Thursday, April 3, 2025

…..30-4-1975….

Sau bài ca giải phóng, là cướp bóc không ngừng!”
“Mất tất cả từ đấy” !!

Nhà báo Huy Đức dẫn lời ông Võ Văn Kiệt thừa nhận rằng:

“Lúc đầu, tôi cũng cứ tưởng cải tạo tư sản sẽ khác với cải cách ruộng đất, một sai lầm mà những người ở miền Nam chúng tôi nhắc nhau phải tránh.

Nhưng, tiến hành rồi mới thấy, cách cải tạo tư sản thương nghiệp mà anh Đỗ Mười làm, cũng không khác gì đánh tư sản mại bản nhưng tràn lan hơn”.

Đối với nhiều người, khi đề cập đến nhân vật Đỗ Mười họ không thể quên chiến dịch đánh tư sản sau năm 1975 trên toàn miền Nam.

Từ của cơ quan chức năng chính quyền Hà Nội là “Cải tạo kinh tế tại miền Nam Việt Nam tiếp quản từ Việt Nam Cộng Hoà”.

Bị tịch thu nhà và đẩy đi kinh tế mới

Chỉ trong vòng mấy năm sau ngày 30 Tháng Tư 1975, người dân miền Nam Việt Nam phải chịu mấy đợt gọi là ‘đánh tư sản’, đưa dân đi vùng kinh tế mới.

Kèm theo đó là mấy đợt đổi tiền.

Đối với nhiều người đó là những ký ức không bao giờ phai trong tâm trí, đặc biệt là nạn nhân.

Một cô bé chỉ mới 10 tuổi vào thời điểm 1975 kể với chúng tôi :

Khi đó tôi lên 10 nhưng tôi nhớ rất rõ là bị đánh thức vào lúc 2 hay 3 giờ sáng gì đó… và rồi người ta đã lục xạo nhà tôi. Họ kiểm tra từng viên gạch, từng bát nhang trên bàn thờ, từng chân nến, từng khe cửa, từng bộ quần áo. Và chúng tôi ra khỏi nhà đúng nghĩa là hai bàn tay trắng.

Đợt đánh tư sản đầu tiên là vào Tháng Chín 1975 tại khắp các tỉnh thành phía Nam, tịch thu nhà cửa của những cư dân bị cho là tiểu tư sản, tư sản mại bản và cưỡng bức dân đi kinh tế mới.

Một người dân nay đã hơn 80 tuổi kể:

“Nó nhảy tường vô nhà nó lấy cớ là trốn quân dịch rồi nó khám xét tứ lung tung, nhưng nhà bác chẳng có gì cả, chỉ có mấy cái đồng hồ tốt thì nó lấy giống như ăn cướp ấy. Nó bắt ký giấy rằng của cải không phải của bác mà là tiền lấy của dân.

Sau đó nó đến nhiều lần, nó đóng chốt rồi nó mang bác nhốt ở phường một đêm. Có mấy cái máy đan len đâu phải là tư sản, càng ngày bác càng biết ra nó ăn cướp. Nó cứ đổ oan cho mình vì mình sợ quá. Nó cứ bắt đi họp rồi nó bảo nhà này phải đi kinh tế mới.”

Trong cuốn “Bên thắng Cuộc” của tác giả Huy Đức có đoạn ông Nguyễn Văn Trân, viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương nói rằng:

“Khi bắt đầu chiến dịch, Bộ Chính trị chuyển anh Nguyễn Văn Linh sang làm Dân vận rồi đưa anh Đỗ Mười vào vì anh Đỗ Mười đã làm cải tạo công thương nghiệp ở Hà Nội. Anh Mười vào Sài Gòn áp dụng y chang những gì đã làm ở miền Bắc trong năm 1960”.

Câu chuyện đánh tư sản và đẩy dân đi kinh tế mới chỉ lạ với người dân miền Nam vào thời điểm đó, nhưng với người dân miền Bắc thì họ không hề lạ gì. Bà Đức nói:

“Tôi vào miền Nam từ năm 1954 thế nhưng tôi có một người anh kẹt lại ở miền Bắc và ông sống gần như suốt đời ở đó. Năm 1977 ông có vô miền Nam thăm gia đình, và ông đặn tôi rằng:

“ Thứ nhất là phải giữ chặt quyển sổ mua gạo.
Thứ hai là phải “bám chặt” lấy cái cột điện và đường nhựa”.

Ý ông ấy dặn tôi là phải ở thành phố chứ đừng nghe người ta dụ đi kinh tế mới.”

Anh Đông, một người từng đi kinh tế mới năm 1977, hiện sống ở Colorado nói với chúng tôi rằng vùng kinh tế mới Lê Minh Xuân lúc đó không có điện, không có nước, không có trường học.

Mỗi hộ gia đình được cấp một cái chòi chỉ có mái, tứ bề trống rỗng.
Anh nói thêm :

Lên trên đó thì cứ mỗi sáng ông già phải đi làm. Nó khoán cho mình một khu đất trồng mía, thơm. Không hoàn thành thì nó cắt phần lương thực của mình.

Đi kinh tế mới từ năm 1977 đến năm 1980 sống khổ quá mấy anh em trốn về trước.

Chị Cẩm Vân, hiện ở Canada, con gái của ông Bùi Văn Lự, một tư sản lớn ở Sài Gòn trước năm 1975, chủ nhiều kiosk kinh doanh phụ tùng xe gắn máy ở trung tâm quận 1 kể cho chúng tôi câu chuyện của gia đình chị mà đến bây giờ, ba chị đã 95 tuổi vẫn còn bị ám ảnh trong giấc ngủ.

Rạng sáng ngày 10 Tháng Chín 1975, cả gia đình đang ngủ thì họ đến họ bao vây hết hai khu nhà, một bên là 29-29bis Ngô Tùng Châu, một bên là 62-64 Ngô Tùng Châu. Nó đập cửa vô và đọc giấy “Vi phạm luật giao thông”.

Tôi mới nói các ông nói vô lý vì ba giờ khuya cả nhà đang ngủ, không ai chạy xe mà lại bắt tội vi phạm luật giao thông.

Lúc đó họ mới nói “đó là cái cớ để bắt gia đình này”.

Lúc đó nó kiểm kê và niêm phong hết hàng hóa, còn tiền bạc nó lấy đi.

Gạo từng bao cả trăm ký nó chở đi hết.

Nó nhốt cả nhà vô phòng mà trong không ra được, ngoài không vô được. Sáng hôm sau nó chở ba tôi lên bót ở đường Trần Hưng Đạo và giam ở đó đến 24 Tháng Mười Hai 1975 mới chở về và nó đọc lệnh phải chịu sự quản lý của nó.

Hàng hóa thì thuộc về Sở Công nghiệp, còn căn nhà ở số 62-64 Ngô Tùng Châu phải ký giấy cho Sở Công nghiệp mượn 10 năm.

Tháng Mười Hai 1976, chính phủ tiến hành Chiến dịch cải tạo tư sản lần thứ hai.

Gia đình chị Cẩm Vân lại một lần nữa bị đánh tư sản :

“Năm 1978 là chiến dịch cải tạo công thương nghiệp lần thứ nhì là ông Đỗ Mười làm mạnh dữ lắm.

Cũng vô nhà tôi đóng chốt mà lúc đó hàng hóa của mình nó lấy đi hết rồi, tiến bạc nó lấy đi hết rồi, nghĩa là mình không có cái gì để mình sinh sống hết.

Lúc đó khổ lắm.

Nó bắt mình lên phường ký giấy để đi kinh tế mới nhưng ba tôi và gia đình không ai chịu ký giấy, cứ ngồi ở phường, nó nhốt hai, ba ngày cũng chịu, nhất định không đi kinh tế mới.”

Sau giải phóng, là ra mặt cướp

Nhà báo Võ Văn Tạo, cũng là một cựu binh vô Sài Gòn năm 1978 từng nói với chúng tôi cảm giác của ông về vùng đất phồn thịnh mà ông chỉ được coi qua sách báo trước đó :

“Năm 1978 Sài Gòn như một thành phố chết. Mọi hoạt động công nghiệp gần như không còn nữa. Những người dân có tiền trước đó, những tiểu thương bị tống đi kinh tế mới hết nên thành phố nó thưa, nó vắng.”

“Rồi nạn ngăn sông cấm chợ nên người dân quê lấy gạo trắng cho vịt cho heo ăn vì có đem lên Sài Gòn bán được đâu, trong khi Sài Gòn thì đói kinh khủng vì không có gạo với chủ trương tỉnh nào giữ cho tỉnh nấy.”

Dù không chứng kiến kinh tế Sài Gòn trước 1975 nhưng ông chắc chắn rằng sau 1975 thì Sài Gòn tiêu điều đi rất nhiều.

Chính vì điều đó dẫn đến làn sóng vượt biên vì người dân không sống nổi thì phải bỏ nước ra đi thôi dù biết là đi thì một sống một chết.

Ông nói thêm :

“Ngoài chính sách kinh tế sai lầm thì còn sự thù hận về mặt chính trị.
Con em của những người tham gia quân lực hay chính quyền Việt Nam Cộng Hòa thì có học giỏi mấy cũng không được vào đại học.
Những chuyện đó họ thấy nghẹt thở thì họ phải đi tìm tự do thôi.
Có hiện tượng vượt biên thì phải xử tội chính phủ này chứ không phải xử tội người vượt biên.”

Mấy mươi năm đã trôi qua, hậu quả của các đợt đánh tư sản trong Nam cũng như cải cách ruộng đất ở ngoài Bắc để lại những nỗi đau thương, mất mát cho người dân qua biết bao thế hệ cả về tinh thần lẩn vật chất.

Diễm Thi


Mỹ áp thuế VN, chuyện không sớm thì muộn

Nhiều người ngạc nhiên khi Mỹ áp thuế cao với Việt Nam, một đối tác chiến toàn diện của Mỹ ở ĐNÁ, nhưng thực ra việc này là tất yếu, nếu có ngạc nhiên thì chỉ là sao mãi tới tận bây giờ mới áp thuế.

Chuyện rất đơn giản, nước Mỹ giàu có, chi phí lao động cao, nên các nhà tư bản họ chuyển sản xuất ra nước ngoài để gia tăng lợi nhuận cho họ, nhưng chính vì thế người lao động Mỹ mất việc làm, gây ra nhiều hệ lụy xã hội, không có lợi cho đất nước. Tổng thống Trump quyết điều chỉnh lại xu hướng đó với chính sách “mang việc làm trở lại nước Mỹ”, và cách làm của ông ta là áp thuế với các nước khác, đặc biệt là các đối tác lớn như Trung Quốc và EU.

Tuy nhiên, áp thuế hay cấm vận đi nữa sẽ là vô tác dụng nếu không bịt hết tất cả các cánh cửa, tức là đã áp (hay cấm) thì làm phải làm với tất cả các quốc gia. Chứ không thì hàng hóa nó sẽ như dòng nước, vẫn cứ luồn qua các cửa ngách rồi đến đích như bình thường. Giống như phương Tây cấm vận dầu Nga, nhưng một công ty Singapore mua dầu Nga, rồi châu Âu lại mua dầu Sing, thế là cuối cùng dầu Nga vẫn cứ xuất sang châu Âu, cấm vận hoàn toàn vô tác dụng.

Mỹ áp thuế Trung Quốc cũng vậy, hàng hóa Trung Quốc tuồn qua các cửa nhỏ để đến Mỹ, và đương nhiên Việt Nam là một trong các cánh cửa đó. Từ ngày Trump phát động thương chiến, nhập khẩu của VN từ Trung Quốc tăng vọt, đồng thời xuất khẩu từ VN sang Mỹ cũng tăng vọt. Chẳng hạn trong năm 2024, thặng dư thương mại = xuất khẩu - nhập khẩu của VN sang Mỹ là: 119 tỷ – 13 tỷ = 106 tỷ (USD)

Còn với Trung Quốc, thặng dư thương mại là: 61 tỷ - 144 tỷ = - 83 tỷ (USD).

Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ chủ yếu là sắt thép, may mặc, da giầy,... còn Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc chủ yếu là “nguyên liệu” sắt thép, “nguyên liệu” may mặc, “nguyên liệu” da giầy… Không ai nói rõ, nhưng chắc cũng dễ hiểu là các bố VN mua cái “nguyên liệu” đó về, dán tem Made in Vietnam, rồi xuất sang Mỹ, chứ VN có phải là cường quốc công nghiệp ở những ngành đó dek đâu.

Tổng thống Trump tất nhiên thừa biết việc này, ông ta tố cáo Việt Nam là kẻ lạm dụng thương mại còn tệ hơn Trung Quốc, xếp Việt Nam vào những quốc gia “thao túng tiền tệ” gì gì đó. Nhưng lãnh đạo VN đã rất khéo léo, biết cách xoa dịu lão già đồng bóng này, cho nên VN vẫn chưa bị áp thuế, và do đó được hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ Trung trong một thời gian khá dài.

Tuy vậy, đến nay tình thế cũng đã nhiều thay đổi, việc giữ được một nguồn lợi không phải do mình tạo ra cũng không thể kéo dài được mãi, đã đến lúc phải chấm dứt. Có điều, việc chấm dứt này cũng sẽ gây thiệt hại không nhỏ cho Việt Nam vì nhiều doanh nghiệp làm ăn chân chính, không liên quan gì đến thương chiến Mỹ Trung, cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Việc hưởng lợi trước đó và thiệt hại hiện nay không biết cái nào lớn hơn cái nào, có lẽ các lãnh đạo cũng đã tính toán rồi, mà cũng không phải việc của mình, nên thôi thì tin tưởng vào đường lối sáng suốt của Đảng và Nhà nước vậy.

Còn chúng ta, đã đến lúc phải làm việc và tạo ra những giá trị thật, chứ chỉ trông chờ vào thời thế để kiếm tiền thì sẽ không bền.

Ảnh: Lãnh đạo Việt Nam khéo léo xoa dịu tổng thống Trump
(Dinh Hai Minh )

Lời bàn :

Đa số hàng hoá Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ là hàng Trung Quốc núp bóng để lấy C/O (Certificate of Origin - chứng nhận xuất xứ).
Việt Nam cho TQ mượn đường đưa hàng vào Mỹ.

Thì oan ức gì?
( Le Minh Dat)


Việt Nam Nằm Trong Các Nước Bị Đánh Thuế Cao Nhất | 03.04.25

 



Lục phủ ngũ tạng (vài đặc sản nước Pháp)

Lòng kén người ăn. Không thích thì nhăn mặt, bịt mũi. Thích, thích mê tơi. Nói đến lòng, người Việt có vẻ chiếu cố lòng heo và lòng gà vịt nhiều hơn các loại lòng khác. Sapa tuy có món thắng cố của người Mông, dùng lòng trâu, lòng ngựa mà nấu, nhưng không phổ biến xuống Kinh.

Người Việt nói đến đồ lòng thường thuê bao dài hạn món cháo lòng hoặc ăn ké hủ tiếu Hồ hay phá lấu của người Hoa. Ngoài ra, còn một số món khác cũng rất hấp dẫn nhưng ở nước ngoài khó có điều kiện nấu nướng hay thưởng thức vì thiếu nguyên liệu và… thời giờ, đó là dồi trường xào dưa, canh dưa chua nấu phèo, bao tử hầm tiêu xanh … 
Có dịp đến Pháp chơi, mời bạn thử lòng dạ người ta cho biết. Dưới đây là 10 món đồ lòng đặc trưng Phú Lang Sa khiến dân Pháp rất đỗi tự hào nhưng người xứ khác lại so vai, lè lưỡi. Người Việt ăn uống tinh tế có, dữ dội cũng có, chưa chắc chê bai lòng Pháp. Có khi lại thấy là lạ mà quen quen … Biết đâu lại dùng mắm muối quê ta để tạo ra những phiên bản mới, thơm ngon và nổi tiếng hơn cả nguyên bản.

Sách bò hầm kiểu Caen (Tripes à la mode de Caen)

Ra đời từ thời Trung Cổ, thế kỷ thứ XI, do một cha xứ nghĩ ra rờ-xét. Hầm ít nhất 8 giờ đồng hồ trong nồi đất bịt kín. Dùng bao tử, lá sách, lá mía, khăn bông bò, chân bò, chân bê hầm với tỏi, hành, đinh hương, nguyệt quế, cà rốt, v.v. Về sau, nhiều nơi bắt chước, làm món lòng hầm này nhưng hương vị món sách bò hầm kiểu Caen vẫn nổi trội nhờ được nêm nếm bằng rượu táo và rượu mạnh Calvados, vốn là những đặc sản địa phương của vùng Normandie (Caen thuộc Normandie).

Sách bò hầm

Lá sách chiên giòn (Tablier de Sapeur)

Đặc sản Lyon. Tương truyền dưới trướng Napoléon đệ tam, có một vị thống chế xuất thân là lính cứu hỏa đã nghĩ ra món ăn này. Thời ấy, lính cứu hỏa mặc một cái tạp dề bằng da để bảo vệ quần áo khi đang làm nhiệm vụ. Vì vậy, món ăn được đặt tên là Cái Tạp Dề Của Chàng Lính Cứu Hỏa.

Lá sách được khử mùi bằng cách chần trước với rượu trắng, xong trút ra, để ráo nước, đem cắt miếng vừa ăn, nhúng bột, chiên giòn, chấm với sốt hành lá. Món này thường được dọn đầu bữa ăn để khai vị.

Lá sách chiên giòn

Tiết canh (Sanquette)

Ở nhà quê, người ta cắt cổ gà lấy huyết đánh tiết canh. Cảnh tượng này không xa lạ gì với người mình. Hai Quê thuở bé từng chứng kiến cảnh con gà bị ngoại cắt cổ, chắt máu cạn kiệt rồi vẫn đứng dậy chạy xiêu vẹo với cái đầu lặc lìa. Người Pháp hạ thủ ngỗng, ngan, gà, vịt, dê, cừu, thỏ… không kém phần kinh dị. Hai chân sau con vật bị kẹp chặt, đập đầu xong, còn bị dao nhọn móc mắt rồi cắt tiết, lột lông. Tả nghe tàn bạo và người thành thị sẽ lắc đầu, chả bao giờ biết đến món tiết canh này. Thế nhưng, nó được nông dân tán thưởng, cho đó là món ăn bổ nhất trên đời. Hơn thế, Sanquette còn có mặt trong cuốn «Grand Livre de Cuisine Bistrot», tác giả không ai khác hơn là đầu bếp trứ danh Alain Ducasse.

Cảnh cắt tiết ngỗng của nông dân Pháp

Dồi huyết (Boudin noir)

Dồi huyết của người Việt làm từ máu heo. Tây cũng thế, và có khi máu gà vịt, dê, cừu, ngựa cũng được trưng dụng. Món dồi này không chỉ người Pháp ưa thích. Ý, Thụy Sĩ, Bỉ, Anh, Tây Ban Nha, Nga, Romania… đều không chối từ. Dân Tây đen ở các đảo Antilles, Creole thích bồi thêm nhiều tỏi và ớt bột vào. Tây ăn dồi huyết thường ưa kèm thêm hành tây và táo chua áp chảo để mượn vị hăng và chua cân bằng vị béo. Dồi quấn khúc dài ngoẵng hoặc vừa xinh độ lóng tay là loại thường thấy. Cũng có loại dồi dạng đặc sệt đựng trong hũ gia keo, dùng trét lên bánh mì nướng làm đồ nhậu.

Dồi huyết

Chân cừu hầm đồ lòng (Pieds Paquets)

Đặc sản Marseille. Chân cừu non hầm cùng lòng cừu nhồi mỡ heo muối, tỏi, hành, ngò tây, cà chua và rượu trắng. Chân cừu phải được chần, làm lông thật sạch và đem thui trước khi hầm để khi ăn hưởng được cái giòn sần sật của da. Có nơi phăng-tê-zi, thêm vỏ cam, đinh hương, ớt và cả sô-cô-la đen. Xưa phải hầm những mấy ngày mới đem xuống thưởng thức. Nay thời buổi gấp gáp, vài giờ trong nồi áp suất là được rồi. Thường được dọn với khoai tây hấp.

Chân cừu hầm đồ lòng

Tuyến ức bê (Ris de veau)

Trong các thứ lục phủ ngũ tạng, tuyến ức bê khá xa lạ với người Việt. Trong cơm nước thường nhật của người Pháp, món này cũng không phổ biến. Phần thịt nằm sau cổ họng, giáp ngực gia súc như bê, bò, cừu, ngựa vừa khó mua, vừa đắt đỏ này được xếp loại món ngon thượng lưu. Các đầu bếp giỏi ở Pháp thường thích đem áp chảo, tạo lớp vỏ giòn cho món ăn.

Tuyến ức bê của chef Jean Francois Piège

Đầu bê (Tête de veau)

Người Việt ngoài bánh chưng, thịt mỡ dưa hành, thường ăn giò thủ vào dịp Tết. Dân Tây cũng vậy, ngoài các món truyền thống như gà trống thiến nhồi, gan ngỗng, hàu sống, cá hồi xông khói, v.v. đầu bê thường dọn trên bàn tiệc Giáng sinh truyền thống. Các bạn láng giềng khác như Đức, Ý, Bỉ, Thụy Sĩ cũng rất khoái khẩu với món này. Hương vị khác nhau, chủ yếu do nước sốt, nhưng cách chế biến thường là đem đầu bê đi luộc sơ xong rút xương, nhồi với óc, nấm, các loại hạt và gia vị xong bó lại, đem ninh cho mềm. Tuy nhiên, ở Pháp, món này còn có một điều thú vị khác, ấy là dân Tây thứ thiệt hằng năm thường bày đầu bê ra «cúng giỗ» vua Louis XVI, người bị chặt đầu trong cuộc Cách Mạng Pháp vào 21 tháng Giêng, ngày hành quyết.

Đầu bê

Andouille / Andouillette

Chính người Pháp cũng hay lẫn lộn giữa Andouille và Andouillette. Thực ra, cả hai đều là dồi, nhồi bằng lòng và thịt heo hay thịt bê. Chỉ khác nhau ở chỗ Andouille thường được xông khói. Andouillette thì phần nhân nhồi nhuyễn hơn. Nói thêm cho vui, không hiểu sao từ Andouille lại được người Pháp dùng như một tiếng lóng để mắng ai đó là «đồ ngốc».
Andouille / Andouillette

Bánh hòn (Tourte de rognons blancs)

Vỏ bánh giòn phao, nhân gồm hòn dái (thường là của cừu) xào nấm, hành hoặc rau dền non. Không những ngon miệng mà còn bổ dưỡng vì chứa nhiều sinh tố và khoáng chất, lại ít mỡ. Có vẻ như món này đã được nhái từ Steak and kidney pie của người Anh, nhưng cá tính hơn bởi thay vì dùng thịt bò và quả cật làm nhân bánh như anh hàng xóm thì dân Pháp sử dụng bộ phận không sang trọng bằng nhưng chẳng kém phần ngon.
Bánh hòn

Trứng cừu (Couilles de mouton).

Cừu đẻ con, trứng ở đâu ra! Có chứ. Đó là tên gọi lịch sự cho một bộ phận không nói ra ai cũng hiểu là cái gì, nằm chỗ nào, chỉ có cừu đực mới có. Món trứng cừu là đặc sản vùng Limousin và Périgord Vert (trung Pháp). Thường có mặt dịp lễ hội Frairie des petits ventres ở thành phố Limoges. Người Pháp khôi hài, đặt cho món này một cái tên bớt huỵch toẹt và mỹ miều hơn là Amourettes de mouton (Cục cưng của con cừu).

Trứng cừu

Hai Quê


Khúc bể dâu

Tôi khép cánh cửa phòng ngủ, rón rén bước ra, sợ gây tiếng động làm thằng cháu nội lại giật mình thức giấc; thằng bé đã mười tháng tuổi, biết làm đủ thứ trò như con khỉ con, chiếc mũi bé xíu của nó chun lại, đôi môi dầy cong lên, mỗi khi bà nội bảo nó làm xấu, thật dễ thương, canh nó hơi mệt vì phải chơi cho nó đừng chán, lèo nhèo, nhưng chơi nhiều thì sức bà nội có hạn, làm sao chạy theo nó cả ngày được!

Từ ngày tôi về hưu non, kế hoạch trong đầu là đi du lịch khắp thế giới, nhưng chưa đi được bao nhiêu, thì con dâu sanh, bây giờ lại phải trông cháu một tuần hai ngày cho các con đi làm, chưa kể cuối tuần chúng lại bế nhau về “làm phiền” bà. Bà ngoại của cháu lớn tuổi hơn tôi nhiều nên sức khỏe không cho phép bà chạy theo cháu, bế cháu như tôi, do đó tôi trở thành nhân vật chính trong vụ giữ trẻ này.

Các con tôi muốn chờ thằng cu bé được hơn một tuổi, biết đi, mới cho vào nhà trẻ vì sợ cho cháu vào sớm quá, lây bệnh, khó ăn uống lại xuống ký thì tội nghiệp. Tôi cũng đồng ý, ráng chờ vài tháng nữa, thằng cháu sẽ lớn hơn đi nhà trẻ sẽ biết tự túc hơn.

Cả người mỏi nhừ vì “vần vũ” với thằng bé từ sáng sớm tới giờ, ngồi xuống ghế nghỉ ngơi, bên ngoài cửa sổ những ụ tuyết còn cao quá đầu, tháng ba đã đổi giờ, ngủ ít đi một tiếng, nhưng đi làm được về sớm hơn một tiếng, ra khỏi công sở mặt trời vẫn chưa lặn.

Con dâu tôi đã từng tâm sự:
- Chắc con phải nghỉ nhà trông con nếu có đứa thứ hai… Làm một lúc rồi nghỉ luôn!

- Nếu có đứa thứ hai thì nên nghỉ thêm một năm trông cháu, thay vì chỉ có 6 tháng, rồi sau đó đi làm lại, vì nếu nghỉ hẳn, khi các cháu đi nhà trẻ, con sẽ buồn lắm, sẽ thấy tiếc sự nghiệp của mình.

- Nhưng nếu nghỉ một năm rồi vào làm lại, mình sẽ không còn thạo việc nữa, mọi thứ thay đổi, nếu vậy phải lấy thêm course nữa mới update được ạ.

Những lời tâm sự của con dâu làm tôi nhớ về những ngày tháng sau khi tôi nghỉ sanh đứa con trai thứ hai, tôi lấy một năm rưỡi ở nhà trông cháu, khi nó được hơn một tuổi thì cho vào nhà trẻ và quay lại công việc ngân hàng.

***
Ngày đầu tiên trở lại ngân hàng sau mười tám tháng nghỉ sanh con, lẽ ra tôi phải được hoàn lại chức vụ cũ, giám đốc ngân hàng trong nhà thương nhi đồng ở thành phố Montreal, Quebec. Khi vào đến nơi, tôi mới phát hiện ra tất cả ngân hàng tại Quebec đã được phân chia theo phân khoa đặc biệt, ví dụ: ngân hàng sức khỏe, ngân hàng công nghiệp, ngân hàng nông nghiệp, ngân hàng khoa học v.v. Chỗ tôi đã được một ông tây người bản xứ thay thế; bà Solange, giám đốc trên tôi một bậc đã từng nâng đỡ, mướn tôi vào những ngày đầu tiên đã được thăng chức thuyên chuyển đi một nơi khác làm, tôi cảm thấy mình như người thừa thãi, lạc lõng, những nhân viên dưới quyền tôi, người đã đổi đến chi nhánh khác, kẻ thì nghỉ vì một công việc tốt hơn, chẳng có ai đón tiếp và không biết phải nói thế nào để lấy lại chỗ cũ của mình.

Bà giám đốc mới ở phòng nhân sự, bà Leclerc, là một người rất quan liêu, bảo thủ và nghe nói rất “phân biệt chủng tộc”, bà cho là những dân tỵ nạn đến đất nước Canada lấy đi những công việc tốt của người bản xứ! Bên cạnh đó bà không bao giờ gởi giấy khen hay động viên những nhân viên có ý tưởng sáng tạo, bà coi những đóng góp đó là chuyện đương nhiên!

Tôi lo lắng đến trình diện bà; sau khi nghe tôi trình bày hoàn cảnh đã nghỉ một năm rưỡi vì gia đình con cái, nay mới vào nhận nhiệm sở với bao thay đổi về nhân sự, bà nhìn tôi một hồi qua cặp mắt kiếng trễ xuống mũi, hai môi mím lại, vẻ mặt nghiêm trang, bà mở máy tính đọc tiểu sử, thành tích của tôi trong tám năm qua trước khi nghỉ đẻ, mặc kệ cho tôi ngồi yên trong chiếc ghế bành bằng da to tướng với bao hoang mang, trong đầu đầy những câu hỏi, không biết bà sẽ điều tôi đi đâu.

Bà ngẩng đầu lên, ánh mắt giá băng, như cái không khí lạnh ngắt của chiếc máy lạnh gắn thêm trong phòng bà mà bên ngoài trời tháng tư chả nóng chút nào.

- Cô làm …cũng khá đấy chứ!... Nhưng bây giờ chỗ cô đã có người thay thế rồi, tôi sẽ tìm một chỗ khác cho cô!

- Thưa bà, người mới chỉ là thay thế chỗ của tôi thôi, trong nội quy ngân hàng có nói sau khi nghỉ sanh dưới hai năm về vẫn làm lại chỗ cũ…

- Nhưng cô mới về lại, chắc chưa có thể làm ngay được, vì nhiều thứ thay đổi lắm, tôi sẽ cho cô đi học thêm ba tháng, sau đó sẽ tính tiếp… Tôi sẽ nói thư ký của tôi liên lạc với cô. Vậy nhé, chúc cô một ngày đẹp!

Bà không muốn nói chuyện với tôi nữa, bà gục đầu xuống xem một hồ sơ khác, như có ý “đuổi” tôi ra khỏi phòng!... Tôi thấy khuôn mặt lạnh như cắt của bà, cũng không dám đứng lâu tranh cãi, đành ra ngoài xem mọi người làm việc ra sao mà bà nói đã thay đổi rất nhiều trong một năm rưỡi qua.

Đúng là phần mềm của ngân hàng có thay đổi đôi chút, có thêm nhiều thứ linh tinh nhưng làm gì phải học thêm đến ba tháng chứ! Chỉ cần cho tôi ngồi bên cạnh một ai đó xem họ làm việc trong một buổi là tôi sẽ update ngay thôi. Đang miên man suy nghĩ, cô thư ký Helen đến gặp tôi nói:

- Bà Leclerc nói trong lúc chưa mời được người đào tạo xuống ngân hàng mình để dạy thêm cho cô thì bà nói cô hãy vào chỗ chứa hồ sơ xếp tất cả mọi hồ sơ trên kệ theo số thứ tự nhé, xin cô theo tôi.

Một phòng rộng lớn với mười dãy kệ bằng sắt để chứa hồ sơ đặc kín được quay bằng tay, một núi hồ sơ dưới đất chờ để được sắp lên kệ mà đã lâu lắm chưa có ai vào xếp cả vì thiếu nhân viên và ai cũng bận rộn tiếp khách. Cô thư ký trẻ, mới vào làm, nhoẻn cười với tôi:

- Cô cứ ở đây sắp xếp hồ sơ nhé, khi nào có sự chỉ đạo nào khác của bà giám đốc Leclerc thì tôi sẽ xuống gọi cô sau!

Cô để mặc tôi một mình trong một căn phòng rộng lớn lạnh ngắt mới xây này, tôi cảm thấy mình bé bỏng, uất ức như cô bé lọ lem bị phải nhặt hết ba thúng đậu đen đỏ!

Khi những ngân hàng gộp lại thì số lượng hồ sơ tăng gấp ba bốn lần so với lúc xưa, phòng chứa hồ sơ với bốn bức tường bằng đá chống cháy, thêm máy điều hòa không khí nên khá lạnh; tôi bắt tay vào công việc mới tuy không trực tiếp với khách hàng như xưa, nhưng qua những hồ sơ này, tôi “thấy” được những thông tin tài chính cá nhân, hoặc doanh nghiệp của họ, những notes để lại trong hồ sơ, tôi đều đọc và biết tình hình của những khách hàng đã từng đến ngân hàng, dưới sự chỉ huy của tôi thuở ấy đã thay đổi như thế nào trong gần hai năm qua. Tôi không còn thấy buồn nữa mà cảm thấy khá thú vị.

***
Một tháng trôi qua, tôi vẫn ngoan ngoãn xếp hồ sơ, một công việc nhàm chán, lẽ ra chỉ để cho một nhân viên thường (không có cấp bậc) làm, nhưng họ lại để một người giám đốc vào làm công việc ấy thì thật tình hơi lãng phí tiền bạc của nhà bank, nhưng tôi không phải là người quyết định, cũng không thể tâm sự cho ai biết được điều này mà chỉ biết kiên nhẫn làm theo sự phân công của cấp trên mà thôi. Tôi nghĩ đây chính là thử thách của tôi khi trở lại làm việc dưới sự chỉ huy của một kẻ khác tiếng nói, văn hóa và lại mang tính tỵ hiềm ganh ghét nữa, và tôi phải ráng làm sao phải vượt qua cái cửa ải này. Tôi tự nhủ phải thật kiên nhẫn đây!

Thấy tôi buồn rầu khi đi làm về, chồng hỏi tại sao, tôi trả lời ỉu xìu:

- Em …bị đì!

- Tại sao bị đì, em lúc nào cũng nói chỗ em làm ai cũng yêu thương em mà, làm sao mà bị đì chứ? Cái bà “đỡ đầu” của em đâu rồi?

- Bả đã đổi đi chi nhánh khác rồi!

-… Hay nghỉ ở nhà trông hai thằng con đi vậy!

- Thôi bao nhiêu công lao em học hành, em ráng chịu một thời gian xem có thể chuyển hóa được bà này không… Chả lẽ sự nghiệp của em vô cớ lại đóng lại ở đây sao chứ!

***
Những cố vấn tài chính trong nhà bank đều là người từ những chi nhánh khác đến, không biết tôi trước đó nên tưởng tôi là nhân viên hạng hai (ngân hàng có nhiều cấp bậc, hạng hai là tellers, cashier), họ gọi tôi lấy hồ sơ này, xếp hồ sơ nọ, nhờ tôi đánh máy những ghi chép, phân tích của họ vào máy sau một buổi gặp khách như đứa lon ton. Tôi vẫn cố vui vẻ làm việc với họ, còn giúp họ thêm vài chi tiết để hồ sơ được rõ ràng mạch lạc hơn nữa. Bên cạnh đó tôi còn đưa ra những đề nghị thêm những khoản đầu tư an toàn cho người lớn tuổi, chuyển phần hưu trí của họ thành tiền tiết kiệm có thể rút ra không cần hạn kỳ nào cả và không bị trừ thuế v.v. Lúc nào cũng phải khéo léo nhỏ nhẹ để đừng làm những người cố vấn mới vào nghề bị tổn thương, và cũng không muốn để người khách hàng phải chịu thiệt thòi vì sự thiếu kinh nghiệm của họ.

Từng chút một, tôi bỗng trở thành người “cứu hộ” về tài chánh bất đắc dĩ, bận rộn, hết chạy qua phòng cố vấn này đến phòng cố vấn khác để giúp họ cho ý kiến về đầu tư, giúp họ đặt vấn đề với những gia đình trẻ nên có plan đóng tiền học cho con từ lúc mới sanh, rồi giúp họ vào máy làm việc nên qua đó tôi cũng tự update cho mình mà không cần phải chờ coach đến nữa vì cả tháng nay người thầy này thật bận rộn với những chi nhánh khác chưa có thì giờ xuống chỗ tôi.

Khi chúng tôi cùng ăn trưa, cô Kate mà tôi thường giúp đỡ, nói với mọi người:

- Chúng mình thật may mắn gặp Lyly có nhiều kinh nghiệm giúp mình làm hồ sơ cho khách!

Người cố vấn khác nói thêm:
- Ủa mà sao Lyly không thi lên chức cố vấn đầu tư mà lại chỉ làm xếp hồ sơ thôi vậy? Tôi thấy phí quá; cô có thích lên chức không? Chi nhánh mình cũng đang cần người đấy, cô mà thi lên được thì chắc chúng tôi sẽ rất hạnh phúc có người bạn giỏi như thế, cô sẽ có nhiều thì giờ dậy chúng tôi thêm kỹ năng!

- Mình phải đem ý tưởng này nói với bà Leclerc, giám đốc nhân sự mới được!

Kate tiếp lời:
- Nhưng… bà ấy khó tính lắm, nói nhỏ thôi nhé, bà chỉ thích người bản địa thôi, người ta nói bà có một quá khứ không đẹp, mẹ bà là người Châu Á, Mã Lai thì phải, cha là người Tây, mẹ đã bỏ bà khi còn nhỏ đi theo một người đàn ông khác giàu có, khi bà mới có hai tuổi nên bà rất ghét người Á Châu nói chung, từ đó có tính phân biệt chủng tộc, lại có cuộc hôn nhân không tốt, bà sống một mình với thằng con trai không thích học hành mà chỉ thích hút sách thôi... Các bạn thấy đó trong chỗ mình làm có ai không phải là người Canadian chính gốc đâu, trừ Lyly!

- Nhưng Lyly lại rất giỏi và dễ thương, từ trước đến giờ chưa có ai chịu vào xếp hồ sơ cả, mà từ ngày có Lyly là cái đống hồ sơ đó được xếp ngay ngắn trên kệ, đã vậy cô ấy còn chu đáo dán từng vần ký tự cho mỗi hàng hồ sơ để tìm cho dễ nữa chứ, tôi phục quá, phải là người có đầu óc sắp xếp và logic đó!

Để cám ơn tôi, mọi người đem cơm trưa cho tôi ăn, kể chuyện gia đình của họ cho tôi nghe, cho tôi xem hình ảnh chồng con, tôi vẫn im lặng nuốt cục ức vào trong, không dám tâm sự bản thân cho ai nghe cả; còn bà giám đốc thì hình như đang trút cơn đau đớn, phẫn nộ của bản thân lên đầu tôi, nên không hề gọi tôi lên để trao trả lại chức giám đốc tuy tôi vẫn cứ nhận lương với chức vụ ấy, mà làm việc “lon ton”.

Mỗi buổi sáng đi làm, ngang phòng làm việc của bà Leclerc, tôi thấy bà đến rất sớm, ngồi yên lặng quay lưng ra phía cửa sổ, nhìn xuống phía sân sau bãi đậu xe của nhân viên, bà ngồi bất động như có nhiều tâm sự lắm, bà chả nói chuyện với ai, đi làm sớm, về đúng giờ, chả bao giờ thấy bà đi ăn trưa với những giám đốc khác; tôi bỗng thấy tội nghiệp bà hơn là oán trách và một chút niềm cảm thông của một người mẹ dâng lên, tôi đưa tay gõ nhẹ vào cửa phòng, bà quay lại ngạc nhiên thấy tôi, đôi mắt bà mở lớn như muốn nói điều gì đó, rồi lại cụp xuống, yên lặng; tôi niềm nở, lên tiếng:

- Chào bà Leclerc, bà khỏe không?

- Tôi nghe nói cô đã xếp hết cả đống hồ sơ vào kệ rồi phải không?

- Vâng, thưa bà!

- Tôi muốn nhờ cô điện thoại liên lạc với những khách hàng để bán những visa VIP mới của ngân hàng mình…Cô làm được chứ?

- Vâng, tôi sẽ làm.

- Vậy đây là danh sách khách, cô đi làm đi!

- …Tôi sẽ làm khi 8:00, bây giờ tôi muốn… mời bà một tách trà xanh, bà thích thử không ạ?

- …Trà xanh?

- Dạ vâng!

- Bố tôi đã từng kể cho tôi nghe, mẹ tôi rất thích trà xanh… Khi chúng tôi dọn nhà, trong tủ của bà ấy chỉ toàn là những túi trà xanh mua tại Việt Nam…

Tôi chưa bao giờ uống thử vì tôi ghét những gì thuộc về kỷ niệm… Nhưng hôm nay tôi sẽ uống…

- Bà chờ tôi một chút nhé, để tôi xuống bếp nấu nước sôi và đem lên cho bà…

- Thôi, để tôi đi theo cô!

Lần đầu tiên tôi thấy bà mỉm cười, chỉ một chút rồi khép lại ngay như giữ cho mình vẻ nghiêm khắc hàng ngày.

Trong lúc tôi nấu nước sôi, bỏ trà vào bình, bà nhìn tôi rồi khẽ nói:

- Đêm hôm qua, tôi nằm mơ một giấc mơ rất dễ sợ, cả nhà tôi bị cháy tiêu, ngọn lửa lên cao quá đầu, tôi sợ hãi la hét trong đêm và bật dậy mồ hôi toát đầy mình, không ngủ lại được nữa nên mới đi làm sớm hôm nay… Tôi không biết có chuyện gì xảy ra không!

Tôi nhìn thẳng vào mắt bà, trấn an:
- Nếu bà tin tôi, hãy chờ từ nay đến một tuần, bà sẽ có tin tốt, một tin vui về gia đình con cái hay người thân nhất của bà. Tôi chỉ biết nói vậy thôi, đó là giác quan thứ sáu cho tôi biết, bây giờ mời bà dùng trà xanh.

- Cám ơn cô rất nhiều nhé, tôi không ngờ cô có giác quan thứ sáu đoán được giấc mơ, tôi sẽ cho cô biết nếu có tin vui. Ah! Hôm nay người đào tạo đến ngân hàng mình, sẽ làm việc với cô đó, tôi quên mất từ sáng tới giờ vì bị giấc mơ ám ảnh mãi, tôi lo cho thằng con trai, nó vẫn mãi không lớn lên được; sau khi uống ly trà xanh này tôi mới tỉnh lại đó. Tôi chắc chắn cô sẽ học rất nhanh với ông ta đấy, ông rất nhiều kinh nghiệm và rất thực tế trong việc giải quyết vấn đề tài chánh.

8:00 chúng tôi trở lại phòng làm việc, Kate đi qua phòng tôi, dừng lại khẽ hỏi:

-Lyly, sao hôm nay tôi lại thấy bà “ấy” mở miệng nói chuyện riêng với cô thế? Chắc chút nữa trời sẽ đổ cơn mưa lớn ngập đường đây!

- Hahaha thì “sông có khúc, người có lúc” mà!

- Thế thì bạn gặp may rồi đấy! Chúc may mắn nhe!

Kate đưa ngón cái số 1 lên, rồi nhanh nhẹn về phòng.

Ông coach đi bên cạnh bà Leclerc xuống phòng tôi, bà giới thiệu:
- Đây là ông Christian Maheu sẽ dạy cho cô về software mới về cách làm sao nhập vào hồ sơ tài chánh của ngân hàng mình và những chi nhánh khác, ngoài ra ông còn chỉ cho cô tất cả công việc gì cô muốn hỏi, ông rất giàu kinh nghiệm…

Bà giám đốc chưa nói hết câu, ông Maheu đã la lớn khi thấy tôi bước ra khỏi phòng chào ông với nụ cười tươi, ông tiến đến ôm lấy tôi hôn lên hai má như hai người bạn thân lâu ngày gặp lại:

- Cô Lyly đây mà! Lâu quá không gặp cô, bây giờ gia đình ra sao rồi, chắc hai cu cậu để nhà trẻ hả? Hay ông bà ngoại canh? Tôi tưởng dậy cho ai chứ dậy cho cô Lyly thì chừng hai tuần là xong hết, cần gì tới ba tháng! Ủa mà chi nhánh nhà thương Ste Justine đóng cửa rồi hay sao cô lại đến đây, thưa cô giám đốc?

Lúc ấy tôi thấy chung quanh là những bạn cố vấn đứng đầy xung quanh vì tiếng nói như cái loa phát thanh của Maheu, họ đều ngạc nhiên nói với nhau:

- Lyly là… giám đốc chi nhánh nhà thương sao?

Ông Maheu gật đầu xác nhận:
- Phải! Sao mọi người lại ngạc nhiên chứ? Tôi đã thường xuống Ste Justine để dậy cho những người cố vấn mới vào đó mà... Bà Leclerc không nói gì sao?

Lúc ấy tôi thấy bà giám đốc vẻ bối rối, lúng túng:

- Tôi …xin lỗi mọi người đã không giới thiệu khi cô Lyly trở về đây làm việc, vì chỗ cô ấy đã có người mới thay thế nên tôi không tiện nói, cô ấy chính là giám đốc của chi nhánh Ste Justine, cô ấy có một quá khứ làm việc rất đáng ngưỡng mộ; sau khóa học này cổ sẽ chuyển đến một chi nhánh khác làm về đầu tư cho những người có cổ phần từ năm triệu trở lên; cô ấy đã từng làm việc với các bạn được hơn ba tháng nơi đây rồi, ai cũng thấy cô là người sống có tấm lòng và rất có trách nhiệm trong công việc phải không?!

Tôi nghe trong đám đông xì xầm:
- Thì ra Lyly là giám đốc…

- Hèn chi…

Tôi quay lại, lần đầu tiên bắt gặp ánh mắt của bà Leclerc đầy thiện cảm với tôi, chứ không còn xa lạ dửng dưng như những ngày đầu nữa, tôi biết mình đã chuyển hóa được trái tim « băng giá » của bà, mỉm cười cảm động:

- Cám ơn bà đã giành cho tôi những lời lẽ quá tốt đẹp, tôi mong đem hết sức mình cống hiến cho xã hội và nơi tôi đang sống!

- Tôi thấy được điều đó qua những việc làm của cô và rất tin tưởng nơi cô!

***
Vài tháng sau đó, một buổi sáng khi tôi vừa vào đến văn phòng, ngạc nhiên thấy trên bàn một chiếc đồng hồ để bàn mạ vàng với logo nhà bank, và một cây bút pilot thật to, nặng, nạm vàng, đề tên tôi với một chiếc card cám ơn; đọc xong tôi ù té chạy lên văn phòng bà Leclerc, nhưng văn phòng bà đã đóng cửa, tắt đèn, bà đã không còn đó nữa, chỉ có cô thư ký gặp tôi, cô gật đầu chào tôi cung kính:

- Thưa cô Lyly, bà giám đốc đã gởi thư từ chức cả tháng nay rồi, bà đã rời sở làm từ chiều qua, bà nói sẽ đến một tỉnh khác ở với con trai, vì con trai bà đã bỏ hẳn hút sách, rượu chè, đã tìm được một công việc phù hợp với anh ta ở Calgary, cậu ta muốn mẹ lên ở với cậu ấy cho có mẹ con; bà nói đây là một tin vui mà bà đã chờ đợi từ lâu lắm rồi, nên bà đã dứt khoát bỏ Montreal, bỏ công việc và đi theo con, bà nói cậu ấy chính là nguồn sống cả đời của bà, bà không muốn con bà lại bỏ nhà đi hoang vì cảm thấy cả đời bơ vơ vì mẹ chỉ ôm ấp công việc, sự nghiệp riêng của bà mà thôi, bà chuyển lời cám ơn cô Lyly rất nhiều vì chính cô đã đem cho bà niềm hy vọng và tin tưởng trong cuộc sống, bà nhờ tôi nhắn với cô như thế!

***
Cây bút pilot, món quà may mắn mãi đi theo tôi cho đến ngày về hưu, mỗi lần nhìn thấy nó, xoa tay lên nó, như có ông thần hộ mệnh vậy, việc khó bao nhiêu cũng giải quyết được; cây viết chỉ là vật vô tri nhưng nó đã cùng tôi trải qua những kỷ niệm vui buồn, đấu trí, chịu đựng, gian nan trong việc kiếm miếng ăn nơi xứ người.

Bỗng tôi nảy ra một ý, phải giữ cây bút cho bóng bảy, màu vàng óng của ban đầu để sẽ trao lại cho thằng cháu nội sau này, thế hệ tiếp nối, nó sẽ tiếp bước bà nội, học giỏi, tạo dựng sự nghiệp, tương lai vững chắc, hơn hẳn thế hệ của chúng tôi:

Sự đời gió cuốn mây trôi,
Lòng người tĩnh tại, vạn lời hóa không.
Bền gan vững chí mà trồng,
Một ngày rễ vững, cây trông hóa rừng. (vô danh)

Sỏi Ngọc,
Montreal, Mars’25


Tin Tng Hp

-Mục sư Franklin Graham và tổ chức thiện nguyện Samaritans Purse, do ông thành lập và điều hành đang hành động nhanh chóng để cứu trợ cho người dân Miến Điện đang cần giúp đỡ.

Mục sư Graham viết: 'Chúng tôi đang gửi máy bay chở hàng DC-8 để đón một trong những Bệnh viện dã chiến cấp cứu mà chúng tôi đã bố trí tại kho trung tâm mục vụ SP Canada của chúng tôi ở Calgary, Alberta.

Đây sẽ là bệnh viện cấp 3 có 2 phòng phẫu thuật, một phòng cấp cứu, các khoa nội trú, một hiệu thuốc, một phòng xét nghiệm và đội ngũ nhân viên từ 80-130 người với các vật dụng cần thiết.

Bao gồm bác sĩ, y tá, chuyên gia về nước, kỹ thuật viên và các thành viên khác của Đội ứng phó hỗ trợ thảm họa để giúp đỡ trong cuộc khủng hoảng này.

Chúng tôi sẽ gửi nhiều chuyến bay khi chúng tôi tiếp nhận thêm thiết bị và vật dụng để duy trì bệnh viện và cung cấp cứu trợ bao gồm chăn, vật liệu trú ẩn khẩn cấp, bộ dụng cụ vệ sinh và các mặt hàng khác.

Samaritan’s Purse đã có hơn 30 năm lịch sử hoạt động tại Myanmar và tôi đã có thể rao giảng ở đó vào năm 2016.

Hãy cầu nguyện cho những người đang đau khổ này và cho các nhóm của chúng tôi khi chúng tôi hành động để mang lại sự giúp đỡ trong Danh Chúa Jesus.

Mục sư Graham và tổ chức Samaritians Purse cũng đã tận tình cứu trợ cho người dân Việt Nam trong trận siêu bão Hải Yến năm ngoái. Ông cũng từng đến Sài Gòn rao giảng.

-Tổng thống Bukele của El Salvador đã cho phá bỏ tất cả các bức tượng và tượng đài Cộng sản và cho nấu chảy rồi sử dụng chúng để làm nắp cống trên đường sá.

Năm 2023 thị trưởng Chalchuapa, Jorge Morán, đã dỡ bỏ bức tượng Che Guevara, một nhân vật cách mạng theo chủ nghĩa Marx nổi tiếng, được Mặt trận Giải phóng Dân tộc Farabundo Martí (FMLN) dựng lên vào năm 2009.

Trước đó, Tổng thống Bukele đã ra lệnh phá hủy Đài tưởng niệm Hòa giải vào năm 2020. Đài tưởng niệm này, được chính quyền Mặt trận Giải phóng Dân tộc Farabundo Martí khánh thành vào năm 2017 để kỷ niệm 25 năm các hiệp định hòa bình chấm dứt nội chiến El Salvador.


-Thẩm phán Edward Chen ở California ra lệnh chặn quyết định của chính quyền TT Trump về việc hủy bỏ tư cách pháp lý của 350.000 người Venezuela, y nói rằng quyết định này bắt nguồn từ sự "phân biệt chủng tộc" của ông Trump và bà Bộ trưởng Nội An Noem.

Chen là thẩm phán do Obama bổ nhiệm

-Nhóm DOGE tiến hành xem xét cái gọi là 'Viện Hòa bình Hoa Kỳ - U.S. Institute of Peace, Viện này đã thuê một kế toán bên ngoài với giá $2,232,500 đô để giám sát sổ sách của họ. Người của cty kế toán này đã vội vã xóa hơn một terabyte dữ liệu tài chính—một hành động tinh vi như một tên trộm phi tang hiện trường vụ án.

May mắn thay, Big Balls đã can thiệp, khôi phục dữ liệu đã mất và vạch trần một vụ gian lận, lãng phí và lạm dụng thực sự, bao gồm cả sự nghiện đặc biệt của cơ quan này đối với việc đi lại bằng máy bay phản lực đắt tiền có giá $675,000 đô tất cả đều nhân danh "vì hòa bình".



-Elon Musk cho biết ông đã nhận được 17 ngàn lời đe dọa giết người khi nói rằng ông sẽ đến nói chuyện ở Wisconsin.

"Tôi đã nhận được 17 ngàn lời dọa giết. Tôi vẫn đến. Vì đó là tầm quan trọng của cuộc bầu cử này."

Cuộc bầu cử tại Wisconsin hôm nay rất quan trọng với cả hai đảng, một cuộc tranh đua không khoan nhượng. Chỉ hy vọng nó sẽ diễn ra một cách minh bạch.



-Elon Musk đến thăm trụ sở CIA và chụp hình cùng chiếc Archangel-12.

Archangel-12 cũng là Lockheed A-12, một phi cơ do thám CIA thời Chiến tranh Lạnh của Lockheed Skunk Works.

Lần đầu tiên bay vào năm 1962, nó đạt tốc độ Mach 3.29 và độ cao 90,000 feet, tiền thân của SR-71 Blackbird.

Archangel-12 được sử dụng để trinh sát vùng Bắc Việt Nam, nó đã nghỉ hưu từ năm 1968, và là tiên phong trong công nghệ tàng hình và camera, cùng với các biến thể như YF-12A và M-21/D-21.

-Hôm nay tổng thống Trump đã công bố bảng thuế quan (tariff) lên hàng nhập khẩu từ các nước khác, thực hiện lời hứa với các cử tri khi tranh cử. Đây là một chính sách rất nhất quán của chính quyền Trump 2.0 từ khi tranh cử cho đến nay. Một số người nói ông hay quay xe, chắc là do đọc fake news nhiều quá.

Mục tiêu của chính sách này là mang nền sản xuất và công ăn việc làm quay lại Mỹ, cân bằng cán cân thương mại với các nước khác, và có khả năng sử dụng thuế quan thay cho thuế thu nhập cá nhân. Những điều này được ông hứa với cử tri khi tranh cử và bây giờ ông thực hiện đúng lời hứa. Một điều hiếm thấy đối với các chính trị gia phương Tây (có lẽ ông không phải chính trị gia).

Trong các nước bị áp thuế quan, Việt Nam là một trong những nước bị áp thuế cao nhất, 46%. Con số này được tính từ thuế quan của Việt Nam đánh lên hàng nhập khẩu của Mỹ, hàng rào phi thuế quan, cán cân thương mại, và cả chính sách tiền tệ. Việt Nam có khoảng 1 tuần để thương lượng việc này.

Một số nước đã có những đối sách khác nhau. Israel miễn thuế quan lên hàng nhập khẩu của Mỹ ngay ngày hôm qua. EU lên tiếng sẽ trả đũa nếu không đạt được thỏa thuận. Úc nói sẽ không trả đũa mà sẽ đàm phán.

À, còn vụ Tàu, Nhật, Hàn hợp tác để trả đũa Mỹ chỉ là tin đồn nhảm cá tháng tư nha các bạn.

Một số công ty Việt Nam đã có kế hoạch sản xuất ở Mỹ để sử dụng chính sách này phát triển kinh doanh. Cách nhanh nhất là mua lại các công ty ở Mỹ. Bạn nào cần mua bán các công ty ở Mỹ thì liên hệ mình nhé, hiện nay bên mình có sẵn một số công ty trong danh sách rồi nhen. Mại dô!

Còn nếu các bạn muốn setup cơ sở sản xuất kinh doanh bên Mỹ thì bên mình cũng có dịch vụ tư vấn luôn.

Hôm nay mình định viết sâu về vụ 46% lên Việt Nam nhưng mà đã có phóng viên book rồi nên các bạn đón xem nhen.

Nói chung vụ này không có gì ngạc nhiên. Người nào biết chuyện thì đã chuẩn bị từ hồi tháng 11 rồi

-Khi anh Musk mua Twitter với giá 44 tỷ rồi đổi tên thành X, nhiều người bảo ảnh ngu. Công nhận mấy người đó can đảm thật. Chê luôn người thuộc loại giàu nhất nhì thế giới là ngu.

Bây giờ ảnh bán công ty X cho công ty xAI (cũng của ảnh) với giá 45 tỷ. xAI là công ty chủ của con Grok, sử dụng data từ X để train con Grok nên ngôn ngữ con Grok sử dụng rất giống ngôn ngữ đối thoại trên X. Nên ai cũng thấy con Grok nói chuyện tự nhiên. Rồi sau đó ảnh ứng dụng mấy con AI của xAI vào Tesla, SpaceX, Neuralink của ảnh. Rồi valuation của mấy công ty này sẽ tung nóc cho mà xem. Ảnh đổi tên từ Twitter qua X, cho nó gkhiống xAI mà không ai nhận ra sao? Người ta làm gì cũng tính trước mấy chục bước rồi. Ai nhìn không ra thì chê ảnh ngu. Mà ai cũng nhìn ra thì ai cũng giàu như ảnh rồi.



FB Uyen Vu/ Nga Ho Dac

Blog Archive