Friday, March 6, 2020

RỒI SẼ ĐẾN MỘT NGÀY


Hoàng khẽ kéo tấm che cửa sổ máy bay xuống vì những tia nắng gay gắt bên ngoài hắt vào mặt chàng, thở một hơi dài, chàng nhắm mắt và lẩm bẩm:

- Phải cố ngủ một giấc thôi, còn khoảng ít nhất 16 tiếng nữa mới đến nơi .
Phải, Hoàng đang ngồi trên một chuyến bay trở về VN. Đây là một quyết định chắc chắn sẽ làm thay đổi cả cuộc đời còn lại của chàng. Dù trong suốt gần 6 tháng dài, Hoàng đã suy tinh, đắn đo thậm chí chàng còn gặp gỡ những chuyên viên, bác sĩ tâm lý, điều mà rất ít khi người đàn ông VN thường làm, để nhận những lời khuyên bảo, những câu cố vấn cho những xung đột, bất hòa trong gia đình chàng, nhưng tất cả rồi cũng chẳng đi dến đâu. Sự rạn nứt âm ỉ để rồi cuối cùng đưa đến một sự đổ vỡ hoàn toàn không cách gì cứu vãn được của một cuộc hôn nhân dài gần 25 năm. Cho đến bây giờ Hoàng vẫn nghĩ chàng và Ngân, vợ chàng, là hai thái cực hoàn toàn khác biệt, từ quan niệm sống, sở thích cho đến ý niệm về tôn giáo, tất cả mọi thứ đều trống đánh xuôi, kèn thổi ngược, vậy mà họ đã đi bên nhau gần 25 năm ! 

Tiếng cô tiếp viên hàng không nhắc nhở mọi người cột lại dây an toàn vì máy bay sắp bay vào vùng có độ áp suất thấp đã cắt ngang dòng tư tưởng của Hoàng, chàng lại thở dài ! Khẽ liếc sang người hành khách bên cạnh , đó là một người đàn ông trung niên có lẽ tuổi khoảng xấp xỉ trên dưới 60. Hoàng nhớ trước khi máy bay cất cánh, ông ta nói oang oang trong chiếc cell phone : 

- Anh đâu muốn dzià VN một mình mà không có em, bị má đau nặng quá, không dzià gấp, anh sợ không kịp, anh chỉ đi một tuần thôi, nhưng nếu bịnh má trở nặng, anh phải ở lại lâu hơn thì anh sẽ phone cho em !

Nói xong ông cười hỉ hả tắt phone, biết Hoàng đang chăm chú nhìn mình, người đàn ông nói tiếp :

-Xin cái visa ra khỏi nước thì dễ, nhưng cái visa ra khỏi ...nhà thì thiệt là khó trần ai !

Dứt câu ông phá lên cười khoái trá. Vì phép lịch sự, Hoàng cũng phải nở một nụ cười góp nhưng mắt chàng ánh lên một tia nhìn vừa bất mãn, vừa diễu cợt. Cho đến bây giờ, những câu chuyện trở về VN của những người như Hoàng, như người đàn ông này, là đề tài chẳng ai còn muốn nhắc nhở, nói đến nữa. Biết bao nhiêu thảm kịch đau thương đã xảy ra từ những chuyến về thăm quê hương như thế này. Gia đình tan nát, hận thù chất chồng, kiện cáo tứ tung, thậm chí còn dẫn đến những án mạng thê thảm, nhưng với Hoàng thì hoàn toàn khác, đây là lần đầu tiên chàng trở về VN. Chuyến đi này là một việc chẳng - đặng -đừng của chàng. Đúng vậy, vì ngồi đây, dù chỉ còn vài tiếng đồng hồ nữa là máy bay sẽ đáp xuống VN, nhưng chàng chẳng một chút nào háo hức, chờ mong, trái lại lòng chàng vẫn ngổn ngang trăm mối trăn trở, băn khoăn.

Hoàng đến Mỹ cùng hai người em trai vào cuối năm 85 sau một cuộc vượt biển thập tử nhất sinh khi chàng vừa tròn 22 tuổi. Chàng và hai người em đã được một gia đình người Mỹ bảo trợ. Hành trang của Hoàng trên đất nước này chỉ là mảnh bằng Tú Tài và vài năm lèng bèng Đại Học. Không muốn là một gánh nặng cho người bảo trợ, chàng quyết định đi làm, chỉ để hai đứa em tiếp tục đi học, nhưng ông bà Allen, người bảo trợ của chàng mà sau này chàng trân quý như cha mẹ, nhất quyết bắt chàng phải trở lại trường tiếp tục học. Ông Allen thiết tha nói :

- Tôi nghe nói người VN các con rất cần cù, nhẫn nại và cũng rất chăm chỉ, thông minh. Đây chính là những ưu điểm và những yếu tố giúp các con thành công trên đất nước này.

Rồi ông mỉm cười khoan dung nói tiếp :

- Chính hai vợ chồng chúng tôi cũng là di dân từ bên Ý qua đây. Đất nước này là " Land of the opportunities ", các con hãy cố gắng cực khổ vài năm, rồi mọi ước mơ của các con rất có thể sẽ thành hiện thực.

Và như thế Hoàng đã ghi danh trở lại học trong một trường Đại Học của thành phố. Nơi đây chàng đã gặp Ngân, người vợ của chàng. Ngân qua Mỹ năm 75 cùng với cả gia đình, nàng phải học tiếp 2 năm trung học trước khi bước vào Đại Học, nhờ vậy khả năng nói và viết tiếng Anh của nàng thật lưu loát. Sau những buổi gặp gỡ, những lần Ngân giúp chàng những bài viết mà khả năng Anh ngữ của chàng không đáp ứng nổi, hoặc nhiều lần Hoàng đã cố vấn cho Ngân tổ chức những buổi họp cho các sinh viên VN trong trường, chỉ vẽ cho nàng làm những tờ bích báo mà ngày xưa thời trung học chàng đã từng say mê làm, sự liên hệ của Ngân và chàng ngày một thắm thiết hơn. Rồi Hoàng cũng tốt nghiệp, một năm sau khi Ngân vừa ra trường thì họ kết hôn.

Hai năm đầu của cuộc sống vợ chồng, chàng và Ngân làm việc cật lực để trả những món nợ như nợ nhà, nợ xe, nợ trường học, nhưng vợ chồng chàng vẫn có nhửng giờ phút chia xẻ ngọt bùi, ấm cúng bên nhau. Khi đứa con trai đầu lòng ra đời, Hoàng cảm thấy hạnh phúc tràn trề, chàng thường ngâm nga câu hát : ... Đêm về nghe con khóc vui triền miên !... "nhưng rồi đứa thứ hai, và đến đứa thứ ba thì chàng cảm thấy câu hát đó chẳng còn đúng tí nào ! Đúng lúc những đứa con chàng bắt đầu đi học thì Hoàng được đề bạt vào chức vụ mới, chàng thường xuyên vắng nhà do sự đòi hỏi của công việc. Ngân vẫn đi làm, lại vừa lo lắng chăm sóc con cái. Điều làm Hoàng cảm phục nơi vợ chính là sự chịu đựng, chưa bao giờ chàng nghe Ngân ta thán, kêu ca hoặc oán trách, so sánh những việc nàng phải làm. Nhiều lần trở về nhà sau chuyến công tác dài suốt mấy tuần, và sau bửa cơm tối đầm ấm gia đình, Hoàng ngồi xem TV nhưng chàng vẫn dỏng tai nghe Ngân và 3 đứa con ngồi nơi bàn ăn để làm homework. Tiếng cười nắc nẻ của cậu bé út khi Ngân đọc sai một chữ tiếng Anh, hoặc giọng nói dịu dàng của Ngân khi nàng giảng nghĩa cho các con một bài toán, làm Hoàng cảm thấy bực bội, khó chịu. Cái cảm giác bị gạt ra khỏi mái gia đình khiến chàng vừa đau khổ, vừa tức giận. Rồi sự liên hệ, gần gũi của hai vợ chồng chàng cũng bắt đầu nhạt dần, nhạt dần, nhưng vì con cái, chàng vẫn cố duy trì mái gia đình . Năm ngoái, khi đứa con út vào đại học xa, căn nhà bây giờ chỉ còn hai vợ chồng. Ngân càng sống khép kín hơn và dĩ nhiên Hoàng cũng ít khi về nhà hơn. Đúng lúc đó thì Diễm xuất hiện. 

Trong một lần lang thang trên Facebook, Hoàng bất ngờ tìm được Diễm, một cô bạn gái thuở xa xưa trong đại học. Diễm vẫn còn ở bên VN, và với những hình ảnh trên FB cho thấy nàng là một người rất thành đạt nơi quê nhà. Ban đầu chỉ là những câu chuyện trao đổi mưa nắng trên FB, nhưng rồi mưa lâu thấm đất, sự liên hệ của chàng và Diễm càng sâu đậm hơn qua những cú điện thoại từ bên kia bờ đại dương. Bằng giọng nói ngọt ngào pha chút nũng nịu, Diễm đã đưa Hoàng trở về quá khứ khiến chàng choáng ngập những kỷ niệm của một thời tuổi trẻ. Hoàng biết cuộc đời thật ngắn ngủi, chàng cần phải có một sự chọn lựa và một quyết định. Sự lựa chọn chính là Diễm và một quyết định sẽ là sự chia tay với Ngân, vợ chàng !

Đêm hôm đó khi Hoàng nói ý định ly dị cho Ngân nghe, nhưng chàng khéo léo dùng chữ giải thoát cho nhau, Ngân vẫn ngồi yên lặng, mãi gần 5 phút sau, nàng mới cất tiếng, giọng nói nàng thoáng chút âm thanh run rẩy :

- Nếu anh đã quyết định như vậy thì em chỉ xin anh cho em, ngập ngừng vài giây, nàng nói tiếp, đúng hơn là cho chúng ta 6 tháng ly thân. Trong khoảng thời gian này, em sẽ không thắc mắc anh làm gì, anh ở đâu, ngược lại anh cũng không cần phải quan tâm đến em. 

- Nhưng rồi sẽ ra sao sau 6 tháng đó ? Hoàng thảnh thốt hỏi lại .

Bằng một nụ cười buồn , Ngân nhẹ nhàng đáp:
- Thì chúng ta sẽ chính thức ly dị .

Đó là lý do tại sao Hoàng cần về VN gặp Diễm, đã 5 tháng trôi qua, và chàng chỉ còn một tháng nữa mà thôi.

Hoàng bước ra khỏi máy bay trong sự chen lấn ồn ào. Chàng chỉ có một chiếc vali nhỏ, rất giản tiện và nhẹ nhàng. Ngay cả bộ quần áo chàng mặc trên người cũng chẳng giống một Việt Kiều tí nào : áo Polo, quần jean bạc màu, đôi giày tennis. Hoàng nhìn quanh quất tìm bóng dáng của Diễm, vì đã được nàng dặn trước nên Hoàng nhận ra Diễm ngay từ xa, nàng thật rực rỡ với mái tóc hung hung vàng, khuôn mặt trang điểm thật cầu kỳ sắc sảo, và nhất là mầu áo đỏ tươi khiến nàng nổi bật giữa những người quần áo lam lũ chung quanh nàng. Một cảm giác khó chịu kỳ quặt chợt đến trong lòng Hoàng, và hình ảnh khuôn mặt thật đơn sơ bình dị của Ngân bỗng hiện ra trong trí chàng. Ô hay, Hoàng tự nhủ, tại sao chàng lại nghĩ đến vợ trong lúc này.

Bước tới cạnh Diễm, Hoàng đọc được sự ngỡ ngàng của nàng khi nhìn cách ăn mặc giản dị đến độ rất ...bình dân của chàng. Hoàng mỉm cười cắt nghĩa: 

- Ngồi máy bay gần 20 tiếng, ai dại gì mà lên khung, áo bỏ thùng, phải không em ?

Nói xong chàng phá lên cười, Diễm cũng gượng gạo cười theo, nhưng ánh mắt nàng vẫn toát lên sự khó chịu, không bằng lòng. Cố lấy giọng tự nhiên, nàng nói :

- Đáng lý mời anh về nhà em, nhưng em bất ngờ có mấy đứa cháu từ quê lên chơi, cho nên em đã đặt phòng khách sạn cho anh. bây giờ anh muốn về hotel tắm rửa nghỉ ngơi, rồi tối em sẽ đón anh đi ăn, đi tham quan thành phố. 

Hoàng chưa kịp trả lời thì Diễm đã quay sang người tài xế taxi nãy giờ vẫn đứng im lặng chờ đợi, chàng ngạc nhiên khi giọng nói của Diễm trở nên sắc và lạnh :

- Mang hành lý ra xe, chở chúng tôi tới khách sạn, cho ông Hoàng vào, rồi chở tôi về nhà, khoảng 7 giờ tối ông quay lại đón ông Hoàng về nhà tôi.

Người đàn ông cúi đầu kính cẩn và đưa tay đón chiếc vali Hoàng đang đặt dưới đất, nhưng chàng giơ tay ngăn lại và bật cười nói : 

- Ông cứ để đó tôi mang cũng được, cảm ơn ông.

Hơi ngạc nhiên vì câu nói lịch sự nhã nhặn của Hoàng, người tài xế taxi khẽ cúi đầu nhưng ông cũng vừa nhìn thấy cái nhíu mày, mím môi không bằng lòng của Diễm.

Sau cái hôn phớt nhẹ trên tóc Diễm cùng câu cám ơn cho người tài xế, Hoàng kéo vali bước nhanh vào trong hotel. Chàng choáng váng vì sự trang hoàng xa hoa, lộng lẫy của khách sạn. Lúc nãy ngồi trên xe, chàng đã sững người khi nhìn thấy sự thay đổi không thể tưởng tượng nổi của đường phố Saigon. Chàng thầm nghĩ nếu chỉ nhìn VN qua sự hào nhoáng bên ngoài, đố ai dám đánh giá VN là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới ! Rồi chàng gần té ngửa khi nhìn tờ biên nhận của nhân viên khách sạn đưa cho chàng, trời đất, chàng suýt kêu lên, 175 dollars cho một ngày. Dĩ nhiên Hoàng đã ở những khách sạn đắt gấp mấy lần khách sạn này, nhưng đó là những thành phố lớn, mức sinh hoạt đắt đỏ, nhưng đây là VN, một nơi mà đôi khi chỉ 10 dollars cũng có thể nuôi sống một gia đình. Hoàng khẽ lắc đầu khi nghĩ đến Diễm.

Suốt tuần lễ sau đó, chàng và Diễm đã đi lang thang khắp đường phố Saigon, nhưng càng gần nàng, Hoàng càng cảm thấy sự cách biệt ngày một lớn hơn. Những lúc ngồi ăn ngoài vỉa hè, chàng thật xót xa, xúc động khi nhìn thấy những cụ già run run với xấp vé số trên tay cố mời chào mọi người mua. Chàng đã nghẹn ngào không thể nào thản nhiên tiếp tục ngồi ăn khi cạnh chàng là những đứa bé gầy guộc, lem luốc, đang chăm chăm chờ chàng buông đũa là nhào tới chụp những thức ăn còn sót lại trên đĩa, và bao giờ cũng vậy, chàng thường dúi vào tay những cụ già, các em bé đáng thương đó một ít tiền. 

Điều làm Hoàng buồn lòng vô cùng trước thái độ dửng dưng gần như vô cảm của Diễm đối với sự đau khổ bi thương của con người, và chàng lại nhớ đến Ngân. Ngày xưa khi các con còn bé, Ngân thường chở chúng đến những viện dưỡng lão cho các con đánh đàn, đọc chuyện, ca hát cho những cụ già cô độc không con cái thăm viếng. Vào tuần lễ Thanksgiving, Ngân thường thức trắng mấy đêm liền để làm hằng trăm chiếc bánh bông lan, chiên từng chảo cơm chiên thật đầy, rồi khệ nệ mang đến những trung tâm cho những người vô gia cư. Nhiều lần thấy vợ bận rộn với những công việc như thế, Hoàng đã cự nự :

- Em toàn lo làm những chuyện tào lao. Vô gia cư thì đã có chính phủ lo , mắc chi mà em vác cái nợ vào thân !.

Không chút giận hờn, Ngân chỉ nhỏ nhẹ nói :
- Em làm điều này là cho các con. Các cụ vẫn nói con gái nhờ đức cha , con trai nhờ đức mẹ mà anh !

Bây giờ xa cách nàng hơn nửa vòng trái đất, Hoàng chợt thảnh thốt nhận ra rằng chàng luôn nghĩ về vợ ngay cả những lúc có Diễm bên cạnh. Chàng nhớ từng cử chỉ từ tốn, nhẹ nhàng, giọng nói êm ái dịu dàng, và nhất là đức tính khoan dung, nhẫn nại, chịu đựng của Ngân. 

Sang đến tuần lễ thứ hai, do lời khẩn khoản mời mọc của vợ chồng cô cháu gái, Hoàng rời khách sạn về nhà cô ở tạm. Nơi đây, chàng lại chứng kiến một khía cạnh mới của cuộc sống lứa đôi. Hai vợ chồng cãi nhau suốt ngày, từ những chuyện rất vụn vặt chén bát để không đúng chỗ trong bếp của vợ, cho tới chuyện đi sớm về khuya của chồng. Chàng khẽ bật cười khi nhớ hai câu thơ rất hợp cho họ :

Tình chỉ đẹp khi còn dang dở 
Lấy nhau về ...nham nhở lắm em ơi !

Ngày đầu tiên mới dọn vào, nghe cãi vã suốt ngày, Hoàng muốn dọn ra ngay. Gia đình như một địa ngục, lúc nào cũng ầm ầm dầu sôi lửa bỏng, và chàng nhớ da diết đến căn nhà gọn gàng, ngăn nắp của chàng với khoảng không gian thật êm đềm, ấm cúng mà Ngân đã tạo ra cho chồng và các con. Hoàng chợt nhận ra chàng là người thật may mắn và diễm phúc có được một mái ấm gia đình, một người vợ chịu thương, chịu khó là Ngân.

Thắt lại dây an toàn, Hoàng sửa lại tư thế ngồi cho thoải mái hơn. Chàng đã đổi chuyến bay trở về Mỹ sớm hơn vài ngày. Hoàng nhắm mắt hồi tưởng lại buổi nói chuyện với Diễm đêm qua. Trên balcony nhà cô cháu gái, Diễm và chàng ngồi sát bên nhau, nhưng đôi tay Hoàng khoanh trước ngực, không choàng qua ôm nàng như mọi khi, hơi thoáng ngac nhiên, và chưa biết được những biến đổi, giao động trong lòng Hoàng mấy hôm nay, Diễm nói với một giọng thật tự tin, pha chút âm hưởng ra lệnh:

- Khi trở lại Mỹ , anh lo thủ tục ly dị càng nhanh càng tốt, nhà cửa, xe cộ. nói chung tài sản đều phải chia đôi hết. Rồi anh về bên này với em, mà em nói trước rồi nha, tính em rất thẳng, anh về đây mà còn léng phéng, em cho ra đường luôn đó.

Nói xong nàng bật cười khanh khách, nhưng Hoàng vẫn im lìm, chàng ngước mắt nhìn lên bầu trời đen thẫm chỉ lác đác vài đốm sao, chàng quay lại khẽ cầm tay Diễm lên, giọng chàng thật buồn :

- Anh về Mỹ nhưng sẽ không bao giờ quay trở lại VN, xin em hãy tha thứ cho anh, anh biết em sẽ oán hận, thù ghét anh, nhưng anh đành phải nói điều này, Hoàng ngập ngừng vài giây rồi nói tiếp, thật ra anh còn yêu vợ anh nhiều lắm. Tình yêu của anh và em hôm nay có lẽ chỉ là những rung động nhất thời từ những kỷ niệm xa xưa đưa đến, nhưng tình yêu của anh đối với Ngân là cả một chặng đường dài, và nhất là giữa anh và nàng còn nặng nghĩa phu thê, cái nghĩa vợ chồng này đã được vun xới và bồi đắp hơn 25 năm, Ngân đã đi bên anh suốt năm tháng dài đó, động viên an ủi mỗi khi anh gặp thất bại, cổ võ chia vui những lúc anh thành công. Anh cảm thấy anh NỢ nàng cả một cuộc đời.

Hoàng ngừng nói, giọng chàng nhuốm đầy xúc động. Diễm vẫn ngồi im không một phản ứng, bất ngờ nàng đứng bật dậy nghiến răng nói từng chữ :

- Rồi anh sẽ hối tiếc với quyết định sai lầm và rồ dại này .!

Sau câu nói đầy phẫn nộ , nàng xô ghế và bước ra ngoài.

Từ phi trường Hoàng vội vã gọi taxi về nhà. Quãng đường chỉ khoảng vài miles nhưng chàng cảm thấy dài vô tận, chàng hối hả dục dã người tài xế taxi có thể chạy nhanh hơn. Hoàng đã gọi và đã text cho Ngân cả chục lần nhưng nàng vẫn không trả lời. Bước vào nhà, không gian thật êm ả với mùi hương hoa ngọc lan quen thuộc khiến Hoàng thật sự bồi hồi xúc động, chàng cảm thấy như chàng vừa tìm lại được báu vật mà chàng đã đánh mất từ lâu, cảm giác này làm chàng rưng rưng muốn khóc. Ngân ngồi trong phòng khách, một thoáng ngạc nhiên khi nhìn thấy Hoàng, nàng hỏi :

- Em không nghĩ anh lại về nhà giờ này, gần 10 giờ đêm rồi, có điều gì bất ổn không anh ? 

- Anh có thật nhiều điều muốn nói với em, anh cần ...

Ngân nhẹ nhàng đứng lên, vẫn với một giọng dịu dàng :
- Vâng , nhưng anh cần tắm rửa, nghỉ ngơi và anh cần ăn một chút gì nữa chứ ?

Hoàng cảm động nhìn Ngân, vợ chàng đó, luôn ân cần, lo lắng, chu đáo và hiểu rõ những gì chàng muốn.

Bây giờ thì Hoàng cảm thấy thật an bình, thanh thản, điều mà suốt 2 tuần qua, đúng hơn suốt hơn 2 năm qua chàng không bao giờ có. Chàng đã từng ngụp lặn trong chiếc nôi êm ả hạnh phúc do tay Ngân vun xén trong suốt 25 năm mà chàng có nào hay biết, Nhưng vẫn chưa muộn, Hoàng vừa tự nhủ như thế vừa bước về phía phòng ngủ, Ngân đang đọc kinh, ngồi cạnh vợ, Hoàng lặng lẽ quan sát nàng, trên khuôn mặt khả ái nhưng thật đơn sơ đó đã bắt đầu ẩn hiện nhiều vết nhăn của thời gian, Hoàng biết những nếp nhăn đó không phải chỉ vì tuổi tác, mà một phần từ những đau khổ do chàng gây ra. Khẽ choàng tay qua ôm vai vợ, Hoàng chợt sửng sốt vì Ngân hình như gầy guộc hơn, và nhỏ bé hơn, trong vòng tay anh, Hoàng chua xót vì hiểu được nỗi đau của vợ, chàng tự nhủ chúng ta sẽ làm lại từ đầu em nhé.

Không muốn làm Ngân chia trí khi nàng đang cầu nguyện, Hoàng bước ra phía nhà bếp, chàng tin tưởng với sự nhiệt tâm hối cải của chàng, và nhất là với đức tính hiền hòa, dịu dàng, kiên nhẫn của Ngân, chàng sẽ có lại một mái gia đình thật êm ấm. Huýt gió một bản nhạc quen thuộc, Hoàng khe khẽ hát : ... Dù cho mưa, anh xin đưa em đến cuối cuộc đời ..."

Ngang qua phòng khách, chàng chợt nhìn thấy trên bàn một xấp hồ sơ mà Ngân đang đọc khi chàng bước vào nhà. Không dằn được lòng, chàng cầm xấp giấy tờ lên xem. Bây giờ Hoàng muốn ngã khụy, mắt chàng hoa lên, bàn tay run lẩy bẩy, tim chàng như muốn ngừng đập. Đây là xấp hồ sơ bịnh lý của Ngân, và vợ chàng đã bị ung thư máu, leukemia  với lời chuẩn đoán nàng chi còn hơn một năm nữa thôi !

Hoàng bước như chạy về phía phòng ngủ, dù chỉ cách vài bước chân nhưng sao chàng cảm thấy như dài hằng dặm. Trong phòng Ngân vẫn ngồi đọc sách, mái tóc dài nghiêng nghiêng đổ trên đôi vai thon gầy, dáng nàng thật nhẹ nhàng thanh thoát, nhưng cũng thật lẻ loi, cô độc. Hoàng quỳ sát bên vợ, giọng chàng khản đặc, tiếng nói chàng bi thương cùng cực :

- Anh không biết, anh không thể ngờ ... Hãy tha thứ cho anh, I am so sorry, anh rất tiếc, anh xin lỗi ...

Chàng nghẹn lời không nói tiếp. Ngước lên nhìn Hoàng bằng đôi mắt đen buồn sâu thẳm, Ngân dịu dàng nói, giọng nàng nhẹ như gió :

LOVE MEANS NEVER HAVING TO SAY YOU ARE SORRY !
YÊU CÓ NGHĨA KHÔNG BAO GIỜ PHẢI NÓI RẤT TIẾC !

No comments:

Blog Archive