Những Người Mất Gốc - The Rootless People
Đỗ Doãn Quế
Bà Trùng Quang và các con cháu, gồm Trưởng nam Đỗ Doãn Quế và vợ, Dược sĩ Nguyễn Thị Lương Hoan; Hai cháu nội: Đỗ Doãn Lương, cùng Bà và Bố Mẹ vượt biển khi còn là cậu bé, và em gái Đỗ Doãn Hoài Nam sinh tại Hoa Kỳ. Như tinh thần mà Bà nội thường nhắc, cả hai đều nói và viết giỏi tiếng Việt.
I. Những Người Mất Gốc
Đây là bản tự dịch từ nguyên bản Anh ngữ, The Rootless People” đăng trong Nội San Anh Ngữ The Viets tập 3 của Hội Văn-Hóa Việt tại San José City College, số phát hành Mùa Thu năm 1997. Bài viết sau đó đã được Nhà Xuất Bản The Burning Bush, New York, chọn in vào tuyển tập NEW TO NORTH AMERICA và được một số trường Đại Học Hoa Kỳ dùng làm tài liệu giảng huấn cho sinh viên năm thứ nhất và năm thứ hai Ban Nhân Văn trong một thời gian dài.
Sau khi đã rời khỏi quê hương của họ (thường thường là nghèo khổ) một số người nghĩ tốt hơn hết là nên quên luôn cội nguồn gốc gác và cố chối bỏ luôn văn hóa, đôi khi cả ngôn ngữ của họ, để hòa nhập mau hơn vào môi trường mới. Hình như những người này cho rằng làm vậy họ sẽ tự động trở nên sang trọng hơn, giầu có hơn!
Nhưng than ôi! Thật không còn gì sai lầm hơn cách nghĩ và làm ấy!
Thật vậy, hãy lấy nước Mỹ làm thí dụ. Hợp Chủng Quốc vĩ đại và hùng cường này là kết quả sự pha trộn của các sắc dân đến từ khắp nơi trên địa cầu. Có thể nói, sức mạnh của Mỹ Quốc luôn luôn bắt nguồn từ sự pha trộn này.
Bắc Mỹ vốn là vùng đất không có dân bản xứ. Hơn 20 ngàn năm trước, những cư dân đầu tiên tại đây là người da đỏ đến từ Á Châu. Theo chân họ là những tín đồ Thanh Giáo đến từ Anh Quốc. Rồi là những người dũng cảm từ khắp nơi trên trái đất, đã vượt thoát khỏi quê hương đau khổ vì bị áp bức của họ, để đến đây vì thiết tha khao khát tự do. Mỗi nhóm người này đều mang theo nền văn hóa và văn minh riêng của họ khi tới với nước Mỹ.
Chính sự hòa nhập của các phần đóng góp quý báu này đã không ngừng cải tiến Hợp Chủng Quốc Mỹ Châu thành một sức mạnh trí tuệ vô song. Không bao giờ nước Mỹ có thể có được nền văn minh hiện nay, nếu mọi sắc dân di cư tới đây đều chối bỏ nguồn gốc và những thành tựu văn hóa riêng của họ. Vì nếu họ làm vậy thì tại đất nước này đã không có bánh pizza, hamburger, khoai tây chiên French fries, chao miên, phở, chả giò v.v… Và quốc gia này có thể vẫn là vùng đất theo kiểu những người da đỏ cũ và mới, thiên hạ có thể sẽ vẫn sống trong những túp lều lưu động làm bằng da trâu, cưỡi ngựa không yên cương và sinh sống bằng cách săn bắn với cung và tên.
Khi chối bỏ nền văn hóa riêng của họ, nhiều di dân đã hành động như thể họ đến dự một bữa tiệc Pot luck mà không đem theo món gì. Trong hoàn cảnh đó, những người dự bữa tiệc này có thể nhìn họ như những kẻ gian lận hoặc như thể họ quá nghèo khổ đến nỗi không thể có nổi chút gì để đóng góp. Tôi thực sự không có bằng cớ nào về việc này, nhưng tôi đoan chắc rằng người Mỹ không thích thú lắm khi đón nhận những kẻ tay trắng -hiểu theo nghĩa tinh thần- vào quê hương tươi đẹp của họ.
Gạt sang một bên hình ảnh những người ngoại nhập được đề cập trên đây, hãy xét coi cách cư xử như trên của những người này có thể đem lại gì cho chính họ và con cái của họ. Tôi đã nghe một số người loại này cố dùng thứ tiếng Anh nửa vời -pidgin English- để nói với con cái của họ vì hy vọng rằng làm vậy, họ có thể trở thành Mỹ và con cái họ có thể học tiếng Anh mau hơn. Họ đâu biết việc này chỉ gây phản ứng ngược và làm hại cho con trẻ của họ.
Trước hết, không bao giờ chỉ do nói tiếng Anh, đặc biệt là loại tiếng Anh nửa vời, lại có thể biến bạn thành người Mỹ, vì ngôn ngữ không thể thay đổi được nhân dạng của bạn. Tuy y khoa và kỹ thuật học đã tiến những bước vượt bực nhưng vẫn chưa đạt tới trình độ có thể biến nhân dạng một người Á hay Phi châu… thành ra người Mỹ trắng. (Nếu đạt mức này, các bác sĩ chỉnh hình kiếm biết bao nhiêu tiền mà kể!
Thứ hai, loại tiếng Anh nửa vời của những người này sẽ tập cho con trẻ của họ những kiểu cách không thích hợp, rất hại cho việc học tiếng Anh đúng cách. Ngay việc phụ huynh muốn con em quên tiếng mẹ đẻ để dồn sức cho tiếng Anh cũng là điều bất lợi.
Nhiều cuộc nghiên cứu đã cho thấy các trẻ em nói song ngữ khi dùng tiếng mẹ đẻ ở nhà, học tiếng Anh giỏi hơn các trẻ chỉ biết nói có một thứ tiếng. Điều này không có gì khó hiểu, vì trẻ em nói song ngữ phải học hai lần nhiều hơn các trẻ khác để diễn tả cùng một ý kiến, điều này giúp bộ óc các em phát triển nhanh hơn. Việc nói hai hay nhiều thứ tiếng đối với trẻ em giống như việc luyện tập đối với một lực sĩ, càng tập luyện nhiều càng giỏi hơn trong việc học ngôn ngữ. Sự hiểu biết này chỉ ra rằng khi chối bỏ văn hóa bằng cách không nói tiếng mẹ đẻ ở nhà, những phụ huynh này đã tước bỏ của con cái họ một di sản quý giá mà còn làm tiêu tan cả một cơ hội học tập thuận lợi. Phương cách giáo dục sai lầm này sẽ tác hại lên trẻ em suốt cả cuộc đời chúng, các nhà bác học đã khẳng định như vậy.
Và sau cùng nhưng không kém quan trọng, là khía cạnh tình cảm của việc trở thành kẻ mất gốc. Chắc chắn việc chối bỏ ngôn ngữ văn hóa gốc của mình không hề làm cho người di dân trở thành người Mỹ, mà chỉ biến họ thành kẻ mất gốc. Khi họ và con cháu họ không nói và không thể nói được tiếng mẹ đẻ nữa, thì gốc rễ của họ bị chặt đứt. Thế là một đằng thì chưa thành Mỹ, một đằng thì không còn là người của cộng đồng sắc tộc gốc, những người này giống như cánh bèo nổi trôi lềnh bềnh trên mặt nước. Bị chối bỏ bởi cả hai xã hội, những người này sẽ luôn phải tự hỏi họ là ai. Tâm trạng này gây nên những khủng hoảng tâm lý trầm trọng, thường gọi là khủng hoảng căn cước, một số trường hợp có thể đưa tới sự điên loạn.
Một người Nhật sinh trưởng tại Mỹ trong một gia đình di dân, luôn luôn tự coi anh ta là người Mỹ cho đến một hôm lũ bạn Mỹ của anh ta nói bốp vào mặt anh rằng chúng chẳng bao giờ coi anh là Mỹ cả. Bị xúc phạm nặng, anh ta bỏ về Nhật nhưng khổ thay, anh lại không nói được tiếng Nhật, thành ra cũng không được dân chúng địa phương coi là người của họ.
Cho là mình bị hạ nhục nặng nề và tuyệt vọng, người thanh niên này gần như muốn tự sát. May mắn thay, sau một thời gian cực kỳ đau khổ, chàng ta nhận ra sự sai lầm của mình. Chàng hiểu ra rằng nguyên nhân sự đau khổ chính là vì chàng đã lỡ chối bỏ cái vốn-dĩ-là-chính-mình, để đi tìm cái mà chàng không thể nào có được. Cái vốn dĩ là của chính chàng là sự thuộc về nguồn gốc Nhật, còn cái mà chàng không thể nào đạt tới là được nhìn như một người Mỹ trắng. Mặc dù chàng đã nói tiếng Anh lưu loát và không hề quan tâm tới thứ tiếng Nhật của bố mẹ, nhưng hình dạng của chàng vẫn không hề thay đổi. Vậy tại sao chàng không chấp nhận sự thật chàng là một người Nhật sinh tại Hợp Chủng Quốc? Ở vị thế này chàng có lợi thế là nếu muốn, có thể trở thành một nhịp cầu giúp cho hai xứ sở hiểu biết nhau tốt hơn. Tại sao chàng lại phải chối bỏ văn hoá và ngôn ngữ của mình, trong khi đó là một trong những nền văn hóa đẹp nhất trên thế giới? Từ đó chàng nhận thức được rằng chàng phải học ngôn ngữ, văn hóa Nhật và đạt được trình độ cao nhất để có thể là “cây cầu thông cảm” giữa hai dân tộc. Hiện nay, chàng vẫn đang tiếp tục học hỏi nghiên cứu ngôn ngữ văn hoá nguồn gốc chính của mình, và thay vì chán nản như trước đây, bây giờ chàng tự hào về mình và có tinh thần rất cao.
Những di dân tị nạn đừng tưởng là họ sẽ được quý trọng nếu họ cố bắt chước người Mỹ. Trái lại, dân chúng của xứ sở này chỉ trọng nể những người biết gìn giữ văn hóa riêng của họ và dùng nó như một phần đóng góp vào sức mạnh trí tuệ của Hợp Chủng Quốc.
Người ta kể rằng vào thế kỷ thứ 7, khi bị người Ả Rập đánh bại, một số người Parsi (thuộc một giáo phái thờ thần lửa ở Ba Tư) thà đành rời bỏ quê hương còn hơn phải sống dưới nanh vuốt quân thù. Sau cuộc hải hành dài từ Vịnh Ba Tư, tàu của họ giạt vào bờ biển Ấn Độ. Nơi đây vị Hoàng Đế địa phương cử một vị đại thần ra bờ biển thay mặt Ngài chào đón họ. Những thuyền nhân này xin được phép tị nạn chính trị tại đây nhưng vị đại thần đại diện nhà vua đã khoan thai rót trà vào một cái ly cho đầy tới mí và nói: “Tách trà này là hình ảnh của bổn quốc, nó đã quá đầy rồi, quý vị cũng thấy nó không thể nhận thêm người nữa cũng như cái tách này không thể nào nhận thêm nước vì nó hết chỗ chứa.”
Nghe vậy, vị thủ lãnh thuyền nhân người Parsi nhanh nhẹn nhúm vài hạt đường bỏ vào tách trà rồi nói: “Cũng giống như những hạt đường này, chúng hòa tan vào trong tách trà của Ngài và làm cho nó ngọt ngào hơn, người tị nạn chúng tôi sẽ không chiếm nhiều chỗ trong quý quốc nhưng chúng tôi sẽ làm cho nó hùng mạnh hơn, tươi đẹp hơn, hấp-dẫn hơn”. Những thuyền nhân Parsi sau cùng được chấp thuận cho định cư tị nạn.
Chúng ta hãy tự hỏi việc gì sẽ xẩy ra nếu vị lãnh tụ thuyền nhân chỉ bỏ vào tách trà vài hạt cát vô vị hay ngay cả một nhúm trà giống như thứ đã có sẵn trong tách trà? Cả hai thứ này đều không đem lại gì mới lạ cho tách tra, không hề làm cho nó ngon hơn, vậy thì làm sao chúng lại có thể được chấp nhận?
Một cái cây khi đổi chỗ trồng chỉ có thể sống sót và nở hoa ở một miếng đất mới nếu nó được chăm sóc để giữ tốt gốc rễ, ngược lại, nó sẽ héo úa và chết. Không có gốc rễ, cây không thể hút được đủ chất mầu mỡ bổ dưỡng từ đất mới để sống. Điều này giống hệt như đối với con người.
Nếu những người di dân từ ngoại quốc vào đất Mỹ biết gìn giữ ngôn ngữ và gốc văn hóa của họ trong lúc cố gắng hết sức học Anh ngữ, họ có thể đóng góp văn hóa của họ vào đời sống trí tuệ của nước Mỹ, làm cho đất nước này mãi tươi tốt, mạnh mẽ. Đó là điều người Mỹ mong muốn nhất và đó cũng là con đường lợi ích nhất cho người di dân và gia đình của họ.
Đỗ Doãn Quế
* Bản dịch theo đúng bài đăng trong Nội san Anh ngữ The Viets tập 3 của Hội Văn Hóa Việt tại San José City College, 1997. Bản Anh ngữ trong tuyển tập “New To North America”, do The Burning Bush, New York, xuất bản, được lược bớt phần nhận xét về lịch sử di dân vào Mỹ và vài đoạn nhỏ, như bài trích sau đây cho thấy.
No comments:
Post a Comment