Thursday, March 29, 2018

Người đi trước.

Hồi Ký  của  TỪ- SƠN. 

Chờ cho giọt cà- phê cuối cùng rớt xuống, Năm Địa mới thò tay nắm  lấy cái quai cóng sứ, kéo cái “rẹt” ra khỏi bình nấu  điện, tròn, làm bằng plastic trắng ngà. Vài giọt nước còn sót, cháy xèo xèo trên mặt lò, vang lên rộn rã trong bầu không khí vắng ngắt và lạnh giá. Thày tuần tự rót vào ba ly thủy tinh: hai cao, một thấp. Thày kéo cái thấp về phía mình:
- Mời các anh. Trời lạnh, uống nóng mới đã.

Hai ông khách mau mắn “Dạ dạ..” đáp lễ. Mùi cà phê thoang thoảng, lẩn quất ở chỗ ba người, nghe èo- uột như ánh đèn “ne’on” mờ phớt trên bộ “salon” bọc “simili”, có mầu xanh sậm của lá cây rừng.

Long Chảy cầm ly cà phê lên. Màu nước tím hồng làm hắn liên tưởng đến mầu của những trái mồng tơi, đang vào độ chín. Hắn xoay xoay cái ly, cười cầu tài:
- Xin anh “tí” đường.

Năm Địa nhún nhẹ bờ vai:
- Chưa có đường à?. À... mà tôi lại không uống cà phê có đường. Sorry... anh chờ một lát.

Năm Địa biến vào nhà trong như một cái bóng. Long Chảy nói với người bạn cùng đi:
- Nghe nói ngày xưa, hắn là tay “đánh đấm” có hạng. Qua Mỹ trước chương trình “Hát Ô”. Hắn đang có “dóp thơm” lắm, để tao thử nhờ hắn xem sao.?

Phong Điếc ngây thơ con ông cụ:
- Hắn chơi “bốc” hả? Hạng gì vậy? Ngữ ấy mà đấm đá ai?

Long thì thầm:
- Củ khoai! Mày “đíu” có hiểu! Ý tao nói hắn là “dân” tác chiến chứ bộ.

Năm Địa từ trong buồng thọt ra như chim cánh cụt. Nước da thày xám ngoét. Mặt thày tròn như mặt ông địa. Thày nhả nhớt:
- Tôi không “hảo ngọt”. Chỉ khoái uống chay. Châm đường chua lè. Tôi còn bị “Đường cao” nên cữ lâu rồi. Đường đây, các anh cứ tự nhiên... “seo sẹc vít.. pờ li”. Nói xong, thày cười khẹc khẹc.

Phong đưa ly lên môi toan nhấp, không biết nghĩ sao, lại đặt ly xuống, địa thày Năm một phát, bâng khuâng nhìn ra ngoài trời.

Còn hơn mười ngày nữa là đến Tết Nguyên- Đán. Ôi chao xứ này lạnh buốt và mưa đổ ngút ngàn. Tết Việt Nam ở Mỹ, sao mà nó “vô duyên” tệ! Phong da diết nhớ Sài- Gòn. Cái nhớ có lúc giầy vò da thịt, lại cũng có lúc gặm nhấm từng hơi thở, nhịp tim: này là hàng cây, kia là dãy phố... Rạp hát... Công Viên... Phố phường... Xe cộ... Nhớ những ngày mưa, nhớ những chiều nắng, những cơn gió se da. Những hàng cây mướt lá... Phong thả nhẹ một tiếng thở dài:
- Lạnh cái gì mà lạnh thế không biết!

Long đi vào vấn đề:
- Giới thiệu với anh Năm, đây là Phong. Tụi tôi chơi với nhau từ hồi lớp bét. Rồi Trung Học. Vớ vẩn thế nào, lại gặp nhau trong tù! Tôi qua Mỹ trước. Thằng con “cà chớn” vừa mất tiền, vừa bị chúng quất cho năm rưỡi thuốc lao. Mới vào Mỹ được hơn ba tháng. Tội nghiệp, bây giờ cái gì đối với nó cũng lạ. Ngơ ngơ, ngáo ngáo trông đến hay!

Năm Địa gật gù:
- Nhưng được “oeo phe”...

Long Chảy đỡ lời:
2/- Vâng thì cũng nhờ trợ cấp Xã Hội. Nhưng như anh biết, có đủ đâu vào đâu... với lại bó buộc đủ thứ... Nó muốn đi làm, có đồng ra đồng vào...

Năm Địa chậm rãi:
- Hồi trước làm gì?
- Dạ... đi lính. Phong lễ phép trả lời.
- Lính gì?  Năm Địa hỏi tới.
- Dạ, Địa-Phương-Quân.
- Đại-đội-Trưởng? Tiểu-Đoàn-Trưởng?
- Dạ, Trung-Đội Trưởng.

Long Chảy thấy cần phải chấm dứt cuộc sưu tra lý lịch ngang xương:
- Nghe nói chỗ anh làm, “dóp” đang “ô bân”?

Thày Năm lặng thinh, thò tay xuống gầm bàn cà phê, kéo ra cái ống tre có chân chống, để lên mặt bàn. Long Chảy mỉm cười:
- Anh Năm chơi “Ba-Zô-ca”?

Phong Điếc  góp chuyện:
- Ổ Mỹ cũng có thuốc lào?

Năm Đia “xì” một tiếng dài:
- Cái gì chả có! Có tiền là có hết.

Rồi thày thao thao về cái điếu cày:
- Có hai loại điếu để hút thuốc lào. Ở nhà dùng điếu  bát. Điếu bát phải có xe điếu, lỉnh kỉnh. Điếu này đơn giản hơn, do sáng kiến của mấy người đi làm ngoài đồng nghĩ ra, gọi là điếu cày. Điếu cho ông thợ cày. Ống lấy từ cây nứa mọc ở rừng Phong Quang Lào Cai, chỗ giáp ranh với Tàu. Các cụ ta có câu: “Bên kia Cốc Lếu, bên này Lào Cai”. Cốc Lếu thuộc Tàu. Kiếm được cây nứa vừa già lại vừa nhỏ nhắn, màu mè như thế này đâu có dễ, mất cả tháng chứ có ít đâu! Vậy mà lại không quan trọng bằng cái nõ!

Phong Điếc  nhảy nhổm:
- Cái... cái  gì? Anh Năm nói cái gì... nõ?

Năm Địa cười mủm mỉm:
- Nói  tới  đây, tôi lại nhớ đến mấy ông ngoài mình. Phát âm chữ “en nờ” và chữ “e lờ” rối tinh rối mù, ngọng líu ngọng ló! Nõ điếu của người ta mà các cụ cứ hô là “Lõ” điếu nghe  như đấm vào tai không bằng! Vâng, nõ điếu làm bằng gỗ Lan Hoa cơ đấy! Thứ gỗ này chỉ có ở Nghệ An, Hà Tĩnh. Lan Hoa quí như  Lim, như Gụ, như Trắc. Vân gỗ này rất đẹp, bóng như “vernis”. Làm nõ điếu phải rất nghề. Tay ngang  thua là cái chắc. Hút tiếng kêu không thanh, không ròn, chỉ có nước giục bỏ!

Long Chảy dò dẫm:
- Anh chịu khó và khéo tay quá! Anh ôm “nó” suốt thời gian Tù Cải Tạo?

Năm Địa thảng thốt:
- Không!... Không có. Cái điếu này của một người bạn của bạn tôi. Ổng tặng cho bạn tôi nhưng anh bạn tôi không biết hút thuốc, nên thẩy lại cho tôi.

Miệng nói, tay ngắt thuốc, vê thành viên tròn to bằng đầu đũa bếp rồi ấn vào nõ. Chưa hết, Năm Địa còn móc ra một bó đóm  tre, rút một đóm đưa cho hai ông khách xem:
- Đóm này tuy là đóm tre nhưng là tre lượm, không đúng phép lắm.

Phong Điếc ỡm ờ:
- Thế nào mới là đúng phép?

Năm Địa đã châm lửa định hút nhưng nghe hỏi, bèn dụi đóm, giải thích:
- Hút thuốc lào bằng đóm giấy là hỏng bét. Đóm thuốc lào phải là đóm tre ngâm một trăm ngày, sau đó đem phơi khô mới đúng điệu “bà lang trọc”. Long Chảy cầm quẹt “gas”, bật bánh xe cho ngọn lửa phụt lên:
- Mời anh!

3/Năm Địa dúi đầu đóm vào ngọn lửa. Tay trái, điệu nghệ đưa điếu lên miệng. Bàn tay phải cầm đóm, khum khum che gió, hai má bắt đầu hóp lại... cách... cách... cách... âm thanh ròn tan phát ra  như tiếng phách canh nhịp  theo  cùng sự chồi lên, hụp của đốm lửa ở miệng nõ.. đôi ba lần rồi im bặt. Năm Địa đặt điếu xuống, nín thở, vơ vội ly cà phê, chiêu một ngụm. Hai ông khách cũng đang” bế hơi” theo dõi xít xao các động tác của chủ nhà. Một đỗi sau, mới thấy Năm Địa ngửa mặt lên trần nhà, phun ra luồng khói như khói xe lửa... anh chàng lim dim đôi mắt, hơi thở dồn dập, hổn hển như vừa trải qua cuộc chạy đua nước  rút... lâu lắm người mới lên tiếng:
- Đúng nó đương mướn người nhưng chỉ lấy “bạc thai” và “on con” thôi. Nhưng cũng gay go lắm!

Không khí đàm đạobỗng dưng âm- u và nặng nề kỳ lạ. Chủ, Khách gì đột nhiên tịnh khẩu hết chơn. Ngươi nào người nấy vai tròe lên tận mang tai. Chỉ còn nghe những tiếng loạt soạt của mấy đôi chân thi nhau chạy tại chỗ. Phong Điếc rên khe khẽ:
- Ở Sài- Gòn nóng quen rồi. Qua đây, trúng ngay mùa Đông lạnh muốn khùng luôn. Mà hình như ánh sáng trắng làm lạnh thêm thì phải.

Long Chảy đá nhẹ vào chân Phong:
- Mày khéo tưởng tượng. Ở miết rồi quen. Bữa nay mới hơn năm chục độ, nhằm  nhò gì! Mấy năm trước, tuyết rơi trắng  nóc nữa kìa. Mà này anh Năm, anh nói gay go là gay go thế nào, thưa anh?

Mặt Năm Địa nghiêm và buồn:
- Mấy năm trước dễ dãi lắm. Thằng “ma ná dơ” rất thích người Việt, vì “người mình” siêng năng, bảo sao làm vậy, đôi lúc còn làm vượt chỉ tiêu nữa. Còn điều này mà họ rất thích mình, là mình không bao giờ “còm len” gì ráo! Mới đây thôi, có ông nhà ta, đã “ầu ơ ví  dầu” thì chớ, lại thêm cái tật ú ớ. Nó nói một đường, lại làm một nẻo, trật lất. Chúng bực mình, chúng ra tiêu chuẩn, bắt buộc phải nói được tiếng  Mỹ, không là “pheo”!

Vì ở Mỹ lâu năm, Năm Địa có tật, dù nói tiếng Việt nhưng cứ chêm tiếng Mỹ vào cho rõ nghĩa. Phong Điếc đâm ba chẻ củ:
- Pheo là sao hả anh?

Năm Địa liếc xéo Phong Điếc bằng nửa con mắt, nửa con còn lại, phóng ra ngoài cửa sổ, mà nước mưa đã phủ mờ hết vuông kính đục:
- Thật ra, tôi không mặn với cái “dóp” này, bởi vì cái “bi dờ nít” của bà Xã tôi, quay tôi mòng mòng. Làm vì nể thôi!

Chết mẹ! Hai ông khách nhẩy nhổm nghe chủ nhà phán. Giữa lúc người khôn của khó của thời buổi Kinh Tế toàn cầu sáng như Địa Ngục thế này, mà bố mày chê việc thì thật là hết nước nói - nói theo “văn  từ” của Công-Tử Hà-Đông! Long Chảy lại đưa banh:
- Bà chị có phần hùn Công-Ty?
- Không! Bả làm chủ. Hùn hạp, chia chác. Kẻ nhiều, người ít... Thưa kiện... lôi  thôi... Khó  lòng lắm!
- Thế là Bà chị phải cần lao công, dọn dẹp, lau chùi, rửa  ráy...
- Không tuốt! Tôi lo hết. Mướn người bất tiện lắm!

Phong Điếc đâm hơi:
- Vì  lý do an- ninh... Họ dòm ngó...

Năm Địa thêm vào:
- Người ta làm không đúng ý mình, nói thì ngại, không nói thì tức.
- À thì ra là vậy. Anh đang nói dở vụ đi làm...

Năm Địa giật mình:
- Ờ  há! Tôi nói tới đâu rồi?

Long nhắc:
- Anh nói đi làm vì vị nể - Thiệt đó! Có thằng quen làm “de nít to”. Không biết mắc chứng gì, cứ vài bữa, nó lại rủ tôi vô làm chung chỗ với  nó. Mới đầu tôi không chịu. Nó dụ đã rồi tự động đi lấy đơn về,  ép tôi điền đơn, đâu cũng hai, ba lần gì đó. Ngặt cái, bà Xã nhà tôi không muốn tôi làm “lin ấp”. Vắng nhà ban đêm là không được rồi.

4/- Bà chị sợ ma?

Năm Địa lấm lét nhìn quanh,  như sợ có người nghe trộm, chặc lưỡi:
- Ậy! Bả thuộc loại Tiểu thư đài các. Gia đình có của ăn, của để. Bả được nuông chiều từ nhỏ, quen rồi nên cái gì cũng sợ. Bữa kia, gặp lúc tôi và thằng  nọ đang bàn bạc về chuyện đơn từ, bả nghe được, bả nổi cơn làm cho thằng con một “tăng” tơi bời hoa lá, thiếu điều độn thổ luôn! Thằng này tính tình bộc trực, “tốc tốc” sao đó, nó chẳng biết giận ai lâu bao giờ. Gặp lại bà Xã tôi, nó vẫn nhăn nhăn, nhở nhở... chị  chị, em em ngoan đáo để như chẳng có chuyện gì xảy ra cả, diết rồi bả cũng chẳng thèm  ý kiến, ý cò  gì ráo. Nhưng mà số tôi nó làm sao ấy...

Phong Điếc hồi hộp đón banh:
- Số anh làm sao?

Năm  Địa rề  rà:
- Cái  mà mình chẳng mong thì nó cứ lù lù mà đến. Một tuần sau, vâng đúng bảy ngày sau, tôi được kêu phỏng vấn. Thực lòng, chẳng muốn tí nào nhưng vì tò mò, bụng bảo dạ, cứ đi thử cho biết với người ta. Bữa đi phỏng vấn, phải giấu vợ, bả mà biết thì mệt.

Phong như ngồi trên lửa:
- Rồi sao nữa anh?

Thày Năm lại quên:
- Tôi nói đến chỗ nào rồi nhỉ?
- Dạ, anh đi phỏng vấn.

Dường như đắc ý, Năm Địa móc túi lấy gói ba số năm, rút một điếu gắn vào mép. Long Chảy lại nhảy vào vùng cấm địa:
- Anh Năm khoái “gu” Ăng lê?

Thày Năm cười ha hả:
- Tôi ghiền Lucky kia. Thuốc này do người quen ở Việt- Nam mua giùm vì nó rẻ hơn thuốc Mỹ. Để nhớ coi, phải rồi, bố thằng “ma ná dơ” từng tham chiến ở Việt Nam nên khi biết tôi là lính Việt- Nam Cộng- Hòa, nó có cảm tình liền. Gặp đúng tần số, tụi tôi toàn đấu về Việt-Nam không. Thằng này cũng khoái Việt-Nam như bố nó, nó mong có dịp đi thăm Sài-Gòn, Hà-Nội, Huế...
- Họ hỏi lâu, mau anh Năm?

Năm Địa xòe bàn tay nhẩm tính:
- Tám rưỡi, chín rưỡi, mười  rưỡi.. hai tiếng mười lăm phút đúng. Cuối cùng nó bắt tay tôi và cảm ơn tôi đã đến đúng giờ. Nó đích thân đưa tôi ra tận thang máy, lại bắt  tay nữa và nói: “Hy vọng ông sớm làm việc với chúng tôi”.

Mắt Phong sáng lên như sao:
- Còn gì nữa không anh?

Năm Địa đủng đỉnh vê thuốc lào. Hắn rất ngưỡng mộ cái cử chỉ  chậm chạp mà hắn học được từ một bậc đàn anh của hắn. Chậm chạp thể hiện sự chín chắn, kín đáo và nhất là dáng vẻ bệ vệ, quyền uy, sang trọng và quí phái! Thế nhưng nhiều khi, hắn trình diễn cái thể điệu này quá nhuần nhuyễn, bài bản đã khiến cho chính người vợ thân mến của hắn, bực mình, đôi khi cay độc ví hắn với loài rùa tai đỏ, độc hại!

- Đúng một tuần! lại đúng một tuần - Năm Địa dứt khoát - Thằng “ma ná dơ” đích thân kêu điện thoại cho tôi và ấn định ngày tôi đến Văn phòng nó làm thủ tục  nhận việc. Đúng ba mươi ngày sau kể từ ngày “sì tạc” - Vâng, ba mươi ngày không hơn không kém, tôi được vào “phun thai” với đầy đủ “be nơ phít”. Tổng cộng chỉ vỏn vẹn có bốn mươi bốn ngày, trong khi người khác phải mất từ ba đến sáu tháng!

5/ Năm Địa nhấn mạnh vào chữ” Đúng”. Thày khoái dùng chữ này, do bởi, thày bắt chước cô Xướng Ngôn Viên xinh xắn của một Đài Truyền Hình, nếu không muốn nói là thày đã thầm yêu. Cô này, tuy lớn tuổi, để tóc búp bê, mặc áo ít vải. Cô hay dùng chữ Đúng, như đúng mấy giờ, đúng ngày mấy tháng mấy, mặc dầu những cái  đúng của cô chưa bao giờ đúng cả!

Phong Điếc bốc thày Năm lên mây:
- Thần kỳ! Số anh Năm đẻ bọc vàng! Huynh tài thật.

Long Chảy ngứa miệng:
- Bọc điều mày. Làm gì có bọc vàng. Vàng bây giờ  lên giá, mấy ngàn một lượng đó mày.

Được Phong Điếc đưa lên mây bằng máy bay phản lực, thày Năm tắt máy, bước ra ngoài tả cảnh:
- Hồi còn ở Việt- Nam, tôi luyện rất kỹ môn Anh Văn. Nhờ vậy, khi sang bên này, tôi không bị trở ngại về ngôn ngữ khi giao thiệp với người bản xứ. Ông bạn tôi đấy, mỗi khi đi “Khám Bác Sĩ”, dù đã có Thông dịch nhưng ổng cứ nằng nặc bắt tôi đi kèm, để kiểm soát lại các lời thông dịch.

Không khí trong phòng lắng đọng, mọi người chăm chú nghe chuyện của Năm Địa kể một cách hứng thú. Năm Địa cũng tạm ngưng, chuẩn bị cho điếu thuốc lào thứ ba. Phê xong, thày vừa thở vừa nói trong khói thuốc:
- Có xa xôi gì đâu, mới năm ngoái đây thôi, bạn của ông bạn tôi gả con gái cho Mỹ. Ổng và tôi có quen nhau bao giờ đâu, chắc có lẽ nghe bạn tôi giới thiệu sao đó, cả hai ông bà, đích thân đến mời tôi làm MC trong lễ đưa Dâu và “bạc ty” tiệc tối. Như các anh biết, mình đã không có thì giờ nhiều, nhưng từ chối thì kỳ quá, cũng muốn nhân dịp này làm quen, thêm bạn, bớt thù. Bận ơi là bận. Mệt muốn đứt dây “couroi” luôn nhưng rồi đâu cũng vào đó.

Phong Điếc lại bơm:
- Tôi thì không biết tiếng Anh thật, nhưng cứ nghe anh “xì xào”, giả tỷ, đừng cho tôi thấy mặt, thì tôi cứ ngỡ là Mỹ trăm phần trăm cơ đấy!

Năm Địa đỏ mặt vì sướng:
- Anh thương mà nói thế. Chứ mình mới qua có mấy chục năm.

Phong gạ gẫm:
- Bữa nào hưỡn, anh giúp cho cái đơn...

Năm Địa truyền “bí kíp”:
- Thú thật, hồi mới qua Mỹ, tôi không làm cho Mỹ ngay đâu, không phải vì không có tiếng  Mỹ mà vì chưa có kinh nghiệm nghề nghiệp. Tôi làm cho các tiệm người Việt, nào cuốn chả giò, chạy bàn, rửa xe... Mười mấy năm sau, tôi mới làm cho Mỹ, lúc này, lông cánh mình đã đủ...

Long Chảy đón cú sút:
- Còn bây giờ thì sao, anh Năm?
- Cứ từ từ... giục tốc bất đạt. Thôi mời các anh cạn ly...

Những ly cà phê còn quá nửa và nổi váng. Hai người khách cùng đứng lên như không nghe lời mời của chủ nhà:
- Cám ơn anh đã cho uống cà phê. Chúng tôi xin kiếu để anh đi làm.

Ngoài trời mưa bay lất phất. Gió đang đuổi nhau trên ngọn thông với đỉnh chỏm nhọn hoắt, chĩa thẳng lên trời. Cánh cửa phía sau lưng hai người cũng đã khép kín. Long tần ngần nhìn Phong... Thằng con trai mặc chiếc áo trắng, quần xanh nước biển, rảo bước đến bên xe nước đá của ông Tàu già quen thuộc đầu ngõ:

- Cho ly đá nhận... Long khẽ thở dài: “ba mươi năm có lẻ... ”            

TỪ-SƠN.

No comments:

Blog Archive