Thursday, October 1, 2015

Sai lầm của thế giới Tây Phương

Nguyễn Đình Phùng

 Hoa Kỳ, Tây Âu và Nhật Bản được coi là 3 cột trụ cho thế giới Tây Phương, đặc biệt về phương diện kinh tế. Hoa Kỳ và Tây Âu dĩ nhiên thuộc về phương Tây, nhưng Nhật Bản tuy thuộc Á Châu nhưng về tiến bộ kỹ thuật và kinh tế cũng được coi là trực thuộc thế giới Tây Phương. Trong ba thập niên trở lại đây, thế giới Tây Phương bắt đầu bị cạnh tranh và phải đối phó với thế lực mới từ phương Đông, đó là sự phát triển của Trung Hoa.

Điều rõ ràng là sự tiến bộ của Trung Hoa, trở thành cường quốc thứ hai về kinh tế, qua mặt Nhật Bản và chỉ sau Hoa Kỳ; cũng như hiện đang trở thành hiểm họa về quân sự cho toàn cầu, đều bắt nguồn từ những sai lầm căn bản và hệ trọng của thế giới Tây Phương từ nhiều thập niên từ trước đến nay.

Trước hết, sai lầm đầu tiên phải kể đến của tổng thống Truman trong cuộc chiến Triều Tiên. Tướng Douglas McArthur đứng trước đe dọa của lực lượng Hồng Quân một triệu người của Mao Trạch Đông với chiến thuật biển người, đã yêu cầu tổng thống Truman giải quyết chiến tranh một cách nhanh chóng. Là dùng vũ khí nguyên tử để tiêu diệt đạo quân này của họ Mao khi vượt sông Yalu, trước khi yểm trợ được quân Bắc Hàn của Kim Nhật Thành.

Nếu Truman nghe lời Mc Arthur, cuộc chiến Triều Tiên sẽ được chấm dứt nhanh chóng, Kim Nhật Thành sẽ bị tiêu diệt cùng với đạo quân 1 triệu người của họ Mao và Hoa Kỳ sẽ không bị thiệt hại biết bao nhân mạng khi cuộc chiến Triều Tiên kéo dài. Ngoài ra nếu diệt được cả triệu quân Tàu với bom nguyên tử tại sông ranh giới Yalu, Hồng Quân của họ Mao bị tiêu diệt sẽ mở đường cho Tưởng Giới Thạch từ Đài Loan trở lại lục địa và Trung Hoa sẽ không bị cộng sản kiềm chế cho đến bây giờ. Dĩ nhiên nếu Mao Trạch Đông bị diệt, Trung Hoa không phải là cộng sản, Việt Nam cũng sẽ không bị vướng ách cộng sản của Hồ Chí Minh. Nhưng chỉ vì một quyết định của Truman, lịch sử thế giới đã biến đổi hoàn toàn.

Lý do Truman không thuận theo lời tướng McArthur để dùng bom nguyên tử giải quyết chiến tranh Triều Tiên và giải quyết luôn hậu họa cộng sản tại Trung Hoa chỉ vì tổng thống Truman bị ám ảnh bởi việc dùng bom nguyên tử tàn phá Hiroshima và Nagasaki, bắt Nhật phải qui hàng, chấm dứt Thế Chiến Thứ Hai. Truman đã chùn tay và bác bỏ lời yêu cầu của tướng McArthur, bỏ lỡ cơ hội làm thay đổi hẳn lịch sử. Đây là sai lầm đầu tiên và quan trọng nhất của Hoa Kỳ trong việc đối phó với Trung Hoa.

Sai lầm thứ hai xảy ra khi Kissinger và Nixon đã tính toán nhầm về đe dọa của Sô Viết, mở cửa cho Trung Hoa khi Nixon sang thăm xứ này và cho Trung Hoa bước đầu cơ hội để hội nhập với kinh tế của toàn cầu và nhờ đó bắt đầu con đường tân tiến hóa. Lịsh sử sau này nhiều phần sẽ phê phán và buộc tội cho hai nhân vật này đã làm hại cho Hoa Kỳ cũng như cho cả toàn cầu khi giúp cho Trung Hoa thoát được tai ương của cuộc cách mạng văn hoá của họ Mao, có thể làm Trung Hoa tàn tạ hàng trăm năm nữa vì chính sách điên cuồng của Mao Trạch Đông!

Sai lầm kế tiếp của thế giới Tây Phương xảy ra khi Đặng Tiểu Bình lên nắm quyền và thi hành việc đổi mới về kinh tế và chiêu dụ các công ty ngoại quốc vào đầu tư tại Trung Hoa. Lấy mồi nhử là thị trường hàng tỷ dân Tàu, Đặng Tiểu Bình đã khuyến khích cho các đại công ty của Hoa Kỳ, Tây Âu và Nhật Bản tung tiền vào đầu tư, xây cất cơ xưởng và sản xuất hàng hóa tại Trung Hoa để xuất cảng đi toàn thế giới. Những đầu tư quá tay của tư bản Tây Phương, cũng như sự chuyển nhượng kỹ thuật của các công ty Tây Phương đã là nguyên nhân chính cho sự phát triển nhanh chóng của Trung Hoa về kinh tế. Mô hình phát triển bằng xuất cảng đã được Trung Hoa ứng dụng tối đa để kích thích kinh tế và tạo công ăn việc làm cho vài trăm triệu nhân công đổ xô từ nông thôn ra thành thị.

Tuy nhiên điều quan trọng hơn cả là với sự tiếp tay của các đại công ty Tây Phương, Trung Hoa đã tự biến mình thành nhà máy sản xuất vĩ đại cho cả toàn cầu, chiếm hầu hết các thị trường về sản xuất vật dụng của đa số các quốc gia trên thế giới. Trong khi đó, Tây Phương tiếp tục đầu tư và chuyển nhượng kỹ thuật cho Trung Hoa. Nếu không chịu hợp tác với các công ty nội địa và chia xẻ các tiến bộ kỹ thuật, công ty ngoại quốc sẽ không hoạt động được tại Trung Hoa. Nếu công ty ngoại quốc nào không chịu, chính quyền Trung Hoa sẽ yểm trợ cho các công ty nội địa tìm cách ăn cắp hết các kỹ thuật mới và cạnh tranh ráo riết!

Điều thiển cận hơn cả là các chính quyền của các quốc gia Tây Phương đã không có một chính sách nào để ngăn chặn các chuyển nhượng kỹ thuật trọng yếu sang Trung Hoa, ngay cả việc đối phó vớí các hành động ăn cắp trắng trợn của Trung Hoa, cũng không làm gì được để ngăn chặn hay trả đũa! Hơn nữa khi các công ty Tây Phương bắt đầu đem công việc về sản xuất mang sang Trung Hoa, xây cất nhà máy tại đây, dùng nhân công Trung Hoa để được rẻ hơn giá nhân công tại Hoa Kỳ, Tây Âu hay Nhật, các công ty này đã giết hết việc chế tạo sản xuất của xứ mình và gây ra nạn thất nghiệp trầm trọng cho quốc gia.

Điều tệ hại là chính quyền các quốc gia Tây Phương vì danh nghĩa tự do mậu dịch, tự do đầu tư.. đã không có một biện pháp nào để ngăn chặn, tự mình làm hại mình và làm lợi cho địch thủ. Vì điều giản dị là Trung Hoa lúc nào cũng coi thế giới Tây Phương là thù địch, với mối thù Tây Phương chia xẻ Trung Hoa từ hai trăm năm trước, cũng như mối thù với Nhật Bản chiếm và tàn sát dân Tàu thời Đệ Nhị Thế Chiến.

Lợi thế của Trung Hoa là dân quá đông và chiêu bài thị trường tiêu thụ hàng tỷ người nên công ty Tây Phương nào cũng ham và muốn có mặt hay bành trướng tại Trung Hoa. Trong khi đó các chính quyền Tây Phương bị hạn chế vì các tinh thần tự do mậu dịch, tự do cạnh tranh nên đã không làm gì được để ngăn chặn việc xuất cảng công việc về chế tạo và sản xuất sang Trung Hoa. Và kết quả là hàng hóa của Trung Hoa đã xâm chiếm và lan tràn trên khắp các thị trường của toàn cầu.

Ngoài hậu quả là việc mất hết các kỹ nghệ về sản xuất và sự tiêu diệt của giai cấp trung lưu vì các công việc lương cao do sản xuất đã không còn nữa, những tác hại do những thay đổi này gây ra không biết bao nhiêu mà kể! Những khủng hoảng kinh tế gần đây trong thế giới Tây Phương như cuộc Đại Suy Thoái năm 2008, kinh tế trì trệ tại Âu Châu hay nạn giảm phát kéo dài hàng hai thập niên tại Nhật Bản đều có nguồn gốc từ sự mất thăng bằng kinh tế trên toàn cầu do Trung Hoa gây ra.

Điển hình như quả bóng địa ốc tại Hoa Kỳ trong các năm trước khi vỡ tan năm 2007 là do tiền đầu tư thặng dư quá nhiều đến từ Trung Hoa. Sau đó là khủng hoảng tín dụng và Đại Suy Thoái tiếp theo cũng vì Trung Hoa phần lớn. Hiện nay nạn giảm phát deflation đang đe dọa trên toàn cầu cũng có nguyên nhân căn bản là vì Trung Hoa tiếp tục sản xuất ào ạt và giá hàng hóa tiếp tục đi xuống khi Trung Hoa tăng sản xuất và cho hạ giá để cạnh tranh.
Đây là lý do chính tại sao khi Federal Reserve Bank của Hoa Kỳ cho bơm tiền tối đa với quantitative easing ba lần, bơm ra vài trillion Mỹ Kim cũng không làm lạm phát tăng lên được và nạn giảm phát deflation tiếp tục đe dọa chính Hoa Kỳ.

Hiện nay kinh tế Trung Hoa đang lâm vào khủng hoảng nặng nề với quả bóng địa ốc và xây cất vỡ tan, quả bóng chứng khoán tiếp tục bể và hệ thống ngân hàng và tín dụng tại Trung Hoa có thể sẽ đi đến bế tắc nay mai. Điều sai lầm lớn lao nhất của Hoa Kỳ và thế giới Tây Phương trong giai đoạn này sẽ là không biết lợi dụng cơ hội để ra tay tận diệt kinh tế Trung Hoa, để không cho cơ hội ngóc đầu lên được nữa.

Việc Tập Cận Bình trong tuần lễ qua sang Hoa Kỳ để họp với Obama, ngoài chuyện bàn thảo các vấn đề chính trị địa dư, thỏa thuận về đối phó với thay đổi khí hậu và môi sinh, cũng như về chiến tranh vi tính cyberwarfare, còn có lý do khác tối quan trọng cho họ Tập. Đó là việc cứu vãn nền kinh tế đang nổ tung của Trung Hoa. Đây là lý do tại sao trước khi gặp Obama tại Washington, DC, Tập Cận Bình đã ghé Seattle trước đó mấy ngày để dự buổi họp với các công ty kỹ thuật của Hoa Kỳ. Các công ty kỹ thuật lớn nhất của Hoa Kỳ muốn làm ăn với Trung Hoa đều có các CEO tham dự và gặp họ Tập như Apple, Google, Facebook.. Cũng nhân buổi họp này, họ Tập đã cho chỉ thị để Trung Hoa ký kết các hợp đồng nhiều tỷ Mỹ kim với các công ty lớn nhất như với Boeing và nhiều công ty kỹ thuật khác. Đây là đòn để chứng tỏ với Hoa Kỳ là Trung Hoa là thị trường lớn, làm lợi cho các công ty Hoa Kỳ. Cụ thể là Apple hiện có lợi tức kiếm được nhờ bán i phone tại Trung Hoa còn nhiều hơn tại Hoa Kỳ!

Điều rõ ràng là Tập Cận Bình đã thấy chính quyền Obama đang sửa soạn để chơi Trung Hoa sát ván. Như việc Obama tuyên bố là sẽ trả đũa về việc Trung Hoa cho đánh cắp bằng hacking vào cơ quan giữ hồ sơ của các nhân viên làm việc trong chính quyền liên bang, lấy tin tức của hàng chục triệu người cũng như dấu tay, làm thiệt hại nặng cho các cơ quan tình báo và ngoại giao. Obama có thể sẽ cho chế tài các công ty Trung Hoa ăn cắp các bí mật về thương mại của công ty Hoa Kỳ và cấm mua bán với các công ty Tàu này. Đây sẽ là bước đầu để ngăn chặn việc nhập cảng hàng hóa từ Trung Hoa và là đòn đánh mạnh vào bộ máy xuất cảng của Trung Hoa, cột trụ trọng yếu nhất cho phát triển kinh tế xứ này.

Tập Cận Bình cũng đã phải hứa hẹn với Obama là sẽ không cho phá giá đồng quan để cho hàng hóa Tàu rẻ hơn và chiếm thị trường của Hoa Kỳ. Tuy nhiên để triệt hạ hẳn nền kinh tế của Trung Hoa, Hoa Kỳ sẽ cần phải mạnh tay hơn nữa trong việc hạn chế nhập cảng hàng hóa của Tàu. Ngoài chuyện lấy cớ là sản phẩm của Tàu kém, thiếu tiêu chuẩn, Hoa Kỳ còn có thể dùng đòn liệt kê Trung Hoa là quốc gia lũng đoạn hối đoái tiền tệ và theo luật bộ Thương Mại có thể ra lệnh để đánh thuế quan tối đa lên hàng hóa của Trung Hoa và làm giá bán cao lên, sẽ ngăn được việc tiêu thụ hàng hóa đến từ Trung Hoa.

Tóm lại thời điểm hiện tại đã chín mùi cho các quốc gia Tây Phương là Hoa Kỳ, Tây Âu và Nhật Bản cùng đồng lòng để triệt hạ kinh tế Trung Hoa. Cửa sổ cho cơ hội để đánh các đòn mạnh và hiệu quả trên nền kinh tế của Trung Hoa chỉ kéo dài từ sáu tháng đến một năm. Điều quan trọng là các quốc gia Tây Phương phải cùng thỏa thuận để đưa ra những biện pháp hữu hiệu nhất để đánh gục nền kinh tế của xứ đang và sẽ là tai họa lớn lao cho toàn cầu trong tương lai sắp đến.


30 tháng 9, 2015

Nguyễn Đình Phùng

No comments:

Blog Archive