tôi trả lời “Đi chợ Lam’s Seafood gặp Tiên hoài mà”.

Tôi gọi điện thoại hỏi Tiên tình hình người phụ nữ mà Khương An nghi là chị của Đông Anh. Tiên cho biết, Tiên đưa anh chồng vô đây đã thấy chị ấy rồi, lúc nào cũng thấy chị ngồi trên xe lăn mặt nhìn ra vườn, hình như bất động. Hỏi chào chị mấy lần nhưng chị im lặng không nói gì, nên thôi, để ý theo dõi tình hình của chị. Từ ngày Tiên vô tới nay cũng hơn hai năm chưa thấy người nào tới thăm chị trong dịp cuối tuần hay ngày tết. Sức khỏe của chị không bình thường, thi thoảng có xe cấp cứu đưa vô bệnh viện.

Tôi hỏi Tiên, muốn mua cho chị ấy tý quà nên mua thứ gì?

Tiên nói: “Dì tới đây, hai dì cháu mình tới thăm, coi Dì ấy cần chi mình mua sau cũng được, quan trọng là món quà tinh thần.”

Đã hẹn trước, trưa thứ bảy chúng tôi tới, vợ chồng Tiên đón chúng tôi ở phòng khách, thấy hai người họ có vẻ không vui, chào hỏi thăm nhau vài câu xã giao thường lệ. Tiên nói:

- Dì tới trễ rồi, Dì ấy đã đi đêm hôm qua vì bị tim, sáng nay Y Tá vào phòng phát hiện Dì đã chết từ lúc nào, cảnh sát tới lập biên bản đưa xác Dì vô Bệnh Viện rồi sau đó qua nhà quàn. Chương trình lễ tang tùy bên Chùa sắp xếp, nghe nói mọi chi phí Dì lo trước lâu lắm rồi, không biết chồng con của Dì ở đâu, có tới thăm Dì hay không?

Tôi báo cho Khương An, sẽ cho biết thêm chi tiết lễ tang sau.

Bên Chùa thông báo sáng thứ bảy tuần tới 10 giờ thăm viếng, 1 giờ chiều di quan qua lò hỏa táng gần đó.

Tám người dự đưa tang
Không người thân
Không họ hàng
Không vòng hoa trướng liễn
Vẫn an giấc bình yên.

Phương Lâm .

No comments:

Blog Archive