Monday, June 15, 2020

Quần Đảo Ngục tù

Khi người dân ở xứ sở của Ivan Cuồng Nộ, của Nữ Hoàng Catherine, của Pyotr Đại Đế.... giật sập tượng Lenin, Stalin và Karl Marx, họ dựng lại một tượng đài khác, một tù nhân chính trị khét tiếng.

Lần này là Alexander Solzhenitsyn, đại văn hào Nga, Nobel văn chương năm 1970, mãi tới 1974 mới nhận.

Hỏi quyển sách này đáng sợ như thế nào? Là như quyển sách Trăm Năm Cô Đơn của Garcia Marquez - người ta không cần phải đọc từ đầu. Mỗi lần mở ra một trang bất kỳ trong Quần Đảo Ngục tù, tưởng như mở ra một tầng địa ngục mới. 
-------------------------
...Trong một bức thư từ cô con gái 15 tuổi gửi tới một người tù chính trị, cũng là một người mẹ đang ở Yelizaveta Tsvetkova - nhà tù giành cho những tù nhân có án tù dài hạn:

"Mẹ! Nói với con - mẹ có tội không? Con hy vọng mẹ không có tội, bởi vì như vậy thì con sẽ không gia nhập Komsomol nữa (Đoàn Thanh Niên), và con sẽ không tha thứ cho họ vì chuyện này. Nhưng nếu mẹ có tội, con sẽ không viết thư cho mẹ nữa và con căm ghét mẹ!"

Và người mẹ cảm thấy vô cùng hối hận trong xà lim ẩm thấp, chật hẹp như một hầm mộ, dưới ánh đèn leo lét: "Làm sao con bé có thể tồn tại nếu không gia nhập Đoàn Thanh Niên? Sao con bé có đủ sức mạnh để phản kháng lại quyền lực Soviet? Tốt hơn là con bé nên ghét mình." Và người mẹ viết: "Mẹ có tội.... con vào Đoàn đi!"
-------------------------
Câu trả lời là gì đây? Sao anh có thể đứng vững khi anh yếu đuối và mẫn cảm với nỗi đau, khi người anh yêu còn sống, và anh không hề chuẩn bị? Điều gì làm anh mạnh mẽ hơn người thẩm vấn anh và toàn bộ những cạm bẫy giăng ra phía trước anh? 

Ngay từ lúc anh bước vào nhà tù, anh phải quên đi cái quá khứ ấm áp lại sau lưng. Và ngay ngưỡng cửa ngục tù, anh phải tự nhắc mình: "Ta đã chết, hơi sớm, nhưng không thể làm gì nữa. Ta sẽ không còn tự do. Và ta bị kết án tử hình - giờ hoặc muộn hơn chút. Nhưng càng về sau thì sẽ càng tệ, nên tốt nhất là sớm hơn. Ta không còn tài sản gì nữa. Với ta những người thân yêu đã chết, và với họ ta đã chết. Từ đây trở đi, thân thể ta vô dụng và không còn là của ta nữa. Chỉ còn linh hồn và lương tâm của ta là thứ quý giá sót lại cho ta!"

Khi đối diện với người tù như vậy, thẩm vấn viên sẽ run rẩy. Chỉ có những người dám từ bỏ tất cả mới có thể chiến thắng.
-------------------------
Dân Blatnye (tù hình sự) hiếp dâm tập thể

Trong xà lim Butyrki, ông Đại tá già đã kể lại “thành tích đặc biệt” mà dân blatnye đã lập được trên chuyến xe bít bùng đi từ pháp đình Mạc Tư Khoa đến khám đường Taganka, ngày mồng 8 tháng 3 nhằm Ngày Phụ nữ Thế giới (!) Cô thư ký xinh đẹp sáng hôm ấy còn trang điểm sáng sủa hơn ngày thường để ra hầu toà (chắc để gieo ấn tượng tốt nơi quý vị thẩm phán). Tội danh có gì đâu. Chỉ là “bỏ sở đi chơi, nghỉ không xin phép” mà ông sếp thuyết phục làm nhân tình không được nên bịa đặt ra. Vậy mà trước Toà cũng lãnh án 5 năm vì điều 58 và lên xe bít bùng đã bị “bề hội đồng”. Dù xe bít bùng nhưng vẫn là giữa ban ngày và giữa đám đông công chúng là những người có mặt trên chuyến xe. Những “công chúng” đã làm lơ, coi như không có chuyện gì xảy ra. Đừng hỏi tội về ai, về đám blatnye vô lương tâm, vì lính hộ tống đồng lõa, hay vì ông sếp đốn mạt!
-------------------------
Tàu chở người đi tới trại tập trung. Toa tàu có mấy buồng giành cho 4 người. Lính canh nhét 36 người, đứng ngồi nằm đè lên nhau như cá trích. Hít thở trong cùng một buồng tàu. Mấy bà nữ tu chết, lính canh quăng xuống đường tàu. Tới nơi thì trong tàu bắt đầu dễ thở, vì mấy người chết đã quăng đi hết. Mấy buồng như vậy là gần 120 người. Mỗi người được đi toilet 1 phút. Nhưng vì tù chính trị, nên đi toilet cũng phải có 3 người canh. Tuột quần xuống ngồi xuống đúng 1 phút thì phải đứng lên. Không có giấy, cũng đừng có rửa tay, không có thời gian, bước lại vào trong toa tàu. Lính canh cho mỗi người đi một lượt cũng hết 2 tiếng, phát mệt và phát tởm, nên nhiều khi gắt, nửa chừng không cho đi nữa. Lỡ ai có đi ra quần thì bốc bằng tay, xin lính canh cho đi vứt vào toilet. 
-------------------------
Hồi đó phát thức ăn là phát cho tổ. Không phát từng cá nhân. Cứ mỗi tổ 10 người . Tổ nào có một thằng chết dại gì khai báo vội. Hãy nhét đỡ nó xuống gầm ổ, để tiếp tục chia nhau chỗ khẩu phần của nó. Nghĩa là 9 miệng hưởng 10, chừng nào xác có mùi hẵng hay! Chen chúc khốn nạn vậy mà nhà tù cứ nhét thêm và tù cứ ráng chịu: bao nhiêu cũng vừa. Phiền nhất là đông như vậy tù chỉ được phép, 3 tháng tắm 1 lần. Chấy rận nảy nở khỏi nói: 

Chúng hút máu đến nỗi chân cẳng thằng tù nào cũng đầy nhọt áp xe. Bệnh chấy rận tệ hơn nhiều. Vì bệnh dịch quái ác này mà cả khám bị cô lập đúng 40 ngày.
-------------------------
Nhà văn Nga có lệ ưa tả những cái gì thanh cao, tránh bằng hết những danh xưng tục tĩu, thô bỉ. Họ không khoái mổ xẻ vấn đề chia ly, đặt kính hiển vi vào cả những thứ tầm thường, nhỏ mọn nhất cho các cây viết Tây phương để thấu hiểu cho nỗi khổ tâm của một thằng tù bị tống vô một xà lim với số tù chen chúc 20 lần nhiều hơn, mà mỗi ngày chỉ được phép dẫn đi cầu đúng 1 lần! 

Nhà văn Tây phương chú ý đến xã hội của họ không thể quan niệm nổi một nếp sống (dù là tù đày) mà người vô trước khuyến cáo người vô sau nếu mắc đái quá hãy tống đại vào lòng nón , và chiếc giày bốt dựng ngửa lên rồi lộn đầu trong ra ngoài, đặt xuống đất là có một cái cầu tiêu khá chắc chắn, xài tạm được. 

Những đầu óc Tây phương đó làm sao thấu triệt nổi nguyên tắc “ít ăn ít ỉa, ít uống ít đái” tốt đẹp ở khám đường Minusink. Mỗi tổ 4 người, mỗi ngày lãnh một chậu thức ăn, 1 ca nước uống. Có vậy thôi, liệu mà chia nhau! Có 4 thằng tù với nhau mà chia chác cho đều đâu phải dễ. Chưa kể đến thằng giành giữ chậu thức ăn, thằng đòi giữ lại phần nước, chưa uống vội. Những vấn đề không giải quyết nổi chỉ nhà tù không cung cấp đủ chậu đủ ca cho tù, dù 4 thằng xài chung 1 cái!
-------------------------
Tù hình sự dùng để trị tù chính trị. Vì tù hình sự dẫu sao vẫn còn hơn bọn phản quốc. Nên vào tù, vợ con gói ghém gửi gì cho tù chính trị, tù hình sự lột bằng sạch. Chẳng ai dám nói gì, vì ai cũng bị như vậy. Đồng rúp khâu trong áo. Sợi dây thánh giá đeo cổ...
....

Putin là một độc tài kiểu mới, nhưng dân Nga, so ra vẫn còn hơn dân Việt. Là bởi ở Nga, trẻ em đi học cấp III bắt buộc phải đọc Quần Đảo Ngục Tù.

Bởi nếu không, thế hệ sau sẽ không bao giờ nhìn ra tội ác Cộng Sản.

Người Do Thái dạy con trẻ thế nào? Trong các câu chuyện về tổ tiên của họ, câu chuyện về Cain và Abel nhắc nhở rằng ngay cả khi con người đồng tại với Thần, con người vẫn sẵn sàng hủy hoại thế giới của Thần.

Cuộc đời này dẫu có bao nhiêu người cố gắng làm chuyện tốt đi chăng nữa, thì vẫn sẽ có những người khác đi qua cuộc đời này đầy căm hận mà làm chuyện độc ác. 

Oan có đầu, nợ có chủ. Tai ương phía trước còn nhiều. Làm gì có phúc phần cho xứ nào còn bám víu vào Cộng Sản chứ?

FB Andrew Nguyen

No comments:

Blog Archive