Người Lính Việt Nam Cộng Hòa - Thiên Thu Ngời Sáng!
Trúc Lâm
- Con thức dậy đi con.
Mới 6 tuổi đầu, ăn chưa no lo chưa tới cho dù trời sập cũng không hay, mà má con bé cứ gọi nó thức hoài…
- Con ơi, dậy đi con, lẹ lên.
- Má ơi, con buồn ngủ quá.
- Dậy đốt đèn học bài đi con.
- Con học thuộc hết rồi má ơi, để sáng con dậy ôn lại.
Lăn qua trở lại trong tiếng trả lời nhừa nhựa, má con bé cũng cố nài nỉ …. kề bên tai nó.
- Dậy đốt đèn lên, lính đi hành quân về kìa con. Con dậy đốt đèn để người ta biết mình còn thức mà gõ cửa.
- Má nói Ba đi má,
- Hổng được đâu con, ba con làm vậy ông kẹ bắt ba đi đó.
Tiếng thì thào nhỏ xíu trong tai con bé, nhưng lần này con bé vùng ngồi dậy khi nghe hai tiếng “ông kẹ” nó sợ điếng hồn. Thì ra không sợ ông Trời xập mà con bé sợ ông Kẹ sao?!
- Mà chi vậy má?
- Con biết không con đốt đèn đem ra phòng khách ngồi, đọc bài cho lớn tiếng, để các chú lính biết nhà mình còn thức, họ mới dám gõ cửa xin nấu cơm nhờ nghen con. Tội nghiệp họ lắm khuya khoắc mà bụng dạ không có hột cơm…
Con bé tỉnh táo ngay, nhanh chân thọt đôi guốc và đi đốt đèn, làm y như lời má nói.
Trong ngôi làng Trung Ngãi nhỏ, mới 8 giờ tối đã yên giấc, xe nhà binh đổ quân về, tiếng hô tập họp điểm danh nghe…rụp…rụp…ở nhà lồng chợ rõ mồn một.
Đấy là lần thứ ba lính về làng và đến nhà con bé gõ cửa, mở cửa ra, nhìn những gương mặt quen thuộc của lần trước, nên chẳng những gia đình mà con bé cũng vui mừng khôn tả, như mỗi mùa hè anh chị nó từ tỉnh về, được dịp vòi vĩnh bánh kẹo và nghe chuyện cổ tích ngày xưa.
- Dạ, chào hai bác.
- Dạ, chào các cháu. Tiếng cậu lần đầu đã thay vào tiếng cháu thân thiết.
- Hai bác làm ơn cho chúng cháu tá túc ngoài hiên và cho xin chút lửa củi nấu cơm được không bác.
Trung Uý Hùng vừa hỏi, tay xoa đầu con bé. Các anh khác cũng cười tươi và nhìn con bé trìu mến.
- Các cháu cứ tự nhiên, tối nay bác không khoá cửa, để các cháu có thể xử dụng nhà bếp với giếng nước sân sau.
- Cám ơn hai bác nhiều.
Chưa kịp xoay lưng đi, má con bé hạ giọng nói nhỏ, các cháu cứ đốt củi lên cho có khói đi, khỏi nấu gì hết. ( Vì sợ bên kia biết được thì nguy) Hai bác có sẳn cơm và thức ăn đó nghen.
Trong ánh mắt ngạc nhiên, con bé ra dấu cho chú lính cúi xuống thì thầm “ Anh biết không, hồi nãy lúc các anh vừa xuống xe, ba em đốt lò dầu nấu cơm hết rồi”
Các anh phì cười, vuốt tóc con bé và khen ngoan.
- Mà sao em thức khuya vậy?
Con bé lại làm ra vẻ quan trọng, “ Em ngủ rồi nhưng ba má kêu em dậy đốt đèn làm bộ học vì sợ các anh không dám gọi cửa đó chứ”. Ánh mắt các anh nhìn ba má con bé chứa chan lòng biết ơn và xúc động.
- Thôi các cháu ra giếng tắm rửa đi rồi ăn kẻo đói.
Sau khi ăn xong, má con bé lấy những chiếc gối thêu trắng tinh để dành cho khách đến nhà ngủ qua đêm, xắp sẳn trên hai bộ đi-văn ở nhà khách và nhà ngang cho các anh ngả lưng. Nhưng các anh từ chối vì không được phép vào nhà dân ngủ. Chỉ tá túc ở hàng ba.
- Các cháu cứ tự nhiên đi, cực khổ lắm rồi về được nhà thì cứ hưởng chút nào hay chút đó đi các cháu.
Bắt đầu từ đêm đó cho những đêm khác, con nít được tha hồ chơi giỡn mà không sợ “ông kẹ’ nào, đi học qua cầu Giồng Ké không phập phồng mìn nổ, không lo súng đụng độ ở Phú Tiên, bỏ lớp bò càng tránh lằn đạn oan nghiệt.
Lần đóng quân này, vào dịp hè, nên các chị của con bé từ Vĩnh Long về nghỉ hè, phụ ba má trông em, nên con bé được các anh cưng gấp bội. Nhưng cũng cực hơn vì làm con én đưa thư…
Con bé hồi đó nhỏ xiú có biết gì, các anh bảo đưa thư cho chị rồi cho bé quà, quà mà con bé thích nhất là phần lương thực khô của các anh…hi..hi…
Mà rầu nhứt là thư các anh đi mà thư chị thì không về ( Ngày xưa nhát quá mà), nên con bé bị các anh hạch hỏi đủ điều, làm con bé không được nhảy dây, chơi chòi với bạn.
Trong trí nhớ nhỏ của con bé thời ấy, Trung Úy Hùng đưa thư cho chị Ba, chị không trả lời là con bé bị kềm chân không được đi, cho đến lúc chị ba đi tìm bé kèm tiếng Pháp… thì Trung Úy Hùng mới được dịp trò chuyện với chị. Mà hai người nói gì con bé có hiểu đâu, anh chị nói toàn tiếng Pháp không hà.
Anh Thy thổi kèn tập họp thì để ý chi Năm. Chú Lùn ( Bị gọi vậy luôn) trên cánh tay xâm chữ “ Xa quê hương nhớ Mẹ hiền”, chú lùn để ý chị Sáu, chú hay hát vọng cổ vì chú thích nghệ sĩ Mỹ Châu. Chú rút tấm hình trong túi nói “Anh thích chị Sáu cũng như vầy nè…”
Anh Bá thì thương con nhỏ nhứt, mỗi chiều con bé chơi nhảy cò cò hay nhảy dây đều nghe anh nói với má con bé.
- Bác biết không, con ao ước khi nào giải ngũ, có gia đình được một đứa con ngoan và xinh như con bé, con cưng hết biết luôn. ( Làm con bé mắc cở đỏ mặt)
Anh Bá thường kể chuyện đời xưa cho con bé nghe, anh Nhuận,Trung Sĩ già (các anh gọi vậy đó) dạy con nít hát, kể chuyện vui.
Mấy người hàng xóm nói má con bé.
- Chị Mười gan nhe, nhà chị con gái lớn hết mà chị cho lính ở, không sợ sao?
- Sợ gì, mấy cậu đó hiền khô và họ đàng hoàng lắm. Có họ về làng mình đâu có nhà nào đóng cửa, đâu có trộm cắp. Ban đêm ngủ ngon giấc tới sáng béc mà. Phải không?
- Ờ hé, chị Mười nói tụi tui mới để ý nghen.
Mà thật có sai đâu, các anh lính Sư Đoàn 9 Bộ Binh ấy rất hiền lành, có ăn học, còn rất trẻ, lòng hy sinh vô bờ bến đối với Quốc gia Dân tộc. Hình ảnh ấy, ai mà không ngưỡng mộ chứ!
Làng có các anh về, trẻ con được cắp sách đến trường không lo lắng. Người dân buôn bán tấp nập không sợ sệt. Một cảnh sắc an bình và đầy sức sống.
Sáng sáng ba má con bé dậy rất sớm, làm đủ thứ bánh để các anh ăn sáng, các anh ngại ngần từ chối nhưng làm sao từ chối được tấm lòng yêu lính của ba má con bé.
Mà lúc nào má con bé cũng nhắc “ Các cháu thay phiên vào nhà ăn đừng ăn ngoài sân, kẻo không các cháu đi rồi, bác trai bị nguy”
Ngày các anh đi, lúc nào cũng có những túi lương thực khô ba má con nhỏ làm sẳn nhét vào ba lô các anh đi. Túi gạo rang ngào đường, tôm khô, muối tiêu rang, nấm rơm phơi khô….
Con bé thì được các anh nhét vào tay bánh kẹo…vui nhiều mà buồn không ít…
Từ những năm 66 trở về sau, lúc nào con bé cũng nghe những điệp khúc mà ba má thường nói với con “Đời lính chiến sống nay chết mai, phải thương họ nhe con. Ra đi vậy đó chớ không biết có trở về không.Mình phải biết nhớ ơn họ nhe các con”
Thời gian trôi… trôi đi con bé trở thành thiếu nữ, những hình ảnh người lính in đậm trong trái tim và khối óc của nó, con bé đã yêu lính tự bao giờ. Đêm đêm học bài bên chiếc radio, chương trình Dạ Lan đã mang những người lính từ rừng sâu, nước đọng đến gần con bé hơn. Dù những người chưa biết mặt biết tên, nhưng tình yêu vô hình ấy đã làm tâm hồn cô bé dậy thì những nỗi nhớ và niềm thương vương vấn.
Chương trình nhạc Tiếng Hát Đôi Mươi của Nhật Trường cũng đã khơi vào lòng con bé những hình ảnh hiên ngang và anh dũng của các anh. Họ là thư sinh sớm rời ghế nhà trường, hy sinh tuổi trẻ, ước mơ, lặn lội bùn sinh nơi rừng thiêng nước độc mang ấm no, an bình cho mọi người. Hình ảnh Người Lính Việt Nam Cộng Hòa kiên cường, bất khuất đã khắc sâu vào lòng con bé một cách mãnh liệt.
Thơ gửi ta chiến trường từ căn lớp nhỏ cũng đủ ấp ủ giấc mơ hồng của người em gái nhỏ hậu phương.
Rồi mai nếu... anh không về nữa
Em bên thềm tựa cửa chờ trông
Bức thơ xưa nét bút viết rong
Trong ngăn cặp một thời áo trắng
Nhờ các anh mà quê hương thanh bình, con bé được hai buổi đến trường, áo lụa quần là, cặp sách vui vẻ hồn nhiên. Má thấy con gái lớn lên thường nhắc nhở “ Con gái lớn rồi, ra đường có bị lính chọc đừng khinh chê người ta nghen con, mỗi khi họ đi hành quân về có chọc ghẹo là lẽ thường, cho họ xã căng thẳng đi”
Tấm lòng của ba má cũng thấm dần vào tấm lòng của chị em con bé… từ từ lớn dần và lớn dần theo thời gian không bao giờ phai nhạt.
Tiếc là sau trận Tết Mậu Thân, làng cháy rụi ra tro, gia đình con bé bỏ làng ra đi, không còn được gặp các anh và nghe được tiếng nói cười trìu mến xa xưa. các anh không còn được ba má con bé chăm sóc ân cần sau những buổi hành quân trở về. Hay trước phút lên đường.
Rồi nếu mai... anh không về nữa
Con đường xưa im vắng bước chân
Người dần xa... tình vẫn rất gần
Nghe hơi thở lâng lâng nỗi nhớ
…Nếu ngày mai... anh không về nữa
Tình bạc đầu.. gõ cửa thiên thu!!!
Tháng Tư 1975, tình cảm ấy càng đậm nét hơn, niềm mơ ước của con bé vẫn mong tìm được người bạn tâm đầu là lính Cộng Hòa xưa. Dù họ đã ngã ngựa, không còn gì nhưng họ lại có tất cả nét kiêu hùng và trọn tình với Tổ Quốc với toàn dân.
Ngày Ba má sắp ra đi, vẫn ao ước nói với các con, “ ráng có dịp tìm lại được mấy người lính hồi xưa đóng quân ở nhà mình nghen con, không biết bây giờ sống chết ra sao.” Sau câu nói của má là tiếng chép miệng thở dài não nuột….đôi mắt buồn xa xăm…
Tình thương yêu tha thiết ấy, nên mỗi tháng Tư về lòng đau thật là đau. Nghe đoạn nhạc, đọc lời văn, câu thơ, xem hình ảnh nói về các anh, những ngày tháng gian nguy của các anh, không thể cầm được nước mắt…nghẹn ngào…
Thật không biết giờ đây các anh ấy ở đâu và có còn không? Hy vọng nhỏ nhoi lời tâm tình này được Trời cao đưa đến các anh. Các anh chắc cũng không quên ngôi làng Trung Ngãi, quận Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Nơi những người dân quê mộc mạc chân tình mãi mãi nhớ đến các anh và tình thương yêu này cũng dành cho tất cả những người chiến sĩ thuộc các binh chủng khác ở khắp mọi miền đất nước Việt Nam ngày nào.
Cho dù nay anh biệt xứ ra đi, người lưu đày ở lại, hay là một phế binh những đối với con bé ngày xưa mãi mãi anh là vì sao sáng tỏa.
Một nén nhang lòng tri ân những vị Anh Hùng…Thiên Thu Ngời Sáng.
Nén nhang cầu nguyện Hòa Bình, Tự Do cho Việt Nam, cầu cho tất cả Người dân Việt khắp nơi được an lành trong nỗi đau...Tháng Tư.!
Người Lính Chiến! Anh không bao giờ chết
Thương yêu này xin dành hết cho anh
Yêu màu áo anh pha xanh rừng lá
Yêu núi rừng với tất cả nhớ mong
Tình Lính Chiến bay vút cao trời lộng
Thơm hương đời gối mộng ngủ nghìn thu
Dù mưa âm u nắng úa sương mù
Người Lính Chiến vẫn thiên thu ngời sáng!
Trúc Lâm
Úc Châu, viết cho Ngày Quốc Hận 30 tháng Tư
No comments:
Post a Comment