GIAN LẬN BẦU CỬ
Cuộc bầu tổng thống đã diễn ra cách đây hơn nửa năm, cụ Biden đã giơ tay tuyên thệ nhậm chức gần nửa năm rồi. Tất cả đã là chuyện quá khứ. Lạ lùng thay, không ít cụ ghét hay chống Trump vẫn còn bị ám ảnh nặng, tới giờ này vẫn lo kiếm chuyện bôi bác Trump, cho rằng Trump là tay ngoan cố, gian trá, thua mà không chịu thua, cứ khăng khăng là Biden gian lận, và các cụ tự cho mình trách nhiệm biện giải cho chiến thắng gọi là ‘chính danh’ của cụ Biden, tìm cách bác bỏ các luận cứ có gian lận bầu bán.
Kẻ này với chủ trương cố hữu là đả phá những xuyên tạc phe đảng, hay ít nhất cũng là trình bày vấn đề dưới một khiá cạnh khác để gọi là ‘rộng đường dư luận’ để cộng đồng chúng ta có dịp có cái nhìn khác, cho rõ thực hư ra sao, nên phải viết bài này.
Chuyện cũ rích mà vẫn phải nói. Thật là… phiền.
Chỉ vì trong đám các cụ cuồng chống Trump, vẫn còn quá nhiều đệ tử trung kiên của Goebbels, chủ trương nhai đi nhai lại những chuyện nói láo, hy vọng sẽ có ngày có người tin.
Công tâm mà nói, không phải tất cả các cụ đều như nhau. Có cụ cho đến giờ này vẫn tình thật thắc mắc muốn tìm hiểu, có cụ cố tìm lý do chê bai Trump, có cụ vẫn hận thù tìm cách trét bùn vào Trump. Mà cũng có cụ như ‘cụ’ Nguyễn Tài Ngọc, muốn dựa vào câu chuyện để có dịp hùng hổ đấm ngực khoe mình là cây bút chủ lực của báo do chính mình phát hành nên hiểu hết, biết hết, kể cả Hiến Pháp Mỹ, cũng kể luôn tiếng Anh nữa, hơn xa cả thiên hạ, để tự phong là mình “đủ uy tín” để sỉ vả tất cả mọi người khác ý.
(Ở đây xin mở ngoặc: một cụ bên Tây Âu so sánh Vũ Linh này với NTNgọc, chỉ có một khác biệt là VL ủng hộ Trump trong khi NTNgọc chống Trump. Xin lỗi cụ, khác biệt lớn hơn là VL không bao giờ tung fake news và nhất là không bao giờ nhục mạ những người khác ý, đặc biệt không bao giờ dám chửi một bác sĩ là “khờ khạo, tiếng Anh không rành, hồ đồ, tối đại ngu xuẩn”. Loại ngôn ngữ này không bao giờ VL xử dụng. Khác rất xa, thưa cụ!)
Bài viết sẽ nêu lên những lập luận chính (chữ nghiêng) phủ nhận chuyện có gian lận, và ý kiến của Vũ Linh này.
- “Từ trước tới giờ, qua biết bao nhiêu bầu cử, không có chuyện tố giác gian lận, tranh cãi, sao bây giờ lại có? Việc bầu bằng thư đã có từ cả trăm năm nay, sao bây giờ lại thưa kiện? Tại sao lại chỉ có gian lận trong một nhúm nửa tá tiểu bang mà không tố gian lận tại tất cả những tiểu bang khác?”
Đây là những câu hỏi thuộc loại mà kẻ này gọi là ‘siêu vô lý’, siêu đến độ tiếu lâm. Hoặc giả người nêu câu hỏi thiếu lương thiện khi cố tình chỉ bàn có một nửa vấn đề, mà phớt lờ phần còn lại.
Điều hiển nhiên ai cũng hiểu, nếu không có ai phạm tội gì thì chẳng bao giờ bị truy tố. Đứa trẻ con 3 tuổi cũng biết có làm sai thì mới bị bố mẹ rầy la. Các cuộc bầu cử trước, không có chuyện gì bất bình thường thì dĩ nhiên chẳng ai tố ai. Năm 2020, có chuyện ‘khác lạ’ nên mới có chuyện tố giác. Chỉ có thưa kiện ở nửa tá tiểu bang vì có vấn đề ở đó, không kiện tại tất cả các tiểu bang khác vì các nơi khác không có vấn đề, một chuyện đơn giản vậy mà cũng hỏi được sao?
Nếu nghiêm chỉnh và công tâm muốn tìm hiểu thì phải hỏi chuyện gì đã xẩy ra khiến có thưa kiện và tố cáo gian lận? Chứ không thể hỏi vớ vẩn sao trước đây không ai khiếu nại, bây giờ Trump lại khiếu nại? Nội cách hỏi cũng đã phản ảnh cái nhìn có thành kiến phe đảng rồi.
Bầu bán bằng thư đã có tại Mỹ từ rất lâu, không sai. Và từ trước cho tới cuộc bầu năm 2020, không có vấn đề gì nghiêm trọng hay khác thường, nên chẳng ai để ý đến chứ đừng nói tới thưa kiện gì.
Trên nguyên tắc từ trước đến nay, bầu bằng thư được chấp nhận trong những điều kiện khá khắt khe:
1. Bầu bằng thư là trường hợp đặc miễn, phải có lý do chính đáng, phải có thư gửi đến ủy ban bầu cử địa phương để xin họ cho phép và gửi phiếu bầu đến nhà, chẳng hạn như trong trường hợp ốm đau, đi công tác xa,…
2. Phiếu bầu bằng thư phải gửi về ủy ban bầu cử sớm để ủy ban nhận được muộn nhất là trong ngày bầu, trước khi phòng phiếu đóng cửa, và các bao thư phải được cất giữ để lấy dấu bưu điện làm bằng chứng;
3. Các phiếu bầu bằng thư phải có hai người ký tên làm nhân chứng;
4. Khi kiểm phiếu thì phải kiểm tra mọi chi tiết lý lịch như tên, tuổi, địa chỉ, so sánh chữ ký, kiểm tra nhân chứng,… Có ít nhất ba người, một người kiểm phiếu, và hai nhân chứng ngồi coi hai bên. Có thể có cả phóng viên nhà báo hiện diện nếu họ muốn.
Trên thực tế, số phiếu bầu bằng thư tương đối rất ít, trên cả nước, có một vài phần trăm phiếu thôi, không có hậu quả đáng kể.
Năm 2020, viện dẫn lý do đe dọa lây nhiễm của dịch COVID, một số tiểu bang cận ngày bầu cử đã thay đổi luật lệ bầu cử bằng thư, hủy bỏ gần hết những điều kiện khó khăn trên, trên nguyên tắc, để càng nhiều người có thể bầu càng tốt. Trên thực tế chỉ là tìm cách gian lận hợp pháp.
Điển hình, tại tiểu bang Pennsylvania, thống đốc DC Wolf đơn phương tự ý thay đổi luật bầu cử, ký sắc lệnh gồm có những thay đổi chính:
1. Chính quyền địa phương tự động gửi phiếu bầu bằng thư cho cả triệu người, không cần họ làm đơn xin xỏ gì;
2. Tất cả mọi người đều có thể bầu bằng thư không cần nêu lý do;
3. Thời gian nhận phiếu bầu bằng thư được gia hạn tới 12/11/2020, 10 ngày sau ngày bầu cử. Nghĩa là nếu trong ngày bầu, ‘phe ta’ đếm phiếu thấy có vẻ thua, thì ‘phe ta’ có thể huy động thêm cử tri phe ta bầu bằng thư trong 10 ngày sau đó, lấy lý do giúp càng nhiều người tham gia bầu cử càng tốt (chuyện này đã không xẩy ra vì không cần thiết, phe ta đã ‘thắng’ ngay sáng hôm sau bầu cử rồi).
4. Hủy bỏ điều kiện phải có hai nhân chứng, lấy lý do vì cấm cung và cách ly để tránh dịch nên khó có được nhân chứng.
5. Cũng viện dẫn lây nhiễm dịch, không cho ai ngồi cạnh coi việc kiểm và đếm phiếu (nên nhớ hầu hết các công chức Mỹ, đặc biệt là trong các tiểu bang then chốt vùng Đại Hồ đều theo đảng DC, mà tính vô tư trong việc kiểm phiếu cần xét lại; đảng CH kiện tại Pennsylvania, thắng kiện, quan tòa bắt phải có ít nhất một người đứng cạnh, nhưng lại bắt đứng cách xa 6 feet, hay hai thước, cũng như không, vì chẳng nhìn thấy chi tiết gì trên phiếu bầu).
Những thay đổi này có hậu quả như thế nào?
- Không kiểm tra và không nhân chứng sẽ giúp nhiều người bầu hai ba lần, hay bầu ‘giùm’ nhiều người khác; không có cách nào kiểm soát để bầu cử thật trong sạch; ngay cả di dân lậu, người đang bị tù hay đã chết cũng có thể bầu được.
- Bất cứ ai bầu bằng thư cũng được mà không cần lý do và chấp nhận cho có người ‘bầu giùm’, sẽ giúp đảng DC dở mánh gọi là ‘ballot harvesting’, hay đi gặt phiếu. Xin nói cho rõ hơn: đảng DC cử nhân viên, phần lớn là sinh viên tự nguyện, đi đến nhà những người già yếu hay da đen nghèo, mù tịt chính trị hay không rảnh ra phòng phiếu xếp hàng cả nửa ngày để bầu; họ đến nhà những người này với cả chồng phiếu bầu bằng thư trắng, áp lực chủ nhà và các người trong nhà phải bầu bằng thư, bằng cách giúp cả nhà điền đơn bầu và dĩ nhiên xúi họ bầu cho người của đảng DC; rồi sau đó, những sinh viên thiện nguyện này mang các bó có cả trăm, cả ngàn phiếu bầu bằng thư bỏ vào phòng phiếu.
Kiểu ballot harvesting này rất thịnh hành tại Cali, nhất là trong kỳ bầu cử năm 2018, đưa đến tình trạng nhiều dân biểu CH thắng khi đếm phiếu bầu tại phòng phiếu, nhưng hôm sau thì thua sau khi đếm cả bó phiếu ‘bầu giùm” theo kiểu harvesting. Cũng tương tự như chuyện cán bộ VC giúp dân mù chữ VN đi bầu hồi năm 45 hay sau này tại miền bắc, giúp các đại đồng chí đều đắc cử với ít nhất 99%. Nên ghi nhận đảng CH cũng như VNCH không làm chuyện này.
Tin giờ chót, Arizona ra luật bầu cử mới, cấm ballot harvesting, bị kiện; Tối Cao Pháp Viện liên bang đã phán Arizona có quyền cấm cái mánh gặt phiếu này.
Cũng cần phải biết không phải tất cả 50 tiểu bang đều có thay đổi luật tương tự, mà thật ra chỉ có một nhúm những tiểu bang theo DC làm chuyện này thôi, trong đó có các tiểu bang then chốt ven Đại Hồ như Pennsylvania, Michigan, Wisconsin. Chính việc thay đổi luật giờ chót tại các tiểu bang này đã đưa đến việc thưa kiện tại những tiểu bang đó mà không thưa kiện tại những tiểu bang khác.
NTNgọc đã không đủ hiểu biết hay lương thiện để viết một chữ nào về thay đổi luật bầu bằng thư như lý do quan trọng nhất gây nên tranh cãi.
Tại sao những thay đổi này mang ý nghĩa cực kỳ quan trọng? Vì đây là những tiểu bang then chốt mà khác biệt một vài chục ngàn phiếu sẽ thay đổi hẳn kết quả cuối cùng của cuộc bầu, quyết định ai sẽ vào Tòa Bạch Ốc. Chẳng hạn như Cali hay New York có thay đổi gì, theo kiểu nào thì cụ Biden cũng sẽ thắng, nên tiểu bang Cali và New York không lo, chẳng thay đổi luật gì hết, nên cũng chẳng có thưa kiện gì hết. Năm 2016, ông Trump thắng khít nút trên các tiểu bang ven Đại Hồ nêu trên nên thắng luôn, bây giờ nếu thay đổi luật tại những tiểu bang này, có thể lật ngược lại vài chục ngàn phiếu, thì ông Trump sẽ thua. Và đó chính là chuyện đã xẩy ra.
Bầu bán tổng thống ở Mỹ, lạ lùng thay, chỉ có khoảng nửa tá tiểu bang có lá phiếu quyết định, và mọi nỗ lực vận động hay gian lận chỉ cần thực hiện tại một nhúm dưới nửa tá tiểu bang đó thôi. Thực tế mà nói chẳng có ai rảnh đi vận động hay thay đổi luật gì hay có thể gian lận gì tại Cali, New York là thành đồng DC, hay ngay cả Texas, Indiana là thành đồng CH.
TTDC tung hô việc cụ Biden hơn TT Trump 7 triệu phiếu. Trên thực tế, theo luật bầu cử của Mỹ, cụ Biden thắng chỉ nhờ hơn TT Trump 145.000 phiếu tại Pennsylvania, Michigan và Wisconsin thôi. Nghĩa là chỉ cần hơn một nửa, hay 70.000 cử tri tại ba tiểu bang này bầu khác là TT Trump đã thắng. Việc thay đổi thủ tục bầu bằng thư rất có thể đã đưa đến khác biệt hơn 70.000 phiếu này, đưa đến chiến thắng không chính danh của cụ Biden.
Kẻ này không thể quên tối hôm bầu cử, khoảng 12g đêm, TT Trump đang dẫn trước cụ Biden tới hơn 700.000 phiếu tại Pennsylvania. Tắt TV đi ngủ, sáng sớm hôm sau, mở TV, thấy cụ Biden dẫn trước cả chục ngàn phiếu nhờ số phiếu bằng thư nhận được qua đêm. Theo nhiều chuyên gia, chuyện này có thể xẩy ra nếu trong số phiếu bầu bằng thư, có khoảng 80% bầu cho cụ Biden. Trong tình trạng phân hoá chính trị cực đoan ngang ngửa hiện nay, việc cụ Biden có được tới 80% phiếu là chuyện khó hơn đi bộ lên Cung Trăng. Đó chính là câu hỏi vĩ đại đưa đến những nghi vấn có gian lận qua phiếu bầu bằng thư.
Tóm lại, nếu không có những thay đổi luật giờ chót nêu trên, thì đã không có chuyện gì và có thể đã chẳng có tranh cãi gì bất kể ai thắng ai thua
Rút kinh nghiệm những luộm thuộm hay mánh mung gian trá, hầu hết các tiểu bang hiện đang tu chính luật bầu cử.
DĐTC đã viết trong trang Tin Tức ngày 5/6/2021, trên cả nước Mỹ, đã có 48 tiểu bang đã, đang hay sắp thông qua luật bầu cử mới, ngoại trừ hai tiểu bang Vermont của cụ xã nghĩa Bernie Sanders, và Delaware của cụ Biden.
Có tiểu bang sửa luật nhằm siết chặt kiểm soát bầu cử tránh gian lận. Đại khái đi bầu phải có thẻ cử tri có hình đầy đủ, không được bầu bằng thư nếu không có lý do chính đáng, bầu bằng thư vẫn cần kiểm tra chữ ký và nhân chứng đầy đủ, như tiểu bang Georgia chẳng hạn. Cũng có tiểu bang sửa luật để những thả lỏng trong cuộc bầu cử năm ngoái thành vĩnh viễn luôn, như tiểu bang Nevada chẳng hạn.
Phe DC đang hô hoán ầm ĩ, và không ít Vẹt con và Vẹt già tị nạn cũng hùa theo, la hoảng “nước Mỹ đang trở thành độc tài, phản dân chủ, cản dân đi bầu, giống như CS, đảng CH đang sửa luật bầu cử để có thể ăn cắp phiếu dễ dàng hơn để chiếm quyến và nắm giữ quyền”.
Cái tiếu lâm lớn nhất là bộ trưởng Tư Pháp của cụ Biden đã kiện tiểu bang Georgia vì luật bầu cử mới theo ông, giới hạn bầu bằng thư, đòi hỏi chứng minh căn cước khi đi bầu,… là gây khó khăn cho dân da đen không cho họ đi bầu, là kỳ thị da đen. Các cụ Tây Âu nhìn lại thủ tục bầu gắt gao ở Pháp, ở Đức,… nghĩ sao khi ở Mỹ đòi hỏi thẻ cử tri bị đảng DC thưa ra tòa?
Ở Mỹ, “đi máy bay, vào ngân hàng, các văn phòng chính phủ, vay tiền, mua nhà, mua xe, lái xe, [cả mua thuốc lá, mua rượu], tất cả đều phải có ID”, như anh NTTuấn đã viết, nhưng đi bầu tổng thống mà đòi ID thì bị kiện ra tòa ngay. Cụ thông thái nào hiểu được cái lô-gíc này, xin chỉ giáo, kẻ này đa tạ.
Nếu siết chặt bầu cử, giới hạn bầu bằng thư, đòi hỏi thẻ cử tri có hình ảnh là tìm cách chặn bầu cử giống như CS, thì phải nói là cả Tây Âu và ba phần tư thế giới đều đã là CS hết rồi.
Theo một nghiên cứu của trang mạng Real Clear Politics, cả thế giới đòi kiểm tra lý lịch của cử tri trước khi cho họ đi bầu. Trong 47 quốc gia Âu Châu là vùng dân chủ nhất thế giới, thì tất cả 46 xứ bắt cử tri đi bầu phải có thẻ cử tri do Nhà Nước cấp mới được vào phòng phiếu. Xứ duy nhất không đòi hỏi thẻ cử tri là Anh Quốc, nhưng thủ tướng Boris Johnson đang nộp dự luật đòi hỏi thẻ này.
Ba phần tư (74%) các quốc gia trên thế giới tuyệt đối cấm bầu bằng thư. Chỉ có một chục quốc gia đặc miễn cho những người đang nằm bệnh viện hay các quân nhân đang đóng xa nhà, có quyền bầu bằng thư, nhưng đòi có thị thực chữ ký và nhân chứng đầy đủ.
Trong 37 quốc gia thuộc Tổ Chức Hợp Tác Phát Triển Kinh Tế Âu Châu -OCDE-, có tới 33 nước đòi hỏi thẻ cử tri phải có cả hình mới chụp của cử tri.
Trong khi đó, tại Mỹ, nhiều tiểu bang trong kỳ bầu tổng thống vừa qua, đã cho bầu bằng thư thả giàn, chẳng nhân chứng hay kiểm chứng gì mà cũng chẳng cần lý do luôn, đưa đến tình trạng đắc cử đầy nghi vấn của cụ Biden.
Có một câu hỏi nhiều người dĩ nhiên thắc mắc: tại sao DC muốn dễ dãi việc bầu bán trong khi CH muốn siết chặt?
Câu trả lời không khó lắm. Đảng DC đang mất bộn cử tri da trắng, nên phải tìm cách bù đắp bằng phiếu của dân da màu, tức là dân da đen và da nâu, và nếu có thể, phiếu của người chết luôn.
Một số không nhỏ dân da đen và dân gốc Mễ nghèo sống cẩu thả, không giấy tờ gì hết nên đòi hòi họ phải có thể cử tri thì khó cho họ đi bầu. Đừng quên xứ Mỹ này không có thẻ căn cước hay ‘chứng minh nhân dân’ gì hết, mà hầu hết chỉ dùng bằng lái xe là giấy tờ tùy thân duy nhất, mà không phải ai cũng có bằng lái xe. Một số không nhỏ cũng là dân vô gia cư hay di dân lậu, không có cách gì có giấy tờ lý lịch nào, nên chẳng thể đi bầu được.
Đảng DC cố tìm từng lá phiếu một từ giới này nên muốn dễ dãi hóa tối đa việc bầu bán, miễn hết mọi giấy tờ vì không có cách nào khác.
Đảng CH đang cố gắng siết chặt thủ tục để kiểm soát những trường hợp bất chính đó, nhưng phe DC chống kịch liệt dĩ nhiên.
- “TT Trump thưa kiện tới 86 lần, và thua hết trơn. Chính cựu bộ trưởng Tư Pháp của TT Trump cũng phải xác nhận Trump tố cáo gia lận là chuyện vớ vẩn".
Không sai là TT Trump có thưa kiện nhiều nơi nhưng đều thất bại. Các siêu luật sư của TT Trump không ngu hơn các ‘nhà báo’ Vẹt, đến độ không biết là sẽ không kiện được, nhưng vẫn kiện để cho thiên hạ có dịp tìm hiểu và hiểu rõ hơn về cái mánh gian lận của đảng DC. Đáng tiếc là những cụ tị nạn cuồng chống Trump vẫn mù quáng không hiểu được ẩn ý, mà chỉ biết khua chiêng trống về chuyện Trump thua kiện.
Như trong bài # 151 "CÂU CHUYỆN GIAN LẬN PHIẾU", kẻ này đã viết rất rõ: có hai loại gian lận:
a. Gian lận bất hợp pháp như tráo phiếu, thêm bớt phiếu, phiếu ma, máy bỏ phiếu chạy bậy, kiểm và đếm phiếu không chính xác,… Đây là loại ‘gian lận’ bất hợp pháp mà các luật sư của TT Trump đã kiện cả mấy chục lần và thua liên tục. Vì không đủ bằng chứng cụ thể cũng như không đủ số lượng đến độ có thể thay đổi kết quả bầu cử. Vì các quan chức DC không ngu đến độ gian lận lộ liễu trẻ con để bị bắt dễ như vậy. Đây cũng là những gian lận mà ông bộ trưởng Tư Pháp của TT Trump, Bill Barr không đồng ý kiện vì ông cho là vớ vẩn, -bullshit- mất thời giờ mà không đi đến đâu hết (Nhiều cụ, kể cả vài cụ tự cho mình là tiếng Anh giỏi hơn người, phán bullshit là “câu chửi thề”. Thật ra không đúng vì bullshit chỉ là cách nói bình dân hơi thô bỉ để chỉ một chuyện lăng nhăng, vớ vẩn, tàm phào; chẳng hạn khi một người nói chuyện bá láp vớ vẩn, kiểu như VN gọi là ‘chém gió’, anh ta có thể bị gọi là ‘talking bullshit’ hay anh ta đang ‘bullshitting’).
Ở đây cũng phải nói ngay, cách kiểm phiếu của Mỹ cực luộm thuộm và đầy rẫy sai lầm có khi sai lầm vô ý, có khi chỉ là sai lầm giả vì muốn gian lận. Cuộc bầu sơ bộ tại New York để tuyển tân thị trưởng cả mấy tuần qua đã rối loạn chưa từng thấy, cho đến nay vẫn chưa có kết quả, dù chỉ là một cuộc bầu nhỏ xíu với vài trăm ngàn người đi bầu.
Một điểm nữa đáng lưu ý: không có ông quan tòa nào có cái gan bằng trời dám ra phán quyết thay đổi kết quả bầu cử, thay đổi tổng thống, nhất là khi hầu hết các quan tòa xử các vụ tranh cãi đều do các tổng thống DC Clinton và Obama bổ nhiệm.
b. Gian lận gọi là ‘hợp pháp’. Đây là việc vài tiểu bang then chốt vùng Đại Hồ đã làm khi sửa đổi luật bầu bằng thư, viện dẫn lý do dịch COVID đe dọa lây nhiễm. Những thay đổi luật giờ chót này, các luật sư của TT Trump không kiện được (thật ra đã kiện, nhưng bị Tối Cao Pháp Viện bác) vì theo Hiến Pháp liên bang, các tiểu bang có toàn quyền ấn định và sửa đổi luật lệ và thủ tục bầu bán của tiểu bang, kể cả việc bầu tổng thống và bổ nhiệm cử tri đoàn bầu tổng thống, và TCPV liên bang rất muốn tránh can dự, nhất là các thẩm phán bảo thủ có khuynh hướng triệt để tôn trọng Hiến Pháp (nhiều cụ cuồng mê Trump đã hấp tấp công kích các thẩm phán bảo thủ này là ‘phản bội Trump’!).
Tại sao lại gọi loại gian lận thứ nhì là ‘hợp pháp’? Vì những thay đổi luật lệ bầu cử được chính thức ban hành và được cả hành pháp, lập pháp và tư pháp tiểu bang chấp nhận.
Lấy ví dụ tiểu bang Pennsylvania.
Tại đây, thống đốc DC Wolf đơn phương tự ý thay đổi luật bầu cử bằng thư, không cần quốc hội tiểu bang biểu quyết ra luật hay phê chuẩn. Phe CH đã kiện thống đốc Wolf ra tòa vì theo họ thay đổi luật bầu cử phải do quốc hội Pennsylvania quyết định chứ một mình thống đốc không có quyền. Dù vậy, quốc hội tiểu bang không phản đối (hạ viện Pennsylvania do CH nắm đa số 55%, nhưng một số không nhỏ thuộc loại #NeverTrump để mong giữ ghế trong một tiểu bang theo DC từ mấy chục năm nay, im lặng không phản đối cùng với tất cả các dân biểu DC). Lên đến Tối Cao Pháp Viện Pennsylvania, họ phán thống đốc có quyền đổi luật trong tình trạng đặc biệt để bảo vệ dân chống dịch, cho dù Hiến Pháp Pennsylvania không hề có quy định trường hợp đặc miễn nào. Ở đây, ta thấy rõ sự thông đồng giữa hành pháp, lập pháp, và cả tư pháp trong tiểu bang, tất cả do phe DC khuynh đảo.
Kiện lên đến TCPV liên bang, khi đó chỉ có 8 vị, biểu quyết 4-4 (bà Ginsburg qua đời, bà Barrett thay thế, nhưng vì vụ kiện liên quan đến việc xẩy ra trước khi bà Barrett nhậm chức nên bà không tham gia vào phán quyết), đưa đến hậu quả là phán quyết của tòa cuối cùng, TCPV Pennsylvania, có hiệu lực.
Ngay sau đó, bộ trưởng Tư Pháp của 11 tiểu bang CH phản đối, rồi kiện thẳng lên Tối Cao Pháp Viện liên bang, cho rằng Pennsylvania vi phạm Hiến Pháp liên bang vì tuy các tiểu bang có quyền ra luật về bầu cử, nhưng việc ra luật mới hay thay đổi luật hiện hữu phải do quốc hội tiểu bang biểu quyết chứ thống đốc không có quyền. TCPV liên bang bác bỏ đơn kiện vì các tiểu bang kiện không chứng minh được đã bị trực tiếp thiệt hại gì nên không có quyền kiện. Theo luật Mỹ, chỉ những người bị trực tiếp thiệt hại gì đó mới có quyền kiện.
NTNgọc viết về việc TT Trump thua kiện mà không giải thích cho rõ ràng, cũng chỉ là hành động thiếu hiểu biết hay thiếu lương thiện, mập mờ đánh lận con đen.
TT Trump thua kiện, như vậy có nghĩa là những thay đổi luật đều hợp pháp sao? Không hẳn.
Trang Tin Tức của Diễn Đàn Trái Chiều, ngày 27/3/2021 đã loan tin tại 3 tiểu bang then chốt Michigan, Wisconsin và Virginia, quan tòa tại cả ba tiểu bang đã phán việc thay đổi luật lệ bầu bằng thư giờ chót đều vi phạm Hiến Pháp tiểu bang.
Nếu ra luật “vi phạm Hiến Pháp tiểu bang” nhằm giúp một ứng cử viên mà còn chưa phải là gian lận thì cái gì mới là gian lận? Đó là những bằng chứng không thể nào cụ thể hơn về gian lận. Vấn đề là đã quá muộn, gạo đã thành cơm, không có cách nào trở lại thành gạo được bất kể cơm chín cách nào.
Trong các vụ thưa kiện tại Arizona và Georgia, các luật sư của TT Trump không phải thưa kiện chuyện bầu bằng thư, mà thưa kiện về các máy bầu của Dominion và thưa kiện về cách kiểm và đếm phiếu luộm thuộm và mờ ám. Các luật sư của TT Trump thua kiện vì không đủ bằng chứng cụ thể và đủ số lượng để có hậu quả lớn đến độ phải hủy bỏ kết quả bầu cử. Không đủ bằng chứng cụ thể không có nghĩa là đã không có gian lận. Tay tổ mafia Al Capone năm xưa giết cả ngàn người như ngóe, nhưng chỉ đi tù vì FBI vịn vào một chuyện trốn thuế nhỏ.
Tin mới nhất, quận Maricopa, là nơi có thủ phủ Tucson của tiểu bang Arizona, cũng là nơi thượng viện tiểu bang Arizona ra lệnh đếm lại tất cả phiếu bầu tổng thống, đã ra lệnh bỏ tất cả các máy bỏ phiếu của công ty Dominion trị giá bạc chục triệu mà quận đã xài trong kỳ bầu tổng thống vừa qua, để thay thế bằng máy bầu khác, vì máy của Dominion có quá nhiều ‘trục trặc kỹ thuật’. Ai muốn hiểu sao thì hiểu.
Xin nhắc lại, các luật sư của TT Trump đã kiện về những máy này tại Arizona và Georgia, và Dominion đã kiện ngược lại. Hiện nay chưa có gì ngã ngũ. NTNgọc nêu lên việc Dominion kiện ngược mà 'quên' không nói đến các vụ kiện chống Dominion, hiển nhiên không hoàn toàn lương thiện, mà lại hơi quá sớm, chỉ thể hiện tính phe đảng.
Ở đây, xin mở ngoặc, việc kiện tụng bầu cử không phải lần đầu tiên xẩy ra năm 2020, mà đã xẩy ra cả vạn lần ở cấp bầu tổng thống và ở các cuộc bầu thấp hơn trong lịch sử Mỹ. Nổi đình nổi đám nhất là vụ PTT Gore không chịu thua thống đốc Bush con năm 2000, liên tục thưa kiện cả mấy chục lần không ngừng trong cả tháng trời, khiến các tòa, kể cả Tối Cao Pháp Viện tiểu bang Florida phải họp liên tục cả những ngày cuối tuần, ngay khi còn đang đếm phiếu, trước khi có kết quả bầu cử chính thức, cho tới khi Tối Cao Pháp Viện liên bang can thiệp, chấm dứt mọi thưa kiện, và kết quả bầu cử mãi đến đầu tháng Chạp mới chính thức có.
NTNgọc và các cụ nào viết trong lịch sử Mỹ chưa bao giờ có thưa kiện tranh cãi về kết quả bầu cử chỉ là loại mù tịt mà vẫn thích bàn, hay thiếu lương thiện, viết một chiều.
Thực tế mà nói, trong tình trạng phân hóa chính trị cực đoan hiện nay, mọi lý luận bằng lý trí hay dữ kiện lịch sử đã trở thành ... vô ích vì thiên hạ hầu như đã mất hết lý trí hay công tâm, mất cả lịch sự tối thiểu luôn rồi. Tất cả chỉ còn biết nghe, đọc, nói, lý luận theo tính một chiều của mình thôi.
Biết vậy, nhưng DĐTC vẫn phải lên tiếng, dù biết là… công dã tràng. Không tiếc công gì hết, mà chỉ tiếc là cái việc mất lý trí đó đã đưa đến tình trạng không cần hay không dám tranh luận cho rõ trắng đen nữa mà chỉ biết … ‘làm thinh’ khư khư ôm ý kiến của mình, theo sách lược ‘bịt tai, bịt mắt, bịt miệng’, hay là chửi bới, miệt thị người khác.
Dân Việt ta tranh luận nghiêm chỉnh thì khó lắm, chứ chửi bới loạn đả, vặn óc để sáng chế ra những chữ thật kêu và thật ác kiểu như “tối đại ngu xuẩn” như NTNgọc đã sỉ vả một bác sĩ, thì luôn luôn là vô địch thế giới.
[Đính chính: thủ phủ Arizona nằm trong quận Maricopa là Phoenix, không phải Tucson. Xin cám ơn các độc giả đã nhắc nhở]
Vũ Linh
No comments:
Post a Comment