Lễ Hội Vượt Xích Đạo (Crossing-the-Line Ceremony)
Trần Du Sinh
***
Đại dương bao phủ hơn 70% bề mặt trái đất nên ông chủ của đại dương là người uy quyền nhất trên trái đất này. Người Hoa có Long Vương, người Việt có Hà Bá, và người Ăng-lê có Davy Jones. Davy Jones là chúa tể của Thất Hải, tiếng Anh gọi là Seven Seas. Phương Tây nói Seven Seas, tức trái đất này có 7 biển lớn thì con nít Việt chỉ biết có 4 đại dương dưới cụm từ "Năm Châu Bốn Bể".
Trước khi Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ tuyên bố độc lập từ mẫu quốc Anh thì truyền thống Hải Quân của Hoa Kỳ kế thừa từ Anh Quốc. Và điều đặc biệt là Hải Quân Hoa Kỳ thành lập ngày 13 tháng 10 năm 1775, tức gần một năm trước ngày Quốc Khánh 4 tháng 7 năm 1776. Ngôn ngữ và truyền thống của Hải Quân Mỹ vì thế nên mang đậm dấu ấn của cựu mẫu quốc Ăng-lê.
Nếu ai từng xem bộ phim 'Cướp biển vùng Ca-ri-bê' thì sẽ hiểu thêm về những huyền bí của đại dương, về những huyền thoại cổ xưa, từ Davy Jones cho đến mermaid- nàng tiên cá. Tất cả quyện lại thành điều huyền bí xuyên thế kỷ, vừa lãng mạn bay bổng vừa huyễn hoặc ma quỷ. Và từ thuở lập quốc tới nay, Hải Quân Hoa Kỳ vẫn giữ lại truyền thống 'Crossing-the-Line Ceremony' từ những chiến thuyền cổ xưa của Vương Quốc Anh.
Crossing-the-Line là lễ hội đánh dấu ngày thuỷ thủ vượt qua đường Xích Đạo đầu tiên trong đời. Cho tới khi vượt qua đường xích đạo thì thuỷ thủ vẫn được coi là tay mơ, và theo truyền thống Hải Quân thì họ chỉ là con nòng nọc, gọi là Pollywog, tức chưa thành cóc nhái được. Họ phải chịu biết bao nhiêu thử thách để trở thành sinh vật biển hoàn chỉnh, gọi là Shellback, và sau đó là Salty Sailor, tức thuỷ thủ dày dạn gió sương.
Những thuỷ thủ Salty Sailor này hôm đó hoá trang thành muôn hình vạn trạng. Kẻ thì như Captain Jack Sparrow trong ‘Cướp Biển Vùng Ca-ri-bê’, kẻ thì là hải tặc mắt chột, hải tặc râu đen và những hung thần của biển cả, tạo nên một không gian sắc màu như lễ hội Halloween trên biển. Họ biến tấu trang phục tự chế từ những mẩu quân phục cũ nhìn rất ngộ nghĩnh và và đôi khi nhuộm màu liêu trai.
Để vượt qua đường Xích Đạo thì chiến hạm phải đi về phía Nam của Nam Dương, trên đường xuống Úc Châu nên không phải thuỷ thủ nào cũng là Shellback. Có người đi lính tới 20 năm vẫn chưa vượt qua đường Xích Đạo, bởi họ đóng quân bên Virginia nên con đường viễn chinh của họ toàn về phía Châu Au và Trung Đông, tức phía Bắc đường Xích Đạo.
Đêm nay lễ hội đã bắt đất với màn Wog Talent Show, tức phần trình diễn tài năng của thuỷ thủ nòng nọc. Họ đã nỗ lực hết mình mua vui cho thiên hạ như hát hò, nhảy múa, làm thơ, tấu hài chỉ để xin một chút lòng thương hại, vì sáng mai đây, khi trời mờ sáng, họ sẽ bị lôi ra khỏi gường như những nô lệ thời Trung Cổ trước đám đông reo hò như khán giả của Võ Sĩ Giác Đấu thành Rô-ma.
Lễ hội Vượt Xích Đạo 2004
Bốn giờ sáng, tàu lắc lư như đánh võng, thuỷ thủ còn đang say giấc nồng. Bỗng tiếng khiêng trống từ đâu dội đến ầm ầm. Đó là tiếng gậy đập vào thùng rác đinh tai nhức óc. Và sau đó là mớ hỗn độn la gào:
- Ra khỏi giường ngay. Ai cho tụi bây được ngủ?
- Ê mấy con nòng nọc kia, chúng mày biết thân biết phận chưa hỡi loài dơ bẩn. Bước ra khỏi giường ngay cho tao.
- Hả, mày nói sao ? Mày dám nói lại bọn Shellback chúng tao à? Gan mày to tới đâu vậy?. . .
Và hàng chục tiếng la hét đầy thích thú của những thuỷ thủ muối mặn đối với những gương mặt ngây thơ vô số tội. Tôi là một trong những con nòng nọc khốn khổ ngày hôm đó.
Họ bắt chúng tôi bò lên cầu thang để đi lên boong tàu, đầu mỗi đứa phải đụng mông của đứa phía trước. Chúng tôi làm thành chiếc xe lửa đủ màu sắc bởi những chiếc áo thun đầy lời lẽ mạ lị nhưng khôi hài. Thí dụ như 'con nòng nọc dơ bẩn', 'kẻ tội đồ của biển cả', 'kẻ gây bệnh truyền nhiễm cho đại dương' vân vân…
Ghé qua căn-tin, chúng tôi phải dùng miệng để ăn những thức ăn nhìn rất ghê vì sũng nước trên đĩa, cộng thêm nào là tương đậu phụng, tương ớt xịt tứ tung. Sáng hôm đó tôi nhịn đói vì không mở miệng ra nổi.
.
Rồi chúng tôi nối đuôi nhau bò lên một tầng nữa để lên boong tàu. Vừa bước qua cửa là đụng phải vòi rồng lạnh ngắt mặn chát muối biển. Chỉ cần vài giây là những con nòng nọc đã ướt hơn chuột lột và run lẩy bẩy. Lúc nào chúng phải hát theo những bài hát Hải Quân học từ trại huấn nhục. Môi tím ngắt, bụng đói nhưng phải bò trên mặt boong tàu sắc bén như đinh chĩa. Đó là non-skid, một lớp sơn tàu pha lẫn mảnh kim loại bằng kỹ thuật phun điện để đảm bảo thuỷ thủ không bị trợt té khi trời mưa hay khi tàu lắc lư mạnh. Đó là nỗi ám ảnh của những con nòng nọc, vì đôi bàn tay tê buốt đau đớn khi phải chạm phải mặt đường, và khổ sở hơn nếu không may đầu gối chạm vào những mảnh sắt vô tình này. Tôi còn nhớ là mình đã quấn đôi dép Lào lên đầu gối, những tưởng sẽ an toàn nhưng không ngờ đầu gối rướm máu vì một lần chiếc dép bị trẹo qua một bên.
Nhưng đó mới là sự khởi đầu. Sau đó là những màn hành hạ của thuỷ thủ muối mặn. Họ bôi kem đậu phụng vào một bên lỗ tai làm tôi điếc đặc cộng thêm cảm giác nhờn nhợn chảy ra từ lỗ tai vì nước muối nhỏ từ trên đầu xuống. Một cảm giác dơ dáy dâng lên tới tận cổ. Rồi có thuỷ thủ mở hộp cá mòi ra để ngay trước mũi. Có những con nòng nọc đã ói khi nghe mùi cá. Tôi thì không thì lúc đó rất quen thuộc với cá hộp nhờ thời sinh viên nên không thấy buồn ói, nhưng vẫn có cảm giác dơ dơ.
Tôi còn nhớ có đứa thuỷ thủ chơi ác xịt tương ớt Tabasco trên lưng của tôi, nó theo dòng nước muốn chảy xuống dưới lưng quần làm rát bỏng da. Đau rát toàn thân, lạnh tê tái cộng thêm cái mệt mỏi về thân xác. Một buổi sáng đầy hãi hùng.
Nhưng cái để lại dấu ấn đậm nhất trong tôi là lúc phải bò dưới tấm bạt đầy ẩm ướt với dung dịch màu nâu trông gớm ghiếc, cuối tấm bạt là cái bồn cầu, trong đó có nhiều giấy vệ sinh trong đó, nhìn y như bồn cầu chưa giựt nước. Nhiệm vụ của con nòng nọc là dùng miệng gắp lên một miếng giấy vệ sinh ra từ đó. Một cảm giác buồn nôn có thiệt.
Lâu rồi đời người cũng qua. Khi vượt qua ải cuối cùng, được gặp mặt King Neptune và Davy Jones, những con nòng nọc chúng tôi được ban phước lành để trở thành shellback, một sinh vật biển sạch sẽ lành lặn. Một cảm giác hạnh phúc hơn cả tuyệt vời. Chúng tôi hò hét như điên dại, cởi ngay đôi giày nát bấy vì bị nền boong sắt nghiền vứt ngay xuống biển. Sau đó chúng tôi được tắm vòi nước ngọt, về lại gường rồi chìm trong giấc ngủ mê man, giấc ngủ ngon nhất cuộc viễn chinh.
Một cảm giác thành tựu khó tả. Một ngày lễ Vượt Qua Xích Đạo đem quá khứ và hiện tại đến với nhau. Một niềm tự hào vô tận là người lính Hải Quân Hoa Kỳ. Chúng tôi đã trở thành những thuỷ thủ mặn muối đại dương.
Rồi năm tháng trôi qua, truyền thống này có chút xói mòn vì những chống đối của thế hệ lính mới, những thế hệ hiểu về chiến tranh qua trò chơi điện tử và sống ảo trên mạng nhiều. Đối với họ, những truyền thống cổ xưa có phần hành xác, điều mà tiếng Anh gọi là Hazing. Biết làm sao được khi đó là khoảng cách thế hệ.
Hình ảnh người thuỷ thủ say xỉn vui chơi tới bến như trong cuốn phim Cướp Biển Vùng Ca-ri-bê không còn là điều thú vị đối với nhiều người trẻ. Mỗi khi truyền thông lên án chuyện gì trong quân đội là họ lấy cớ cắt giảm cái này cái nọ. Và họ cắt giảm luôn truyền thống đầy tự hào của người lính thuỷ.
Thế rồi lễ hội Vượt Qua Xích Đạo ngày càng bị giới hạn bởi muôn vàn luật lệ. Nhưng từ trong thâm tâm mỗi người lính, họ luôn mong ước có một lễ hội để họ vượt qua chính mình, và cũng có cái mà tự hào để kể cho bạn bè, gia đình và thế hệ sau nghe những câu chuyện đại dương, điều mà tiếng Anh gọi là Sea Stories.
. . .
Có một bài thơ cổ về lính thuỷ rất hay, đậm chất huyền bí và lãng mạn:
"Under the wide and starry sky
Dig the grave and let me lie.
Glad did I live and gladly die,
And I laid me down with a will.
This be the verse you grave for me;
Here he lies where he longed to be,
Home is the sailor, home from sea,
And the hunter home from the hill."
Robert Louis Stevenson: "Requiem"
Xin được tạm dịch là:
Dưới bầu trời đầy sao trải xa xăm
Hãy đào cho tôi một nấm mộ nằm
Tôi đã vui sống và sẽ vui chết
Và đặt cho mình một lời chấm hết
Là vần thơ em viết riêng cho tôi
"Anh đã mơ nằm lại nơi đây
Nơi đại dương anh xây làm nhà
Như thợ săn gọi chân đồi là chốn nghỉ.
Châu Đại Dương, tháng 2 năm 2019.
Trần Du Sinh
No comments:
Post a Comment