BS.Trần Văn Tích
Trong một số bài viết được đưa lên mạng lưới internet gần đây, vài ba người đã không phân biệt dứt khoát giữa hai chữ "xã hội" với bốn chữ "xã hội chủ nghĩa"; chẳng biết vì vô tình nhầm lẫn hay cố ý hù doạ.
Nhà nước xã hội Đức
Tiếng Đức thường dùng hằng ngày có rất nhiều khái niệm kèm theo hai chữ "xã hội" : trợ cấp xã hội, căn nhà xã hội, sở xã hội, đảm phụ xã hội, giải pháp xã hội, cơ quan xã hội, cứu tế xã hội v.v..Nước Đức có Đảng SPD, Sozialdemokratische Partei Deutschlands, German Social Democratic Party, Đảng Xã hội Dân chủ Đức. Các nước Tây Âu khác như Ý, Hoà Lan, Bỉ, Pháp, Thuỵ Điển v.v..cũng đều có những Đảng Xã hội, tỷ như Thuỵ Điển hiện có SAP, Sveriges Socialdemokratiske Arbetareparti, Đảng Xã hội Dân chủ Công nhân Thuỵ Điển. Bên Pháp, Parti Social Français, PSF, còn là một đảng thân hữu bảo thủ mang khuynh hướng quốc gia! Ngoài ra, Châu Âu còn có Đảng PSE, Parti Socialiste Européen, qui tụ các đảng xã hội, xã hội-dân chủ và lao động.
Tuy nhiên hai chữ "xã hội" (social) và bốn chữ "xã hội chủ nghĩa" (socialist) đối với người tỵ nạn cộng sản Việt Nam là hai tính từ thuộc hai phạm trù ngôn ngữ khác nhau như trắng với đen, như thiện với ác, như thiên thần với ác quỷ.
Nhà nước xã hội Đức chủ trương một chế độ an sinh xã hội bảo đảm cho người dân sống thoải mái, ăn đủ no mặc đủ ấm, nếu không là ăn rất ngon mặc thực đẹp. Trẻ con, học trò mà không được đi Urlaub (đi nghỉ hè) hằng năm thì nhà trường phải liên lạc với cha mẹ để lo liệu sao cho các cháu được hưởng quyền lợi đó! Chỉ xin kể một ví dụ cụ thể và phổ biến mà thôi.
Các nước Tây Âu không hề theo mô hình kinh tế-xã hội xã hội chủ nghĩa. Bốn chữ "xã hội chủ nghĩa/chủ nghĩa xã hội" chỉ là một cách để diễn tả "chủ nghĩa cộng sản".
Chủ nghĩa xã hội của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
Theo lý thuyết Mác-Lê thì chủ nghĩa xã hội là tiền thân của chủ nghĩa cộng sản. "Sự phân biệt khoa học giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản chỉ là ở chỗ : danh từ thứ nhất chỉ giai đoạn đầu của xã hội mới sinh ra từ chủ nghĩa tư bản; danh từ thứ hai chỉ giai đoạn sau, cao hơn, của xã hội đó." (Lênin Toàn tập, Tập 29, bản tiếng Nga, trang 387)* còn Từ điển Tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên, Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội, Trung tâm Từ điển học, Hà nội 1994, trang 173 thì thích nghĩa gọn gàng hơn : "Chủ nghĩa xã hội là giai đoạn đầu, giai đoạn thấp của chủ nghĩa cộng sản, theo chủ nghĩa Marx."
Trên thế giới ngày nay, hầu như chỉ có nước Việt Nam là mang bốn chữ "xã hội chủ nghĩa" trong quốc hiệu. Thực tế thì "chủ nghĩa xã hội" có thể xem như đồng nghĩa với "chủ nghĩa cộng sản", xin nhắc lại.
Bốn chữ đó đứng đầu trong một tập thể khái niệm quái đản : con người mới xã hội chủ nghĩa, nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa v.v.. Chính vì nó mà có chủ trương học tập cải tạo dành cho nguỵ quân nguỵ quyền, đánh tư sản mại bản, đuổi người đi kinh tế mới, lý lịch ba đời bần cố nông v.v..
Kinh nghiệm xương máu
Gia đình tôi năm người đành đoạn rời bỏ nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam chỉ vì bốn chữ "xã hội chủ nghĩa/chủ nghĩa xã hội" để đến nước Đức xã hội trong tình cảnh không một đồng một chữ. Vào dịp ly hương năm 1984, chúng tôi xin phép mang theo mười Mỹ kim xin của bạn bè bà con ở nước ngoài gửi về cho, nhưng bị từ chối với lý do nhà nước quản lý ngoại tệ, chúng tôi là nhân dân thì chỉ được quyền làm chủ mà thôi. Trên lãnh thổ nước Đức xã hội, chúng tôi an cư lạc nghiệp, các con tốt nghiệp đại học. Social made in Germany khác với socialist made in Vietnam quá chừng, thiết tưởng chẳng nên lẫn lộn.
06.09.2019
Trần văn Tích
No comments:
Post a Comment