Tuesday, September 1, 2020

Bánh Mì in Houston

THANH NHÀN (Houston, TX)
Ổ bánh mì Việt Nam. Hình: Wikipedia.

Một buổi trưa, tiệm bánh mì bắt đầu đông khách, nhân viên ở các tòa nhà rủ nhau đi ăn lunch, xe đậu chen kín ngoài parking lot. Nhân viên trong tiệm tay không nghỉ, nào là nướng bánh, bỏ thịt, gói giấy, tính tiền… Chỉ hơn một tiếng giờ trưa, tiệm bán trên trăm ổ là chuyện thường. Bánh mì dễ ăn, dễ no, lại ngon và rẻ, đa phần ai cũng thích…

Tôi thấy hương ngày cũ trên đất Mỹ

Nhớ ngày ở Sài Gòn, tuần năm bữa sáng chắc bánh mì đã hết ba bữa. Hàng bánh mì gần nhà dọn sớm lắm. Trời còn mờ sương, cô hàng bánh đã đẩy cái xe ra đầu ngõ, tiếng bánh xe chà sát mặt đường nghe cót két giữa buổi mai còn tĩnh lặng nghe vừa cô đơn, vừa cam chịu, như chính mảnh đời tảo tần, một mình nuôi bầy con của cô vậy.

Bánh mì của cô cũng bình dân như bao hàng quán khác. Sau lớp kính sơn xanh đỏ là dĩa pate cao ngút, thau bơ trứng gà vàng óng ả, mấy cuộn thịt đỏ, chả lụa chắc nịch, rồi mớ rau ngò, ớt, tươi rói, thêm rổ trứng gà, mấy chai nước tương… Ngày nào cũng vậy, mà khách ăn hoài không biết ngán, bán chỉ tầm ba tiếng là tròm trèm dọn hàng…

Đi xa rồi, nỗi nhớ quê hương, nhớ bạn bè, nhớ từng mùi vị ngày xưa lúc nào cũng như lẩn khuất trong lòng. Nên có dịp, là tự mình lại tìm về những mùi hương cũ, xem như làm vơi đi một khoảng nhớ đầy. Trước đây, bánh mì Việt Nam thường xuất hiện ở những quán ăn dành cho người Việt hoặc châu Á nhưng nay nó đã có mặt thường xuyên hơn trong thực đơn của nhiều nhà hàng tại New York, Washington, California…, và trên các xe tải nhỏ bán thực phẩm ở Los Angeles, San Francisco.

Ở giữa lòng Houston, có cái may hơn bà con sinh sống tại các tiểu bang khác là rất nhiều người Việt mình làm ăn, buôn bán. Người Việt ở rải rác khắp nơi, từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây. Có người Việt là có tiệm Việt.

Hình: Unsplush.

Ở khu North (phía Bắc) có tiệm BanhMi ETC, chủ người Hoa gốc Việt, bán bánh mì kèm cơm trưa, bún, chả giò…, chủ yếu cho dân văn phòng. Phong cách tiệm trẻ trung, hiện đại, có các loại trà sữa, trái cây. Tiệm nhắm đến đối tượng khách hàng là dân Mỹ trẻ, bản địa, đồ ăn thức uống do đó được điều chỉnh cho hợp với khẩu vị của Mỹ hơn. Không quá đậm đà kiểu Việt nhưng ngon, sạch và giá cả hợp lý nên vì thế mà giữ chân được nhiều thực khách.

Xuống South (phía Nam) một chút thì có nhiều lựa chọn hơn, nào Thim Hing, Nguyễn Ngọ, nào Don Cafe, Long Cafe, Hang Xanh… Ngoài bánh mì các tiệm này còn có nhiều loại bánh mặn, bánh ngọt, một số đồ ăn vặt, có cà phê, nước…, để vừa ngồi nhâm nhi vừa bàn thế sự.

Hay tiện đường đi vào các khu mall, chợ Việt thì có Vi’s Sandwich, Phi Coffee & Tea, hay Parisian Bakery & Cafe… Thực khách ở nơi này chủ yếu là Việt Nam hoặc dân Châu Á. Bánh mì cũng vì thế mà có phần gần gũi hơn. Ngoài thịt đỏ, chả lụa, jambon, bơ, pate, hành ngò, ớt xắt, còn có thêm gà xé, chà bông, xíu mại, thịt nướng, thịt bò…, đủ mùi đủ vị. Ổ bánh mì mập mạp, căng tròn hơn hẳn ổ bánh mì đầu ngõ ngày xưa, đầy tú ụ nhân, sợi dây thun cột ngang căng cứng…

Là bánh mì nhưng không chỉ… bánh mì

Ngoài ra, một “ông lớn” không thể không nhắc đến là Lee’s Sandwiches, một trong những chuỗi cửa hàng bánh mì lớn nhất nước Mỹ, có trụ sở ở San Jose, tiểu bang California.

Sự thành công của Lee’s Sandwiches cũng chính là nỗ lực không ngừng của hai vợ chồng người Việt, xuất phát từ hai bàn tay trắng từ những năm 1980, giờ đã phát triển hơn 40 cửa hàng tại nhiều tiểu bang khác nhau. Bánh mì tuy làm theo kiểu baguette, không phải bánh mì ổ Việt Nam nhưng thịt, chả bên trong vẫn được chế biến để giữ hương vị cũ. Xem như một cách kết hợp thích ứng với thị trường.

Ghé Lee’s Sandwiches mua ổ bánh mì nhất định phải order thêm ly cà phê đắng kiểu Việt Nam, thêm một túi bánh cay hay vài cái bánh pate chaud nóng hổi mới ra lò, để thấy chút hương ngày xưa loáng thoáng về…

Có thể nói, bước chân vào các tiệm bánh này – như một cái chợ thu nhỏ – người ta có thể mua thêm được vô số mặt hàng, đôi khi không dính dáng chút gì đến bánh mì.

Ở khu vực downtown, hiện đại hợp thời có LES BA’GET Vietnamese Café, phục vụ bánh mì và một số món truyền thống theo phong cách Mỹ, kiểu cách hơn, và giá cả cũng cao hơn những chỗ khác một chút, nhưng cũng không đến nỗi đắt đỏ giữa khu đô thị sầm uất nhộn nhịp ngày đêm này.

Hình: Unsplush.

Khách là những anh chàng đỏm dáng hippie, to cao, những cô nàng tóc vàng, mắt xanh, vô order nào bánh mì, nào phở, gỏi cuốn…, một cách rành rọt, như quen thuộc từ thuở nào. Những chiếc bánh mì lót giấy, cắt đôi, serve kiểu cách và sang trọng trong cái dĩa kiểu, điểm chút rau ngò, miếng ớt đỏ tươi cắt tỉa kỹ càng, vài cọng đồ chua trắng đỏ điểm xuyết, như hãnh diện được đứng giữa không gian rất Mỹ, rất hiện đại này…

Bánh mì ở đây giòn, béo ngậy bơ, nhiều thịt và rất thơm, ruột rỗng na ná giống kiểu Sài Gòn. Tùy theo độ xốp nở của mỗi ổ bánh mì, tùy theo vị nêm nếm của nhân bánh, mà mỗi tiệm ở mỗi nơi thu hút được một kiểu khách hàng riêng, nhất định, Tây Ta đủ cả.

Không những người Việt mình, mà khách Mỹ, khách Tây cũng rất ghiền bánh mì. Cái vị bánh mì hầu như phù hợp với đa số khẩu vị của nhiều người, chẳng phân biệt chủng tộc, màu da. Ai ăn thử một lần sẽ ghiền cái giòn giòn của vỏ bánh, nhất là bánh mới ra lò, còn nóng hổi, thơm mùi bột, cái béo thơm của bơ, pate, thịt nguội hòa quyện với chút mặn của nước tương, chút cay của ớt trái, một tí chua của củ cải carrot bỏ dấm đường, rồi mùi hăng hăng của ngò hành.

Cơ bản là vậy thôi, mà nghĩ đến đã muốn ứa nước miếng.

Nhìn những hàng người xếp hàng dài ở Lee Sanwiches hay Don cafe, lại nhớ cảnh chen chân dưới lòng đường để mua bánh mì ở tiệm bánh Lê Thị Riêng (Phan Thanh Giản), Sài Gòn – nơi chẳng bao giờ ngơi khách… Hay tiệm bánh mì Phượng ngày xưa, nhỏ tí xíu ở Hội An, Đà Nẵng, toàn khách Tây dập dìu. Rồi một ngày, mấy trang báo du lịch nước ngoài đưa tiệm vào danh sách đồ ăn ngon thế giới, thì nay tiệm đã lên 2,3 tầng, bán ngoài bánh mì còn thêm sữa bắp, cà phê, bánh bao, bánh ngọt… Ấy vậy mà anh Tây nào vào cũng mở đầu bằng “Cho tôi một ổ bánh mì đặc biệt…”.

Chuỗi tiệm “Bánh mì và Chè Cali” lừng danh ở Nam California (ảnh: Người Việt)

“Bánh mì” như là hai tiếng Việt Nam

Bánh mì – cái tên đơn giản mà gần gũi ở các góc phố, nẻo đường ngày xưa – lại có ngày bay cao bay xa đến thế. Một ổ bánh mì có thể ăn sáng, ăn trưa, thậm chí cả ăn tối. Người lớn, trẻ nhỏ, tùy ý thích mà chọn loại nhân, chọn ổ to, ổ tròn, ổ dài, hay ổ ngắn. Người giàu ăn được mà người nghèo cũng ăn được, lại có thể ăn hoài không ngán. Chẳng thế mà bánh mì đã lọt top những món ăn đường phố nổi tiếng thế giới, ai cũng nên thử qua ít nhất một lần. Bên cạnh khái niệm “Áo dài”, “Phở”, thì “Bánh mì”, dần trở thành một mỹ từ riêng, không cần phiên dịch hay chuyển ngữ, mà hãnh diện mang tên tuổi của mình đi khắp bốn biển năm châu, tự hào là món ăn đậm đà bản sắc Việt.

Lạ lắm, cứ mỗi lần bất chợt thấy “Bánh mì”, dù chỉ là một dòng chữ nhỏ trên chiếc xe bán rong vụt qua, trong lòng cũng dâng lên cảm giác khó tả. Như tự hào, như nỗi nhớ, như niềm thương, lẫn lộn, cồn cào. Không hẳn là mùi hương quen thuộc mỗi sớm mai trên đường phố Sài Gòn, không hẳn là vị ngọt béo của bột của bánh, mà như là, hai tiếng Việt Nam thân thương, mãi canh cánh trong lòng. Dù đi bất cứ đâu, đất mẹ vẫn luôn là nơi trái tim con nhớ về…

No comments:

Blog Archive