Tuesday, January 14, 2025

Ôn Ơi! 


Bún Nước Lèo Sóc Trăng (Hình internet)

Nằm ở cửa Nam sông Hậu, vùng đồng bằng sông Cửu Long, miền Nam Việt Nam, Sóc Trăng giáp với Trà Vinh, Vĩnh Long, Hậu Giang và Bạc Liêu. Sóc Trăng có bờ biển dài khoảng 72 km giáp với Biển Đông. Có Cửa Ba Động nơi tui xuống thuyền vượt biên ngày cũ.

Tên Sóc Trăng, thời VNCH là tỉnh Ba Xuyên, xuất phát từ tiếng Khmer ‘Srok Khleang’, có nghĩa là ‘vùng đất của kho bạc’ hoặc ‘nơi chứa bạc’. Tôi nghĩ Sóc Trăng là cái sóc trù phú nhờ đất giồng ven biển do phù sa sông Hậu tràn bờ bồi đắp cả ngàn năm. Miệt Sóc Trăng dân cuốc khoai nhiều lắm. Trên đất giồng, mình trồng khoai lang.

Dân Sóc Trăng có người Việt, người Miên và người Tiều. Người Miên, còn gọi là người Khmer, là sắc dân thiểu số, ít người khi so với người Việt. Người Miên sống tập trung trong nhiều phum sóc ở Sóc Trăng. “Phum” trong tiếng Khmer có nghĩa là ‘vườn’, tương đương với xóm, thôn, ấp của người Việt, gồm một số gia đình có bà con với nhau. Mỗi phum thường có hàng rào tre xanh bao quanh và có cổng phum. Sóc thì nhiều phum, tương đương với làng hoặc xã của người Việt. Mỗi sóc thường có một hoặc nhiều ngôi chùa Miên. Các ngôi chùa Khmer (wat) đẹp và cổ kính như chùa Dơi, chùa Đất Sét và chùa Phật Nằm, theo hệ phái Phật giáo Nam tông.

Người Miên ở Sóc Trăng nói tiếng Khmer. Tiếng Khmer có nguồn gốc từ chữ Pallava của Ấn Độ, là ngôn ngữ đa âm và tượng thanh, nghĩa là mỗi ký tự đại diện cho một âm thanh cụ thể. Tiếng Khmer có một lượng lớn từ vay mượn từ tiếng Phạn và tiếng Pali, do ảnh hưởng của Ấn Độ giáo và Phật giáo. Ngoài ra, tiếng Khmer cũng có nhiều từ vay mượn từ tiếng Pháp do thời kỳ thuộc địa. Tiếng Khmer có nhiều phương ngữ khác nhau, như phương ngữ Phnom Penh, thủ đô của Campuchia; phương ngữ Battambang, vùng tây bắc Campuchia; và phương ngữ Khmer Krom. Từ “Krom” có nghĩa là ‘dưới’, thường chỉ những người Khmer sống ở phía nam của Campuchia, tức là khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Đua ghe trong Lễ hội Ok Om Bok

Về Kế Sách, Sóc Trăng, tôi biết người Miên có Lễ hội Ok Om Bok (Lễ cúng trăng), Lễ hội Chol Chnam Thmay (Tết Khmer) và Lễ hội Đôn-ta (Lễ cúng ông bà).

Người Miên thích cờ bạc, chơi bầu cua cá cọp; tin dị đoan, xin số đề mà huyện đề là một ông người Tiều lủm hết.

Người Khmer đi ‘tu phước’ là đi chùa đọc kinh, lạy Phật, cúng dường cho các sư sãi, ôm bình bát, không đi khất thực, bố thí cho những người nghèo.

Người Miên không địa táng hoặc thổ táng (thổ là đất), đem chôn dưới đất như người Việt. Người Miên theo phong tục hỏa táng (hỏa là lửa) nên bị chọc quê là “dân chết đốt”. Nghe vậy họ giận mình lắm nhe!

Tui biết tiếng Việt chịu ảnh hưởng tiếng Miên như: Con nít khỉ khọn bị kêu là thằng cốt đột, thằng khỉ. “Bon ơi! Tâu na? Tâu tâm tức, tâu xa, tâu phất xạ, tâu phất cà phê ôn ơi” (Anh ơi! Hôm nay đi đâu? Đi tắm xong thì đi chợ nhậu, đi uống cà phê, em ơi.)

Vàm nơi một con rạch đổ vào một con sông. Bưng vùng đồng lầy ngập nước, mọc nhiều cỏ lác. “Trắng da vì bởi má cưng. Đen da vì bởi lội bưng vớt bèo.” Biền bãi lầy ở ven sông rạch, nước thì ngập.

Xoài đông ken giữa mùa, nhiều trái. Củ co mọc hoang vùng đồng nước, có lá và cọng giống như bông súng nhưng nhỏ hơn. Củ co nhỏ, thường chỉ bằng ngón chân cái người lớn, với vỏ ngoài màu đen và xù xì. Khi nấu chín, củ co có vị bùi và dẻo, vị hơi đắng tương tự như khoai môn, khoai cao. Người dân thường móc củ co để ăn độn với cơm hoặc nấu cháo. Ca dao có câu: 

Củ co, bông súng, rau tràng. Chờ đôi năm nữa cho nàng lớn khôn. Em muốn về Mỹ Hội mà bà nội không cho. Bắt vào Đồng Tháp, ăn bông súng với củ co thấu trời. Đói lòng đi móc củ co. Thấy em hết gạo anh cho một nồi. Rồi hỏi anh có nhớ Bảy Ngàn. Củ co ăn với củ bàng thế cơm?”

Múa Rom Vong, của người Khmer ở Kế Sách, Sóc Trăng

Tui ăn dưa điên điển làm bằng bông điên điển, màu vàng, mọc nhiều ở vùng đất bưng, chấm thịt kho, cá kho…

Sau tháng Tư năm 1975 định mệnh, nhạc sĩ Trần Thiện Thanh từ Sài Gòn phải phiêu dạt về Cần Thơ kiếm sống. Ông có viết bài hát “Chiếc Áo Bà Ba” nổi tiếng: 

Chiếc áo bà ba trên dòng sông thăm thẳm, thấp thoáng con xuồng bé nhỏ lướt mong manh. Nón lá đội nghiêng, tóc dài con nước đổ. Hậu Giang ơi em vẫn đẹp ngàn đời. Nhớ chiếc xuồng xưa năm nào trên bến cũ. Thương lắm câu hò kêu gọi khách sang sông. Áo trắng xuồng đưa mắt cười em khẽ gọi. Người thương ơi em vẫn đợi chờ…”

Đẹp quá quê hương hôm nay đẹp vô ngần. Về Sóc Trăng một ngày, nghe ca điệu lâm thôn. Đàn én chao nghiêng, xôn xao mùa lúa chín. Về bến Ninh Kiều, thấy nàng đợi người yêu…”

(Mấy câu này, ông Nhật Trường hô khẩu hiệu của VC. Hô xong, ông tìm cách vọt qua Mỹ mất tiêu luôn. Tôi bèn bắt chước nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, một đi không trở lại.)

Bài “Chiếc áo bà ba” của ông làm tôi nhớ điệu lâm thôn, còn được gọi là múa Rom Vong, của người Khmer ở Kế Sách, Sóc Trăng. Người con gái Khmer tôi yêu, mặc “sarong,” một mảnh vải dài, thường có hoa văn và màu sắc sặc sỡ, được quấn quanh cơ thể từ eo xuống chân. Em dắt tôi đi theo vòng tròn. Những động tác của em uyển chuyển và nhịp nhàng, trong khi hai tay tôi cứng ngắc như hai khúc củi. Tôi quơ quơ đuổi muỗi, làm em cười khanh khách.

Rồi VC, Cái Văn Quạ, tức Năm Quạ, từ bưng biền lội ra; Hai Tịch từ xã Kế An đi cẳng không, vì nhỏ lớn chưa hề mang giày hay dép lội vào chợ Kế Sách. Sự ngu dốt của chúng biến tình tôi thành tình mộng. Vì thời cuộc, tôi xa em từ độ ấy.

Quê người, tôi vẫn nhớ quê mình. Tôi nhớ Sóc Trăng, nhớ Kế Sách, nhớ em yêu còn kẹt lại bên kia biển, bên kia trời lận đận. Em ơi, anh yêu em lắm: (oun aoy, bong srolanh oun nas). Em ơi, anh nhớ em lắm: (oun aoy, bong neuk oun nas). Quê người nghĩ xót thân lưu lạc! “Mè ơi!” Má ơi! Hu hu!

Đoàn Xuân Thu

No comments:

Blog Archive