Những Lễ Noel trong đời tôi
Bùi Văn Giải
Lại một mùa Noel đến… Cứ mỗi lần Noel về là không biết bao nhiêu kỷ niệm của một đời người Công giáo cao niên hiển hiện lên trong trí nhớ. Bởi vì lễ Noel là một lễ trọng đại của Giáo hội, mà chắc ai là người Công giáo đã không “dọn lòng” để tham dự, để mừng lễ, ngoại trừ trường hợp bất khả kháng. Đối với tôi, đã đến cái tuổi “thất thập cổ lai hy” nhìn lại quá khứ, không sao quên được những lễ “Sinh nhật” thuở thiếu thời ở quê tôi. Thuở đó, vào thập niên 30-40, Trời mùa Đông lạnh lắm, có mưa phùn. Tôi mới được chín, mười tuổi…, trong đêm theo cha mẹ và các anh chị đến nhà thờ Giáo xứ để dự lễ. Mặc dầu là một Giáo xứ miền quê nghèo khổ, nhưng cứ đến lễ “Sinh nhật” là có vẻ nhộn nhịp lên.
Nhà thờ có máng cỏ, có tượng Chúa Hài Đồng, Đức Mẹ, Thánh cả Giuse; có vài con bò, lừa bằng đất chầu Chúa sơ sanh. Trước giờ Thánh lễ nửa đêm, có hoạt cảnh “gọi mục đồng”. Vài thiếu nữ làm Thiên Thần đứng bên máng cỏ hát lên bài hát gọi mục đồng đến thờ lạy Chúa Hài Đồng. Thế là từ cuối nhà thờ có tiếng đáp lại của một số thiếu nhi nam, và nhóm trẻ ấy với y phục của nhưng kẻ chăn trâu bò tiến lên quỳ trước máng cỏ. Hình ảnh của hoạt cảnh đơn sơ ấy, vẫn còn in đậm trong đời tôi mãi cho đến hôm nay…
Rồi khi vào Tiểu Chủng Viện, tôi bắt đầu quen thuộc với danh từ “Nô-En”. Tôi khó quên những năm ở Tiểu Chủng Viện An Ninh, Cửa Tùng, Quảng Trị. Cứ đến Mùa Vọng, là chúng tôi tập các bài Thánh Ca bằng tiếng Việt, tiếng Pháp, tiếng Latinh, tập văn nghệ, làm lồng đèn… và chính đêm 24/12, trước khi dự Thánh lễ nửa đêm, chúng tôi chia làm hai nhóm, đứng trên hai dãy lầu đối diện, cách nhau một sân chơi vài chục thước, hát lên những bài Thánh ca trầm bổng. Tiếng hát vang lên trong đêm khuya yên lặng, tràn đầy linh thiêng.
Vào niên khóa 1949-1950, vì chiến tranh Pháp-Việt Minh bùng nổ ác liệt, chúng tôi được đưa vào học ở trường Thiên Hữu (Providence), một trường Trung học Công giáo nổi tiếng ở Huế, do một số Linh mục Thừa sai người Pháp điều hành. Tôi đã hưởng được mấy Noel ở đất Thần Kinh. Nơi đây có điện, có “máng cỏ tân thời”; có ngôi sao lạ “sáng tỏ”. Và từ đó sau ngày rời trường, trong cuộc đời thăng trầm với nghề nghiệp, tôi đã dự không biết bao nhiêu lễ Noel khác, khi ở thành phố, lúc ở thôn quê.
Biến cố 1975 đến, đau thương ngập tràn miền Nam. Tôi phải đi tù “cải tạo”! Và Lễ Noel trong tù chỉ nhìn nhau, bắt tay nhau, nói nhỏ với nhau đôi lời. Tôi nhớ Noel 1975, lúc ở trại tù Phú Túc, Quảng Nam, được một bạn Hướng Đạo ở ngoài gởi vào một ít Bánh Thánh (cai tù không biết là bánh gì). Tôi đã trở thành thừa tác viên Thánh Thể, âm thầm trao Mình Thánh Chúa cho một số bạn tù Công giáo. Tôi thấy nước mắt của người nhận Bánh Hằng Sống trào ra. Chúng tôi cảm động, cảm thông nhau, nối được một mối thân tình thiêng liêng thắm thiết.
Đặc biệt, đêm Noel 1979 ở trại biệt giam tập thể, có 140 người ở ba căn nhà tại khu rừng Đồng Mộ, thuộc rừng Tiên Lãnh, Quảng Nam. Thời gian đó, Trung cộng đem quân gây chiến ở biên giới vào tháng 02/1979, nên nhóm biệt giam chúng tôi được “cán bộ” phòng vệ gọi là “bọn 2/79” và cấp chỉ huy của họ gọi chúng tôi là “bọn ngụy quân, ngụy quyền không có nhân tính”. Chính đêm Noel 24/12, Linh mục Phạm Minh Công cùng với số anh em Công giáo trong nhà số 03 đã tổ chức lễ Noel bằng những bản Thánh Ca vang lên giữa rừng sâu nghe linh thiêng rung động tâm hồn. Tiếc là tôi không được diễm phúc tham dự, vì căn nhà của nhóm cách xa các bạn ấy khoảng 20 thước, mà có đến hai hàng rào kẽm gai. Và sáu tháng sau, khi trại biệt giam được chuyển đếm một nơi khác, một người tù muốn “lập công” đã báo cáo việc tổ chúc Noel năm trước, khiến Linh mục Phạm Minh Công phải bị vào “phòng biệt giam cá nhân” ròng rã một năm trời. Đáng buồn, người tù muốn “lập công” lại là một người Công giáo!
Năm 1988, sau 13 năm tù, tôi được thả ra… Và Noel năm đó, tôi được mừng lễ Giáng Sinh “trong lòng đất nước xã hội chủ nghĩa”. Mặc dầu xứ đạo tôi ở thành phố, nhưng Lễ đêm không được tổ chức. Không một nhà nào dám treo một chiếc lồng đèn, chưa nói đến lồng đèn có “ngôi sao lạ”. Vào những năm sau, thì có phần “cởi mở” hơn, nhưng vẫn chưa có Thánh lễ nửa đêm. Các trường học không được nghỉ. Học sinh phải dự thi đúng vào ngày 25/12.
Năm 1993, tôi đành bỏ quê hương ra đi định cư ở xứ người. Đến đất Mỹ chưa đầy một tháng thì Lễ Noel. Tôi đã đi lễ nửa đêm và cảm thấy xa lạ. Chín Lễ Noel qua đi nơi đất khách mà tôi nhận làm quê hương thứ hai đã làm tôi quen dần, cũng tìm được niềm an ủi trong kỷ niệm Ngôi Hai Thiên Chúa giáng trần, mặc dầu tôi cảm thấy một cái gì đó trong việc mừng lễ có tính cách của một xã hội văn minh vật chất thực dụng, có của, có tiền, dư ăn, dư mặc xem ra có phần phung phí. Tôi nghĩ đến đồng bào ở quên nhà, nhất là những giáo dân ở miền quê mừng Lễ Noel trong đói rét…
Trong đời tôi, đặc biệt vào Lễ nửa đêm Noel 1999, được hiệp thông với toàn thể cộng đồng dân Chúa trên thế giới hướng về Thánh đô Vatican tham dự nghi thức mở cửa Năm Thánh do Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II cử hành tại đền Thánh Phêrô để mừng Năm thánh 2000, kỷ niệm biến cố Đức Giêsu, Ngôi Hai Thiên Chúa đã xuống thế cứu độ nhân loại cách đây 2000 năm.
Lễ Noel năm 2002 đến. Thời gian qua nhanh thật! Mới đó, mà sắp đến ngàn năm thứ Ba. Giáo hội kêu gọi mọi người mừng Lễ Noel để nhận thức tình yêu Chúa thật vô biên, để rồi phát huy tình yêu đó với tha nhân. Tình yêu bảo đảm bởi một tôn giáo được mặc khải do Chúa Giêsu xuống thế đem đến. Có thể con người mới có hạnh phúc. Nói như văn hào Chateauberiand của Pháp:
“Hạnh phúc thay những người có tín ngưỡng. Họ mỉm cười, để rồi mỉm cười mãi mãi. Họ không có thể khóc, nếu nghĩ rằng, một ngày kia, họ sẽ tới nơi không phải khóc nữa”.
Chúng ta mừng Lễ Noel với tất cả tâm tình trong câu hát của Thiên thần tại nền Trời Bêlem năm xưa:
Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng Trời
Bình an dưới thế cho người thiện tâm
Nhưng thế giới hôm nay, kể từ sau biến cố 11/9/2001 tại Nữu Ước, Hoa Kỳ đương lo sợ chiến tranh. Hòa bình đương bị đe dọa. Trong cuộc sống hàng ngày con người còn đương bị nhiều lo âu mất bình an. Bởi vì trên thế giới, ít dần con người thiện tâm. Tội ác lan tràn, hoành hành, không được giải quyết, hận thù chống chất. Con người xa dần Thiên Chúa trong xã hội, kể cả những người tin Chúa, mà chỉ có hình thức, không tích cực đem bình an đến với tha nhân. Có biết không:
Đêm nay có nhiều người mang nặng nỗi buồn
Nhiều đau khổ tràn lan trong xã hội…
Thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu cả Tình Thương
Không tìm ra được Thiên Đường!
Bất công đang ngự trị
Bao chán chường chiếm đoạt tim óc. Con người vẫn chưa biết Chúa Giáng Sinh.
………….
Lạy Chúa, con là người tầm thường, nhiều tọi lỗi. Con viết bài này khi bước vào tháng 12, vào Mùa Vọng. Xin Chúa ban cho con ý thức dọn tâm hồn để đón mừng Chúa Giáng Sinh:
“Chúa đã bỏ Trời cao xuống thế, sinh ra nơi nghèo hèn trong máng cỏ ở Bêlem, để đem đến cho nhân loại một Tình Yêu vô biên. Tình Yêu cứu độ”.
Xin cho con biết sống phó thác cho Tình Yêu của Chúa, để cố gắng tìm cách vinh danh Chúa và đem bình an nhỏ bé cho những cận nhân, cận thân của con. Con nghèo, già rồi; nhưng xin Chúa ban cho những ngôn ngữ, cử chỉ, nụ cười của Chúa, để con tiếp xúc với tha nhân, đem lại được phần nào Tình Yêu của Chúa đến với họ.
Bùi Văn Giải: Giáo sư -Thượng Nghị Sĩ Việt Nam Cộng Hòa
(Nguyệt san Về bên Mẹ La Vang, số 67, tháng 12, năm 2002, trang 06)
No comments:
Post a Comment