Wednesday, June 10, 2020

Tôi Đến Mỹ Trong Cơn Bão Corona


Tháng 4 năm 1975, đang học tiểu học thì Cộng Sản Bắc Việt cướp miền Nam, mặc dù bị cưỡng bức sống trong chế độ độc tài Cộng Sản nhưng không như đa số những người cùng thế hệ bị tẩy não, tôi hiểu giá trị của Tự Do và yêu quý Tự Do biết dường nào vì vậy trong tâm luôn ấp ủ sẽ có một ngày nào đó được đặt chân đến xứ sở cờ hoa để đứng dưới chân tượng Nữ Thần Tự Do mặc áo dài Việt Nam chụp tấm hình cho thỏa ước mơ. 

Trời cao không phụ lòng người, với bốn năm nỗ lực làm việc chăm chỉ tôi được thư mời sang Mỹ, sau khi làm thủ tục xin cấp visa khoảng một tuần thì nhận được email của sứ quán Hoa Kỳ, tôi đã bình tĩnh, tự tin, trung thực trả lời phỏng vấn thế là đậu, cầm visa trong tay tôi vui mừng quá đổi . 
Lúc đó đang bùng phát dịch cúm corona chủng mới ở Vũ Hán, cập nhật tin tức liên tục qua internet, tìm hiểu các hãng máy bay để mua vé online, cuối cùng tôi chọn hãng Korean Airline với giá tương đối rẻ. 

Vé máy bay biến động liên tục, ngày đi cứ phải dời, rồi dịch corona bùng phát ở Hàn Quốc khiến tôi lo ngại không biết mình có mua được vé máy bay không? Visa được cấp một năm có thể đợi qua cơn đại dịch rồi hãy đi nhưng đã hẹn với Ban Tổ Chức là chắc chắn đến dự, mọi người hân hoan chúc mừng lẽ nào tôi không vượt qua được cơn bão corona để đến với anh em cho kịp ngày giờ? Corona mặc corona, sinh lão bệnh tử là lẽ thường, miễn sao giữ được chữ tín, thế là quyết định dứt khoát : bay!

Máy bay hạ cánh ở phi trường Los Angeles vào buổi chiều cuối tháng Hai. Los Angeles! tôi đã từng mơ ước được đặt chân đến, nó rộng lớn và hiện đại khiến tôi bị choáng ngợp... Sự thật rồi mà vẫn ngở như mơ !

Ấn tượng đầu tiên khi đặt chân đến Mỹ là thái độ phục vụ tử tế của các nhân viên an ninh phi trường sao mà khác xa một trời một vực với cách thức hách dịch của các an ninh Việt Cộng ở Tân Sơn Nhất. 

Tôi bất mãn thái độ làm việc vô phép, vô lễ của an ninh Việt Cộng bao nhiêu thì càng mến mộ cung cách làm việc của an ninh hàng không Hoa Kỳ bấy nhiêu. Từ lâu vốn có thiện cảm với người Mỹ qua việc đọc tin tức, nghe đài ở internet, lần đầu tiên trực tiếp làm việc với người Mỹ tôi càng mến mộ hơn, họ phục vụ ân cần, chu đáo ngoài sức tưởng tượng của tôi khiến tôi không phải bị căng thẳng, hồi hợp như khi làm việc với các nhân viên an ninh Cộng Sản Việt Nam.

Thời điểm này Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam số người bị nhiễm Chinese corona rất nhiều vì vậy người dân ở California rất lo sợ rủi ro bị lây nhiễm khi biết người ở Việt Nam mới qua vì vậy tôi đã phải cách ly trong khách sạn mười lăm ngày. Mỗi một ngày qua số người nhiễm Chinese corona tăng theo cấp số nhân, từ con số một vài người lên chục người, trăm rồi ngàn người trong vòng một tháng, thế là chuyến bay khứ hồi bị đình vô thời hạn …

Chuyện gì đến cứ đến, cơn bão corona cuốn tôi và mọi người vào một dòng xoáy lốc không biết trước ngày mai sẽ ra sao? Lần đầu tiên đến Mỹ, mọi thứ đối với tôi đều lạ lẫm, như người mộng du không phân biệt được ngày và đêm, thời gian cứ trôi qua nhờ nhìn ở smartphone mà tôi biết được ngày thứ, cả ngày không dám bước chân ra ngoài vì đường xá của Mỹ vô cùng rộng lớn, xe hơi chạy vun vút, và từng ngày qua nơm nớp lo trả tiền khách sạn vì so với đồng lương giáo viên ở Việt Nam thì ...thật là “quá cỡ thợ mộc”. Hichic ! 

Sau đó nhờ một người bạn facebook tốt bụng tìm giúp tôi thuê căn phòng trọ, thế là ở lại California hòa mình vào cuộc sống của cư dân địa phương… 

Buổi sáng đầu tiên hoàn hồn sau một giấc ngủ dài, tôi lắng nghe không gian chung quanh thật tĩnh lặng, bầu không khí trong sạch, mát lạnh dễ chịu, có cảm giác như đang ở Đà Lạt. Mặc áo khoác cho đủ ấm, tôi e dè bước chân ra đường, những dãy nhà san sát cách nhau một bức tường với những khóm hoa tươi thắm còn đẫm hạt sương mai long lanh dưới ánh bình minh, xe hơi đầy trên sân nhà và đậu ra cả lề đường những chiếc xe im ỉm nối đuôi nhau thành dòng dài bất tận, tôi đi bộ dọc theo đường Jennifer ra Bushard,...Ồ đường Bushard quá rộng lớn, xe hơi chạy vu vu nhưng rất nhịp nhàng, không chen lấn, không tiếng còi xe, không khói bụi. Tôi yêu thích vô cùng sự tĩnh lặng, trong lành của phố xá trong sự tất bật của dòng xe lướt qua nhanh bắt đầu nhịp sống của một ngày mới. Nó hoàn toàn khác lạ những con đường chật hẹp với những chiếc xe tải chen lấn xe con và xe hai bánh với tiếng còi inh ỏi điếc tai và bụi bặm ngút trời ở Việt Nam. Điều khiến cho tôi đặc biệt thích thú hơn nữa là khi đến các ngã ba, ngã tư thì những người tài xế luôn nhường đường cho người đi bộ, nó cũng khác ở Việt Nam khi bạn phải băng qua các con lộ thì vô cùng nguy hiểm vì những chiếc xe chạy như ăn cướp không bao giờ nhường đường cho bạn, thậm chí các tài xế xe container, xe tải còn ỷ mạnh hiếp yếu lấn đường, lấn làn khiến cho tai nạn giao thông xảy ra thường xuyên cướp đi sinh mạng của khách bộ hành hoặc người lái xe hai bánh rất dã man. 

Hệ thống giao thông ở Mỹ thật khoa học và hiện đại với các cột đèn tín hiệu giao thông, và cũng khác hẳn ở Việt Nam ngay góc mỗi ngã ba, ngã tư các cột đèn có nút để người đi bộ ấn vào đó đợi tín hiệu bật lên và ung dung băng qua đường không phải sợ bị tai nạn giao thông mặc dù xe hơi rất nhiều và chạy vu vu vì tất cả mọi chiếc xe đều phải dừng lại đợi khách bộ hành đi qua trong vài phút. Ở Việt Nam bạn băng qua các ngã ba ngã tư thật vô cùng nguy hiểm, xe container, xe tải, xe con chạy chẳng những không nhường đường mà còn hù dọa bạn với tiếng còi đinh tai nhức óc khiến cho bạn có thể bị giật mình buông tay lái xe hai bánh, thậm chí có khi còn bị té ngã vì hốt hoảng…

Một buổi sáng, cô bạn ở Anaheim gọi điện:

- Chị ơi! Mình tham gia cắt may khẩu trang ủng hộ cho các bệnh viện đi chị.

- Ok, chị sẵn sàng làm bất cứ việc gì để góp bàn tay vào việc công ích, giúp đỡ cộng đồng. 

Thế là cô bạn đến chỗ phòng trọ chở tôi tới nhà cô ấy để cắt khẩu trang.

Trong lòng tôi vui lắm, tôi cảm thấy mình phải có trách nhiệm làm một việc gì đó gọi là thể hiện lòng tri ân nước Mỹ đã cưu mang rất nhiều đồng bào Việt nam diện HO, cũng như bản thân tôi cũng đã “mắc nợ “nước Mỹ. Bởi vì nước Mỹ khác với các nước châu Âu, nếu bạn muốn đi du lịch châu Âu thì phải chứng minh có thật nhiều tiền bạc của cải, nước Mỹ thì không, chính phủ Mỹ trân trọng giá trị văn hóa, bản chất người Mỹ hào phóng, cởi mở, vì vậy khi được thư mời và giấy giới thiệu là thành viên danh dự của một tổ chức phi lợi nhuận, thì tôi được sứ quán Hoa Kỳ cấp visa cho đi không cần phải chứng minh tài sản, nhân viên phỏng vấn cũng rất tế nhị không hề hỏi đến đồng lương của tôi. 

Bên cạnh đó, đến Mỹ trong giai đoạn đại dịch Chinese corona, tôi mong muốn được góp phần vào công tác xã hội, những mãnh vải do tôi cắt sẽ được may thành khẩu trang và được đem đến các bệnh viện giúp cho các bác sĩ, các y tá để giảm thiểu bị lây nhiễm thì tôi cảm thấy hạnh phúc vì đã không sống những ngày tẻ nhạt vô vị trên đất nước mà mình đặt chân đến.

Tuy nhiên tôi cũng gặp phải trở ngại với chủ nhà:

- Nè em không được đi ra ngoài lỡ bị corona thì cả nhà bị lây nhiễm theo!

- Dạ, chị yên tâm, em với cô bạn cắt vải tại nhà, cô ấy cũng có con nhỏ nên cũng rất cẩn thận, kỹ lưỡng. Ai mà không tham sinh húy tử nhưng nếu ai cũng chỉ nghĩ đến bản thân mình thì ai làm bác sĩ, y tá, ai làm việc xã hội...

- Ừ, thôi em đi đi ....đem về cho chị vài cái khẩu trang với nhé !

- Dạ, em với cô bạn chỉ cắt vải thành mãnh chứ không may vì không có bàn máy may ở nhà, cắt xong thì gởi đến nhóm khác may! ...

Hôm đó chín giờ tối về đến nhà, mệt nhoài, nghĩ đến các vị bác sĩ, y tá chăm sóc bệnh nhân trong bệnh viện còn vất vả nhọc nhằn hơn nhiều lòng tôi dâng tràn cảm giác mến yêu. Ôi! các vị bác sĩ, y tá Hoa Kỳ thật xứng đáng là “ thiên thần áo trắng “....

Một buổi sáng đi dọc theo con đường Jennifer tôi ngạc nhiên nhìn thấy những tấm áp phích người ta cắm dọc theo hai bên đường Vote, Yes, No Recall,...Ồ chuyện gì thế? Tôi tìm hiểu mới biết đó là người dân Westminster thể hiện quyền công dân qua việc chuẩn bị tổ chức bãi nhiệm thị trưởng Westminster, và tất nhiên phải trãi qua một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm. Phe khác dường như là một vị cảnh sát muốn nhân dịp bãi nhiệm ông thị trưởng mà tranh cử để thay thế. Việt Nam không bao giờ có chuyện như thế nên đối với tôi là một điều thật vô cùng thú vị. Tôi rất thích thú với việc cư dân Westminster có quyền lựa chọn hay bãi nhiệm thị trưởng và buồn cho dân tộc Việt Nam chưa bao giờ có việc như thế mà tất cả các chức vụ từ địa phương đến cấp cao đều do đảng Cộng Sản Việt nam toàn quyền quyết định, các cán bộ đảng viên mua chức mua quyền bằng tiền tham nhũng và bán tài nguyên của đất nước. Người dân bị tước đoạt quyền công dân, không có quyền bầu cử, ứng cử mà nhiều người vẫn không hiểu biết về điều này do chính sách ngu dân để trị của nhà cầm quyền Cộng Sản Việt nam đã “ thành công rực rỡ “ trên mãnh đất quê hương hình chữ S đau thương.

Rồi tôi tìm hiểu vì sao cư dân Westminster có người muốn bãi nhiệm thị trưởng có người thì không muốn. Lý do gì ? Và nếu là công dân Mỹ, là cư dân Westminster thì tôi cũng tham gia vào cuộc bỏ phiếu tín nhiệm này tất nhiên là phải cân nhắc và tìm hiểu hư thực rõ ràng nhưng tiếc thay tôi không được có quyền đó...

Số người bị nhiễm virus corona ngày càng tăng cùng với số người chết, mọi người hạn chế ra ngoài, tôi cũng vậy, nhốt mình trong phòng, không đến đổi buồn chán ở nhà mặc sức viết lách nhưng tôi buồn vì canh cánh không biết bao giờ hết dịch bệnh và ở đây mỗi ngày là một nỗi lo: tiền phòng trọ dần dần nuốt hết số tiền dành dụm sau mấy chục năm dạy học của tôi ở Việt Nam! Thật lạ ở Mỹ thức ăn rẻ rất nhiều so với Việt Nam, thịt, cá, sữ , quần áo, giày vớ, xà bông, đồ điện tử, tủ lạnh, tivi,.. đều rất rẻ nhưng chỉ có tiền thuê phòng trọ là mắc. Nghe nói ở tiểu bang California giá nhà cao hơn các tiểu bang khác, tôi chưa đặt chân đến tiểu bang khác nên cũng không rõ lắm.

Lần đầu tiên đặt chân đến Hoa Kỳ, đối với tôi mọi thứ đều vô cùng lạ lẫm, tôi như bị rớt lên cung trăng, chơi vơi không có cảm giác về ngày đêm, không có cảm giác về không gian và cũng không biết ngày mai sẽ ra sao nhưng mặc kệ vốn là người say mê thiên nhiên mà nước Mỹ được thiên nhiên ưu đãi quá nhiều có hai bên bờ Tây và Đông được bao bọc bởi Thái Bình Dương và Đại Tây Dương ngút ngàn, có núi non hùng vĩ. Được đặt chân đến xứ sở cờ hoa thỏa lòng mong ước nhưng cũng thật là đáng tiếc cho tôi đến Mỹ trong cơn bão coronavirus khiến cho chuyến đi mơ ước gặp phải rất nhiều gian truân, sau này tôi sẽ viết hồi ký kể lại những ngày “ trôi dạt “ ở Hoa Kỳ trong cơn đại dịch corona hiểm họa của nhân loại với những người giàu lòng nhân ái đã giúp đỡ tôi và cả những người lợi dụng dịch coronavirus mà làm khó dễ trong việc cho thuê phòng.

Dẩu sao tôi vẫn ngưỡng mộ siêu cường quốc số 1 thế giới này. Trong tâm tôi nước Mỹ vô cùng quyến rủ không chỉ vì được Thiên Nhiên ưu đãi, điều khiến cho tôi có cảm giác yêu quý đất nước này chính là ở con người, người Mỹ lịch thiệp, tử tế, nhân hậu, tốt bụng. Và ngoài ra còn một điều mà ở Việt nam không hề có là chính phủ rất chăm lo cho người dân. Mặc dù gặp phải nhiều thiệt thòi vì đã đến Mỹ trong cơn bão coronavirus nhưng tôi vui với niềm vui của những công dân Mỹ được lãnh tiền trợ cấp của chính phủ, họ thật diễm phúc khi được sống ở một chế độ mà chính phủ có trách nhiệm và chăm lo cho dân chu đáo, tỉ mỉ. 

Trong tâm tôi nước Mỹ vĩ đại đúng cả nghĩa bóng và nghĩa đen. Không phải là công dân Hoa Kỳ nhưng tôi vẫn PRAY FOR UNITED STATES OF AMERICA sớm vượt qua đại dịch ổn định nền kinh tế. Tôi cũng không quên cảm ơn tất cả bạn bè đã quan tâm an ủi động viên giúp đỡ tôi trong hoàn cảnh tôi đến Mỹ trong cơn đại dịch phải gặp rất nhiều khó khăn và đôi lúc cũng phải buồn tủi mà tuôn trào nước mắt.

“Vouloir c’est Pouvoir” tôi vẫn mơ sẽ đến được nơi có tượng Nữ Thần Tự Do để chụp tấm hình mặc áo dài Việt Nam, nhất định tôi phải thực hiện được điều này.

Tôi đi trong cơn bão coronavirus và được đặt chân đến Hoa Kỳ trong sự bình an đó là một điều vô cùng kỳ diệu .

No comments:

Blog Archive