Wednesday, September 2, 2015

Vườn Của Ngoại



Thủy Như
Tác giả là cư dân Orange County và là giáo chức tại một trường trung học ở Los Angeles. Với bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên, “Người Lao Công,” chuyện một nữ sinh viên có bố là lao công trong trường đại học, Thủy Như đã đã nhận giải thưởng đặc biệt. Bài viết mới kể về những kỷ niệm thân ái, từ khu vườn bà ngoại Việt Nam ở quê xưa, đến khu vườn của bà ngoại chồng người My  hiện nay.

* * *
Lúc còn nhỏ, tôi thích có ông bà ngoại như mấy đưá nhỏ trong xóm vì tuị nó nói ông bà ngoại hay cho quà. Ông bà ngoại tôi đã mất nên tôi chẳng được như tụi nó. Nhưng mà tôi có vườn của ngoại, nghe rất thơ và tha thiết. Hơn bốn mươi năm nhưng tôi vẫn nhớ như in khu vườn của ngoại.

Tôi nhớ ngày còn bé tí, ba tôi chở chị lớn và tôi về thăm quê ngoại. Tôi chẳng nhớ cảm giác đi xe máy hay là đường xa. Có lẽ tôi ngủ suốt từ nhà đến quê. Ông bà ngọai tôi mất khi tôi vừa chào đời. Cậu tôi, con trai duy nhất của ông ngoại, có vợ con, nhà cửa và đi làm dưới thị xã nên nhà ngoại đóng cửa nhờ mấy người bà con trông nom.

Tôi nhớ con truông dài dẫn vào nhà ngoại. Con truông là những con đường nhỏ núp dưới những tàn cây rậm nối liền những xóm nhỏ trong làng. Quê ngoại có nhiều con truông với nhiều cái tên rất hay như truông Mây, truông Vân Hà, truông Khánh Mỹ, truông Trường Thành... Con truông vào nhà ngoại tôi nằm sụp giữa hai xóm nhà phủ đầy những tán cây to nên ẩm ướt quanh năm. Hai bên có rất nhiều cây dương xỉ, cây ráy và nhiều cây dại khác mà tôi quên mất tên. Thứ thì lá kim, thứ thì lá tròn, rồi thì hình trái tim, màu xanh, màu vàng, màu đỏ tiá trông rất lạ mắt. Ra khỏi con truông dài mát lạnh, rồi rẽ trái trên con đường đất ven ruộng là đến ngõ nhà ngoại. Ngõ nhà ngoại cũng là một con truông, được lót những viên đá lớn gồ ghề đủ hình dạng. Tôi nhớ nhất là một viên đá lớn, mặt hơn trũng xuống, nhẵn bóng trông giống như một cái chảo lớn được đặt trên đường. Tôi nhớ mình ngồi xuống mặt đá mát lạnh và trượt vòng quanh. Mẹ tôi bảo vào mùa mưa, rùa trong hốc đá bò ra kiếm ăn vào buổi tối. Mai ruà gõ vào mặt đá nghe lộp cộp.

Sau năm bảy lăm, ba tôi đi tù. Mẹ một mình xuôi ngược nuôi bốn đứa con nhỏ. Nhà cậu dọn về ở nhà ngoại. Mẹ tôi về ở nhờ với cậu trong những ngày cấy gặt trên miếng ruộng ngoại cho mẹ làm của hồi môn. Tôi thỉnh thoảng được mẹ cho về quê ngoại phụ mẹ nhổ cỏ lúa. Tôi nhổ được một lúc, mẹ quay lại la lên: “Sao nhổ hết lúa mà chưà cỏ lại vậy?” Mẹ cho tôi về ngồi đuổi gà với mấy đứa con nhỏ của cậu. Sân gạch trước nhà được bao bọc với hàng chè tàu được cắt vuông vắn. Trên sân lúc nào có cái gì đó để phơi. Nào là lúa, đậu, chè, tiêu, khoai lang xắt lát, khoai chà, khoai trụng, bánh tráng và củi. Đám con nít chúng tôi được giao nhiệm vụ đuổi gà, những con gà nhào vào ăn trộm những thứ phơi trên sân. Lúc nào không có gà thì bày trò chơi làm bằng lá cây. Mấy đưá em họ bày tôi lấy lá vấn kèn thổi, chằm con trâu, con gà, những cái thúng tí hon bằng lá và làm nhà bằng những ruột tre thưà cậu bỏ ra sau khi đan trạc.

Tôi và mấy đứa em họ thường lén đi lên vườn hái trộm dâu đất, bòn bon và bồ quân. Gia đình cậu tôi sống nhờ những cây trái trong vườn bởi mỗi mùa hợp tác xã thu hơn phân nửa lúa gặt ngoài đồng. Cậu tiả bớt những cây lớn trồng thơm, bưởi, mít, tiêu, chè. Cây traí ngon đẹp trong vườn mang ra chợ bán là nguồn thu nhập chính của gia đình. “Nhà vườn ăn cau sâu.” Chúng tôi được cho những trái đèo đẹt để nhâm nhi. Chẳng hề gì, tôi vẫn thích khu vườn. Dưới những tán cây to lớn, ngò gai mọc rất nhiều. Vô tình dẫm lên lá ngò gai, mùi thơm toả ra nồng nàn. Cây thì đủ loại tôi chẳng nhớ tên. Thứ thì thân xù xì, có loại thì thẳng đứng da trơn láng. Tôi phụ với mấy đứa em họ đi lượm trái dầu lai đem về phơi, đập bể vỏ cứng, lấy ruột ép lấy dầu để bán. Tôi không thể nào quên những tàn cây râm mát, mùi mít thơm nồng nàn trong gió, thoang thoảng đâu đó mùi hoa dủ dẻ nhẹ nhàng và tiếng chim hót giữa trưa hè chói nắng. Khu vườn đi vào giấc mơ của tôi. Tôi ước mơ một mái ấm gia đình với mảnh vườn nhỏ sau nhà trồng những cây hoa trái mà tôi thích.

Trước ngày đi Mỹ, gia đình tôi ở trọ trong một chung cư trong Sài gòn. Leo lên mấy tầng lầu, băng qua hành lang tối lờ mờ, có lúc gặp người ta nấu ăn hay rửa rau, rồi cuối cùng mới đến nhà chúng tôi ở trọ. Thư bác tôi từ bên Mỹ gởi về viết: 

“Bác đã nhờ ông Mục sư kiếm giùm một căn chung cư cho gia đình con....” 

Tôi thích đi Mỹ nhưng đọc hai chữ “chung cư” thì sợ. Tôi chẳng muốn sống trong những cái hộp ngộp ngạt không một tấc đất quanh nhà và không một mảng cây xanh như cái chung cư tôi đang ở trọ chờ đi Mỹ. Bởi vậy tôi mừng hết lớn khi thấy căn apartment bác tôi mướn giùm không những có mảng cỏ xanh sau nhà mà còn có cả vài khóm hồng khoe hoa trước sân trong nắng ấm Cali. Xứ Mỹ có khác! Mấy ngày sau có người quen cho vài bụi rau thơm. Tôi, vốn có tiếng là có tay trồng cây, được giao trồng những cây rau thơm đó như một khởi đầu cho mảnh vườn cuả nhà tôi nơi xứ người. Và tôi lại hy vọng một ngày nào đó tôi sẽ có một mảnh vườn sau nhà cho riêng mình.

Rồi tôi quen chàng, người cũng thích thiên nhiên cây cỏ như tôi. Chàng đưa tôi đến thăm nhà ngoại của chàng, cũng là nơi chàng cư ngụ. Chàng kể, Bà ngoại ở một mình lâu lắm rồi. Cách đây mấy năm, bà lúc đó đã hơn bảy mươi, leo lên tỉa cây sau nhà, tụt tay rớt xuống bất tỉnh nhân sự. Cả nhà quyết định phải có một người nào đó trông coi bà ngoại. Chỉ có chàng là độc thân, dễ tính, hợp với bà ngoại. Thế là... sau khi trở về trong một chuyến công tác, chàng thấy nhà mình trống trơn. Gọi điện thoại nói chuyện với ba mẹ mới biết đồ đạc của chàng đã được dọn về căn phòng phía sau của nhà bà ngoại.

Bà ngoại của chàng là một bà già da trắng nhỏ nhắn, có đôi môi hồng cứ như là có thoa son, và đôi bàn tay thon đẹp dẫu đã nhăn nheo. Bà ra phòng khách nhìn tôi. Tôi cúi đầu chào, 

“Chào bà ạ.” 

“Tôi không phải là bà của cô.” 

Bà trả lời khô khan, mắt vẫn nhìn tôi chăm chăm. Tôi cười chỉ tay qua chàng, 

“Phong tục cuả cháu là phải kêu theo danh xưng mà anh ấy gọi bà.” 

Bà hỏi tiếp, “Cô là người nước nào?” 

“Cháu là người Việt Nam.” 

Bà khoát tay vừa nói, vừa đi vào phòng. 

“Ta chưa gặp người Việt Nam bao giờ. Chỉ nghe nói chiến tranh Việt Nam thôi. Cứ tự nhiên nhé!” 

Chàng nháy mắt nói nhỏ, 

“Em là đặc biệt đó. Nói thật chứ không phải tán em đâu. Bà ngoại không bao giờ nói chuyện với những người đến thăm anh.” 

Tôi cũng mong là chàng nói thật.

Chàng đưa tôi ra vườn. Một mảnh cỏ xanh vuông vức bên hông nhà. Chàng đưa tay chỉ hướng về lối nhỏ lát gạch cuối sân. “Lối này đi ra vườn.” Tôi như bị hớp hồn khi thấy thảm cỏ rộng mênh mông xanh mướt được cắn xén cẩn thận. Bên phải sân là đám hoa cúc trắng có điểm những đường tím đậm, ở giữa có có nhụy vàng. Chàng bảo, “Đó là african daisy. Những buị hoa đỏ kia là geranium.” Phía bên kia sân là hàng rào trúc đào trắng và hồng thắm, dày kín che tầm nhìn nhà hàng xóm. Cuối sân cỏ là hai cây dâu tằm to lớn gợi nhớ nhà dì tôi ở quê nhà. Chàng chỉ mấy gốc cây đã cưa cụt nằm khuất trong cỏ và nói. 

“Đây là những cây táo. Lúc còn nhỏ, mỗi lần đến thăm bà, anh hay treò lên hái trái ăn. Rồi leo lên cái đồi có đầy cỏ ở đằng kia, lăn người xuống. Thích lắm.”

Tôi theo chân chàng tiến qua khỏi hai cây dâu. Thêm một phần vườn nữa lộ ra. Một cây cọ cao vút. Một cây quít đầy trái và một cây cam quả lủng lẳng trên cành. Và cái đồi hoang dựng đứng giưã trời xanh cao vút. Tôi với tay hái một trái quít, bóc vỏ, nếm thử múi quít vàng lượm. Vị chua chua ngọt ngọt và mùi thơm dễ chịu quyện vào trong miệng tôi. 

“Em hái thêm mấy trái đem về nhá?” “Em cứ hái tuỳ thích. Bà ngoại mừng lắm khi có người hái giùm trái cây trong vườn. Ngày xưa nhiều cây ăn trái lắm. Chẳng hiểu sao bà ngoại tự dưng đốn bỏ hết. Chỉ chưà lại có cây quýt này và cây cam đằng kia.”

Rồi tôi và chàng làm đám cưới. Tôi theo chàng về ở chung với bà ngoại. Sau này tôi mới biết cả họ hàng bên chồng lo sợ không biết tôi ở với bà được bao lâu bởi bà khó tính, không có người nào ở chung được. Bà thương tôi lắm, tôi cũng chẳng biết vì sao. Má chồng tôi đi đâu cũng khoe chuyện bà ngoại và tôi sống vui vẻ thế nào. Vợ chồng tôi ở với bà ngọai được một năm cho đến khi biết tôi có thai cháu đầu lòng, bà ngỏ ý muốn về ở với ba má chồng tôi vì không muốn nghe con nít khóc. Bà ngoại bán lại cho vợ chồng tôi căn nhà nhưng cho chúng tôi khu vườn. Tôi nhớ ngày bà dọn đi, bà vẫy tay chào qua cửa sổ xe, “Enjoy the yard!” Bà biết tôi thích khu vườn. Tôi vẫn thường ra dọn vườn với bà và kể chuyện khu vườn của ngoại tôi ở Việt Nam.

Chàng và tôi bắt đầu sửa sọan cho khu vườn của mình. Chàng trồng một cây santa rosa plum trong mảnh sân nhỏ kỷ niệm một năm ngày cưới. Trồng thêm dây nho ở góc sân để cho bò lên che tường gạch nắng chang. Chúng tôi trồng thêm nhiều cây ăn trái khác trong vườn. Cây peach có bông màu hồng sáng rực một góc vườn mỗi dịp Tết Việt Nam và trái thì thơm ngọt vô cùng. Cây royal apricot có bông trắng rất dễ thương cũng nở vào dịp Tết và trái chín vàng hườm, hương vị gợi nhớ trái bồ quân vườn nhà ngoại tôi. Chàng thích plum nên trồng đủ loại: santa rosa, satsuma, burgundy, sugar, elephan heart, weeping...

Tôi mê nhất là trái santa rosa plum lúc chín có màu tím sẫm, mọng nước, thơm và có vị ngọt thanh, ăn vào mát cả miệng. Sau mấy lần trồng rau thơm Việt Nam không thành công, tôi thay bằng lavender, thyme, marjoram, rosemary, sage, và oregano. Mỗi lần tưới nước vào những bụi rau thơm này, cả vườn nồng nàn mùi hương. Giàn nho sau một năm đã che kín tường như chúng tôi dự tính. Muà nho trổ bông ngồi dưới giàn nho hít mùi hương ngọt ngào gợi nhớ mùi bông mận quê nhà năm nao.

Vườn của chúng tôi chưa có cây rậm rạp như vườn nhà ngoại ở Việt Nam nhưng sắc màu thì có lẽ hơn hẳn. Muà thu, hai cây dâu và hàng lựu tôi trồng từ hột, lá đổ vàng rực một góc vườn. Hai cậu con nhỏ của tôi thích đứng dưới gốc cây, chờ cho ba chúng nó rung để lá vàng bay lượn trên không và chúng đua nhau xem ai đón bắt được nhiều lá nhất. Khu vườn ngập tràn tiếng cười nắc nẻ của tuổi thơ. Muà đông vườn cây trụi lá. Từ cưả sổ phòng ngủ, chúng tôi có thể nhìn thấy những trái cam vàng ửng lủng lẳng trên cành giống như trong những chuyện tranh tôi đọc thời còn bé, rất bé. Mùa xuân và hè thì ngàn hoa lần lượt đua nhau khoe sắc. Cả vườn nồng nàn hương bưởi, cam, chanh, quýt và angel wing jasmine. Rồi hoa dại nở khắp trên sườn đồi dựng đứng sau nhà. Có năm thì hoa cải vàng nhạt. Năm thì hoa lupin tím lưng đồi. Rồi ice plant của bà ngoại trồng, nở hoa, hồng cả mặt đất. Tôi đón bà ngoại về thăm vườn một ngày nắng chan hoà. Bà chậm rãi leo lên từng bậc tam cấp, đứng nhìn vòng quanh vườn trong mùi hương hoa cúc tần ô chẳng biết ở đâu ra, mọc dày một góc vườn năm ấy. Bà nhìn tôi cười chậm rãi, 

“Tụi bây giỏi lắm. Vườn rất đẹp.”

Sau lần về thăm vườn, bà ngoại bắt đầu bị lãng trí. Bà thức dậy lúc nữa đêm, đi lung tung và ngã té. Bác sỹ khuyên ba má chồng tôi nên cho bà vào khu an dưỡng có người theo dõi 24/24. Những lúc vào thăm bà, tôi cho bà xem slideshow những tấm hình tôi chụp trong vườn. Nào là quỳnh trắng, hồng và đỏ nở hoa dưới giàn nho thòng xuống những chùm trái xanh bóng láng. Những chậu lan nở hoa đủ màu sắc sắp trên cưả sổ bếp. Cây peach trái chín đỏ cây, cây plum trĩu trái tím trên cành và trái apricot vàng rực trong đám lá cùng hàng lựu hình bán nguyệt lá non lên xanh mướt. Một bầy chim sẻ đang ăn những hạt cúc tần ô. Một cánh bướm chúa màu gạch đậu trên cánh hoa potato bush màu tím than. Mỗi lần đến thăm là tôi tường trình những cái mới trong vườn. Có một lần tôi vừa mở máy chuẩn bị chiếu những tấm hình mới chụp, vừa nói với bà ngoại,

“Con mới chụp mấy tấm hình trong vườn của ngoại nè...” 

Bà nắm tay tôi, giọng chậm rãi. 

“ Không phải vườn của ta. Nó đã thuộc về các con rồi. Ta mừng vì thấy ngôi vườn được chăm sóc cẩn thận. Các con xứng đáng được hưởng ngôi vườn đó.” 

“Thế thì chúng ta gọi nó là “Peterson Estate” có được không?” 

Chàng của tôi gợi ý. Bà cười vang, 

“ Nghe cũng được lắm!” 

Peterson là họ của ông ngoại. Bà vẫn giữ họ đó dầu hai người đã chia tay khi má chồng tôi còn bé xíu. Mấy tuần sau bà ngoại qua đời. Vợ chồng tôi biết ơn bà đã để lại khu vườn, nơi chúng tôi nối tiếp sở thích của bà và làm thành giấc mơ của chúng tôi thuở bé.

Bây giờ mỗi lần mời họ hàng đến nhà, chàng của tôi đều để địa chỉ: Peterson Estate. Mọi người dần dà biết đó là nhà của chúng tôi. Chàng đặt tên cho từng góc vườn nhỏ. Bởi chàng có gốc Nhật nên phải có Japanese Garden, sở thích của chàng từ thuở niên thiếu. The Alley là hai hàng cây ăn trái dẫn từ nhà ra vườn. Myrtle mesa là cụm hai cây tường vi trắng và hồng của thành phố cho. Sunset Vista là khoảnh vườn nhỏ có những cây lựu bao bọc vòng cung bên dưới và bên trên là một cây chuỗi ngọc núp dưới bóng cây apricot. Nơi đây vào những chiều rãnh rỗi chúng tôi ngồi ngắm những tia nắng cuối ngày ửng hồng sau đồi trước khi khu vườn chìm vào màn đêm. Cậu con trai út cuả tôi đặt tên The Pumpkin Field cho chỗ trồng dây bí đỏ nó mang từ trường về. Cậu con trai lớn nhắc ba nó, “Chừng nào mình mới làm cái treehouse hả ba? Con sẽ đặt cho nó một cái tên nghe thật kêu.” Nó vẫn chưa hài lòng với những cái tên mà nó nghĩ ra. Còn ba nó thì chưa có thì giờ để dựng cái treehouse đã hứa với nó. Còn tôi thì vẫn thích gọi khu vườn là “Vườn của ngọai”, nghe thân thương như trong giấc mơ tưởng như viễn vông của tôi ngày xa xưa ấy.

Lời Cuối: Bài viết này xin kính tặng cô Ngọc Báu, cô giáo dạy Văn trường Tam kỳ II, Quảng Nam vào những năm 79-80. Suốt quãng đời học trò, môn Văn của tôi lúc nào cũng trung bình yếu, ngoại trừ một học kỳ học với cô. Tôi nhớ lần đầu tiên cô trả lại bài làm văn với điểm bảy rưỡi đỏ chói, tôi mừng hơn người ta đọat giải Nobel văn chương! Sang học kỳ hai, không thấy cô trong trường nữa. Nghe đồn cô đi vượt biên. Những bài làm văn của tôi lại trở về mức trung bình yếu, tức là bốn rưỡi cho tới năm điểm.

Cô ơi! Em muốn gặp lại cô một lần để cảm ơn cô về những khích lệ cô dành cho em trong mấy tháng học ngắn ngủi với cô.

Thuỷ Như

No comments:

Blog Archive