Những Tháng Ngày Đen Tối
Lê Xuân Mỹ
***
Những ngày cuối tháng Tư 1975, Sài Gòn đắm chìm trong cơn hỗn loạn. Tin tức về một cuộc chiến kết thúc bi thảm được truyền đi kéo theo một dòng người tìm mọi cách vượt thoát khỏi quê hương. Không nhận được tin người đến đưa toàn bộ gia đình ra đi như đã hứa, tôi cùng ba và gia đình người em gái đi thẳng từ Tổng Nha Cảnh Sát về bến Bạch Đằng nơi con tàu VNTT đang ngập tràn những dòng người từ khắp nơi đổ về. Hai vợ chồng em gái lên tàu trước. Tôi và ba chần chờ sửa soạn lên sau.
Trong cái dòng người hoảng loạn, trong cái âm thanh cuồng nộ những ngày cuối cùng của tháng Tư, hai cha con vẫn còn nhìn về hướng Lăng Ông Bà Chiểu, nơi nhà tôi ở đó. Vẫn còn hy vọng mẹ và các em đến kịp để cùng đi. Đợi mãi vẫn không thấy. Tàu sắp nhổ neo, mẹ và các em tôi vẫn biệt tăm. Ba bảo: thôi con lên trước đi, ba đợi thêm một tí nữa, mình gặp nhau trên tàu. Trong mắt ba vẫn còn ánh lên một tia hy vọng. Nhưng tôi biết là đã hết. Thời gian không còn kịp nữa. Ba hối thúc tôi lên tàu, riêng ba không đành bỏ vợ và những đứa con còn nhỏ dại, quyết định quay lại. Với tôi, ra đi hay ở phải là một quyết định trong chớp mắt. Nhưng sao đành bỏ lại ba một mình với khuôn mặt và cặp mắt thất thần như vậy. Tôi lắc đầu. Thế là tôi và ba đi ngược lại dòng người vẫn cuống cuồng chạy về phía bờ sông, dù con tàu đã từ từ rời bến. Cùng với hàng triệu người miền Nam Việt Nam, tôi và gia đình bắt đầu sống những tháng ngày đen tối nhất.
Đêm khi nghe tin Đại Tướng Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng trên đài phát thanh, ngoài đường những nhóm người đội mũ cối cầm súng đi qua đi lại, cả gia đình tôi chui dưới chân cầu thang, tắt đèn tối thui, ẩn trốn, và ba ôm mẹ khóc. Thế là chấm dứt một quảng đời, lịch sử đã sang trang và chúng tôi đã cảm thấy một tương lai mịt mù sắp tới.
Ngay ngày đầu tiên của tháng năm 1975, vừa mới sáng sớm một đoàn người thật đông đảo gồm cán bộ và công an ghé vào nhà, kêu ba tôi ra trình diện. Ba được lệnh trong thời gian này phải ở nhà, không được đi đâu cả cho đến khi có lệnh mới. Tên cán bộ dẫn đầu sau đó đi một vòng khắp nhà, ngang qua phòng khách, giật đứt chiếc điện thoại để bàn, xem giấy tờ từng người và trước khi ra về, lấy luôn chiếc đồng hồ đeo tay của ba trên đầu tủ thờ. Chiếc đồng hồ kỹ niệm của ông nội mà ba rất quý. Mẹ chắc lưỡi - thôi kệ, của đi thay người. Mạ nói vậy thôi chứ không muốn cũng không được. Những ngày sau đó, thời gian trôi qua thật dài. Dài trong âu lo, trong chờ đợi, thấp thỏm về một điều bất hạnh sẽ xảy ra.
Trong những ngày sau đó, ba tôi sống trong hoang mang, lo sợ, không dám bước ra khỏi nhà. Mặt ba lúc nào cũng căng thẳng. Riêng tôi mỗi ngày vẫn lên trình diện cơ quan rồi về. Lên để biết thì ra có những bạn bè cùng sở làm ngày xưa, từng cùng vui chơi sinh hoạt với mình bây giờ đội mũ cối, cầm súng lầm lì đi ra đi vào. Có người còn chào hỏi tử tế nhưng có đứa mặt mày vênh váo, kênh kiệu. Những nhân viên còn ở lại, không phải dân cộng sản nằm vùng hay những kẻ ăn theo mà chúng tôi gọi là việt cộng 30 tháng tư, tụm lại một phòng trên lầu, co cụm đến tội nghiệp.
Tôi biết ba vẫn còn một tia hy vọng người em út đi “tập kết” từ những năm 1954, đang làm lớn trong chính quyền cộng sản và hình như đang có mặt tại Sài Gòn. Nghe đâu là chính ủy một đơn vị không quân gì đó. Ba kể hồi nhỏ ba và chú rất thương yêu nhau, ngày chú đi vào rừng theo kháng chiến, ba là người cuối cùng gặp và đưa chú vào chiến khu. Ba vẫn nghĩ nếu có chú quay về chắc ba sẽ không sao.
Ba như một người sắp sửa bị chìm tàu, cố bám víu một chút hy vọng nào đó để sống, dù rất mỏng manh. Với tôi, mọi chuyện không dễ dàng như thế. Tôi nghĩ ba quá ngây thơ, nhưng biết làm sao được, một người sĩ quan cảnh sát thất trận, một vợ và 8 đứa con nheo nhóc trong một thành phố không còn thuộc về mình, chung quanh đầy rẫy những hiểm nguy, bất trắc, vẫn đang cố bám víu một hy vọng dù rất mong manh. Có thể ba đang cố quên nhưng với tôi, ký ức về một Mậu Thân khủng khiếp ở Huế vẫn còn đó, không thể nào không nhớ. Những cuộc trả thù tàn khốc chắc chắn sẽ xảy ra. Không ảo tưởng như ba, tôi chờ đợi và biết rằng ngày đó sẽ đến, không xa.
Một ngày đầu tháng Sáu, như ba đang mong đợi, chú tôi đi cùng một vài bộ đội cầm súng ghé nhà thăm gia đình chúng tôi. Một trung tá chính ủy thuộc đơn vị phòng không không quân cộng sản, ghé thăm cựu thiếu tá cảnh sát chế độ cũ. Hai anh em thuộc hai chiến tuyến gặp nhau tại Sài Gòn sau 20 năm xa cách. Hai người đi hai con đường khác nhau, cuối cùng hội tụ tại một nơi. Cũng chào hỏi, cũng mừng mừng tủi tủi, cũng nhắc lại chuyện xưa, nhưng tôi biết quan hệ đã không còn như trước nữa. Nói thật lòng, chú tôi nhìn bề ngoài gầy gò khắc khổ, ít nói và trông có vẻ hiền lành chứ không đến nỗi dữ dằn như trong tưởng tượng của tôi. Nhưng tôi vẫn không thể chuyện trò thân mật với chú được. Một bức tường vô hình đã chắn ngang trong quan hệ của chúng tôi.
Cuối tháng sáu, cái ngày tôi biết chắc chắn phải đến, cuối cùng đã đến. Ba tôi nhận giấy đi “trình diện học tập cải tạo” dành cho đối tượng sĩ quan “Nguỵ quân, nguỵ quyển”. Địa điểm tập trung: trường Trung Học Chu Văn An. Trong giấy ghi rõ “đem theo dồ dùng cá nhân để sử dụng từ 10 đến 30 ngày”. Nhận được giấy báo, ba mừng như thoát được gánh nặng canh cánh bao lâu nay. Ba bảo:
- Tôi nói có sai đâu bà, bây giờ hoà bình rồi họ không trả thù như hồi Mậu Thân đâu. Kỳ này tôi chỉ đi học tối đa một tháng mà thôi. Trình diện ngay tại Sài Gòn này thôi. Xong đợt học tập này rồi mình sẽ được đối xử như những người dân bình thường. Tôi tính gia đình mình sẽ về lại Đà Nẵng sinh sống. Có mắm ăn mắm có rau ăn rau.
Mẹ tôi, với linh cảm và yếu đuối của đàn bà, lên tận sân bay Tân Sơn Nhất xin gặp chú nhờ giúp đỡ. Biết đâu nhờ quan hệ anh em, ba sẽ được miễn đi tập trung hoặc nếu không chắc cũng được cho về sớm. Liếc sơ qua giấy báo “trình diện học tập” chú nói:
- Chị đừng lo, cách mạng khoan hồng lắm, anh cứ đi, học tập khoảng mươi ngày nửa tháng là xong thôi. Cứ học tập thật tốt, về sớm đúng ngày, không sao đâu.
Mẹ tôi an lòng chuẩn bị mền, mùng, thức ăn khô cho ba. Riêng tôi, qua trực giác, qua sách báo đã đọc, và qua kinh nghiệm những ngày Huế bị tạm chiếm năm Mậu Thân, tôi nghi ngờ về chữ “học tập tốt” mà chú vẫn thường nhấn mạnh. Tôi biết là mọi chuyện chỉ mới bắt đầu. Để xóa đi ký ức của một sĩ quan cảnh sát 51 tuổi đời, 25 năm quân ngũ, và để đào tạo thành một người “công dân chế độ Xã hội Chủ nghĩa”, chắc chắn không thể là 10 ngày hay một tháng ngắn ngủi như thế. Tôi biết là chú đã không nói thật, và ba thì ảo tưởng hoặc có thể đã biết nhưng muốn che giấu mẹ con tôi, cố gượng vui chờ ngày lên đường. Có những đêm thức giấc giữa đêm khuya tôi thấy ba ngồi lặng lẽ hút thuốc liên tục ngoài hiên. Đôi vai như quằn xuống, tôi chua xót nhận ra chỉ trong một thời gian quá ngắn ba đã già đi rất nhiều. Trong cái bóng tối mênh mông, tôi cảm thấy mình quá nhỏ bé và vô dụng vô cùng.
Một ngày trước khi đi, ba dặn riêng tôi không cho mẹ biết, hai cha con ra chợ Bến Thành. Ba nói ba còn để dành 2 lượng vàng, bán xong con nhớ đem về cất riêng, khi nào mẹ và các em cần tiền thì con đưa cho mẹ. Ba không biết khi nào về, con nhớ cùng mẹ lo cho các em. Thì ra ba không ngây thơ như tôi tưởng, tất cả nụ cười trên khuôn mặt ba thường ngày chỉ là giả tạo. Lúc này không có mẹ bên cạnh, ánh mắt ba bây giờ mới là thực. Nhìn khuôn mặt hoang mang đến tội nghiệp của ba, tôi thấy mắt mình cay cay. Thương ba vô cùng nhưng tôi không biết phải làm gì để an ủi, chỉ biết nắm chặt tay ba chia sẽ một nỗi đau.
Cuộc mua bán 2 lượng vàng diễn ra nhanh chóng và lén lút. Tôi ngồi trên xe canh chừng công an, ba đưa vàng, người bán đếm tiền gói lại đưa cho ba, ba lại đưa tôi. Liếc ngang liếc dọc, bỏ vô túi xách, ôm kè kè bên mình, về nhà cất kỹ trong két khoá lại, phòng khi bất trắc.
Sáng sớm hôm sau, một ngày đầu tháng 7 năm 1975, ba từ giã gia đình đi “trình diện học tập cải tạo”. Ba ôm mẹ, hôn các em. Mẹ, các em đều khóc. Bé út khóc to nhất. Tôi ráng cắn chặt răng, mắt cay cay, hối hả đạp xe chở ba đến trường Chu Văn An. Không ai nghĩ rằng, đó là lần cuối cùng mẹ và các em gặp ba, còn sống. Trước cổng trường, đông nghẹt những người đi trình diện và những thân nhân lóng ngóng bên ngoài. Tay xách ba lô, ba lủi thủi đi vào, trước khi bước qua cánh cửa sắt có mấy tên công an đứng gác, ba quay lại nhìn tôi như nhắc nhở con nhớ thay ba lo cho mẹ và các em. Khi bóng ba mờ khuất sau dãy lớp, nỗi đớn đau kềm hãm bấy lâu vỡ oà, tôi khóc ngon lành như một đứa trẻ. Tôi biết rằng ngày ba trở về còn xa lắc xa lơ.
Từ khi ba đi, căn nhà trở nên vắng vẻ vô cùng. Mẹ phần lo chạy gạo hằng ngày, phần lo lắng nhớ ba, gầy đi trông thấy. Tuy nhiên mẹ vẫn hy vọng 1 tháng sẽ trôi qua nhanh chóng, ba trở về và mọi chuyện sẽ trở lại như xưa. 10 ngày, 30 ngày rồi 45 ngày trôi qua, chúng tôi bắt đầu sốt ruột, lo lắng. Mẹ cứ mỗi ngày hết đi ra lại đi vào, hết lên phường hỏi thăm tin tức rồi lại lên Tân Sơn Nhất tìm gặp chú. Vẫn là 1 câu trả lời:
- Chắc sắp được về thôi. Anh học tập tốt thì cách mạng sẽ cho về, chị đừng lo.
Câu chị đừng lo càng lúc càng trở thành vô dụng khi bao tháng ngày trôi qua, vẫn không một tin tức gì về ba. Mẹ già hẳn đi. Cuộc sống càng ngày càng khó khăn cho một gia đình 11 miệng ăn. Đồng lương ít ỏi của tôi không đủ nuôi sống cả gia đình, mẹ bắt đầu đem đồ đạc trong nhà ra chợ bán. Chú thì thỉnh thoảng vẫn ghé thăm nhưng thưa thớt hơn nhiều. Có lẽ vì bận rộn nhưng cũng có lẽ sợ không biết phải trả lời sao với mẹ. Không lẽ đợi anh “học tập tốt, cách mạng khoan hồng”, hay là chắc sắp về khi mà ngày mai của chú có thể là một ngày không bao giờ đến.
Thấm thoát rồi cũng qua một năm. Mẹ vẫn mỏi mòn chờ đợi trong vô vọng, ba vẫn biền biệt phương nào. Không một tin tức, không một dấu vết, dù nhỏ nhoi. Có những đêm Hai mẹ con chỉ biết ôm nhau khóc. Nhớ ba , nhớ những ngày êm ấm cũ. Bỗng nhiên tôi chợt nhớ đến số tiền bán 2 cây vàng giấu trên gác. Một số tiền khá lớn thời bấy giờ. Ai ngờ khi mở gói tiền tôi sững sờ nhìn thấy nguyên bó tiền chỉ có hai tờ đầu là tiền thật, ở giữa toàn là giấy báo. Thì ra lợi dụng việc mua bán chui lén lút, vừa bán vừa canh chừng công an, khi đưa tiền, người bán đã tráo đổi gói tiền đang đếm bằng gói tiền gói sẵn. Cho đến khi chết chắc ba cũng không thể ngờ những đồng tiền cuối cùng ba để dành cho mẹ là con số không to tướng.
Trong những tháng năm sau đó, cuộc sống càng ngày càng khó khăn. Mẹ mỗi ngày tiếp tục ra buôn bán đồ cũ chui trước chợ Tân Định. Sạp hàng là một tấm vải ni lông, cột dây bốn góc để dễ túm lại khi có công an đến. Thời đó buôn bán trên vĩa hè là phạm pháp. Vừa mua bán vừa láo liên canh chừng công an. Nếu công an tới thì túm tấm ni lông bỏ chạy vào nhà lồng chợ. Công an đi khỏi, đem hàng ra bày bán tiếp. Đồ bán khi thì một đôi giày, một chiếc áo cũ hay có khi chỉ là lớp vải lông thú tách ra từ những chiếc áo lính ngày xưa.
Có gì bán nấy. Khởi đầu là đồ đạc trong nhà, sau đó là đồ mua lại từ những người có cùng hoàn cảnh đem bán. Cũng có khi là đồ chôm đồ chỉa, cũng lây lất qua ngày. Các em còn quá nhỏ, chỉ mình tôi với mẹ, sĩ diện, lòng tự trọng của một kỹ sư cũng đem chôn chặt trong lòng. Tôi mỗi ngày, sau giờ làm việc cũng ra chợ Tân Định, vừa canh chừng công an, vừa giúp mẹ khi cần ôm hang chạy trốn. Trong những ngày vô cùng khốn khó đó, thỉnh thoảng chợt nhớ về thời thơ ấu cũ lòng thật buồn. Những ngày tươi đẹp ấy đã quá xa. Những lo lắng về cuộc sống và một tương lai mù mịt, làm tôi trở nên lạnh lùng chai đá. Dù rằng cũng có đôi khi, tôi một mình khóc thầm trong đêm.
Như một định mệnh, trong những ngày cùng cực khốn khó đó tôi gặp C. vợ tôi bây giờ. Người ta hay nói vợ chồng là duyên là nợ. Điều này rất đúng với chúng tôi. Trước 1975 tôi và C. cùng làm chung tại Trung Tâm Bưu Chính Viễn Thông thuộc Bưu Điện thành phố Sài Gòn. Gặp nhau thường xuyên nhưng ít khi nói chuyện.
Nàng làm thư ký cho ông Desai, giám đốc chương trình đào tạo của Liên Hiệp Quốc, là một người đẹp, nhiều người theo đuổi.
Tôi là kỹ sư mới ra trường. Tốt nghiệp Bách Khoa Phú Thọ, tôi chọn vào làm việc ở Trung Tâm Huấn Luyện Bưu Chính & Viễn Thông vì cái học bổng cao học về viễn thông tại Tân Tây Lan. Tôi ghét cái kênh kiệu và lạnh lùng của nàng. Nàng thì ghét cái giọng Huế nặng trịch của tôi. Tôi càng ghét nàng khi bài thi xếp hạng để đi du học của tôi bị cộng sai điểm. Tôi khiếu nại không được. Và vì vậy tôi bị sắp đi đợt 2 vào tháng 12 thay vì đợt đầu vào tháng giêng năm 1975.
Chuyến đi du học tháng 12 bị bãi bỏ do biến cố 1975. Tự an ủi xem như chưa có số xuất ngoại dù trong lòng tôi buồn và tức. Nhưng có lẽ vì vậy nên sau này nàng đã phải ở bên cạnh tôi, trả nợ suốt đời. Cùng hoàn cảnh, cùng thuộc gia đình “ngụy quân ngụy quyền”, cùng ghét Việt Cộng như nhau, chúng tôi gặp nhau thường xuyên trong những lần bắt buộc đi nghe các buổi nói chuyện về chính trị, về “chủ nghĩa Max Lenin”. Chúng tôi hay chọn ngồi dưới hàng ghế cuối cùng. Để ngáp và để ngủ không bị để ý. Những hàng ghế cuối cùng trở thành nơi chúng tôi chia sẽ những đắng cay, những mất mát và những yêu thương. Cuối cùng chúng tôi quyết định nên vợ nên chồng. Thời đó, dám yêu đứa con cảnh sát chế độ cũ, tương lai mờ mờ mịt mịt, chắc chắn chỉ có thể là nàng đã quá yêu tôi.
Đám cưới được tổ chức đơn giản. Không rễ phụ không dâu phụ, không rước dâu. Lạy cha mẹ, lạy bàn thờ gia tộc hai bên, đơn giản chỉ như vậy. Chỉ một số ít bạn bè thân thiết và bà con gần. Không có gì phải phô trương khi ba tôi vẫn mịt mù đâu đó trong “trại cải tạo”, không biết sống chết ra sao. Nàng yêu tôi và tôi cũng rất yêu nàng. Thế là đủ.
Một ngày trước đám cưới chúng tôi nhận được giấy báo từ phường, yêu cầu gia đình ra khỏi nhà trong vòng 48 giờ. Lý do gia đình thuộc diện 28 ác ôn, sĩ quan cảnh sát làm việc cho “chế độ Mỹ Ngụỵ”. Giấy báo còn cho biết phường sẳn sàng “giúp đỡ, tạo mọi điều kiện để gia đình có thể lập nghiệp trên vùng kinh tế mới”.
Kết thúc vội vàng buổi tiệc mừng đám cưới, hai vợ chồng đạp xe lên sân bay Tân Sơn Nhất xin chú can thiệp giúp đỡ. Chú nói:
- Theo chú thấy đi kinh tế mới dầu sao cũng tốt cho mẹ và các cháu. Cực khổ lúc ban đầu nhưng sau này sẽ khá hơn. Hồi chú ở ngoài Bắc cực khổ hơn gấp trăm lần, có sao đâu. Sau này ba con về còn có chỗ sinh sống.
Có chú cũng như không, hai đứa chỉ biết nhìn nhau, thầm nghĩ với tình thế này chắc cũng phải lên đường đi lập nghiệp trên vùng đất mới mà thôi. Trong lúc cùng đường, vợ tôi chợt nhớ đến ông xếp cũ từ thời trước 1975, một kỹ sư tốt nghiệp từ Pháp, cựu Giám đốc Bưu điện nay là cán bộ cao cấp làm việc trong “Thành ủy”. Nghe trình bày hoàn cảnh, nghĩ đến mối giao tình thầy trò ngày xưa, ông nói để ông liên lạc phường xem thử. Không hiểu ông can thiệp như thế nào, hai ngày sau phường gửi giấy quyết định cho gia đình mẹ con chúng tôi tạm thời ở lại cho đến khi chồng đi “học tập cải tạo” trở về.
Từ khi lập gia đình, tuy có thêm đồng lương của vợ tôi, nhưng vẫn không thể nào đủ cho một gia đình 11 miệng ăn. Bán chợ chạy của mẹ thì vất vả mà thu nhập quá kém cỏi. Hai đứa bắt đầu làm thêm đủ thứ ngành nghề.
Khởi đầu là nuôi heo. Nhờ giấy giới thiệu của cơ quan, mỗi tháng vợ tôi được mua một cặp heo con với giá rẻ. Chiếc cầu tiêu duy nhất tuy nhỏ cũng được ngăn ra dành chỗ để nuôi 2 con heo mọi mới đẻ. Mỗi ngày đi tiêu đi tiểu trong tiếng kêu ủn ỉn của chúng, mới đầu rất khó chịu, nhưng rồi nghe riết cũng quen. Nuôi 1, 2 tháng, đem ra chợ bán. Lại lên trại mua 2 con khác nuôi tiếp.
Chỉ nuôi heo không cũng chưa ăn thua. Bắt đầu nuôi thêm gà công nghiệp. Cũng xin giấy giới thiệu lên trại gà mua vài chục gà con, nuôi vài tháng hơi lớn lớn rồi đem bán. Được vài tháng suông sẻ, gặp mùa toi dịch, gà heo chết hàng loạt, cụt vốn, hai vợ chồng nhảy qua làm bánh đậu xanh. Mẹ ngâm, đãi đậu, tôi cắt giấy, vợ tôi gói. Mỗi chiều đi làm về, hai vợ chồng đèo nhau trên chiếc xe đạp cũ kỹ đi giao bánh cho mấy tiệm ăn quanh xóm. Không phải bán đứt, ký gửi thì đúng hơn. Giao bánh xong, vài ngày sau quay lại. Bán hết thì lấy tiền, đưa bánh mới. Gặp lúc bán không hết, bị mốc, đem về không biết làm gì cho hết, trộn vô cám cho heo gà ăn.
Cứ vậy, những tháng ngày tiếp tục trôi. Vợ chồng ốm tong ốm teo như ma đói, nhưng cũng phải ráng chịu cực mong đợi ngày ba về. Phải có ba rồi mới tính được chuyện tương lai.
***
Một ngày đầu tháng 2 năm 1978, bỗng nhiên chúng tôi nhận được thư ba, lần đầu tiên. Góc thư tôi còn nhớ rõ địa chỉ Trại K2 Tân Lập, Vĩnh Phú. Trong thơ ba hỏi thăm mẹ và các em. Ba kể ba đang học tập cải tạo tốt. Thư ngắn chưa đầy một trang giấy. Ba nhắc tôi ráng chăm sóc mẹ và các em. Đợi ngày ba về. Miền bắc lúc đó đối với tôi vô cùng xa lạ. Nếu có biết cũng chỉ biết qua sách vở. Vĩnh Phú ở đâu, ra sao, xa xôi như thế nào, không quan trọng, ít nhất là ba vẫn còn sống.
Thế là đủ. Quá mừng rỡ mẹ biểu tôi viết thư thăm ba và mỗi đứa em viết một câu cho ba. Mẹ nói tôi kể cho ba về cuộc sống ngoài này. Tôi ầm ừ cho qua chuyện, trong thư chỉ viết là nhớ ba, mong ba “học tập” tiến bộ để sớm về với gia đình. Tôi không kể về cuộc sống gia đình từ ngày ba đi. Không lẽ cho ba hay rằng căn nhà đã bị tịch thu, gia đình suýt nữa bị đi “kinh tế mới”, hay lại kể với ba rằng mẹ mỗi ngày đang bán từng chiếc áo cũ của ba ngoài lề đường. Hoặc kể cho ba chuyện 2 cây vàng. Thôi thì cứ để ba vui khi nghĩ rằng vợ và các con của ba dù là con của sĩ quan “chế độ Mỹ ngụỵ, vẫn được cách mạng đùm bọc thương yêu”. Thôi thì cứ như vậy cho ba yên lòng và ít nhất thư cũng đến được với ba. Kể từ hôm đó khoảng hơn mỗi tháng một lần gia đình tiếp tục nhận được thư ba. Mỗi lần chỉ hơn một trang giấy, nhưng cũng mang đến cho chúng tôi một niềm vui và hy vọng. Hy vọng sẽ có ngày ba trở về.
Nhưng rồi ba đã mãi mãi không trở về với mẹ con chúng tôi. Ngày 10 tháng 2 năm 1979, đúng lúc hai mẹ con đang ở phòng khách K2 trại cải tạo Tân Lập, ba đã tức tưởi ra đi không kịp nhìn mặt vợ con một lần cuối cùng, chấm dứt quảng thời gian hai năm 6 tháng tủi nhục và bi thảm.
Chưa đến 3 năm sau, thương mẹ suốt ngày than ngắn thở dài, xót xa cho ba nằm cô độc nơi đất khổ xa xôi, tôi đã cùng mẹ lén lút đào mộ đem ba về nằm chung với ông bà gia tộc trong vườn nhà dưới chân núi Ngự Bình, Huế
Tôi tin là có một thế giới, nơi ba đang sống, thật gần với chúng tôi, luôn theo dõi phù hộ chúng tôi. Khoảng 3 tháng sau ngày đem ba về Huế, gia đình tôi bỗng nhận được tin tức của đưá em gái kế. Người duy nhất trong các anh em tôi ra đi tại bến Bạch Đằng 6 năm về trước. Chúng tôi nhận được thư của em gái kèm tờ giấy bạc 50 dollars. Không thể nào kể hết được nỗi xúc động và sung sướng của gia đình chúng tôi lúc đó. Đã sáu năm trôi qua, không một manh mối của em, tưởng chừng như đã thất lạc em vĩnh viễn. Lần đầu tiên sau ngày ba mất mới thấy lại nụ cười của mẹ.
Ngoài niềm vui tìm lại em gái, số tiền 50 dollars đối với gia đình tôi hồi đó là một tài sản đáng kể. Kể từ ngày liên lạc được với gia đình, thỉnh thoảng, em tôi gửi về lúc thì tiền lúc thì xà phòng, kẹo bánh, đồ dùng điện tử. Quà nhận được, hầu như tất cả đều được đem bán thành tiền để chi dùng trong gia đình. Họa hoằn lắm thì chúng tôi mới giữ lại một vài gói kẹo M&M. Chia cho các em thì mỗi đứa cũng được độ 5-10 viên nhỏ xíu. Hồi đó cái gì từ Mỹ cũng vô cùng qúy giá.
Cuộc sống gia đình chúng tôi những ngày sau đó trở nên bớt cơ cực hơn. Vợ tôi nhờ được chỉ định dạy tiếng anh vỡ lòng cho các cán bộ trong trường, nên được ưu tiên trong vấn đề mua nhu yếu phẩm. Khi thì được mua thêm gạo, khi thì mua thêm thịt, các bữa ăn trong gia đình cũng được khá hơn lên.
Các em, kể từ ngày ba “được trả quyền công dân”, sự phân biệt đối xử tuy vẫn còn nhưng không quá khắc nghiệt như những ngày đầu sau 1975. Mẹ tôi mở gánh bán bún bò tại nhà. Gia đình không dư giả giàu có gì nhưng cũng sống được qua ngày một cách lương thiện. Sau ngày ba mất, chú tôi thi thoảng có ghé thăm nhưng tôi vẫn cảm thấy một nỗi ngượng ngùng nào đó trong quan hệ của chú cháu chúng tôi.
Mỗi lần nhìn hình ba trên bàn thờ tôi lại nhớ đến khuôn mặt gầy gò, râu tóc bạc phơ ngày nào trong trại K2 Vĩnh phú. Đôi mắt trừng trừng tức tưởi của ba cứ ám ảnh trong tôi hằng đêm. Giá mà ngày đó chú thu xếp để mẹ tôi ra thăm ba sớm hơn thì có lẽ ba sẽ không ra đi sớm như thế. Nhưng cũng khó trách được chú, dù có thương ba bao nhiêu, chú cũng không thể làm gì khác được. Con đường của chú chọn ngay từ đầu đã quá khác nhau với con đường của ba.
Trong những đứa em của tôi, đứa thứ ba là đứa ít nói nhưng căm thù chế độ Cộng Sản nhiều nhất. Thái độ bất mãn trong học hành và trong sinh hoạt hàng ngày nhất là với các “cán bộ” miền Bắc khiến tôi vô cùng lo lắng, bất an. Em thường có những lời nói và biểu hiện mà các “cán bộ” cho là phản động. Có khuyên mấy cũng không được. Lo sợ em gặp sự không may, tôi bàn với mẹ đưa em ra Đà Nẵng sống với gia đình người chị con bà dì ruột. Và từ Đà Nẵng em là người đầu tiên trong gia đình tôi vượt biên sang Mỹ sau 1975.
Năm 1982, chúng tôi nhận giấy tờ bảo lãnh đi Mỹ theo diện đoàn tụ gia đình ODP. Chúng tôi nộp đơn xin đi Mỹ và ngay năm đó cả hai vợ chồng cùng nhận giấy tờ cho thôi việc. Lý do: “anh chị đã nộp đơn đi nước ngoài, không còn đủ tư cách làm việc tại cơ quan Bưu Điện được nữa”. Đây là điều chúng tôi đã luờng trước nhưng không ngờ đến quá nhanh như vậy. Vào những năm 81-82, gia đình có thân nhân ở nước ngoài được xem là “phản quốc”. Nhất là với những người đã nộp đơn xin đi định cư ở nước ngoài như chúng tôi. Chấp nhận bị đuổi việc môt cách bình thản, vợ chồng chúng tôi một lần nửa lăn lóc vào đời với đủ thứ nghề để kiếm sống và tồn tại.
Thời đó nhờ những lần đi chầu chực lãnh quà từ nước ngoài tại phi trường Tân Sơn Nhất rồi đem bán tại chợ đồ ngoại cuối đường Nguyễn Thông, tôi làm quen với nhiều bạn hàng và cả những người đi lãnh quà như tôi. Mới đầu bán đồ của mình, sau đó mua lại của những người khác, tôi bắt đầu gia nhập hàng ngũ những người mua đi bán lại. Có mặt từ sáng sớm tại phi trường, theo chân những người lãnh hàng về tận nhà, mua hàng hoá gửi về từ nước ngoài rồi đem ra chợ bán kiếm chênh lệch. Hàng hoá từ kẹo, bánh đến nước hoa, đồ điện tử. Thượng vàng hạ cám, bất kỳ thứ gì miễn là của Mỹ, từ Mỹ là mua, là bán. Làm cái công việc không dính dáng gì đến cái chuyên môn tốt nghiệp của mình. Một đôi khi rãnh rỗi ngồi một mình nhớ lại những ngày tháng trước ngày mất nước, thật buồn, thật xót xa. Thấy mình thay đổi nhiều quá. Cái hiền lành chơn chất thuở nào không còn nữa. Quá buồn và quá tiếc nuối.
Cũng may, cùng với một người bạn làm chung trường chúng tôi mở thêm lớp dạy sửa chữa Radio TV tại nhà vào buổi tối. Lớp chỉ độ mươi học sinh. Thu nhập cũng không nhiều nhưng đó là thời khắc vui nhất trong ngày của tôi. Dạy học cho đỡ nhớ nghề và ít nhất là lúc đó tôi còn thấy mình còn có ích, còn giống đứa con của ba mẹ thuở nào.
Trong những năm giữa thập niên 80, ở Việt Nam bắt đầu xuất hiện hàng điện tử second hand. Đây là những mặt hàng điện tử như truyền hình, tủ lạnh, radio cassette hư cũ đã qua xử dụng được các thủy thủ tàu viễn dương đem về bán lại. Các tàu chở hàng đậu ngoài cảng xa. Mỗi khi có hàng về, chúng tôi đi từng nhóm dùng thuyền nhỏ cặp ra tàu lớn mua mỗi lúc từ 10 đến 20 cái. Dĩ nhiên đây là buôn bán “trái pháp luật nhà nước”. Bị bắt thì hàng bị tịch thu, phạt tiền và ở tù. Nhưng nếu thoát được thì kiếm tiền nhiều. Đem về sửa lại rồi đem ra chợ bán.
Thời đó có ăn nhất là chuyển hệ từ NTSC sang PAL để xem hình có màu trên TV. Dĩ nhiên không đẹp và rõ như bây giờ nhưng thời đó truyền hình màu là cái mốt của các “cán bộ” miền Bắc có tiền có của. Chợ trời điện tử Huỳnh Thúc Kháng hình thành và lớn mạnh trong khoảng thời gian đó. Sau đó là một loạt các chợ trời Bảy Hiền, Lăng Cha Cả, Chợ Lớn được mở ra giúp những người có một chút tay nghề về điện tử như tôi sống sót và tồn tại.
Nhưng cũng chỉ được một thời gian. Lúc đầu, buôn bán rất khá, lợi nhuận cao, sau đó càng ngày việc buôn bán càng khó khăn khi mà có nhiều tay trùm nhiều tiền nhảy vào. Họ không mua vài chục như chúng tôi mà họ mua cả vài tram có khi nguyên cả tàu khi vừa cập cảng. Những tay trùm cán bộ vừa có tiền vừa có thế lực. Họ có quan hệ và quyền lực mà những người bình thường như chúng tôi không cạnh tranh nổi. Phải là con ông cháu cha. Thế là phải mua lại hàng hoá từ những trùm lớn hơn. Đôi khi phải qua trung gian 2, 3 cấp. “Chất lượng hàng cũng kém đi rất nhiều mà thu nhập càng ngày càng ít đi. Nhưng lỡ theo nghề, bỏ đi đâu dễ. Không buôn đường ngắn, chuyển sang đường dài. Tôi đem hàng điện tử đến bán các tỉnh xa như Qui Nhơn và Đà Nẵng. Có nhà bà chị con bà dì ruột ở Đà Nẳng nên cũng đỡ chi phí ăn ở và thời gian đầu cũng kiếm được nhiều tiền. Nhưng rồi cũng chỉ một thời gian, một ngày trong một chuyến đem hang về Đà Nẳng, ham rẻ mua nhằm một cặp loa Sansui là đồ ăn trộm bán tại chợ trời. Công an tới nhà giải đi. Một ngày ngồi bó gối trong trại giam suy ngẫm chuyện đời. May mà người chị quen công an, được bảo lãnh ra nhưng cặp loa đắt tiền bị tịch thu.
Ra khỏi trại giam, nghe lời khuyên của thằng bạn nối khố còn ở lại Đà Nẳng, bỏ nghề buôn đồ điện tử nhiều vốn ít lời, tôi nhảy qua nghề buôn trầm từ Đà Nẵng về Saigon và các tỉnh miền tây. Nói là buôn trầm cho oai chứ mình làm gì có tiền nhiều như thế. Trầm hoặc kỳ nam được đào lên ở các tỉnh miền trung và tiêu thụ nhiều ở các tỉnh phía nam. Nhận trầm từ Đà Nẵng, đem vào Sài Gòn giao cho mối, ăn tiền chênh lệch. Đi đuợc chục chuyến tiền công khá dù cũng rất vất vả và hiểm nguy. Lúc thì lăn lóc trên xe đò khi thì la lết trên các chuyến tàu chợ nam bắc. Hàng quốc cấm nên đâu phải đi như người bình thường. Phải chọn những chuyến xe, chuyến tàu chạy vào ban đêm, ít bị kiểm soát. Trầm được bó vào các tàu lá chuối xấy khô để bớt mùi thơm. Trả thêm tiền để lơ xe nhét vào gầm xe vào những nơi kín đáo trên toa tàu. Thoát được chuyến nào là mừng chuyến đó. Tôi càng ngày càng ốm nhom ốm nhách. Mặt mũi đen thui. Chỉ lạ một điều là thời đó dù đi nhiều, tôi lại rất ít gặp người quen, bạn bè. Nếu có gặp, bạn bè chắc cũng không nhận ra chàng kỹ sư hiền lành chơn chất trắng trẻo thư sinh thuở nào.
Đi thoát được khoảng chục chuyến, đến lần thứ 11 thì tôi bị “quản lý thị trường” bắt. Trầm bị tịch thu, riêng tôi bị giam tại công an Quảng Ngãi. 2 ngày trong trại tạm giam tôi đã suy nghĩ thật nhiều về những ngày tháng đã qua trong cuộc đời. Nhớ vợ, nhớ con, nhớ mẹ và các em. Chợt nhận ra mình đã thay đổi quá nhiều. Đã không còn là tôi của năm xưa. Cái được thì quá ít, cái mất đi thì quá nhiều. Tôi cay đắng nhận ra rằng nếu tôi không dừng lại, tôi cũng sẽ mất tôi vĩnh viễn trong một thế giới đã từ lâu không thuộc về mình. Một thế giới bụi bặm, luờng gạt và xảo trá khác xa với thế giới ngày tôi được sinh ra, lớn lên. Tôi biết, ba ở một nơi nào đó chắc chắn đã rất buồn.
Từ trại giam trở về, bỏ nghề buôn bán, bỏ qua ý tưởng kiếm tiền nhanh chóng, tôi quay lại nghề dạy điện tử của mình. Vẫn là nghề phù hợp vói mình nhất, dù sẽ không có nhiều tiền. Vẫn là vợ tôi bên cạnh trong những thời khắc khó khăn với những an ủi và chia sẻ. Nàng luôn ủng hộ tôi trong những quyết định quan trọng nhất và chúng tôi có đứa con thứ nhì. Con gái. Tôi thầm nghĩ, ba đã cầm tay, dẫn dắt tôi bắt đầu làm lại cuộc đời.
Thời gian này vợ tôi đang làm kế toán ở hợp tác xã dệt Thiện Chí tại ngã tư Bảy Hiền. Một khu phố có nhiều khung cưởi dệt nhỏ của người Quảng Nam. Lương của hai vợ chồng gộp không nhiều nhỏi gì, nhưng xoay sở cũng tạm đủ cho gia đình mười mấy miệng ăn.
Đầu năm 1991, gia đình được gọi đi phỏng vấn ở Tòa lãnh sự Hoa Kỳ tại Sài gòn. Cuộc phỏng vấn đang diễn ra một cách như bình thường đột nhiên bị dừng lại khi có phái đoàn người Mỹ cấp cao từ Thái Lan ghé thăm. Vị trưởng đoàn có vẻ ngạc nhiên khi đọc hồ sơ của gia đình, chuyện liên quan đến ba tôi, người Sĩ quan Cảnh sát chết trong trại cải tạo sau 2 năm 6 tháng học tập. Ông ta có vẻ ngạc nhiên về tờ “giấy trả quyền công dân của ba tôi”. Có lẽ là lần đầu tiên ông thấy được một loại giấy tờ như vậy. Giấy trả quyền công dân cho một người đã chết.
Mẹ tôi vừa khóc vừa kể chuyện của ba. Câu chuyện về một chuyến đi thăm nuôi gian khổ của vợ con và cái chết tức tưởi của một sĩ quan tù cải tạo đã làm người lãnh đạo đoàn thanh tra cảm động. Ông nói vài câu an ủi mẹ. Trao đổi với người nhân viên phụ trách một lúc, sau đó cuộc phỏng vấn được kết thúc mau chóng. Chỉ một thời gian ngắn mẹ và các em tôi được giấy chấp thuận đi Mỹ theo diện HO thay vì theo diện đoàn tụ gia đình dù rằng ba tôi ở tù chưa đến 3 năm. Tôi biết có sự can thiệp đặc biệt của phái đoàn Mỹ từ Thailand và tôi thầm tin có sự phù hộ của ba, của ơn trên. Vì hồ sơ xuất cảnh được tách riêng nên vợ chồng tôi còn phải sống với chế độ Cộng Sản thêm 8 năm nửa.
Năm 1991, sau 16 năm sống những tháng ngày đen tối, mẹ đã cùng 6 em tôi qua Mỹ định cư. Cùng với 2 em qua trước, mẹ và 8 em đoàn tụ cùng nhau tại đất nước Hoa Kỳ xa xôi nhưng tự do và ấm áp tình người.
Niềm vui vẫn chưa thật hoàn toàn vì đứa con trai đầu vẫn còn kẹt lại quê nhà, nhưng chắc chắn nơi thiên đường ba đã nở một nụ cười mãn nguyện, phải không ba?
Lê Xuân Mỹ
No comments:
Post a Comment