Tuesday, November 25, 2008

LỊCH SỬ HƠN SÁU CHỤC NĂM TÁI DIỄN

Ngân Hà

"Giàu tham việc, thất nghiệp tham ăn"
đó là câu tục ngữ của người Việt Nam ta.

Đúng vậy, người càng giàu thì lại càng có nhiều việc phải làm và vì có nhiều việc thì họ bận rộn, làm đêm làm ngày cho xong.Và xong việc này thì lại phải bắt tay vào việc khác nên họ thành ra tham công tiếc việc, nhất là ở những miền quê Bắc Việt. Chúng tôi nghe kể lại rằng ở quê tôi, những người nghèo, chỉ mong đến ngày mùa để được mướn đi cày, đi cấy, đi nhổ cỏ, tát nước, gặt lúa. Vì có làm mới có ăn nên được ai mượn họ mừng lắm. Mượn gì làm nấy, họ không quản ngại điều vất vả nắng mưa... Ngày thường, họ hay tìm đến những nhà giàu, xin làm những việc như chăn trâu, xay lúa, phụ nấu nướng, dọn dẹp... nhiều khi chỉ mong được mượn để có hai bữa cơm no. Ngày nào không ai mượn thì họ đành nằm kềnh ở nhà ngủ cho lại sức, hoặc túm tụm lại với nhau ăn bắp nướng, khoai luộc, hát hò cho vui, hay rủ nhau ra đồng bắt cua, bắt ốc.

Nhưng người giàu thì bốn mùa bận rộn, vì càng giàu thì càng lắm việc. Muà nào việc nấy, ngày muà thì nào là trông nom điều động thợ cấy, thợ gặt, nào lo cho nấu nướng từng miếng cơm miếng nước để mang ra ruộng cho thợ ăn trưa. Gặt xong, lo đem lúa về, đập lúa, phơi lúa, cất lúa hoặc tìm người bán lúa. Họ thức khuya dạy sớm, làm lụng cả ngày. Cuối ngày, thợ xong việc, về nhà nghỉ nhưng những người chủ ruộng thì chưa nghỉ được mà còn phải kiểm soát, đốc thúc người giúp việc chuẩn bị cho ngày mai. Tất cả mọi thứ cần thiết phải được đầy đủ, sẵn sàng để cùng theo thợ ra ruộng sớm. Những nơi đất tốt, một năm có hai mùa lúa thì sau một mùa, nghỉ chẳng mấy ngày họ lại lo tìm thợ vỡ đất gieo hạt cho mùa lúa mới.

Những ngày không có việc đồng áng thì họ lại lo mướn người trồng rau dưa, muối cà, muối dưa để có thêm những món ăn cho ngày cấy gặt.

Tháng Chạp, gần Tết, họ gọi người tát ao bắt cá, gói bánh chưng, mổ heo, làm giòchả, nấu cỗ... ấy là chưa kể đến những khi có chuyện cưới xin giỗ chạp. Tất cả những việc đó, họ rất cần có người giúp đỡ. Nhiều khi người giúp việc làm eo, họ phải chiều người lấy việc.

Thế rồi, một buổi tự nhiên có rất nhiều thanh niên thiếu nữ trẻ, khoẻ mạnh từ đâu đến, vận động và tập hợp trai gái trong làng và các làng bên cạnh lại, họ gọi nhau đi "sinh hoạt" thật là vui vẻ nhộn nhịp. Sinh hoạt xong, một số nhút nhát còn ngại ngần nhưng số đông thì tỏ vẻ hứng khởi với hướng đi và cuộc sống mới họ vừa nghe được. Hình như họ rất vui vì sau những buổi sinh hoạt, họ cảm thấy họ quan trọng hẳn ra. Cán bộ giải thích cho họ là việc họ làm trước mặt là một công cuộc vô cùng vĩ đại, là san bằng ngăn cách giữa giai cấp giàu và nghèo. Công tác này rất ích lợi cho mọi tầng lớp nhân dân và nhất là giai cấp nông dân như họ. Một chân trời mới hiện ra với những chiếc cầu vồng ngũ sắc có họ đang bay bổng trên đó và họ miệt mài ngắm nghía trầm trồ. Họ được bảo rằng những công tác quan trọng ấy chỉ có những người quan trọng như họ mới được giao phó. Sau khi hoàn thành, họ sẽ không còn là những anh chị nông dân quần nâu áo vải suốt đời lam lũ sau rặng tre không ai biết đến nữa, mà họ sẽ là những chiến sĩ tiên phong, những người khai phóng cho đời sống văn minh mới. Dù đang say với mộng đẹp tương lai, họ lại được cán bộ bảo rằng họ phải thật kín đáo, không nói cho ai biết mục đích hoặc đúng ra, họ cũng chẳng đủ hiểu biết mạch lạc để giải thích cho ai hiểu rằng san bằng giai cấp giữa giàu nghèo nghĩa là gì. Nhưng họ lại biết làm đúng chỉ thị của cán bộ là chia nhau ra thành từng tổ ba người, đến từng nhà khá giả để "tiếp cận" với dân, "sống cho dân" và "vì dân" bằng cách tình nguyện làm giúp dân bất cứ việc gì, kể cả những việc mùa màng nặng nhọc.

Những ngày mùa, điền chủ mướn người trả lương đôi khi còn thiếu thợ, nay tự nhiên có những thanh niên thanh nữ khoẻ mạnh tình nguyện làm giúp thì mừng hết cỡ. Hơn nữa, đám thanh niên này làm việc rất hăng say, không kéo dài việc. Họ lại vui vẻ, vừa làm vừa hát và pha trò cứ vui như tết. Khi trả tiền, họ chẳng những không lấy mà còn lễ phép thưa với chủ nhà rằng:

- Thưa mẹ, sá gì đâu, chúng con trai trẻ mà. Làm giúp mẹ thế chúng con vui lắm, mẹ cho ăn là đủ rồi. Từ nay, chúng con luôn có mặt, mẹ cần gì cứ bảo một tiếng, chúng con làm ngay. Miễn là sau này chúng con cần gì cho kháng chiến thì mong bố mẹ chẳng hẹp lòng.

Những "bố" những "mẹ" chưa bao giờ biết kháng chiến là gì, nghe lạ hoắc nhưng khi nghe "con" nói thế thì vì quí vì tin nên cứ gật.

Ở thôn quê hồi đó, những nhà phú nông, có cả mấy trăm mẫu ruộng, lúc nào cũng cần người, nên khi có đám "con" ở đâu tình nguyện đến giúp việc như thế thì mừng vui đã hẳn, nhưng những gia đình trung nông, nhà nào có chừng vài chục mẫu ruộng mà bỗng nhiên được "con" đến giúp đỡ thì lại vô cùng vui thích, vì vừa bớt được phần tiền công, vừa được thêm "con" cho vui cửa vui nhà. Vì thế, "ông bố" " bà mẹ" nào cũng thích, cũng vui, cũng hể hả lo nấu canh nướng cá hậu hĩ ngon lành để cho "các con" ăn no mà làm việc. Người dân quê Việt Nam vốn hiền lành chất phác, dễ tin người nên chẳng bao lâu, tình thân thiết nảy sinh, những người "bố", người "Mẹ" coi những đứa "con" như ruột thịt, tin cẩn và thương mến.

Thế rồi không lâu, trai tráng trong làng một số lớn theo nhau ra đi biền biệt. Những người "con " mà họ đã thương mến tin tưởng đó chỉ thỉnh thoảng mới về thăm bố mẹ và thường về vào buổi tối. Những cuộc viếng thăm chớp nhoáng vội vàng nhưng trước khi đi, thế nào họ cũng "khuyến khích" bố mẹ nên đóng góp cho kháng chiến như thóc gạo tiền bạc hay bất cứ cái gì mà kháng chiến cần. Riết rồi bố mẹ sợ những cuộc thăm viếng của các con, bởi các con cần cái gì thì dù muốn hay không bố mẹ cũng phải vui vẻ mà "ủng hộ" Không ủng hộ là không sẵn sàng góp công góp của với cách mạng, là chưa quán triệt đời sống mới, chưa có tinh thần yêu nước. Bố mẹ có thể nhịn nhưng các chiến sĩ thì phải ăn thì mới làm cách mạng được. Thế là bố mẹ chỉ có quyền được đóng góp mà không có quyền từ chối. Đồng thời, những vụ ám sát sảy ra, nhiều ông bố đang đêm bị dẫn đi. Sáng ra thấy đầu bêu trên cọc hoặc nằm chết cạnh bờ ao làm mọi người hoang mang, sợ hãi.

Và rồi cũng không lâu, trong một ngày bất ngờ, những người "Mẹ", người "bố" hiền lành tử tế kia bị một đám người lạ mặt, mệnh danh kháng chiến, là cách mạng đến nhà, bắt trói hai tay họ ra phía sau, lôi xềnh xệch ra đình làng, bắt quì trước đám người quần đen áo vá. Trong đám đó, có nhiều người lạ không sống trong làng cũng được lệnh tập trung để chứng kiến cách mạng thực hiện cuộc giáo dục địa chủ cường hào theo nếp sống văn minh mới. Như thế nghĩa là những ngươì bố người mẹ đã từng đóng góp không biết bao nhiêu tiền của cho kháng chiến, hôm nay lại được kháng chiến, được nhân dân giáo dục để thành người tốt hơn nên họ phải thành khẩn nhận tội để được nhân dân và cách mạng tha tội. Tội có của, tội địa chủ, tội cường hào ác bá, tội bóc lột sức lao động của nhân dân. Trong đám người chủ tọa đó, họ nhìn thấy cả "con" của họ, những người từng đến nhà họ khuân đi từng con gà, con lợn, nải chuối, buồng cau cho đến thóc lúa, tiền bạc ...Có người mừng rỡ gọi tên con cầu cứu nhưng hình như những người con này đang chuẩn bị cho việc gì quan trọng lắm nên không nghe gọi hoặc tàn nhẫn bất ngờ hơn, họ được trả lời: "Cái thằng địa chủ ác ôn kia, tao đâu có quen biết gì mày, đừng nhận hão !" . Đau đớn cho họ hơn nữa, những đứa "con" ấy lại chính là kẻ đứng ra bắt đầu khơi động các cuộc đấu tố. Những tiếng gọi "bố mẹ" ngọt ngào biến mất để thay vào là "con địa chủ bóc lột", là "thằng cường hào gian ác"

Những "đứa con" đại diện cho cho kháng chiến, cho nhân dân này như đám hổ đói say mồi. Như người biểu diễn những màn xiệc thời tiền sử. Họ nhào tới múa tay khoa chân ,chỉ trỏ, xỉa xói như muốn xé tan con mồi tội nghiệp đang tuyệt vọng giương đôi mắt nửa uất ức, nửa bàng hoàng nhìn sững những người mà mới hôm qua hôm kia còn gọi họ là bố, là mẹ đang thao thao kể tội ác và cổ võ dân làng hưởng ứng cuộc đấu tố lạ lùng ghê rợn chưa từng thấy trong đời họ. Không biết lúc đó tội họ ở đâu ra mà nhiều thế. Tội nào nghe cũng to, cũng nặng và đáng chết. Nào là tài sản ruộng nương con địa chủ kia có hôm nay là do nó đã lợi dụng, bóc lột mồ hôi nước mắt, ăn sống nuốt tươi của nhân dân. Nào là đến mùa nó bắt cày bắt cấy rất là vất vả mà không cho ăn no, không trả công, khi đòi tiền công nó còn đánh đập.... Nào là ruộng nương từ bao đời nay là của ... nhân dân, thế mà thằng cường hào ác ôn này đang tâm cướp của nhân dân giữ cho riêng nó. Nó lại còn hãm hiếp chị Gái đến có chửa rồi đánh chị trụy thai....Có tiếng quay vào đám đông gọi lớn: "Chị Gái đâu, hãy mạnh dạn ra đây nhận diện thằng địa chủ ác ôn hiếp chị có mang rồi đánh chị đến lòi đứa con hồi năm ngoái ấy, mau!" Rồi đưa ngón tay trỏ tàn nhẫn gí mạnh vào trán "tội nhân" làm nửa thân người ông bật ngửa ra, đầu va mạnh vào vào cái cọc trói dính ông bằng sợi dây thừng trong lúc người "con" quay nhìn vào một người trong đám đông hất hàm hỏi: ".. Có phải thằng địa chủ này không, chị Gái ? "

Một người đàn bà sồn sồn lạ hoắc từ đám đông bương bả nhào ra. Chị mặc bộ đồ đen bạc màu, quần xắn ống cao ống thấp, một tay chị cặp cái nón lá rách vào bạng sườn, một tay xỉa xói vào mặt "tội nhân" đang quì giữa sân đình mà chu chéo chửi rủa. Chị chửi rất hay, có bài, có bản. Như một kịch sĩ tài giỏi, thỉnh thoảng, chị còn khóc rống lên, kêu trời kêu đất, lấy tay hỉ mũi rồn rột vất xuống sân đình rồi lấy cánh tay áo quẹt ngang mũi cho sạch sẽ. Vệ sinh xong, chị lại khóc, lại kể thảm thiết cảnh chị bị hãm hiếp dâm bạo thế nào và đánh đập tàn nhẫn ra sao. Tàn nhẫn đến nỗi cái thai ba tháng trong bụng chị tuột ra mà chị vẫn còn bị đánh, còn cái thai thì dãy đành đạch mãi mới chịu nằm yên. Dân làng, từ bao đời sống quây quần bên nhau nên họ biết rõ chuyện của nhau như chuyện của chính họ. Đám người đứng xem đấu tố, mặc dầu được các thanh niên thiếu nữ gọi là cán bộ cổ võ, chỉ có một số hưởng ứng, nắm tay giơ lên hạ xuống miệng hô đả đảo địa chủ, nhưng một số khác thì dù sợ những đôi mắt cú vọ của cán bộ nhưng cũng không giấu được vẻ thất vọng, kinh hoàng, có người lén lau nước mắt.

Đến lúc đó, những người "bố" người "mẹ" mới hiểu rằng những gì do họ cần cù làm lụng dành dụm được từ đời nọ đến đời kia của gia đình họ đều là do bóc lột của nhân dân, xương máu của nhân dân cả. Mặc dầu họ chẳng hiểu bóc lột là gì, nhân dân là ai, có người cãi là của cải họ có từ đời ông bà họ để lại chứ họ không bóc lột của người nào thì họ bị đánh cho chết và bị chặt đầu bêu trên một cọc tre cắm ở đường làng để khủng bố tinh thần những ai còn có ý chống đối. Có nhiều "bố mẹ" sau cuộc đấu tố, vì uất ức, vì sợ hãi bị bịnh mà chết. Ai còn sống thì được lệnh dọn xuống chuồng trâu, hay ra đầu làng dựng lều mà ở. Nhà cửa cơ ngơi của nhân dân thì phải trả lại cho nhân dân quản lý. Những kẻ sống sót này từ từ hiểu rõ những người "con" từ đâu, từ đảng nào chui ra và vì sao mà bày "con" này lại tử tế đến làm giúp, đến đỡ đần công việc. Nhưng đến lúc họ hiểu những "đứa con tốt bụng" ấy là ai thì nhiều người chỉ còn là cái xác nằm thoi thóp chờ chết hay điên loạn xé quần xé áo chạy cùng xóm vì quá kinh hoàng, uất ức vì chỉ qua một đêm mà họ trở thành tay trắng, mất hết gia tài sự nghiệp và mang vào thân những trọng tội mà họ chưa hề phạm.

Đến nay, hơn nửa thế kỷ trôi qua, đất nước Việt Nam trải bao biến đổi, dân tộc Việt Nam trải bao đau thương. Đau thương lớn nhất là ngày 30 tháng 4 năm 1975, ngày cộng sản Bắc Việt vi phạm hiệp định Ba Lê kéo quân xâm lăng chiếm trọn miền Nam Việt Nam. Hậu quả của cuộc xâm lăng toàn diện lãnh thổ của Việt cộng đã là nguyên nhân đau thương cho dân Việt Nam suốt mấy chục năm :

Ở trong nước:

- Tù " cải tạo" : Cả trăm ngàn quân cán chính miền Nam bị CSBV lừa đảo, gọi đi "học tập cải tạo" thời gian là một tháng cho cấp tá và mười ngày cho cấp uý nhưng sau đó bỏ họ vào tù và đưa họ đi chốn rừng thiêng nước độc không thời hạn và những người tù này bị đối xử vô cùng tàn ác, chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Nhiều người chết vì phải làm việc quá sức lao động mà không được ăn đầy đủ, hoặc lam sơn chướng khí, không thuốc men khi đau yếu. Một số người chết vì trốn trại hoặc vì không khuất phục chế độ nên bị bắn làm gương.

- Đánh tư sản: Sau khi chiếm miền Nam, CSBV nhắm vào những thương gia và người giàu có. Muốn thực hiện ý đồ cướp trắng trợn tài sản của người dân giàu, Việt cộng phải "đánh tư sản". Đánh tư sản là sáng sớm, bất ngờ, cho cán bộ tràn vào nhà nào được "lên lịch", cấm tuyệt mọi người trong nhà ra ngoài và không cho ai vào để nhà nước kiểm kê tài sản. Kiểm kê là bắt khổ chủ khai toàn bộ gia tài họ có, là lục soát, là ghi toàn bộ tài sản của người ta vào giấy tờ, rồi .....đem xe đến chở đi một cách ngang nhiên. Nhiều người mất của, uất ức qúa đã tự tử cả gia đình.

- Vượt Biên : Ban đầu thì chỉ có những người ở miền Nam đóng ghe tìm đường vượt biển ra nước ngoài vì không thể sống với cộng sản. Sau đó, những cuộc vượt biên này lan ra cả những vùng duyên hải miền Bắc. Nhưng lần ra đi lịch sử này không có sự tổ chức hay giám sát của nước thứ ba hoặc quốc tế mà chỉ là sự tự phát tự nguyện của mỗi cá nhân nên có thể xem là cuộc di cư hiểm nguy, đau đớn tang thương nhất trong lịch sử nhân loại. Nhiều ngàn người VN chết chìm ở biển Đông. Nhiều phụ nữ VN bị hải tặc Thái Lan hãm hiếp, bắt đi. Đàn ông VN bị hải tặc lấy búa đập vỡ đầu. Nhiều người VN già có trẻ có không chịu đựng được gian nan đói khát nên kiệt sức trong những ngày lênh đênh trên biển hoặc lạc vào hoang đảo. Xác họ đã phải thủy táng hoặc kinh hoàng hơn, đã bị những người còn lại xé ra chia nhau ăn để duy trì sự sống.

- Kinh tế mới : Nhiều ngàn đồng bào ở thành phố bị CS cướp nhà đuổi đi kinh tế mới. Kinh tế mới là nơi đất cằn sỏi đá, cỏ cũng không mọc nổi, nên chẳng trồng trọt được gì, khí hậu lại độc, muỗi rừng như trấu nên dân chúng bị đau yếu, một số chết một số bỏ về lại thành phố. Họ không nhà cửa, sống lang thang trên các vỉa hè quán chợ.

- Xã hội băng hoại : Xã hội mau chóng băng hoại và sản sinh ra những lớp người mới, xã hội chủ nghĩa, thích hợp với sự băng hoại của chủ nghĩa xã hội: Cán bộ đảng viên mọi nơi trên toàn quốc, to thì tham nhũng to, nhỏ tham nhũng nhỏ. Ai ở địa vị nào thì lo làm giàu cho cá nhân, cho gia đình mình ở địa vị đó. Vơ vét bất cứ gì vơ vét được, kể cả cướp nhà cướp của của dân và họ còn dối gian lừa mị mọi người.

Dân chúng thì làm đủ nghề để kiếm tiền, kể cả những việc thiếu đạo nghĩa thiếu lương tâm như: Trộm cắp, giết người, đĩ điếm, lừa đảo, bán con và bẻ cả tay chân con để đứa trẻ thành tật nguyền để dễ xin ăn.

Đó chỉ là một vài hiện tượng nêu ra làm thí dụ Sự thật còn nhiều chuyện ly kỳ đầy nước mắt mà chỉ có ở xã hội CSVN mới sảy ra.

Ở hải ngoại:
Đến nay đã hơn ba mươi năm, nhiều người vượt biên thành công đến được vùng đất hứa, cuộc sống ổn định, con cái khôn lớn, học hành thành công thì tóc họ đã bạc, tuổi họ đã cao. Khi đời họ tưởng đã được an nhàn thì quyết liệt hơn bao giờ hết, họ lại phải đương đầu đấu tranh với bọn cán bộ cộng sản nằm vùng được đảng chỉ thị thi hành nghị quyết 36 nhuộm đỏ hải ngoại nấp trong danh nghĩa người Quốc Gia tị nạn giống như ngày xưa Việt nam Cộng Hòa đương đầu với Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam .

Công tác nhuộm đỏ người Việt hải ngoại, để cho dễ hiểu, người viết tạm chia ra làm bốn thời kỳ:

Thời kỳ thứ nhất (1975- 1980)

Thời kỳ này ở hải ngoại giống như năm 1975 - 1977 ở miền Nam,
" những đỉnh cao trí tuệ của loaì người" còn rất quê mùa, kệch cỡm. Một số nhỏ cán bộ đảng cho đi nằm vùng ở nước ngoài theo kiểu du học trước 1975 và một số nữa trà trộn vào số người vượt biên, chưa phối hợp được và chưa có chỉ thị vì đảng Cs còn đang khù khờ dò dẫm từng bước một trước "chiến thắng vĩ đại và hết sức bất ngờ" ở miền Nam nên bọn CS nằm vùng này trốn chui trốn nhủi, không dám xuất đầu lộ diện ở bất cứ đâu.

Thời kỳ thứ nhì (1981- 1990)
Bắt đầu có những phong trào như tranh đấu, kháng chiến và người Việt tị nạn vì quá thương nhớ quê hương nên chắt mót, dốc hầu bao đóng góp cho những phong trào này không tiếc chỉ để mong có một ngày quê hương VN của họ được giải phóng khỏi tay Cộng sản độc tài. Vì thế, trong giai đoạn này, có những kẻ bất lương đã lợi dụng cơ hội và lòng yêu nước của người tị nạn để manh nha lừa đảo.

Thời kỳ thứ ba (1991 - 1994)
Bắt đầu từ thập niên 90, Mỹ có những chương trình HO, cho những người sĩ quan của chế độ cũ đi định cư ở Hoa Kỳ hoặc cho gia đình đoàn tụ. Lợi dụng chương trình nhân đạo này, CSVN đã cho một số cán bộ trà trộn vào những người HO hoặc những gia đình đi đoàn tụ. Bọn cán bộ mới này sang được Mỹ, liên lạc móc nối với số cán bộ cũ làm thành một mạng lưới nằm vùng. Nhưng chỉ để len lỏi, trà trộn vào hàng ngũ người Quốc Gia tị nạn và âm thầm theo dõi mọi hoạt động chứ chưa dám, chưa thực sự xuất đầu lộ diện rõ ràng.

Thời kỳ thứ tư (1995 - hiện tại 2007)
Khi Mỹ thực hiện những chương trình nhân đạo như đoàn tụ gia đình và cho HO xuất cảnh thì VC lợi dụng ngay cơ hội và cài cán bộ của họ lẫn lộn vào trong số những người này. Từ khi Mỹ chính thức bang giao với VC (1995) thì những tên nằm vùng này được lệnh hoạt động và càng ngày càng mạnh. Trong khi người Quốc gia tị nạn CS nào cũng phải cố thích ứng với quê hương mới, cố bươn chải làm lụng lo cho con cái, cho bản thân và cho gia đình. Vì thương thân nhân còn ở lại đói khổ, họ còn bớt xén ra gởi về giúp bà con của họ tại VN, nhưng bọn cán bộ CS nằm vùng thì không phải lo sinh kế mà chỉ có nhiệm vụ làm công tác đảng giao phó mà thôi. Những tên đặc công này được CSVN chu cấp tiền bạc đầy đủ để thi hành công tác nằm vùng, thực thi nghị quyết 36 là nhuộm đỏ hải ngoại. Vì thế có những vụ thăm dò phản ứng của người tị nạn như vụ Trần Trường, Như Lai sứ giả.. v...v.....Một số công tác quan trọng CSVN cho cán bộ thực hiện nhắm vào cộng đồng tị nạn CS Việt nam là:

- Kinh tài: Để có tiền bạc tỉ gởi về nuôi nhà nước CS, CS bỏ vốn cho cán bộ mở nhà hàng, tiệm thực phẩm, dịch vụ du lịch, chuyển tiền, những cơ sở thương mại to lớn xuất nhập cảng mà chủ nhân là người Việt nam mọc lên rất nhiều song song với sự phát triển của cộng đồng tị nạn CS, thậm chí với số vốn đầu tư cả trăm triệu như nhà băng, như khách sạn.

- Tuyên truyền: Để tuyên truyền cho chủ nghĩa cộng sản, cán bộ CS cần len lỏi vào làng truyền thông, báo chí, Internet, đài phát thanh, đài truyền hình, bắc cầu đưa văn công CS trình diễn văn nghệ tại các nơi có người Việt để thực hiện những công cuộc tuyên truyền xám, đầu độc lớp người trẻ, bôi đen lịch sử, làm mờ chính nghĩa của người Quốc Gia, bởi thế mới có VietWeekly, Lee Sandwich mới có những Duyên Dáng Việt Nam, Tiếng Cười, tiếng khóc.....vân vân và vân vân ....Nhưng trong giai đoạn đầu, để chiếm lòng tin, họ là người viết những bài báo chửi cộng sản không thua gì báo của người Quốc gia cái đã.

- Len lỏi vào cộng đồng: Cán bộ CS đóng vai ngươì Quốc gia ti nạn CS dể len lỏi vào cộng đồng của chúng ta. Những tên này không ngần ngại dùng khổ nhục kế, hăng hái hưởng ứng không bỏ qua một buổi sinh hoạt chính trị hay họp mặt văn nghệ nào của người quốc gia tổ chức. Thậm chí, nếu cần, họ đóng góp ủng hộ tài chánh rất rộng rãi để tạo ảnh hưởng. Trong những cuộc biểu tình chống cộng, họ chẳng ngần ngại vác cờ vàng và hô đả đảo cộng sản thật hăng say. Tóm lại, để gây uy tín và ảnh hưởng cho công tác của họ được dễ dàng, không bị nghi kỵ, họ sẵn sàng đóng một vai gì đó, như nhà văn, nhà thơ, nhà báo, ký giả v... v.... hoặc sẵn sàng ủng hộ những số tiền đáng kể vào các tổ chức của người quốc gia. Để làm gì? Thưa, để họ có được chỗ đứng trong hàng ngũ quốc gia, để họ có được sự vị nể của hầu hết ban tổ chức cũng những khuôn mặt lớn của cộng đồng. Giai đoạn đá giò lái là giai đoạn sau.

Trong chiến thuật len lỏi vào cộng đồng người Việt tị nạn cs, cán bộ CS cần tạo niềm tin. Trong chiến thuật tạo niềm tin, có lồng cả chiến thuật "Đắc Nhân Tâm" Chiến thuật đắc nhân tâm ở đây nói trắng ra là vuốt ve tự ái, là lấy lòng, là nịnh, là khen. Họ không ngần ngại gì mà chẳng hoa mỹ vài lời khen hay viết một bài thật ngọt thật mùi ca tụng người họ thấy cần khen hoặc cần ca tụng. Nếu ngày trước ở miền Bắc có vụ "con" đến làm giúp "bố mẹ" để lấy lòng thì ở hải ngoại hiện nay có những màn khen tặng để lấy lòng. Dĩ nhiên, họ chả hơi đâu mà khen những kẻ vô danh tiểu tốt. Những người được họ khen ít nhất phải là những bộ mặt lớn trong cộng đồng hay những ai có thành tích chống cộng, nghĩa là những người có chút uy thế, có cái "bóng" để cho họ lúc cần che.

Làm việc cho cộng đồng, dĩ nhiên là làm dâu trăm họ, là vác ngà voi, ít được ai hiểu công lao khó nhọc cho mà còn dễ bị chê, bị trách, có khi còn bị...chửi, nhất là khi có chút gì lầm lỗi. Thế nên trong đám đồng bào tị nạn ít khi biết khen mà phần lớn chỉ biết đòi hỏi toàn thiện toàn mỹ nơi người khác lại có một " NGƯÒI QUỐC GIA" biết điều, biết "thông cảm" cho mình, "hiểu" mình và lại viết những bài báo kê khai công trạng mình làm , (những công trạng to lớn thế mà lâu nay người ta vô ơn, không ai biết đến). Bài viết với ngôn ngữ thật là ngọt ngào, khen mình bằng tất cả những lời thành thật nhất, đẹp đẽ nhất ý nghĩa nhất trên thế gian này và vì thế, lòng tự ái, tự tôn của mình được vuốt ve đến mực thì ai chả sướng mê tơi ? Sướng y như các bà mẹ, ông bố điền chủ khi xưa tự nhiên được các "con" đến làm giúp ấy. Và khi bố mẹ đã sướng đến mê tơi rồi thì con muốn bố mẹ ủng hộ cho kháng chiến bao nhiêu mà bố mẹ dám từ chối à? Cũng như mình đã sướng mê tơi khi được người đưa mình lên mây xanh rồi mà mình dám làm phật ý người à ?

Thế là mình đã cắn vào cái lưỡi câu có mắc con mồi khó nuốt của đỉnh cao trí tuệ rồi đấy. Yên tâm, sớm muộn gì mình cũng sẽ "được" như ông bố bà mẹ kia thôi. Vì một ngày bất ngờ nào đó, cái người đã không tiếc lời khen mình phải đòi công chứ. "No free lunch" mà. Có thể họ không xỏ mũi lôi mình xềnh xệch như đứa con lôi "bố mẹ" nó ra đình cho "nhân dân" đấu tố. Nhưng thiếu gì cách để họ đòi. Cái đau đớn mà mình không thể tỏ với ai khi họ đòi là mình lại chẳng dám kháng cự cứ y như những "ông bố" "bà mẹ" không dám kháng cự khi bị "con" lôi ra sân đình để đấu tố ấy thôi . Lúc đó, nếu thấy tai hại cho tập thể mà vì nhất điểm lương tâm, mình có hối hận thì mọi sự cũng đã qúa trễ rồi. Lúc đó, "họ" có làm gì, kể cả việc cả gan coi thường sự hiểu biết của cộng đồng tị nạn hải ngoại mà mặc áo in hình cờ đỏ sao vàng, cổ võ cho Việt cộng mình cũng chẳng dám há miệng. Bởi mình có muốn há miệng ra cũng không được nữa vì cái lưỡi câu nó đã cắm sâu vào miệng và chẳng có cơ hội gỡ được nó ra.

Lịch sử hơn sáu chục năm qua lại tái diễn là thế đó !!!

No comments:

Blog Archive