Saturday, April 3, 2010

Chuyện thật của tôi

Felix Nguyen

Tôi cũng xin hưởng ứng lời đề nghị của tác giả Nguyên Thạch mỗi tuần viết một chuyện thật, xin nói rõ là thật với tôi còn với người khác thì có thể không thật, xin miễn chịu trách nhiệm!

Từ khi công việc tương đối ổn định, có đồng ra đồng vào, tôi cũng nghĩ tới chuyện giúp đỡ những người kém may mắn hơn mình, nhất là với những đồng bào ở VN. Những người mà tôi nghĩ tới đầu tiên là những anh thương phế binh còn kẹt tại quê nhà, những thông tin về cảnh đời cực khổ của các anh làm tôi thú thật không chịu nổi đến nổi đôi khi tôi không dám đọc.

Trong một lần đi Pháp tôi đã tiếp xúc với anh H, vốn là người quen của tôi. Anh là cựu đại úy quân lực VNCH và hiện đang điều hành một quỹ cứu trợ các thương phế binh VNCH tại Việt Nam. Nghe chữ "điều hành" thì oai vậy nhưng thật sự thì anh sống rất chật vật nếu không muốn nói là quá nghèo. Hoàn cảnh sống của anh khiến tôi bất ngờ đến nghẹn lời khi chứng kiến anh sống trong một attic (tiền thuê rẻ) nhỏ xíu và nóng như lửa trong mùa hè và lạnh căm trong mùa đông. Tuy hoàn cảnh cá nhân như vậy nhưng anh lại rất nhiệt tình trong công việc từ thiện của mình, chạy vạy khắp nơi để xin tiền cho các anh em chiến hữu cũ trong khi bản thân thì nghèo rớt mùng tơi! Hình như hiện nay anh không còn sống ở Pháp nữa mà đã chuyển sang nước khác, tôi không rõ lắm!

Sau khi nói chuyện với anh, tôi đồng ý góp vào quỹ của anh định kỳ hàng tháng và tôi cũng hứa sẽ cố gắng trong khả năng của mình vận động thêm sự đóng góp tại Hoa Kỳ. Anh đã đem hết sổ sách và hình ảnh ra cho tôi xem hầu chứng minh công việc từ thiện của anh là minh bạch nhưng tôi gạt đi và bảo với anh tôi không có thời giờ để xem, hơn nửa tôi tin nơi anh. Tuy vậy, sau này anh vẫn thường email mọi thông tin cho tôi về sự hoạt động của quỹ từ thiện mặc cho tôi luôn nói rằng anh không cần phải mất công như vậy. Đúng là mất công cho anh thật vì tôi chả bao giờ xem các thông tin này vì quá bận bịu.

Tôi cũng giữ lời hứa với anh bằng cách vận động các thân hữu tại Mỹ đóng góp vào quỹ này. Cho đến nay tôi đã vận động được 10 người, đặc biệt trong số đó có 3 người bạn Mỹ (2 người vốn là cựu chiến binh Việt Nam, người còn lại là bạn thân của tôi).

Năm 2005 khi tôi về Việt Nam thăm gia đình tôi có rũ anh H cùng về và nói rõ là tôi đài thọ hoàn toàn chi phí của chuyến đi. Tôi biết anh thèm về thăm quê hương lắm nhưng vì không có tiền nên tôi đã có ý đó. Anh từ chối nêu lý do bận bịu, nhưng tôi ngờ rằng vì anh tự ái không muốn nhận sự giúp đỡ của tôi.

Tôi thật không ngờ anh H đã thông báo chuyến về Viẹt Nam của tôi cho các bạn anh là những người điều hành quỹ tại Việt Nam. Theo những thông tin từ những người này, tôi nhận thấy là anh H đã nói hơi quá lời về tôi và sự đóng góp của tôi. Đại khái anh nói rằng sự đóng góp của tôi là chủ yếu cho sự tồn tại của quỹ, hay nói khác đi nếu tôi không đóng nữa thì quỹ "bankrupcy"! Tôi biết chắc có thể tôi đóng nhiều hơn người "đóng ít" một chút nhưng bảo rằng vì tôi mà quỹ tồn tại thì đúng là anh H đã "nổ văng miểng"!

Nhưng mặc dù tôi đã thanh minh là sự thật còn lâu mới như anh H nói, các người bạn anh vẫn tin tưởng nơi những lời "nói dối ngọt ngào" ấy và họ đối đãi với tôi như... boss. Họ mời tôi tham dự một buổi phát tiền và phẫm vật cứu trợ cho các anh em thương phế binh.

Buổi cứu trợ này được tổ chức tại nhà một người điều hành , anh Dũng (xin lỗi, trí nhớ tôi không tốt nên không chắc có nhớ đúng tên anh không!). Nhà anh có sân gach phía trước khá rộng, rất tiện lợi cho công việc này, vì lẽ phẩm vật gồm có cả những chiếc xe lăn cho mỗi anh thương phế binh. Các anh thương phế binh lần lượt tới, anh thì lết đi bằng 2 cực gạch chống tay, anh may mắn hơn thì được con cháu đẩy tới trên chiếc xe lăn tồi tàn. Tôi nhận thấy các anh đã cố gắng mặc một bộ đồ mới và chải tóc gọn ghẻ, như thể các anh xem đây là ngày lễ trọng đại của mình! Thái độ ấy làm tôi không thể cầm lòng và phải xin vào toilet để rủa mặt nhưng thật ra để chùi nước mắt!

Anh Dũng mở đầu bằng một bài "diễn văn" ca tụng sự hảo tâm của các mạnh thường quân, anh còn hứng chí nêu tên những người đóng góp tràng giang đại hải làm tôi phải nhắc nhỏ anh bỏ bớt mục này kẻo quá dài. Anh còn làm tôi bất ngờ không lấy gì "thú vị" lắm bằng cách giới thiệu tôi bằng những lời "có cánh." Xét ra anh H cường điệu một phần thì anh D. còn cường điệu gấp hai, ba lần! Khổ quá, hình như người Việt Nam chúng ta mắc phải hội chứng cường điệu thì phải? Chắc có lẽ anh nghĩ là làm như vậy sẽ khiến tôi vui nhưng anh đâu biết nghe ca thì thích nhưng ca quá thì ngượng chết đi được! Sau này tôi có giải thích với anh như vậy, anh cũng đồng ý nhưng tôi xem chừng anh không mấy tin!

Sự bất ngờ anh dành cho tôi chưa phải chấm dứt ở đây. Anh còn mời tôi phát biểu với tư cách đại diện cho các mạnh thường quân ở nước ngoài. Không tiện chối từ, tôi đã nói vài lời ngắn với các anh thương phế binh bất hạnh kia, đại khái:

“Em xin chào các anh, xin đừng gọi em là ông này ông kia, em còn trẻ so với các anh. Và cũng xin các anh đừng ‘đội ơn’ em như một anh đã nói với em. Nếu nói đội ơn thì chính em đây mới là người đội ơn các anh. Nhờ các anh mà em đã sống hạnh phúc, tự do trong bao năm trường. Rồi giờ đây khi em may mắn được sống trong môi trường thoải mái thì các anh đã bất hạnh trong cuộc chiến, nay lại càng bất hạnh hơn vì sự phân biệt đối xử trong xã hội. Không thể dùng lời nào để nói lên tấm lòng biết ơn của em và của các đồng bào khác tại nước ngoài với các anh. Đóng góp để giúp đỡ cho các anh phần nào là bổn phận chứ không phải là ban ơn. Em chỉ tiếc khả năng mình có hạn không thể giúp nhiều hơn cho các anh, xin các anh thông cảm cho em. Em chỉ ước sự giúp đỡ nhỏ nhoi ngày hôm nay sẽ có thể làm vơi đi phần nào sự đau khổ cho các anh và gia đình. Em chúc các anh và gia đình khỏa mạnh và may mắn...”

Nghe tiếng vỗ tay và gương mặt rạng rỡ của các anh tôi lại thấy hổ thẹn khôn xiết. Sự giúp đỡ của tôi nhỏ nhoi biết bao nhưng đối với các anh nó lại quý giá đến như vậy. Phần quà của các anh, mỗi người được 1 chiếc xe lăn và 500,000 tiền Việt Nam. Hôm đó tổng cộng có 16 anh thương phế binh nhận quà và cho dù tôi đã nói như trên, các anh vẫn đến trước mặt tôi và anh D cúi đầu thật sâu và chắp hai tay cám ơn. Cuối cùng tôi phải giả bộ giận để các anh đừng làm thế nữa!

Đó là kỷ niệm khó quên đối với tôi nhưng tôi cũng nói với anh H đừng để tôi tham dự những lần cứu trợ như vậy trong tương lai, vì thú thật tôi không chịu nổi khi nhìn thấy thảm cảnh của các anh, những người lính oai hùng ngày nào!
Số phận thật quá tàn nhẫn và bất công!

No comments:

Blog Archive