Bỏ Mứa!
Tôi có thói quen, mỗi lần ăn cơm hay bất cứ món gì, tôi luôn liệu coi mình ăn bao nhiêu để múc vừa phải và ăn hết sạch, một hột cơm, một cọng bún cũng không bỏ sót.
Những năm đói khổ phải ăn độn, gạo mục, hôi mốc lại thêm khoai khô, ăn mà hai mắt muốn trợn trắng, tôi cũng cố nuốt cho hết. Thỉnh thoảng về nhà chồng ở tận làng quê Bạc Liêu. Nơi đó, ngoài ruộng đồng và dòng sông chảy ngang qua với hàng dừa nước xanh rì, rợp bóng, không một cọng rau nào có thể trồng được.
-Quê hương anh nước mặn đồng chua
Làng tôi nghèo, đất cày lên sỏi đá...
(Bản nhạc Tình nước của Vũ Hoà Thanh)
Đúng vậy ! Làng quê bên chồng tôi, nước quý như vàng. Nhà nào cũng có hàng lu dọc bên hiên nhà. Những tháng hạn, xe nước ngoài tỉnh vô, bà con lối xóm lật đật ra để đổi nước có dùng hàng ngày. Nửa đêm dù một ,hai giờ khuya đang ngon giấc, dù bốn giờ sáng phải ngồi dậy nấm cơm ra đồng cày sâu, cuốc bẩm...mọi người vừa nghe sấm chớp, mưa đổ hột rào rào trên mái là cả nhà kêu nhau ơi ới, chạy hết ra ngoài, kê thau, kê thùng để hứng lấy dòng nước ngọt trời cho. Hứng, đổ vô lu, vô thùng phuy...mưa càng lâu, càng lớn càng mừng...Hôm sau, má chồng tôi vội vã cắp thúng ra chợ mua bí đao. Để chi? Má chồng tôi cũng như hàng xóm, đem bí còn nguyên trái, lẫn vỏ, rửa sạch sẽ thả vô lu nước. Đến khi trái bí mục rữa ra, lúc bấy giờ lược lại sạch sẽ, nấu chín uống, ôi ngọt ngào gì đâu!
Nhà ai cũng có cái đìa, người ta thả cá lóc, nước đục màu phèn. Mỗi ngày, tắm, giặt, rửa rau, rửa chén...chỉ cái đìa đó thôi. Riết rồi quần áo đen ngã màu bạc thết, áo trắng có thể đem so với tô cháo lòng. Còn da người nào người nấy thì mốc trắng!
Tết đến, cũng tại cái đìa đó, ba chồng và các em xắn quần tận gối, cùng nhau tát nước lên bờ, càng gần tới đáy, nước càng đục, những đứa trẻ đứng quanh đó la hét, reo hò, chỉ chỏ...ôi thôi, cá lóc đầy nghẹt, chúng tôi chuyền những cái thùng, thau xuống và đón trở lại những cái thùng nặng trĩu. Má chồng tôi vui lắm. Bà đã tính toán sẵn trong đầu. Một mớ cho bà con chòm xóm, một mớ kho ăn, một mớ xẻ khô, phần còn lại làm mắm.
Tuy đời sống dân quê rất nhọc nhằn nhựng trời thương, trong thời buổi củi quế gạo châu, mọi người ăn đói, ăn độn thì nơi này, nhà nào cũng bồ lúa đầy ấp, cơm ngày ba bữa no nê, tôm tép, cá thịt ê hề. Lũ heo gà mèo chó cũng có phần, cũng cơm, cũng gạo như người. Khuya nào cũng vậy, thằng em chồng chỉ mới bảy tám tuổi, người ốm trơ xương không phải vì thiếu ăn mà vì thiếu ngủ và thiếu tuổi thơ trong cuộc sống. Đúng một giờ khuya, em tôi ngồi dậy, đốt lò trấu, bắt nồi cơm thiệt bự, cho người lẫn gia súc. Đêm khuya, gió chướng tháng mười buốt xương, bên bếp lửa hồng, em tôi ngồi co ro phùng mang, trợn má đưa ống tre lên thổi để giữ ngọn lửa cháy đều. Lửa ấm không ấm nổi đứa em trai vô phước từ khi mới lọt lòng do những mê tín dị đoan, vì em có một cái bớt đen như miếng da trâu trên vai. Sanh em không bao lâu, ba chồng tôi bị thuyên chuyển đi một tỉnh xa tận ngoài Trung. Má chồng tôi cho rằng thằng bé mang xui xẻo đến nên bà ghét cay ghét đắng nó, mới học lớp một, chưa kịp đánh vần được hai chữ ‘bất công’ thì em đã bị bắt nghỉ học, ở nhà chăn heo, gà, vịt. Trong khi các anh chị em khác thì được ăn no, ngủ kỹ, cắp sách đến trường.Ở cái tuổi ăn chưa biết no, mà em lại phải lo toan đủ chuyện trong nhà. Khuya nào cũng vậy, đang ngủ ngon, thấy ánh lửa bập bùng, tiếng ‘phù ..phù..’ nho nhỏ là tôi biết em đang nấu cơm cho mấy anh sáng dở ra đồng. Tôi lập tức ngồi dậy, đến bên em, giúp những việc lặt vặt. Em hay nói:
-Chị Hai ngủ đi, còn sớm mà!
Tôi ôm em không nói gì, lòng thương mến dạt dào...tội tình gì mà em phải chịu cảnh nhọc nhắn khi tuổi đời còn quá non nớt vậy em?
Tới giờ cơm, ngồi quay quần bên bàn ăn, tất cả mọi người hướng mắt về phía ông ngoại chồng tôi. Ông ngồi ngay ngắn, đưa chén cơm có gác ngang đôi đũa lên trán, miệng lẩm bẩm, rồi xá ba cái. Tôi nhìn mà không hiểu ông khấn cái gì, tôi nghĩ có lẽ ông theo một tôn giáo nào như bên Tin Lành hoặc Công giáo, đọc kinh cảm ơn Chúa đã cho được bữa cơm no.
Ăn xong, ông cũng làm động tác như lúc đầu, chỉ là chén cơm đã cạn sạch sẽ, không còn hột nào. Thấy tôi nhìn ông với vẻ thắc mắc, ba chồng tôi nói :
-Mình làm ruộng, được bữa cơm no đủ thì phải biết ơn của người nông dân, chân lắm tay bùn. Họ dầm mưa dãi nắng, để đem cho mình chén cơm ngon. Trước và sau mỗi bữa ăn, nhà nào cũng thành kính cảm ơn ông thần nông đã cho lúa trúng mùa, đời sống ấm no, và cũng vì vậy mà mình phải biết trân quý từng hạt gạo, hạt thóc.
À, giờ đây thì tôi đã hiểu. Tôi nhớ, hồi nhỏ, khi đi ra nhà sách Nam Cường, thấy có quyển truyện tựa là ‘ Hạt ngọc ‘. Tôi vốn mê chuyện cổ tích thần tiên, thấy hấp dẫn quá, rán dành giụm tiền để mua cho bằng được. Về nhà, hí ha, hí hững đọc liền. Dè đâu, càng đọc, càng chán! Tiên thánh đâu không thấy, ngọc ngà châu báu cũng không. Toàn là nói đến ruộng đồng, nói đến bác nông dân nghèo nàn và những nỗi nhọc nhằn của người làng quê khi đem được hột gạo về nhà!
Rồi tôi quăng quyển sách vô xó tủ, không ngó ngàng đến, trong lòng tiếc nhẫn tiếc ngơ mấy đồng nhịn ăn bánh để mua một cuốn sách dở ẹt!
Mãi cho đến sau ngày nhà tan cửa nát, ăn uống đói khổ, tôi bắt đầu đi lục áo quần cũ bán, sách vỡ thì đem cân kí lô để đỗi lấy miếng ăn. Chợt quyển Hạt Ngọc nằm ngay mắt tôi. Mở từng trang, từng trang một....nước mắt tôi nhoà lên trang giấy đã ngã màu...bây giờ, tôi đã thắm thía hai chữ Hạt ngọc của trời ban...tôi đã phải bán đi tất cả kỷ niệm xưa trong đời để đỗi lấy từng hạt ngọc, những hạt ngọc ẩm ướt pha lẫn bông cỏ dại, đá sạn, hôi mốc mà chúng tôi không có đường chọn lựa, không có quyền chê bai.
Cũng trong thời gian này, ba tôi vì mất vì buồn nhà cửa bị tịch thu, tài sản tiêu tan. Ba là cây cột chánh trong gia đinh, khi người mất đi, anh chị em chúng tôi kẻ ra chợ phụ buôn bán, người làm việc với đồng lương chết đói. Một hôm, má tôi đi chùa, đến giờ ăn, tôi định đi nấu cơm...mở nắp khạp gạo ra...không còn một hột! Trưa đó, đứa cháu gái bảy tuổi, ngồi bên tôi, khóc tỉ tê:
-Dì ơi, con đói quá...
Thằng con ba tuổi, ngó tôi:
-Mẹ ơi, con muốn ăn cơm...
Ruột tôi thì cồn cào...tôi cắn răng chịu đựng, nước mắt chảy dài, bất lực trước cái đói của hai đứa nhỏ!
Về bên chồng, tôi càng biết trân quý những hạt gạo trắng ngần khi nhìn cảnh những người nông dân ra đồng, chân không mang giày dép, mười ngón chân vừa đi vừa bấu xuống mặt đất cho bước đi vững vàng vì phải kéo lê cái cày nặng trĩu bờ vai. Riết rồi, khỏi cần phải cắt, móng chân cũng không mọc nổi. Các cô thiếu nữ tuổi xuân thì, đôi gót sen đầy nứt nẻ vì nước phèn bám quanh năm.
Qua Mỹ, cho dù giờ đây không phải nhọc nhằn lắm với miếng cơm manh áo, tôi vẫn có thói quen dạy các con ăn không được bỏ mứa. Hồi con tôi còn nhỏ, mỗi khi cháu bú sửa không hết là tôi đổ ra ly uống phần dư, sửa không còn lạnh, lại trong bình kín, nghe chẳng ngon chút nào nhưng tôi vẫn không đổ bỏ. Khi các cháu lớn lên biết ăn, tôi bắt buộc phải vét cho sạch chén. Có lần, một người bạn đến chơi, thấy vậy liền nói:
-Người Lào có tục lệ là ăn phải chừa lại một ,hai muỗng ( người Lào ăn xôi, không ăn cơm) chứ không được ăn hết. Họ nói như vậy thì mói giàu!
Tôi cãi lại:
-Ăn vậy thì nghèo đói và mang tội chứ giàu nỗi gì? Tự nhiên phải chừa rồi đem đổ thùng rác!
Côn chị Tư tôi, mỗi khi thấy ai ăn mà còn sót lại vài hột cơm, chị hay nói:
-Ăn thêm mấy hột đó nữa đâu làm cho no thêm mà sao không rán ăn, bỏ chi cho mang tội!
Tôi có đưa cháu trai, lúc nhỏ mỗi ngày tôi đưa rước nó đi học. Thằng bé đã tám, chín tuổi mà ốm nhom, thấp nhỏ hơn những đứa đồng tuổi vì làm biếng ăn lắm. Đến nổi, có lần, cháu nói:
-Không biết người ta có làm loại xe nào mà người thầp lùn có thể đạp được chân ga không bà? Con sợ khi con đủ tuổi lái xe, con không chạy được . Tôi nói:
-Muốn vậy thì mỗi ngày con phải uống sửa, ăn cho nhiều thì sẽ cao lớn ngư người ta, chứ ao ước chi chuyện xe cho người lùn?
Bắt đầu từ hôm đó, suốt cả năm trời , mỗi sáng đưa cháu đến trường, tôi theo luôn vô phòng ăn, ngồi cạnh thằng nhỏ, ép nó phải ăn cho hết. Lúc đó, nó rất bực tôi mặt mày cứ nhăn nhó nhưng tôi quyết tâm phải ngồi một bên canh chừng cho đến hết mâm thức ăn. Nhìn xung quanh, nhiều đứa trẻ lên sắp hàng lãnh thức ăn, trên mâm nào cereal, sửa( chocolate hoặc sửa trắng) bánh mì, sausage, trái cây, bánh ngot...sau khi bưng mâm về chỗ ngồi, tôi quan sát thấy rất nhiều đứa nhìn mâm thức ăn, đưa mủi xuống hửi hửi như mèo xong bưng lên đổ ập vô thùng rác! Vậy thì chắc chắn là cái thằng cháu tôi cũng y chang mấy đứa này rồi!
Thấy học trò bỏ thức ăn mà sao mấy cô giáo không nói gì hết. Tôi nhìn thấy mà phát tức, giá tôi là cô giáo, tôi sẽ phạt mấy đứa hoang phí này mới được.
Một điều tôi rất vui là thằng cháu nhỏ xíu ngày nào của tôi lo sợ lớn lên không lái xe được, nay cháu đã là một sinh viên năm thứ ba đại học với chiều cao gần một thước tám. Cháu chơi wrestling rất giỏi, đoạt được nhiều huy chương. Vậy mà cũng còn thua anh nó vài phân đó.
Tôi nghĩ đến trẽ con Việt Nam, nhiều đứa phải moi đồ ăn trong thùng rác để kiếm từng miếng bánh mì dư hầu đỡ đói.Rồi tôi chợt nhớ đến lúc còn ở Việt Nam, có lần, tôi cùng người bạn trai vô một tiệm ăn ở Sài gòn. Trưa nóng quá, tôi chỉ muốn gọi món có nước để ăn cho lẹ. Tô phở nghi ngút khói, nước lèo béo ngậy với màng mỡ vàng trên mặt, thịt đầy tô, ngon gì đâu. Ăn xong, tôi vừa buông đũa, trong tô còn nước và chút ít rau giá. Bỗng một người đàn ông từ ngoài bước vô đứng cạnh tôi, bưng lấy tô phở dư thiệt lẹ, húp lấy, húp để. Hình ảnh đó làm tôi thật bất nhẫn và cho đến giờ vẫn còn trong trí tôi.
Có một năm, gia đình chúng tôi đi đến ngôi chùa của người Thái Lan để cúng. Sau nghi thức tụng niệm là đến giờ ăn trưa. Các thầy ngồi xếp bằng thành hàng dài trên một bộ ván, trên mình mỗi thầy có một bình bát. Phật tử tuần tự mang thức ăn để vô trong bát cho thầy. Nào xôi, cá, rau, cà ri, mì xào, cơm chiên...tóm lại, cứ mỗi món một chút bỏ chung hết vô bát. Tôi ngồi dưới này nhìn và thắc mắc trong lòng: làm sao các thầy ăn được? Vậy mà, sau khi xong phần sớt bát, các thầy bắt đầu cho bữa ngọ, bữa ăn duy nhất trong ngày. Người Lào, Thái không dùng muỗng đũa mà bốc tay. Các thầy từ từ cho tay vô bát nắm từng nắm thức ăn cho vô miệng, thật điềm đạm, nét mặt thản nhiên cho đến hết sạch trong bát. Trong khi đó, dưới bàn của các Phật tử thì thức ăn được để riêng rẻ, món nào ra món đó, ai thích gì thì ăn nấy, có quyền lựa chọn chứ không phải như các thầy.
Năm 2006,tôi bị ung thư xương, lúc đó tình trạng không nặng lắm nên Bác sĩ chỉ cho tôi uống thuốc ( một tháng uống ba tuần ngưng một tuần, uống trong vòng một năm)chứ không phải làm chemotherapy.Nghe nói vậy, tôi mừng quá vì sẽ không bị rụng tóc. Dè đâu, uống thuốc được một tuần là tôi bắt đầu bị hành dữ dội, cứ ăn vô ói ra, lười thì lạt nhách. Chị Tư tôi thấy vậy cũng nóng ruột cho tôi. Chị dặn tuần nào mà không phải uống thuốc thì cho chị hay để chị dẫn tôi đi ra ngoài ăn một bữa.
Hôm đó, hai chị em tôi đi ăn ở CC Pizza. Đây là tiệm pizza buffet. Bước vô trong, mùi thơm của bánh nướng làm tôi nghe đói bụng vì sau ba tuần không ăn uống do thuốc hành. Tới hàng bánh, tôi thích quá. Nào pizza rau cải, sausage, pepperoni, ...rồi các loại pizza ngọt có mứt thơm, dâu...ơi sao mà loại nào cũng thiệt là hấp dẫn quá chừng đi thôi. Nói vậy chứ con mắt to hơn cái bụng. Thấy thì ham chứ làm sao mà ăn đủ loại cho nổi. Tôi chọn hai miếng mặn, một ngọt, mang về bàn, nhâm nhi từng chút...ngon quá ngon... trước mặt tôi, một bà Mỹ với dĩa pizza đầy ấp. Bà ta cứ cắn hai cái thì bỏ qua một bên, lấy tiếp miếng khác ăn. Rồi mấy đứa nhỏ cùng bàn với bà cũng vậy. Chúng cứ ăn nửa, bỏ nửa thật là phung phí. Tôi nhìn mà bực bội và cứ tiếc thầm trong bụng!
Thỉnh thoảng đi ăn buffet Tàu cũng vậy. Tôi thích chọn mỗi món một chút, nếu thấy ngon thì lấy thêm còn dở thì rán nuốt cho xong. Nhiều người lấy dĩa nào dĩa nấy cao ngất ngưỡng, ăn không hết, bỏ đó đi lấy dĩa khác. Cô waitress dọn bàn với nét mặt không vui vì khách ăn uống thật là phí phạm nhưng không thể nói gì với khách vì đây là tiệm all you can eat mà! Họ là những người may mắn, sinh ra và lớn lên ở một nước giàu mạnh, có cuộc sống dư thừa. Họ không biết rằng trên thế giới này có biết bao người chết vì đói sao?
Tôi thường đưa cho mấy đứa cháu trong nhà coi hình ảnh những trẻ em Phi Châu, ốm trơ xương, nằm là liệt trên mặt đất như những cái xác còn thôi thóp, ruồi bu , kiến đậu các em cũng không đủ sức để phủi. Tôi muốn để cho các cháu tôi thấy rằng cho dù đây không phải là quê hương của mình nhưng mình đã may mắn hơn hàng vạn người khác! Dù không giàu sang phú quý những vẫn đầy đủ cơm ăn áo mặc!
Mấy lần đi Canada, tôi hay ghé nhà người bạn, cùng dùng chung bữa ăn chiều. Rất nhiều lần, tôi để ý thấy chị ấy ăn xong, luôn luôn trong chén còn ít nhất là hai muỗng cơm. Một hôm, tôi làm bộ nói giỡn:
-Sao em thấy lần nào ăn chị cũng phải chừa một chút cơm rồi bỏ vậy?
Chị cười:
-Thì no quá, bỏ chứ sao?
Tôi chỉ là khách được mời, nghe câu trả lời vô lý quá nhưng không dám có ý kiến vì sợ chị giận. Thật ra, chị là con nhà giàu có từ nhỏ, quen sung sướng. Ngay cả cái thời ăn độn, chị cũng chưa hề nếm mùi khoai khô ra sao nên chị không hiểu được cái đói khổ của người nghèo, chị chưa bao giờ về quê để thấy cái cực nhọc của nông dân nên không hiểu được cái giá trị của hạt gạo!
Thành phố nơi tôi ở bây giờ, những chợ bán thức ăn cứ đúng sáng thứ tư là đổi rau, trái cây cũ. Nhiều chợ lấy chuối đã chín có dấu chấm nâu cho vô bịt giấy và bán với giá rất rẻ để thay chuối mới. Có chợ thì lấy những đồ hộp sắp hết hạn, rau, trái cây bắt đầu chín nhiều đem cho Salvation Army để phân phát cho những người vô gia cư.
Tôi ghét nhất là chợ Walmart. Thỉnh thoảng, họ đem đổ vô thùng rác nào bắp cải, măng Tây, chuối, bôm, nho... nhiều món còn tươi tốt lắm. Nhiều người Mỹ rất nghèo, họ canh ngày, giờ chợ bỏ đồ ăn, khi những món này vừa được quăng vô thùng rác, lập tức mấy người kia nhào tới lượm ra. Tuy nghèo, phải đi lượm thức ăn bỏ đi nhưng họ cũng rất đùm bọc nhau. Sau khi đem ra ngoài, những người đó chia đều ra, ai cũng có phần đầy đủ! Tôi nghĩ họ sợ bán rẻhoặc cho hội từ thiện, lỡ thức ăn cũ gây ngộ độc thì họ phải chịu trách nhiệm nên đem bỏ, ai lượm ăn, có gì thì rán chịu. Xứ Mỹ là xứ thưa kiện mà!
Tôi có đọc một bài viết nói về đời sống của những người dân nghèo ở vài nước trên thế giới.
Nếu có ai từng đến Philippines, họ sẽ phải thốt lên những lời khen tấm tắc cho ẩm thực nơi đây; nhiều món ăn đường phố của Philippines đã thực sự vang tầm thế giới và được đánh giá rất cao. Tuy nhiên, có một món ăn nổi tiếng mà không phải ai cũng dám thử. Chẳng phải balut - món trứng vịt lộn trứ danh, hay nem cuốn Lumpia.
Nó có tên là "Pagpag". Hiểu nôm na, đó là món ăn được chế biến từ những thực phẩm thừa. Thịt gà thừa từ đĩa ăn của ai đó trong các cửa hàng đồ ăn nhanh? Những tưởng bãi rác là điểm cuối của cuộc hành trình rồi nhưng không, nó sẽ tiếp tục được "tái chế" và thành món ăn cho người nghèo tại vùng đô thị Manila.
Thứ thịt pagpag kia sẽ được lóc xương, rửa sạch, chế biến tẩm ướp với gia vị để bớt đi những thứ mùi, thứ màu "kinh khủng". Chế biến xong, nhìn nó lại như một món ăn đẳng cấp nhà hàng, mà chỉ có giá vài nghìn đồng/đĩa
Trên thực tế, trong tiếng Tagalog, "pagpag" có nghĩa là bụi giũ ra từ quần áo hay thảm. Nhưng với những người nghèo, "pagpag" là thứ thịt thừa từ thùng rác.
Sáng sớm, lối bốn, năm giờ. Từ những bãi rác công cộng, có những nhóm người âm thầm, im lặng. Họ lầm lũi đi bươi trong đống rác tánh tưởi đó để tìm những miếng thịt dư thừa. Sau đó, họ mang về nhà, rửa sạch sẽ rồi đem đến một tiệm thức ăn chuyên chế biến các món ăn dư từ trong bãi rác để bán lại cho những người nghèo với giá thật rẽ. Những người dân nghèo không có sự lựa chọn nào khác! Thật là xót xa!
*
Hằng ngày, tôi coi chừng mấy đứa cháu nhỏ, tới giờ ăn, tôi giao trước, ăn xong, phải đưa chén cho tôi coi, khi nào thấy trong chén đã hết sạch thì tôi mới cho qua phòng khách chơi. Một hôm, ba cháu ghé nhà nhằm giờ cơm. Mấy đứa nhỏ vừa ăn vừa nói chuyện tíu tít. Lát sau, bé Huỳnh ăn xong, bưng chén lại đưa tôi coi. Thành, ba của mấy đứa nhỏ, lấy làm lạ, hỏi tôi:
-Ủa, sao nó phải bưng cái chén không cho dì coi chi vậy?
Tôi cười, giải thích:
-Tụi nó chỉ trông ăn cho lẹ đặng chơi nên bữa nào cũng bỏ mứa. Khi dọn rửa, mấy lần dì thấy nên sau đó, dì bắt tụi nó ăn xong phải cho dì coi cái chén đã vét sạch chưa, chừa một hột cơm cũng không được.
Thành nghe xong cười thiệt lớn:
-Ha..ha..Hèn gì, má con nói ở nhà mỗi lần ăn xong tụi nó cũng bưng chén đưa cho má con coi, mà má con hỏng hiểu tại sao! Ha ha...cám ơn dì đã dạy tụi nó biết ăn uống đàng hoàng, không bỏ mứa!
Fort Smith , Jan 3rd 2018
Dong Trinh
No comments:
Post a Comment