Covid-19: Mất việc, nhân viên vườn thú trở lại chăm sóc thú miễn phí
Navin Singh Khadka
Phóng viên Môi trường, BBC World Service
Bản quyền hình ảnh CANGO WILDLIFE RANCH. Các nhân viên vườn thú nói sự gắn kết của họ với các con vật ở đây là không thể chia lìa
"Lý do tôi thức dậy mỗi sáng là để được ở bên những con vật tuyệt đẹp này. Không biết tương lai của chúng sẽ ra sao thật kinh khủng."
Jenna Lowe 23 tuổi. Cô làm việc cho vườn thú Cango Wildlife đã hai năm.
Nằm ở ngoại ô thị trấn Oudtshoorn, Nam Phi, Cango Wildlife đã phát triển trong hơn 40 năm qua từ một trang trại nuôi cá sấu nhỏ thành một vườn thú được quốc tế ghi nhận về các nỗ lực bảo tồn.
Cango Wildlife hiện là nhà của 90 loài động vật và bò sát.
Khi ba tuần phong tỏa ở Nam Phi được nới rộng tới tháng Ba, Jenna được cho biết là vườn thú phải đóng cửa do dịch bệnh. Cô, cùng với hai phần ba số nhân viên, được cho hay họ sẽ bị cho nghỉ việc, ít nhất là thời điểm này.
Nhưng điều đầu tiên mà cô nghĩ tới là điều gì sẽ xảy ra với những con báo và vượn cáo mà cô từng chăm sóc?
Đồng nghiệp của Jenna, Angelique Oktober, cũng có cùng suy nghĩ: "Chúng tôi là mẹ của các con vật này và mẹ không bao giờ bỏ con khi các con cần mẹ nhất," cô gái 25 tuổi nói với BBC.
Bản quyền hình ảnhCANGO WILDLIFE RANCHI. Các nhân viên vườn thú nói lúc này họ cần tập trung hơn hết vào công việc
Sáng hôm sau, Jenna và Angelique trở lại trong bộ đồng phục và làm việc - nhưng không có lương. Khi tới nơi, họ thấy mình không phải là những người duy nhất tự nguyện trở lại làm việc miễn phí.
Hơn 40 nhân viên khác đã quyết định đặt quyền lợi của động vật lên trên, và trở lại làm tình nguyện viên cho Cango Wildlife để giúp vườn thú tiếp tục vượt qua đợt phong tỏa do virus corona.
Chủ vườn thú đã buộc phải cắt giảm số lượng nhân viên từ 78 xuống còn 24 để giữ cho sở thú tiếp tục sống sót trong đại dịch.
Craig Gous, quản lý cao cấp tại Cango Wildlife, người đã làm việc tại đây hơn 20 năm, cho biết: "Rất nhiều người trong số chúng tôi không nhận được lương nhưng vẫn ở lại, giúp giữ cho chiếc thuyền không bị chìm."
"Chúng tôi làm việc với những động vật nguy hiểm và nhạy cảm, vì vậy đó không phải là một công việc dễ dàng", ông Gous, người chuyên chăm sóc hổ, sư tử trắng châu Phi và báo đốm cho biết. "Tôi có một niềm đam mê rất sâu sắc đối với nơi này. Tôi đặt ưu tiên cho nó trên mọi thứ khác trong cuộc sống của tôi."
Bản quyền hình ảnhCANGO WILDLIFE RANCHI. Làm việc không lương không phải là việc dễ dàng với các nhân viên vườn thú
"Chỉ khi chúng tôi nghĩ về 'đám mây' Covid-19 không thể nào trĩu nặng hơn nữa, là chúng tôi đã nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm," chủ vườn thú, Andrew Eriksen nói với BBC,
"Một số nhân viên đã trở lại làm việc, và họ tiếp tục chăm sóc các con vật của chúng tôi với niềm tự hào - mà hoàn toàn không trông đợi gì được trả lương."
Ưu tiên bảo vệ động vật
Có hơn 4.000 động vật tại vườn thú Cango Wildlife và chủ vườn nói rằng chi phí khoảng 118.000 đôla để chăm sóc chúng mỗi tháng. Trước đại dịch, trang trại đã đón khoảng 120.000 du khách mỗi năm.
Nhưng vườn thú đã đóng cửa bốn tháng nay, kể từ khi chính phủ Nam Phi tuyên bố phong tỏa toàn quốc.
Các lệnh phong tỏa đã dần được nới lỏng theo từng giai đoạn, nhưng ngành du lịch vẫn chưa được phép mở cửa trở lại.
"Đây không chỉ là một thách thức để duy trì hoạt động," ông Eriksen nói.
"Chúng tôi không nhận được nguồn quỹ hỗ trợ tài chính nào từ chính phủ và thu nhập của chúng tôi dựa hoàn toàn vào khách du lịch,"
Ông nói ban đầu ông đã đăng ký cho nhân viên bị nghỉ việc ở đây với một quỹ hỗ trợ của chính phủ Nam Phi để giúp trả họ một phần lương.
Bản quyền hình ảnhCANGO WILDLIFE RANCH. Các vườn thú cho rằng họ đóng góp vào việc bảo tồn động vật hoang dã nhưng các nhà bảo tồn cho rằng động vật phải được tự do
"Chương trình này chỉ trong ba tháng và đã bốn tháng kể từ khi chúng tôi đóng cửa, vì vậy bây giờ họ thậm chí không nhận khoản hỗ trợ đó."
Sở thú bị thách thức bởi đại dịch
Các sở thú và thủy cung trên khắp thế giới đã nói rằng các lệnh phong tỏa khiến họ khó mà sóng sót, mặc dù một số chính phủ cung cấp quỹ hỗ trợ. Sở thú Chester của Anh đã cảnh báo hồi đầu tháng này rằng cái giá của lệnh phong tỏa là "có nguy cơ bị tuyệt chủng".
"Những tháng vừa qua cực kỳ khó khăn với các thành viên của chúng tôi", Gavrielle Kirk-Cohen, giám đốc truyền thông tại Hiệp hội Sở thú và Thủy cung Thế giới (WAZA) cho biết.
"Nhiều sở thú là các tổ chức phi lợi nhuận, thu nhập của họ đến từ du khách," bà nói.
"Tiền thu được không chỉ nuôi sống động vật và đảm bảo tiêu chuẩn phúc lợi động vật cao nhất, mà còn đóng góp và hỗ trợ nhiều nỗ lực bảo tồn trên toàn thế giới."
WAZA có tổng số khoảng 300 thành viên. Ước tính có hơn 10.000 sở thú trên toàn cầu, nhưng không có số liệu chính thức.
Bản quyền hình ảnhCANGO WILDLIFE RANCH. Nhân viên vườn thú nói các con thú nhấp nhổm suốt để xem có khách nào tới thăm không
Động vật trong một sở thú trống trơn
Những nhân viên sở thú trở lại làm việc miễn phí tại Cango Wildlife nói rằng hành vi của các loài động vật đã thay đổi kể từ khi đất nước đóng cửa với du khách.
"Các con vật đang tự hỏi tại sao không có khách," bà Lowe nói. "Chúng nhấp nhổm suốt để xem có ai vào không.
"Chúng cũng ít ngủ hơn trước đây, vì vậy chúng tôi tới thăm chúng nhiều nhất có thể."
Các chuyên gia sở thú cho biết lệnh phong tỏa đã làm sâu sắc thêm mối liên kết giữa động vật và người chăm sóc chúng ở nhiều sở thú trên khắp thế giới.
"Đây là điều mà cuộc khủng hoảng này đã làm sáng tỏ", Dave Morgan của Tổ chức phúc lợi động vật, một tổ chức từ thiện quốc tế giúp các sở thú chăm sóc động vật. "Mối quan hệ giữa động vật và người giữ chúng dường như đã sâu sắc hơn giữa những khó khăn do lệnh phong tỏa mang lại."
Không được trả lương trong đại dịch
Một số cựu nhân viên đã trở lại làm việc tình nguyện tại Cango Wildlife đang phải vật lộn mà không được trả lương, và đã phải tìm cách khác để kiếm sống trong đại dịch.
Bản quyền hình ảnhCANGO WILDLIFE RANCH. Sở thú trên khắp thế giới cho hay vô cùng khó khăn để sống sót qua đại dịch
Craig Gous đã kinh doanh bán hàng nửa ngày và đang cố gắng duy trì hoạt động đó trong khi vẫn làm tình nguyện ở sở thú.
"Tôi đã không thể trả tiền thuê nhà và các hóa đơn khác như bảo hiểm," anh nói.
"Tôi đã phải làm việc thêm tới sáu giờ nữa trong khi đã dành 10 đến 12 giờ chăm sóc động vật để trả tiền cho các hóa đơn và giữ một mái nhà trên đầu."
Jenna Lowe cũng cảm thấy khó khăn, nhưng đã được truyền cảm hứng từ những con thú mà cô vẫn tình nguyện chăm sóc.
"Đối với tôi, bằng cách nào đó, việc này còn hơn cả động vật và sức khỏe của chúng. Chúng là trọng tâm đời sống của tôi", cô nói.
"Nhìn thấy những con thú hạnh phúc đem lại tôi hy vọng rằng mọi thứ sẽ trở lại bình thường vào một ngày nào đó."
No comments:
Post a Comment